Kính
gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Bộ Công Thương nhận được công văn số
470/TCTHK-PC ngày 06 tháng 5 năm 2022 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam đề
nghị hướng dẫn một số nội dung liên quan đến hồ sơ thông báo tỷ lệ sở hữu nước
ngoài tối đa của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam-CTCP theo đề nghị của Ủy ban
chứng khoán nhà nước tại công văn số 2060/UBCK-TTT ngày 14 tháng 4 năm 2022 (sao
gửi kèm theo). Về việc này, Bộ Công Thương xin trao đổi
với quý Bộ như sau:
I. Đề nghị của Tổng
công ty Hàng không Việt Nam
1 .Về hoạt động nhập
khẩu tàu bay
Theo Giấy xác nhận về việc thay đổi nội
dung đăng ký doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội cấp ngày 27 tháng
01 năm 2022, Tổng công ty có mã ngành 3030 với chi tiết là nhập khẩu tàu bay.
Theo ý kiến của Ủy ban chứng khoán
nhà nước, phương tiện bay khác (ví dụ trực thăng, máy bay) thuộc danh mục hàng
hóa không được thực hiện quyền nhập khẩu tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo
Thông tư số 34/2013/TT-BCT ngày 24 tháng 12 năm 2013 của Bộ Công Thương công bố
lộ trình thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực
tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt
Nam.
Tại Khoản 3 Điều 3 Nghị
định số 09/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại
thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến
mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước
ngoài tại Việt Nam quy định: “Quyền nhập khẩu là quyền được nhập khẩu hàng
hóa từ nước ngoài vào Việt Nam để bán cho thương nhân có quyền phân phối hàng
hóa đó tại Việt Nam”.
Theo Điều 23 Luật Hàng
không dân dụng Việt Nam, một trong những điều kiện để tổ chức được cấp Giấy
chứng nhận người khai thác tàu bay là có tàu bay bảo đảm khai thác an toàn.
Theo Điều 110 Luật
Hàng không dân dụng Việt Nam, một trong những điều kiện để doanh nghiệp được
cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không là có phương án bảo đảm có tàu
bay khai thác.
Căn cứ các quy định trên, Tổng công
ty hiểu rằng Tổng công ty được phép nhập khẩu tàu bay để phục vụ ngành nghề
kinh doanh chính - vận chuyển hàng không và hoạt động này không thuộc phạm vi điều
chỉnh của quy định hạn chế doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện quyền
nhập khẩu tại Thông tư số 34/2013/TT-BCT .
2. Về hoạt động bán
hàng miễn thuế
Theo Giấy xác nhận về việc thay đổi nội
dung đăng ký doanh nghiệp nêu tại Mục 1, Tổng công ty có
mã ngành 2523 với chi tiết là bán hàng miễn thuế trực tuyến tại khu cách ly ở cửa
khẩu quốc tế sân bay, trên tàu bay, tại các tỉnh, thành phố.
Theo ý kiến của Ủy ban chứng khoán
nhà nước, thực hiện quyền xuất khẩu, nhập khẩu, quyền phân phối đối với hàng
hóa thuộc Danh mục hàng hóa nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu
tư nước ngoài không được thực hiện quyền xuất khẩu, nhập khẩu, quyền phân phối
là ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài chưa được tiếp cận tại Mục
A.16 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3
năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của
Luật Đầu tư. Theo đó, căn cứ quy định tại Thông tư số 34/2013/TT-BCT , thuốc lá
và xì gà, sách, báo và tạp chí, vật phẩm đã ghi hình, kim loại quý và đá quý,
dược phẩm, thuốc nổ....được loại trừ ra khỏi phạm vi cam kết.
Theo Điều 3, Điều 8
Nghị định số 100/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ về kinh
doanh hàng miễn thuế, đối tượng và định lượng mua hàng miễn thuế được quy định
cho hành khách trên các chuyến bay quốc tế xuất cảnh từ Việt Nam; người xuất cảnh,
quá cảnh trong khu vực cách ly; người chờ xuất cảnh.
Khoản 1,2 Điều 6 Nghị
định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của
Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu,
thuế nhập khẩu quy định đối tượng mua hàng miễn thuế theo định mức của hành
khách trên các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam và người nhập cảnh (định mức là
200 điếu thuốc lá hoặc 250 g thuốc lá sợi hoặc 20 điếu xì gà...).
Căn cứ các quy định nêu trên, Tổng
công ty hiểu rằng Tổng công ty được phép thực hiện bán hàng miễn thuế là thuốc
lá, xì gà tại cửa hàng miễn thuế trong khu vực cách ly ở cửa khẩu, cảng hàng
không dân dụng quốc tế, trong nội địa, tại khu vực hạn chế của cảng hàng không
dân dụng quốc tế và trên các chuyến bay quốc tế và hoạt động này không thuộc phạm
vi điều chỉnh của quy định hạn chế doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực
hiện quyền phân phối tại Thông tư số 34/2013/TT-BCT nêu trên.
II. Quy định hiện
hành
Theo quy định tại Khoản
3 Điều 3 Nghị định số 09/2018/NĐ-CP: “Quyền nhập khẩu là quyền được nhập
khẩu hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam để bán cho thương nhân có quyền phân
phối hàng hóa đó tại Việt Nam”.
Tại Mục số 57 Phụ lục IV Luật Đầu tư
năm 2020 và mục 22 phần B Phụ lục I Nghị định số 31/2021/NĐ-CP
quy định: “Hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến
hoạt động mua bán hàng hóa của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài tại Việt Nam”
thuộc Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và thuộc Danh mục
ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài, nhà
cung cấp dịch vụ nước ngoài.
Tại khoản 4 Điều 7 Nghị
định số 09/2018/NĐ-CP quy định:
“Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước
ngoài đã có quyền phân phối bán buôn, quyền phân phối bán lẻ, được bán buôn,
bán lẻ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam và hàng hóa nhập khẩu hợp pháp vào Việt
Nam.”.
Luật Đầu tư năm 2020 quy định: (i)
Kinh doanh hàng miễn thuế (Mục 22) và (ii) Kinh doanh sản phẩm thuốc lá, nguyên
liệu thuốc lá, máy móc thiết bị chuyên ngành thuốc lá (Mục 47) là 2 ngành nghề
kinh doanh có điều kiện thuộc Phụ lục IV- Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh
doanh có điều kiện.
- Điều kiện để kinh doanh hàng miễn
thuế được quy định tại Nghị định số 68/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ
quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi địa điểm làm thủ tục hải
quan, tập kết, kiểm tra giám sát hải quan, theo đó, để được kinh doanh hàng miễn
thuế doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện về vị trí đặt cửa hàng miễn thuế
(trong khu cách ly) và điều kiện về hệ thống phần mềm, camera giám sát kết nối
với cơ quan Hải quan. Tại Nghị định này không có quy định về điều kiện kinh
doanh hàng miễn thuế đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
- Điều kiện nhập khẩu thuốc lá được
quy định tại Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ
quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của
thuốc lá về kinh doanh thuốc lá. Tại Khoản 3 Điều 2 Nghị định
này quy định: “Nghị định này không áp dụng đối với việc nhập khẩu sản phẩm
thuốc lá, kinh doanh sản phẩm thuốc lá tại cửa hàng miễn thuế (Duty Free
Shop)”.
Theo quy định tại Khoản
1 Điều 6 Nghị định số 100/2020/NĐ-CP: “Hàng hóa đưa vào bán tại cửa hàng
miễn thuế bao gồm: Hàng hóa tạm nhập khẩu từ nước ngoài, khu phi thuế
quan, kho ngoại quan; hàng hóa từ nội địa được
phép lưu thông theo quy định của pháp luật Việt Nam”.
Theo quy định tại Khoản
4 Điều 6 Nghị định số 100/2020/NĐ-CP: “Thời gian tạm giữ hàng hóa tại cửa
hàng miễn thuế theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 47 Luật Hải
quan số 54/2014/QH13 ngày 23 tháng 6 năm 2014” (không quá 12 tháng).
III. Ý kiến của Bộ
Công Thương
1. Về hoạt động nhập khẩu tàu bay
Căn cứ quy định tại Khoản
3 Điều 3 Nghị định số 09/2018/NĐ-CP dẫn trên theo Bộ Công Thương, trường hợp
Tổng công ty Hàng không Việt Nam thực hiện hoạt động nhập khẩu tàu bay để phục
vụ cho việc triển khai thực hiện mục tiêu/ngành nghề kinh doanh đã được cấp
phép theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đăng ký đầu
tư/Giấy phép kinh doanh: kinh doanh vận chuyển hàng không thì đây là hoạt động
nhập khẩu để thực hiện hoạt động/dự án đầu tư kinh doanh đã được cấp phép và là
quyền của doanh nghiệp, không phải là quyền nhập khẩu thuộc phạm vi điều chỉnh
của Nghị định số 09/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018.
2. Về hoạt động bán hàng miễn thuế
Trên cơ sở các quy định nêu trên, Bộ
Công Thương thấy rằng việc kinh doanh hàng miễn thuế là một ngành nghề kinh
doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư. Điều kiện kinh doanh hàng miễn
thuế được quy định tại Nghị định số 68/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của
Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm
làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan và Nghị định số
100/2020/NĐ-CP. Trường hợp yêu cầu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tuân
thủ các quy định tại Nghị định số 09/2018/NĐ-CP và Thông tư số 34/2013/NĐ-CP
thì các doanh nghiệp này ngoài việc đáp ứng điều kiện kinh doanh về cửa hàng miễn
thuế tại Nghị định số 68/2016/NĐ-CP và Nghị định số 100/2020/NĐ-CP còn phải được
cấp thêm 01 loại Giấy phép kinh doanh thực hiện quyền phân phối bán lẻ và doanh
nghiệp phải có quyền nhập khẩu để nhập khẩu hàng hóa về cửa hàng miễn thuế để
kinh doanh đồng thời tuân thủ quy định về danh mục hàng hóa (doanh nghiệp có vốn
đầu tư nước ngoài sẽ không được bán thuốc lá, ...) tại cửa hàng miễn thuế.
Trên thực tế các mặt hàng kinh doanh
tại cửa hàng miễn thuế rất đa dạng về chủng loại (mỹ phẩm, rượu, thuốc lá, bánh
kẹo, trang sức...), các doanh nghiệp miễn thuế (cả doanh nghiệp trong nước và
doanh nghiệp nước ngoài) không thể thực hiện được tất cả các điều kiện kinh
doanh của từng mặt hàng nên trong các văn bản hướng dẫn điều kiện kinh doanh của
các mặt hàng đa phần đã loại kinh doanh cửa hàng miễn thuế ra khỏi phạm vi điều
chỉnh của văn bản (Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2013 của
Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống
tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá; Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày
14 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu).
Từ trước đến nay việc quản lý hàng nhập
khẩu tại cửa hàng miễn thuế được cơ quan hải quan quản lý theo chế độ tạm nhập,
hàng hóa bán tại cửa hàng miễn thuế chủ yếu bán cho khách xuất cảnh, chờ xuất cảnh
(chỉ 1 lượng nhỏ bán theo định lượng tại các sân bay quốc tế cho khách nhập cảnh
theo quy định tại Nghị định số 134/2016/NĐ-CP), do vậy có thể hiểu hàng hóa tạm
nhập vào để kinh doanh tại cửa hàng miễn thuế không thuộc phạm vi về quyền nhập
khẩu hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam và quyền phân phối theo quy định tại
Nghị định số 09/2018/NĐ-CP và Thông tư số 34/2013/TT-BCT. Để tránh vướng mắc khi
hướng dẫn doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện, khi xây dựng văn bản
sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 09/2018/NĐ-CP và Thông tư số
34/2013/TT-BCT , Bộ Công Thương sẽ loại kinh doanh hàng miễn thuế ra khỏi phạm
vi điều chỉnh của các văn bản hướng dẫn (tương tự như các văn bản quy định về điều
kiện kinh doanh đối với các mặt hàng thuốc lá, rượu).
Để có cơ sở hướng dẫn doanh nghiệp thực
hiện, đề nghị quý Bộ có ý kiến đối với đề nghị của Tổng công ty Hàng không Việt
Nam và hướng xử lý nêu trên của Bộ Công Thương.
Văn bản tham gia ý kiến đề nghị gửi về
Bộ Công Thương trước ngày 30 tháng 7 năm 2022 đồng thời gửi file mềm về địa chỉ
[email protected].
(Thông tin chi tiết vui lòng liên
hệ chị Nguyễn Thị Tố Ngân-Phó trưởng phòng Thương mại quốc tế, Cục Xuất nhập khẩu,
Bộ Công Thương; Điện thoại: 22205.447, Di động:
0963.849.666).
Bộ Công Thương trân trọng cảm ơn sự
phối hợp của quý Bộ./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các đơn vị: KH, PC;
- Lưu: VT, XNK.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Quốc Khánh
|