Đã ly thân, chồng vẫn bạo lực gia đình thì phải làm sao?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 14, khoản 2 Điều 53 Luật Hôn nhân và gia đình (HNGĐ), bạn với người chồng này do không có đăng ký kết hôn nên không được công nhận là vợ chồng hợp pháp, mối quan hệ của hai bạn theo pháp luật về hôn nhân và gia đình được xác định là nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, mặc dù không công nhận mối quan hệ nhân thân của hai bạn (là vợ chồng) nhưng nếu hai bạn có yêu cầu ly hôn hoặc bạn có yêu cầu ly hôn đơn phương thì tòa án vẫn thụ lý đơn và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng.
Mặt khác qua thông tin bạn cung cấp, đối chiếu với các quy định tại Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và điểm h, khoản 1 Điều 5 Luật HNGĐ, hành vi của người chồng như chửi mắng, lăng mạ, xúc phạm danh dự nhân phẩm của bạn, đánh đập, hành hung bạn… đều được xem là các hành vi bạo lực gia đình bị nghiêm cấm trong quan hệ hôn nhân và gia đình và cũng là một trong những căn cứ để tòa án giải quyết ly hôn theo khoản 1 Điều 56 Luật HNGĐ.
Để giúp bạn giải quyết vấn đề của mình, tôi xin có một số góp ý như sau:
Trước hết để tránh trường hợp hành vi bạo lực của người chồng càng trở nên nghiêm trọng hơn, bạn nên chủ động trình báo với cơ quan công an gần nhất hoặc UBND cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi bạn cư trú hoặc nơi có hành vi bạo lực xảy ra để các cơ quan này có biện pháp bảo vệ và hỗ trợ bạn ngăn chặn hành vi của người chồng. Ngoài ra, là nạn nhân của bạo lực gia đình, bạn cần biết có các quyền như: yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình; yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của luật này; được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật; được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của luật này; các quyền khác theo quy định của pháp luật. Những quyền này vẫn được duy trì kể cả sau khi được tòa án tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng của hai bạn mà hành vi của người chồng vẫn tiếp diễn gây ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe và cuộc sống thường ngày của bạn. Theo đó, bạn cần thực hiện các quyền này để biết cách bảo vệ mình.
Mặt khác, để giải quyết mối quan hệ nhân thân giữa bạn và người chồng này về mặt pháp lý, bạn có thể gửi đơn khởi kiện ly hôn yêu cầu không công nhận quan hệ vợ chồng đến tòa án nhân dân quận/huyện nơi người chồng có đăng ký thường trú để được tòa án nhân dân thụ lý giải quyết. Ngoài ra cũng xin thông tin thêm, hành vi của người chồng này tùy theo mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 49, Điều 51 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền cho hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình là từ 1-1,5 triệu đồng, từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình. Buộc xin lỗi công khai nếu có yêu cầu của nạn nhân. Trường hợp nghiêm trọng hơn còn có thể bị truy tố hình sự về tội cố ý gây thương tích theo Điều 104 Bộ luật Hình sự (theo yêu cầu của người bị hại); ngoài ra còn phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự nếu bạn có đủ căn cứ chứng minh hành vi của người này trong thực tế đã gây ra những thiệt hại cho bạn cả về vật chất lẫn tinh thần.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lịch âm 2025, Lịch vạn niên 2025, Lịch 2025: Chi tiết, đầy đủ nhất cả năm 2025?
- Thời hạn bình ổn giá hàng hóa dịch vụ bao lâu? Gia hạn thời gian bình ổn giá hàng hóa dịch vụ được không?
- TP Hải Phòng cách thủ đô Hà Nội bao nhiêu km? TP Hải Phòng giáp với tỉnh nào?
- Người hành nghề chứng khoán bị thu hồi chứng chỉ hành nghề do làm việc cùng lúc 02 công ty chứng khoán thì có được cấp lại chứng chỉ không?
- Hợp đồng mua buôn điện mẫu áp dụng từ ngày 30/12/2024?