Lập biên bản khi giữ giấy phép lái xe
Thứ nhất, về mức phạt của bạn trong trường hợp này.
Theo thông tin bạn cung cấp, bạn có hành vi điều khiển xe máy trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn ở mức 0,35ml/ lit khí thở. Theo quy định tại khoản 8 Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, hành vi của bạn sẽ bị xử phạt như sau:
"Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở"
Như vậy, theo khoản 6 điều này, trong trường hợp của bạn mức tiền phạt sẽ là từ 1 000 000 đồng đến 2 000 000 đồng. Bên cạnh đó, điểm b khoản 12 Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định, ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung. Trong trường hợp của bạn, hình phạt bổ sung sẽ là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng. Như vậy, việc cơ quan có thẩm quyền xử phạt bạn với mức tiền phạt 1 500 000 đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 02 tháng với hành vi nêu trên là đúng với Nghị định 46/2016/NĐ-CP.
Thứ hai, việc xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản của cơ quan công an.
Theo thông tin bạn cung cấp, bạn bị xử phạt hành chính vì hành vi vi phạm giao thông và hình thức xử phạt ở đây là phạt tiền và tạm giữ giấy phép lái xe. Tuy nhiên, cơ quan công an tiến hành thu tiền phạt, giữ giấy phép lái xe của bạn mà không có biên bản. Theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, việc xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp sau:
" Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.
Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản".
Như vậy, pháp luật quy định xử phạt vi phạm hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 250 000 đồng đến 500 000 đồng. Các trường hợp xử phạt còn lại, cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành lập biên bản xử phạt theo quy định tại Điều 57 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012. Theo đó:
"1. Xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không thuộc trường hợp quy định tại đoạn 1 khoản 1 Điều 56 của Luật này.
2. Việc xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản phải được người có thẩm quyền xử phạt lập thành hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính. Hồ sơ bao gồm biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt hành chính, các tài liệu, giấy tờ có liên quan và phải được đánh bút lục.
Hồ sơ phải được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ".
Trong trường hợp của bạn, mức tiền phạt trên 250 000 đồng nên cơ quan tiến hành xử phạt phải lập biên bản xử phạt hành chính theo đúng quy định của pháp luật.
Điểm c khoản 3 Điều 77 Nghị định 46/2016/NĐ-CP cũng quy định: " Khi tạm giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tước quyền sử dụng theo quy định tại Điểm b Khoản này và khi trả giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tước quyền sử dụng theo quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này, người có thẩm quyền xử phạt phải lập biên bản và lưu hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính".Như vậy, việc cơ quan công an thu tiền phạt với mức tiền trên 250 000 đồng và tạm giữ giấy phép lái xe mà không lập biên bản trong trường hợp này là trái với quy định của pháp luật.
Thứ ba, về vấn đề tham gia điều khiển giao thông khi bị tạm giữ giấy phép lái xe.
Điều 25 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định về tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn, trong đó khoản 1 quy định: " Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn là hình thức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng các hoạt động được ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề". Khoản 4 Điều 77 Nghị định 46/2016/NĐ-CP cũng quy định:"Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, nếu cá nhân, tổ chức vẫn tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề thì bị xử phạt như hành vi không có giấy phép, chứng chỉ hành nghề".
Theo quy định trên thì người điều khiển phương tiện giao thông không được điều khiển phương tiện khi bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe. Trong trường hợp người bị tước giấy phép lái xe vẫn tham gia điều khiển giao thông trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe thì bị xử phạt như hành vi không có giấy phép lái xe quy định tại khoản 5 Điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về lập biên bản khi giữ giấy phép lái xe. Bạn nên tham khảo chi tiết Nghị định 46/2016/NĐ-CP để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tháng 11 âm lịch 2024 có bao nhiêu ngày? Tháng 11 âm lịch 2024 bắt đầu ngày mấy dương?
- Thẻ trợ giúp viên pháp lý được cấp lại trong trường hợp nào?
- Người được miễn đào tạo nghề luật sư là ai?
- Bảng lương của Thống kê viên trung cấp hiện nay là bao nhiêu?
- Đơn vị đo cường độ dòng điện là gì? Có ký hiệu là gì?