Trường hợp phạm tội theo khoản 2 Điều 309 BLHS (tội mua chuộc hoặc cưỡng ép người khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật)
Khoản 2 của điều luật quy định hai tình tiết là yếu tố định khung hình phạt, đó là: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn nguy hiểm khác; lợi dụng chức vụ, quyền hạn.
a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn nguy hiểm khác
Có ý cho rằng, nhà làm luật đã quy định hành vi cưỡng ép người khác khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật là cấu thành cơ bản (khoản 1 của điều luật), mà còn quy định hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn nguy hiểm khác là yếu tố định khung hình phạt quy định tại khoản 2 của điều luật là không chính xác. Cưỡng ép là dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn nguy hiểm khác nhằm buộc người làm chứng, người bị hại, người giám định hoặc người phiên dịch phải khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật , kết luận gian dối hoặc dịch xuyên tạc. Vậy còn có trường hợp cưỡng ép nào mà không dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn nguy hiểm khác mà vẫn làm cho người bị cưỡng ép sợ phải khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật nữa không?
Nói chung, hành vi cưỡng ép là dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn nguy hiểm khác, nhưng vẫn có thể có trường hợp cưỡng ép mà không dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dúng các thủ đoạn nguy hiểm khác. Ví dụ: A có bức ảnh chụp B làm tình với chị C, A yêu cầu B phải khai báo gian dối về tình tiết của vụ án và ra điều kiện nếu B không đồng ý thì A sẽ công bố bức ảnh. Vì bị A khống chế nên B buộc phải khai báo gian dối theo hướng có lợi cho A.
Như vậy, nếu người phạm tội cưỡng ép người làm chứng, người bị hại khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật, cưỡng ép người giám định kết luận gian dối, cưỡng ép người phiên dịch dịch xuyên tạc mà không dùng vũ lưc, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn nguy hiểm khác thì thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 của điều luật.
Dùng vũ lực là hành vi (hành động) mà người phạm tội đã thực hiện, tác động vào cơ thể của người khác như: đấm, đá, bóp cổ, bắn, đâm… Hay có thể nói một cách khái quát là hành vi dùng sức mạnh vật chất buộc người làm chứng, người bị hại khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật; người giám định kết luận gian dối, người phiên dịch dịch xuyên tạc. hành vi này cũng giống hành vi dùng vũ lực trong tội cướp tài sản.
Hành vi dùng vũ lực có thể làm cho nạn nhân vị thương tích, bị tổn hại đến sức khỏe hoặc bị chết, nhưng cũng có thể chưa gây ra thương tích đáng kể (không có tỷ lệ thương tật). Nếu người phạm tội dùng vũ lực gây tổn hại đến sức khỏe tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên thì người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác quy định tại Điều 104 bộ luật hình sự; nếu người phạm tội dùng vũ lực làm cho người khác chết thì người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người quy định tại Điều 93 bộ luật hình sự.
Đe dọa dùng vũ lực là hành vi dùng lời nói hoặc hành động nhằm đe dọa người làm chứng, người bị hại khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật; người giám định kết luận gian dối, người phiên dịch dịch xuyên tạc. Tuy nhiên đó chỉ là đe dọa, nếu người bị đe dọa không khai báo gian dối, không cung cấp tài liệu sai sự thật, không dịch xuyên tạc thì người phạm tội cũng không dùng vũ lưc; nếu sau khi đe dọa, người bị đe dọa không làm theo ý muốn của người đe dọa mà người đe dọa dùng vũ lực đối với người bị đe dọa thì người phạm tội bị coi là dùng vũ lực.
Dùng thủ đoạn nguy hiểm khác là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, người phạm tội đã dùng những thủ đoạn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng như: đốt nhà, cho thuốc độc vào thức ăn, chăng dây qua đường… Các thủ đoạn nguy hiểm mà người phạm tội sử dụng có thể chưa gây ra nguy hiểm cho người khác, nhưng cũng có thể đã gây ra nguy hiểm; có thể gây ra nguy hiểm cho người mà người phạm tội quan tâm, nhưng cũng có thể gây ra nguy hiểm cho người mà người phạm tội không quan tâm, miễn là người phạm tội đạt được mục đích làm cho người khác khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc dịch xuyên tạc.
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để mua chuộc, cưỡng ép người khác khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật là hành vi của một người có chức vụ, quyền hạn và họ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của họ để mua chuộc, cưỡng ép người khác khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật. Nếu họ không có chức vụ, quyền hạn thì không thể mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật. Thông thường người phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn là để cưỡng ép người khác khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để mua chuộc người khác khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật như: hứa tăng lương trước thời hạn, hừa đề bạt, bổ nhiệm…
Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 309, người phạm tội bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm, là tội phạm nghiêm trọng.
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu chỉ thuộc 1 trong 2 trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng Điều 47 bộ luật hình sự phạt dưới 2 năm tù. Nếu thuộc cả 2 trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến 7 năm tù.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Học sinh được nghỉ bao nhiêu ngày Tết 2025? Học kỳ 2 năm học 2024 - 2025 bắt đầu khi nào?
- Tên gọi Hà Nội có từ khi nào? Phía Bắc Thủ đô Hà Nội tiếp giáp với tỉnh thành nào?
- Còn bao nhiêu ngày thứ 2 nữa đến Tết 2025? Đếm ngược ngày Tết Âm lịch 2025?
- Trường công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có được phép chuyển sang thuê đất thu tiền hằng năm để kinh doanh không?
- Từ 1/1/2025, tài liệu ôn luyện kiểm tra phục hồi điểm GPLX được đăng tải trên đâu?