Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ

Số hiệu: 18/2021/TT-BGDĐT Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo Người ký: Hoàng Minh Sơn
Ngày ban hành: 28/06/2021 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Quy chế mới về tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ

Ngày 28/6/2021, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ.

Theo đó, yêu cầu chung đối với người dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ như sau:

- Đã tốt nghiệp thạc sĩ hoặc tốt nghiệp đại học hạng giỏi trở lên ngành phù hợp, hoặc tốt nghiệp trình độ tương đương bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam ở một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù phù hợp với ngành đào tạo tiến sĩ.

(Hiện hành, có bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên hoặc bằng thạc sĩ).

- Đáp ứng yêu cầu đầu vào theo chuẩn chương trình đào tạo do Bộ GD&ĐT tạo ban hành và của chương trình đào tạo tiến sĩ đăng ký dự tuyển.

- Có kinh nghiệm nghiên cứu thể hiện qua luận văn thạc sĩ của chương trình đào tạo định hướng nghiên cứu; Hoặc bài báo, báo cáo khoa học đã công bố;

Hoặc có thời gian công tác từ 02 năm (24 tháng) trở lên là giảng viên, nghiên cứu viên của các cơ sở đào tạo, tổ chức khoa học và công nghệ.

(Hiện hành, có 01 bài báo hoặc báo cáo thuộc lĩnh vực nghiên cứu đăng tạp chí khoa học hoặc kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành có phản biện trong thời hạn 36 tháng tính đến ngày đăng ký dự tuyển).

- Có dự thảo đề cương nghiên cứu và dự kiến kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa.

Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 15/8/2021 và thay thế Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT ngày 04/4/2017.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/2021/TT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 28 tháng 6 năm 2021

THÔNG TƯ

BAN HÀNH QUY CHẾ TUYỂN SINH VÀ ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ TIẾN SĨ

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học;

Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ; Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học;

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ.

Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 8 năm 2021 và thay thế Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT ngày 04 tháng 4 năm 2017 ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Giám đốc các đại học, học viện; Hiệu trưởng các trường đại học; Viện trưởng các viện nghiên cứu có đào tạo tiến sĩ; Hiệu trưởng hoặc Giám đốc các cơ sở giáo dục khác được phép hoạt động đào tạo trình độ tiến sĩ; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.


Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban VHGDTNTNNĐ của Quốc hội;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cục KTVBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Như Điều 3;
- Cổng thông tin điện tử của Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử của Bộ GDĐT;
- Lưu: VT, Vụ PC, Vụ GDĐH.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hoàng Minh Sơn

QUY CHẾ

TUYỂN SINH VÀ ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ TIẾN SĨ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định chung về tuyển sinh, tổ chức đào tạo trình độ tiến sĩ và cấp bằng tiến sĩ.

2. Quy chế này áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học; viện do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ, các cơ sở giáo dục khác được phép đào tạo trình độ tiến sĩ (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo); các tổ chức và cá nhân có liên quan.

3. Quy chế này là căn cứ để cơ sở đào tạo xây dựng và ban hành quy định chi tiết về tuyển sinh, tổ chức đào tạo trình độ tiến sĩ và cấp bằng tiến sĩ áp dụng tại cơ sở đào tạo (sau đây gọi là quy chế của cơ sở đào tạo).

4. Quy chế này không áp dụng đối với việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo những chương trình ở trình độ tiến sĩ do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp bằng (bao gồm cả các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài theo quy định về hợp tác và đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục).

Điều 2. Chương trình đào tạo

1. Chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ do cơ sở đào tạo xây dựng, thẩm định và ban hành, đáp ứng yêu cầu của Khung trình độ quốc gia Việt Nam và quy định về chuẩn chương trình đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Nghiên cứu khoa học là thành phần chính yếu và bắt buộc trong chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ, được quy định chi tiết tại quy chế của cơ sở đào tạo tùy theo yêu cầu của từng lĩnh vực, ngành đào tạo cụ thể. Kết quả nghiên cứu được thể hiện trong luận án tiến sĩ và những công bố khoa học có liên quan của nghiên cứu sinh.

Điều 3. Thời gian và hình thức đào tạo

1. Thời gian đào tạo tiêu chuẩn của trình độ tiến sĩ từ 03 năm (36 tháng) đến 04 năm (48 tháng) do cơ sở đào tạo quyết định, bảo đảm phần lớn nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian này; mỗi nghiên cứu sinh có một kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa nằm trong khung thời gian đào tạo tiêu chuẩn phê duyệt kèm theo quyết định công nhận nghiên cứu sinh (theo mẫu tại Phụ lục I).

2. Nghiên cứu sinh được phép hoàn thành chương trình đào tạo sớm hơn so với kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa không quá 01 năm (12 tháng), hoặc chậm hơn so với kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa nhưng tổng thời gian đào tạo không vượt quá 06 năm (72 tháng) tính từ ngày quyết định công nhận nghiên cứu sinh có hiệu lực đến thời điểm hoàn thành các thủ tục trình luận án cho cơ sở đào tạo, trước khi thực hiện quy trình phản biện độc lập và thành lập Hội đồng đánh giá luận án của cơ sở đào tạo.

3. Đào tạo trình độ tiến sĩ được thực hiện theo hình thức chính quy; nghiên cứu sinh phải dành đủ thời học tập, nghiên cứu tại cơ sở đào tạo theo kế hoạch đã được phê duyệt; trong đó khi đăng ký đủ 30 tín chỉ trong một năm học được xác định là tập trung toàn thời gian.

Điều 4. Tiêu chuẩn của giảng viên giảng dạy trình độ tiến sĩ

1. Giảng viên giảng dạy trình độ tiến sĩ phải đáp ứng những yêu cầu sau:

a) Là công dân Việt Nam hoặc công dân nước ngoài đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật Giáo dục đại học (được sửa đổi, bổ sung năm 2018) và những quy định pháp luật khác có liên quan;

b) Có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có bằng tiến sĩ khoa học, tiến sĩ trong lĩnh vực chuyên môn phù hợp với các học phần, môn học (sau đây gọi chung là học phần) đảm nhiệm trong chương trình đào tạo;

c) Có năng lực ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu và triển khai những hoạt động trao đổi, hợp tác quốc tế về lĩnh vực chuyên môn đảm nhiệm trong chương trình đào tạo tiến sĩ.

2. Người chưa có chức danh giáo sư, phó giáo sư phải đáp ứng thêm những yêu cầu sau:

a) Có thời gian giảng dạy ở trình độ đại học hoặc thạc sĩ từ 01 năm (12 tháng) trở lên kể từ khi có bằng tiến sĩ;

b) Trong thời gian 05 năm (60 tháng) tính đến thời điểm được phân công giảng dạy có công bố liên quan đến chuyên môn giảng dạy với vai trò là tác giả đứng tên đầu hoặc tác giả liên hệ của 02 bài báo, báo cáo khoa học trong các ấn phẩm được tính tới 0,75 điểm trở lên theo điểm tối đa do Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định; hoặc là tác giả hoặc đồng tác giả của 01 sách chuyên khảo do các nhà xuất bản trong nước và quốc tế phát hành hoặc của 01 chương sách tham khảo do các nhà xuất bản quốc tế phát hành (sau đây gọi chung là tác giả chính);

c) Đối với giảng viên giảng dạy những chương trình thuộc lĩnh vực nghệ thuật có thể thay thế yêu cầu tại điểm b khoản này bằng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân do nhà nước trao tặng.

Điều 5. Tiêu chuẩn của người hướng dẫn nghiên cứu sinh

1. Người hướng dẫn chính, người hướng dẫn phụ và người hướng dẫn độc lập nghiên cứu sinh phải đáp ứng các tiêu chuẩn của giảng viên giảng dạy trình độ tiến sĩ theo quy định tại Điều 4 của Quy chế này.

2. Trong thời gian 05 năm (60 tháng) tính đến thời điểm có quyết định công nhận hướng dẫn nghiên cứu sinh, người hướng dẫn chính, người hướng dẫn độc lập, người đồng hướng dẫn khi không phân biệt giữa hướng dẫn chính và hướng dẫn phụ phải có thêm kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực chuyên môn liên quan tới đề tài luận án hướng dẫn, cụ thể như sau:

a) Là tác giả chính của báo cáo hội nghị khoa học, bài báo khoa học được công bố trong các ấn phẩm thuộc danh mục Web of Science hoặc Scopus (sau đây gọi chung là danh mục WoS/Scopus) hoặc chương sách tham khảo do các nhà xuất bản quốc tế có uy tín phát hành, hoặc bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước được Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định khung điểm đánh giá tới 0,75 điểm trở lên, hoặc sách chuyên khảo do các nhà xuất bản có uy tín trong nước và quốc tế phát hành; các công bố phải đạt tổng điểm từ 4,0 điểm trở lên tính theo điểm tối đa do Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định cho mỗi loại công trình (không chia điểm khi có đồng tác giả); hoặc

b) Là tác giả hoặc đồng tác giả của ít nhất 01 kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ đã đăng ký và được cấp bằng độc quyền sáng chế quốc gia hoặc quốc tế; hoặc của ít nhất 01 giải thưởng chính thức của cuộc thi quốc gia hoặc quốc tế được công nhận bởi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với lĩnh vực nghệ thuật và nhóm ngành thể dục, thể thao.

3. Mỗi nghiên cứu sinh có 01 hoặc 02 người hướng dẫn, trong đó có 01 người là cán bộ cơ hữu của cơ sở đào tạo hoặc có hợp đồng giảng dạy, nghiên cứu khoa học với cơ sở đào tạo theo quy định của pháp luật; làm việc theo chế độ trọn thời gian tại cơ sở đào tạo với thời hạn của hợp đồng phù hợp với kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa của nghiên cứu sinh.

Điều 6. Quyền và trách nhiệm của giảng viên giảng dạy trình độ tiến sĩ và người hướng dẫn nghiên cứu sinh

1. Giảng viên giảng dạy trình độ tiến sĩ thực hiện nhiệm vụ và quyền theo quy định tại các Điều 55, Điều 58 Luật Giáo dục đại học (được sửa đổi, bổ sung năm 2018), theo quy chế của cơ sở đào tạo và theo quy định pháp luật liên quan.

2. Tại cùng một thời điểm, người có chức danh giáo sư được hướng dẫn độc lập tối đa 07 nghiên cứu sinh; người có chức danh phó giáo sư, hoặc có bằng tiến sĩ khoa học được hướng dẫn độc lập tối đa 05 nghiên cứu sinh; người có bằng tiến sĩ được hướng dẫn độc lập tối đa 03 nghiên cứu sinh. Trường hợp đồng hướng dẫn 01 nghiên cứu sinh được tính quy đổi tương đương hướng dẫn độc lập 0,5 nghiên cứu sinh.

3. Người hướng dẫn nghiên cứu sinh có trách nhiệm:

a) Thông qua kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa và hằng năm của nghiên cứu sinh; hướng dẫn, hỗ trợ, đánh giá, theo dõi và đôn đốc nghiên cứu sinh thực hiện nhiệm vụ học tập và nghiên cứu theo kế hoạch đã thông qua;

b) Đề xuất hoặc có ý kiến về những thay đổi trong quá trình học tập, nghiên cứu của nghiên cứu sinh;

c) Đề xuất để nghiên cứu sinh được đánh giá luận án tại đơn vị chuyên môn và được bảo vệ luận án tại Hội đồng đánh giá luận án của cơ sở đào tạo;

d) Thực hiện các quyền và nhiệm vụ khác theo quy chế của cơ sở đào tạo.

Chương II

TUYỂN SINH

Điều 7. Đối tượng và điều kiện dự tuyển

1. Yêu cầu chung đối với người dự tuyển:

a) Đã tốt nghiệp thạc sĩ hoặc tốt nghiệp đại học hạng giỏi trở lên ngành phù hợp, hoặc tốt nghiệp trình độ tương đương bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam ở một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù phù hợp với ngành đào tạo tiến sĩ;

b) Đáp ứng yêu cầu đầu vào theo chuẩn chương trình đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và của chương trình đào tạo tiến sĩ đăng ký dự tuyển;

c) Có kinh nghiệm nghiên cứu thể hiện qua luận văn thạc sĩ của chương trình đào tạo định hướng nghiên cứu; hoặc bài báo, báo cáo khoa học đã công bố; hoặc có thời gian công tác từ 02 năm (24 tháng) trở lên là giảng viên, nghiên cứu viên của các cơ sở đào tạo, tổ chức khoa học và công nghệ;

d) Có dự thảo đề cương nghiên cứu và dự kiến kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa.

2. Người dự tuyển là công dân Việt Nam phải đạt yêu cầu về năng lực ngoại ngữ được minh chứng bằng một trong những văn bằng, chứng chỉ sau:

a) Bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên do một cơ sở đào tạo nước ngoài, phân hiệu của cơ sở đào tạo nước ngoài ở Việt Nam hoặc cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp cho người học toàn thời gian bằng tiếng nước ngoài;

b) Bằng tốt nghiệp trình độ đại học ngành ngôn ngữ tiếng nước ngoài do các cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp;

c) Có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ quy định tại Phụ lục II của Quy chế này còn hiệu lực tính đến ngày đăng ký dự tuyển hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ khác tương đương trình độ bậc 4 (theo khung năng ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam) do Bộ Giáo dục Giáo dục Đào tạo công bố.

3. Người dự tuyển là công dân nước ngoài nếu đăng ký theo học chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ bằng tiếng Việt phải có chứng chỉ tiếng Việt tối thiểu từ bậc 4 trở lên theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài và phải đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ thứ hai do cơ sở đào tạo quyết định, trừ trường hợp là người bản ngữ của ngôn ngữ được sử dụng trong chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ.

4. Quy chế của cơ sở đào tạo quy định chi tiết yêu cầu về trình độ chuyên môn phù hợp, năng lực ngoại ngữ, kinh nghiệm công tác và những yêu cầu khác đối với người dự tuyển tùy theo đặc điểm của từng lĩnh vực, ngành đào tạo và chương trình đào tạo cụ thể của cơ sở đào tạo trên cơ sở những yêu cầu tối thiểu quy định tại Điều này.

Điều 8. Tuyển sinh và công nhận nghiên cứu sinh

1. Việc tuyển sinh được tổ chức một hoặc nhiều lần trong năm do cơ sở đào tạo quyết định khi đáp ứng đủ điều kiện bảo đảm chất lượng triển khai đào tạo ở trình độ tiến sĩ theo quy định hiện hành.

2. Phương thức tuyển sinh bao gồm thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển do cơ sở đào tạo quyết định bảo đảm đánh giá minh bạch, công bằng, khách quan và trung thực về kiến thức, năng lực của người dự tuyển. Cơ sở đào tạo được tổ chức tuyển sinh theo hình thức trực tuyến khi đáp ứng những điều kiện đảm bảo chất lượng như đối với tuyển sinh trực tiếp.

3. Thông báo tuyển sinh được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo ít nhất 30 ngày làm việc trước khi tổ chức tuyển sinh, trong đó bao gồm những thông tin về đối tượng và điều kiện dự tuyển; ngành tuyển sinh và yêu cầu chuyên môn phù hợp; chỉ tiêu tuyển sinh; hồ sơ dự tuyển, kế hoạch và phương thức tuyển sinh, thời gian công bố kết quả trúng tuyển và thời gian nhập học; học phí, các chính sách miễn giảm học phí và hỗ trợ kinh phí cho nghiên cứu sinh trong quá trình học tập (nếu có) và những thông tin cần thiết khác theo yêu cầu của chương trình đào tạo và của cơ sở đào tạo.

4. Trong quá trình tổ chức tuyển sinh, cơ sở đào tạo phải thực hiện việc kiểm tra, thanh tra và giám sát nội bộ theo quy định hiện hành.

5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh phải có đầy đủ thông tin bao gồm: tên nghiên cứu sinh, ngành đào tạo, tên đề tài luận án dự kiến, người hướng dẫn hoặc đồng hướng dẫn, đơn vị chuyên môn quản lý nghiên cứu sinh, thời gian đào tạo kèm theo kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa của nghiên cứu sinh.

6. Quy chế của cơ sở đào tạo quy định chi tiết về kế hoạch tuyển sinh, thông báo tuyển sinh, phương thức tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh và công nhận nghiên cứu sinh; quy định về lưu trữ phục vụ công tác quản lý, thẩm định, giám sát, thanh tra và kiểm tra; quy định cụ thể trách nhiệm và chế tài xử lý vi phạm đối với tập thể, đơn vị, cá nhân có liên quan đến hoạt động tổ chức tuyển sinh và công nhận nghiên cứu sinh.

Chương III

TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ ĐÀO TẠO

Điều 9. Tổ chức hoạt động đào tạo

1. Đào tạo trình độ tiến sĩ được triển khai theo hình thức chính quy quy định tại khoản 3 Điều 3 của Quy chế này ở trụ sở chính hoặc tại phân hiệu đã được phép hoạt động đào tạo của cơ sở đào tạo, trừ một số hoạt động khảo sát, nghiên cứu, thí nghiệm hoặc đào tạo trực tuyến có thể được thực hiện ở ngoài cơ sở theo quy chế của cơ sở đào tạo.

2. Các cơ sở đào tạo được thỏa thuận để tổ chức giảng dạy những học phần học chung và công nhận kết quả học tập lẫn nhau.

3. Cơ sở đào tạo được tổ chức giảng dạy, đánh giá các học phần theo hình thức trực tuyến hoặc kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp khi đáp ứng quy định hiện hành về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức đào tạo qua mạng; có giải pháp bảo đảm chất lượng các lớp học này không thấp hơn chất lượng lớp học trực tiếp.

4. Việc đánh giá và tính điểm học phần trong chương trình đào tạo tiến sĩ được áp dụng quy định về đánh giá và tính điểm học phần theo quy chế đào tạo trình độ đại học.

5. Quy chế của cơ sở đào tạo quy định chi tiết các hoạt động học tập, nghiên cứu của nghiên cứu sinh; thời gian, địa điểm, phương thức tổ chức đào tạo; cách đánh giá, tính điểm học phần và những quy định liên quan khác trong tổ chức hoạt động đào tạo trình độ tiến sĩ của cơ sở đào tạo.

Điều 10. Thay đổi trong quá trình đào tạo

1. Nghiên cứu sinh và người hướng dẫn được đề xuất với cơ sở đào tạo về việc thay đổi đề tài luận án, bổ sung hoặc thay đổi người hướng dẫn, thay đổi đơn vị chuyên môn phụ trách và chuyển cơ sở đào tạo. Việc thay đổi phải kèm theo điều chỉnh kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa và bảo đảm thời gian đào tạo tuân thủ quy định tại Điều 3 của Quy chế này.

2. Nghiên cứu sinh bị buộc thôi học trong những trường hợp sau:

a) Không hoàn thành chương trình đào tạo trong khoảng thời gian quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 của Quy chế này;

b) Vi phạm nghiêm trọng quy định về thực hiện trách nhiệm của nghiên cứu sinh hoặc quy định của pháp luật đã được hội đồng chuyên môn hoặc cơ quan có thẩm quyền kết luận;

c) Vi phạm quy định của cơ sở đào tạo ở mức độ buộc thôi học.

3. Quy chế của cơ sở đào tạo quy định chi tiết về việc:

a) Thay đổi đề tài luận án, bổ sung hoặc thay đổi người hướng dẫn, thay đổi đơn vị chuyên môn phụ trách và chuyển cơ sở đào tạo;

b) Rút ngắn hoặc kéo dài thời gian học tập, nghiên cứu của nghiên cứu sinh; các trường hợp bị buộc thôi học và quy trình, thủ tục cho nghiên cứu sinh thôi học.

Điều 11. Công nhận và chuyển đổi kết quả học tập, nghiên cứu

1. Kết quả học tập, nghiên cứu của nghiên cứu sinh đã tích lũy trong chương trình đào tạo tiến sĩ được bảo lưu, xem xét công nhận, chuyển đổi trong những trường hợp sau:

a) Nghiên cứu sinh bị thôi học và có nguyện vọng được tiếp tục theo học chương trình đào tạo thạc sĩ ngành tương ứng nếu đáp ứng những quy định của quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ hiện hành;

b) Nghiên cứu sinh chuyển ngành đào tạo hoặc cơ sở đào tạo;

c) Nghiên cứu sinh đã thôi học, đăng ký dự tuyển lại và được công nhận là nghiên cứu sinh mới của cơ sở đào tạo đã theo học.

2. Việc công nhận và chuyển đổi kết quả học tập, nghiên cứu đã tích lũy của nghiên cứu sinh phải phù hợp với nội dung, yêu cầu của chương trình đào tạo, được thực hiện trên cơ sở đề xuất của hội đồng chuyên môn. Trường hợp chuyển cơ sở đào tạo hoặc là nghiên cứu sinh mới, việc công nhận và chuyển đổi kết quả học tập, nghiên cứu tối đa không quá 50% tổng khối lượng của chương trình đào tạo.

3. Quy chế của cơ sở đào tạo quy định chi tiết về thời hạn bảo lưu, thành phần hội đồng chuyên môn, quy trình thực hiện việc công nhận và chuyển đổi kết quả học tập, nghiên cứu của nghiên cứu sinh.

Điều 12. Quyền và trách nhiệm của nghiên cứu sinh trong quá trình đào tạo

Nghiên cứu sinh có quyền và trách nhiệm sau:

1. Thực hiện quyền và trách nhiệm theo quy định tại Điều 60, Điều 61 Luật Giáo dục đại học (được sửa đổi, bổ sung năm 2018).

2. Xây dựng và đề xuất kế hoạch học tập, nghiên cứu chi tiết từng năm trên cơ sở kế hoạch toàn khóa đã được phê duyệt tại quyết định công nhận nghiên cứu sinh, trong đó có kế hoạch làm việc và báo cáo với người hướng dẫn; thực hiện kế hoạch đã được người hướng dẫn và đơn vị chuyên môn thông qua; định kỳ 06 tháng báo cáo tiến độ và kết quả học tập, nghiên cứu cho đơn vị chuyên môn; đề xuất với người hướng dẫn và đơn vị chuyên môn về những thay đổi trong quá trình học tập, nghiên cứu.

3. Tham gia sinh hoạt khoa học tại đơn vị chuyên môn như một giảng viên trợ giảng, nghiên cứu viên cơ hữu; tham gia thực hiện các nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu theo phân công của người hướng dẫn.

4. Tuân thủ quy định của cơ sở đào tạo về liêm chính học thuật, bảo đảm kết quả công bố xuất phát từ nghiên cứu của cá nhân với sự hỗ trợ của người hướng dẫn; ghi nhận và trích dẫn đầy đủ sự tham gia của cá nhân, tập thể hoặc tổ chức khác (nếu có).

5. Thực hiện quyền và trách nhiệm khác theo quy chế của cơ sở đào tạo.

Điều 13. Quyền và trách nhiệm của đơn vị chuyên môn

Đơn vị chuyên môn có quyền và trách nhiệm sau:

1. Đề xuất người hướng dẫn nghiên cứu sinh có chuyên môn phù hợp với đề tài luận án.

2. Thông qua kế hoạch học tập và nghiên cứu chi tiết hằng năm của nghiên cứu sinh; tạo điều kiện, hỗ trợ, đôn đốc, giám sát và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch học tập, nghiên cứu của nghiên cứu sinh.

3. Tổ chức sinh hoạt khoa học định kỳ cho nghiên cứu sinh; triển khai đánh giá luận án của nghiên cứu sinh tại đơn vị chuyên môn; thông qua đề nghị cho nghiên cứu sinh được bảo vệ luận án tại Hội đồng đánh giá luận án của cơ sở đào tạo.

4. Thực hiện quyền và trách nhiệm khác theo quy chế của cơ sở đào tạo.

Chương IV

ĐÁNH GIÁ LUẬN ÁN VÀ CẤP BẰNG TIẾN SĨ

Điều 14. Đánh giá luận án tại đơn vị chuyên môn

1. Việc đánh giá luận án tại đơn vị chuyên môn được tổ chức khi nghiên cứu sinh đáp ứng đủ những yêu cầu sau và yêu cầu bổ sung của cơ sở đào tạo đối với từng chương trình đào tạo (nếu có):

a) Đã hoàn thành các học phần trong chương trình đào tạo tiến sĩ;

b) Có bản thảo luận án tiến sĩ được người hướng dẫn hoặc đồng hướng dẫn đồng ý đề xuất được đánh giá ở đơn vị chuyên môn;

c) Là tác giả chính của báo cáo hội nghị khoa học, bài báo khoa học được công bố trong các ấn phẩm thuộc danh mục WoS/Scopus, hoặc chương sách tham khảo do các nhà xuất bản quốc tế có uy tín phát hành, hoặc bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước được Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định khung điểm đánh giá tới 0,75 điểm trở lên theo ngành đào tạo, hoặc sách chuyên khảo do các nhà xuất bản có uy tín trong nước và quốc tế phát hành; các công bố phải đạt tổng điểm từ 2,0 điểm trở lên tính theo điểm tối đa do Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định cho mỗi loại công trình (không chia điểm khi có đồng tác giả), có liên quan và đóng góp quan trọng cho kết quả nghiên cứu được trình bày trong luận án;

d) Yêu cầu tại điểm c khoản này có thể được thay thế bằng minh chứng là tác giả hoặc đồng tác giả của: 01 kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ đã đăng ký và được cấp bằng độc quyền sáng chế quốc gia, quốc tế; hoặc 01 giải thưởng chính thức của cuộc thi quốc gia, quốc tế được công nhận bởi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với lĩnh vực nghệ thuật và nhóm ngành thể dục, thể thao; có liên quan và đóng góp quan trọng cho kết quả nghiên cứu được trình bày trong luận án.

2. Cơ sở đào tạo quy định chi tiết việc đánh giá luận án ở đơn vị chuyên môn bảo đảm đúng tính chất là sinh hoạt khoa học, hỗ trợ nghiên cứu sinh hoàn thiện luận án trước khi thực hiện quy trình phản biện độc lập và bảo vệ luận án tại Hội đồng đánh giá luận án của cơ sở đào tạo.

Điều 15. Phản biện độc lập luận án

1. Phản biện độc lập là quy trình bắt buộc trước khi luận án của nghiên cứu sinh được đưa ra bảo vệ tại Hội đồng đánh giá luận án của cơ sở đào tạo. Chậm nhất không quá 06 tháng tính từ thời điểm nghiên cứu sinh hoàn thành thủ tục trình luận án sau khi đã được đơn vị chuyên môn thông qua, cơ sở đào tạo phải hoàn thành quy trình phản biện độc lập cho nghiên cứu sinh; riêng trường hợp phải thực hiện lấy ý kiến phản biện độc lập lần thứ hai theo quy định tại khoản 3 Điều này thì thời gian được kéo dài thêm tối đa 03 tháng.

2. Luận án của nghiên cứu sinh được gửi lấy ý kiến phản biện của 02 nhà khoa học hoặc chuyên gia không phải là cán bộ của cơ sở đào tạo, có chuyên môn phù hợp với đề tài luận án, đáp ứng tiêu chuẩn như đối với người hướng dẫn độc lập quy định tại Điều 5 của Quy chế này. Người phản biện độc lập không có lợi ích liên quan trực tiếp tới nghiên cứu sinh và người hướng dẫn; không có quan hệ cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con, anh, chị, em ruột với nghiên cứu sinh; không có liên hệ hợp tác, hỗ trợ trực tiếp nghiên cứu sinh về chuyên môn liên quan đến nội dung luận án và người hướng dẫn trong quá trình thực hiện luận án.

3. Việc phản biện độc lập phải đảm bảo khách quan và minh bạch. Ý kiến kết luận của người phản biện độc lập đối với luận án phải ghi rõ đồng ý hay không đồng ý về chuyên môn. Luận án được xác định là đạt quy trình phản biện độc lập khi được 02 người phản biện độc lập đồng ý. Nếu có 01 người phản biện không đồng ý, cơ sở đào tạo gửi luận án để lấy ý kiến của thêm 01 người phản biện độc lập khác làm căn cứ quyết định. Trong trường hợp 02 người phản biện độc lập không đồng ý về chất lượng chuyên môn của luận án, cơ sở đào tạo yêu cầu nghiên cứu sinh và người hướng dẫn chỉnh sửa, bổ sung luận án và triển khai quy trình gửi lấy ý kiến phản biện độc lập lần thứ hai. Không thực hiện lấy ý kiến phản biện độc lập lần thứ ba.

4. Thông tin về người phản biện độc lập được giữ kín đối với nghiên cứu sinh và người hướng dẫn. Người phản biện độc lập không tiếp xúc hoặc yêu cầu nghiên cứu sinh cung cấp thông tin, giải trình ý kiến phản biện. Mọi liên hệ với người phản biện trong quá trình phản biện độc lập thuộc trách nhiệm của cơ sở đào tạo. Những ý kiến giải trình của nghiên cứu sinh được gửi cho cơ sở đào tạo và trình bày tại buổi bảo vệ luận án.

5. Cơ sở đào tạo quy định cụ thể quy trình lựa chọn, gửi lấy ý kiến và xử lý ý kiến phản biện độc lập; việc bảo mật danh tính và thông tin cá nhân của người phản biện độc lập.

Điều 16. Đánh giá luận án tại cơ sở đào tạo

1. Yêu cầu đối với luận án tiến sĩ để được bảo vệ tại Hội đồng đánh giá luận án của cơ sở đào tạo:

a) Là báo cáo khoa học tổng hợp kết quả học tập và nghiên cứu của nghiên cứu sinh, thể hiện nghiên cứu sinh có khả năng độc lập nghiên cứu, sáng tạo tri thức mới có giá trị làm gia tăng tri thức khoa học của lĩnh vực nghiên cứu hoặc đề xuất những ý tưởng, giải pháp mới giải quyết những vấn đề đang đặt ra ở lĩnh vực nghiên cứu trong những hoàn cảnh thực tiễn cụ thể;

b) Đạt quy trình phản biện độc lập;

c) Tuân thủ quy định của cơ sở đào tạo về hình thức trình bày, kiểm soát đạo văn và những tiêu chuẩn về liêm chính học thuật; minh bạch nguồn tham khảo kết quả nghiên cứu chung của nghiên cứu sinh và của những tác giả khác (nếu có) và thực hiện đúng các quy định khác của pháp luật sở hữu trí tuệ.

2. Việc thành lập Hội đồng đánh giá luận án của cơ sở đào tạo được quy định chi tiết tại quy chế của cơ sở đào tạo, bảo đảm những yêu cầu sau:

a) Số lượng thành viên Hội đồng tối thiểu có 05 người, trong đó, số thành viên chưa có chức danh giáo sư, phó giáo sư không quá 02 người; số thành viên ngoài cơ sở đào tạo tối thiểu là 02 người;

b) Thành phần Hội đồng gồm chủ tịch, thư ký, các ủy viên phản biện và ủy viên khác, trong đó có 01 phản biện là người của cơ sở đào tạo và 01 phản biện là người ngoài cơ sở đào tạo; phản biện không được là đồng tác giả với nghiên cứu sinh trong những công bố khoa học có liên quan đến luận án; chủ tịch Hội đồng phải là giáo sư hoặc phó giáo sư ngành phù hợp với chuyên môn của đề tài luận án, là giảng viên hoặc nghiên cứu viên cơ hữu của cơ sở đào tạo; 01 người hướng dẫn nghiên cứu sinh có thể tham gia Hội đồng với tư cách là ủy viên;

c) Tiêu chuẩn về năng lực nghiên cứu của thành viên Hội đồng như tiêu chuẩn về năng lực nghiên cứu của người hướng dẫn chính quy định tại Điều 5 trừ thư ký Hội đồng phải đáp ứng quy định như đối với giảng viên giảng dạy trình độ tiến sĩ quy định tại Điều 4 của Quy chế này;

d) Cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con, anh, chị, em ruột của nghiên cứu sinh không tham gia Hội đồng.

3. Trong thời gian tối đa 03 tháng kể từ khi luận án của nghiên cứu sinh đạt quy trình phản biện độc lập, cơ sở đào tạo phải tổ chức họp Hội đồng đánh giá luận án. Việc tổ chức buổi đánh giá luận án cho nghiên cứu sinh do cơ sở đào tạo quyết định bảo đảm những yêu cầu sau:

a) Thời gian, địa điểm tổ chức buổi đánh giá luận án, tóm tắt luận án được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo (trừ trường hợp đánh giá luận án theo chế độ mật);

b) Không tổ chức buổi đánh giá luận án khi thành viên Hội đồng có mặt dưới 05 người hoặc vắng mặt quá 01 người;

c) Trường hợp cơ sở đào tạo tổ chức đánh giá luận án trực tuyến phải bảo đảm có ít nhất 03 thành viên Hội đồng có mặt trực tiếp cùng nghiên cứu sinh; trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh bất khả kháng thực hiện theo hướng dẫn cụ thể của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

d) Mọi thủ tục chuẩn bị tổ chức buổi đánh giá luận án do cơ sở đào tạo thực hiện; nghiên cứu sinh và người hướng dẫn không tiếp xúc hoặc liên hệ với các thành viên Hội đồng trước buổi đánh giá luận án.

4. Hội đồng phải bỏ phiếu và quyết nghị thông qua hoặc không thông qua luận án; yêu cầu những nội dung phải chỉnh sửa, bổ sung nếu cần thiết trong trường hợp thông qua; kiến nghị hoặc không kiến nghị tổ chức đánh giá lại trong trường hợp không thông qua. Luận án được thông qua nếu không có hoặc chỉ có 01 thành viên Hội đồng có mặt tại buổi đánh giá không đồng ý về chuyên môn. Diễn biến của buổi đánh giá luận án được ghi biên bản; trong trường hợp tổ chức trực tuyến phải được ghi âm, ghi hình đầy đủ và lưu trữ tại cơ sở đào tạo.

5. Quy chế của cơ sở đào tạo quy định chi tiết việc đánh giá luận án trong đó bao gồm: yêu cầu đối với nghiên cứu sinh trước khi đánh giá luận án; quy trình thành lập Hội đồng đánh giá luận án, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đối với từng thành viên trong Hội đồng; việc thay đổi, bổ sung thành viên Hội đồng và quy trình tổ chức đánh giá luận án trực tuyến và trực tiếp của cơ sở đào tạo.

Điều 17. Đánh giá luận án theo chế độ mật

1. Trong trường hợp đề tài luận án liên quan đến bí mật quốc gia thuộc danh mục bí mật nhà nước do cơ quan có thẩm quyền quy định thì cơ sở đào tạo phải xác định tính chất mật của đề tài ngay sau khi có quyết định công nhận nghiên cứu sinh, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo kèm theo minh chứng và phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý bằng văn bản.

2. Nghiên cứu sinh thực hiện những đề tài luận án được xác định là mật phải đáp ứng những yêu cầu chung đối với nghiên cứu sinh, riêng các yêu cầu quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 14 của Quy chế này có thể thay thế bằng những báo cáo nội bộ có giá trị về khoa học và thực tiễn của lĩnh vực nghiên cứu được cơ sở đào tạo xác nhận.

3. Cơ sở đào tạo quy định chi tiết việc tổ chức đào tạo, nghiên cứu, đánh giá luận án, quản lý hồ sơ và tài liệu liên quan theo quy định bảo mật của pháp luật.

Điều 18. Đánh giá lại luận án tại cơ sở đào tạo

1. Trong trường hợp luận án của nghiên cứu sinh không được Hội đồng đánh giá luận án của cơ sở đào tạo thông qua ở buổi bảo vệ lần thứ nhất nhưng được Hội đồng kiến nghị cho phép bảo vệ lại, chậm nhất không quá 06 tháng tính từ thời điểm tổ chức đánh giá luận án lần thứ nhất, cơ sở đào tạo quyết định thành lập Hội đồng đánh giá và tổ chức cho nghiên cứu sinh được bảo vệ luận án lần thứ hai.

2. Không tổ chức đánh giá lại luận án khi không có kiến nghị của Hội đồng đánh giá luận án lần thứ nhất; không tổ chức đánh giá luận án lần thứ ba.

3. Quy chế của cơ sở đào tạo quy định chi tiết thời gian, quy trình, thủ tục đối với việc đánh giá luận án lần thứ hai. Thành phần Hội đồng đánh giá luận án của cơ sở đào tạo lần thứ hai phải có tối thiểu 03 thành viên đã tham gia Hội đồng lần thứ nhất, trong đó có đủ những thành viên có ý kiến không tán thành luận án.

Điều 19. Công nhận trình độ và cấp bằng tiến sĩ

1. Nghiên cứu sinh được xét công nhận trình độ và cấp bằng tiến sĩ khi đáp ứng những yêu cầu sau:

a) Luận án của nghiên cứu sinh đã được Hội đồng đánh giá luận án của cơ sở đào tạo đồng ý thông qua;

b) Nghiên cứu sinh đã nộp cho cơ sở đào tạo (cả bản in và bản điện tử) luận án hoàn chỉnh cuối cùng có chữ ký của nghiên cứu sinh, xác nhận của người hướng dẫn; xác nhận Chủ tịch Hội đồng đánh giá luận án sau khi đã hoàn thành chỉnh sửa, bổ sung luận án (nếu có);

c) Nghiên cứu sinh đã nộp Thư viện Quốc gia Việt Nam (cả bản điện tử và bản in) tóm tắt luận án và toàn văn luận án hoàn chỉnh cuối cùng có chữ ký của nghiên cứu sinh, chữ ký của người hướng dẫn và xác nhận của cơ sở đào tạo.

2. Cơ sở đào tạo đăng toàn văn luận án hoàn chỉnh cuối cùng của nghiên cứu sinh trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo (trừ những luận án được đánh giá theo chế độ mật) trong thời gian 03 tháng kể từ khi nghiên cứu sinh đáp ứng đủ yêu cầu theo quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Sau thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, cơ sở đào tạo tổ chức xét và ban hành quyết định công nhận trình độ tiến sĩ cho nghiên cứu sinh.

4. Cơ sở đào tạo lập hồ sơ xét công nhận trình độ tiến sĩ và cấp bằng tiến sĩ, bao gồm:

a) Biên bản của buổi đánh giá luận án tại cơ sở đào tạo;

b) Quyết nghị đồng ý thông qua luận án của Hội đồng đánh giá luận án của cơ sở đào tạo;

c) Biên bản kiểm phiếu, phiếu đánh giá luận án có chữ ký của tất cả thành viên Hội đồng có mặt tại buổi đánh giá luận án;

d) Bản nhận xét, đánh giá của người hướng dẫn nghiên cứu sinh; bản xác nhận đã hoàn thành chỉnh sửa, bổ sung luận án của người hướng dẫn và Chủ tịch Hội đồng đánh giá luận án (nếu có);

đ) Những tài liệu khác theo quy định của cơ sở đào tạo.

5. Cơ sở đào tạo thực hiện việc cấp bằng tiến sĩ cho nghiên cứu sinh trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày quyết định công nhận trình độ tiến sĩ có hiệu lực.

Chương V

KIỂM TRA HỒ SƠ QUÁ TRÌNH ĐÀO TẠO VÀ THẨM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG LUẬN ÁN

Điều 20. Nguyên tắc chọn kiểm tra, thẩm định và quy trình thực hiện

1. Việc kiểm tra hồ sơ quá trình đào tạo, thẩm định chất lượng luận án do Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện trong những trường hợp sau:

a) Kiểm tra, thẩm định ngẫu nhiên theo yêu cầu của công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế này và những quy định có liên quan;

b) Kiểm tra, thẩm định đối với những trường hợp cụ thể khi có phản ánh, khiếu nại hoặc tố cáo.

2. Danh mục hồ sơ kiểm tra, thẩm định:

a) Kiểm tra quá trình đào tạo: Hồ sơ dự tuyển và quyết định công nhận nghiên cứu sinh; hồ sơ buổi đánh giá luận án tại cơ sở đào tạo; hồ sơ xét cấp bằng tiến sĩ;

b) Thẩm định chất lượng luận án: Luận án tiến sĩ; tóm tắt luận án tiến sĩ; bản sao các công bố kết quả nghiên cứu của nghiên cứu sinh.

3. Quy trình kiểm tra, thẩm định:

a) Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo bằng văn bản danh sách những trường hợp cần kiểm tra quá trình đào tạo hoặc thẩm định chất lượng luận án trên cơ sở báo cáo định kỳ của cơ sở đào tạo;

b) Cơ sở đào tạo gửi 01 bộ hồ sơ đối với kiểm tra quá trình đào tạo hoặc 03 bộ hồ sơ đối với thẩm định chất lượng luận án về Bộ Giáo dục và Đào tạo;

c) Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành kiểm tra, thẩm định và có văn bản thông báo kết quả với cơ sở đào tạo trong thời gian tối đa 60 ngày làm việc kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 21. Xử lý kết quả kiểm tra, thẩm định

1. Kết quả kiểm tra, thẩm định đạt yêu cầu trong những trường hợp sau:

a) Hồ sơ quá trình đào tạo do cơ sở đào tạo cung cấp đủ minh chứng bảo đảm việc tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo và quy trình tổ chức đánh giá luận án đáp ứng yêu cầu của cơ sở đào tạo được áp dụng cho nghiên cứu sinh theo quy định;

b) Chất lượng luận án được tối thiểu 02 trong 03 nhà khoa học có chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư, có bằng tiến sĩ khoa học hoặc tiến sĩ, với chuyên môn phù hợp, am hiểu đề tài và lĩnh vực nghiên cứu của nghiên cứu sinh thẩm định và có ý kiến đồng ý về chuyên môn.

2. Kết quả kiểm tra, thẩm định không đạt yêu cầu trong những trường hợp sau:

a) Hồ sơ quá trình đào tạo do cơ sở đào tạo cung cấp không đủ minh chứng đáp ứng những quy định về tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo, quy trình tổ chức đánh giá luận án theo Quy chế này và quy chế của cơ sở đào tạo được áp dụng cho nghiên cứu sinh;

b) Chất lượng luận án không được 02 trong 03 nhà khoa học thẩm định đồng ý về chuyên môn.

3. Đối với những trường hợp hồ sơ kiểm tra quá trình đào tạo chưa đạt yêu cầu, cơ sở đào tạo có trách nhiệm giải trình những vấn đề liên quan, bổ sung minh chứng và đề xuất hướng xử lý với Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định hiện hành.

4. Đối với những trường hợp chất lượng luận án không đạt yêu cầu:

a) Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập Hội đồng thẩm định luận án để xem xét, đánh giá và quyết nghị về chất lượng luận án; ủy quyền cơ sở đào tạo tổ chức họp Hội đồng thẩm định luận án có sự giám sát của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo;

b) Hội đồng thẩm định có 07 thành viên, trong đó có tối thiểu 03 thành viên không là phản biện độc lập hoặc thành viên Hội đồng đánh giá luận án; những nhà khoa học thẩm định không tán thành luận án theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này là thành viên đương nhiên của Hội đồng;

c) Tiêu chuẩn và nhiệm vụ của thành viên Hội đồng thẩm định luận án như tiêu chuẩn và nhiệm vụ của thành viên Hội đồng đánh giá luận án của cơ sở quy định tại khoản 2 Điều 16 của Quy chế này;

d) Hội đồng thẩm định luận án chỉ họp khi có mặt tối thiểu 06 thành viên bao gồm chủ tịch, thư ký và các thành viên hội đồng có ý kiến không tán thành luận án;

đ) Luận án không đạt yêu cầu thẩm định khi có từ 02 thành viên Hội đồng thẩm định luận án có mặt trở lên không thông qua. Trong trường hợp này, cơ sở đào tạo tổ chức và chủ trì đối thoại giữa Hội đồng thẩm định luận án và Hội đồng đánh giá luận án có sự tham dự của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo. Số lượng thành viên của hai Hội đồng dự họp tối thiểu là 09 người, trong đó chủ tịch, phản biện, thư ký và các thành viên có ý kiến không tán thành của cả hai Hội đồng phải có mặt. Luận án không được thông qua nếu có từ 03 thành viên có mặt tại buổi đối thoại trở lên không tán thành. Kết quả cuộc họp đối thoại là kết quả thẩm định cuối cùng về chất lượng luận án.

5. Trường hợp quá trình đào tạo và chất lượng luận án sau khi thực hiện quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này vẫn không đạt yêu cầu, cơ sở đào tạo xem xét, quyết định thực hiện theo các phương án sau:

a) Nếu nghiên cứu sinh chưa được cấp bằng tiến sĩ, cơ sở đào tạo cho phép nghiên cứu sinh bổ sung, hoàn thiện các điều kiện để được cấp bằng (đối với trường hợp kiểm tra quá trình đào tạo) trong thời gian đào tạo ghi tại quyết định công nhận nghiên cứu sinh và bao gồm cả thời gian được phép kéo dài (nếu có); hoặc được đánh giá lại luận án nếu chưa đánh giá lần thứ hai (đối với trường hợp thẩm định chất lượng luận án) trong thời hạn tối đa 06 tháng;

b) Nếu nghiên cứu sinh đã được cấp bằng tiến sĩ, việc thu hồi bằng được thực hiện theo quy định hiện hành và trong những trường hợp: hồ sơ quá trình đào tạo được xác nhận có vi phạm, sai sót nghiêm trọng dẫn đến người được cấp bằng không còn bảo đảm đáp ứng đủ điều kiện dự tuyển, công nhận nghiên cứu sinh và duy trì các điều kiện bảo đảm chất lượng trong quá trình học tập và nghiên cứu tại cơ sở đào tạo; sao chép, trích dẫn không đúng quy định trong luận án và bị Hội đồng thẩm định kết luận nếu cắt bỏ những phần sao chép, trích dẫn đó thì luận án không đáp ứng yêu cầu quy định của Quy chế này; luận án của nghiên cứu sinh không được Hội đồng thẩm định thông qua theo quy định tại điểm đ khoản 4 Điều này.

6. Trong thời gian tối đa 60 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về kết quả kiểm tra, thẩm định cuối cùng hoặc ngày có kết quả cuộc họp đối thoại, cơ sở đào tạo có văn bản báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xử lý kết quả kiểm tra, thẩm định kèm theo minh chứng.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 22. Xây dựng và thực hiện quy chế của cơ sở đào tạo

1. Căn cứ Quy chế này và những quy định hiện hành khác có liên quan, cơ sở đào tạo có trách nhiệm:

a) Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện quy chế của cơ sở đào tạo; cụ thể hóa với yêu cầu ngang bằng hoặc cao hơn nhưng không trái với những quy định của Quy chế này;

b) Thực hiện trách nhiệm trong công tác bảo đảm chất lượng giáo dục theo quy định tại Điều 50 Luật Giáo dục đại học (được sửa đổi, bổ sung năm 2018);

c) Thực hiện trách nhiệm và quyền hạn trong hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định tại Điều 41 Luật Giáo dục đại học (được sửa đổi, bổ sung năm 2018);

d) Tăng cường liêm chính học thuật; giám sát và kiểm soát việc chống sao chép; xây dựng chế tài, nghiêm túc xử lý khi có vi phạm; bảo đảm tính trung thực của nội dung những luận án tiến sĩ được đánh giá tại cơ sở đào tạo;

đ) Xây dựng chính sách thúc đẩy bình đẳng giới trong đào tạo tiến sĩ nhằm góp phần thực hiện mục tiêu của chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo;

e) Có kế hoạch và tổ chức kiểm tra, thanh tra hằng năm việc thực hiện quy chế của cơ sở đào tạo về tuyển sinh, tổ chức đào tạo và cấp bằng trình độ tiến sĩ;

g) Tổ chức phổ biến, hướng dẫn cho nghiên cứu sinh trước khi bắt đầu khóa học quy chế của cơ sở đào tạo và những quy định liên quan khác đến quá trình học tập, nghiên cứu; quy định về quyền và trách nhiệm của nghiên cứu sinh;

h) Tổ chức kiểm tra, thanh tra nội bộ việc thực hiện kế hoạch, chương trình, quy chế của cơ sở đào tạo và các nhiệm vụ khác liên quan đến tuyển sinh, đào tạo và cấp bằng ở trình độ tiến sĩ; chịu sự kiểm tra, thanh tra, giám sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan có thẩm quyền theo các quy định hiện hành.

2. Cơ sở đào tạo thực hiện giải trình theo quy định tại khoản 4 Điều 13 Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 23. Chế độ lưu trữ, báo cáo và công khai thông tin

1. Cơ sở giáo đào tạo có trách nhiệm:

a) Hoàn thiện cơ sở dữ liệu nội bộ và cập nhật dữ liệu về đào tạo tiến sĩ trong cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học bao gồm: thông tin tuyển sinh; thông tin của nghiên cứu sinh; thông tin của giảng viên và người hướng dẫn; thông tin về kết quả hoạt động khoa học và công nghệ liên quan đến đào tạo tiến sĩ; thông tin về cấp bằng tiến sĩ; tóm tắt và toàn văn luận án hoàn chỉnh của nghiên cứu sinh đã nộp Thư viện Quốc gia Việt Nam;

b) Lưu trữ và bảo quản hồ sơ tuyển sinh và quá trình đào tạo và cấp văn bằng của nghiên cứu sinh theo quy định pháp luật hiện hành.

2. Vào ngày cuối cùng của các tháng chẵn trong năm, cơ sở đào tạo báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo danh sách nghiên cứu sinh đã bảo vệ và luận án đã được thông qua tại Hội đồng đánh giá luận án của cơ sở đào tạo trong 02 tháng trước đó (theo mẫu tại Phụ lục III); thực hiện chế độ báo cáo định kỳ trước ngày 31 tháng 12 hằng năm (theo mẫu tại Phụ lục IV) và báo cáo đột xuất theo yêu cầu.

3. Cơ sở đào tạo phải công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở trước khi tuyển sinh và tổ chức đào tạo:

a) Quy chế của cơ sở đào tạo và các quy định quản lý đào tạo có liên quan đến tuyển sinh, tổ chức đào tạo và cấp bằng tiến sĩ;

b) Các điều kiện bảo đảm chất lượng theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo và những thông tin khác theo quy định.

Điều 24. Điều khoản chuyển tiếp

1. Việc tổ chức đào tạo đối với những khóa đã tuyển sinh trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành tiếp tục thực hiện theo Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Cơ sở đào tạo quyết định việc áp dụng khoản 2 Điều 5, điểm c và điểm d khoản 1 Điều 14 của Quy chế này đối với khóa đã tuyển sinh trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

PHỤ LỤC I

(Ban hành kèm theo Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

KẾ HOẠCH HỌC TẬP, NGHIÊN CỨU TOÀN KHÓA CỦA NGHIÊN CỨU SINH

Cơ sở đào tạo:

Họ và tên nghiên cứu sinh:

Tên đề tài:

Ngành đào tạo:

Mã ngành đào tạo:

Năm học

Nội dung học tập, nghiên cứu

Khối lượng học tập, nghiên cứu đăng ký

Kết quả dự kiến

Năm thứ 1

Các học phần về chuyên môn bổ sung (nếu có)

10 - 12 tín chỉ

Chứng nhận kết thúc học phần

Các học phần về phương pháp nghiên cứu

04 -06 tín chỉ

Chứng nhận kết thúc học phần

Năm thứ 2

Thực hiện phần 1 của Luận án

đến 24 tín chỉ

Chương Tổng quan về vấn đề nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu,...

Năm thứ 3

Thực hiện phần 2 của Luận án

đến 30 tín chỉ

Luận án và các bài công bố,…

Năm thứ 4

Thực hiện phần 3 của Luận án

Số tín chỉ còn lại của chương trình 04 năm

Luận án và các bài công bố,…

Lưu ý: phần in nghiêng là ví dụ về các nội dung trong kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa. Kế hoạch cụ thể của nghiên cứu sinh được xây dựng căn cứ vào quy định của cơ sở đào tạo về chương trình đào tạo tiến sĩ đã công bố.

PHỤ LỤC II

(Ban hành kèm theo Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

DANH SÁCH MỘT SỐ CHỨNG CHỈ TIẾNG NƯỚC NGOÀI MINH CHỨNG CHO TRÌNH ĐỘ NGOẠI NGỮ CỦA NGƯỜI DỰ TUYỂN

Stt

Ngôn ngữ

Bằng/Chứng chỉ/Chứng nhận

Trình độ/Thang điểm

1

Tiếng Anh

TOEFL iBT

Từ 46 trở lên

IELTS

Từ 5.5 trở lên

Cambridge Assessment English

B2 First/B2 Business

Vantage/Linguaskill

Thang điểm: từ 160 trở lên

2

Tiếng Pháp

CIEP/Alliance française diplomas

TCF từ 400 trở lên

DELF B2 trở lên

Diplôme de Langue

3

Tiếng Đức

Goethe -Institut

Goethe- Zertifikat B2 trở lên

The German TestDaF language certificate

TestDaF level 4 (TDN 4) trở lên

4

Tiếng Trung Quốc

Chinese Hanyu Shuiping Kaoshi (HSK)

HSK level 4 trở lên

5

Tiếng Nhật

Japanese Language Proficiency Test (JLPT)

N3 trở lên

6

Tiếng Nga

ТРКИ - Тест по русскому
языку как иностранному
(TORFL - Test of Russian as a Foreign Language)

TPKИ-2 trở lên

7

Các ngôn ngữ tiếng nước ngoài khác

Chứng chỉ đánh giá theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam

Từ bậc 4 trở lên

PHỤ LỤC III

(Ban hành kèm theo Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

MẪU BÁO CÁO

DANH SÁCH NGHIÊN CỨU SINH BẢO VỆ LUẬN ÁN CÁC THÁNG TRONG NĂM

TÊN CƠ QUAN QUẢN LÝ
TRỰC TIẾP
TÊN CƠ SỞ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

..., ngày …tháng… năm....

Kính gửi: Bộ Giáo dục và Đào tạo

DANH SÁCH NGHIÊN CỨU SINH ĐÃ BẢO VỆ LUẬN ÁN TIẾN SĨ
(Tháng .... năm ....)

STT

Họ và tên NCS

Số, ngày quyết định công nhận NCS

Tên đề tài

Ngành, mã số

Ngày bảo vệ luận án tại Hội đồng đánh giá của cơ sở đào tạo

Kết quả đánh giá

Ghi chú

Lãnh đạo cơ sở đào tạo
(Ký tên và đóng dấu)

PHỤ LỤC IV

(Ban hành kèm theo Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

MẪU BÁO CÁO

CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NGHIÊN CỨU SINH ĐỊNH KỲ HẰNG NĂM

TÊN CƠ QUAN QUẢN LÝ
TRỰC TIẾP

TÊN CƠ SỞ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

..., ngày …tháng… năm....

Kính gửi: Bộ Giáo dục và Đào tạo

BÁO CÁO ĐỊNH KỲ CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NGHIÊN CỨU SINH NĂM ….

I. Danh sách nghiên cứu sinh học tập, nghiên cứu trong năm ...

STT1

Họ và tên NCS

Ngày sinh

Giới tính

Mã số

CCCD/ Hộ chiếu

Quốc tịch

Khóa đào tạo2

Số, ngày quyết định công nhận NCS

Tên người hướng dẫn độc lập hoặc đồng hướng dẫn1

Tên người đồng hướng dẫn 2 (nếu có)

Đơn vị công tác của người hướng dẫn ngoài cơ sở

Tên đề tài luận án

Ngành, mã số

Tên đề tài luận án sau khi điều chỉnh (nếu có)

Số, ngày quyết định công nhận học vị tiến sĩ

Công tác tại cơ sở đào tạo

Công tác ngoài cơ sở đào tạo

Công tác tại cơ sở đào tạo

Công tác ngoài cơ sở đào tạo

1

x

2

x

II. Danh sách giảng viên tham gia giảng dạy và hướng dẫn NCS

STT

Họ và tên

Ngày sinh

Giới tính

Quốc tịch

Chức danh khoa học (GS/PGS)

Trình độ

Mã số CCCD/ Hộ chiếu

Số lượng NCS đang hướng dẫn

Số lượng công bố khoa học trong vòng 05 năm3

Thời gian giảng dạy ở trình độ đại học hoặc thạc sĩ

Danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú hoặc Nghệ sĩ Nhân dân

1

2

III. Danh sách các đề tài nghiên cứu khoa học của cơ sở đào tạo gắn với hoạt động đào tạo NCS

STT

Tên đề tài

Cấp phê duyệt

Thời gian thực hiện

Tên NCS tham gia

IV. Tồn tại, hạn chế (nếu có)

V. Nguyên nhân và giải pháp khắc phục

VI. Kiến nghị của cơ sở đào tạo

Lãnh đạo cơ sở đào tạo
(Ký tên và đóng dấu)

______________________________

1 Thứ tự NCS được sắp xếp theo nhóm các khóa tuyển sinh.

2 Ghi thời gian theo kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khoá (VD: 2021-2024).

3 Thuộc danh mục được Hội đồng Giáo sư nhà nước đánh giá 0,75 điểm công trình trở lên

MINISTRY OF EDUCATION AND TRAINING
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No. 18/2021/TT-BGDDT

Hanoi, June 28, 2021

 

CIRCULAR

PROMULUGATING REGULATION ON DOCTORAL PROGRAM ADMISSION AND DOCTORAL EDUCATION

Pursuant to the Education Law dated June 14, 2019;

Pursuant to the Law on Higher Education dated June 18, 2012 and the Law on Amendments to Certain Articles of the Law on Higher Education dated November 19, 2018;

Pursuant to the Government's Decree No. 99/2019/ND-CP dated December 30, 2019 elaborating and providing guidelines for a number of Articles of the Law on Amendments to Law on Higher Education;

Pursuant to the Government’s Decree No. 123/2016/ND-CP dated September 01, 2016 on functions, duties, powers and organizational structure of Ministries and ministerial-level agencies; Pursuant to the Decree No. 101/2020/ND-CP dated August 28, 2020 amending the Government’s Decree No. 123/2016/ND-CP dated September 01, 2016 on functions, duties, powers and organizational structure of Ministries and ministerial-level agencies;

Pursuant to the Government’s Decree No. 69/2017/ND-CP dated May 25, 2017 on functions, duties, powers and organizational structure of the Ministry of Education and Training;

At the request of Director General of Higher Education Department;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 1. Promulgated together with this Circular is the regulation on doctoral program admission and doctoral education (hereinafter referred to as “Regulation”).

Article 2. This Circular comes into force from August 15, 2021 and supersedes Circular No. 08/2017/TT-BGDDT dated April 04, 2017 by the Minister of Education and Training introducing regulations on doctoral enrolment and training.

Article 3. Chief of the Ministry Office, Director General of Higher Education Department, heads of relevant affiliates of the Ministry of Education and Training; heads of parent universities and academies; heads of universities; heads of research institutes providing doctoral programs; heads of other educational institutions authorized to provide doctoral programs; and relevant organizations and individuals shall implement this Circular./.

 

 

P.P. THE MINISTER
THE DEPUTY MINISTER




Hoang Minh Son

 

REGULATION

DOCTORAL PROGRAM ADMISSION AND DOCTORAL EDUCATION

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope and regulated entities

1. This Regulation provides general provisions for doctoral program admission, doctoral program provision and doctorate awarding.

2. This Regulation is applicable to higher education institutions, institutes established by the Prime Minister in accordance with the Law on Science and Technology and other educational institutions authorized to provide doctoral programs (hereinafter collectively referred to as “training institutions”) and relevant organizations and individuals.

3. This Regulation provides the basis for training institutions to formulate and promulgate specific regulations on doctoral program admission, doctoral program provision and doctorate awarding applicable to their institutions (hereinafter referred to as “training institution regulations”).

4. This Regulation is not applicable to admission to and provision of doctoral programs whose degrees are awarded by foreign educational institutions (including programs provided in cooperation with other countries according to regulations on foreign cooperation and investment in education).

Article 2. Training programs

1. Doctoral programs shall be formulated, appraised and promulgated in compliance with requirements of the Vietnamese Qualifications Framework and regulations on training program standards of the Ministry of Education and Training.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 3. Training duration and mode of study

1. Standard duration of a doctoral program shall range from 03 years (36 months) to 04 years (48 months) as decided by the training institution and this duration must be sufficient for the majority of research students to complete the program; each research student shall have a course-wide study and research plan that takes place within the whole standard program duration and is approved together with the research student recognition decision (made using the form in Appendix I).

2. Every research student may complete their programs no more than 01 year (12 months) sooner or later than their course-wise study and research plan but the total training duration shall not be longer than 06 years (72 months) starting from the entry into force of the research student recognition decision to the time where procedures for submitting their dissertation to their training institution are completed (before independent defense and establishment of the dissertation examination committee of their training institution).

3. Doctoral programs shall be provided in the full-time mode of study; research students must spend sufficient study and research time at their training institutions according to the approved plans; the full-time mode of study requires registering for 30 credits per year.

Article 4. Standards for lecturers of doctoral programs

1. Requirements for lecturers of doctoral programs:

a) They are Vietnamese citizens or foreign citizens meeting the requirements in Clause 1 Article 54 of the Law on Higher Education (amended in 2018) and other relevant law provisions;

b) They hold the title of professor or associate professor or Doctor of Science degree or doctorate in a specialization suitable for units of study and subjects (hereinafter collectively referred to as “units of study”) that they are in charge of;

c) They have foreign language and information technology qualifications for teaching, research and international exchange and cooperation concerning specialized areas that they are in charge of in the doctoral program.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) They have taught undergraduate or master’s programs for at least 01 year (12 months) since they were awarded a doctorate;

b) Within 05 years (60 months) before they are assigned to teach a doctoral program, they publish 02 scientific reports and/or articles in printed publications assigned at least 0,75 point by the State Council for Professorship as the first author or corresponding author; or 01 monograph distributed by Vietnamese and international publishers or 01 chapter of a reference book distributed by international publisher as the author or co-author (hereinafter collectively referred to as “main author”), and their publications must be related to the program’s specialization;

c) For lecturers of arts programs, the requirements in Point b of this Clause may be substituted by the title of “Nghệ sĩ Nhân dân” (“People’s Artists”) awarded by the State.

Article 5. Standards for research student instructors

1. Primary instructors, secondary instructors and independent instructors of research students must meet the standards for lecturers of doctoral programs according to regulations in Article 4 of this Regulation.

2. Within 05 years (60 months) before issuance of the decision on recognition of research student instructor, the primary instructor, independent instructor or co-instructor (if the primary instructor and secondary instructor are not differentiated) must produce results for a research on a specialized area related to the topic of the dissertation that they will provide instructions for. To be specific:

a) The instructor is the main author of a scientific conference report/ scientific article published in a printed publication included in the Web of Science or Scopus List (hereinafter collectively referred to as “WoS/Scopus List”) or a chapter of a reference book distributed by a reputable international publisher, or an article published on a Vietnamese academic journal assigned at least 0,75 point by the State Council for Professorship, or a monograph distributed by a reputable Vietnamese or international publisher; the publication must earn at least 4,0 points in total according to maximum score stipulated by the State Council for Professorship for each type of project (points shall not be distributed when there are co-authors); or

b) The instructor is the author or co-author of at least 01 result of a scientific or technological research or application registered and awarded a national or international patent; or at least 01 official award of a national or international competition recognized by the competent authority for the fields of arts, physical training and sports.

3. Each research student may have one or two instructors, one of whom shall be a tenured official of the training institution or have a teaching/ scientific research contract with the training institution as prescribed by law; work full-time at the training institution with a contract term appropriate to the course-wise study and research plan of the research student.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Duties and rights of lecturers of doctoral programs are provided in regulations of Articles 55 and 58 of the Law on Higher Education (amended in 2018), training institution regulations and relevant law provisions.

2. A professor title holder may independently provide instructions for no more than 07 research students; a holder of the associate professor title or a Doctor of Science degree may independently provide instructions for no more than 05 research student; and a doctorate holder may independently provide instructions for no more than 03 research students simultaneously. Co-instruction of a research student shall be equivalent to independent instruction of 0,5 research student.

3. Responsibilities of research student instructors:

a) Approve course-wise and annual study and research plans of research students; provide instructions for, support, assess, supervise and expedite study and research carried out per approved plans by research students;

b) Propose or give opinions on changes made to the study and research processes of research students;

c) Propose examination of dissertations of research students at management units and dissertation defense at dissertation examination committees of training institutions;

d) Perform other duties and exercise other powers according to training institution regulations.

Chapter II

ADMISSION

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. General requirements for applicants:

a) Hold a master's degree or bachelor's degree classified as good or higher in a suitable academic discipline or a qualification equivalent to level 7 of the Vietnamese Qualifications Framework in some special academic disciplines suitable for the field of the target doctoral program;

b) Meet admission requirements of training program standards promulgated by the Ministry of Education and Training and of the target doctoral program;

c) Have research experience evidenced by a master’s thesis of a research-oriented training program; or a published scientific report or article; or working for at least 02 years (24 months) as a lecturer or researcher of a training institution or scientific and technological organization;

d) Have a draft research outline and draft course-wise study and research plan.

2. Vietnamese applicants must meet foreign language requirements as evidenced by any of the following degrees and certificates:

a) A bachelor’s degree or higher awarded by a foreign training institution, Vietnamese branch of a foreign training institution or Vietnamese training institution to learners of a full-time program taught in a foreign language;

b) A bachelor’s degree in a foreign language awarded by a Vietnamese training institution;

c) Any of the foreign language proficiency certificates mentioned in Appendix II of this Regulation that is unexpired on the application date or any other foreign language proficiency certificate equivalent to level 4 of the Vietnam's language proficiency framework announced by the Ministry of Education and Training.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Training institution regulations shall specify requirements for specialized qualification, language proficiency and work experience and other requirements for applicants according to the characteristics of each field of training, academic discipline and training program of the training institution based on the minimum requirements provided in this Article.

Article 8. Admission and recognition of research students

1. Every training institution may decide to admit new students one or more than one time a year when it meets quality assurance conditions for doctoral programs according to existing regulations.

2. Admission methods include admission by examination, admission without examination or combination between examination and admission without examination. Training institutions shall decide on the admission method, ensuring transparent, fair, impartial and honest assessment of knowledge and capacity of applicants. Training institutions may organize online admission when they meet quality assurance conditions applicable to direct admission.

3. Training institutions shall publish an admission announcement on their websites at least 30 working days before application begins, which shall include information on eligibility requirements; academic discipline and suitable specialized requirements; admission quota; application content, admission plan, result announcement time and enrolment time; tuition, policies for tuition reduction, exemption and assistance for research students during their study (if any) and other necessary information according to requirements of the training program and training institution.

4. During admission, training institutions must perform internal inspection and supervision as per existing regulations.

5. A research student recognition decision shall comprise the following information: name of the research student, academic discipline, provisional dissertation topic, instructor or co-instructor, management unit of the research student, training duration and course-wise study and research plan of the research student.

6. Training institution regulations shall stipulate admission plans, admission announcements, admission methods, admission organization and research student recognition; archiving for the purposes of management, appraisal, supervision and inspection; responsibilities and sanctions for violations committed by groups, units and individuals involved in admission organization and research student recognition.

Chapter III

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 9. Organization of training activities

1. Doctoral programs shall be provided in the full-time mode of study according to regulations in Clause 3 Article 3 of this Regulation at the main campus or a branch authorized to provide training activities of training institutions, excluding some survey, research, experimenting and online training activities that may take place off-campus according to training institution regulations.

2. Training institutions may hold discussions about teaching of shared units of study and mutual recognition of research results.

3. Training institutions may organize classes and assessment of units of study online or online in combination with offline when they meet existing requirements for application of information technology in online training management and organization; and have solutions to ensure that the quality of these classes is not lower than that of offline classes.

4. Assessment and scoring of units of study of doctoral programs may be carried out in compliance with regulations on assessment and scoring of units of study of undergraduate education regulation.

5. Training institution regulations shall stipulate learning and research activities of research students; training times, locations and methods; methods for assessment and scoring of units of study and other relevant regulations concerning organization of doctoral program provision.

Article 10. Changes made during the course of a training program

2. Research students will be forced to leave school in any of the following cases:

a) They fail to complete their programs within the time limits set out in Clause 1 and Clause 2 Article 3 of this Regulation;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) They commit a violation against regulations of their training institutions that results in expulsion.

3. Training institution regulations shall provide for the following matters:

a) Change to dissertation topic, addition of another instructor or change of instructor, change of management unit and transfer to another training institution;

b) Reduction or extension of study and research time of research students; cases resulting in expulsion and expulsion procedures.

Article 11. Recognition of study and research results

1. Study and research results accumulated by a research student in a doctoral program may be retained and considered for recognition and transfer in any of the following cases:

a) The research student is expelled and wishes to study a master’s program in a corresponding academic discipline if they meet regulations of the existing regulation on graduate program admission and graduate education;

b) The research student transfers to another specialization or training institution;

c) The research student leaves the doctoral program, reapplies and is recognized as a new research student of the training institution.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Training institution regulations shall provide for retention time limit, composition of specialized councils and procedures for recognition and transfer of study and research results of research students.

Article 12. Rights and responsibilities of research students towards training programs

Every research student has the following rights and responsibilities:

1. Exercise the rights and fulfill the responsibilities mentioned in Articles 60 and 61 of the Law on Higher Education (amended in 2018).

2. Formulate and propose detailed study and research plan for each year based on the approved course-wise plan in the research student recognition decision, which shall include a plan for working and reporting to the instructor; follow the plans approved by the instructor and management unit; report on study and research progress and results to the management unit on a biannual basis; propose changes to their study and research to the instructor and management unit.

3. Participate in scientific meetings at their management unit as a tenured researchers or lecturer assistant; participate in research projects and duties as assigned by the instructor.

4. Comply with regulations of their training institution on academic integrity; ensure that published results are produced from their own research with the support of the instructor; acknowledge and cite all relevant individuals, groups and organizations (if any).

5. Exercise other rights and fulfill other responsibilities according to training institution regulations.

Article 13. Rights and responsibilities of management units

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Propose research student instructors whose specializations are suitable for dissertation topics.

2. Approve detailed annual study and research plans of research students; facilitate, support, expedite, supervise and inspect compliance with study and research plans of research students.

3. Organize periodic scientific meetings for research students; examine dissertations of research students; approve proposal for dissertation defense at dissertation examination committee of the training institution.

4. Exercise other rights and fulfill other responsibilities according to training institution regulations.

Chapter IV

DISSERTATION EXAMINATION AND DOCTORATE AWARDING

Article 14. Dissertation examination at management units

1. The management unit shall examine a dissertation when the research student meets the following requirements and additional requirements of the training institution for each training program (if any):

a) The student has completed all units of study of the program;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) The student is the main author of a scientific conference report/ scientific article published in a printed publication included in the WoS/Scopus List or a chapter of a reference book distributed by a reputable international publisher, or an article published on a Vietnamese academic journal assigned at least 0,75 point by the State Council for Professorship concerning the student’s academic discipline, or a monograph distributed by a reputable Vietnamese or international publisher; the publication must earn at least 2,0 points in total according to maximum score stipulated by the State Council for Professorship for each type of project (points shall not be distributed when there are co-authors) and be relevant and have substantial contribution to the research results presented in the dissertation;

d) The requirements in Point c of this Clause may be substituted by evidence of being the author or co-author of 01 result of a scientific or technological research or application registered and awarded a national or international patent; or 01 official award of a national or international competition recognized by the competent authority for the fields of arts, physical training and sports; such achievement must be relevant and have substantial contribution to the research results presented in the dissertation.

2. Training institutions shall stipulate examination of dissertation at management units to ensure that the examination is of scientific nature and assists research students in completing their dissertation before independent dissertation examination and defense at dissertation examination committees of training institutions.

Article 15. Independent dissertation examination

1. Dissertations of research students must undergo independent examination before they are defended before dissertation examination committees of training institutions. Within 06 months after a research student submits the dissertation approved by the management unit, the training institution shall complete independent examination of the dissertation; for cases requiring a second independent examination according to regulations in Clause 3 of this Article, the abovementioned time limit may be extended by 03 months at the maximum.

2. Every dissertation requires examination by 02 scientists or experts who are not officials of the training institution, are specialized in an area suitable for the dissertation's topic and meet the requirements for independent instructors mentioned in Article 5 of this Regulation. Independent examiners must not have any interest directly related to the research student and instructor; not be the mother, father, spouse or biological sibling or child of the research student; not offer direct professional cooperation or support relevant to the dissertation’s content to the research student and instructor during the dissertation formulation process.

3. Independent examination must take place in an impartial and transparent manner. Conclusions of the independent examiners for a dissertation must specify whether they approve of the dissertation professionally. The dissertation will be considered having passed the independent examination when the two examiners give their approval. If one examiner disapproves, the training institution shall send the dissertation to another independent examiner for their opinion, which shall provide the basis for decision. If the two examiners do not approve of the professional quality of the dissertation, the training institution shall request the research student and instructor to revise the dissertation and perform a second independent examination. Do not perform a third independent examination.

4. Information on independent examiners shall  be kept confidential from the research student and instructor. Independent examiners shall not have contact with or request the research student to provide information or explanations for the examiners’ opinions. Any contact with the examiners during independent examination shall be undertaken by the training institution. All explanations by the research student must be sent to the training institution and presented in the dissertation defense session.

5. Training institutions shall stipulate procedures for independent examiner selection and collection and handling of opinions from independent examiners; and protection of identities and personal information of independent examiners.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. A doctoral dissertation may be defended at a dissertation examination council of a training institution when it meets the following requirements:

a) The dissertation is a scientific report consolidating study and research results of the research student, and showing that the research student is capable of conducting research independently, creating new knowledge that contributes to the scientific knowledge of the research field or proposing new ideas and solutions for existing issues in the research field under actual circumstances;

b) The dissertation passes independent examination;

c) The dissertation abides by the training institution’s regulations on format, plagiarism control and academic integrity standards; specify references concerning general research results of the research student and references from other authors (if any) and comply with other regulations  of law on intellectual property.

2. Training institution regulations shall provide for establishment of their dissertation examination committees and include the following requirements:

a) Each committee shall consist of at least 05 members; number of members without professor or associate professor title shall not be more than 02 persons and number of members not affiliated to the training institution shall be at least 02 persons;

b) The committee shall comprise a chairperson, secretary, examiners and other members, with 01 examiner affiliated to the training institution and 01 examiner unaffiliated with the training institution; the examiners shall not be co-authors with the research student in scientific publications related to the dissertation; the committee chairperson shall be a professor or associate professor in an academic discipline suitable for the specialized area of the dissertation's topic, tenured researcher or lecturer of the training institution; 01 instructor of the research student may join the committee as a member;

c) Research capacity standards applicable to committee members shall be similar to research capacity standards for main instructors mentioned in Article 5; and the committee secretary must meet requirements for lecturers of doctoral programs mentioned in Article 4 of this Regulation;

d) Parents, spouse and biological children and siblings of the research student may not join the committee.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Time and location of the examination session and dissertation’s summary shall be posted on the website of the training institution (excluding cases of confidential dissertation examination);

b) The examination session may not take place if less than 05 committee members are present or more than 01 member is absent;

c) An online dissertation examination session must be joined by at least 03 committee members and the research student; in case of a natural disaster or epidemic or force majeure event, follow guidelines of the Minister of Education and Training;

d) The training institution shall prepare for the dissertation examination session; the research student and instructor may not contact committee members before the examination session.

4. The committee shall vote and resolve to pass or not pass the dissertation; request for any necessary revision if the dissertation is passed; propose or not propose reexamination if the dissertation is not passed. The dissertation will be passed if no member or only one member of the committee present in the examination session disapproves of the dissertation professionally. Dissertation examination sessions shall be recorded in writing; online examination sessions must have audio and video recordings, which shall be retained at the training institution.

5. Training institution regulations shall stipulate dissertation examination, including requirements for research students before dissertation examination; procedures for establishment of dissertation examination committees, standards and duties of each committee member; change of committee members and procedures for online and offline dissertation examination sessions of training institutions.

Article 17. Confidential dissertation examination

1. If the dissertation topic is related to a state secret included in a state secret list stipulated by the competent authority, the training institution shall determine the confidential nature of the topic immediately upon issuance of the research student recognition decision, submit a report to the Ministry of Education and Training together with evidence and obtain approval of the Ministry of Education and Training in writing.

2. Research students doing dissertation topics determined as confidential must meet general requirements for research students; requirements in Points c and d Clause 1 Article 14 of this Regulation may be substituted by internal reports with scientific and practical values in the research field verified by the training institution.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 18. Dissertation reexamination at training institutions

1. In case a dissertation is not passed by the dissertation examination committee of the training institution in the first defense session but the committee proposes a redefense, within 06 months after the first dissertation examination, the training institution shall decide to establish an examination committee and organize a second dissertation defense for the research student.

2. Do not organize dissertation reexamination without a proposal of the first dissertation examination committee; do not organize a third dissertation examination.

3. Training institution regulations shall provide for time and procedures for the second dissertation examination. The second dissertation examination committee must consist of at least 03 members of the first committee, including all members who do not approve of the dissertation.

Article 19. Doctorate recognition and awarding

1. A research student will be considered for qualification recognition and doctorate awarding when they meet the following requirements:

a) The research student’s dissertation has been passed by the dissertation examination committee of the training institution;

b) The research student has submitted the final dissertation with their signature, confirmation of the instructor and confirmation of the chairperson of the dissertation examination committee after revision (if any) to the training institution (in physical and electronic forms);

c) The research student has submitted the final dissertation with their signature, confirmation of the instructor and confirmation of the training institution in summary and in full to National Library of Vietnam (in physical and electronic forms).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. After the period of time mentioned in Clause 2 of this Article, the training institution shall consider and issue a decision to recognize the doctorate of the research student.

4. The training institution shall formulate an application for doctorate recognition and awarding, which includes:

a) Record of the dissertation examination session at the training institution;

b) Decision to pass the dissertation of the dissertation examination committee of the training institution;

c) Record of checking of votes and dissertation assessment sheets with signatures of all committee members present in the dissertation examination session;

d) Written comments and assessments of the instructor; written confirmation of dissertation revision of the instructor and chairperson of the dissertation examination committee (if any);

dd) Other documents as per regulations of the training institution.

5. The training institution shall award a doctorate to the research student within 30 working days from the entry into force of the doctorate recognition decision.

Chapter V

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 20. Rules and procedures for selection for inspection and appraisal

1. The Ministry of Education and Training shall take charge of inspection of dossiers on training process and appraisal of dissertation quality in the following cases:

a) Random inspection and appraisal according to requirements of management, inspection and supervision of compliance with this Regulation and relevant regulations;

b) Inspection and appraisal of certain cases per reports, complaints or denunciations.

2. Lists of documents subject to inspection and appraisal:

a) For training process inspection: admission application and research student recognition decision; dossier on dissertation examination session at training institution; and application for doctorate awarding;

b) For dissertation quality appraisal: dissertation; dissertation summary; copies of publications of research results of research student.

3. Inspection and appraisal procedures:

a) The Ministry of Education and Training shall announce list of cases requiring training process inspection or dissertation quality appraisal based on periodic reports of training institutions in writing;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) The Ministry of Education and Training shall carry out the inspection or appraisal and notify the results to training institutions in writing within 60 working days after receipt of sufficient documents according to regulations in Clause 2 of this Article.

Article 21. Handling of inspection and appraisal results

1. A satisfactory inspection or appraisal result is given in the following cases:

a) The training process dossier provided by the training institution contains sufficient evidences that admission, training organization and management and dissertation examination are carried out in accordance with requirements of the training institution  applicable to the research student as per regulations;

b) The dissertation’s quality is appraised and approved professionally by at least 02 out of 03 scientists holding the professor or associate professor title, having a Doctor of Science degree or doctorate, specialized in a suitable area, and knowledgeable about the research topic and field of the research student.

2. An unsatisfactory inspection or appraisal result is given in the following cases:

a) The training process dossier provided by the training institution does not contain sufficient evidences that admission, training organization and management and dissertation examination are carried out in accordance with regulations of this Regulation and requirements of the training institution  applicable to the research student;

b) The dissertation’s quality is not approved professionally by 02 out of 03 appraising scientists.

3. For training process dossiers with unsatisfactory results, training institutions shall provide explanations for relevant matters, supplement evidences and propose handling methods to the Ministry of Education and Training as per existing regulations.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) The Ministry of Education and Training shall decide to establish a dissertation appraisal committee to examine and pass a resolution on the dissertation’s quality; authorize the training institution to convene the dissertation appraisal committee under the supervision of a representative of the Ministry of Education and Training;

b) The appraisal committee shall consist of 07 members, at least 03 of whom are not an independent examiner or a member of the dissertation examination committee; appraising scientists who did not approve of the dissertation according to regulations in Point b Clause 2 of this Article are ex officio members of the appraisal committee;

c) Standards and duties of members of the dissertation appraisal committee shall be similar to those of members of the dissertation examination committee of the training institution mentioned in Clause 2 Article 16 of this Regulation;

d) The dissertation appraisal committee may convene when at least 06 members are present, including the chairperson, secretary and committee members who did not approve of the dissertation;

dd) The dissertation will fail the appraisal when it is not approved by 02 members of the dissertation appraisal committee or more. In this case, the training institution shall organize and preside over a dialogue between the dissertation appraisal committee and dissertation examination committee with the participation of a representative of the Ministry of Education and Training. At least 09 members of both committees must join the dialogue; chairpersons, examiners, secretaries and members who did not approve of the dissertation from both committees must be present. The dissertation will not be passed if at least 03 members present in the dialogue does not approve of it. The dialogue’s result shall be the final result concerning appraisal of the dissertation’s quality.

5. In case training process and dissertation quality are unsatisfactory after implementation of regulations in Clause 3 and Clause 4 of this Article, training institutions shall consider and decide on one of the following options:

a) If the research student has not been awarded a doctorate, the training institution shall allow the research student to complete requirements for doctorate awarding (for cases requiring training process inspection) within the study time limit stated in the research student recognition decision, including permitted extension (if any); or to have the dissertation reexamined if it has not undergone a second examination (for cases requiring dissertation quality appraisal) within no more than 06 months;

b) If the research student has been awarded a doctorate, the doctorate shall be revoked according to existing regulations and in the following cases: the training process dossier confirms that there is a serious violation or mistake resulting in the doctorate holder being ineligible for admission, research student recognition and maintenance of quality assurance conditions during the study and research processes at the training institution; there is content copied or cited against regulations in the dissertation and the appraisal committee concludes that, if the copied or citied content is removed, the dissertation no longer meets requirements of this Regulation; the dissertation is not passed by the appraisal committee according to regulations in Point dd Clause 4 of this Article.

6. Within no more than 60 working days after the date of receipt of the notification from the Ministry of Education and Training on the final inspection or appraisal result or date upon which the dialogue results are available, the training institution shall send a written report on handling of the inspection or appraisal results to the Ministry of Education and Training together with evidences.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

IMPLEMENTATION

Article 22. Formulation and implementation of training institution regulations

1. Pursuant to this Regulation and other relevant applicable regulations, training institutions shall:

a) Formulate, promulgate and implement regulations of their institutions; these regulations must be specific and may provide equivalent or stricter requirements but shall not contradict regulations of this Regulation;

b) Fulfill duties concerning education quality assurance according to regulations in Article 50 of the Law on Higher Education (amended in 2018);

c) Fulfill duties and exercise powers concerning scientific and technological activities according to regulations in Article 41 of the Law on Higher Education (amended in 2018);

d) Reinforce academic integrity; supervise and control anti-plagiarism; develop sanctions, strictly handle violations; ensure honesty of content of doctoral dissertations evaluated at their institutions;

dd) Formulate policies promoting gender equality in doctoral education to contribute to the national strategy for gender equality in education and training;

e) Plan and organize annual inspection of compliance with regulations on doctoral program admission, doctoral program organization and doctorate awarding of their institutions;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

h) Perform internal inspection of execution of plans, programs, training institution regulations and other tasks concerning admission, training and doctorate awarding; and be subject to the inspection and supervision of the Ministry of Education and Training and competent authorities as per existing regulations.

2. Training institutions shall exercise accountability according to regulations in Clause 4 Article 13 of the Government's Decree No. 99/2019/ND-CP and other relevant law provisions.

Article 23. Retention, reporting and information publication requirements

1. Responsibilities of training institutions:

a) Complete internal databases and update data on doctoral education to the national higher education database, including information on admission; information of research students; information of lecturers and instructors; information on results of scientific and technological activities related to doctoral education; information on doctorate awarding; completed dissertations of research students submitted to National Library of Vietnam in summary and in full;

b) Archive dossiers on admission, training process and degree awarding of research students as per existing regulations.

2. On the last day of each even numbered month, training institutions shall submit reports on lists of research students having defended their dissertations and dissertations approved by dissertation examination committees of training institutions in the 02 immediately preceding months to the Ministry of Education and Training (using the form in Appendix III); training institutions shall also submit periodic reports before December 31 of every year (using the form in Appendix IV) and ad hoc reports upon request.

3. Training institutions shall publish the following information on their websites before admission and training programs start:

a) Training institution regulations and relevant training management regulations concerning admission, doctoral programs and doctorate awarding;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 24. Transitional clauses

1. Doctoral programs provided for cohorts admitted before the entry into force of this Circular shall continue to take place according to the regulation on doctoral program admission and doctoral education enclosed with Circular No. 08/2017/TT-BGDDT dated April 04, 2017 by the Minister of Education and Training.

2. Training institutions shall decide application of Clause 2 Article 5 and Point c and Point d Clause 1 Article 14 of this Circular to cohorts admitted before the entry into force of this Circular.

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28/06/2021 về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


67.286

DMCA.com Protection Status
IP: 3.138.122.90
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!