Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính trong quản lý nhà nước về tài sản công
Ngày 01/01/2018, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 chính thức có hiệu lực. Theo đó, tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tài sản công tại doanh nghiệp; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác.
Đối với vấn đề bạn thắc mắc, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính trong quản lý nhà nước về tài sản công được quy định tại Điều 15 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 như sau:
1. Là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tài sản công.
2. Chủ trì xây dựng, trình cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về:
a) Chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; việc phân cấp thẩm quyền quyết định trong quản lý, sử dụng tài sản công;
b) Tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, xe ô tô, tài sản công của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự, cơ quan đại diện tại tổ chức quốc tế theo quy định của pháp luật về cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài và cơ quan, tổ chức, đơn vị khác của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi là cơ quan Việt Nam ở nước ngoài), máy móc, thiết bị và các tài sản công được sử dụng phổ biến tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, trừ nhà ở công vụ và tài sản đặc biệt tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân;
c) Chế độ quản lý tài chính đối với đất đai, tài nguyên; chế độ quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại doanh nghiệp; chế độ quản lý, sử dụng tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước và tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước.
3. Tham gia với Bộ, cơ quan ngang Bộ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về chế độ quản lý, sử dụng và tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ đó.
4. Thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu đối với tài sản công theo quy định của pháp luật và phân cấp của Chính phủ; ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý, sử dụng tài sản công trong phạm vi được phân công; công khai tài sản công của cả nước.
5. Tổ chức xây dựng, quản lý, vận hành Hệ thống thông tin về tài sản công và Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công; tổng hợp số liệu, tình hình quản lý, sử dụng tài sản công; thực hiện công tác thống kê, phân tích, dự báo về tài sản công.
6. Tổng hợp, trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội tình hình quản lý, sử dụng tài sản công.
7. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về tài sản công, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật và phân công của Chính phủ.
8. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác được quy định tại Luật này, pháp luật có liên quan và phân cấp của Chính phủ.
Trên đây là nội dung tư vấn về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính trong quản lý nhà nước về tài sản công. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 để hiểu rõ nội dung này.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tải toàn bộ Phụ lục Thông tư 91/2024 chế độ báo cáo thống kê ngành Tài chính từ 1/3/2025?
- 14/2 là valentine trắng hay đen? 14 tháng 2 là ngày của con trai hay con gái?
- Xe máy điện không gương 2025 có bị phạt không? Phạt bao nhiêu tiền?
- Từ ngày 01/7/2025, chi phí thù lao cho bào chữa viên nhân dân là bao nhiêu?
- 26 tháng 1 âm lịch là ngày mấy dương 2025? Thắp hương không đúng nơi quy định vào dịp lễ hội 26 tháng 1 âm bị xử phạt bao nhiêu tiền?