Phạm nhân vi phạm nội quy cơ sở giam giữ có bị cùm chân không?
Phạm nhân vi phạm nội quy cơ sở giam giữ có bị cùm chân không?
Căn cứ Điều 43 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định về xử lý phạm nhân vi phạm trong cơ sở giam như như sau:
Xử lý phạm nhân vi phạm
1. Phạm nhân vi phạm nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân hoặc có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị kỷ luật bằng một trong các hình thức sau đây:
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Giam tại buồng kỷ luật đến 10 ngày.
2. Trong thời gian bị giam tại buồng kỷ luật, phạm nhân không được gặp thân nhân và có thể bị cùm chân. Không áp dụng cùm chân đối với phạm nhân nữ, phạm nhân là người dưới 18 tuổi, phạm nhân là người già yếu.
3. Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện quyết định kỷ luật phạm nhân bằng văn bản và lưu hồ sơ phạm nhân.
4. Trường hợp hành vi vi phạm của phạm nhân có dấu hiệu của tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Giám thị trại giam thì Giám thị trại giam ra quyết định khởi tố vụ án, tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật. Trường hợp không thuộc thẩm quyền điều tra của mình thì phải kiến nghị cơ quan điều tra có thẩm quyền khởi tố theo quy định của pháp luật.
Trường hợp hành vi vi phạm của phạm nhân đang giam giữ tại trại tạm giam, nhà tạm giữ Công an cấp huyện có dấu hiệu của tội phạm thì Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện kiến nghị cơ quan điều tra có thẩm quyền khởi tố theo quy định của pháp luật.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Như vậy, khi phạm nhân trong trại giam vi phạm nội quy cơ sở giam giữ thì tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm mà bị kỷ luật bằng một trong các hình thức: Khiển trách; Cảnh cáo; Giam tại buồng kỷ luật đến 10 ngày.
Trường hợp giam tại buồng giam kỷ luật thì phạm nhân có thể bị cùm chân. Không áp dụng cùm chân đối với phạm nhân nữ, phạm nhân là người dưới 18 tuổi, phạm nhân là người già yếu.
Phạm nhân vi phạm nội quy cơ sở giam giữ có bị cùm chân không? (Hình từ Internet)
Phạm nhân chấp hành tốt nội quy cơ sở giam giữ có được thưởng tiền không?
Theo Điều 41 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định về việc khen thưởng phạm nhân như sau:
Khen thưởng phạm nhân
1. Trong thời gian chấp hành án phạt tù, phạm nhân chấp hành tốt nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân, có thành tích trong lao động, học tập hoặc lập công thì được khen thưởng theo một hoặc nhiều hình thức sau đây:
a) Biểu dương;
b) Thưởng tiền hoặc hiện vật;
c) Tăng số lần được liên lạc bằng điện thoại, số lần gặp thân nhân, số lần và số lượng quà được nhận.
2. Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu quyết định khen thưởng phạm nhân. Việc khen thưởng phải bằng văn bản, được lưu vào hồ sơ phạm nhân. Phạm nhân được khen thưởng có thể được đề nghị xét nâng mức giảm thời hạn chấp hành án phạt tù theo quy định của pháp luật.
Như vậy, phạm nhân chấp hành tốt nội quy cơ sở giam giữ, có thành tích trong lao động, học tập hoặc lập công thì được khen thưởng theo một hoặc nhiều hình thức: Biểu dương; Thưởng tiền hoặc hiện vật; Tăng số lần được liên lạc bằng điện thoại, số lần gặp thân nhân, số lần và số lượng quà được nhận.
Theo đó, phạm nhân có thể được thưởng tiền khi chấp hành tốt nội quy.
Phạm nhân chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng thì sẽ được cơ sở giam giữ hỗ trợ những gì?
Tại Điều 45 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định:
Tái hòa nhập cộng đồng
1. Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm tổ chức chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng trước khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù, được đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện. Nội dung chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng bao gồm:
a) Tư vấn tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý;
b) Định hướng nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm;
c) Hỗ trợ một phần kinh phí từ Quỹ hòa nhập cộng đồng của trại giam.
2. Kinh phí bảo đảm cho việc thực hiện tái hòa nhập cộng đồng bao gồm:
a) Kinh phí do ngân sách nhà nước cấp;
b) Quỹ hòa nhập cộng đồng của trại giam và các quỹ khác theo quy định của pháp luật;
c) Nguồn đóng góp tự nguyện của cơ quan, tổ chức, cá nhân và các nguồn thu hợp pháp khác.
3. Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân tạo điều kiện, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng bằng các biện pháp sau đây:
a) Thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng;
b) Dạy nghề, giải quyết việc làm;
c) Trợ giúp về tâm lý và hỗ trợ các thủ tục pháp lý;
d) Các biện pháp hỗ trợ khác.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Như vậy, phạm nhân trước khi chấp hành xong án phạt tù, được đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện thì sẽ được cơ sở giam giữ tổ chức chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng về:
- Tư vấn tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý;
- Định hướng nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm;
- Hỗ trợ một phần kinh phí từ Quỹ hòa nhập cộng đồng của trại giam.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 3 2 1930 là ngày gì? Ý nghĩa lịch sử của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930)?
- Năm 2025, thi đánh giá năng lực gồm những môn nào?
- Phương thức tuyển sinh 2025 trường Đại học Ngoại Thương?
- Hồ sơ đăng ký thi đánh giá năng lực 2025 Đại học Quốc gia TPHCM gồm gì?
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?