CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 151/2016/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày 11
tháng 11 năm 2016
|
NGHỊ ĐỊNH
QUY
ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU VỀ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH CỦA LUẬT QUÂN
NHÂN CHUYÊN NGHIỆP, CÔNG NHÂN VÀ VIÊN CHỨC QUỐC PHÒNG
Căn cứ Luật tổ chức
Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật quân
nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng ngày 26 tháng 11 năm
2015;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi
hành một số điều về chế độ, chính sách của Luật
quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối
tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi
hành về chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp nghỉ hưu, phục viên;
công nhân và viên chức quốc phòng nghỉ hưu; quân nhân chuyên nghiệp, công nhân
và viên chức quốc phòng phục vụ trong Quân đội hy sinh, từ trần; quy đổi thời
gian để tính hưởng chế độ trợ cấp một lần; chế độ bảo hiểm y tế đối với thân
nhân của công nhân, viên chức quốc phòng phục vụ trong Quân đội theo quy định tại
khoản 3 Điều 39; điểm a, b khoản 1, điểm a, c khoản 3, khoản 5 Điều
40; điểm a, b khoản 1, khoản 4 Điều 41 và khoản 2, 3 Điều 42 Luật quân nhân
chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng (sau đây gọi chung là Luật).
2. Đối tượng áp dụng
a) Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức
quốc phòng đang công tác trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc
phòng;
b) Thân nhân của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân
và viên chức quốc phòng đang công tác trong Bộ Quốc phòng;
c) Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc
phòng; các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức có liên quan.
Điều 2. Tiền lương và thời gian
công tác để tính hưởng chế độ
1. Tiền lương để tính hưởng chế độ
a) Tiền lương tháng để tính hưởng chế độ trợ cấp một
lần quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 3 và khoản 2 Điều 5 Nghị
định này được tính bằng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội
của 05 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
b) Tiền lương tháng để tính chế độ trợ cấp một lần
quy định tại khoản 2 Điều 4; khoản 1, 2 Điều 6; khoản 2 Điều 7 Nghị
định này là tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước
thời điểm quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng nghỉ hưu,
phục viên, thôi việc, chuyển ngành, nghỉ theo chế độ bệnh binh, hy sinh, từ trần;
c) Tiền lương tháng để tính chế độ trợ cấp một lần
quy định tại điểm a, b Khoản này bao gồm: Tiền lương theo loại, nhóm, bậc đối với
quân nhân chuyên nghiệp; nhóm ngạch, bậc đối với công nhân và viên chức quốc
phòng và các khoản phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ
cấp thâm niên nghề và mức chênh lệch bảo lưu (nếu có).
2. Thời gian công tác để tính hưởng chế độ
a) Thời gian công tác để tính hưởng chế độ trợ cấp
một lần quy định tại điểm b khoản 2 Điều 3; khoản 2 Điều 4; khoản 2 Điều 5; khoản 1, 2 Điều 6 Nghị định này là tổng thời
gian công tác trong Quân đội (bao gồm thời gian là sĩ quan, quân nhân chuyên
nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân và viên chức quốc phòng) và thời gian
công tác tại các cơ quan, đơn vị hưởng lương từ ngân sách Nhà nước có đóng bảo
hiểm xã hội trước khi vào phục vụ trong Quân đội, trừ thời gian công tác tại
các cơ quan, đơn vị có đóng bảo hiểm xã hội nhưng đã hưởng chế độ phục viên, xuất
ngũ, thôi việc;
b) Thời gian công tác để tính
quy đổi hưởng chế độ trợ cấp một lần quy định tại Điều 7 Nghị
định này là tổng thời gian công tác trong Quân đội
(bao gồm thời gian là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ,
công nhân và viên chức quốc phòng) trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc
công tác ở địa bàn khó khăn, ngành nghề có tính chất đặc thù;
c) Thời gian công tác quy định tại điểm a, b khoản
này nếu đứt quãng mà chưa hưởng trợ cấp một lần (phục viên, xuất ngũ, thôi việc)
thì được cộng dồn.
3. Trường hợp thời gian công tác, thời gian tăng
thêm do quy đổi và thời gian nghỉ hưu trước hạn tuổi quy định tại Nghị định này
nếu có tháng lẻ thì được tính như sau: Dưới 03 tháng không tính, từ đủ 03 tháng
đến đủ 06 tháng được tính là 1/2 năm, từ trên 06 tháng đến dưới 12 tháng được
tính tròn là 01 năm.
Điều 3. Chế độ, chính sách đối
với quân nhân chuyên nghiệp nghỉ hưu
Chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp
nghỉ hưu theo điểm a, b khoản 1 Điều 40 của Luật, được thực
hiện như sau:
1. Quân nhân chuyên nghiệp đủ điều kiện nghỉ hưu
theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và theo quy định tại khoản 1 Điều 22 của Luật được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo
quy định hiện hành của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
2. Quân nhân chuyên nghiệp nghỉ
hưu trước hạn tuổi cao nhất theo cấp bậc quân hàm quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật do thay đổi tổ
chức biên chế theo quyết định của cấp có thẩm quyền mà Quân đội không còn nhu cầu
bố trí sử dụng thì không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi và ngoài
hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng (nếu
có) theo quy định hiện hành, còn được hưởng chế độ trợ cấp một lần theo quy định
sau đây:
a) Được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ
hưu trước tuổi;
b) Được trợ cấp bằng 05 tháng
tiền lương cho 20 năm đầu công tác. Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác
được trợ cấp bằng 1/2 tháng tiền lương.
Điều 4. Chế độ, chính sách đối
với quân nhân chuyên nghiệp phục viên
Chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp
phục viên theo điểm a, c khoản 3 Điều 40 của Luật, được quy
định như sau:
1. Được trợ cấp tạo việc làm bằng 06 tháng tiền
lương cơ sở theo quy định của Chính phủ tại thời điểm phục viên; được hỗ trợ
đào tạo nghề hoặc giới thiệu việc làm tại các tổ chức giới thiệu việc làm của
các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương và các tổ chức kinh tế - xã hội khác.
2. Được hưởng trợ cấp phục viên
một lần, cứ mỗi năm công tác được trợ cấp bằng 01 tháng tiền lương của tháng liền
kề trước khi phục viên.
3. Được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần hoặc bảo
lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định hiện hành của pháp luật về
bảo hiểm xã hội.
4. Được ưu tiên cộng điểm trong thi tuyển hoặc xét
tuyển công chức theo quy định tại Điều 5 Nghị định số
24/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng,
sử dụng và quản lý công chức; hoặc được ưu tiên khi xác định người trúng tuyển
trong kỳ thi tuyển viên chức theo quy định tại khoản 2 Điều 10
Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về tuyển
dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
Điều 5. Chế độ, chính sách đối
với công nhân và viên chức quốc phòng nghỉ hưu
Chế độ, chính sách đối với công nhân và viên chức
quốc phòng nghỉ hưu theo điểm a, b khoản 1 Điều 41 của Luật,
được quy định như sau:
1. Công nhân và viên chức quốc phòng đủ điều kiện
nghỉ hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 34 của Luật được hưởng
chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định hiện hành của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
2. Công nhân và viên chức quốc phòng nghỉ hưu trước
hạn tuổi cao nhất quy định tại Điều 31 của Luật do thay đổi
tổ chức, biên chế theo quyết định của cấp có thẩm quyền mà Quân đội không còn
nhu cầu bố trí sử dụng thì không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi
và ngoài hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật hiện hành còn
được hưởng chế độ trợ cấp một lần tương tự như đối với quân nhân chuyên nghiệp
quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định này.
Điều 6. Chế độ, chính sách đối
với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng phục vụ trong
Quân đội hy sinh, từ trần
Chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp,
công nhân và viên chức quốc phòng phục vụ trong Quân đội hy sinh, từ trần theo khoản 2, 3 Điều 42 của Luật, được thực hiện như sau:
1. Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức
quốc phòng trong thời gian phục vụ Quân đội mà hy sinh, nếu đủ điều kiện theo
quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng thì được xem xét
xác nhận là liệt sĩ; thân nhân của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên
chức quốc phòng được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật về ưu
đãi người có công với cách mạng, pháp luật về bảo hiểm xã hội và được hưởng trợ
cấp một lần, cứ mỗi năm công tác được trợ cấp bằng 01 tháng tiền lương của
tháng liền kề trước khi hy sinh.
2. Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức
quốc phòng phục vụ trong Quân đội từ trần thì thân nhân của quân nhân chuyên
nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được hưởng chế độ, chính sách theo
quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và chế độ trợ cấp một lần, cứ mỗi năm
công tác được trợ cấp bằng 01 tháng tiền lương của tháng liền kề trước khi từ
trần.
3. Thân nhân của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân
và viên chức quốc phòng hưởng chế độ trợ cấp một lần quy định tại khoản 1, 2 Điều
này, bao gồm: Vợ hoặc chồng; bố đẻ, mẹ đẻ; người nuôi dưỡng hợp pháp; con đẻ,
con nuôi hợp pháp.
Điều 7. Chế độ trợ cấp một lần
đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng có thời gian
trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc công tác ở địa bàn khó khăn, ngành
nghề có tính chất đặc thù khi thôi phục vụ trong Quân đội hoặc trong thời gian
phục vụ Quân đội hy sinh, từ trần
1. Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức
quốc phòng có thời gian trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc công tác ở
địa bàn khó khăn, ngành nghề có tính chất đặc thù thì được quy đổi thời gian để
tính hưởng chế độ trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, phục viên, thôi việc, chuyển
ngành, nghỉ theo chế độ bệnh binh hoặc trong thời gian phục vụ trong Quân đội
hy sinh, từ trần theo khoản 5 Điều 40, khoản
4 Điều 41 của Luật, được quy định như sau:
a) Có thời gian trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến
đấu thì thời gian đó được quy đổi theo hệ số 01 năm bằng 01 năm 06 tháng;
b) Có thời gian công tác ở địa bàn có phụ cấp đặc
biệt mức 100% hoặc làm nghề, công việc đặc thù quân sự được xếp loại lao động đặc
biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì thời gian đó được quy đổi theo hệ số 01
năm bằng 01 năm 04 tháng;
c) Có thời gian công tác ở địa bàn có phụ cấp khu vực
từ hệ số 0,7 trở lên hoặc làm nghề, công việc đặc thù quân sự được xếp loại lao
động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì thời gian đó được quy đổi theo hệ số 01
năm bằng 01 năm 02 tháng.
Trường hợp trong cùng một thời gian công tác, nếu
có đủ 02 hoặc 03 điều kiện nêu trên thì chỉ được hưởng theo mức quy đổi cao nhất;
thời gian công tác được quy đổi nếu đứt quãng thì được cộng dồn để tính hưởng
trợ cấp.
2. Thời gian tăng thêm do quy đổi quy định tại khoản
1 Điều này được tính hưởng chế độ trợ cấp một lần với mức cứ một năm tăng thêm
do quy đổi được trợ cấp bằng 01 tháng tiền lương của tháng liền kề trước khi thôi
phục vụ trong Quân đội hoặc hy sinh, từ trần.
Điều 8. Chế độ bảo hiểm y tế đối
với thân nhân của công nhân và viên chức quốc phòng đang phục vụ trong Quân đội
Chế độ bảo hiểm y tế đối với thân nhân của công
nhân và viên chức quốc phòng phục vụ trong Quân đội theo khoản
3 Điều 39 của Luật, được quy định như sau:
1. Thân nhân của công nhân và viên chức quốc phòng
đang phục vụ trong Quân đội nếu không có chế độ bảo hiểm y tế thì được hưởng chế
độ bảo hiểm y tế như đối với thân nhân của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ
sĩ quan, binh sĩ Quân đội đang tại ngũ quy định tại điểm 1 khoản
3 Điều 12 Luật bảo hiểm y tế, được sửa đổi, bổ sung năm 2014.
2. Thân nhân của công nhân và viên chức quốc phòng
đang phục vụ trong Quân đội được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định tại khoản
1 Điều này bao gồm: Bố đẻ, mẹ đẻ; bố đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng
hợp pháp của bản thân, của vợ hoặc của chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp
pháp dưới 18 tuổi; con đẻ, con nuôi hợp pháp từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng bị
khuyết tật theo quy định của pháp luật.
3. Mức đóng, trách nhiệm đóng, phương thức đóng bảo
hiểm y tế; mức hưởng bảo hiểm y tế; thẻ bảo hiểm y tế; phương thức thanh toán
chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và trách nhiệm thực hiện bảo hiểm y tế
đối với thân nhân của công nhân và viên chức quốc phòng được thực hiện như đối
với thân nhân của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ
theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
Điều 9. Kinh phí bảo đảm
1. Nguồn kinh phí thực hiện các chế độ trợ cấp quy
định tại khoản 2 Điều 3; khoản 1, 2 Điều 4; khoản 2 Điều 5; khoản 1, 2 Điều 6; khoản 2 Điều 7 Nghị định này do ngân sách
nhà nước đảm bảo theo quy định của Luật ngân sách
nhà nước.
2. Nguồn kinh phí hỗ trợ mua bảo
hiểm y tế đối với thân nhân của công nhân và viên chức quốc phòng quy định tại
Điều 8 Nghị định này, được thực hiện
như sau:
a) Đối với các đơn vị dự toán do ngân sách nhà nước
đảm bảo theo quy định của Luật ngân sách nhà nước;
b) Đối với các đơn vị sự nghiệp
sử dụng nguồn kinh phí của đơn vị theo quy định tại Nghị định số
16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ
quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và các quy định của
pháp luật về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập đối với các lĩnh vực;
c) Đối với các doanh nghiệp được tính vào các khoản
chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp.
Điều 10. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30
tháng 12 năm 2016.
2. Các chế độ, chính sách quy định tại Nghị định
này được thực hiện kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.
3. Các văn bản dẫn chiếu trong Nghị định này khi được
sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng các văn bản khác thì nội dung dẫn chiếu được
điều chỉnh thực hiện theo văn bản mới.
4. Khoản 3 Điều 13 Nghị định số
21/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và
hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sĩ quan
Quân đội nhân dân Việt Nam về chế độ, chính sách đối với sĩ quan thôi phục
vụ tại ngũ; sĩ quan tại ngũ hy sinh, từ trần; sĩ quan tại ngũ chuyển sang quân
nhân chuyên nghiệp hoặc công chức quốc phòng hết hiệu lực thi hành kể từ ngày
01 tháng 7 năm 2016.
Điều 11. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu
trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ
trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KGVX (3b).
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|