Điều kiện, thủ tục hưởng chế độ tai nạn lao động
Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động (TNLĐ) được quy định cụ thể trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 (Luật BHXH), Bộ luật lao động đã sửa đổi, bổ sung năm 2002 (BLLĐ) và văn bản hướng dẫn thi hành như sau:
- Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể NLĐ hoặc gây tử vong, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động (Điều 105 BLLĐ).
- Đối tượng áp dụng chế độ TNLĐ, bao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức (a); NLĐ làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên theo quy định của pháp luật về lao động kể cả cán bộ quản lý, NLĐ làm việc trong hợp tác xã, Liên hiệp HTX hưởng tiền công theo HĐLĐ từ đủ 3 tháng trở lên (b); NLĐ là công nhân quốc phòng, công nhân công an làm việc trong các doanh nghiệp thuộc lực lượng vũ trang (c); NLĐ đã tham gia BHXH bắt buộc mà chưa nhận BHXH một lần trước khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu, công trình ở nước ngoài (d) (Điều 18 Nghị định 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 hướng dẫn một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc).
- Người lao động được hưởng chế độ TNLĐ khi có đủ hai điều kiện sau đây: Một là, bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp: tại nơi làm việc và trong giờ làm việc kể cả trong thời gian nghỉ giải lao, ăn giữa ca, thời gian chuẩn bị và kết thúc công việc (i); ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của NSDLĐ (ii); trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý (iii); Hai là, suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn trong các trường hợp trên (Điều 39 Luật BHXH).
Theo thông tin anh cung cấp, NLĐ bị TNLĐ tại nơi làm việc và trong thời gian nghỉ giải lao (được coi như trong giờ làm việc) và lao động này đã được đóng BHXH. Căn cứ các quy định trên, NLĐ được hưởng chế độ TNLĐ nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên.
Về thủ tục để hưởng chế độ TNLĐ: doanh nghiệp phải lập hồ sơ hưởng chế độ TNLĐ cho người bị TNLĐ. Hồ sơ bao gồm: Sổ BHXH (i); Biên bản điều tra TNLĐ, trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định là TNLĐ thì phải có thêm bản sao Biên bản tai nạn giao thông(ii); Giấy ra viện sau khi đã điều trị TNLĐ (iii); Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa (iv); Văn bản đề nghị giải quyết chế độ TNLĐ (v).
Sau khi lập hồ sơ hưởng chế độ TNLĐ, Doanh nghiệp (NSDLĐ) phải có trách nhiệm nộp hồ sơ cho tổ chức BHXH. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của doanh nghiệp, Tổ chức BHXH có trách nhiệm giải quyết chế độ TNLĐ; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do (Điều 118 Luật BHXH).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tăng cường công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa và lễ hội mừng Xuân Ất Tỵ 2025?
- Nhiệm kỳ của Giám đốc theo tổ chức quản trị rút gọn tại Hợp tác xã là bao lâu?
- Tra cứu kết quả thi HSG quốc gia 2024-2025 ở đâu?
- Bán pháo hoa Bộ Quốc phòng có bị phạt không?
- Kịch bản chương trình họp phụ huynh cuối học kì 1 các cấp năm 2024 - 2025?