Đổi loại hình công ty có phải thay mã số doanh nghiệp?
Mã số doanh nghiệp được được quy định tại Điều 30, Luật Doanh nghiệp như sau: ” Mã số doanh nghiệp là dãy số được tạo bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, được cấp cho doanh nghiệp khi thành lập và được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp có một mã số duy nhất và không được sử dụng lại để cấp cho doanh nghiệp khác. Mã số doanh nghiệp được dùng để thực hiện các nghĩa vụ về thuế, thủ tục hành chính và quyền, nghĩa vụ khác.”
Quy định về mã số doanh nghiệp được hướng dẫn tại khoản 1, 2 Điều 8 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 01/11/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp như sau: “Mỗi doanh nghiệp được cấp một mã số duy nhất gọi là mã số doanh nghiệp. Mã số này đồng thời là mã số thuế của doanh nghiệp. Mã số doanh nghiệp tồn tại trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp và không được cấp lại cho tổ chức, cá nhân khác. Khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động thì mã số doanh nghiệp chấm dứt hiệu lực.”
Căn cứ tiết a, khoản 3, Điều 3 Thông tư số 80/2012/TT-BTC ngày 22/5/2012 của Bộ Tài chính quy định: Tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 2 Thông tư này được cấp một mã số thuế duy nhất để sử dụng trong suốt quá trình hoạt động từ khi đăng ký thuế cho đến khi chấm dứt hoạt động, trừ các trường hợp quy định tại điểm d, đ, e khoản này. Mã số thuế được dùng để khai thuế, nộp thuế cho tất cả các loại thuế mà người nộp thuế phải nộp, kể cả trường hợp người nộp thuế kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh tại các địa bàn khác nhau.
Mã số thuế đã cấp không được sử dụng để cấp cho người nộp thuế khác. Tổ chức kinh doanh khi chấm dứt hoạt động thì mã số thuế chấm dứt hiệu lực và không được sử dụng lại. Mã số thuế của doanh nghiệp sau khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp được giữ nguyên.
Căn cứ các quy định trên, khi chuyển đổi từ công ty cổ phần sang công ty TNHH hai thành viên thì Công ty làm thủ tục chuyển đổi tại phòng Đăng ký kinh doanh. Mã số thuế của Công ty sau khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp được giữ nguyên.
Ngoài ra, về thủ tục đăng ký thì căn cứ khoản 2 Điều 12 Thông tư số 156/2013/TT-BTC đã được sửa đổi bổ sung tại điều 16 Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính quy định: Khai thuế thu nhập doanh nghiệp là khai theo từng lần phát sinh, khai quyết toán năm hoặc khai quyết toán thuế đến thời điểm có quyết định về việc doanh nghiệp thực hiện chia; hợp nhất; sáp nhập; chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; giải thể; chấm dứt hoạt động.
Trường hợp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp mà bên tiếp nhận kế thừa toàn bộ nghĩa vụ về thuế của doanh nghiệp trước chuyển đổi (như chuyển đổi loại hình doanh nghiệp từ Công ty TNHH sang Công ty cổ phần hoặc ngược lại; chuyển đổi Doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành Công ty cổ phần và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật) thì không phải khai quyết toán thuế đến thời điểm có quyết định về việc chuyển đổi, doanh nghiệp chỉ khai quyết toán thuế năm theo quy định.
Vì vậy, sau khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, công ty sử dụng Mã số thuế và tên công ty mới để khai thuế, nộp thuế không cần phải làm tờ khai mẫu 08-MST gửi cơ quan thuế. Công ty không phải khai quyết toán thuế đến thời điểm chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.
Đối với hóa đơn đặt in chưa sử dụng, nếu công ty muốn sử dụng tiếp thì đóng dấu tên công ty mới bên cạnh tên công ty đã in trên hóa đơn, lập thông báo điều chỉnh thông tin phát hành hóa đơn theo mẫu TB04/AC gửi Cục Thuế để được tiếp tục sử dụng. Nếu không muốn sử dụng hóa đơn đã thông báo phát hành với tên cũ thì lập thủ tục hủy hóa đơn theo Điều 29 Thông tư số 39/2014/TT-BTC.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 3 2 1930 là ngày gì? Ý nghĩa lịch sử của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930)?
- Năm 2025, thi đánh giá năng lực gồm những môn nào?
- Phương thức tuyển sinh 2025 trường Đại học Ngoại Thương?
- Hồ sơ đăng ký thi đánh giá năng lực 2025 Đại học Quốc gia TPHCM gồm gì?
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?