Kính gửi: Cục Thuế các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương
Qua công tác quản lý thuế, qua ý kiến phản
ánh của một số địa phương và đơn vị về tình trạng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu
qua biên giới đất liền nhận tiền thanh toán hàng hóa từ tài khoản vãng lai của
các doanh nghiệp nước ngoài mở tại ngân hàng thương mại Việt Nam không đảm bảo
nguồn gốc hợp pháp, hợp lệ theo quy định của pháp luật nhằm chiếm đoạt hoàn thuế
GTGT từ ngân sách nhà nước. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính yêu cầu:
1. Nguồn gốc đồng tiền
thanh toán từ tài khoản vãng lai đối với hàng hóa xuất khẩu qua biên giới đất
liền phải đảm bảo căn cứ pháp lý theo quy định của pháp luật.
- Tại điểm a khoản 6 Điều 3
Nghị định số 160/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ quy định chi tiết
thi hành Pháp lệnh Ngoại hối, quy định: “Thanh toán và chuyển tiền đối với
các giao dịch vãng lai bao gồm:
a) Các khoản thanh toán và chuyển tiền liên
quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ;” … …
- Tại khoản 3 Điều 6 Nghị định
số 160/2006/NĐ-CP, quy định: “Mọi giao dịch thanh toán và chuyển tiền
liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ phải thực hiện bằng hình
thức chuyển khoản thông qua tổ chức tín dụng được phép, trừ một số trường hợp
thanh toán bằng tiền mặt được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, chấp thuận”.
- Tại Điều 9 Nghị định số
160/2006/NĐ-CP, quy định:
“Căn cứ vào tình hình thực tế từng thời kỳ,
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cụ thể việc người cư trú, người không cư
trú mang ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt và vàng khi xuất cảnh,
nhập cảnh đối với các nội dung sau:
1. Mức ngoại tệ, đồng Việt Nam bằng tiền mặt
và vàng mang theo người phải khai báo với Hải quan cửa khẩu khi xuất cảnh, nhập
cảnh”.
- Tại khoản 1 và khoản 2, Điều
2 Thông tư số 15/2011/TT-NHNN ngày 12/8/2011 của Ngân hàng Nhà nước quy định
việc mang ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt của cá nhân khi xuất cảnh,
nhập cảnh, quy định:
“1. Cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh qua các
cửa khẩu quốc tế của Việt Nam bằng hộ chiếu mang theo ngoại tệ tiền mặt, đồng
Việt Nam tiền mặt trên mức quy định dưới đây phải khai báo Hải quan cửa khẩu:
a) 5.000 USD (Năm nghìn Đôla Mỹ) hoặc các loại
ngoại tệ khác có giá trị tương đương;
b) 15.000.000 VNĐ (Mười lăm triệu đồng Việt
Nam).
2. Trường hợp cá nhân nhập cảnh mang theo ngoại
tệ tiền mặt bằng hoặc thấp hơn mức 5.000 USD hoặc các loại ngoại tệ khác có giá
trị tương đương và có nhu cầu gửi số ngoại tệ tiền mặt này vào tài khoản thanh
toán bằng ngoại tệ của cá nhân mở tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài được phép hoạt động ngoại hối (sau đây gọi chung là tổ chức tín dụng được
phép), cũng phải khai báo Hải quan cửa khẩu. Tờ khai nhập cảnh - xuất cảnh có
xác nhận của Hải quan cửa khẩu về số ngoại tệ tiền mặt mang vào là cơ sở để tổ
chức tín dụng được phép cho gửi ngoại tệ tiền mặt vào tài khoản thanh toán.”
- Tại điểm a khoản 3 Điều 16
Thông tư số 219/2013/TT-BTC quy định: “Thanh toán qua ngân hàng là việc
chuyển tiền từ tài khoản của bên nhập khẩu sang tài khoản mang tên bên xuất khẩu
mở tại ngân hàng theo các hình thức thanh toán phù hợp với thỏa thuận trong hợp
đồng và quy định của ngân hàng”.
Như vậy, Nguồn gốc đồng tiền thanh toán từ
tài khoản vãng lai đối với hàng hóa xuất khẩu qua biên giới đất liền chuyển từ
tài khoản bên nhập khẩu (thương nhân nước ngoài mở tại ngân hàng thương mại Việt
Nam) sang tài khoản bên xuất khẩu (thương nhân Việt Nam) được xem là hợp pháp
khi có xác nhận của cơ quan hải quan dành cho người nhập cảnh.
Riêng đối với việc thanh toán trong mua bán,
trao đổi hàng hóa và dịch vụ thương mại tại biên giới Việt Nam - Campuchia thì điểm 1.b Điều 9 Chương II Quyết định số 17/2004/QĐ-NHNN ngày
05/01/2004 của Ngân hàng Nhà Nước quy định:
“b. Nhận thanh toán bằng VND hoặc KHR bằng tiền
mặt trên lãnh thổ Việt Nam: Thương nhân Campuchia được sử dụng VND hoặc KHR tiền
mặt từ các nguồn sau đây để thanh toán mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ
thương mại với thương nhân Việt Nam:
VND tiền mặt rút từ tài khoản VND mở tại Ngân
hàng được phép ở Việt Nam hoặc VND có được từ nguồn thu nhập hợp pháp tại Việt
Nam;
VND mang từ Campuchia vào có xác nhận của Hải
quan cửa khẩu trên tờ khai Hải quan khi nhập cảnh;
KHR tiền mặt mang từ Campuchia vào có xác nhận
của Hải quan cửa khẩu hoặc từ các nguồn thu nhập hợp pháp tại Việt Nam.”
Nguồn gốc đồng tiền thương nhân Campuchia nộp
vào tài khoản vãng lai mở tại ngân hàng thương mại Việt Nam để thanh toán hàng
hóa nhập khẩu từ Việt Nam được xem là hợp pháp khi có xác nhận của cơ quan Hải
quan dành cho người nhập cảnh hoặc là nguồn thu nhập hợp pháp của thương nhân
Campuchia tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
2. Thủ tục hải quan đối
với đồng Việt Nam, đồng tiền của nước láng giềng và ngoại tệ tự do chuyển đổi
là tiền mặt được người nhập cảnh mang theo để nộp vào tài khoản vãng lai của
người nước ngoài mở tại ngân hàng thương mại Việt Nam dùng để thanh toán trong
mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ thương mại tại khu vực biên giới.
Từ các căn cứ pháp lý quy định nguồn gốc đồng
tiền thanh toán từ tài khoản vãng lai đối với hàng hóa xuất khẩu qua biên giới
đất liền nêu tại điểm 1 công văn này, cùng với quy định tại tiết
7 điểm b khoản 3 Điều 16 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ
Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế GTGT, hướng dẫn thi hành
Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ:
“Trường hợp phía nước ngoài (trừ trường hợp
phía nước ngoài là cá nhân) thanh toán từ tài khoản tiền gửi vãng lai của phía
nước ngoài mở tại các tổ chức tín dụng tại Việt Nam thì việc thanh toán này phải
được quy định trong hợp đồng xuất khẩu (phụ lục hợp đồng hoặc văn bản điều chỉnh
hợp đồng- nếu có)...
...Cơ quan thuế khi kiểm tra việc khấu
trừ, hoàn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu thanh toán qua tài khoản vãng lai, cần
phối hợp với tổ chức tín dụng nơi người mua phía nước ngoài mở tài khoản để đảm
bảo việc thanh toán, chuyển tiền thực hiện đúng mục đích và phù hợp với quy định
của pháp luật.”
Bộ Tài chính đã hướng dẫn cụ thể về thủ tục hải
quan đối với đồng Việt Nam, đồng tiền của nước láng giềng và ngoại tệ tự do
chuyển đổi là tiền mặt được thương nhân nhập cảnh mang theo để nộp vào tài khoản
vãng lai của người nước ngoài mở tại Ngân hàng thương mại Việt Nam dùng để
thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ thương mại tại khu vực
biên giới tại Công văn số 12485/BTC-TCT ngày 18/9/2013 và Công văn số
10024/BTC-TCT ngày 22/7/2014 như sau:
- Lượng tiền mặt là đồng Việt Nam, đồng tiền nước
láng giềng và ngoại tệ tự do chuyển đổi mà người nhập cảnh mang vào Việt Nam để
thanh toán tiền hàng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ được mang qua cửa khẩu quốc tế,
cửa khẩu quốc gia sau khi có xác nhận đến làm thủ tục nhập cảnh của Bộ đội Biên
phòng theo quy định của pháp luật và xuất trình tờ khai nhập cảnh - xuất cảnh
hoặc hộ chiếu hoặc giấy tờ tương đương hộ chiếu đã có xác nhận của Bộ đội biên
phòng cho cơ quan Hải quan cửa khẩu biết.
- Đối với các trường hợp khách nhập cảnh mang
tiền vượt mức quy định của Ngân hàng Nhà nước hoặc không vượt quá mức quy định
nhưng có nhu cầu gửi vào tài khoản của tổ chức tín dụng được phép thì phải thực
hiện kê khai trên tờ khai xuất nhập cảnh theo mẫu ban hành kèm theo Quyết định
số 3195/QĐ-BCA/A61 ngày 10/8/2010 của Bộ Công an, ngoài việc thực hiện theo hướng
dẫn tại công văn số 1333/TCHQ-GSQL ngày 30/3/2011 của Tổng cục Hải quan.
- Người nhập cảnh kê khai rõ số tiền mang
theo là tiền thanh toán cụ thể đối với từng hợp đồng mua bán hàng hóa và tờ
khai xuất khẩu hàng hóa; đồng thời xuất trình hợp đồng mua bán hàng hóa, tờ
khai xuất khẩu để công chức Hải quan kiểm tra, đối chiếu. Trường hợp người nhập
cảnh không phải là đại diện doanh nghiệp nước ngoài trực tiếp ký hợp đồng mua
bán với doanh nghiệp Việt Nam thì phải có giấy ủy quyền (bản dịch tiếng Việt hoặc
tiếng Anh, cùng với bản chính bằng tiếng của nước có đường biên giới cửa khẩu
tiếp giáp) của tổ chức, cá nhân nước ngoài đã ký hợp đồng mua bán nêu trên. Giấy
ủy quyền này chỉ áp dụng cho một lần mang tiền vào Việt Nam và phải ghi rõ số
lượng tiền mang vào theo hợp đồng mua bán cụ thể.
- Hàng ngày, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế,
cửa khẩu quốc gia thực hiện cập nhật, lưu trữ vào sổ hoặc máy tính (theo dõi số
lượng tiền mặt mang qua cửa khẩu vào Việt Nam) để báo cáo (khi có yêu cầu) của
cơ quan chức năng liên quan tình hình tiền mặt mà thương nhân nước ngoài mang
qua cửa khẩu biên giới theo các tiêu chí sau: Họ và tên người nhập cảnh, số hộ
chiếu hoặc giấy tờ nhập cảnh hợp lệ, quốc tịch, đại diện doanh nghiệp, ngày nhập
cảnh (có mang theo tiền mặt), số lượng tiền mặt, loại tiền (mệnh giá), lý do
mang tiền (thanh toán cho hợp đồng - số, ngày tháng năm; cho tờ khai xuất khẩu
- số, ngày tháng năm).
Quy định về thủ tục hải quan xác định nguồn gốc
đồng tiền thanh toán từ tài khoản vãng lai đối với hàng hóa xuất khẩu qua biên
giới đất liền nhằm đảm bảo tính pháp lý, tính minh bạch trong việc thực hiện giải
quyết hoàn thuế GTGT đối với doanh nghiệp xuất khẩu qua biên giới đất liền.
3. Kiểm tra tính hợp
pháp của nguồn gốc đồng tiền thanh toán từ tài khoản vãng lai đối với hàng hóa
xuất khẩu qua biên giới đất liền khi giải quyết hoàn thuế GTGT.
- Thực hiện kiểm tra trước hoàn thuế đối
với những hồ sơ hoàn thuế thuộc danh sách các doanh nghiệp giao dịch với thương
nhân nước ngoài có mang tiền mặt qua cửa khẩu nộp vào tài khoản vãng lai mở tại
ngân hàng thương mại Việt Nam để thanh toán hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
- Thực hiện kiểm tra tính hợp pháp và hợp lý
của nguồn tiền thanh toán qua tài khoản vãng lai từ thương nhân nước ngoài phải
là số lượng tiền được người mang qua cửa khẩu có xác nhận của cơ quan Hải quan
phù hợp với các chứng từ liên quan (hợp đồng, chứng từ thanh toán,...). Trường
hợp số tiền nộp vào tài khoản vãng lai thanh toán hàng hóa nhập khẩu từ Việt
Nam là VND không kèm theo tờ khai nhập cảnh - xuất cảnh có xác nhận của hải
quan cửa khẩu về số lượng ngoại tệ mang vào Việt Nam thì phải tiến hành xác
minh tại Biên phòng và Hải quan cửa khẩu về số lần nhập cảnh của thương nhân, số
tiền có xác nhận của hải quan (dưới 5.000 USD - nếu có). Theo đó, căn cứ quy định
tại khoản 2, Điều 2 Thông tư số 15/2011/TT-NHNN nêu tại điểm
1 công văn này để chứng minh nguồn gốc đồng tiền thanh toán hàng hóa nhập khẩu
từ Việt Nam là hợp pháp hay không hợp pháp. Thực hiện không giải quyết hoàn thuế
GTGT đối với trị giá hàng hóa xuất khẩu qua biên giới đất liền tương ứng với lượng
tiền thanh toán từ tài khoản vãng lai không có nguồn gốc hợp pháp.
- Việc kiểm tra nguồn gốc tiền mặt nộp vào
tài khoản vãng lai phải căn cứ vào báo cáo tình hình tiền mặt mà thương nhân nước
ngoài mang qua cửa khẩu biên giới trong tháng và sổ phụ của tài khoản vãng lai
mà thương nhân đã thực hiện giao dịch để kiểm tra, đối chiếu với các quy định
cho phép thương nhân nước ngoài được thanh toán qua tài khoản vãng lai, điều kiện
thanh toán qua tài khoản vãng lai (như: nguồn tiền, người nộp tiền, người thực
hiện thanh toán,...).
Qua kiểm tra phải loại trừ số thuế GTGT đầu
vào liên quan đến việc không đảm bảo thủ tục xác định nguồn gốc đồng tiền hợp
pháp thanh toán từ tài khoản vãng lai, các chứng từ thanh toán không đủ điều kiện
được thanh toán qua tài khoản vãng lai.
Bộ Tài chính thông báo để các Cục Thuế biết
và thực hiện./.
Nơi nhận:
-
Như trên;
- Cục Hải quan (để thực hiện);
- Vụ CST, Vụ PC-BTC;
- Lưu: VT, TCT (VT,Ttra).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Đỗ Hoàng Anh Tuấn
|