Giao xe ô tô cho người không có bằng lái xe điều khiển gây tai nạn, phạm tội gì?
Tại Khoản 10 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm: “10. Giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ.”
Điều 205 Bộ Luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định “ Tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ” như sau:
“1. Người nào điều động hoặc giao cho người không có giấy phép hoặc bằng lái xe hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến ba năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Tại Khoản 7 Điều 1 Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/8/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao (Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC) hướng dẫn áp dụng quy định tại Chương XIX của Bộ luật Hình sự về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông: “7. Giao cho người không có giấy phép hoặc bằng lái hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật chỉ huy hoặc điều khiển các phương tiện giao thông là việc người có quyền quản lý phương tiện giao thông biết một người không có giấy phép hoặc bằng lái hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật nhưng vẫn giao cho người đó chỉ huy hoặc điều khiển phương tiện giao thông”.
Tại Điều 5 Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn: “Người không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật” quy định tại khoản 1 Điều 205 Bộ luật hình sự là người không am hiểu các quy định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; người không đủ sức khỏe, độ tuổi để điều khiển phương tiện; người do tình trạng sức khỏe không thể tự chủ điều khiển được tốc độ; người đang trong tình trạng say do sử dụng ma túy, rượu, bia hoặc các chất mà sau khi sử dụng có biểu hiện say như người sử dụng ma túy, rượu, bia.
Khi áp dụng Điều luật này cần chú ý:
Trường hợp người được điều động biết mình không có đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vẫn thực hiện theo sự điều động thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo Điều 202 Bộ luật hình sự nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác của cấu thành tội phạm này. Trường hợp người được điều động đã đề đạt, từ chối thực hiện nhiệm vụ được giao nhưng vẫn phải chấp hành sự điều động đó thì họ không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm theo quy định tại Điều 202 Bộ luật hình sự.
Tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn một số tình tiết là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt:
“1. Gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác hoặc gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 1 Điều 202 đến Điều 205, Điều 208 đến Điều 215, Điều 217, Điều 220; khoản 2 các điều 206, 207, 216, 218, 219, 222, 223 Bộ luật hình sự là một trong các trường hợp sau đây:
a) Làm chết một người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của từ hai người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% đến 100%;
d) Gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới bảy mươi triệu đồng;
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của từ hai người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn gây thiệt hại về tài sản với giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới bảy mươi triệu đồng;
e) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ bảy mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng.
2. Gây hậu quả rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 202 đến Điều 205, Điều 208 đến Điều 215, Điều 217, Điều 220; khoản 3 các điều 206, 207, 216, 218, 219, 222, 223 Bộ luật hình sự là một trong các trường hợp sau đây:
a) Làm chết hai người;
b) Làm chết một người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp hướng dẫn tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 1 Điều này;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;
d) Gây tổn hại cho sức khỏe của từ hai người trở lên với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này là từ trên 100% đến 200%;
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của một hoặc hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp hướng dẫn tại các điểm c, d, đ và e khoản 1 Điều này;
e) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng.
3. Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 204; khoản 3 các điều 202, 203, 205, Điều 208 đến Điều 215, Điều 217, Điều 220, Điều 222, Điều 223; khoản 4 các điều 206, 207, 216, 218, 219 Bộ luật hình sự là một trong các trường hợp sau đây:
a) Làm chết từ ba người trở lên;
b) Làm chết hai người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 1 Điều này;
c) Làm chết một người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm c, d, đ và e khoản 2 Điều này;
d) Gây tổn hại cho sức khỏe của từ năm người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của từ hai người trở lên với tổng tỷ lệ thương tật của những người này trên 200%;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của ba hoặc bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng;
g) Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên.”
Như vậy, việc Trần Tiến D là tài xế và là chủ xe ô tô tải, biết Nguyễn Hữu H là người không có bằng lái xe tải nhưng vẫn giao xe cho H điều khiển xe trên đường và đã gây tai nạn làm chết một người. Việc làm trên của Trần Tiến D đã cấu thành “ Tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ” được quy định tại Khoản 1 Điều 205 Bộ Luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) với mức hình phạt là phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến ba năm. Đối với Nguyễn Hữu H biết mình không có đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (không có bằng lái xe) mà vẫn điều khiển xe gây tai nạn làm chết một người thì phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo Điều 202 Bộ luật hình sự.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- 9 tháng 2 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm lịch? NLĐ được nghỉ làm ngày này không?
- Có thể trả tiền thuê đất hằng năm đối với đất nuôi trồng thủy sản không?
- Hiệu trưởng công lập có được điều hành dạy thêm ngoài trường học không?
- Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh theo Nghị định 168?