Các dấu hiệu cơ bản của tội vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường sắt
Nói chung các dấu hiệu của tội phạm này cũng tương tự với tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ quy định tại Điều 202. Tuy nhiên, có một số quy định cụ thể chỉ có ở tội phạm này mà không có ở tội phạm khác, có quy định phù hợp hơn với tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm này tuy không phải là chủ thể đặc biệt, nhưng chỉ những người chỉ huy hoặc điều khiển các phương tiện giao thông đường sắt mới là chủ thể.
Người chỉ huy phương tiện giao thông đường sắt không phải là đứng đầu như là người chỉ huy trong các lực lượng vũ trang hay chỉ huy trong một đơn vị sản xuất, mà họ chỉ là người có trách nhiệm trong việc chỉ huy cho phương tiện giao thông đường sắt (chủ yếu là tàu hỏa) ra vào ga, qua các đường cắt với đường bộ.
Người điều khiển các phương tiện giao thông đường sắt là người trực tiếp điều khiển phương tiện tàu hỏa, đầu tàu và các phương tiện giao thông đường sắt khác.
Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này, vì tội phạm này là tội phạm được thực hiện do vô ý và không có trường hợp nào là tội đặc biệt nghiêm trọng.
2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm
Khách thể của tội phạm này là trật tự an toàn giao thông đường sắt.
Đối tượng tác động của tội phạm này là phương tiện giao thông đường sắt bao gồm đầu máy, toa xe và các thiết bị chuyên dùng để vận chuyển hành khách và hàng hóa.
3. Các dấu hiệu thuộc về khách quan của tội phạm
a) Hành vi khách quan
Người phạm tội này đã có hành vi vi phạm các quy định về chỉ huy hoặc điều khiển phương tiện giao thông đường sắt là không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ các quy định an toàn giao thông đường sắt.
Việc xác định hành vi vi phạm các quy định về chỉ huy và điều khiển phương tiện giao thông đường sắt phải căn cứ vào Luật đường sắt và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đối với tội vi phạm các quy định về chỉ huy và điều khiển phương tiện giao thông đường sắt không chỉ có hành vi vi phạm của người điều khiển mà còn có cả hành vi vi phạm của người chỉ huy phương tiện giao thông đường sắt. Vì vậy, khi xác định hành vi vi phạm về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt, phải phân biệt hành vi chỉ huy và hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường sắt.
Đối với hành vi chỉ huy phương tiện giao thông đường sắt, khi xác định hành vi vi phạm chủ yếu căn cứ vào các quy định về việc chỉ huy cho đoàn tàu chở khách, chở hàng hoặc đầu máy, toa xe và các thiết bị chuyên dùng hoạt động trên đường sắt ra vào ga qua các đường giao cắt với đường bộ.
Đối với hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường sắt, khi xác định hành vi vi phạm chủ yếu căn cứ vào các quy định về điều khiển đầu máy, toa xe và các thiết bị chuyên dùng hoạt động trên đường sắt.
b) Hậu quả
Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Nếu hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt mà chưa gây ra thiệt hại cho tính mạng hoặc chưa gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì chưa cấu thành tội phạm, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 của điều luật.
Đến nay, tuy chưa có hướng dẫn trường hợp gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe hoặc tài sản do hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt gây ra, nhưng có thể căn cứ vào Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17-4-2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đối với Điều 202 Bộ luật hình sự về trường hợp gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe hoặc tài sản do hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt gây ra, vì hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường sắt cũng trực tiếp gây ra thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác. Tuy nhiên, do tính chất và đặc điểm riêng của loại phương tiện này nên việc xác định thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe hoặc tài sản do hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt gây ra có những trường hợp không giống với thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe hoặc tài sản do hành vi vi phạm các quy định về điều khiển giao thông đường sắt gây ra. Có lẽ cũng chính vì vậy mà Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cao chưa hướng dẫn.
e) Các dấu hiệu khách quan khác
Ngoài hành vi khách quan, đối với tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt, nhà làm luật quy định một số dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm như: phương tiện giao thông đường sắt (đầu máy, toa xe và các thiết bị chuyên dùng hoạt động trên đường sắt); địa điểm (nơi vi phạm là công trình giao thông đường sắt).
Theo quy định tại khoản 20 Điều 3 Luật đường sắt thì phương tiện giao thông đường sắt bao gồm: đầu máy, toa xe và các thiết bị chuyên dùng hoạt động trên đường sắt.
4. Các dấu hiệu thuộc về chủ quan của tội phạm
Người phạm tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt thực hiện hành vi là do vô ý (vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý vì cẩu thả).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 3 2 1930 là ngày gì? Ý nghĩa lịch sử của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930)?
- Năm 2025, thi đánh giá năng lực gồm những môn nào?
- Phương thức tuyển sinh 2025 trường Đại học Ngoại Thương?
- Hồ sơ đăng ký thi đánh giá năng lực 2025 Đại học Quốc gia TPHCM gồm gì?
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?