Dừng xe hơi đi tiểu giữa phố bị phạt bao nhiêu?
Như thông tin báo chí đã đăng tải. 3 bức ảnh được chia sẻ ngày 23/2 trên Facebook của một thành viên tên P.X với nội dung cho thấy một người đàn ông mặc vest đen bảnh bao, lái xe ô tô Honda Civic thản nhiên dừng xe rồi thoải mái đi vệ sinh vào dải phân cách giữa đường ngay giữa ban ngày. Thời điểm đó có khá nhiều xe cô đi lại. Ngay bên cạnh là chiếc xế hộp vẫn đang im lìm đứng đợi chủ nhân “giải quyết nỗi buồn”.
Có đủ căn cứ để xử phạt hành chính
Việc người lái xe trong hình thản nhiên dừng xe rồi đi vệ sinh ngay giữa dải phân cách là một hành xử thiếu tôn trọng tới những người tham gia giao thông, thiếu văn minh ở chốn đông người và thiếu văn hóaứng xử ở nơi công cộng. Đây là một hành vi đáng lên án, tuy nhiên cũng vi phạm một số quy định củapháp luật và có nhiều khả năng phải bị xử phạt hành chính.
Về hành vi tiểu tiện trên đường phố, căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 7 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội thì đây được xác định là hành vi vi phạm quy định về giữ gìn vệ sinh chung.
“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi sau đây:
c) Tiểu tiện, đại tiện ở đường phố, trên các lối đi chung ở khu công cộng và khu dân cư;”
Như vậy với hành vi này, mức phạt tối đa là 300.000 đồng.
Về hành vi dừng xe dưới lòng đường ở khu đô thị. Có thể thấy trong 3 bức ảnh được đăng tải, người lái xe đã tận dụng thời gian chờ đèn đỏ để mở cửa xe ra ngoài đi vệ sinh. Bức ảnh đầu tiên thể hiện rõ điều này và có thể nhận thấy tín hiệu đèn đỏ. Nhưng tại bức ảnh thứ 3, đèn đã chuyển xanh và các phương tiện đã lưu thông thì người lái xe này mới thực hiện xong hành vi tiểu tiện và bắt đầu bước ra để vào xe. Như vậy đây là hành vi dừng xe dưới lòng đường trong khu đô thị, một hành vi bị cấm theo quy định tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Theo điểm b khoản 3 điều 6 Nghị định này, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi vi phạm : Dừng xe, đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông. Như vậy người lái xe này còn có thể bị xử phạt thêm 200.000 đồng nữa.
Việc nhận thấy đây là một hành vi không đúng với diễn biến tâm lý thông thường, nhưng khi chưa có kết luận của cơ quan chức năng về việc người này có sử dụng bia rượu khi lái xe hay không thì chưa thể kết luận người lái xe này sẽ bị xử phạt, bởi trong hình ảnh cho thấy lái xe khá tỉnh táo và không có biểu hiện gì bất thường. Mức phạt cao nhất cho hành vi sử dụng rượu bia khi lái xe có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép tối đa là 3.000.000 đồng theo quy định tại điểm e khoản 6 điều 6 Nghị định Nghị định 171/2013/NĐ-CP.
Không có dấu hiệu của tội phạm
Hành vi của người lái xe này nếu bị xem xét dưới góc độ hình sự thì chỉ có khả năng về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Gây rối trật tự công cộng theo giải thích phải là hành vi gây náo động, hò hét gây mất trật tự ở những nơi công cộng như ngoài đường phố, khu dân cư, công viên…Hành vi này gây nên sự xáo trộn, hoảng sợ cho những người xung quanh. Ở đây không có dấu hiệu của việc ách tắc, cản trở giao thông hoặc gián đoạn hoạt động của cơ quan, tổ chức…mà chủ yếu chỉ gây ra sự ngạc nhiên cho những người tham gia giao thông khác nên không có cơ sở để xử lý hình sự người lái xe về hành vi này.
Theo dõi trang Vì Công Lý để cập nhật những tin tức mới nhất và những giải đáp kịp thời về mặt pháp lý đối với nhiều vụ việc gây xôn xao dư luận hiện nay.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tăng cường công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa và lễ hội mừng Xuân Ất Tỵ 2025?
- Nhiệm kỳ của Giám đốc theo tổ chức quản trị rút gọn tại Hợp tác xã là bao lâu?
- Tra cứu kết quả thi HSG quốc gia 2024-2025 ở đâu?
- Bán pháo hoa Bộ Quốc phòng có bị phạt không?
- Kịch bản chương trình họp phụ huynh cuối học kì 1 các cấp năm 2024 - 2025?