Giao giấy triệu tập cho người làm chứng trong vụ án hình sự bằng cách nào?

Phương thức giao giấy triệu tập cho người làm chứng trong vụ án hình sự được quy định thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Em là sinh viên khoa Luật, trường Đại học Vinh Hiện tại, em đang làm bài tiểu luận về thành phần các chủ thể tham gia vào quá trình giải quyết vụ án hình sự. Trong đó, người làm chứng đóng vai trò hết sức quan trọng đối với việc làm rõ tinh tiết vụ án. Em được biết, một trong những nghĩa vụ của người làm chứng là phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Vậy, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng giao giấy triệu tập cho người làm chứng thông qua phương thức nào? Vấn đề này em có thể xem thêm tại đâu? Rất mong Ban biên tập hỗ trợ giúp em.Cảm ơn các anh chị rất nhiều! Hồ Diệu Huyền (huyen***@gmail.com)

Các phương thức giao  giấy triệu tập người làm chứng trong vụ án hình sự được quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 185 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Cụ thể như sau:

Việc giao giấy triệu tập được thực hiện như sau:

a) Giấy triệu tập được giao trực tiếp cho người làm chứng hoặc thông qua chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người làm chứng cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người làm chứng làm việc, học tập. Trong mọi trường hợp, việc giao giấy triệu tập phải được ký nhận. Chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người làm chứng cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người làm chứng làm việc, học tập có trách nhiệm tạo điều kiện cho người làm chứng thực hiện nghĩa vụ;

b) Giấy triệu tập người làm chứng dưới 18 tuổi được giao cho cha, mẹ hoặc người đại diện khác của họ;

c) Việc giao giấy triệu tập người làm chứng theo ủy thác tư pháp của nước ngoài được thực hiện theo quy định tại khoản này và Luật tương trợ tư pháp.

4. Trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên có thể triệu tập người làm chứng để lấy lời khai. Việc triệu tập người làm chứng được thực hiện theo quy định tại Điều này.

Về nội dung, giấy triệu tập người làm chứng ghi rõ họ tên, chỗ ở hoặc nơi làm việc, học tập của người làm chứng; giờ, ngày, tháng, năm và địa điểm có mặt; mục đích và nội dung làm việc, thời gian làm việc; gặp ai và trách nhiệm về việc vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.

Việc quy định giấy triệu tập được giao trực tiếp cho người làm chứng, điều đó có nghĩa là cơ quan hay người tiến hành tố tụng đã có quyết định triệu tập người làm chứng phải bảo đảm để người làm chứng hoặc được nhìn thấy và được đọc hoặc được nghe người khác đọc toàn văn giấy triệu tập.

- Có thể được coi là giao trực tiếp trong trường hợp người làm chứng có những khiếm khuyết về tinh thần hoặc thể chất, giấy triệu tập được giao cho người đại diện hợp pháp của họ.

- Trường hợp không giao trực tiếp được, thì có thể thông qua chính quyền xã phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người làm chứng cư trú hoặc làm việc để chuyển giấy triệu tập.

- Các cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm tạo điều kiện cho người làm chứng thực hiện nghĩa vụ.

Thêm vào đó, trong mọi trường hợp, việc giao giấy triệu tập phải được ký nhận. Tuy nhiên lại không quy định cụ thể đó là chữ ký của ai và chữ ký đó được ký trên văn bản, giấy tờ nào. Thực tiễn cho thấy, trường hợp giấy triệu tập được giao trực tiếp thì người nhận giấy phải ký biên nhận. Trường hợp thông qua chính quyền xã phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người làm chứng cư trú hoặc làm việc thì cần có chữ ký của người đại diện cơ quan chính quyền xã phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người làm chứng cư trú hoặc làm việc. Điều này phù hợp với quy định trong điều luật về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức đó phải tạo điều kiện cho người làm chứng thực hiện nghĩa vụ. Người đưa giấy triệu tập có thể yêu cầu ký nhận vào sổ biên nhận. Tuy nhiên, để bảo đảm tính hợp pháp, chặt chẽ, thì chính quyền xã phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người làm chứng cư trú hoặc làm việc khi giao giấy triệu tập cho người làm chứng phải yêu cầu người làm chứng ký xác nhận.

Trường hợp người làm chứng chưa đủ 16 tuổi, giấy triệu tập được giao cho cha, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp khác của họ và những người này phải ký nhận.

Điều luật này cũng quy định riêng một khoản cho trường hợp Kiểm sát viên triệu tập người làm chứng, bởi trong quá trình tố tụng, việc triệu tập người làm chứng chủ yếu do Điều tra viên (giai đoạn trước khi xét xử) hoặc Toà án (giai đoạn xét xử, theo quy định tại Điều 66) tiến hành. Trong quá trình đó, Kiểm sát viên chỉ triệu tập trong những trường hợp đặc biệt khi Viện kiểm sát khởi tố và tiến hành điều tra đối với vụ án hình sự để thực hiện chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp và khi Kiểm sát viên triệu tập người làm chứng vẫn phải thực hiện theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Trên đây là nội dung tư vấn về các phương thức giao giấy triệu tập người làm chứng trong vụ án hình sự. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
263 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào