Điều kiện hưởng lương hưu đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
Điều kiện hưởng lương hưu đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định tại Điều 6 Nghị định 115/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau:
- Người lao động từ đủ 50 tuổi trở lên khi nghỉ việc và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò được hưởng lương hưu theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội. Công việc khai thác than trong hầm lò do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.
- Người lao động bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao, đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm trở lên thì được hưởng lương hưu.
Ngoài ra, nội dung này còn được hướng dẫn cụ thể tại Điều 15 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH như sau:
1. Người lao động từ đủ 50 tuổi trở lên khi nghỉ việc được hưởng lương hưu nếu có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Người lao động nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà trong đó có tổng thời gian làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành và thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu.
Ví dụ 19: Ông N có 30 năm đóng bảo hiểm xã hội, trong đó từ tháng 01/1998 đến tháng 12/2007 làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; từ tháng 01/2008 đến tháng 3/2016 ông N chuyển địa điểm làm việc đến nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 (vẫn làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm). Ông N nghỉ việc từ tháng 4/2016, khi ông đủ 57 tuổi.
Trường hợp ông N có tổng thời gian làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên là 18 năm 03 tháng (từ tháng 01/1998 đến tháng 12/2007 và từ tháng 01/2008 đến tháng 3/2016). Tại thời điểm nghỉ việc, ông N đủ điều kiện hưởng lương hưu, không cần điều kiện phải suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
3. Điều kiện hưởng lương hưu đối với lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật bảo hiểm xã hội, được hướng dẫn cụ thể như sau:
a) Việc xác định là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn được căn cứ vào thời điểm trước khi nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội;
b) Thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm là thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Ví dụ 20: Bà Th có quá trình công tác từ tháng 01/1998 làm giáo viên dạy cấp 1 đến tháng 4/2012 chuyển sang làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ở cấp xã. Bà Th đủ 55 tuổi, nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội từ tháng 4/2016.
Trường hợp bà Th tại thời điểm trước khi nghỉ việc là nữ cán bộ chuyên trách cấp xã (Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ở cấp xã), có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 18 năm 3 tháng. Bà Th đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật bảo hiểm xã hội.
Ví dụ 21: Bà Q là người hoạt động không chuyên trách ở xã, tại thời điểm đủ 55 tuổi bà Q có 18 năm đóng bảo hiểm xã hội (trong đó có 4 năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện).
Trường hợp bà Q khi đủ 55 tuổi, không đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nên không thuộc đối tượng được hưởng lương hưu theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật bảo hiểm xã hội. Bà Q có thể lựa chọn đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện một lần cho 02 năm còn thiếu để được hưởng lương hưu hoặc nhận bảo hiểm xã hội một lần theo quy định.
4. Người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc còn thiếu tối đa 06 tháng thì người lao động được lựa chọn đóng một lần cho số tháng còn thiếu với mức đóng hằng tháng bằng tổng mức đóng của người lao động và người sử dụng lao động theo mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ việc vào quỹ hưu trí và tử tuất để hưởng lương hưu. Người lao động được hưởng lương hưu tại tháng đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu và đã đóng đủ bảo hiểm xã hội cho số tháng còn thiếu.
Ví dụ 22: Ông C sinh tháng 3/1956, làm việc trong điều kiện bình thường, đến hết tháng 3/2016 ông C có 19 năm 7 tháng đóng bảo hiểm xã hội. Trường hợp ông C được đóng bảo hiểm xã hội một lần cho 5 tháng còn thiếu. Tháng 4/2016, ông C đóng một lần cho 5 tháng còn thiếu cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Ông C được hưởng lương hưu từ tháng 4/2016.
Trường hợp ông C nêu trên mà đến tháng 7/2016 mới đóng bảo hiểm xã hội một lần đủ cho 5 tháng còn thiếu thì được hưởng lương hưu từ tháng 7/2016.
Ví dụ 23: Ông H sinh tháng 3/1963, có 19 năm 6 tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; tháng 3/2016 ông H được Hội đồng Giám định y khoa kết luận suy giảm khả năng lao động 63%. Như vậy, ông H đã đủ điều kiện về tuổi và mức suy giảm khả năng lao động để hưởng lương hưu nhưng còn thiếu 6 tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, ông H được đóng tiếp bảo hiểm xã hội bắt buộc 6 tháng. Tháng 4/2016, ông H đóng một lần cho 6 tháng còn thiếu. Thời điểm hưởng lương hưu đối với ông H được tính từ tháng 4/2016.
Trên đây là nội dung quy định về điều kiện hưởng lương hưu đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 115/2015/NĐ-CP.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lịch bắn pháo hoa Tết Âm lịch 2025 TP Hà Nội?
- Tốt nghiệp THPT năm 2025 giảm môn thi từ 06 môn còn 04 môn đúng không?
- Tháng 12 âm lịch 2024 là tháng mấy dương lịch? Xem lịch âm Tháng 12 2024 chi tiết?
- Tỉnh Bình Định có đường bờ biển dài bao nhiêu km? Tỉnh Bình Định mấy sân bay?
- Năm 2025 có bao nhiêu ngày? Lịch vạn niên 2025 - Xem lịch âm dương?