Quy định về tội tham ô tài sản thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 278 Bộ luật hình sự

Quy định về tội tham ô tài sản thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 278 Bộ luật hình sự?

Tội tham ô tài sản thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 278 Bộ luật hình sự là những tội phạm có khung hình phạt từ bảy đến mười lăm năm tù. Cụ thể như sau:
 
a) Có tổ chức
 
Cúng tương tự như các trường hợp phạm tội có tổ chức khác, tham ô tài sản có tổ chức là trường hợp có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Tuy nhiên, không phải vụ án tham ô tài sản có tổ chức nào cũng có đủ những người giữ vai trò như trên, mà tùy từng trường hợp có thể chỉ có người tổ chức và người thực hành mà không có người xúi giục hoặc người giúp sức, nhưng nhất định phải có người tổ chức và người thực hành thì mới là phạm tội có tổ chức.
 
Các yếu tố để xác định phạm tội có tổ chức được quy định tại Điều 20 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, phạm tội tham ô tài sản có tổ chức có những đặc điểm riêng như sau:
 
Người thực hành trong vụ án tham ô có tổ chức phải là người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản như: thủ quỹ lấy tiền trong két, sửa chữa sổ sách; kế toán viết phiếu thu chi khống, sửa chữa sổ sách hoặc xác nhận các phiếu thu chi khống để hợp thức hóa việc chiếm đoạt tài sản.
 
Tham ô có tổ chức thường khó bị phát hiện, vì việc thu, chi khống đã được hợp thức hóa bằng một hệ thống sổ sách, hóa đơn chứng từ. Chỉ khi nào một trong những người đồng phạm tố giác thì sự việc mới bị phát hiện.
 
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm
 
Dùng thủ đoạn xảo quyệt khi thực hiện hành vi tham ô tài sản là trường hợp người phạm tội có những mánh khóe, cách thức thâm hiểm làm cho cơ quan, tổ chức, người quản lý tài sản và những người khác khó lường trước để đề phòng như: thủ quỹ, kế toán sửa chữa sổ sách để chiếm đoạt tài sản bằng các hóa chất rất khó phát hiện hoặc sau khi đã chiếm đoạt được tài sản người phạm tội tạo hiện trường giả như phá khóa cửa tạp vụ trộm cắp giả, giả vờ bị cướp, bị cướp giật, bị trộm cắp ... để che giấu cho hành vi tham ô của mình.
 
Dùng thủ đoạn nguy hiểm khi thực hiện hành vi tham ô tài sản là trường hợp người phạm tội có những thủ đoạn chiếm đoạt tài sản hoặc thủ đoạn che giấu hành vi tham ô gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của con người như: thủ kho sau khi lấy tài sản trong kho do mình quản lý, đã đốt kho để phi tang; người bảo vệ hồ cá dùng hóa chất hoặc thuốc trừ sâu, diệt chuột xuống ao, hồ bắt cá chết nổi, gây ô nhiễm nguồn nước sạch, gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của nhiều người.
 
c) Phạm tội nhiều lần
 
Tham ô tài sản nhiều lần là có từ hai lần tham ô tài sản trở lên và mỗi lần tham ô tài sản đều đã cấu thành tội phạm, không phụ thuộc vào khoảng cách thời gian từ lần phạm tội trước với lần phạm tội sau. Tuy nhiên, chỉ coi là phạm tội nhiều lần nếu tất cả những lần phạm tội đó chưa bị xử lý (xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự).
 
Nếu trong các lần phạm tội đó đã có lần bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì không được tính để xác định là phạm tội tham ô tài sản nhiều lần.
 
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng
 
Đây là trường hợp người phạm tội tham ô tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng. Cũng tương tự như các trường hợp phạm tội khác, nếu tài sản bị chiếm đoạt không phải là tiền mà là tài sản thì giá trị tài sản là căn cứ vào giá thị trường vào thời điểm phạm tội, vì  trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của một người khi thực hiện hành vi phạm tội.
 
Trong trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng không tự mình xác định được giá trị tài sản thì phải trưng cầu giám định (định giá).
 
Mặc dù điều luật quy định chiếm đoạt tài sản, nhưng không vì thế cho rằng người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng mới thuộc trường hợp phạm tội này mà chỉ cần xác định người phạm tội có ý định chiếm đoạt tài sản, đã thực hiện thủ đoạn để chiếm đoạt có giá trị như trên là đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm d khoản 2 Điều 278, còn người phạm tội đã chiếm đoạt được hay chưa không phải là dấu hiệu bắt buộc. Tuy nhiên nếu chưa chiếm đoạt được tài sản thì người phạm tội thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.
 
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác
 
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng quy định ở khoản 1 của điều luật, chỉ khác ở chỗ trường hợp phạm tội này là hậu quả nghiêm trọng do hành vi phạm tội tham ô từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng. Nếu là dưới 2 triệu đồng mà gây hậu quả nghiêm trọng thì đã thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 của điều luật. 
 
Khoản 1 của điều luật chỉ quy định gây hậu quả nghiêm trọng còn điểm đ khoản 2 của điều luật lại quy định gây hậu quả nghiêm trọng khác, nên có ý kiến cho rằng hậu quả nghiêm trọng khác và hậu quả nghiêm trọng không phải là một. Đây là vấn đề có nhiều quan điểm khác nhau, vì về lý luận cũng như thực tiễn xét xử chưa có trường hợp nào cần phải phân biệt giữa hậu quả nghiêm trọng với hậu quả nghiêm trọng khác.
 
Tuy nhiên, khi nói hậu quả nghiêm trọng và hậu quả nghiêm trọng khác do hành vi tham ô gây ra là những thiệt hại trực tiếp do chính hành vi phạm tội cũng như thủ đoạn thực hiện tội phạm gây ra như giá trị tài sản bị chiếm còn hậu quả nghiêm trọng khác do hành vi tham ô gây ra là những thiệt hại gián tiếp do công việc thực hiện tội phạm gây ra như: do tham ô tài sản nên gây ra sự nghi ngờ nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng...
 
Nếu như sự phân biệt trên là có căn cứ thì khoản 1 của điều luật quy định hậu quả nghiêm trọng cũng khó xác định ngoài giá trị tài sản bị chiếm đoạt, thì các thiệt hại khác đều là những thiệt hại gián tiếp do hành vi phạm tội gây ra và nó chỉ là hậu quả khác. Do đó có ý kiến cho rằng khoản 1 điều luật cũng nên quy định gây hậu quả khác mới chính xác. Quan điểm này cũng có cơ sở lý luận và thực tiễn.
 
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 278 thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.
 
Khi quy định hình phạt đối với người phạm tội tham ô tài sản theo khoản 2 Điều 278, Tòa án cũng cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự. Nếu người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên, không có tiền án tiền sự, không phải là người tổ chức, đáng được khoan hồng, thì Tòa án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới bảy năm tù) nhưng không được dưới 2 năm tù vì theo quy định tại Điều 47 thì khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1, tòa án có thể quy định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật.

Tội phạm về chức vụ
Hỏi đáp mới nhất về Tội phạm về chức vụ
Hỏi đáp Pháp luật
Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại bao nhiêu tiền thì bị đi tù?
Hỏi đáp Pháp luật
Phân biệt tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ với tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ theo pháp luật hình sự?
Hỏi đáp Pháp luật
Hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ có phải là hành vi tham nhũng không?
Hỏi đáp Pháp luật
Người phạm tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ bị phạt bao nhiêu năm tù?
Hỏi đáp Pháp luật
Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ bị phạt bao nhiêu năm tù?
Hỏi đáp pháp luật
Quy định về tội đào nhiệm theo điều 363 Bộ luật hình sự?
Hỏi đáp pháp luật
Đưa tiền để chạy việc có vi phạm gì không?
Hỏi đáp pháp luật
Tham ô bao nhiêu tiền sẽ bị phạt tù?
Hỏi đáp pháp luật
Nhận tiền để chạy việc cho người khác nhưng không làm được thì bị tội gì?
Hỏi đáp pháp luật
Có truy cứu hành vi tham nhũng của người đã nghỉ hưu không?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tra cứu hỏi đáp về Tội phạm về chức vụ
Thư Viện Pháp Luật
750 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Tội phạm về chức vụ

TÌM KIẾM VĂN BẢN
Xem toàn bộ văn bản về Tội phạm về chức vụ

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào