Trường hơp phạm tội theo khoản 2 Điều 293 BLHS (tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội)
Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 293
a) Truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng
Truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm an ninh quốc gia là biết rõ người mà mình truy cứu trách nhiệm hình sự không phạm tội quy định tại Chương XI (từ Điều 78 đến Điều 91) Bộ luật hình sự, như tội Phản bội tổ quốc; tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; tội bạo loạn; tội hoạt động phỉ; tội khủng bố, v.v..
Truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đặc biệt nghiêm trọng là biết rõ người mà mình truy cứu trách nhiệm hình sự không phạm tội là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Bộ luật hình sự, thì tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Việc xác định tình tiết phạm tội này chỉ cần căn cứ vào quyết định khởi tố bị can, kết luận điều tra hoặc bản cáo trạng xem tội phạm mà người không có tội bị khởi tố, kết luận điều tra hoặc quyết định truy tố thuộc trường hợp quy định tại điều luật nào của Bộ luật hình sự, là có thể xác định tội phạm đó có phải là tội đặc biệt nghiêm trọng hay không. Ví dụ trong quyết định khởi tố bị can có ghi “khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn C về tội hiếp dâm trẻ em theo khoản 4 Điều 112 Bộ luật hình sự” là người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 293 Bộ luật hình sự.
Tuy nhiên, việc xác định tội phạm nào là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng lại phải căn cứ vào khoản 3 Điều 8 Bộ luật hình sự. Theo quy định tại khoản 3 Điều 8 trong các điều luật của Bộ luật hình sự, trừ các điều từ Điều 341 đến Điều 343 về các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, thì còn lại một số điều luật khác chỉ có một hoặc hai trường hợp là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Ví dụ: Điều 93, khoản 1 (tội giết người); Điều 111, khoản 3 (tội hiếp dâm); Điều 112, các khoản 2,3,4 (tội hiếp dâm trẻ em); Điều 114, khoản 3 (tội cưỡng dâm trẻ em), v.v..
b) Gây hậu quả nghiêm trọng
Cho đến nay chưa có giải thích hoặc hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền, thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội gây ra, nên có thể tham khảo Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25-12-2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ công an, Bộ tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” của Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, do tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội này khác với các tội xâm phạm sở hữu, nên hậu quả nghiêm trọng do hành vi truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội gây ra không giống với hậu quả do hành vi xâm phạm sở hữu gây ra. Trong khi chưa có hướng dẫn chính thức, có thể coi hậu quả nghiêm trọng do hành vi truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội gây ra nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
- Người bị truy cứu trách nhiệm hình sự oan và đã bị Tòa án phạt tù đến năm năm và đang chấp hành hình phạt.
- Người không có tội bị giam, giữ đến nay suy kiệt sức khỏe có tỷ lệ thương tật từ 31 đến 60%.
- Do bị khởi tố, bị bắt giam nên mất việc làm, mất thu nhập chính ảnh hưởng đến cuốc sống gia đình người bị truy cứu trách nhiệm hình sự oan.
- Người phạm tội đã gây thiệt hại cho người bị truy cứu trách nhiệm hình sự oan từ 50 triệu đến 100 triệu đồng.
Ngoài các thiệt hại về sức khỏe và tài sản, người bị truy cứu trách nhiệm hình sự oan còn có thể bị thiệt hại đến danh dự, nhân phẩm, như do bị khởi tố, truy tố nên họ bị cách chức, bị tước danh hiệu công an nhân dân, quân đội nhân dân, bị khai trừ khỏi Đảng, tước các danh hiệu cao quý mà Nhà nước đã trao tặng…
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể gây ra những hậu quả khác như có ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đến uy tín của các cơ quan tiến hành tố tụng… thì tùy từng trường hợp mà xác định hậu quả nghiêm trọng do hành vi truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội.
Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 293 Bộ luật hình sự, người phạm tội bị phạt tù từ ba năm đến mười năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, phạm tội vì thành tích, vì bị cưỡng bức, đe dọa hoặc do bị lệ thuộc vào người có chức vụ, quyền hạn nên phải miễn cưỡng chấp hành mệnh lệnh sai trái của người này và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, phạm tội thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật thì Tòa án có thể áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự phạt dưới ba năm tù, nhưng không được dưới 1 năm tù.
Nếu phạm tội thuộc cả hai tình tiết quy định tại khoản 2 của điều luật, phạm tội vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân và có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì người phạm tội có thể bị phạt đến mười năm tù.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thủ tướng yêu cầu bảo đảm công chức viên chức, người lao động được chi trả đầy đủ lương, tiền thưởng dịp Tết Nguyên đán 2025?
- Vòng chung kết cuộc thi Festival Trạng nguyên Tiếng Anh 2025 diễn ra vào ngày nào?
- Đã có thông báo thu hồi đất, có được mua bán đất nữa không?
- Đơn đề nghị tập huấn cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe mới nhất hiện nay?
- Nút ấn báo cháy được lắp ở đâu? Mẫu tem kiểm định nút ấn báo cháy là mẫu nào?