Các trường hợp phạm tội cản trở giao thông đường sắt
1. Phạm tội cản trở giao thông đường sắt không có các tình tiết định khung hình phạt
Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 209, là cấu thành cơ bản của tội cản trở giao thông đường sắt, người phạm tội bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ một đến năm năm, là tội phạm nghiêm trọng.
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội cản trở giao thông đường sắt theo khoản 1 Điều 209, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đánh kể, thì có thể được áp dụng hình phạt tiền hoặc hình phạt cải tạo không giam giữ. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến năm năm tù.
2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 209
Khác với khoản 2 Điều 203 Bộ luật hình sự, khoản 2 Điều 209 chỉ quy định một trường hợp đó là “gây hậu quả rất nghiêm trọng”.
Hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi cản trở giao thông đường sắt gây ra là những thiệt hại rất nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản cho người khác. Cũng như đối với các tội phạm về an toàn giao thông khác, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn chính thức thế nào là hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi cản trở giao thông đường sắt gây ra, nên có thể căn cứ vào Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP để xác định hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi cản trở giao thông đường sắt gây ra, mà không nên vận dụng Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17-4-2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao vì thiệt hại do hành vi cản trở giao thông đường sắt gây ra không phải là thiệt hại trực tiếp do hành vi phạm tội này.
Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 209 thì người phạm tội bị phạt tù từ ba năm đến mười năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 2 Điều 209, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể , thì có thể được áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới ba năm tù). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười năm tù.
3. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 209
Khoản 3 của điều luật cũng chỉ quy định một trường hợp phạm tội, đó là “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.
Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi cản trở giao thông đường sắt gây ra là thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác. Trường hợp phạm tội này cũng có thể căn cứ vào Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP để xác định hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi cản trở giao thông đường sắt gây ra.
Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 209 thì người phạm tội bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội quy định tại khoản 3 Điều 209, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới bảy năm tù). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể bị phạt đến mười lăm năm tù.
4. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 209
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như khoản 4 Điều 202, 203 và 208. Vì vậy, khi xác định khả năng thực tế do hành vi cản trở giao thông đường sắt sẽ gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cần phải căn cứ vào tình hình cụ thể nơi xảy ra sự việc và hành vi cản trở giao thông đường sắt.
Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm,, là tội phạm ít nghiêm trọng.
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 4 Điều 209, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt tiền hoặc hình phạt cải tạo không giam giữ. Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù trong trường hợp người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Trưởng công an xã được tịch thu xe vi phạm không quá 5 triệu đồng?
- Năm 2025 lái xe ô tô chạy quá tốc độ bao nhiêu km/h thì bị trừ điểm bằng lái xe?
- Mẫu phiếu hẹn khám lại trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế?
- Có được phép đeo tai nghe khi đang điều khiển xe máy hay không? Phạt nặng nhất là bao nhiêu?
- Lỗi lùi xe ô tô trên đường cao tốc bị phạt bao nhiêu tiền từ 1/1/2025?