Kính
gửi: Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương.
Ngày 30/12/2016, Bộ Tài chính đã ban
hành Quyết định số 2845/QĐ-BTC quy định phân công cơ quan thuế quản lý đối với người
nộp thuế (sau đây gọi là Quyết định số 2845/QĐ-BTC) thay thế Thông tư số 127/2015/TT-BTC
ngày 21/8/2015 của Bộ Tài chính, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017. Để
triển khai thực hiện Quyết định số 2845/QĐ-BTC , Tổng cục Thuế hướng dẫn một số
nội dung cụ thể như sau:
1. Các nội dung mới
về phân công cơ quan thuế quản lý đối với người nộp thuế theo Quyết định số
2845/QĐ-BTC:
1.1. Về hình thức ban hành: Quy định
về phân công cơ quan thuế quản lý đối với người nộp thuế được ban hành dưới
hình thức Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính để xác định rõ đây là công việc
điều hành của nội bộ ngành tài chính và áp dụng cho các đơn vị trong nội bộ
ngành tài chính. Nội dung cấp mã số thuế tự động quy định tại Thông tư số 127/2015/TT-BTC
trước đây liên quan đến cơ quan đăng ký kinh doanh đã được quy định tại Thông
tư liên tịch số 01/2016/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 23/2/2016 của Bộ Kế hoạch & Đầu
tư và Bộ Tài chính.
Trước đây: Thông tư số 127/2015/TT-BTC quy định phân công cơ quan thuế quản lý đối
với người nộp thuế và cấp mã số thuế tự động, áp dụng cho cả cơ quan đăng ký
kinh doanh là đơn vị ngoài ngành tài chính nên phải ban hành dưới hình thức
Thông tư.
1.2. Về đối tượng áp dụng: Quyết định
số 2845/QĐ-BTC quy định đối tượng áp dụng gồm cơ quan thuế các cấp, bỏ cơ quan
Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh do không quy định nội dung cấp mã số thuế tự động.
Trước đây: Thông tư số 127/2015/TT-BTC quy định đối tượng áp dụng gồm: Cơ quan
thuế các cấp, cơ quan Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, thành phố.
1.3. Về phạm vi điều chỉnh: Quyết định
số 2845/QĐ-BTC quy định phạm vi điều chỉnh đối với toàn bộ người nộp thuế, gồm:
Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân
kinh doanh và cá nhân khác (nêu tại Điều 1 Quy định kèm theo Quyết
định số 2845/QĐ-BTC) đảm bảo thống nhất với đối tượng đăng ký thuế theo quy
định tại Thông tư số 95/2016/TT-BTC ngày 28/6/2016 của Bộ Tài chính về đăng ký
thuế.
Trước đây: Thông tư số 127/2015/TT-BTC chỉ quy định phạm vi điều chỉnh đối với
doanh nghiệp.
1.4. Về yêu cầu đối với việc phân
công cơ quan thuế quản lý người nộp thuế: Quyết định số 2845/QĐ-BTC về cơ bản
giữ nguyên như quy định Thông tư số 127/2015/TT-BTC , có bổ sung thêm yêu cầu thực
hiện tự động trên Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế của ngành thuế và đồng bộ, thống
nhất với Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp của cơ quan đăng
ký kinh doanh để thực hiện việc phân cấp mã số thuế tự động theo quy định tại
Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải
pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc
gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020.
1.5. Bổ sung Điều 4
Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 2845/QĐ-BTC về trách nhiệm quản lý
thuế giữa cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế và cơ quan thuế quản lý
khoản thu ngân sách nhà nước; thông báo cho người nộp thuế về cơ quan thuế quản
lý trực tiếp để xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan thuế và sự phối kết hợp
giữa các cơ quan thuế trong việc quản lý thuế, đảm bảo quản lý thuế đầy đủ, thống
nhất về người nộp thuế.
1.6. Bổ sung Điều 5
Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 2845/QĐ-BTC về người nộp thuế và khoản
thu ngân sách nhà nước giao Tổng cục Thuế quản lý trực tiếp.
1.7. Về tiêu thức phân công cơ quan
thuế (Cục Thuế, Chi cục Thuế) quản lý đối với người nộp thuế: Quyết định số
2845/QĐ-BTC về cơ bản giữ nguyên như quy định Thông tư số 127/2015/TT-BTC , có sửa
đổi, bổ sung một số tiêu thức sau:
- Sửa đổi tiêu thức phân công cơ quan
thuế (Cục Thuế, Chi cục Thuế) quản lý đối với doanh nghiệp theo ngành nghề đặc
thù và quy mô để phân công cơ quan thuế quản lý đối với doanh nghiệp đảm bảo
phù hợp với từng địa phương.
Trước đây: Thông tư số 127/2015/TT-BTC chỉ phân công Cục Thuế quản lý theo ngành
nghề nên đối với một số doanh nghiệp có quy mô nhỏ vẫn giao cho Cục Thuế quản
lý là không phù hợp với năng lực quản lý của cơ quan thuế trên địa bàn có số lượng
doanh nghiệp lớn.
- Bổ sung tiêu thức về doanh nghiệp dự
án và doanh nghiệp trực tiếp thực hiện dự án (trường hợp không thành lập doanh
nghiệp dự án), gồm: BOO, BLT, BTL, O&M đảm bảo phù hợp với quy định của
pháp luật về đầu tư.
- Bổ sung tiêu thức phân công cho Cục
Thuế quản lý đối với doanh nghiệp thành lập và hoạt động trong các khu chế xuất,
khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao thuộc cơ quan cấp trung ương và
cấp tỉnh quản lý.
Trước đây: Thông tư số 127/2015/TT-BTC không có quy định đối với tiêu thức này
nhưng tại công văn số 4203/TCT-KK ngày 9/10/2015 của Tổng cục Thuế có hướng dẫn
bổ sung thêm một số tiêu thức theo thực tế quản lý trên từng địa bàn của từng địa
phương như doanh nghiệp thành lập và hoạt động trong các Khu chế xuất, khu công
nghiệp,....
- Bổ sung tiêu thức phân công cơ quan
thuế (Cục Thuế, Chi cục Thuế) quản lý đối với người nộp thuế là chi nhánh, văn
phòng đại diện của doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc của tổ chức tương ứng theo
cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp, tổ chức. Riêng chi nhánh, văn phòng đại diện
của doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc của tổ chức có trụ sở đóng trên địa bàn
thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh giao cho Cục trưởng Cục Thuế quyết định
đảm bảo phù hợp với năng lực quản lý của cơ quan thuế trên địa bàn.
Trước đây: Thông tư số 127/2015/TT-BTC không có quy định đối với tiêu thức này
nhưng tại công văn số 4203/TCT-KK ngày 9/10/2015 của Tổng cục Thuế có hướng dẫn
bổ sung thêm một số tiêu thức theo thực tế quản lý trên từng địa bàn của từng địa
phương như phân công quản lý chi nhánh, đơn vị trực thuộc,...
- Bổ sung tiêu thức phân công cơ quan
thuế quản lý đối với người nộp thuế không phải là doanh nghiệp (tổ chức và cá
nhân khác).
- Bổ sung tiêu thức phân công cơ quan
thuế quản lý đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức và cá nhân có trách
nhiệm khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài; tổ chức
có hợp đồng hoặc văn bản hợp tác kinh doanh để phân công cho cơ quan thuế đang
quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh đảm bảo thống nhất trong việc quản lý đối
với người nộp thuế.
- Bổ sung tiêu thức phân công lại cơ
quan thuế quản lý trực tiếp đối với doanh nghiệp đang hoạt động trong trường hợp
doanh nghiệp có địa chỉ trụ sở trên địa bàn tỉnh, thành phố có phát sinh giao dịch
liên kết với doanh nghiệp đang do Cục Thuế quản lý trực tiếp theo quy định.
- Làm rõ tiêu thức phân công lại cơ
quan thuế quản lý trực tiếp đối với doanh nghiệp đang hoạt động trong trường hợp
có hoạt động xuất khẩu thường xuyên thuộc đối tượng được hoàn thuế giá trị gia
tăng hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu theo quy định của pháp luật về thuế giá trị
gia tăng đảm bảo phân công cho Cục Thuế quản lý toàn bộ hoạt động của các doanh
nghiệp này.
Trước đây: Thông tư số 127/2015/TT-BTC quy định đối với doanh nghiệp, tổ chức
thành lập được cấp mã số doanh nghiệp và phân công Chi cục Thuế quản lý, sau đó
có hoạt động sản xuất kinh doanh xuất khẩu thường xuyên thuộc đối tượng và các
trường hợp được hoàn thuế giá trị gia tăng (phát sinh hoàn thuế giá trị gia
tăng) theo quy định thì thực hiện phân công Cục Thuế quản lý thuế đối với những
nhiệm vụ liên quan đến hoàn thuế theo các quy định của Luật Quản lý thuế về thẩm
quyền ra quyết định hoàn thuế.
- Bổ sung tiêu thức phân công lại cơ
quan thuế quản lý trực tiếp đối với doanh nghiệp đang hoạt động trong trường hợp
doanh nghiệp có phát sinh hoạt động sản xuất kinh doanh trên nhiều địa bàn kê
khai tập trung tại trụ sở chính và phân bổ số nộp ngân sách cho các địa bàn.
Trước đây: Thông tư số 127/2015/TT-BTC không có quy định đối với tiêu thức này
nhưng tại công văn số 4203/TCT-KK ngày 9/10/2015 của Tổng cục Thuế có hướng dẫn
bổ sung thêm một số tiêu thức theo thực tế quản lý trên từng địa bàn của từng địa
phương như phân công quản lý các doanh nghiệp kinh doanh trên nhiều địa bàn;
phân công quản lý các doanh nghiệp kinh doanh nhiều ngành nghề...
- Bổ sung quy định về thay đổi tiêu
thức phân công cơ quan thuế quản lý và thực hiện phân công lại cơ quan thuế (Cục
Thuế, Chi cục Thuế) quản lý đối với người nộp thuế đang hoạt động trong trường
hợp Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương điều chỉnh, sửa đổi
Nghị quyết phân cấp nguồn thu ngân sách trên địa bàn có liên quan đến cơ quan
thuế quản lý đảm bảo phù hợp với Nghị quyết phân cấp nguồn thu.
- Về thẩm quyền ban hành bộ tiêu thức
phân công cơ quan thuế (Cục Thuế, Chi cục Thuế) quản lý trực tiếp đối với người
nộp thuế: Quyết định số 2845/QĐ-BTC quy định Cục Thuế xây dựng phương án phân
công cơ quan thuế (Cục Thuế, Chi cục Thuế) quản lý trực tiếp đối với người nộp
thuế trên địa bàn, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương phê duyệt phương án. Căn cứ vào phương án được phê duyệt, Cục Thuế ban
hành Bộ tiêu thức phân công cơ quan thuế quản lý đối với Cục Thuế và Chi cục
Thuế để phù hợp với quy định tại Điều 30 Luật Ngân sách nhà nước
số 83/2015/QH13 ngày 25/6/2015 và khắc phục vướng mắc khi thực hiện Thông
tư số 127/2015/TT-BTC .
Trước đây: Thông tư số 127/2015/TT-BTC quy định Cục Thuế phối hợp với Sở Tài chính
và các cơ quan có liên quan xây dựng tiêu thức phân công cơ quan thuế quản lý đối
với doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông
tư này, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh
quyết định.
2. Tổ chức thực
hiện Quyết định số 2845/QĐ-BTC:
Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh,
thành phố triển khai thực hiện một số nội dung sau:
2.1. Nghiên cứu nội dung của Quyết định
và công văn này để:
- Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/thành
phố và chỉ đạo các Chi cục Thuế trực thuộc báo cáo Ủy ban nhân dân cấp quận/huyện
trên địa bàn biết và chỉ đạo thực hiện thống nhất;
- Phổ biến và quán triệt nội dung Quyết
định số 2845/QĐ-BTC đến các phòng, Chi cục Thuế và các cơ quan, tổ chức, cá
nhân trên địa bàn; phối hợp với Cơ quan Đăng ký kinh doanh trên địa bàn để tổ
chức thực hiện theo các quy định của Quyết định số 2845/QĐ-BTC .
2.2. Tổ chức xây dựng phương án phân
công cơ quan thuế (Cục Thuế, Chi cục Thuế) quản lý trực tiếp đối với người nộp
thuế mới thành lập và đang hoạt động theo hướng dẫn tại Điều 6, Điều
7 và Điều 8 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 2845/QĐ-BTC và Bộ tiêu
thức khung theo phụ lục đính kèm công văn này đảm bảo việc phân công tự động
trên Hệ thống ứng dụng Đăng ký thuế, trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phê
duyệt phương án.
Sau khi phương án được phê duyệt, Cục
Thuế ban hành Bộ tiêu thức phân công cơ quan thuế quản lý trên địa bàn và cập
nhật Bộ tiêu thức phân công cơ quan thuế quản lý vào Hệ thống ứng dụng Đăng ký
thuế để thực hiện phân công cơ quan thuế quản lý tự động cùng với việc cấp mã số
thuế tự động.
Thời hạn ban hành Bộ Tiêu thức phân
công cơ quan thuế quản lý theo hướng dẫn tại Quyết định số 2845/QĐ-BTC chậm nhất
là ngày 30/4/2017. Trường hợp một số địa phương đã có Nghị quyết của Hội đồng
nhân dân tỉnh, thành phố hoặc Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố
ban hành Bộ Tiêu thức phân công cơ quan thuế quản lý theo Thông tư số 127/2015/TT-BTC
để áp dụng từ 01/01/2017 phù hợp với Bộ Tiêu thức hướng dẫn tại Quyết định số
2845/QĐ-BTC thì được tiếp tục sử dụng, không phải ban hành lại Bộ tiêu thức mới.
Cục Thuế gửi Bộ tiêu thức phân công
cơ quan thuế quản lý đã được ban hành cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và Tổng
cục Thuế theo hướng dẫn tại Quyết định số 2845/QĐ-BTC .
2.3. Sau khi đã ban hành bộ tiêu thức,
thực hiện rà soát lại toàn bộ người nộp thuế đang hoạt động theo hướng dẫn tại Điều 8 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 2845/QĐ-BTC hiện
do Chi cục Thuế quản lý (doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu thường xuyên thuộc
đối tượng được hoàn thuế giá trị gia tăng hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu theo quy
định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng; doanh nghiệp có địa chỉ trụ sở
trên địa bàn tỉnh, thành phố có phát sinh giao dịch liên kết với doanh nghiệp
đang do Cục Thuế quản lý trực tiếp theo quy định; doanh nghiệp có phát sinh hoạt
động sản xuất kinh doanh trên nhiều địa bàn kê khai tập trung tại trụ sở chính
và phân bổ số nộp ngân sách cho các địa bàn; doanh nghiệp có hoạt động kinh
doanh chính thuộc ngành, nghề kinh doanh đặc thù) để phân công lại cho Cục Thuế
quản lý. Trước khi thực hiện phân công lại người nộp thuế đang hoạt động cho Cục
Thuế quản lý, Chi cục Thuế thực hiện đối chiếu, chốt nghĩa vụ của người nộp thuế
và bàn giao cho Cục Thuế quản lý và thông báo cho người nộp thuế biết, đồng thời
gửi danh sách người nộp thuế được phân công lại cơ quan thuế quản lý về Tổng cục
Thuế và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố.
2.4 Trường hợp Cục Thuế thực hiện
phân cấp lại đối với toàn bộ người nộp thuế đang hoạt động, Cục Thuế phải báo
cáo về Tổng cục Thuế trước khi thực hiện đảm bảo phối hợp và yêu cầu quản lý
thuế, quản lý thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, đồng thời đảm bảo tính thống
nhất trong ngành thuế.
3. Về phân công
người nộp thuế và khoản thu ngân sách nhà nước cho Tổng cục Thuế quản lý (nêu tại Điều 5 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 2845/QĐ
BTC):
Trong thời gian chờ Tổng cục Thuế có
văn bản chỉ đạo và hướng dẫn cụ thể các công việc phải thực hiện để chuyển cơ
quan thuế quản lý trực tiếp của người nộp thuế từ Cục Thuế, Chi cục Thuế về Tổng
cục Thuế, cơ quan thuế tiếp tục quản lý thuế đối với người nộp thuế như hiện
hành.
Tổng cục Thuế đề nghị đồng chí Cục
trưởng Cục Thuế chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện đúng các quy định tại
Quyết định số 2845/QĐ-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính và hướng dẫn tại
công văn này. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có phát sinh vướng mắc,
đề nghị các Cục Thuế kịp thời phản ánh về Tổng cục Thuế (Vụ Kê khai và Kế toán
thuế và Cục Công nghệ thông tin) để được giải quyết.
Tổng cục Thuế thông báo để các đơn vị
biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn (để b/c);
- Lãnh đạo Tổng cục Thuế;
- Cục Thuế, Sở Tài chính, KBNN tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Các đơn vị thuộc BTC;
- Các đơn vị thuộc TCT;
- Website Bộ Tài chính;
- Website Tổng cục Thuế;
- Lưu: VT, KK (05b).
|
KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG
Nguyễn Đại Trí
|
BỘ TIÊU THỨC PHÂN CÔNG KHUNG ĐỐI VỚI
NGƯỜI NỘP THUẾ DO CỤC THUẾ VÀ CHI CỤC THUẾ QUẢN LÝ TRỰC TIẾP
(Ban
hành kèm theo công văn số 712/TCT-KK ngày 03/3/2017 của Tổng cục Thuế)
1. Các tiêu thức
phân công Cục Thuế quản lý đối với người nộp thuế mới thành lập; tổ chức lại
doanh nghiệp (chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp,
chuyển đổi chủ sở hữu dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý), thay đổi địa chỉ
trụ sở khác tỉnh, thành phố:
1.1. Đối với doanh nghiệp:
Doanh nghiệp thỏa mãn một trong các
tiêu thức sau sẽ được phân công cho Cục Thuế quản lý.
a) Tiêu thức phân công theo loại
hình doanh nghiệp, quy mô vốn điều lệ:
STT
|
TIÊU
THỨC
|
THAM
SỐ
|
GHI
CHÚ
|
Chọn
|
Tỷ
lệ vốn/ Mức vốn
|
1
|
Doanh nghiệp có vốn nhà nước
|
|
|
- Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ
100% vốn điều lệ sẽ phân công cho Cục Thuế quản lý.
- Doanh nghiệp có tỷ lệ % vốn nhà
nước/tổng vốn >= <Tỷ lệ vốn> sẽ phân công về Cục Thuế quản lý. Hệ thống
hỗ trợ tính tỷ lệ = (vốn nhà nước/ tổng vốn) x 100%
|
2
|
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước
ngoài
|
|
|
Doanh nghiệp có tỷ lệ % vốn đầu tư
nước ngoài/tổng vốn >= <Tỷ lệ vốn> sẽ phân công về Cục Thuế quản lý.
Hệ thống hỗ trợ tính tỷ lệ= (vốn đầu tư nước ngoài/tổng vốn) x 100%
|
3
|
Doanh nghiệp ngoài quốc doanh
|
|
|
Doanh nghiệp có tổng vốn điều lệ
>= mức vốn sẽ được phân công về Cục Thuế quản lý.
|
4
|
Doanh nghiệp dự án BOT, BTO, BT,..
|
|
|
Các doanh nghiệp BOT, BBT, BT sẽ
phân công cho Cục Thuế quản lý.
|
Ví dụ 1: Với tiêu thức Doanh nghiệp
có vốn nhà nước: Cục Thuế đánh dấu chọn (x) và nhập 30% vào phần tham số, Hệ thống
sẽ căn cứ thông tin trên hồ sơ đăng ký doanh nghiệp/đăng ký thuế, phân công Cục
Thuế quản lý tất cả doanh nghiệp là doanh nghiệp có tỷ lệ vốn nhà nước >=
30%.
Trường hợp trong bộ tiêu thức phân
công cho Cục Thuế quản lý toàn bộ Doanh nghiệp có vốn nhà nước thì chỉ cần tích
chọn, không cần nhập vào ô tỷ lệ vốn/mức vốn. Hệ thống sẽ căn cứ thông tin về tỷ
trọng vốn nhà nước trên vốn điều lệ trên hồ sơ đăng ký thuế để phân công Cục
Thuế quản lý tất cả doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Ví dụ 2: Cục Thuế đánh dấu chọn (x)
vào tiêu thức Doanh nghiệp dự án BOT, BTO, BT,... Và nhập tỷ lệ 0%. Hệ thống sẽ
lấy tất cả doanh nghiệp có có đánh dấu BOT, BTO, BT từ hệ thống đăng ký kinh
doanh chuyển sang để phân công Cục Thuế quản lý với mọi mức vốn.
Ví dụ 3: Với tiêu thức Quy mô vốn điều
lệ: Nếu chọn phân công theo tiêu thức này (đánh dấu x) và nhập mức vốn
30.000.000.000, các doanh nghiệp có tổng vốn điều lệ >= 30.000.000.000 nhưng
không thỏa mãn một trong các tiêu thức 1, 2, 4 sẽ được phân công cho Cục Thuế
quản lý.
b) Tiêu thức phân công theo ngành
nghề kinh doanh:
Cục Thuế lựa chọn các ngành nghề kinh
doanh theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Quy định ban hành
kèm theo Quyết định số 2845/QĐ-BTC và quy mô tổng vốn điều lệ của doanh
nghiệp để ban hành tiêu thức phân công cho Cục Thuế quản lý. Hệ thống đăng ký
thuế cho phép Cục Thuế nhập tiêu thức phân công vừa theo ngành nghề đặc thù, vừa
theo quy mô vốn điều lệ. Trường hợp bộ tiêu thức phân công cho Cục Thuế quản lý
toàn bộ ngành nghề đặc thù theo quy định, không có tiêu thức quy mô vốn điều lệ
thì Cục Thuế chỉ cập nhật vào bộ tiêu thức danh mục ngành nghề kinh doanh,
không cập nhật phần quy mô vốn điều lệ.
c) Tiêu thức phân công đối với
doanh nghiệp thành lập và hoạt động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp,
khu kinh tế, khu công nghệ cao thuộc cơ quan cấp trung ương và cấp tỉnh quản
lý:
Hệ thống đăng ký thuế căn cứ vào
thông tin doanh nghiệp có địa chỉ tru sở nằm trong các khu công nghiệp, khu chế
xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao thuộc cơ quan cấp trung ương và cấp tỉnh
quản lý để phân công cho Cục Thuế quản lý.
1.2. Đối với người nộp thuế là
tổ chức và cá nhân:
a) Đối với tổ chức:
- Tổ chức có hoạt động sản xuất kinh
doanh do cơ quan cấp Trung ương và cấp tỉnh thành lập: Hệ thống đăng ký thuế bổ
sung nút tích “cơ quan cấp trung ương và tỉnh” để cơ quan thuế căn cứ thông tin
trên hồ sơ đăng ký thuế của tổ chức để đánh dấu vào chỉ tiêu này khi nhập hồ sơ
đăng ký thuế. Hệ thống đăng ký thuế căn cứ vào thông tin cơ quan thuế đã nhập để
phân công cho Cục Thuế quản lý nếu tổ chức do cơ quan cấp Trung ương và cấp tỉnh
thành lập.
- Tổ chức được giao nhiệm vụ thu phí,
lệ phí (trừ lệ phí trước bạ) do cơ quan cấp Trung ương và cấp tỉnh thành lập,
trừ các khoản phí, lệ phí giao Tổng cục Thuế quản lý; Tổ chức chi trả thu nhập
khấu trừ nộp thuế thu nhập cá nhân, gồm: cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc các Bộ,
cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan khác ở Trung ương; cơ
quan, đơn vị, tổ chức thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan khác ở cấp tỉnh:
Hệ thống đăng ký thuế căn cứ vào thông tin về tổ chức không kinh doanh và nút
tích “cơ quan cấp trung ương và tỉnh” để phân công cho Cục Thuế quản lý nếu tổ
chức do cơ quan cấp Trung ương và cấp tỉnh thành lập.
- Chủ dự án ODA; Văn phòng đại diện
nhà tài trợ dự án ODA; Nhà thầu nước ngoài thực hiện dự án ODA; cơ quan đại diện
ngoại giao; cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam; cơ quan lãnh sự;
văn phòng đại diện của các tổ chức nước ngoài: Hệ thống đăng ký thuế căn cứ vào
thông tin về tổ chức chỉ phát sinh hoàn thuế để phân công cho Cục Thuế quản lý.
- Nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài
đăng ký nộp thuế trực tiếp với cơ quan thuế: Hệ thống đăng ký thuế căn cứ vào
thông tin loại người nộp thuế là 0400 (mẫu tờ khai 04-ĐK-TCT) để phân công cho
Cục Thuế quản lý.
b) Đối với cá nhân:
- Các cá nhân phân công cho Cục Thuế
quản lý gồm:
+ Cá nhân nước ngoài sử dụng tiền viện
trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại của nước ngoài mua hàng hóa, dịch vụ có
thuế giá trị gia tăng ở Việt Nam để viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo.
+ Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền
lương, tiền công do các tổ chức Quốc tế, Đại sứ quán, Lãnh sự quán tại Việt Nam
trả nhưng tổ chức này chưa thực hiện khấu trừ thuế.
+ Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền
lương, tiền công do các tổ chức, cá nhân trả từ nước ngoài (trường hợp cá nhân
không làm việc tại Việt Nam).
+ Chuyên gia nước ngoài thực hiện
chương trình dự án ODA; chương trình dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài
thuộc diện được miễn thuế thu nhập cá nhân.
+ Người Việt Nam làm việc cho văn
phòng đại điện của các tổ chức Quốc tế thuộc hệ thống liên hợp quốc tại Việt
Nam thuộc diện được miễn thuế thu nhập cá nhân.
- Hệ thống đăng ký thuế phân công cho
Cục Thuế quản lý là Cục Thuế nhập tờ khai đăng ký thuế vào hệ thống. Trường hợp
Chi cục Thuế nhập tờ khai đăng ký thuế của các cá nhân nêu trên là không đúng
quy định về địa điểm nộp hồ sơ đăng ký thuế.
2. Các tiêu thức
phân công người nộp thuế cho Chi cục Thuế quản lý:
Các người nộp thuế không thỏa mãn các
tiêu thức phân công cho Tổng cục Thuế và Cục Thuế quản lý nêu trên sẽ phân công
cho Chi cục Thuế quản lý theo địa bàn.
3. Tiêu thức
phân công đối với chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp, đơn vị trực
thuộc của tổ chức mới thành lập, tổ chức lại doanh nghiệp (chia, tách, hợp nhất,
sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi chủ sở hữu dẫn đến thay
đổi cơ quan thuế quản lý), thay đổi địa chỉ trụ sở (dẫn đến thay đổi cơ quan
thuế quản lý):
3.1. Đối với TP Hà Nội, TP Hồ
Chí Minh:
Cục trưởng Cục Thuế được ban hành
tiêu chức phân công cơ quan thuế quản lý trực tiếp đối với chi nhánh, văn phòng
đại diện của doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc của tổ chức trên địa bàn cho phù hợp
với năng lực quản lý của Cục Thuế và các Chi cục Thuế theo hướng dẫn tại điểm 3 Điều 6 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 2845/QĐ-BTC.
Tuy nhiên, khi ban hành tiêu thức phân công cơ quan thuế quản lý cần đảm bảo yếu
tố phân công tự động trên Hệ thống đăng ký thuế.
Trước khi ban hành tiêu thức phân
công cơ quan thuế quản lý trực tiếp đối với chi nhánh, văn phòng đại diện của
doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc của tổ chức, Cục Thuế phải trao đổi với Tổng cục
Thuế (qua Vụ Kê khai và Kế toán thuế) để hỗ trợ, đảm bảo thực hiện phân công tự
động.
3.2. Đối với các tỉnh, thành phố
còn lại:
Hệ thống tự động phân công cho Cục
Thuế hoặc Chi cục Thuế quản lý đối với người nộp thuế là chi nhánh, văn phòng đại
diện của doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc của tổ chức theo tiêu thức như sau:
- Nếu chi nhánh, văn phòng đại diện của
doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc của tổ chức cùng địa bàn cấp tỉnh/thành phố với
nơi doanh nghiệp, tổ chức đóng trụ sở thì phân công cơ quan thuế quản lý theo
cơ quan thuế quản lý của doanh nghiệp, tổ chức.
- Nếu chi nhánh, văn phòng đại diện của
doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc của tổ chức không cùng địa bàn cấp tỉnh/thành
phố với nơi doanh nghiệp, tổ chức đóng trụ sở thì phân công cơ quan thuế quản
lý theo cấp của cơ quan thuế quản lý của doanh nghiệp, tổ chức (doanh nghiệp, tổ
chức do Cục Thuế quản lý thì chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp,
đơn vị trực thuộc của tổ chức cũng do Cục Thuế quản lý).
4. Tiêu thức phân
công đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm
khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài; tổ chức có hợp
đồng hoặc văn bản hợp tác kinh doanh:
Hệ thống đăng ký thuế căn cứ vào loại
người nộp thuế là 0410 (mẫu tờ khai 04.1-ĐK-TCT) và thông tin “nộp thay nhà thầu
nước ngoài/hợp tác kinh doanh” trên tờ khai đăng ký thuế để thực hiện phân công
cơ quan thuế quản lý người nộp thuế có khấu trừ và nộp thuế thay chính là cơ
quan thuế đang quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh.
5. Tiêu thức phân
công đối với tổ chức được cơ quan thuế ký hợp đồng ủy nhiệm thu:
Hệ thống đăng ký thuế căn cứ vào loại
người nộp thuế là 0410 (mẫu tờ khai 04.1.ĐK-TCT) và thông tin “Ủy nhiệm thu”
trên tờ khai đăng ký thuế để thực hiện phân công cơ quan thuế quản lý người nộp
thuế có nghĩa vụ ủy nhiệm thu là cơ quan thuế ký hợp đồng ủy nhiệm thu quản lý.
6. Tiêu thức phân
công lại cơ quan thuế quản lý đối với người nộp thuế đang hoạt động:
6.1. Đối với doanh nghiệp có hoạt
động xuất khẩu thường xuyên thuộc đối tượng được hoàn thuế giá trị gia tăng
hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia
tăng:
Hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin
căn cứ vào thông tin trên hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng với lý do hoàn xuất
khẩu của người nộp thuế do các Chi cục Thuế quản lý, lập danh sách “Doanh
nghiệp đang hoạt động do Chi cục Thuế quản lý thuộc đối tượng phân công lại cho
Cục Thuế quản lý”, lý do doanh nghiệp có hồ sơ hoàn thuế GTGT xuất khẩu.
Định kỳ hàng tháng hoặc hàng năm tùy
theo tình hình thực tế của địa phương, Chi cục Thuế căn cứ vào danh sách này để
thực hiện thủ tục chuyển người nộp thuế cho Cục Thuế quản lý và thông báo cho
người nộp thuế biết.
6.2. Đối với doanh nghiệp có địa
chỉ trụ sở đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố có phát sinh giao dịch liên kết với
doanh nghiệp đang do Cục Thuế quản lý trực tiếp theo quy định:
Hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin
căn cứ vào thông tin về mã số thuế của người nộp thuế và mã số thuế của bên
liên kết nêu tại phần A Bảng kê giao dịch liên kết (03-7/TNDN) kèm theo Tờ khai
quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (03/TNDN) và thông tin cơ quan thuế quản
lý các mã số thuế đó để lập danh sách “Doanh nghiệp đang hoạt động do Chi cục
Thuế quản lý thuộc đối tượng phân công lại cho Cục Thuế quản lý”, lý do doanh
nghiệp có giao dịch liên kết với doanh nghiệp do Cục Thuế quản lý.
Định kỳ hàng tháng hoặc hàng năm tùy
theo tình hình thực tế của địa phương, Chi cục Thuế căn cứ vào danh sách này để
thực hiện thủ tục chuyển người nộp thuế cho Cục Thuế quản lý và thông báo cho
người nộp thuế biết.
6.3. Đối với doanh nghiệp có phát
sinh hoạt động sản xuất kinh doanh trên nhiều địa bàn kê khai tập trung tại trụ
sở chính và phân bổ số nộp ngân sách cho các địa bàn
Hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin
căn cứ vào thông tin trên Bảng kê 01-6/GTGT kèm theo tờ khai thuế giá trị gia
tăng (01/GTGT), Bảng kê 03-8/TNDN kèm theo Tờ khai quyết toán thuế thu nhập
doanh nghiệp (03/TNDN), Bảng kê 01-1/TBVMT kèm theo tờ khai thuế bảo vệ môi trường
(01/TBVMT) của doanh nghiệp do Chi cục Thuế quản lý để lập danh sách “Doanh
nghiệp đang hoạt động do Chi cục Thuế quản lý thuộc đối tượng phân công lại cho
Cục Thuế quản lý”, lý do doanh nghiệp có phát sinh hoạt động sản xuất kinh
doanh trên nhiều địa bàn kê khai tập trung tại trụ sở chính và phân bổ số nộp
ngân sách cho các địa bàn.
Định kỳ hàng tháng hoặc hàng năm tùy
theo tình hình thực tế của địa phương, Chi cục Thuế căn cứ vào danh sách này để
thực hiện thủ tục chuyển người nộp thuế cho Cục Thuế quản lý và thông báo cho
người nộp thuế biết.
7. Phân công Chi
cục Thuế quản lý toàn bộ người nộp thuế trên địa bàn đối với một số địa bàn đặc
thù.
Cục Thuế xác định các địa bàn cấp huyện
đặc thù trong danh mục địa bàn cấp huyện, Hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin
sẽ căn cứ vào thông tin địa chỉ trụ sở của người nộp thuế, nếu người nộp thuế
có địa chỉ trụ sở thuộc địa bàn cấp huyện đặc thù được chọn sẽ phân công cho
Chi cục Thuế quản lý.
STT
|
TỈNH
|
HUYỆN
|
CHỌN
|
1
|
Kiên Giang
|
Phú Quốc
|
x
|
2
|
Quảng Ninh
|
Cô Tô
|
x
|
Ví dụ: Cục Thuế tỉnh Kiên Giang
phân công toàn bộ người nộp thuế trên địa bàn huyện Phú Quốc cho Chi cục Thuế huyện
Phú Quốc quản lý; hoặc Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh phân công toàn bộ người nộp thuế
trên địa bàn huyện Cô Tô cho Chi cục Thuế huyện Cô Tô quản lý thì tích chọn vào
ô [X].