Các trường hợp phạm tội cụ thể của tội vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường sắt

Các trường hợp phạm tội cụ thể của Tội vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường sắt được pháp luật quy định cụ thể như thế nào?

Theo quy định của pháp luật Tội vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường sắt có các trường hợp phạm tội cụ thể sau đây:

1. Phạm tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt không có các tình tiết  định khung hình phạt.

            Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 208, là cấu thành cơ bản của tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt, người phạm tội bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ một đến năm năm, là tội phạm nghiêm trọng.

            Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 1 Điều 208, Tòa án căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự.

            2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 208

            a) Không có giấy phép, bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn tương ứng với nhiệm vụ được giao

            Ngoài giấy phép và bằng lái như đối với người điều khiển phương tiện giao thông khác, đối với người chỉ huy hoặc điều khiển phương tiện giao thông đường sắt trong một số trường hợp còn phải có chứng chỉ chuyên môn tương ứng với nhiệm vụ được giao. Đây cũng là  đặc thù đối với tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt, vì ngoài hành vi của người trực tiếp  điều khiển, còn có hành vi của người chỉ huy phương tiện mà theo quy định thì đối với những người này trong một số trường hợp cũng phải có chứng chỉ chuyên môn tương ứng với nhiệm vụ được giao. Ví dụ: nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu khi làm việc phải có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 2 Điều 46 Luật đường sắt.

b) Trong tình trạng dùng rượu, bia quá nồng độ quy định hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác

            Đây là trường hợp vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe , tài sản mà người phạm tội trong tình trạng dùng rượu, bia quá nồng độ quy định hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác.

            So với điểm b khoản 2 Điều 202, thì điểm b khoản 2 Điều 208 quy định cụ thể và khoa học hơn. Tuy nhiên, nhà làm luật vẫn còn quy định “say” do dùng chất kích thích mạnh khác mà có lẽ ra nên quy định như khoản 18 Điều 12 Luật đường sắt là có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc 40 mg/1 lít khí thở. Quy định này không chỉ dễ xác định mà còn tránh những trường hợp có nhiều ý kiến khác nhau về khái niệm “say”.

c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hình sự hoặc cố ý không cấp cứu giúp người bị nạn

            Trường hợp phạm tội này hoàn toàn tương tự với trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 202 đối với tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người chỉ huy hoặc người có thẩm quyền điều khiển, giữ gìn trật tự, an toàn giao thông đường sắt

            Trường hợp phạm tội này hoàn toàn tương tự với trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 202 đối với tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Tuy nhiên, người phạm tội không chấp hành hiệu lệnh là hiệu lệnh của người chỉ huy hoặc người có thẩm quyền điều khiển giữ gìn trật tự an toàn giao thông đường sắt, chứ không phải hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông.

            đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng

            Gây hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt là gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản cho người khác.

            Trong khi chưa có hướng dẫn chính thức về trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt gây ra, có thể áp dụng Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17-4-2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

            Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 208 thì người phạm tội bị phạt tù từ ba năm đến mười năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

            Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 2 Điều 208, Tòa án phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự.

            3. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 208

            Khoản 3 của  điều luật chỉ quy định một trường hợp phạm tội, đó là: “Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.

            Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 202.

            Trong khi chưa có hướng dẫn chính thức, chúng ta có thể tham khảo Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17-4-2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

            Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 208, thì người phạm tội bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

            Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 3 Điều 208, Tòa án phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự. 

4. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 208

            Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 208 thì người phạm tội bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.

            Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 4 Điều 208, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến ba năm tù. 

5. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội

            Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Tội xâm phạm an toàn công cộng
Hỏi đáp mới nhất về Tội xâm phạm an toàn công cộng
Hỏi đáp pháp luật
Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự theo quy định của Bộ luật Hình sự?
Hỏi đáp Pháp luật
Người phạm tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông thì bị xử phạt như thế nào?
Hỏi đáp pháp luật
Chống đối lực lượng phòng chống dịch Covid-19 cẩn thận bị xử phạt tù
Hỏi đáp pháp luật
Xử phạt vi phạm an toàn giao thông đường bộ gây chết người
Hỏi đáp pháp luật
Gây tai nạn giao thông chết người nhưng nguyên nhân này thì sao ạ?
Hỏi đáp pháp luật
Va chạm giao thông làm người khác ngã chết người có bị kết tội không?
Hỏi đáp pháp luật
Gây tai nạn giao thông chết người ở tù bao nhiêu năm?
Hỏi đáp pháp luật
Xin hỏi về việc tai nạn giao thông dẫn đến chết người
Hỏi đáp pháp luật
Mở cửa xe gây chết người phải chịu trách nhiệm gì?
Hỏi đáp pháp luật
Mở cửa xe ô tô gây tai nạn chết người bị xử lý như thế nào?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tra cứu hỏi đáp về Tội xâm phạm an toàn công cộng
Thư Viện Pháp Luật
313 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Tội xâm phạm an toàn công cộng

TÌM KIẾM VĂN BẢN
Xem toàn bộ văn bản về Tội xâm phạm an toàn công cộng

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào