Có được ưu tiên thanh toán tiền bán tài sản cho bản án được Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không?
Các biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 102 Bộ luật Tố tụng dân sự bao gồm 13 loại: Giao người chưa thành niên cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục; buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng; buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm; buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền công, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động; tạm đình chỉ việc thi hành quyết định sa thải người lao động; kê biên tài sản đang tranh chấp; cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp; cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp; cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hoá khác; phong toả tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong toả tài sản ở nơi gửi giữ; phong toả tài sản của người có nghĩa vụ; cấm hoặc buộc đương sự thực hiện hành vi nhất định và các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác mà pháp luật có quy định.
Việc ưu tiên thanh toán cho bản án đã được Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tùy thuộc vào trường hợp cụ thể và thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành về thi hành án dân sự.Theo quy định tại Điều 47 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 thì số tiền thi hành án, sau khi trừ các chi phí thi hành án và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 của Luật này, được thanh toán theo thứ tự: Tiền cấp dưỡng; tiền lương, tiền công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động; tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tổn thất về tinh thần; án phí; các khoản phải thi hành án khác theo bản án, quyết định. Trường hợp có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán tiền thi hành án được thực hiện như sau: Việc thanh toán được thực hiện theo thứ tự quy định nêu trên; trường hợp trong cùng một hàng ưu tiên có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán được thực hiện theo tỷ lệ số tiền mà họ được thi hành án; Số tiền thi hành án thu theo quyết định cưỡng chế thi hành án nào thì thanh toán cho những người được thi hành án đã có đơn yêu cầu tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế đó. Số tiền còn lại được thanh toán cho những người được thi hành án theo các quyết định thi hành án khác tính đến thời điểm thanh toán. Số tiền còn lại được trả cho người phải thi hành án. Số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp hoặc bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ được bảo đảm đó sau khi trừ các chi phí về thi hành án. Thứ tự thanh toán tiền thi hành án về phá sảnđược thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày thu được tiền, Chấp hành viên phải thực hiện việc thanh toán tiền thi hành án.
Do vậy, trong trường hợp thu được tiền từ việc bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ được bảo đảm đó sau khi trừ các chi phí về thi hành án.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 125/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự thì nghĩa vụ cụ thể được ưu tiên thanh toán phải được xác định cụ thể trong bản án, quyết định của Toà án tuyên kê biên bảo đảm thi hành cho nghĩa vụ cụ thể đó. Vì thế, những nội dung Tòa án tuyên áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tạm giữ tài sản, cấm dịch chuyển tài sản, kê biên tài sản nói chung v.v. mà không tuyên rõ ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ cụ thể nào thì không được ưu tiên theo quy định này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Tòa án nhân dân có thể đặt câu hỏi tại đây.