Chấm thi trong kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam
Theo quy định tại Điều 21 Thông tư 23/2017/TT-BGDĐT (có hiệu lực ngày 15/11/2017) về Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thì nội dung này được quy định như sau:
1. Yêu cầu chung:
a) Việc chấm thi do Hội đồng thi thực hiện tại một khu vực an toàn, biệt lập, có camera giám sát được toàn bộ diễn biến trong quá trình chấm thi; có bảo vệ và có cán bộ thanh tra giám sát; trường hợp cần thiết mời thêm công an để bảo vệ và giám sát;
b) Trước khi chấm thi viết, thi nói (trừ trường hợp thi kỹ năng nói trực tiếp), Trưởng Ban Chấm thi tập trung toàn bộ cán bộ chấm thi để thảo luận, nắm vững hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm và chấm chung ít nhất 10 bài thi để rút kinh nghiệm, thống nhất cách vận dụng hướng dẫn chấm;
c) Các thành viên Ban Chấm thi tuân thủ sự phân công của Trưởng Ban Chấm thi, bảo đảm chấm theo đúng hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm của kỳ thi. Mỗi bài thi viết, thi nói phải được hai cán bộ chấm thi chấm độc lập ở hai nơi cách biệt nhau (trừ trường hợp thi kỹ năng nói trực tiếp). Quy trình chấm 2 vòng độc lập áp dụng như quy định tại Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia hiện hành;
d) Xử lí kết quả chấm và làm biên bản chấm thi:
- Điểm của từng bài thi được làm tròn đến 0,5 điểm theo thang điểm 10 (từ 0,25 đến dưới 0,75 làm tròn thành 0,5; từ 0,75 đến dưới 1,25 làm tròn thành 1,0);
- Trường hợp chênh nhau dưới 1,0 điểm thì hai cán bộ chấm thi thống nhất lấy điểm trung bình cộng của 02 cán bộ chấm thi làm điểm bài thi;
- Trường hợp điểm của hai cán bộ chấm thi chênh nhau 1,0 điểm trở lên thì hai cán bộ chấm thi phải chấm lại. Nếu chấm lại vẫn không thống nhất thì báo cáo Trưởng Ban Chấm thi xem xét, quyết định;
đ) Bảng ghi điểm theo số phách nộp cho Ban Thư ký phải có chữ ký của hai cán bộ chấm thi và Trưởng Ban Chấm thi;
e) Ban Thư ký có nhiệm vụ ghép phách và hồi phách đảm bảo chính xác, bảo mật.
2. Đối với chấm bài thi trên giấy:
a) Các bài thi viết do cán bộ chấm thi thực hiện;
b) Các kỹ năng thi làm bài trên phiếu trả lời trắc nghiệm phải được chấm hoàn toàn bằng máy với phần mềm chuyên dụng:
- Tại khu vực chấm thi có 01 Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm do Chủ tịch Hội đồng thi thành lập và chịu sự điều hành trực tiếp của Trưởng Ban Chấm thi;
- Thành phần Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm: Tổ trưởng là lãnh đạo Ban Chấm thi; các thành viên là cán bộ và kỹ thuật viên; bộ phận giám sát do Chủ tịch Hội đồng thi phân công và cán bộ thanh tra;
- Toàn bộ quá trình chấm thi, tư khi mơ niêm phong tui đựng phiếu trả lời trắc nghiệm đến khi kết thúc chấm thi, phải được giám sát trực tiếp và liên tục. Các thành viên tham gia Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm không được mang theo bút chì, tẩy vào phòng chấm thi và không được sửa chữa, thêm bớt vào phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh với bất kỳ lí do gì. Mọi hiện tượng bất thường đều phải báo cáo ngay cho bộ phận giám sát và Tổ trưởng để cùng xác nhận và ghi vào biên bản. Tất cả phiếu trả lời trắc nghiệm sau khi đã chấm và phiếu thu bài thi được niêm phong, lưu giữ và bảo mật;
- Ngay sau khi kết thúc quá trình chấm, phải lưu các tệp dữ liệu xử lý và chấm thi trắc nghiệm chính thức vào đĩa CD và niêm phong, giao lại cho Chủ tịch Hội đồng thi lưu giữ.
3. Đối với chấm thi trên máy vi tính: Các cán bộ và kỹ thuật viên của đơn vị tổ chức thi được tham gia chấm thi trên máy vi tính với các phần mềm chuyên dụng; các kỹ năng thi làm bài theo hình thức trắc nghiệm được chấm tự động bởi chương trình phần mềm, các kỹ năng thi theo hình thức khác được chấm bởi cán bộ chấm thi; quy trình ghép phách và hồi phách được thực hiện bằng phần mềm, dưới sự chỉ đạo và giám sát của Chủ tịch Hội đồng thi.
4. Đối với chấm thi nói trực tiếp:
a) Mỗi cán bộ chấm thi ghi riêng điểm dự kiến cho từng thí sinh ngay sau khi thí sinh kết thúc phần thi nói. Khi thí sinh cuối cùng đã thi xong, các cán bộ chấm thi thảo luận và thống nhất điểm thi nói của từng thí sinh. Trường hợp định dạng đề thi chỉ cần một cán bộ chấm thi trực tiếp thì phải bố trí ít nhất một cán bộ chấm thi khác chấm qua dữ liệu ghi âm bài thi của thí sinh;
b) Điểm thi nói của thí sinh phải được ghi vào biên bản chấm thi nói và có đầy đủ chữ ký, họ tên của các cán bộ chấm thi.
5. Đối với chấm thi nói qua dữ liệu ghi âm bài thi của thí sinh:
a) Dữ liệu thi nói của từng thí sinh được mã hóa, đánh phách mới theo quy trình của phần mềm chuyên dụng;
b) Các cán bộ chấm thi chấm bài thi nói của từng thí sinh và cho điểm theo số phách. Bảng ghi điểm theo số phách nộp cho Ban Thư ký phải có chữ ký của cán bộ chấm thi và Trưởng Ban Chấm thi;
c) Trưởng Ban Chấm thi cùng kỹ thuật viên có nhiệm vụ ghép phách và hồi phách trên máy vi tính theo quy trình của phần mềm chuyên dụng.
6. Đối với chấm thi viết và thi nói trên máy vi tính:
a) Dữ liệu thi viết và thi nói của từng thí sinh được mã hóa, đánh phách mới theo quy trình của phần mềm chuyên dụng;
b) Các cán bộ chấm thi chấm bài thi viết, thi nói và cho điểm theo số phách. Bảng ghi điểm theo số phách nộp cho Ban Thư ký phải có chữ ký của hai cán bộ chấm thi và Trưởng Ban Chấm thi;
c) Trưởng Ban Chấm thi cùng kỹ thuật viên có nhiệm vụ ghép phách và hồi phách trên máy vi tính theo quy trình của phần mềm chuyên dụng.
7. Phân tích kết quả thi
Sau khi có điểm thi của cả 4 kỹ năng thi, Ban Thư ký tổng hợp và phân tích kết quả thi; kiến nghị về sự bất thường trong kết quả làm bài của thí sinh (nếu có), đề xuất Chủ tịch Hội đồng thi xử lý, tổ chức chấm thêm một vòng độc lập (nếu cần).
Trên đây là nội dung tư vấn về chấm thi trong kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 23/2017/TT-BGDĐT.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lịch âm 2025, Lịch vạn niên 2025, Lịch 2025: Chi tiết, đầy đủ nhất cả năm 2025?
- Hồ sơ đăng ký hành nghề công tác xã hội tại Việt Nam đối với người nước ngoài gồm những gì?
- Căn cứ thành lập, tổ chức lại các phòng chức năng, các khoa chuyên môn, các trạm y tế xã và các tổ chức khác thuộc Trung tâm Y tế huyện?
- Mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường theo Nghị định 148?
- Từ 01/01/2025, tiêu chuẩn của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông là gì?