Xử lý kết quả kiểm tra khi kiểm tra thực tế hàng hóa xuất nhập khẩu được quy định ra sao?
Xử lý kết quả kiểm tra khi kiểm tra thực tế hàng hóa xuất nhập khẩu được quy định tại Mục 2.6 Phần II Quyết định 4286/QĐ-TCHQ năm 2015 về quy trình kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất, nhập khẩu do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành, cụ thể như sau:
2.6.1. Trường hợp kiểm tra xuất xứ phù hợp với hồ sơ hải quan và kết quả kiểm tra thực tế (nếu có): công chức hải quan chấp nhận CTCNXX và hàng hóa được hưởng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt theo quy định.
2.6.2. Trường hợp có căn cứ nghi ngờ về tính hợp lệ của CTCNXX hoặc xuất xứ hàng hóa nhập khẩu, công chức hải quan thực hiện theo trình tự sau:
a) Công chức hải quan đề xuất Chi cục trưởng Chi cục Hải quan xem xét, phê duyệt gửi văn bản thông báo các nghi vấn của cơ quan hải quan và yêu cầu người khai hải quan giải trình/cung cấp thêm chứng từ chứng minh xuất xứ hàng hóa (nếu có). Thông báo thực hiện dưới hình thức điện tử trên hệ thống VNACCS hoặc dưới dạng văn bản.
Trường hợp có căn cứ nghi ngờ về tiêu chí xuất xứ, chứng từ cần thiết để chứng minh bao gồm:
- Đối với tiêu chí xuất xứ WO, PE: thông tin về nhà sản xuất, nơi sản xuất, quy trình sản xuất/nuôi trồng/đánh bắt/khai thác,...;
- Đối với tiêu chí xuất xứ CTC (CC, CTH, CTSH): tờ khai nhập khẩu nguyên liệu, quy trình sản xuất, bảng kê các nguyên vật liệu sản xuất;
- Đối với tiêu chí xuất xứ RVC: bảng kê các nguyên vật liệu sản xuất (gồm tên hàng, mã HS, xuất xứ nguyên vật liệu cấu thành sản phẩm, trị giá CIF hoặc giá tương đương của nguyên vật liệu), chi phí sản xuất, lợi nhuận;
- Đối với tiêu chí xuất xứ SP: bảng kê các nguyên vật liệu sản xuất, quy trình sản xuất.
b) Căn cứ giải trình/chứng từ chứng minh của người khai hải quan, Chi cục Hải quan thực hiện:
b.1) Trường hợp người khai hải quan giải trình/cung cấp chứng từ chứng minh, làm rõ các nghi ngờ và cơ quan hải quan có đủ cơ sở xác định xuất xứ thì xem xét cho hưởng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt theo quy định.
b.2) Trường hợp người khai hải quan không giải trình/cung cấp chứng từ chứng minh, hoặc nội dung giải trình và chứng từ chứng minh không đủ làm căn cứ để xác định tính hợp lệ của CTCNXX hoặc xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu thì tạm tính thuế theo mức thuế suất MFN hoặc thuế suất thông thường và gửi văn bản báo cáo Cục Hải quan tỉnh, thành phố.
c) Căn cứ hồ sơ do Chi cục Hải quan báo cáo, Cục Hải quan tỉnh, thành phố xem xét, hướng dẫn xử lý như sau:
c.1) Trường hợp đủ cơ sở giải quyết thì ban hành văn bản hướng dẫn Chi cục Hải quan, đồng thời thông báo cho người khai hải quan biết;
c.2) Trường hợp chưa đủ cơ sở giải quyết, Cục Hải quan tỉnh, thành phố báo cáo Tổng cục Hải quan kiểm tra, xác minh.
Thời hạn xem xét, trả lời tại cấp Cục chậm nhất là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo vướng mắc và đầy đủ hồ sơ liên quan của Chi cục Hải quan.
d) Căn cứ hồ sơ do Cục Hải quan tỉnh, thành phố báo cáo, Tổng Cục Hải quan xem xét, hướng dẫn xử lý như sau:
d.1) Trường hợp đủ cơ sở giải quyết thì trả lời ngay hoặc cung cấp thông tin/tài liệu để Cục Hải quan tỉnh, thành phố giải quyết.
Thời hạn xem xét, trả lời tại cấp Tổng cục chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo vướng mắc và đầy đủ hồ sơ liên quan của Cục Hải quan tỉnh, thành phố.
d.2) Trường hợp cần phải xác minh với cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu, Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về hải quan) sẽ có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu xác nhận tính xác thực của CTCNXX hoặc giải trình, làm rõ các nghi vấn về xuất xứ hàng hóa.
Thời hạn và thủ tục xác minh với cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu căn cứ vào quy định tại khoản 3 Điều 26 Thông tư số 38/2015/TT-BTC và các quy định của từng Hiệp định thương mại tự do liên quan.
d.3) Theo dõi các trường hợp gửi xác minh, hướng dẫn xử lý theo quy định tại các Hiệp định thương mại tự do và các văn bản liên quan.
đ) Trường hợp Tổng cục Hải quan không thỏa mãn với kết quả xác minh của cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu thì tiến hành kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa tại nước xuất khẩu (theo quy định về thủ tục điều tra, xác minh CTCNXX tại các Hiệp định thương mại tự do có liên quan) và đồng thời có văn bản thông báo cho Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi có vướng mắc để biết và trả lời người khai hải quan. Việc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa tại nước xuất khẩu được thực hiện như sau:
đ.1) Tổng cục Hải quan thông báo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu, người xuất khẩu hoặc người sản xuất có nhà xưởng sẽ bị kiểm tra trực tiếp, cơ quan hải quan của nước xuất khẩu, người nhập khẩu có hàng hóa cần phải kiểm tra về việc kiểm tra xác minh xuất xứ hàng hóa tại nước xuất khẩu;
đ.2) Văn bản thông báo nêu tại điểm đ.1 nêu trên phải có đầy đủ các nội dung sau:
- Tên của cơ quan Hải quan ra thông báo;
- Tên của Người xuất khẩu hoặc Người sản xuất có nhà xưởng bị kiểm tra trực tiếp;
- Ngày dự kiến đi kiểm tra trực tiếp;
- Phạm vi đề nghị kiểm tra, bao gồm cả dẫn chiếu liên quan đến hàng hóa chịu sự kiểm tra; và
- Tên và chức danh của cán bộ đi kiểm tra.
đ.3) Nhận được sự chấp thuận bằng văn bản của Người xuất khẩu hoặc Người sản xuất có nhà xưởng bị kiểm tra trực tiếp;
Trường hợp không nhận được văn bản chấp thuận kiểm tra của Người xuất khẩu hoặc người sản xuất trong vòng ba mươi (30) ngày kể từ khi nhận được thông báo, Tổng cục Hải quan có thể từ chối cho hưởng ưu đãi đối với sản phẩm cần phải chịu sự kiểm tra.
đ.4) Trường hợp cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu đề nghị trì hoãn việc kiểm tra trực tiếp tại cơ sở và thông báo cho Tổng cục Hải quan về việc trì hoãn đó thì việc kiểm tra cũng phải được thực hiện trong vòng sáu mươi (60) ngày kể từ ngày nhận được thông báo. Thời hạn này có thể kéo dài hơn trong trường hợp Tổng cục Hải quan thống nhất với cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu;
đ.5) Tổng cục Hải quan phải cung cấp cho Người xuất khẩu hoặc Người sản xuất và Tổ chức có thẩm quyền của nước xuất khẩu quyết định về việc kết luận sản phẩm được kiểm tra có đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ hay không;
đ.6) Việc tạm thời không cho hưởng ưu đãi sẽ bị hủy bỏ sau khi có quyết định bằng văn bản nêu tại điểm đ.5 cho thấy sản phẩm đó là hàng hóa có xuất xứ;
đ.7) Người xuất khẩu hoặc Người sản xuất có quyền đưa ra giải thích bằng văn bản hoặc cung cấp thêm thông tin để chứng minh về xuất xứ của sản phẩm trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày nhận được quyết định kết luận xuất xứ của sản phẩm. Nếu sản phẩm vẫn bị chứng minh là không có xuất xứ, quyết định cuối cùng sẽ được thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày nhận được giải thích hoặc thông tin bổ sung của Người xuất khẩu hoặc Người sản xuất;
đ.8) Thời hạn kiểm tra tối đa một trăm tám mươi (180) ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu nhận được thông báo kiểm tra của Tổng cục Hải quan, bao gồm việc đi kiểm tra thực tế, kết luận kiểm tra và thông báo kết quả cho cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu.
Trường hợp Hiệp định thương mại tự do có liên quan quy định khác về thời hạn và thủ tục tiến hành kiểm tra tại nước xuất khẩu thì thực hiện theo quy định tại Hiệp định.
e) Thông báo kết quả xác minh
Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả xác minh, Tổng cục Hải quan thông báo tới Cục Hải quan tỉnh, thành phố và/hoặc người khai hải quan.
e.1) Chấp nhận CTCNXX đối với trường hợp kết quả xác minh đáp ứng các yêu cầu của cơ quan hải quan;
e.2) Từ chối CTCNXX đối với trường hợp kết quả xác minh cho thấy CTCNXX không hợp lệ hoặc không đáp ứng các yêu cầu của cơ quan hải quan. Thủ tục từ chối thực hiện theo quy định tại Mục 2.6.3 dưới đây.
2.6.3. Trường hợp có căn cứ xác định hàng hóa không đủ điều kiện hưởng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt, thủ tục từ chối thực hiện như sau:
a) Đối với C/O bản giấy:
a.1) Ghi rõ lý do từ chối và ký tên, đóng dấu công chức trên C/O;
a.2) Gửi trả lại bản gốc C/O và văn bản thông báo về việc từ chối C/O tới người khai hải quan, đồng thời hướng dẫn người khai hải quan liên hệ với người xuất khẩu để yêu cầu cơ quan cấp C/O xử lý theo quy định;
a.3) Thực hiện các thủ tục về thuế hải quan theo quy định.
b) Đối với C/O được truyền dưới dạng dữ liệu điện tử:
Thông báo về việc từ chối C/O thông qua Hệ thống. Trường hợp không thể thực hiện thông qua Hệ thống thì báo cáo Tổng cục Hải quan để thông báo bằng văn bản chính thức tới cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu.
c) Đối với Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ:
c.1) Gửi văn bản thông báo ghi rõ lý do việc từ chối chứng từ tự chứng nhận xuất xứ tới người khai hải quan, đồng thời báo cáo lên Cục Hải quan/Tổng cục Hải quan;
c.2) Tổng cục Hải quan tổng hợp các trường hợp từ chối và thông báo tới cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu theo quy định của các Hiệp định có liên quan.
Trên đây là nội dung về việc xử lý kết quả kiểm tra khi kiểm tra thực tế hàng hóa xuất nhập khẩu. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Quyết định 4286/QĐ-TCHQ năm 2015.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Giá tính thuế GTGT đối với hàng hóa dịch vụ chỉ chịu thuế bảo vệ môi trường là giá nào?
- Lịch thi Violympic cấp huyện 2024 - 2025 chi tiết nhất? Còn mấy ngày nữa thi?
- Còn bao nhiêu ngày nữa tới mùng 2 Tết 2025? Lịch âm tháng 1 2025 có mấy ngày chủ nhật?
- Tháng 12 âm lịch 2024 là tháng con gì? Tháng 12 âm lịch 2024, NLĐ được nghỉ Tết Dương lịch 2025 chưa?
- Tiền thưởng Tết 2025 của người lao động có tính đóng bảo hiểm xã hội không?