CHÍNH
PHỦ
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
28/2012/NĐ-CP
|
Hà
Nội, ngày 10 tháng 04 năm 2012
|
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT
NGƯỜI KHUYẾT TẬT
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm
2001;
Căn cứ Luật người khuyết tật ngày 17 tháng 6 năm 2010;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ
Lao động - Thương binh và xã hội;
Chính phủ ban hành Nghị định quy
định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật,
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết một
số điều của Luật người khuyết tật về dạng tật,
mức độ khuyết tật và xác định mức độ khuyết tật; chính sách xã hội hóa trợ giúp
người khuyết tật; nghiên cứu khoa học, đào tạo chuyên gia, kỹ thuật viên, sản
xuất trang thiết bị dành cho người khuyết tật; chế độ phụ cấp và chính sách ưu
đãi đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên hỗ trợ giáo dục người
khuyết tật; việc làm cho người khuyết tật; giảm giá vé, giá dịch vụ; thực hiện
lộ trình cải tạo công trình công cộng; phương tiện giao thông tiếp cận; bảo trợ
xã hội; thành lập, hoạt động, giải thể cơ sở chăm sóc người khuyết tật.
Điều 2. Dạng tật
1. Khuyết tật vận động là tình trạng
giảm hoặc mất chức năng cử động đầu, cổ, chân, tay, thân mình dẫn đến hạn chế
trong vận động, di chuyển.
2. Khuyết tật nghe, nói là tình trạng
giảm hoặc mất chức năng nghe, nói hoặc cả nghe và nói, phát âm thành tiếng và
câu rõ ràng dẫn đến hạn chế trong giao tiếp, trao đổi thông tin bằng lời nói.
3. Khuyết tật nhìn là tình trạng giảm
hoặc mất khả năng nhìn và cảm nhận ánh sáng, màu sắc, hình ảnh, sự vật trong điều
kiện ánh sáng và môi trường bình thường.
4. Khuyết tật thần kinh, tâm thần
là tình trạng rối loạn tri giác, trí nhớ, cảm xúc, kiểm soát hành vi, suy nghĩ
và có biểu hiện với những lời nói, hành động bất thường.
5. Khuyết tật trí tuệ là tình trạng
giảm hoặc mất khả năng nhận thức, tư duy biểu hiện bằng việc chậm hoặc không thể
suy nghĩ, phân tích về sự vật, hiện tượng, giải quyết sự việc.
6. Khuyết tật khác là tình trạng giảm
hoặc mất những chức năng cơ thể khiến cho hoạt động lao động, sinh hoạt, học tập
gặp khó khăn mà không thuộc các trường hợp được quy định tại các Khoản 1, 2, 3,
4 và 5 Điều này.
Điều 3. Mức độ
khuyết tật
1. Người khuyết tật đặc biệt nặng
là những người do khuyết tật dẫn đến mất hoàn toàn chức năng, không tự kiểm
soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá
nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có
người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.
2. Người khuyết
tật nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất một phần hoặc suy giảm chức
năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được một số hoạt động đi lại,
mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá
nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc.
3. Người khuyết tật nhẹ là người
khuyết tật không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.
Điều 4. Xác định
mức độ khuyết tật
1. Hội đồng xác định mức độ khuyết
tật căn cứ vào quy định tại Điều 2, Điều 3 Nghị định này và
quan sát trực tiếp người khuyết tật thông qua thực hiện hoạt động đơn giản phục
vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày, sử dụng bộ câu hỏi theo tiêu chí về y tế,
xã hội và phương pháp khác theo quy định để xác định mức độ khuyết tật, trừ trường
hợp quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.
2. Hội đồng giám định y khoa xác định,
kết luận về dạng tật và mức độ khuyết tật đối với trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 15 Luật người khuyết tật.
3. Người khuyết
tật đã có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ
suy giảm khả năng lao động trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì Hội đồng
xác định mức độ khuyết tật căn cứ kết luận của Hội đồng giám định y khoa để xác
định mức độ khuyết tật như sau:
a) Người khuyết tật đặc biệt nặng
khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận không còn khả năng tự phục vụ hoặc
suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
b) Người khuyết tật nặng khi được Hội
đồng giám định y khoa kết luận có khả năng tự phục vụ sinh hoạt nếu có người,
phương tiện trợ giúp một phần hoặc suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%;
c) Người khuyết tật nhẹ khi được Hội
đồng giám định y khoa kết luận có khả năng tự phục vụ sinh hoạt hoặc suy giảm
khả năng lao động dưới 61%.
4. Trường hợp
văn bản của Hội đồng giám định y khoa trước ngày Nghị định này có hiệu lực kết
luận chưa rõ về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động thì Hội
đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện việc xác định mức độ khuyết tật cho
người khuyết tật theo quy định tại Khoản 1 Điều này.
5. Ngân sách
nhà nước bảo đảm kinh phí thực hiện việc xác định mức độ khuyết tật và cấp Giấy
xác nhận khuyết tật theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước.
6. Bộ Tài
chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về kinh phí quy định tại
khoản 5 Điều này.
Điều 5. Chính
sách xã hội hóa trợ giúp người khuyết tật
1. Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng
cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng, chăm sóc, giáo dục, dạy nghề, tạo việc
làm hoặc cơ sở cung cấp dịch vụ khác trợ giúp người khuyết tật được hưởng chính
sách theo quy định của pháp luật về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với
các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi
trường.
2. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ về loại hình, tiêu chí, quy mô, tiêu
chuẩn của cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng, cơ sở chăm sóc người khuyết tật,
tạo việc làm và cơ sở cung cấp dịch vụ khác giúp người khuyết tật quy định tại
Khoản 1 Điều này.
Điều 6. Nghiên
cứu khoa học, đào tạo chuyên gia, kỹ thuật viên, sản xuất trang thiết bị dành
cho người khuyết tật
1. Cơ quan, tổ chức nghiên cứu khoa
học về người khuyết tật, đào tạo chuyên gia, kỹ thuật viên về chỉnh hình, phục
hồi chức năng được nhà nước hỗ trợ kinh phí theo quy định của pháp luật về ngân
sách nhà nước.
Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành Khoản này.
2. Cơ sở sản xuất dụng cụ chỉnh
hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng, trợ giúp sinh hoạt, học tập và
lao động cho người khuyết tật được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng
Chính sách xã hội theo quy định của pháp luật.
3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã
hội trình Thủ tướng Chính phủ quy định về cho vay lãi suất ưu đãi đối với đối
tượng quy định tại Khoản 2 Điều này.
Điều 7. Phụ cấp,
chính sách ưu đãi đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên hỗ trợ
giáo dục người khuyết tật
1. Các đối tượng
sau đây được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định tại Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20
tháng 6 năm 2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý
giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc
biệt khó khăn:
a) Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục
trực tiếp giảng dạy, quản lý người khuyết tật theo phương thức giáo dục chuyên
biệt trong cơ sở giáo dục chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa
nhập;
b) Nhà giáo trực tiếp giảng dạy người
khuyết tật theo phương thức giáo dục chuyên biệt trong các cơ sở giáo dục không
thuộc Điểm a Khoản này.
2. Nhà giáo trực
tiếp giảng dạy người khuyết tật theo phương thức giáo dục hòa nhập không thuộc
quy định tại Khoản 1 Điều này được hưởng phụ cấp ưu đãi như sau:
Phụ
cấp ưu đãi giảng dạy người khuyết tật
|
=
|
Tiền
lương 01 giờ dạy của giáo viên
|
x
|
0,2
|
x
|
Tổng
số giờ thực tế giảng dạy ở lớp có người khuyết tật
|
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ,
Bộ Tài chính quy định về chức danh nghề nghiệp, chính sách đối với nhân viên hỗ
trợ giáo dục người khuyết tật công tác trong các cơ sở giáo dục và trung tâm hỗ
trợ phát triển giáo dục hòa nhập.
Chương 2.
VIỆC LÀM CHO NGƯỜI KHUYẾT
TẬT
Điều 8. Khuyến
khích người khuyết tật tự tạo việc làm, hộ gia đình tạo việc làm cho người khuyết
tật
1. Người khuyết tật tự tạo việc
làm, hộ gia đình tạo việc làm cho người khuyết tật được hưởng chính sách sau
đây:
a) Vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản
xuất kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều kiện, thời hạn và mức vốn
cho vay thực hiện theo các quy định hiện hành áp dụng đối với các dự án vay vốn
giải quyết việc làm;
b) Hướng dẫn về sản xuất kinh
doanh, hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.
2. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm
vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ
quan, tổ chức và cá nhân liên quan hướng dẫn về sản xuất kinh doanh, chuyển
giao công nghệ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm do người khuyết tật làm ra.
Điều 9. Cơ sở sản
xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật
1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng
từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật quy định tại Điều
34 Luật Người khuyết tật được hưởng các chính sách ưu đãi sau đây:
a) Hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện,
môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật theo quy định của Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội. Mức hỗ trợ theo tỷ lệ người khuyết tật làm việc ổn định
tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô
của cơ sở sản xuất, kinh doanh theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh)
quyết định mức kinh phí hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc cho cơ sở
sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật;
b) Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp
theo quy định của pháp luật về thuế;
c) Vay vốn ưu đãi theo dự án phát
triển sản xuất kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều kiện vay, thời hạn
vay, mức vốn vay và mức lãi suất vay thực hiện theo quy định hiện hành áp dụng
đối với dự án vay vốn giải quyết việc làm;
d) Ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng,
mặt nước theo quy định của pháp luật;
đ) Miễn tiền
thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất,
kinh doanh sử dụng từ 70% lao động là người khuyết tật trở lên. Giảm 50% tiền
thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất,
kinh doanh sử dụng từ 30% đến dưới 70% lao động là người khuyết tật.
Trong thời gian được miễn, giảm tiền
thuê đất, mặt bằng, mặt nước, cơ sở sản xuất, kinh doanh không được chuyển đổi,
chuyển nhượng, tặng, cho, cho thuê quyền sử dụng đất, mặt bằng, mặt nước; không
được thế chấp, cầm cố, bảo lãnh, góp vốn liên doanh, liên kết bằng quyền sử dụng
đất, mặt bằng, mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai.
2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã
hội trình Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục, tiêu chí xác định cơ sở sản xuất,
kinh doanh, mức hỗ trợ kinh phí quy định tại Điểm a và Điểm đ Khoản 1 Điều này.
3. Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc xác định tỷ lệ lao động là người khuyết
tật; trình tự, thủ tục, hồ sơ để cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% lao
động trở lên là người khuyết tật được hưởng ưu đãi quy định tại Khoản 1 Điều
này.
Điều 10. Khuyến
khích cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc
1. Doanh nghiệp sử dụng từ 10 người
khuyết tật làm việc ổn định được hưởng chính sách ưu đãi quy định tại Điểm a và Điểm c Khoản 1 Điều 9 Nghị định này.
2. Cơ quan hành chính, đơn vị sự
nghiệp sử dụng từ 10 người khuyết tật làm việc ổn định được hưởng chính sách
quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 9 Nghị định này.
Chương 3.
MIỄN, GIẢM GIÁ VÉ, GIÁ DỊCH
VỤ, THỰC HIỆN LỘ TRÌNH CẢI TẠO CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG, PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG TIẾP
CẬN
Điều 11. Miễn,
giảm giá vé, giá dịch vụ văn hóa, thể thao, giải trí và du lịch
1. Người khuyết tật đặc biệt nặng
được miễn giá vé, giá dịch vụ khi trực tiếp sử dụng dịch vụ văn hóa, thể thao,
giải trí và du lịch tại các cơ sở văn hóa, thể thao sau đây:
a) Bảo tàng, di tích văn hóa - lịch
sử, thư viện và triển lãm;
b) Nhà hát, rạp chiếu phim;
c) Các cơ sở thể thao khi diễn ra
các hoạt động thể dục, thể thao trong nước;
d) Các cơ sở văn hóa, thể thao, giải
trí và du lịch khác.
2. Người khuyết
tật nặng được giảm tối thiểu 50% giá vé, giá dịch vụ khi trực tiếp sử dụng dịch
vụ văn hóa, thể thao, giải trí và du lịch tại các cơ sở văn hóa, thể thao quy định
tại Khoản 1 Điều này.
3. Cơ sở văn hóa, thể thao, giải
trí và du lịch phát hành vé giảm giá cho người khuyết tật. Để được miễn, giảm
giá vé, giá dịch vụ, người khuyết tật cần xuất trình Giấy xác nhận khuyết tật.
4. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện Điều này.
5. Căn cứ điều kiện cụ thể, Bộ trưởng
các Bộ, Thủ trưởng các ngành, đoàn thể Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh quyết định mức giảm giá vé, giá dịch vụ thuộc thẩm quyền quản lý nhưng
không thấp hơn mức quy định tại Khoản 2 Điều này.
Điều 12. Miễn,
giảm giá vé, giá dịch vụ giao thông công cộng
1. Người khuyết tật đặc biệt nặng,
người khuyết tật nặng được miễn giá vé, giá dịch vụ khi tham gia giao thông bằng
xe buýt.
2. Người khuyết
tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng được giảm giá vé, giá dịch vụ khi tham
gia giao thông trên các tuyến vận tải nội địa bằng các phương tiện sau đây:
a) Giảm tối thiểu 15% đối với máy
bay;
b) Giảm tối thiểu 25% đối với tàu hỏa,
tàu điện, tàu thủy, xe ô tô vận tải khách theo tuyến cố định.
3. Đơn vị tham
gia vận tải công cộng phát hành vé giảm giá cho người khuyết tật. Để được miễn,
giảm giá vé dịch vụ, người khuyết tật cần xuất trình Giấy xác nhận khuyết tật.
Điều 13. Thực
hiện lộ trình cải tạo nhà chung cư, công trình công cộng
1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ
quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp, tổ chức và cá nhân sở hữu, quản
lý, khai thác sử dụng công trình là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; nhà
ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề; công
trình văn hóa, thể dục thể thao; nhà chung cư; công trình hạ tầng kỹ thuật,
công trình hạ tầng xã hội khác có trách nhiệm rà soát, xây dựng kế hoạch và bảo
đảm điều kiện để thực hiện cải tạo điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật
theo lộ trình sau đây:
a) Đến năm 2015 có ít nhất 50% công
trình là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở
khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề; công trình văn hóa, thể dục thể
thao; nhà chung cư bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật;
b) Đến năm 2017 có ít nhất 75% trụ
sở làm việc của cơ quan nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám bệnh, chữa
bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề; công trình văn hóa, thể dục thể thao; nhà chung
cư bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật;
c) Đến ngày 01 tháng 01 năm 2020 tất
cả trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám bệnh,
chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề; công trình văn hóa, thể dục thể thao; nhà
chung cư bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật;
d) Đến ngày 01 tháng 01 năm 2025, tất
cả trụ sở làm việc; nhà chung cư; công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng
xã hội khác chưa quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 1 Điều này phải bảo đảm
điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật.
2. Kinh phí thực hiện quy định tại
Khoản 1 Điều này do cơ quan, tổ chức, cá nhân sở hữu, quản lý, khai thác sử dụng
tự bố trí, huy động thực hiện.
3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã
hội, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan rà soát, thống kê đánh giá thực trạng
nhà chung cư; công trình công cộng chưa bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người
khuyết tật theo từng loại công trình, hướng dẫn phương pháp, chỉ tiêu giám sát
đánh giá việc thực hiện lộ trình cải tạo công trình công cộng.
Điều 14.
Phương tiện giao thông tiếp cận
1. Đơn vị tham gia vận tải công cộng
bằng xe buýt, tàu hỏa phải xây dựng phương án, trang bị, cải tạo phương tiện
giao thông công cộng bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận trên các
tuyến vận tải theo tỷ lệ như sau:
a) Bảo đảm tỷ lệ xe buýt đáp ứng
quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận theo từng thời kỳ đến năm 2015, 2020
và 2025 theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
b) Bảo đảm đến
năm 2015 có ít nhất một toa xe trong đoàn tàu chở khách liên tỉnh Bắc - Nam bảo
đảm quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận; đến năm 2020 có ít nhất một toa
xe trong đoàn tàu chở khách trên tất cả các tuyến bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật về
giao thông tiếp cận.
2. Đơn vị tham gia vận tải công cộng
có trách nhiệm bố trí thiết bị, công cụ và nhân viên để trợ giúp hành khách là
người khuyết tật lên, xuống phương tiện giao thông thuận tiện. Phương án trợ
giúp phải được thông báo tại các nhà ga, bến đón, trả hành khách ở những nơi dễ
thấy.
3. Kinh phí thực hiện quy định tại
Khoản 1 và Khoản 2 Điều này do cơ quan, tổ chức, cá nhân sở hữu, khai thác bảo
đảm. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan trình Thủ
tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn đối với doanh nghiệp
đầu tư, cải tạo phương tiện giao thông bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật về giao thông
tiếp cận.
4. Đơn vị tham gia vận tải công cộng
có trách nhiệm rà soát, thống kê đánh giá thực trạng phương tiện giao thông
công cộng chưa bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận; xây dựng kế
hoạch trang bị, cải tạo phương tiện giao thông công cộng bảo đảm quy chuẩn kỹ
thuật về giao thông tiếp cận thuộc trách nhiệm quản lý của mình.
Chương 4.
BẢO TRỢ XÃ HỘI
Điều 15. Mức
chuẩn xác định các mức trợ cấp xã hội, mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng
và mức trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng
1. Mức trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ
trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng, mức cấp kinh phí nuôi dưỡng hàng tháng đối với
người khuyết tật được tính theo mức chuẩn trợ cấp xã hội đối với đối tượng bảo
trợ xã hội theo quy định của Chính phủ nhân với hệ số quy định tại các Điều 16, 17 và 18 Nghị định này.
2. Căn cứ điều kiện cụ thể, Bộ trưởng
các Bộ, Thủ trưởng các ngành, tổ chức đoàn thể ở Trung ương (có cơ sở chăm sóc
người khuyết tật), Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định các mức trợ cấp
xã hội hàng tháng, mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng, mức trợ cấp nuôi dưỡng
hàng tháng, mức hỗ trợ chi phí mai táng, mức cấp kinh phí nuôi dưỡng người khuyết
tật đặc biệt nặng trong cơ sở bảo trợ xã hội thuộc thẩm quyền quản lý cho phù hợp,
nhưng không thấp hơn các mức tương ứng quy định tại Nghị định này.
Điều 16. Hệ số
tính mức trợ cấp xã hội hàng tháng, mức hỗ trợ chi phí mai táng
1. Hệ số tính mức trợ cấp xã hội
hàng tháng đối với người khuyết tật sống tại hộ gia đình được quy định như sau:
a) Hệ số hai (2,0) đối với người
khuyết tật đặc biệt nặng;
b) Hệ số hai phẩy năm (2,5) đối với
người khuyết tật đặc biệt nặng là người cao tuổi, người khuyết tật đặc biệt nặng
là trẻ em;
c) Hệ số một phẩy năm (1,5) đối với
người khuyết tật nặng;
d) Hệ số hai (2,0) đối với người
khuyết tật nặng là người cao tuổi, người khuyết tật nặng là trẻ em.
2. Trường hợp người khuyết tật thuộc
diện hưởng các hệ số khác nhau quy định tại Khoản 1 Điều này thì chỉ được hưởng
một hệ số cao nhất.
3. Người khuyết tật quy định tại Khoản
1 Điều này đang được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, khi chết được hỗ trợ chi
phí mai táng bằng mức hỗ trợ mai táng đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Trường
hợp người khuyết tật thuộc diện hưởng các mức hỗ trợ chi phí mai táng khác nhau
thì chỉ được hưởng một mức cao nhất.
Điều 17. Hệ số
tính mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng
1. Hệ số tính mức hỗ trợ kinh phí
chăm sóc hàng tháng đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng
đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi được quy định như sau:
a) Hệ số một phẩy năm (1,5) đối với
người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai hoặc nuôi
một con dưới 36 tháng tuổi;
b) Hệ số hai (2,0) đối với người
khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai và nuôi con dưới
36 tháng tuổi;
c) Hệ số hai (2,0) đối với người
khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang nuôi từ hai con trở lên dưới
36 tháng tuổi;
d) Trường hợp người khuyết tật thuộc
diện hưởng các hệ số khác nhau quy định tại Điểm a, Điểm b và Điểm c Khoản 1 Điều
này thì chỉ được hưởng một hệ số cao nhất;
đ) Trường hợp cả vợ và chồng là người
khuyết tật thuộc diện hưởng hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng quy định tại
Khoản 1 Điều này thì chỉ được hưởng một suất hỗ trợ kinh phí chăm sóc quy định
tại Điểm a, Điểm b và Điểm c Khoản 1 Điều này.
2. Trường hợp người khuyết tật đặc
biệt nặng, người khuyết tật nặng đang hưởng trợ cấp xã hội quy định tại Khoản 1 Điều 16 Nghị định này nhưng mang thai hoặc nuôi con dưới
36 tháng tuổi thì vẫn được hưởng kinh phí hỗ trợ chăm sóc quy định tại Khoản 1
Điều này.
3. Hộ gia đình
đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng được hưởng
kinh phí hỗ trợ chăm sóc hệ số một (1,0).
4. Người đáp ứng điều kiện quy định
tại Điều 19 Nghị định này khi nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người
khuyết tật đặc biệt nặng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc với hệ số được quy định
như sau:
a) Hệ số một phẩy năm (1,5) đối với
trường hợp nhận nuôi dưỡng, chăm sóc một người khuyết tật đặc biệt nặng;
b) Hệ số ba (3,0) đối với trường hợp
nhận nuôi dưỡng, chăm sóc từ hai người khuyết tật đặc biệt nặng trở lên.
Điều 18. Hệ số
tính mức trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng và các mức cấp kinh phí chăm sóc người
khuyết tật đặc biệt nặng không nơi nương tựa, không tự lo được cuộc sống được tiếp
nhận vào nuôi dưỡng trong cơ sở bảo trợ xã hội
Nhà nước cấp kinh phí để cơ sở bảo
trợ xã hội nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng không nương tựa, không tự
lo được cuộc sống theo quy định sau đây:
1. Hệ số tính mức trợ cấp nuôi dưỡng
hàng tháng là ba (3,0); trường hợp người khuyết tật đặc biệt nặng là trẻ em hoặc
người khuyết tật đặc biệt nặng là người cao tuổi thì hệ số mức trợ cấp là bốn
(4,0).
2. Mức hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế
theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
3. Mức mai táng khi chết bằng mức hỗ
trợ mai táng phí áp dụng đối với đối tượng bảo trợ xã hội trong cơ sở bảo trợ
xã hội.
4. Hỗ trợ mua
sắm tư trang, vật dụng phục vụ sinh hoạt đời sống thường ngày; mua thuốc chữa bệnh
thông thường và vệ sinh cá nhân hàng tháng đối với phụ nữ theo mức quy định của
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Điều 19. Điều
kiện đối với người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng
Người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người
khuyết tật đặc biệt nặng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Có chỗ ở ổn định và không thuộc
diện hộ nghèo.
2. Có sức khỏe để thực hiện chăm
sóc người khuyết tật.
3. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
4. Có phẩm chất đạo đức tốt, không
mắc tệ nạn xã hội và không thuộc đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc
đã bị kết án mà chưa được xóa án tích.
5. Có kỹ năng để chăm sóc người
khuyết tật.
Điều 20. Hồ sơ
đề nghị trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng
1. Hồ sơ đề nghị trợ cấp xã hội bao
gồm:
a) Tờ khai thông tin của người khuyết
tật theo mẫu quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
b) Bản sao Giấy xác nhận khuyết tật;
c) Bản sao Sổ hộ khẩu;
d) Bản sao Giấy khai sinh hoặc chứng
minh nhân dân;
đ) Bản sao Quyết định của cơ sở chăm
sóc người khuyết tật về việc chuyển người khuyết tật về gia đình đối với trường
hợp đang sống trong cơ sở bảo trợ xã hội;
e) Giấy xác nhận đang mang thai của
cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế, bản sao Giấy
khai sinh của con đang nuôi dưới 36 tháng tuổi đối với trường hợp đang mang
thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
2. Hồ sơ đề
nghị hỗ trợ kinh phí chăm sóc đối với gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng
bao gồm:
a) Tờ khai thông tin hộ gia đình
theo mẫu quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
b) Bản sao Giấy xác nhận khuyết tật;
c) Bản sao Sổ hộ khẩu;
d) Tờ khai thông tin của người khuyết
tật theo mẫu quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đối với trường hợp
người khuyết tật chưa được hưởng trợ cấp xã hội hoặc bản sao Quyết định hưởng
trợ cấp xã hội của người khuyết tật đối với trường hợp người khuyết tật đang hưởng
trợ cấp xã hội.
3. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí
chăm sóc đối với người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng
bao gồm:
a) Đơn của người nhận nuôi dưỡng,
chăm sóc người khuyết tật có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn
(sau đây gọi chung là cấp xã) về đủ điều kiện nhận nuôi dưỡng, chăm sóc theo
quy định tại Điều 19 Nghị định này;
b) Tờ khai thông tin người nhận
nuôi dưỡng, chăm sóc theo mẫu quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
c) Bản sao Sổ hộ khẩu và chứng minh
nhân dân của người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc;
d) Tờ khai thông tin của người khuyết
tật theo mẫu quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
đ) Bản sao Sổ hộ khẩu của hộ gia
đình người khuyết tật, nếu có;
e) Bản sao Giấy xác nhận khuyết tật;
g) Bản sao Quyết định trợ cấp xã hội
hàng tháng của người khuyết tật đối với trường hợp người khuyết tật đang hưởng
trợ cấp xã hội.
4. Hồ sơ hỗ trợ kinh phí chăm sóc đối
với người khuyết tật đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi theo quy định
như sau:
a) Trường hợp người khuyết tật chưa
được hưởng trợ cấp xã hội, hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 Điều này;
b) Trường hợp người khuyết tật đang
hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hồ sơ bao gồm: Bản sao Quyết định hưởng trợ cấp
xã hội hàng tháng; Giấy xác nhận đang mang thai của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế, bản sao Giấy khai sinh của con dưới 36
tháng tuổi.
Điều 21. Thủ tục
thực hiện trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng
1. Thủ tục thực hiện trợ cấp xã hội,
hỗ trợ kinh phí chăm sóc được quy định như sau:
a) Để được hưởng trợ cấp xã hội, hỗ
trợ kinh phí chăm sóc thì người đề nghị trợ cấp hoặc hỗ trợ kinh phí chăm sóc
làm hồ sơ theo quy định tại Điều 20 Nghị định này gửi Ủy ban
nhân dân cấp xã;
b) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ
ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội xã, phường, thị trấn
(sau đây gọi chung là Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội) tổ chức họp, xét duyệt
hồ sơ đối tượng và niêm yết công khai kết luận tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp
xã và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian 07
ngày;
Khi hết thời gian niêm yết công
khai, nếu không có ý kiến thắc mắc, khiếu nại thì Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã
hội bổ sung biên bản họp Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội vào hồ sơ của đối tượng
và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản gửi Phòng Lao động - Thương
binh và Xã hội để xem xét, giải quyết.
Trường hợp có khiếu nại, tố cáo của
công dân thì trong thời hạn 10 ngày, Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội tiến
hành xác minh, thẩm tra, kết luận cụ thể, công khai trước nhân dân và có văn bản
kết luận của Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội để bổ sung vào hồ sơ của đối tượng.
c) Trong thời hạn 07 ngày làm việc,
kể từ ngày, nhận đủ hồ sơ đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Phòng
Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thẩm định, trình Chủ tịch Ủy
ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp
huyện) quyết định hoặc có thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã về lý do không
được trợ cấp xã hội hoặc hỗ trợ kinh phí chăm sóc;
d) Trong thời hạn 03 ngày làm việc,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm xem xét và ký Quyết định trợ
cấp xã hội hoặc hỗ trợ kinh phí chăm sóc.
2. Trường hợp người khuyết tật đang
hưởng trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc theo quy định tại Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2007 của Chính
phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và Nghị định
số 13/2010/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2010 của
Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2007 của
Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội thì Ủy
ban nhân dân cấp xã rà soát và báo cáo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội
trình Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định theo các mức tương ứng quy định tại
Nghị định này, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.
3. Thủ tục điều chỉnh, thôi hưởng
trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc được quy định như sau:
a) Khi có sự thay đổi về điều kiện
hưởng trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc thì Hội đồng xét duyệt trợ cấp
xã hội hướng dẫn đối tượng bổ sung hồ sơ, xem xét, kết luận và trình Chủ tịch Ủy
ban nhân dân cấp xã văn bản, gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội;
b) Trong thời hạn 07 ngày làm việc,
kể từ ngày nhận văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Phòng Lao động -
Thương binh và Xã hội có trách nhiệm xem xét và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân
cấp huyện quyết định điều chỉnh hoặc thôi hưởng trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí
chăm sóc;
c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm xem xét và ký quyết định điều
chỉnh hoặc thôi hưởng trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc;
d) Thời gian điều chỉnh thôi hưởng
trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc từ tháng sau tháng Chủ tịch Ủy ban
nhân dân cấp huyện ký quyết định điều chỉnh thôi hưởng trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh
phí chăm sóc.
4. Thủ tục thực hiện trợ cấp xã hội,
khi đối tượng thay đổi nơi cư trú được quy định như sau:
a) Khi đối tượng đang được hưởng trợ
cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc chuyển đi nơi khác và có đơn đề nghị thôi
nhận trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc ở nơi cư trú cũ và đề nghị nhận
trợ cấp ở nơi cư trú mới thì Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có trách
nhiệm trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú cũ quyết định thôi hưởng
trợ cấp, hỗ trợ kinh phí chăm sóc và giấy giới thiệu đến Ủy ban nhân dân cấp
huyện nơi cư trú mới của đối tượng, gửi kèm theo hồ sơ đang hưởng trợ cấp của đối
tượng;
b) Trong thời hạn 07 ngày làm việc,
kể từ ngày nhận đủ hồ sơ và giấy giới thiệu, Phòng Lao động - Thương binh và Xã
hội nơi cư trú mới có trách nhiệm xem xét và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
huyện quyết định hưởng trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc theo mức tương ứng
của địa phương;
c) Thời gian hưởng trợ cấp xã hội,
hỗ trợ kinh phí chăm sóc tại nơi ở mới từ tháng tiếp theo của tháng thôi hưởng
trợ cấp, hỗ trợ kinh phí chăm sóc ghi trong quyết định thôi hưởng trợ cấp xã hội,
hỗ trợ kinh phí chăm sóc của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi ở cũ của đối
tượng.
5. Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội quy định về việc thành lập, hoạt động của Hội đồng xét
duyệt trợ cấp xã hội.
Điều 22. Hồ
sơ, thủ tục hỗ trợ chi phí mai táng
1. Hồ sơ hỗ trợ chi phí mai táng
bao gồm:
a) Đơn hoặc văn bản đề nghị của gia
đình, cá nhân, cơ quan, đơn vị, tổ chức đứng ra tổ chức mai táng cho người khuyết
tật;
b) Bản sao giấy chứng tử của người
khuyết tật.
2. Thủ tục hỗ trợ chi phí mai táng
quy định như sau:
a) Gia đình, cá nhân, cơ quan, đơn
vị, tổ chức mai táng cho người khuyết tật làm hồ sơ quy định tại Khoản 1 Điều
này gửi Ủy ban nhân dân cấp xã;
b) Trong thời hạn 03 ngày làm việc,
kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ quy định tại Khoản 1 Điều này, Ủy ban nhân dân
cấp xã có văn bản đề nghị kèm theo hồ sơ gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã
hội;
c) Trong thời hạn 02 ngày làm việc,
kể từ ngày nhận văn bản của Ủy ban nhân dân cấp xã, Phòng Lao động - Thương
binh và Xã hội xem xét, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định
hỗ trợ chi phí mai táng.
Điều 23. Hồ
sơ, thủ tục, tiếp nhận người khuyết tật đặc biệt nặng vào nuôi dưỡng chăm sóc
trong cơ sở bảo trợ xã hội
1. Hồ sơ tiếp nhận người khuyết tật
đặc biệt nặng vào nuôi dưỡng trong cơ sở bảo trợ xã hội gồm:
a) Đơn đề nghị của người khuyết tật
hoặc gia đình, người thân, người giám hộ người khuyết tật;
b) Tờ khai thông tin của người khuyết
tật theo mẫu quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
c) Sơ yếu lý lịch của người khuyết
tật có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã;
d) Bản sao Giấy xác nhận khuyết tật;
đ) Bản sao Sổ hộ khẩu;
e) Bản sao Giấy khai sinh hoặc chứng
minh nhân dân;
g) Biên bản của Hội đồng xét duyệt
trợ cấp xã hội và văn bản đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;
h) Văn bản đề nghị của Chủ tịch Ủy
ban nhân dân cấp huyện gửi cơ quan quản lý cơ sở bảo trợ xã hội;
i) Quyết định tiếp nhận của thủ trưởng
cơ quan quản lý;
k) Các văn bản, giấy tờ có liên
quan khác, nếu có.
2. Thủ tục tiếp nhận người khuyết tật
vào nuôi dưỡng trong cơ sở bảo trợ xã hội thực hiện theo quy định của Chính phủ
về thủ tục tiếp nhận nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội.
3. Thẩm quyền
tiếp nhận, đưa người khuyết tật đặc biệt nặng về nuôi dưỡng chăm sóc tại gia
đình được quy định như sau:
a) Thủ trưởng cơ quan quản lý cơ sở
bảo trợ xã hội quyết định đưa người khuyết tật đặc biệt nặng vào cơ sở bảo trợ
xã hội;
b) Người đứng đầu cơ sở bảo trợ xã
hội quyết định đưa người khuyết tật đủ điều kiện về sống tại gia đình;
c) Bộ Lao động - Thương binh và Xã
hội quy định về điều kiện để đưa người khuyết tật đang nuôi dưỡng và chăm sóc
trong cơ sở bảo trợ xã hội về sống tại gia đình.
Chương 5.
THÀNH LẬP, HOẠT ĐỘNG VÀ
GIẢI THỂ CƠ SỞ CHĂM SÓC NGƯỜI KHUYẾT TẬT
Điều 24. Thành
lập, hoạt động, giải thể cơ sở chăm sóc người khuyết tật
1. Điều kiện thành lập, tổ chức hoạt
động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 57 Luật người
khuyết tật thực hiện theo quy định của Chính phủ về cơ sở bảo trợ xã hội.
2. Việc thành lập, hoạt động và giải
thể cơ sở chăm sóc người khuyết tật quy định tại các Điểm b, c
và d Khoản 2 Điều 47 Luật người khuyết tật theo quy định của pháp luật về
loại hình tổ chức đó.
3. Cơ sở chăm sóc người khuyết tật
quy định tại Khoản 2 Điều này chỉ được phép hoạt động chăm sóc người khuyết tật
sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động chăm sóc người khuyết
tật.
Điều 25. Điều
kiện cấp giấy phép hoạt động chăm sóc người khuyết tật
Cơ sở chăm sóc người khuyết tật được
cấp giấy phép hoạt động chăm sóc người khuyết tật khi có đủ các điều kiện sau
đây:
1. Được thành lập hợp pháp theo quy
định của pháp luật.
2. Người đứng đầu cơ sở phải có
năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có phẩm chất đạo đức tốt, không mắc tệ nạn xã hội
và không thuộc đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà
chưa được xóa án tích;
3. Có nhân viên trực tiếp tư vấn,
chăm sóc người khuyết tật đáp ứng quy định tại Điều 26 Nghị định
này;
4. Trường hợp cơ sở chăm sóc người
khuyết tật có nuôi dưỡng người khuyết tật thì ngoài các điều kiện quy định tại
Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này còn phải bảo đảm các điều kiện về môi trường,
cơ sở vật chất, tiêu chuẩn chăm sóc, nuôi dưỡng quy định của Chính phủ đối với
cơ sở bảo trợ xã hội.
Điều 26. Nhân
viên trực tiếp chăm sóc người khuyết tật
Nhân viên trực tiếp chăm sóc người
khuyết tật phải bảo đảm điều kiện sau đây:
1. Có sức khỏe để thực hiện chăm
sóc người khuyết tật.
2. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
3. Có phẩm chất đạo đức tốt, không
mắc tệ nạn xã hội và không thuộc đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc
đã bị kết án mà chưa được xóa án tích.
4. Có kỹ năng để chăm sóc người
khuyết tật.
Điều 27. Giấy
phép hoạt động chăm sóc người khuyết tật
1. Giấy phép hoạt động chăm sóc người
khuyết tật có nội dung chính sau đây:
a) Tên cơ sở, địa chỉ trụ sở chính,
số điện thoại, số fax;
b) Họ và tên người đứng đầu cơ sở;
c) Phạm vi, nội dung dịch vụ cung cấp
của cơ sở.
2. Khi thay đổi tên gọi, địa chỉ trụ
sở chính, người đứng đầu, phạm vi, nội dung dịch vụ phải làm thủ tục đề nghị điều
chỉnh giấy phép; trường hợp thay đổi hình thức tổ chức, chia, tách, hợp nhất,
sáp nhập phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép.
3. Khi giấy phép hoạt động chăm sóc
người khuyết tật bị mất, bị hư hỏng thì cơ sở phải đề nghị để được cấp lại giấy
phép.
Điều 28. Thẩm
quyền cấp, đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động chăm sóc người khuyết tật
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội cấp giấy phép hoạt động chăm sóc người khuyết tật đối với các trường hợp
sau đây:
a) Cơ sở thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, tổ
chức xã hội - nghề nghiệp có trụ sở chính của cơ sở chăm sóc người khuyết tật đặt
tại địa phương;
b) Cơ sở do tổ chức, cá nhân nước
ngoài thành lập có trụ sở chính đặt tại địa phương;
c) Cơ sở do cơ quan, tổ chức cấp tỉnh
thành lập.
2. Phòng Lao động - Thương binh và
Xã hội cấp giấy phép hoạt động chăm sóc người khuyết tật đối với các cơ sở do
các tổ chức, cá nhân trong nước thành lập mà không thuộc các trường hợp quy định
tại Khoản 1 Điều này có trụ sở chính của cơ sở chăm sóc người khuyết tật tại địa
phương.
3. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy
phép hoạt động chăm sóc người khuyết tật là cơ quan có thẩm quyền cấp lại, điều
chỉnh, đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép hoạt động chăm sóc người khuyết tật.
Điều 29. Hồ sơ
cấp giấy phép hoạt động chăm sóc người khuyết tật
1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt
động chăm sóc người khuyết tật bao gồm:
a) Văn bản đề nghị cấp giấy phép hoạt
động chăm sóc người khuyết tật của cơ sở;
b) Bản sao quyết định thành lập hoặc
giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở;
c) Các giấy tờ chứng minh đủ điều
kiện theo quy định tại Điều 25 Nghị định này.
2. Hồ sơ điều chỉnh, cấp lại giấy
phép hoạt động chăm sóc người khuyết tật bao gồm:
a) Văn bản đề nghị điều chỉnh, cấp
lại giấy phép;
b) Giấy tờ chứng minh, giấy phép hoạt
động chăm sóc người khuyết tật bị mất, bị hư hỏng;
c) Giấy tờ chứng minh thay đổi tên
gọi, địa chỉ trụ sở chính, người đứng đầu, phạm vi, nội dung dịch vụ.
Điều 30. Trình
tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động chăm sóc người khuyết tật
1. Trình tự, thủ tục cấp, cấp lại
và điều chỉnh giấy phép hoạt động trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 28 Nghị định này thực hiện theo quy định sau đây:
a) Cơ sở chăm sóc người khuyết tật
lập hồ sơ gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;
b) Trong thời hạn 15 ngày làm việc,
kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội có trách nhiệm cấp, cấp lại hoặc điều chỉnh giấy phép hoạt động.
2. Trình tự, thủ tục cấp, cấp lại
và điều chỉnh giấy phép hoạt động trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 28 Nghị định này được thực hiện theo quy định sau
đây:
a) Cơ sở chăm sóc người khuyết tật
lập hồ sơ gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội;
b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc,
kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, Phòng Lao động - Thương binh và
Xã hội có trách nhiệm cấp, cấp lại hoặc điều chỉnh giấy phép hoạt động.
3. Trong trường hợp hồ sơ của cơ sở
xin cấp giấy phép hoạt động chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ thì trong thời hạn 03
ngày làm việc, cơ quan cấp giấy phép phải thông báo cho cơ sở biết để hoàn thiện
hồ sơ.
4. Trường hợp cơ sở xin cấp giấy
phép hoạt động không đủ điều kiện để cấp giấy phép thì trong thời hạn 05 ngày
làm việc, cơ quan cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản cho cơ sở về lý do
không đủ điều kiện cấp giấy phép hoạt động chăm sóc người khuyết tật.
Điều 31. Tạm đình
chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động chăm sóc người khuyết tật
1. Cơ sở chăm sóc người khuyết tật
trong quá trình hoạt động không bảo đảm đủ điều kiện quy định tại Điều 25 Nghị định này thì bị tạm đình chỉ hoạt động cho đến
khi bảo đảm đủ điều kiện hoạt động.
2. Giấy phép hoạt động chăm sóc người
khuyết tật bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:
a) Giấy phép hoạt động được cấp cho
cơ sở không đúng thẩm quyền hoặc không đúng quy định của pháp luật;
b) Sau 12 tháng, kể từ ngày được cấp
giấy phép hoạt động chăm sóc người khuyết tật nhưng cơ sở không hoạt động;
c) Cơ sở thay đổi mục đích hoạt động;
d) Hết thời hạn tạm đình chỉ mà cơ
sở vẫn không bảo đảm đủ điều kiện theo quy định;
đ) Cơ sở vi phạm bị xử phạt hành
chính ba (03) lần trong 12 tháng;
e) Tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở
bị giải thể, phá sản mà cơ sở đó không đủ điều kiện hoạt động theo quy định của
pháp luật.
3. Cơ sở chăm sóc người khuyết tật
phải có trách nhiệm giải quyết quyền lợi của người khuyết tật khi cơ sở bị tạm
đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép hoạt động chăm sóc người khuyết tật.
Điều 32. Trách
nhiệm tạm đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động chăm sóc người khuyết tật
1. Khi phát hiện một trong các trường
hợp quy định tại Khoản 2 Điều 31 Nghị định này, Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội hoặc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định
thu hồi giấy phép hoạt động chăm sóc người khuyết tật đã cấp.
2. Trường hợp phát hiện cơ sở không
còn bảo đảm các điều kiện quy định, tùy theo tính chất, mức độ, Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội hoặc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội ra quyết định
tạm đình chỉ có thời hạn một phần hoặc toàn bộ hoạt động chăm sóc người khuyết
tật theo quy định trong giấy phép đã cấp.
Chương 6.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 33. Kinh
phí thực hiện
1. Kinh phí thực
hiện chính sách bảo trợ xã hội; kinh phí khảo sát, thống kê, ứng dụng công nghệ
thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý người khuyết tật; kinh phí tuyên truyền
phổ biến chính sách; kinh phí tập huấn cán bộ làm công tác người khuyết tật, Hội
đồng xác định mức độ khuyết tật, Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội; kinh phí
chi trả trợ cấp xã hội áp dụng theo quy định của Chính phủ về kinh phí thực hiện
chính sách đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
2. Kinh phí thực hiện các chính
sách, hoạt động chăm sóc người khuyết tật chưa quy định tại Khoản 1 Điều này thực
hiện theo quy định Luật người khuyết tật, Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn
thi hành.
Điều 34. Trách
nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương
1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ
quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao hướng dẫn tổ chức thực hiện
Nghị định này.
2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã
hội hướng dẫn thi hành Nghị định này.
Chương 7.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 35. Hiệu
lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành
kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2012.
Nghị định này thay thế Nghị định số
55/1999/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 1999 quy định
chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp
lệnh về người tàn tật, những quy định có liên quan đến người tàn tật và người
tâm thần quy định tại Nghị định số 67/2007/NĐ-CP
ngày 13 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo
trợ xã hội và Nghị định số 13/2010/NĐ-CP
ngày 27 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị
định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm
2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (5b).
|
TM.
CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|