Quyền thừa kế nhà, đất của vợ hai và con dâu

Bố mẹ tôi có căn nhà trên diện tích đất 550 m2 nguồn gốc là của tổ tiên để lại tại Hưng Yên. Bố tôi có hai vợ: vợ cả có đăng ký kết hôn và mẹ của chúng tôi là vợ hai lấy năm 1940. Vợ cả có một người con gái đã mất không có chồng con. Còn vợ hai thì sinh được bảy anh em chúng tôi (tôi là con trai trưởng). Năm 1979 bố tôi mất không để lại di chúc. Sau khi bố tôi mất mẹ tôi và bà vợ cả vẫn sống ở quê cùng vợ chồng người con trai thứ ba và có tên trong sổ địa chính. Năm 1980 vợ chồng người em trai thứ ba đã phá toàn bộ ngôi nhà cũ của bố mẹ để xây dựng nhà mới. Năm 1984 người này mất. Năm 1991 mẹ tôi ra Hà Nội trông con cho người con út (nhưng vẫn về quê trông nom nhà cửa và giỗ tết). Năm 1996 người con dâu thứ ba đã tự ý kê khai và đã được cấp sổ đỏ đối với diện tích đất trên mà không ai biết. Năm 2000 bà vợ cả cũng mất không có di chúc. Năm 2004 khi mẹ tôi về ở hẳn tại quê thì mới biết đất này đã được cấp sổ đỏ cho người con dâu thứ ba. Gia đình tôi đã đề nghị chuyển tên sổ đỏ sang tên mẹ tôi nhưng người này không đồng ý. Vậy mẹ tôi có được thừa kế diện tích đất của bố tôi để lại không? Việc cấp sổ đỏ cho người con dâu thứ ba như vậy có đúng không? Người này có quyền hưởng thừa kế nhà, đất này không?

Về quyền sở hữu căn nhà trên diện tích đất 550 m2 tại Hưng Yên: Căn cứ Điều 1 Luật đất đai năm 1987 quy định:

“Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý”. Vì vậy bố ông không có quyền sở hữu đối với quyền sử dụng 550 m2 đất của tổ tiên để lại mà chỉ có quyền sở hữu đối với căn nhà trên đất. Vì bố ông lấy hai vợ và đều xảy ra trước thời điểm Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 có hiệu lực (thời điểm bố ông lấy mẹ ông - là vợ hai vào năm 1940) nên hôn nhân của bố ông đối với bà vợ hai cũng được coi là hợp pháp. Căn cứ Điều 15 Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 quy định:

“Vợ và chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới”. Do đó căn nhà ở Hưng Yên là tài sản chung của bố ông và hai người vợ. 
Quyền thừa kế đối với phần di sản của bố ông: Năm 1979 khi bố ông mất không có di chúc nên phần tài sản của bố ông trong khối tài sản chung vợ chồng được chia theo pháp luật. Căn cứ Điều 2 Pháp lệnh thừa kế năm 1990 quy định: “Công dân không phân biệt nam nữ đều có quyền bình đẳng về quyền... hưởng di sản thừa kế” thì người vợ hai cũng có quyền thừa kế đối với phần di sản của bố ông như với các thừa kế khác (cụ thể là như bà vợ cả cùng các con của bố ông). Căn cứ dữ kiện ông nêu: bà vợ cả có một người con gái đã mất nhưng không có chồng con, còn vợ hai thì có bảy người con, nên những người thừa kế thuộc hàng thứ nhất của bố ông theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 25 Pháp lệnh thừa kế năm 1990 gồm: “vợ,... con đẻ... của người chết” nên hai người vợ và bảy người con đang còn sống của người vợ hai (không có con của bà vợ cả nữa vì đã mất vào năm 1971 tức là mất trước bố ông). Cũng theo quy định nêu trên thì người con dâu thứ ba không được hưởng thừa kế vì không thuộc hàng thừa kế nào của bố ông. Nhưng vì vào thời điểm bố ông mất quyền sử dụng đất không được coi là di sản thừa kế nên những người thừa kế của bố ông chỉ có quyền hưởng thừa kế đối với căn nhà và các tài sản trên đất. Do đó tài sản trên đất được xác định là tài sản chung của những người thừa kế. 
Quyền sở hữu đối với nhà và quyền sử dụng diện tích 550 m2 đất sau thời điểm bố ông mất: 
Sau khi bố ông mất không có ai yêu cầu chia thừa kế mà toàn bộ nhà, đất vẫn do mẹ ông và bà vợ cả quản lý. Điều 1 Luật đất đai năm 1987 quy định:

“Nhà nước giao đất cho... cá nhân (gọi là người sử dụng) để sử dụng lâu dài. Người đang sử dụng đất hợp pháp thì được tiếp tục sử dụng theo quy định của Luật này”. Như vậy hai bà vợ của bố ông được xác định là người sử dụng đất hợp pháp theo quy định của Luật đất đai năm 1987. Lúc đó tại quê Hưng Yên chỉ có mẹ ông, bà vợ cả cùng với vợ chồng người con thứ ba ở tại đây, còn các người con khác ở chỗ khác. Năm 1980 vợ chồng người em thứ ba đã phá nhà cũ và xây dựng nhà mới trên diện tích đất đó. Như vậy là tài sản chung (căn nhà có nguồn gốc của tổ tiên để lại) đã không còn vào thời điểm đó, trên đất có ngôi nhà - là tài sản của vợ chồng người con trai thứ ba. Còn quyền sử dụng đất là của hai bà vợ vì theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật đất đai năm 1993, 1998 thì:

“Người sử dụng đất ổn định được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Do đó hai bà vợ đã được đăng ký tên trong bản đồ địa chính và thuộc trường hợp được xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên căn cứ dữ kiện ông nêu thì có những sự kiện xảy ra như: Năm 1984 người em trai thứ ba đã mất. Năm 1991 mẹ của ông (người vợ hai) ra Hà Nội ở. Tại nhà đất ở quê chỉ có bà vợ cả và người con dâu thứ ba ở. Năm 1996 người con dâu đã tự ý kê khai đối với quyền sử dụng 550 m2 đất và đã được cấp giấy chứng nhận (mà không ai được biết). Năm 2000 bà vợ cả mất không có di chúc, toàn bộ nhà đất này chỉ có một mình người con dâu thứ ba quản lý. Vì quyền sử dụng đất tại quê không phải là tài sản của người con trai thứ 3 nên người con dâu thứ ba chỉ là người tạm thời quản lý trông nom diện tích đất đó. Căn cứ quy định pháp luật vào thời điểm cấp giấy chứng nhận năm 1996 (cụ thể là Nghị định số 17/1999/NĐ-CP ngày 29/3/1999 của Chính phủ về thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế quyền sử dụng đất và thế chấp góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất) thì việc cấp giấy chứng nhận cho người sử dụng đất phải căn cứ vào các giấy tờ về “thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 3 Nghị định số 17/1999/NĐ-CP ngày 29/3/1999. 
Như vậy việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng toàn bộ diện tích đất này cho người con dâu vào năm 1996 khi hai bà vợ đang còn sống là không đúng vì người này không phải là người sử dụng đất hợp pháp và không có các loại giấy tờ mà pháp luật quy định như nêu trên. Nếu đúng như trong bản đồ địa chính có tên hai bà vợ (bà vợ cả đã mất và không có người thừa kế) nên chỉ có bà vợ hai có tên trong bản đồ địa chính. Như vậy bà vợ hai được xác định là người sử dụng đất và có đủ điều kiện để được xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng toàn bộ diện tích 550 m2 ở quê vì theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 50 Luật đất đai năm 2003 thì việc người sử dụng đất “có tên trong sổ địa chính” cũng được coi là một trong các loại giấy tờ hợp lệ để cấp giấy chứng nhận. Căn cứ khoản 7 Điều 25 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 thì bà vợ hai có quyền yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp “quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất” cụ thể: yêu cầu Toà án xác định bà vợ hai có quyền đối với quyền sử dụng 550 m2 đất theo quy định của Luật đất đai còn người con dâu chỉ có quyền sở hữu đối với ngôi nhà trên đất.

Thừa kế
Hỏi đáp mới nhất về Thừa kế
Hỏi đáp Pháp luật
Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là bao nhiêu năm?
Hỏi đáp Pháp luật
Thuế thừa kế là gì? Thuế thừa kế ở Việt Nam bao nhiêu phần trăm?
Hỏi đáp Pháp luật
Thừa kế là gì? Có những trường hợp thừa kế nào? Người thừa kế theo pháp luật theo thứ tự như thế nào?
Hỏi đáp Pháp luật
Năm 2024, tranh chấp thừa kế đất đai có phải hòa giải tại UBND cấp xã không?
Hỏi đáp Pháp luật
Con cái bị truất quyền thừa kế tài sản của cha mẹ khi nào?
Hỏi đáp Pháp luật
Mức hưởng của những người thừa kế không phụ thuộc di chúc là bao nhiêu?
Hỏi đáp Pháp luật
Người nước ngoài có bất động sản tại Việt Nam mất thì chia thừa kế theo pháp luật nước nào?
Hỏi đáp pháp luật
Cách tính 2/3 một suất thừa kế như thế nào?
Hỏi đáp Pháp luật
Mẫu văn bản từ chối thừa kế mới nhất 2024 và hướng dẫn cách viết?
Hỏi đáp Pháp luật
06 đối tượng không có tên trong di chúc vẫn được hưởng thừa kế?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tra cứu hỏi đáp về Thừa kế
Thư Viện Pháp Luật
245 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Thừa kế

TÌM KIẾM VĂN BẢN
Xem toàn bộ văn bản về Thừa kế

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào