“1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 249 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm;
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị rất lớn hoặc đặc biệt lớn;
c) Tái phạm nguy hiểm;
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng”.
Như vậy, người thực hiện hành vi đánh bạc chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi có một trong các điều kiện sau: (1) Được thua bằng tiền hoặc hiện vật có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên; (2) Hoặc đã bị kết án về “Tội đánh bạc” (Điều 248 Bộ luật Hình sự) hoặc “Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc” (Điều 249 Bộ luật Hình sự) chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Trong trường hợp hành vi đánh bạc trái phép không cấu thành tội phạm thì những người tham gia đánh bạc sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP:
“2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi đánh bạc sau đây:
a) Đánh bạc trái phép trong các hình thức như: Xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế hoặc các hình thức khác mà được, thua bằng tiền, hiện vật;
b) Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép;
c) Cá cược bằng tiền hoặc dưới hình thức khác trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí, các hoạt động khác;
d) Bán bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề”.
Đối với tổng số tiền của mọi người đem theo trong người trên 2 triệu đồng thì những người tham gia đánh bạc vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có căn cứ xác định số tiền đó “xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc” theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 1 của Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP quy định:
“3. “Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc” bao gồm:
a) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc;
b) Tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc;
c) Tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc.
4. Khi xác định tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc cần phân biệt:
a) Trường hợp nhiều người cùng tham gia đánh bạc với nhau thì việc xác định tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc đối với từng người đánh bạc là tổng số tiền, giá trị hiện vật của những người cùng đánh bạc được hướng dẫn tại khoản 3 Điều này;
b) Trường hợp đánh bạc dưới hình thức chơi số đề, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa... thì một lần chơi số đề, một lần cá độ bóng đá, một lần cá độ đua ngựa... (để tính là một lần đánh bạc) được hiểu là tham gia chơi trong một lô đề, tham gia cá độ trong một trận bóng đá, tham gia cá độ trong một kỳ đua ngựa... trong đó người chơi có thể chơi làm nhiều đợt. Trách nhiệm hình sự được xác định đối với người chơi một lần đánh bạc trong các trường hợp này là tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để chơi trong các đợt đó”.