Đăng ký kết hôn bằng chứng minh nhân dân của chị gái

Ở địa phương tôi có vụ việc như sau: Anh A cưới vợ là B, nhưng B chưa kết hôn, gia đình đã lấy giấy chứng minh của chị vợ là C để đăng ký kết hôn năm 2007. Hai đứa con được sinh ra đều lấy họ tên người mẹ là C, chứ không phải B do căn cứ vào giấy chứng nhận kết hôn. Đến nay, người cha muốn cải chính tên người mẹ từ C sang B thì vụ việc mới bị phát hiện. Theo quy định thì việc hủy đăng ký kết hôn do tòa án giải quyết. Tuy nhiên, do ở vùng sâu vùng xa, người dân mù chữ và nhận thức pháp luật kém nên việc giải quyết ra tòa án có nhiều hệ quả phát sinh đặc biệt là giấy khai sinh của các con. Vậy có cách nào để xử lý trường hợp trên không?

Trường hợp bạn trình bày có mấy vấn đề phát sinh cần giải quyết là: quan hệ hôn nhân giữa anh A và chị C; quan hệ giữa anh A và chị B; và việc xác định mẹ cho hai cháu nhỏ.

1. Vấn đề thứ nhất: Việc kết hôn giữa anh A và chị C rõ ràng là có sự lừa dối và bị coi là kết hôn trái pháp luật do vi phạm điều kiện kết hôn do pháp luật quy định. Anh A, chị C hoặc những người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật theo quy định tại Điều 15 Luật Hôn nhân gia đình có thể tự mình yêu cầu Tòa án hoặc đề nghị Viện Kiểm sát yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán tại Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP  thì kết hôn trái pháp luật là việc xác lập quan hệ vợ chồng có đăng ký kết hôn, nhưng vi phạm điều kiện kết hôn do pháp luật quy định, tức là việc đăng ký kết hôn đó phải do cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 12 Luật HNGĐ thực hiện và việc tổ chức đăng ký kết hôn phải thực hiện theo đúng nghi thức quy định tại Điều 14 Luật HNGĐ.

Do vậy với trường hợp thực tiễn bạn nêu ra cần phải xét tới hai khả năng:

-  Khả năng thứ nhất: Nếu khi tổ chức đăng ký kết hôn anh A và chị C cùng có mặt và được đại diện cơ quan đăng ký kết hôn trao Giấy đăng ký kết hôn theo nghi thức kết hôn tại Điều 14 Luật HNGĐ thì khi có yêu cầu, Toà án xem xét và quyết định việc hủy kết hôn trái pháp luật giữa anh A và chị C. Căn cứ vào quyết định của Toà án, cơ quan đăng ký kết hôn xoá đăng ký kết hôn trong Sổ đăng ký kết hôn.

-  Khả năng thứ hai: Nếu khi tổ chức đăng ký kết hôn, anh A và chị C không cùng có mặt (trường hợp này có thể là vắng mặt chị C) tức là việc đăng ký kết hôn đã không thực hiện theo nghi thức quy định tại Điều 14 Luật HNGĐ nên việc kết hôn đó không có giá trị pháp lý và thực tế là A và C cũng không chung sống với nhau như vợ chồng. Nếu có yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật, thì mặc dù có vi phạm một trong các điều kiện kết hôn, Toà án không tuyên bố huỷ kết hôn trái pháp luật mà áp dụng khoản 1 Điều 11 LHNGĐ tuyên bố không công nhận họ là vợ chồng.

2. Vấn đề thứ hai: Về quan hệ giữa A và B: Tuy trên thực tế A và B đã chung sống với nhau như vợ chồng nhưng về mặt pháp luật thì giữa hai người không tồn tại quan hệ hôn nhân. Để được pháp luật công nhận là vợ chồng thì sau khi có quyết định của Tòa án về việc chấm dứt quan hệ vợ chồng giữa A và C thì anh A và chị B nên đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 12 Luật HNGĐ để làm thủ tục đăng ký kết hôn theo đúng quy định của pháp luật.

3. Về việc xác định mẹ cho hai cháu nhỏ.

Quyền nhận cha, mẹ, con là quyền nhân thân bất khả xâm phạm của cá nhân. Bộ luật dân sự quy định người không được nhận là cha, mẹ hoặc là con của người khác có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định mình là cha, mẹ hoặc là con của người đó. Nếu việc nhận cha, mẹ, con là tự nguyện và không có tranh chấp thì người nhận có quyền làm thủ tục đăng ký hộ tịch theo quy định tại Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch.

Như vậy, để xác định chị B là mẹ của hai con, gia đình nên làm thủ tục đăng ký việc nhận cha, mẹ, con tại UBND cấp xã nơi cư trú của chị B và các con. Hồ sơ đăng ký theo Điều 34 Nghị định 158/2005//NĐ-CP gồm: Tờ khai (theo mẫu quy định); Giấy khai sinh của hai các con; Các giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh quan hệ mẹ con (nếu có). Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy việc nhận cha mẹ con là đúng sự thật, không có tranh chấp thì UBND cấp xã đăng ký việc nhận, cha, mẹ, con. Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 5 ngày.

Vì giấy khai sinh của hai người con trước đây đã ghi tên chị C vào phần khai về người mẹ nên sau khi có Quyết định công nhận mẹ là chị B thì gia đình anh A chị B làm thủ tục cải chính Giấy khai sinh theo quy định tại Mục 7 Chương 2 Nghị định 158/2005//NĐ-CP. (Tức là cải chính nội dung đã được đăng ký trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh nhưng có sai sót trong khi đăng ký). Thẩm quyền cải chính tùy thuộc vào độ tuổi của người con: nếu người con dưới 14 tuổi thì thẩm quyền cải chính thuộc UBND cấp xã nơi đã đăng ký khai sinh trước đây; nếu người con từ đủ 14 tuổi trở lên thì thẩm quyền cải chính là UBND cấp huyện mà trong địa hạt của huyện đó đương sự đã đăng ký khai sinh trước đây.

Đăng ký kết hôn
Hỏi đáp mới nhất về Đăng ký kết hôn
Hỏi đáp Pháp luật
Kết hôn giả để nhập quốc tịch nước ngoài bị xử lý thế nào?
Hỏi đáp Pháp luật
Cưới mà không đăng ký kết hôn, hôn nhân có được pháp luật công nhận không?
Hỏi đáp Pháp luật
Ở Việt Nam, một người được kết hôn tối đa bao nhiêu lần?
Hỏi đáp Pháp luật
Pháp luật hiện hành có cấm em chồng và anh vợ kết hôn với nhau không?
Hỏi đáp Pháp luật
Những trường hợp bị cấm kết hôn dù không có quan hệ huyết thống?
Hỏi đáp Pháp luật
Việc kết hôn giữa những người nước ngoài thường trú tại Việt Nam phải đáp ứng điều kiện gì?
Hỏi đáp Pháp luật
Vợ chồng sẽ bị xử phạt như thế nào khi kết hôn chưa đủ 18 tuổi?
Hỏi đáp Pháp luật
Những người cùng dòng máu về trực hệ có được kết hôn với nhau không?
Hỏi đáp Pháp luật
Hai vợ chồng ở khác tỉnh có đăng ký kết hôn ở đâu? Thủ tục đăng ký kết hôn đúng pháp luật như thế nào?
Hỏi đáp Pháp luật
Hướng dẫn cách ghi Mẫu tờ khai ghi chú kết hôn theo Thông tư 04 mới nhất hiện nay?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tra cứu hỏi đáp về Đăng ký kết hôn
Thư Viện Pháp Luật
138 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Đăng ký kết hôn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào