Vấn đề thừa kế tài sản của cha mẹ cho con cái

Tôi xin hỏi về vấn đề thừa kế tài sản của cha mẹ cho con cái như sau: Cha mẹ tôi cùng đứng tên chủ sở hữu 1 căn nhà và có 8 người con. Trong đó có 1 người con trai bị tâm thần phân liệt (có chứng nhận của bác sĩ). Vì được điều trị đầy đủ và bác sĩ cũng có nói rằng anh này đã ổn định nên có thể lập gia đình bình thường (nhưng vẫn uống thuốc đến suốt đời). Sau đó anh này lấy vợ, giữa 2 người hay xảy ra mâu thuẫn về tiền bạc và có ý xa gần muốn được thừa kế căn nhà sau khi cha mẹ qua đời.Vậy tôi xin hỏi: 1) Người anh bị bệnh này có được hưởng thừa kế như 1 người bình thường khác không? 2) Cha mẹ tôi rất công bằng với các con, nhưng sợ nếu cho người anh bị bệnh này thừa kế thì người vợ của anh sẽ giành lấy hết và ra đi luôn. Cha mẹ tôi muốn phần thừa kế của người anh bị bệnh giao lại cho 7 người con còn lại và những người này phải có nghĩa vụ đóng góp hàng tháng 1 mức tiền cụ thể để nuôi dưỡng người anh bệnh suốt đời. Như vậy có được không? 3) Cha mẹ tôi năm nay tuổi đã cao, nhưng vẫn còn minh mẫn. Anh em lại đông, đều đã có gia đình riêng. Anh chị em có người vầy người khác, tôi sợ sau này cha mẹ không còn, vì giành quyền thừa kế với nhau lại sinh ra mâu thuẫn, thù hận nhau. Những chuyện như vậy đã xảy ra rất nhiều rồi. Tôi dự định nói với cha mẹ làm 1 bản di chúc (ông bà vẫn luôn muốn chia đều cho các con, ngoại trừ âu lo về tình trạng của người anh), nhưng không biết cách thức phải làm như thế nào? Và nếu có lập di chúc thì phải xử lý thế nào đối với người anh bệnh?

Theo quy định của pháp luật về thừa kế tại các điều 631, 632 Bộ luật dân sự 2005, thì quyền nhận thừa kế là không có sự phân biệt giữa các cá nhân:

Điều 631. Quyền thừa kế của cá nhân

Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Điều 632. Quyền bình đẳng về thừa kế của cá nhân

Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Chính vì vậy, Người anh bị bệnh này vẫn được hưởng thừa kế như những anh em trong nhà khác.

Pháp luật về thừa kế của nước ta luôn tôn trọng và đưa ý chí của người để lại di sản lên hàng đầu. Chính vì vậy, tại Điều 648 của Bộ luật dân sự 2005 đã có quy định cụ thể về quyền của người lập di chúc.

 “Điều 648.Quyền của người lập di chúc 

Người lập di chúc có các quyền sau đây:

1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;

2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;

3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;

4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;

5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.”

Vì lẽ đó, nếu cha mẹ bạn có lập di chúc và giao nghĩa vụ cho những người thừa kế thì sau khi di chúc được mở, tức sau khi cha mẹ bạn chết. Những người thừa kế bắt buộc phải thực hiện theo đúng nguyện vọng và ý chí của người để lại di sản. Hay cụ thể hơn, Cha mẹ bạn hoàn toàn có thể giao lại phần thừa kế của người anh bị bệnh cho 7 người con còn lại, và những người này phải có nghĩa vụ đóng góp hàng tháng 1 mức tiền cụ thể để nuôi dưỡng người anh bệnh suốt đời (Trong phạm vi số tiền được thừa kế của người anh).

Tại Bộ luật dân sự năm 2005 cũng đã trình bày một cách khá chi tiết về các vấn đề liên quan đến việc lập một tờ di chúc hợp pháp, Ban tư vấn xin trích ra để bạn tiện tham khảo:

Về hình thức thì có thể lập di chúc bằng văn bản hoặc di chúc miệng. Tuy nhiên, di chúc miệng chỉ lập trong một số trường hợp do pháp luật quy định, và giá trị chứng cứ của di chúc miệng là không cao. Mặc dù người để lại di chúc miệng thường thể hiện ý chí định đoạt tài sản của mình trước một người khác (gọi là người làm chứng), nhưng người làm chứng có thể truyền đạt lại lời di chúc miệng không phù hợp với ý nguyện của người lập di chúc. Vì thế, nên và cần lập di chúc bằng văn bản.

“Điều 649.Hình thức của di chúc

Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.

Người thuộc dân tộc thiểu số có quyền lập di chúc bằng chữ viết hoặc tiếng nói của dân tộc mình.

Điều 650. Di chúc bằng văn bản

Di chúc bằng văn bản bao gồm:

1. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;

2. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;

3. Di chúc bằng văn bản có công chứng;

4. Di chúc bằng văn bản có chứng thực.

Điều 651. Di chúc miệng

1. Trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.

2. Sau ba tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị huỷ bỏ.”

 Tất nhiên, để một bản di chúc là hợp pháp thì cần phải thỏa mãn những điều kiện được quy định sau đây:

Điều 652. Di chúc hợp pháp

1. Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;

b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.

2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực.

 Trong trường hợp này, vì cha mẹ bạn vẫn còn minh mẫn, nên Ban tư vấn khuyến khích  lập di chúc bằng văn bản có công chứng, chứng thực. Vì đây là hình thức di chúc được xem là đáng tin cậy nhất. Đảm bảo tốt nhất sự khách quan khi xác nhận bản di chúc của người lập di chúc. Sau này khi có các tranh chấp phát sinh về thừa kế, thì bản di chúc có công chứng, chứng thực sẽ là một bằng chứng xác thực và hữu hiệu.

Về phần thủ tục của việc lập bản di chúc có công chứng, chứng thực, Điều 658 Bộ luật dân sự 2005 có quy định cụ thể.

“Điều 658. Thủ tục lập di chúc tại cơ quan công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn 

Việc lập di chúc tại cơ quan công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn phải tuân theo thủ tục sau đây:

1. Người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố. Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn ký vào bản di chúc;

 2. Trong trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Công chứng viên, người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng.

Ở đây, chúng tôi được biết là cha mẹ bạn vẫn còn minh mẫn và khỏe mạnh, nên thiết nghĩ không rơi và Khoản 2 điều này. Tuy nhiên về cách thức để xác nhận một bản di chúc, ký tên và điểm chỉ… bạn có thể tham khảo thêm tại Luật công chứng năm 2006. Các vấn đề này tất nhiên sẽ được cơ quan công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi bạn công chứng, chứng thực hướng dẫn chi tiết.

Một vài điểm cần lưu ý là một số người sau đây không được công chứng, chứng thực di chúc:

Điều 659. Người không được công chứng, chứng thực di chúc

Công chứng viên, người có thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn không được công chứng, chứng thực đối với di chúc, nếu họ là:

1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;

2. Người có cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật;

3. Người có quyền, nghĩa vụ về tài sản liên quan tới nội dung di chúc.

Vấn đề cuối cùng bạn thắc mắc, đó là phải xử lý thế nào đối với người anh bệnh. Vấn đề này thuộc về ý chí và nguyện vọng của cha mẹ bạn, Ban tư vấn thiết nghĩ cha mẹ và gia đình bạn sẽ có một cách xử lý phù hợp, để có thể trọn vẹn cả tình lẫn lý.

Thừa kế
Hỏi đáp mới nhất về Thừa kế
Hỏi đáp Pháp luật
Mức hưởng của những người thừa kế không phụ thuộc di chúc là bao nhiêu?
Hỏi đáp Pháp luật
Người nước ngoài có bất động sản tại Việt Nam mất thì chia thừa kế theo pháp luật nước nào?
Hỏi đáp pháp luật
Cách tính 2/3 một suất thừa kế như thế nào?
Hỏi đáp Pháp luật
Mẫu văn bản từ chối thừa kế mới nhất 2024 và hướng dẫn cách viết?
Hỏi đáp Pháp luật
06 đối tượng không có tên trong di chúc vẫn được hưởng thừa kế?
Hỏi đáp Pháp luật
Con nuôi sẽ được thừa kế tài sản hợp pháp trong trường hợp nào?
Hỏi đáp pháp luật
Có phải con chưa thành niên sẽ được hưởng 2/3 suất của người thừa kế không?
Hỏi đáp pháp luật
Người thừa kế trong dân sự là ai?
Hỏi đáp Pháp luật
Trẻ sơ sinh có quyền thừa kế không? Quy định về việc hưởng di sản của trẻ sơ sinh như thế nào?
Hỏi đáp Pháp luật
Vợ có tài sản riêng nhưng chết thì ai có quyền thừa kế tài sản đó theo pháp luật?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tra cứu hỏi đáp về Thừa kế
Thư Viện Pháp Luật
179 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Thừa kế
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào