Công dân Việt Nam ở trong nước nhận trẻ em nước ngoài làm con nuôi, người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Luật Nuôi con nuôi thì:
Công dân Việt Nam ở trong nước nhận trẻ em nước ngoài làm con nuôi (Điều 40) được quy định như sau:
- Công dân Việt Nam nhận trẻ em nước ngoài làm con nuôi phải lập hồ sơ theo quy định tại Điều 17 của Luật này gửi Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp xem xét, cấp giấy xác nhận người nhận con nuôi có đủ điều kiện nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật Việt Nam trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp cần thiết, Bộ Tư pháp yêu cầu Sở Tư pháp nơi người đó thường trú xác minh thì thời hạn có thể kéo dài, nhưng không quá 60 ngày.
- Sau khi hoàn tất các thủ tục nhận trẻ em nước ngoài làm con nuôi, công dân Việt Nam có trách nhiệm làm thủ tục ghi chú việc nuôi con nuôi tại Sở Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó thường trú.
Người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi được quy định tại Điều 41:
1. Quy định tại các điều 14, 15, 16, 17, 18, 21, 23, 24, 25, 26 và 27 của Luật này được áp dụng đối với người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi ở Việt Nam.
2. Hồ sơ của người nhận con nuôi và người được giới thiệu làm con nuôi được nộp cho Sở Tư pháp nơi người được giới thiệu làm con nuôi thường trú. Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, lấy ý kiến của những người quy định tại Điều 21 của Luật này.
Khi xét thấy người nhận con nuôi và người được giới thiệu làm con nuôi có đủ điều kiện theo quy định của Luật này thì Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.
3. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Sở Tư pháp trình, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi; trường hợp từ chối thì phải trả lời cho người nhận con nuôi bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4. Ngay sau khi có quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tư pháp đăng ký việc nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch, tổ chức lễ giao nhận con nuôi tại trụ sở Sở Tư pháp với sự có mặt của đại diện Sở Tư pháp, người được nhận làm con nuôi, cha mẹ nuôi, đại diện cơ sở nuôi dưỡng đối với trẻ em được xin nhận làm con nuôi từ cơ sở nuôi dưỡng hoặc cha mẹ đẻ, người giám hộ đối với người được xin nhận làm con nuôi từ gia đình và gửi quyết định cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người nhận con nuôi. Trường hợp người nhận con nuôi không đến nhận con nuôi mà không có lý do chính đáng thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hủy quyết định cho người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi.
Việc giao nhận con nuôi phải được lập thành biên bản, có chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên và đại diện Sở Tư pháp.
Bên cạnh đó, căn cứ vào các quy định của Luật này và tình hình thực tế, Chính phủ quy định thủ tục giải quyết nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với công dân của nước láng giềng thường trú ở khu vực biên giới.
Luật Nuôi con nuôi cũng quy định về tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam:
1. Tổ chức con nuôi nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Được thành lập và hoạt động hợp pháp, phi lợi nhuận trong lĩnh vực nuôi con nuôi trên lãnh thổ của nước là thành viên của điều ước quốc tế về nuôi con nuôi mà Việt Nam là thành viên;
b) Được cơ quan có thẩm quyền về nuôi con nuôi của nước nơi thành lập cho phép hoạt động trong lĩnh vực nuôi con nuôi tại Việt Nam;
c) Có thời gian hoạt động trong lĩnh vực con nuôi quốc tế liên tục từ 03 năm trở lên, không vi phạm pháp luật và được cơ quan có thẩm quyền của nước đó xác nhận;
d) Có đội ngũ nhân viên công tác xã hội và pháp lý hiểu biết về pháp luật, văn hóa, xã hội của Việt Nam và pháp luật quốc tế về nuôi con nuôi;
đ) Người đại diện của tổ chức tại Việt Nam có đủ tiêu chuẩn về đạo đức, chuyên môn về lĩnh vực nuôi con nuôi.
2. Tổ chức con nuôi nước ngoài hoạt động tại Việt Nam có các quyền, nghĩa vụ sau đây:
a) Tư vấn cho người nhận con nuôi về điều kiện kinh tế - xã hội, hoàn cảnh gia đình, môi trường xã hội, nhu cầu và sở thích của trẻ em Việt Nam;
b) Thay mặt người nhận con nuôi thực hiện các thủ tục giải quyết việc nuôi con nuôi ở Việt Nam;
c) Hỗ trợ tìm gia đình thay thế cho trẻ em khuyết tật, nhiễm HIV/AIDS hoặc mắc bệnh hiểm nghèo khác;
d) Được cung cấp thông tin, pháp luật và tham gia các khóa bồi dưỡng về nuôi con nuôi do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam tiến hành;
đ) Thuê trụ sở, sử dụng lao động Việt Nam làm việc theo quy định của pháp luật;
e) Chấp hành pháp luật, tôn trọng phong tục, tập quán của Việt Nam;
g) Định kỳ hằng năm báo cáo về tình hình phát triển của trẻ em Việt Nam được nhận làm con nuôi gửi Bộ Tư pháp;
h) Hỗ trợ cha mẹ nuôi trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam cho trẻ em được nhận làm con nuôi;
i) Nộp lệ phí cấp, gia hạn, sửa đổi giấy phép hoạt động tại Việt Nam;
k) Báo cáo tình hình hoạt động, chịu sự kiểm tra, thanh tra của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của pháp luật.
3. Tổ chức con nuôi nước ngoài bị thu hồi giấy phép hoạt động tại Việt Nam trong các trường hợp sau đây:
a) Không còn đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Vi phạm nghĩa vụ quy định tại điểm e khoản 2 Điều này.
4. Chính phủ quy định chi tiết mức thu, việc quản lý, sử dụng lệ phí và thủ tục cấp, gia hạn, sửa đổi, thu hồi giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Không ký hợp đồng thi công công trình xây dựng với chủ đầu tư thì có phải kê khai thuế GTGT vãng lai không?
- Trường hợp giá dịch vụ thoát nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thấp hơn mức giá đã được tính đúng thì xử lý thế nào?
- Từ 1/1/2025, trường hợp nào được phép vượt xe bên phải mà không phạm luật?
- Căn cứ xác định giá gói thầu là gì? Giá gói thầu cập nhật trong thời gian nào?
- Từ 01/01/2025, hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá gồm những giấy tờ gì?