Kính
gửi: Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Thừa Thiên Huế và Thành phố Hồ Chí
Minh
Thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TTg
ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các giải
pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam; Quyết định số
241/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đẩy mạnh
thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí,
viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội; Quyết định số
634/QĐ-LĐTBXH ngày 29/5/2018 ban hành Kế hoạch thực hiện giai đoạn 2018-2020 Đề
án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông
tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát
triển đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 708), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
có kế hoạch thực hiện thí điểm chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền
mặt tại tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Thừa Thiên Huế và Thành phố Hồ Chí Minh, như sau:
1. Mục tiêu
a) Đẩy mạnh thanh toán không
dùng tiền mặt trong chi trả các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội theo nhiều
phương thức hiện đại, tiện lợi, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao
khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán hiện đại của nền kinh tế
b) Góp phần triển khai ứng dụng
công nghệ thông tin vào chi trả chính sách trợ giúp xã hội cho người dân, đơn
giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản
lý nhà nước, đổi mới về tổ chức và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến
trong lĩnh vực trợ giúp xã hội.
c) Từng bước cải cách thủ tục
hành chính trong chi trả chính sách trợ giúp xã hội đối với người dân, bảo đảm
chi trả kịp thời, nhanh chóng, công khai, minh bạch và tiết kiệm chi phí hành
chính.
d) Nâng cao năng lực cho các
cán bộ, hiểu biết của người dân về Chính phủ điện tử, quy trình nghiệp vụ giải
quyết chính sách và chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt.
2. Nguyên tắc
thực hiện thí điểm
a) Bảo đảm đối tượng hưởng chế
độ, chính sách trợ giúp xã hội đúng, đủ, kịp thời và quy trình chi trả đơn giản,
phù hợp với từng đối tượng hưởng chính sách trợ giúp xã hội.
b) Bảo đảm đơn giản hóa các thủ
tục hành chính trong chi trả chính sách trợ giúp xã hội.
c) Đối tượng chính sách có quyền
lựa chọn hình thức chi trả phù hợp, khuyến khích đối tượng nhận qua tài khoản
ngân hàng để đảm bảo mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt, với chi phí phù hợp,
tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đối tượng hưởng lợi.
3. Phạm vi,
đối tượng, các tổ chức cung ứng dịch vụ và thời gian thí điểm
a) Phạm vi: Thực hiện thí điểm
chi trả không dùng tiền mặt chi trả chính sách trợ giúp xã hội tại tỉnh Lạng
Sơn, tỉnh Thừa Thiên Huế và Thành phố Hồ Chí Minh.
b) Thời gian: Từ tháng 01 đến
tháng 12 năm 2021.
4. Nội dung
thực hiện thí điểm
a) Xây dựng phương án thanh
toán tổng thể và tăng cường mạng lưới chi trả trên địa bàn thí điểm:
Tổ chức cung cấp dịch vụ tham
gia thí điểm xây dựng phương án chi trả, bảo đảm hạ tầng và công nghệ triển
khai chi trả không dùng tiền mặt, thực hiện đa dạng hóa các phương thức chi trả
(qua tài khoản ngân hàng, tài khoản số hoặc tiền mặt...), đảm bảo mạng lưới chi
trả tại cấp xã. Trường hợp đối tượng không thể giao dịch được bằng phương thức
thanh toán không dùng tiền mặt, tổ chức cung cấp dịch vụ có trách nhiệm chi trả
tại nhà cho đối tượng.
b) Tổ chức các hoạt động tuyên
truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, người dân về thay đổi phương thức chi
trả chính sách trợ giúp xã hội từ phương thức bằng tiền mặt, thủ công truyền thống
sang phương thức chi trả không dùng tiền mặt.
c) Biên soạn tài liệu hướng dẫn
nghiệp vụ, tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã về
công tác chi trả không dùng tiền mặt.
d) Chuẩn bị dịch vụ đáp ứng yêu
cầu chi trả trên cơ sở hình thức chi trả mà đối tượng hưởng lợi lựa chọn.
Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội hướng dẫn phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện và phối hợp với Ủy
ban nhân dân cấp xã tổ chức truyền thông tới đối tượng về các phương thức chi
trả không dùng tiền mặt, hướng dẫn đối tượng đăng ký hình thức nhận chi trả
(chi trả qua tài khoản ngân hàng, tài khoản ngân hàng số hoặc tiền mặt).
đ) Ủy ban nhân dân cấp xã và
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện tổng hợp danh sách đăng ký
phương thức nhận chi trả của đối tượng và thông tin cá nhân của đối tượng hưởng
chính sách trợ giúp xã hội để thực hiện việc mở tài khoản.
e) Chuẩn bị hồ sơ để mở tài khoản:
Trên cơ sở danh sách đăng ký mở tài khoản, Ủy ban nhân dân cấp xã, Phòng Lao động
- Thương binh và Xã hội cấp huyện thực hiện hướng dẫn người dân rà soát giấy tờ
pháp lý như: chứng minh nhân dân, căn cước công dân, Giấy khai sinh, Giấy ủy
quyền hoặc giấy tờ pháp lý khác, bảo đảm đối tượng thụ hưởng chính sách trên địa
bàn có đủ giấy tờ để mở tài khoản cho mình hoặc cho người được ủy quyền.
g) Thực hiện chi trả cho đối tượng
Hàng tháng, Phòng Lao động -
Thương binh và Xã hội cấp huyện chuyển danh sách người hưởng chính sách trợ
giúp xã hội đến Tổ chức cung cấp dịch vụ (danh sách chi trả trong tháng, danh
sách tăng, giảm, điều chỉnh nếu có), đồng thời lập Ủy nhiệm chi gửi Kho bạc huyện
để chuyển tiền vào Tài khoản ngân hàng của Tổ chức cung cấp dịch vụ. Tổ chức
cung cấp dịch vụ thực hiện chi trả vào tài khoản ngân hàng hoặc tài khoản ngân
hàng số cho các đối tượng. Trường hợp đối tượng không thể giao dịch bằng phương
thức thanh toán không dùng tiền mặt thì thực hiện chi trả bằng tiền mặt cho đối
tượng.
h) Công tác đối chiếu và thanh
quyết toán:
Phòng Lao động - Thương binh và
Xã hội và Tổ chức cung ứng dịch vụ thực hiện đối chiếu và quyết toán chi trả
theo quy định.
5. Trách
nhiệm thực hiện
a) Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội giao Cục Bảo trợ xã hội chủ trì, hướng dẫn hoạt động thí điểm; phối hợp
với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động tập huấn, truyền thông và kiểm
tra, giám sát đánh giá kết quả triển khai thí điểm.
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lựa
chọn tổ chức cung ứng dịch vụ, chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở,
Ban ngành và Ủy ban nhân dân các quận, huyện tổ chức thực hiện thí điểm và tổng
hợp báo cáo đánh giá kết quả thực hiện thí điểm; chỉ đạo ngành Công an rà soát
cấp, đổi chứng minh nhân dân (CMND) hoặc căn cước công dân (CCCD) cho đối tượng
thụ hưởng chính sách, hoặc người bảo lãnh, người nhận ủy quyền của đối tượng
chưa có CMND hoặc CCCD trên địa bàn, bảo đảm công tác thí điểm triển khai thuận
lợi.
c) Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội phối hợp với các Sở, Ban ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện hướng dẫn,
đôn đốc theo dõi, tổng hợp báo cáo và tổng kết hoạt động thí điểm.
d) Ủy ban nhân dân cấp huyện được
lựa chọn thí điểm phê duyệt kế hoạch thí điểm trên địa bàn huyện, giao Phòng
Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện ký hợp đồng với Tổ chức cung cấp dịch
vụ và các cơ quan liên quan thực hiện các hoạt động thí điểm; chỉ đạo Phòng Lao
động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã và các đơn vị
liên quan, truyền thông, đào tạo cán bộ trong tổ chức triển khai thí điểm.
đ) Đề nghị các tổ chức cung ứng
dịch vụ:
- Phối hợp với các cơ quan
Trung ương và địa phương nghiên cứu, xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ phù hợp,
hiệu quả;
- Phối hợp với địa phương xây dựng
phương án, ký kết văn bản thoả thuận (nếu có) để thí điểm cung cấp dịch vụ chi
trả không dùng tiền mặt các chính sách trợ giúp xã hội;
- Tổ chức triển khai thực hiện
các hoạt động tập huấn, truyền thông nâng cao nhận thức của cán bộ và các đối tượng
để triển khai hệ thống;
- Bảo đảm các điều kiện cần thiết
về cơ sở hạ tầng, nhân lực, kỹ thuật để thực hiện chi trả chính sách trợ giúp
xã hội cho các đối tượng thụ hưởng tại địa bàn thí điểm;
- Có giải pháp hỗ trợ kinh phí phù
hợp cho giai đoạn thí điểm.
7. Kinh phí
thực hiện
a) Ngân sách Nhà nước: Kinh phí
thực hiện Đề án 708, kinh phí khác và NSNN theo quy định của pháp luật;
b) Huy động: các doanh nghiệp,
đơn vị tham gia thí điểm;
c) Hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới
tại Việt Nam và các tổ chức quốc tế khác.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã
hội đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Thừa Thiên Huế và Thành phố Hồ
Chí Minh chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các ngành, các cấp có
liên quan phối hợp với các Tổ chức cung cấp dịch vụ thực hiện thí điểm theo phụ
lục triển khai thí điểm kèm theo và tổng hợp báo cáo kết quả thí điểm về Bộ Lao
động - Thương binh và Xã hội.
Trong quá trình thực hiện thí
điểm nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
(Cục Bảo trợ xã hội, tầng 5 tòa nhà Minori, số 67A Trương Định, Hai Bà Trưng,
Hà Nội hoặc email: vanphongcuc@gmail.com) để giải đáp, hướng dẫn./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Sở LĐTBXH tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Thừa Thiên Huế, TP. Hồ Chí Minh;
- Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (để phối hợp);
- Lưu: VT, BTXH.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Lê Tấn Dũng
|
PHỤ LỤC TRIỂN KHAI THÍ ĐIỂM
(Kèm
theo Công văn số 159/LĐTBXH-BTXH ngày 19 tháng 01 năm 2021 của Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội)
Số TT
|
Nội dung công việc
|
1
|
Xây dựng phương án chi trả
chính sách trợ giúp xã hội và tăng cường mạng lưới thanh toán mới trên địa
bàn thí điểm
|
2
|
Biên soạn tài liệu hướng dẫn
nghiệp vụ; mẫu đăng ký nhu cầu phương thức thanh toán, thông tin mở tài khoản
của đối tượng hưởng chính sách trợ giúp xã hội
|
3
|
Tổ chức các hoạt động tuyên
truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, người dân về thay đổi phương thức
chi trả; Tổ chức đăng ký phương thức nhận chi trả và rà soát/cập nhật bổ sung
thông tin (CMND/CCCD, mã bảo hiểm xã hội/bảo hiểm y tế, điện thoại)
|
4
|
Đào tạo, tập huấn kiến thức sử
dụng tài khoản ngân hàng, tài khoản số, v.v… cho các đối tượng hưởng lợi trên
địa bàn
|
5
|
Tổng hợp danh sách đăng ký mở
tài khoản/thẻ của đối tượng và thông tin cá nhân của đối tượng hưởng chính
sách trợ giúp xã hội
|
6
|
Lựa chọn và phối hợp với tổ
chức cung ứng dịch vụ mở tài khoản và tập huấn sử dụng tài khoản trong chi trả
chế độ cho các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn
|
7
|
Thực hiện chi trả cho đối tượng
|
8
|
Giám sát thực hiện và đánh
giá
|
9
|
Hội thảo chia sẻ kết quả thực
hiện thí điểm
|
Thời gian thực hiện: Từ
tháng 01/2021 - tháng 12/2021