Đăng ký kết hôn có phải đóng tiền không?
Về vấn đề này, tại Điểm b Khoản 1 Điều 11 Luật Hộ tịch 2014 quy định như sau:
"Điều 11. Lệ phí hộ tịch
1. Miễn lệ phí đăng ký hộ tịch trong những trường hợp sau:
a) Đăng ký hộ tịch cho người thuộc gia đình có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; người khuyết tật;
b) Đăng ký khai sinh, khai tử đúng hạn, giám hộ, kết hôn của công dân Việt Nam cư trú ở trong nước."
Cùng với đó, tại Điểm c Khoản 2 Điều 5 Thông tư 250/2016/TT-BTC hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành có quy định như sau:
"Điều 5. Căn cứ xác định mức thu lệ phí
.......
2. Đối với các khoản lệ phí
........
c) Lệ phí hộ tịch là khoản thu đối với người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các công việc về hộ tịch theo quy định của pháp luật.
Lệ phí hộ tịch đối với việc đăng ký hộ tịch tại từng cấp quản lý như sau:
+ Đối với việc đăng ký hộ tịch tại Ủy ban nhân dân cấp xã, gồm: Khai sinh (bao gồm: đăng ký khai sinh không đúng hạn, đăng ký lại khai sinh, đăng ký khai sinh cho người đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân); khai tử (bao gồm: đăng ký khai tử không đúng hạn, đăng ký lại khai tử); kết hôn (đăng ký lại kết hôn); nhận cha, mẹ, con; thay đổi, cải chính hộ tịch cho người chưa đủ 14 tuổi cư trú ở trong nước; bổ sung hộ tịch cho công dân Việt Nam cư trú ở trong nước; cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; xác nhận hoặc ghi vào sổ hộ tịch các việc hộ tịch khác; đăng ký hộ tịch khác.
+ Đối với việc đăng ký hộ tịch tại Ủy ban nhân dân cấp huyện, gồm: Khai sinh (bao gồm: đăng ký khai sinh đúng hạn, không đúng hạn, đăng ký lại khai sinh, đăng ký khai sinh cho người đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân); khai tử (bao gồm: đăng ký khai tử đúng hạn, không đúng hạn, đăng ký lại khai tử); kết hôn (bao gồm: đăng ký kết hôn mới, đăng ký lại kết hôn); giám hộ, chấm dứt giám hộ; nhận cha, mẹ, con; thay đổi, cải chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước; xác định lại dân tộc; thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch có yếu tố nước ngoài; ghi vào sổ hộ tịch việc hộ tịch của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài; đăng ký hộ tịch khác."
Từ hai quy định trên có thể hiểu như sau:
- Đối với việc đăng ký kết hôn giữa những người thuộc gia đình có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo hoặc người khuyết tật thì được miễn lệ phí hộ tịch. Tức không phải đóng tiền khi đăng ký kết hôn.
- Đối với việc đăng ký kết hôn giữa những công dân Việt Nam đang cư trú ở trong nước (tức việc đăng ký được thực hiện tại Ủy Ban nhân dân cấp xã) thì cũng được miễn lệ phí hộ tịch trừ trường hợp đăng ký lại kết hôn theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 5 Thông tư 250/2016/TT-BTC.
- Đối với trường hợp đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài hay việc đăng ký kết hôn được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp huyện quy định tại Điều 37 Luật Hộ tịch 2014 thì không được miễn lệ phí hộ tịch, tức phải đóng tiền khi đăng ký kết hôn.
Dựa vào những tư vấn trên, bạn có thể xem việc đăng ký kết hôn của mình thuộc vào trường hợp nào để biết được là khi đăng ký kết hôn có phải đóng lệ phí (tiền) hay không.
Trên đây là câu trả lời về vấn đề có phải đóng tiền khi đăng ký kết hôn hay không. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về vấn đề này tại Luật hộ tịch 2014.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Học sinh được nghỉ bao nhiêu ngày Tết 2025? Học kỳ 2 năm học 2024 - 2025 bắt đầu khi nào?
- Tên gọi Hà Nội có từ khi nào? Phía Bắc Thủ đô Hà Nội tiếp giáp với tỉnh thành nào?
- Còn bao nhiêu ngày thứ 2 nữa đến Tết 2025? Đếm ngược ngày Tết Âm lịch 2025?
- Trường công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có được phép chuyển sang thuê đất thu tiền hằng năm để kinh doanh không?
- Từ 1/1/2025, tài liệu ôn luyện kiểm tra phục hồi điểm GPLX được đăng tải trên đâu?