Lấy lại tài sản do được nhận thừa kế nhưng người khác đang quản lý
Theo thông tin bạn cung cấp, bố bạn được nhận thừa kế quyền sử dụng đất từ bà nội nhưng bạn không nêu rõ các vấn đề như:
(i) Thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa? Giấy chứng nhận (nếu có), các giấy tờ về thửa đất mang tên ai?
(ii) Căn cứ chứng minh bố bạn được thừa kế quyền sử dụng đất từ bà nội (Bà nội bạn có để lại di chúc chỉ định bố bạn là người được hưởng di sản hay không)? Bố bạn đã tiến hành thủ tục để khai nhận di sản thừa kế được nhận chưa?
(iii) Tại sao bố bạn là người được nhận thừa kế nhưng các cô bạn lại sinh sống trên thửa đất do bà nội bạn để lại? Việc các cô sử dụng thửa đất diễn ra tại thời điểm nào? Trước hay sau khi bà nội bạn mất? Có được sự đồng ý của bà nội hay của những người thừa kế khác không?
....
Vì có rất nhiều vấn đề chưa được làm rõ như nêu trên nên chúng tôi chưa thể tư vấn rõ ràng, cụ thể cho bạn được. Dưới đây, chúng tôi sẽ đưa ra một số trường hợp có thể xảy ra để bạn có thể tham khảo và áp dụng vào tình hình thực tế của gia đình mình.
Trường hợp thứ nhất: Việc bố bạn được nhận thừa kế quyền sử dụng đất do bà nội bạn để lại là có căn cứ chứng minh (có di chúc do bà nội để lại) và thực tế, bố bạn đã tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế để được Nhà nước công nhận là chủ sử dụng mới của thửa đất.
Trong trường hợp này, đương nhiên bố bạn có quyền yêu cầu các cô của bạn trả lại toàn bộ thửa đất đang sử dụng. Điều 169 Bộ luật dân sự về bảo vệ quyền sở hữu đã nêu rõ: “Chủ sở hữu có quyền tự bảo vệ, ngăn cản bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của mình, truy tìm, đòi lại tài sản bị người khác chiếm hữu, sử dụng, định đoạt không có căn cứ pháp luật”. Đối với ngôi nhà do các cô bạn đã xây dựng thì gia đình bạn nên thỏa thuận với các cô để đưa ra quyết định hợp tình hợp lý.
Trường hợp thứ hai: Việc bố bạn được nhận thừa kế quyền sử dụng đất do bà nội bạn để lại là có căn cứ chứng minh (có di chúc do bà nội để lại) nhưng bố bạn chưa tiến hành thủ tục khai nhận thừa kế.
Sau khi bà nội bạn mất, nếu bố bạn (người được hưởng di sản) chưa tiến hành thủ tục khai nhận di sản thì di sản sẽ được giao cho người quản lý di sản hoặc người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản (khoản 1, khoản 2 Điều 638 Bộ luật dân sự). Trong trường hợp này, hai người cô của bạn đóng vai trò như người đang quản lý di sản. Theo đó, hai cô bạn có nghĩa vụ “Giao lại di sản theo yêu cầu của người thừa kế” (Điều 639 Bộ luật dân sự). Do vậy, bố bạn có quyền yêu cầu hai cô bạn giao lại di sản do bà nội để lại để tiến hành thủ tục khai nhận theo quy định của pháp luật.
Trường hợp thứ ba: Bà nội bạn không để lại di chúc. Trong trường hợp này, bố bạn vẫn được hưởng di sản do bà nội để lại nhưng không phải là người thừa kế duy nhất. Khi bà nội bạn không để lại di chúc, di sản do bà để lại được chia cho những người thừa kế theo pháp luật quy định tại Điều 676 Bộ luật dân sự:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Theo quy định nêu trên, người thừa kế của bà nội gồm: bố bạn, hai người cô của bạn và những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất khác (nếu có). Bố bạn với tư cách là một trong những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản thừa kế do bà nội để lại.
Trường hợp thứ tư: Trước khi mất, bà nội bạn đã tiến hành thủ tục theo quy định để chuyển quyền sử dụng thửa đất (chuyển nhượng/tặng cho) cho hai cô của bạn. Trong trường hợp này, bố bạn rất khó để đòi lại quyền sử dụng đất đó.
Vậy, bạn xem lại vấn đề cụ thể của gia đình bạn là như thế nào để xác định hướng giải quyết phù hợp.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người có giấy phép lái xe hạng A2 được điều khiển loại xe nào từ 01/01/2025?
- Địa chỉ Học viện Tòa án ở đâu? Học viện Tòa án có mã trường là gì?
- Lịch âm 2025, Lịch vạn niên 2025, Lịch 2025: Chi tiết, đầy đủ nhất cả năm 2025?
- Khi nào chứng thư thẩm định giá hết hạn? Chứng thư thẩm định giá không bắt buộc cập nhật vào CSDL quốc gia trong trường hợp nào?
- Thời hạn bình ổn giá hàng hóa dịch vụ bao lâu? Gia hạn thời gian bình ổn giá hàng hóa dịch vụ được không?