Các dấu hiệu cơ bản của tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ
Các dấu hiệu cơ bản của tội phạm này cũng tương tự như đối với các tội quy định tại Điều 230 Bộ luật hình sự, chỉ khác ở chỗ đối tượng tác động của tội phạm này là vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ chứ không phải vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự hoặc vật liệu nổ. Tuy nhiên, để tiện theo dõi chúng ta vẫn phân tích các dấu hiệu cơ bản của tội phạm này và nêu những dấu hiệu khác nhau giữa tội phạm này với các tội quy định tại Điều 230 và Điều 232 Bộ luật hình sự.
1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đến một độ tuổi theo quy định của Bộ luật hình sự thì đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này. Tuy nhiên, do tính chất và mức độ quan trọng của khách thể của tội phạm không bằng các tội quy định tại Điều 230 và Điều 232, nên người từ đủ 16 tuổi trở lên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này, vì tội này không có trường hợp phạm tội nào là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Nếu người phạm tội thực hiện hành vi nhưng trước đó họ chưa bị xử phạt hành chính về hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ hoặc chưa bị kết án về tội này hoặc đã bị kết án về tội này nhưng đã được xóa án tích cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị xử phạt hành chính.
2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm
Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ là tội xâm phạm đến chế độ quản lý của Nhà nước đối với vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ.
Đối tượng tác động của tội phạm này là vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ.
Vũ khí thô sơ bao gồm: dao găm, kiếm, giáo, mác, đinh ba, đại đao, mã tấu, quả đấm bằng kim loại hoặc chất cứng, cung, nỏ, côn các loại và các loại khác do Bộ công an quy định.
Công cụ hỗ trợ bao gồm: các loại roi cao su, roi điện, găng tay điện; lựu đạn cay; súng bắn hơi cay, ngạt, gây mê; bình xịt hơi cay, ngạt, gây mê; súng bắn đạn nhựa, cao su; súng bắn laze, súng bắn đinh, súng bắn từ trường và các loại công cụ hỗ trợ khác.
Khi xác định đối tượng tác động của tội phạm này, ngoài các loại vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ đã được liệt kê tại Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (ban hành theo Nghị định số 47/CP ngày 12-801996) còn phải căn cứ vào quy định của Bộ công an và cơ quan nhà nước có thẩm quyền về danh mục các loại vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ.
3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm
a) Hành vi khách quan
Người phạm tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ thực hiện hành vi khách quan hoàn toàn tương tự như đối với người phạm tội quy định tại các Điều 230, 232.
Tuy nhiên, do đối tượng tác động của tội phạm này là vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ nên khi xác định hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt cần chú ý đến các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng, mua bán, vận chuyển vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ để xác định hành vi khách quan của người phạm tội.
b) Hậu quả
Hậu quả của hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ và công vụ hỗ trợ cũng không phải là dấu hiệu bắt buộc đối với tội phạm này, nhưng việc xác định hậu quả là rất cần thiết. Nếu hậu quả xảy ra là nghiêm trọng, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 của điều luật.
c) Các dấu hiệu khách quan khác
Tương tự như đối với các tội quy định tại các Điều 230, 232, ngoài hành vi khách quan, nếu chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ phải là trái phép thì mới cấu thành tội phạm.
Việc xác định hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ có trái phép hay không, cần căn cứ vào quy định của Nhà nước mà cụ thể là căn cứ vào Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (ban hành theo Nghị định số 47/CP, ngày 12-8-1996) và các văn bản khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội thực hiện hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ là do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là trái phép (trừ hành vi chiếm đoạt) nhưng vẫn thực hiện.
Nếu vì lý do nào đó mà người phạm tội không nhận thức được hoặc không buộc phải nhận thức được hành vi của mình là trái phép thì không thuộc trường hợp phạm tội này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tải toàn bộ Phụ lục Thông tư 91/2024 chế độ báo cáo thống kê ngành Tài chính từ 1/3/2025?
- 14/2 là valentine trắng hay đen? 14 tháng 2 là ngày của con trai hay con gái?
- Xe máy điện không gương 2025 có bị phạt không? Phạt bao nhiêu tiền?
- Từ ngày 01/7/2025, chi phí thù lao cho bào chữa viên nhân dân là bao nhiêu?
- 26 tháng 1 âm lịch là ngày mấy dương 2025? Thắp hương không đúng nơi quy định vào dịp lễ hội 26 tháng 1 âm bị xử phạt bao nhiêu tiền?