Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 3369/BCT-CN Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Bộ Công thương Người ký: Đỗ Thắng Hải
Ngày ban hành: 15/06/2022 Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3369/BCT-CN
V/v Báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 06 tháng 08 năm 2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ

Hà Nội, ngày 15 tháng 6 năm 2022

Kính gửi: Thủ tướng Chính Phủ

Ngày 06 tháng 08 năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ (Sau đây gọi tắt là Nghị quyết 115/NQ-CP). Ngày 30 tháng 10 năm 2020, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2793/QĐ-BCT ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP .

Sau 01 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết, Bộ Công Thương đã gửi Công văn số 3256/BCT-CN ngày 07 tháng 6 năm 2021 đề nghị các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết. Trên cơ sở tổng hợp Báo cáo của 09 Bộ, ngành, 51 địa phương và các tổ chức liên quan khác về tình hình triển khai Nghị quyết số 115/NQ-CP , Bộ Công Thương kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết, cụ thể như sau:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT

Nghị quyết 115/NQ-CP được Chính phủ ban hành trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 gây ra những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế thế giới cũng như tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam. Sự ra đời của Nghị quyết 115/NQ-CP được đánh giá là đòn bẩy chính sách hữu hiệu nhằm tạo điều kiện cho ngành công nghiệp Việt Nam nói chung và ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nói riêng phát triển mạnh mẽ, tạo cơ hội đón làn sóng chuyển dịch đầu tư từ nước ngoài. Nghị quyết 115/NQ-CP thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc cải thiện môi trường đầu tư, đổi mới cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

1. Đánh giá chung

Sau hơn 01 năm triển khai thực hiện theo định hướng, quan điểm chỉ đạo và nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 115/NQ-CP , công tác triển khai bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định. Nhìn chung, các giải pháp đề ra tại Nghị quyết 115/NQ-CP được điều chỉnh phù hợp với điều kiện và yêu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh mới, có nhiều giải pháp mang tính đột phá, mới mẻ. Các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan đã chủ động triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết 115/NQ-CP nhằm đạt được những mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể đề ra, cho thấy sự nâng cao trong nhận thức về vai trò quan trọng của công nghiệp hỗ trợ đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Việc triển khai đồng bộ các giải pháp theo Nghị quyết số 115/NQ-CP đã góp phần khơi thông, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng. Tuy nhiên, sau hơn 01 năm triển khai Nghị quyết, bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều nhiệm vụ đề ra vẫn chưa được triển khai hoặc triển khai còn chậm dẫn đến hiệu quả chưa thực sự rõ rệt. Một số cơ chế, chính sách hiện hành bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc trong quá trình thực thi tuy nhiên vẫn chưa được các Bộ, ngành và cơ quan có thẩm quyền đánh giá và nghiên cứu điều chỉnh. Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, cơ quan liên quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao còn nhiều hạn chế, dẫn đến hiệu quả triển khai Nghị quyết chưa cao.

2. Đánh giá cụ thể

a) Về hoàn thiện cơ chế, chính sách:

Nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã được các Bộ, ngành nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành mới hoặc điều chỉnh, bổ sung, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo tiền đề cho ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Một số chính sách đã được ban hành trong thời gian qua gồm có:

- Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, trong đó Thủ tướng Chính phủ quyết định mức, thời gian ưu đãi đầu tư đặc biệt theo các tiêu chí về công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi, giá trị sản xuất trong nước đối với các dự án đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Đầu tư.

- Nghị định số 57/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2021 bổ sung điểm g khoản 2 Điều 20 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 20 Điều 1 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP) về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án sản xuất sản phẩm CNHT.

- Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 05 năm 2020 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 (Nghị định số 57/2020/NĐ-CP). Theo đó, ngoài Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô được áp dụng từ năm 2017, Nghị định số 57/2020/NĐ-CP đã bổ sung thêm Chương trình ưu đãi thuế CNHT ô tô quy định nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất, gia công các sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0%. Thời gian thực hiện của Chương trình là 5 năm (2020- 2024).

- Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, trong đó có các quy định liên quan đến trách nhiệm tái chế, thu gom, xử lý sản phẩm, chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu. Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định việc thải bỏ phương tiện giao thông trước ngày 01 tháng 01 năm 2025.

- Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030;

- Quyết định số 377/QĐ-BTTTT ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, trong đó bao gồm các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ;

Trong năm 2021, Bộ Công Thương đã nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ xem xét, phê duyệt Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Dự thảo Nghị định xây dựng, đề xuất một số cơ chế, chính sách mới như chính sách hỗ trợ tín dụng theo hình thức cấp bù lãi suất thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại và hỗ trợ lãi suất đối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; cơ chế ưu đãi thí điểm đặc thù đối với các trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp nhằm thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, góp phần phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Bộ Công Thương đã nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ Dự thảo Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Hiện nay, Bộ Công Thương cũng đang trong quá trình xây dựng Dự án Luật Phát triển công nghiệp, dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua trong giai đoạn 2022 - 2023.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/1/2018 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp và khu kinh tế, trong đó có nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích phát triển mô hình khu công nghiệp hỗ trợ, KCN chuyên sâu như miễn, giảm tiền thuê đất, ưu tiên vay vốn tín dụng đầu tư, vốn vay ưu đãi ODA, hưởng các ưu đãi thuế, ưu tiên tham gia các chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực,...

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 31/2015/NĐ-CP ngày 24/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật việc làm về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia trong đó quy định khung trình độ quốc gia được xây dựng tương thích với khung trình độ ASEAN và thế giới nhằm hài hòa khung trình độ kỹ năng nghệ giữa Việt Nam và các nước.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang nghiên cứu xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 43/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, dự kiến hoàn thành trong năm 2022 nhằm công khai, minh bạch trong quá trình tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp và các nội dung góp phần cải cách thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, ở cấp địa phương, các địa phương có thể mạnh và tiềm năng phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo đã tích cực thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 115/NQ-CP cũng như công tác cải cách thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn địa phương, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ hiện nay. Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo và định hướng của Nghị quyết, việc xây dựng cơ chế, chính sách, kế hoạch phát triển và hoạch định phát triển công nghiệp hỗ trợ của các địa phương ngày càng toàn diện, rõ nét và hiệu quả hơn. Ngoài ra, các giải pháp hỗ trợ cũng được triển khai đồng bộ, thiết thực hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi; từ đó giúp nâng cao số lượng và chất lượng, cải thiện năng lực sản xuất của doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp duy trì sản xuất bền vững trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.

Có thể thấy, hệ thống pháp luật, chính sách về công nghiệp hỗ trợ ngày càng được hoàn thiện, góp phần hỗ trợ thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ ngày càng phát triển và lớn mạnh.

Tuy nhiên, hiện nay, một số nhiệm vụ được giao cho các Bộ, ngành tại Nghị quyết 115/NQ-CP vẫn chưa được triển khai thực hiện như các nhiệm vụ liên quan đến sửa đổi, bổ sung các Luật thuế; các quy định liên quan đến thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ; giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong công tác xử lý môi trường... Cụ thể như sau:

Bộ Tài chính chưa triển khai nhiệm vụ: xây dựng cơ chế thu kinh phí xử lý sản phẩm thải bỏ đối với các sản phẩm nhập khẩu do các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường chưa có quy định về việc xử lý các sản phẩm thải bỏ của ngành điện tử, ô tô; các nội dung liên quan đến sửa đổi các chính sách về ưu đãi thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô).

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai tuy nhiên các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ không phải là đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi về đất đai, hỗ trợ xử lý các vấn đề về môi trường và hỗ trợ tiếp cận đất đai; danh mục hoạt động bảo vệ môi trường được hỗ trợ, ưu đãi không bao gồm các dự án dệt nhuộm, thuộc da có đầu tư hệ thống xử lý nước thải; sản xuất, tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường được cấp nhãn sinh thái;...Một số nhiệm vụ khác được giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Nghị quyết số 115/NQ-CP cũng chưa được triển khai.

Mặc dù các Bộ, ngành đã chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao tuy nhiên kết quả và hiệu quả vẫn chưa thực sự rõ rệt. Một số vướng mắc, tồn tại tại các quy định hiện hành vẫn chưa được các Bộ, ngành quan tâm nghiên cứu và tìm biện pháp tháo gỡ, gây ra tình trạng có chính sách nhưng không triển khai trong thực tế hoặc hiệu quả triển khai rất thấp. Ví dụ, các quy định về thuế vẫn còn nhiều bất cập, chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp; chính sách phát triển CNHT hiện nay còn thiếu các cơ chế đủ hữu hiệu để gắn kết giữa doanh nghiệp cung ứng và doanh nghiệp chế biến, chế tạo; chưa có chính sách tận dụng năng lực sản xuất của các doanh nghiệp chế xuất (chủ yếu là doanh nghiệp FDI) để nâng cao giá trị gia tăng trong nước của sản phẩm chính và phát triển chuỗi cung ứng tại ngay chính thị trường nội địa; chính sách thu hút đầu tư FDI vào các ngành sản xuất sản phẩm CNHT cũng chưa đủ hấp dẫn để thu hút được những các nhà đầu tư lớn, có vai trò làm động lực lan tỏa cho cả ngành.

Các địa phương cũng chưa chủ động trong việc nghiên cứu, xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách mới nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng phát triển. Hiện nay, chỉ có khoảng 16/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã xây dựng và ban hành Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của địa phương như TP. Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Đà Nẵng...Sự phối hợp giữa các cơ quan cấp trung ương và các địa phương trong quá trình triển khai và thực thi các chính sách còn thiếu chặt chẽ, gắn kết làm giảm tính hiệu quả của các cơ chế, chính sách ban hành.

b) Về việc đảm bảo và huy động nguồn lực phát triển CNHT:

Việc bố trí, huy động các nguồn lực nhằm hỗ trợ, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển trong thời gian qua đã được các cơ quan Bộ, ngành và địa phương ưu tiên thực hiện. Trong giai đoạn từ 2018 đến 2021, Chương trình Phát triển CNHT theo Quyết định số 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được bố trí tổng kinh phí hơn 630 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ở cấp địa phương, tổng kinh phí được bố trí để thực hiện các Chương trình, Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ khoảng 75,88 tỷ đồng. Triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Ngân sách nhà nước đã phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn hơn 650 tỷ đồng để khởi công mới 02 dự án Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp.

Tuy nhiên, việc bố trí, huy động các nguồn lực trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chưa thực sự tương xứng với vai trò, nhu cầu và tiềm năng phát triển của ngành. Đa số các địa phương có nguồn ngân sách còn hạn hẹp nên việc bố trí kinh phí để hỗ trợ cho các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, cơ bản chủ yếu mới thực hiện được ưu đãi tiền thuế đất và thủ tục hành chính, kết nối doanh nghiệp. Việc bố trí nhân lực, nguồn lực và tổ chức các đơn vị quản lý, phát triển công nghiệp còn chưa đồng bộ và còn nhiều hạn chế về số lượng và chất lượng.

c) Về giải pháp tài chính, tín dụng:

Triển khai nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 115/NQ-CP về việc thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất đối với doanh nghiệp CNHT và CNCBCT, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng chính sách hỗ trợ tín dụng tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2015/NĐ-CP , theo đó ngân sách nhà nước thực hiện cấp bù chênh lệch lãi suất đối với các khoản vay trung và dài hạn của các doanh nghiệp đế thực hiện dự án sản xuất sản phẩm CNHT. Hiện tại, Bộ Công Thương đã hoàn thiện Dự thảo và trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.

NHNN đã chỉ đạo các TCTD triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, cụ thể: (i) Ưu tiên tập trung vốn cho các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, trong đó có lĩnh vực CNHT; (ii) Đổi mới quy trình, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, xây dựng các chương trình, gói tín dụng với lãi suất hợp lý; (iii) Cân đối tài chính, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh và đảm bảo an toàn hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý, phù hợp với mặt bằng lãi suất huy động và mức độ rủi ro khoản vay. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng cũng tích cực thực hiện cơ chế đối thoại, tham vấn chính sách nhằm kết nối ngân hàng và doanh nghiệp, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp CNHT, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong năm 2020, NHNN đã tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng doanh nghiệp tại 14 tỉnh, thành phố nhằm tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19, tháo gỡ khó khăn về vốn cho khách hàng....

d) Về phát triển chuỗi giá trị trong nước:

Trong thời gian qua, việc triển khai các cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt nam và các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài nhằm hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước đã được các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương đặc biệt chú trọng và đẩy mạnh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì xây dựng, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành quy định dự án thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư có quy mô lớn. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Báo cáo Chính phủ về thu hút FDI: (i) xây dựng các tiêu chí thu hút ĐTNN có chọn lọc tại văn bản số 8611/BKHĐT-ĐTNN ngày 25 tháng 12 năm 2020; (ii) xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả ĐTNN tại văn bản số 7905/BKHĐT-ĐTNN ngày 30 tháng 11 năm 2020. Các báo cáo tập trung đề xuất nội dung xây dựng các tiêu chí về đầu tư (về suất đầu tư, sử dụng lao động, công nghệ, môi trường, giá trị gia tăng nội địa, khả năng liên kết, lan tỏa, tham gia các chuỗi giá trị quốc tế...) để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với chiến lược, quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn.

Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với các doanh nghiệp FDI, các tập đoàn lớn và các địa phương triển khai các Chương trình, Dự án hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT Việt Nam trở thành nhà cung cấp của các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong và ngoài nước như Samsung, Toyota, Mitsubishi, Thaco, Vinfast, LG...; đồng thời, đẩy mạnh các dự án hợp tác quốc tế nhằm hỗ trợ một số doanh nghiệp Việt Nam hợp tác liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp FDI, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Phần lớn các địa phương có lợi thế và tiềm năng phát triển công nghiệp đều chú trọng thu hút các dự án đầu tư lớn nhằm tạo sự bứt phá trong quá trình dẫn dắt các doanh nghiệp trong nước phát triển, hình thành chuỗi giá trị trong nước. Dẫn đầu về thu hút FDI trên cả nước năm 2020 là TP.HCM với 4,4 tỉ USD. Các tỉnh, thành khác thu hút được từ 1 tỉ USD vốn FDI gồm Hà Nội (3,6 tỉ USD), Bà Rịa - Vũng Tàu (2,2 tỉ USD), Bình Dương (1,9 tỉ USD), Hải Phòng (1,5 tỉ USD). 4 địa phương còn lại trong top 10 địa phương dẫn đầu về FDI gồm Đồng Nai (928 triệu USD), Bắc Ninh (901 triệu USD), Bắc Giang (894 triệu USD), Long An (810 triệu USD) đều là những địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, điện tử và công nghệ cao với mạng lưới các nhà cung cấp cho các tập đoàn đa quốc gia như Samsung Việt Nam, LG, Panasonic, Apple,...

Mặc dù, công tác thu hút FDI đầu tư vào các địa phương mang lại nhiều kết quả khởi sắc trong thời gian qua, tuy nhiên nhận thức về thu hút và quản lý các nguồn vốn FDI tại các địa phương chưa đồng bộ, thiên về lợi ích trước mắt mà chưa tính đến vấn đề chiến lược, thu hút đầu tư, ưu tiên số lượng mà chưa quan tâm đến chất lượng, ảnh hưởng đến các cân đối tổng thể của nền kinh tế. Nhiều địa phương vẫn chưa tập trung xây dựng chính sách thu hút đầu tư, xây dựng, điều chỉnh quy hoạch phù hợp mà mới chỉ dựa vào các thế mạnh vốn có của địa bàn tỉnh để thu hút nguồn vốn đầu tư trong nước cũng như nước ngoài. Một số địa phương vẫn còn dễ dãi trong việc chấp nhận khá nhiều dự án FDI quy mô nhỏ, không mang lại hiệu quả cho địa phương về tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách; còn có tình trạng cấp đất quá lớn cho dự án FDI mà không căn cứ vào quy hoạch của địa phương.

Bên cạnh đó, tình trạng phổ biến hiện nay là các địa phương mới chỉ quan tâm đến giai đoạn đầu của quá trình thu hút đầu tư mà chưa thực sự quan tâm đến việc phát huy sự lan tỏa của các dự án FDI lớn, gây lãng phí các cơ hội, tiềm năng có thể nhận được từ FDI trong thời gian các dự án này đang hoạt động tại Việt Nam. Công tác giám sát, quản lý và đánh giá các dự án FDI tại các địa phương hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Nhiều dự án FDI chậm triển khai so với tiến độ cam kết hoặc nhà đầu tư không có khả năng thực hiện gây lãng phí nguồn lực của các địa phương.

đ) Về phát triển và bảo vệ thị trường:

Trong thời gian qua, cả thị trường nội địa và thị trường ngoài nước đều không ngừng được mở rộng, tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp chủ lực phát triển lớn mạnh. Đến nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại với trên 230 thị trường, trong đó có FTA với 60 nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của Việt Nam mở rộng thị trường, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. Việt Nam đã tận dụng và khai thác thành công các Hiệp định FTA đã ký kết. Tất cả các thị trường có FTA của Việt Nam đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao so với thời điểm trước khi có FTA. Nhờ khai thác hiệu quả những ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đến các thị trường này có sự tăng trưởng vượt trội.

Bộ Công Thương đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ về việc thực thi Hiệp định EVFTA. Đồng thời, để phục vụ tuyên truyền, phổ biến thông tin, Bộ Công Thương đã thiết lập trang điện tử chuyên sâu về Hiệp định EVFTA (tại địa chỉ http://evfta.moit.gov.vn) để cung cấp thông tin, giải thích cam kết cũng như kết nối với người dân và doanh nghiệp về EVFTA. Đồng thời, Bộ đang đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về Hiệp định thông qua việc tổ chức các hội thảo, khóa tập huấn chuyên sâu tại các tỉnh thành, vùng miền trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Đối với việc phát triển thị trường nội địa, Bộ Công Thương đang triển khai Đề án ứng dụng công nghệ số và kĩ thuật tiên tiến nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm công nghiệp thuộc các lĩnh vực công nghiệp ưu tiên phát triển trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tăng cường công tác kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu và bảo vệ hợp lý thị trường nội địa phù hợp với các cam kết và thông lệ quốc tế đối với các mặt hàng công nghiệp; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai các hoạt động phòng vệ thương mại nhằm hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu. Tính đến nay, Việt Nam đã bị các nước khởi xướng điều tra 207 vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) đối với hàng xuất khẩu, trong đó có nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ như sắt thép, sợi, nhựa, lốp xe, pin năng lượng mặt trời...Việc các nước ngày càng gia tăng điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM là một trong những trở ngại lớn đối với hoạt động xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Do đó, để thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành, Hiệp hội và doanh nghiệp liên quan triển khai các giải pháp ứng phó, xử lý hiệu quả với các vụ kiện PVTM nước ngoài. Nhờ đó, trong một số vụ việc, các nước đã chấm dứt điều tra, không áp thuế hoặc áp thuế PVTM thấp đối với doanh nghiệp Việt Nam so với doanh nghiệp của các nước khác cùng bị điều tra... Các kết quả này đã góp phần giữ vững thị trường, tăng sức cạnh tranh cho các nhà sản xuất, xuất khẩu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp Việt Nam.

e) Về nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp:

Các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, các dự án hỗ trợ kỹ thuật với sự tham gia của nhiều đại diện cơ quan chính phủ các quốc gia (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Anh,...), các tổ chức quốc tế (World Bank, IFC, UNIDO, USAID,...), các tập đoàn đa quốc gia được triển khai tích cực trong thời gian qua đã góp phần nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp CNHT, hình thành mạng lưới nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng đáp ứng các yêu cầu khi doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu. Các Bộ, ngành và các địa phương đã tích cực triển khai các Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp như: Chương trình phát triển Công nghiệp hỗ trợ theo Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2021; Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 12/QĐ-BKHĐT ngày 07/01/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số theo Quyết định số 377/QĐ-BTTTT ngày 26 tháng 03 năm 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông; Chương trình xúc tiến đầu tư; Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia...

Với sự hỗ trợ, đồng hành từ phía Nhà nước, năng lực và trình độ kỹ thuật, công nghệ của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ được cải thiện đáng kể. Các doanh nghiệp ngày càng tích cực đổi mới, hiện đại hóa quy trình sản xuất, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật số nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu suất sản xuất và chất lượng sản phẩm.. Việc tăng cường ứng dụng các tiêu chuẩn quốc tế được công nhận rộng rãi không những góp phần cải tiến quy trình sản xuất, quản trị chất lượng của các doanh nghiệp Việt Nam mà còn nâng cao uy tín của các doanh nghiệp Việt Nam và tạo sự tin cậy cho các đối tác nước ngoài trong quá trình tìm kiếm nhà cung cấp nội địa. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp hỗ trợ cũng ngày càng được nâng cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc: các hoạt động còn dàn trải, thiếu định hướng tập trung vào một số lĩnh vực hay sản phẩm trọng điểm, các nội dung hỗ trợ vẫn còn đơn giản, thiếu hàm lượng công nghệ kỹ thuật chuyên sâu, chưa đem lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp. Do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, kết quả thực hiện chưa tương xứng với kế hoạch và mục tiêu đề ra, mới chỉ tập trung vào một số địa phương có thể mạnh về phát triển công nghiệp hỗ trợ như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ngãi, Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh,... chưa tạo tính lan tỏa và tác động sâu rộng đến cộng đồng doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ trên cả nước.

g) Về công tác thông tin, tuyên truyền:

Công tác thông tin, tuyên truyền về phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng như các quy định, cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp được báo chí đăng tải thường xuyên. Chất lượng tin, bài tuyên truyền không ngừng được đổi mới, nâng cao; nội dung phong phú, hấp dẫn. Thông qua đó, các nhà đầu tư, cán bộ và các tầng lớp nhân dân nắm được chủ trương thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và đóng góp quan trọng của các ngành công nghiệp hỗ trợ đối với sự phát triển của nền kinh tế; tạo sự thống nhất cao trong các cấp các ngành, địa phương và sự đồng thuận của toàn xã hội.

Các đơn vị truyền thông, thông tin như Thông tấn xã Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam đã đăng tải tin, bài, ảnh trên các sản phẩm, phương tiện thông tin đại chúng nhằm tuyên truyền, phổ biến kịp thời nội dung của Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ và phổ biến, quảng bá về công tác xây dựng, thực thi chính sách cũng như các hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp ưu tiên phát triển, cụ thể:

- Tập trung thông tin, tuyên truyền các giải pháp của Chính phủ và các bộ, ngành về phát triển công nghiệp hỗ trợ để tạo ra các mũi nhọn cho phát triển công nghiệp trên cơ sở phát huy lợi thế cạnh tranh và huy động nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, đảm bảo điều kiện thuận lợi ưu đãi và hỗ trợ theo quy định của Luật Đầu tư; những triển vọng thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam và các giải pháp, thích ứng của doanh nghiệp nhằm khai thác xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, thích ứng với bối cảnh tác động của dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp ở trong nước và trên thế giới...

- Chú trọng tuyến tin về các giải pháp nâng cao năng lực khoa học công nghệ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và chế biến, chế tạo, tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài; thông tin về mở rộng thị trường ngoài nước trên cơ sở tận dụng các hiệp định FTA đã ký kết; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trong việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của ngành công nghiệp hỗ trợ...

- Ngoài thông tin, tuyên truyền trên báo, tạp chí, kênh truyền hình chính thống, thông tin về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ còn được đăng tải trên website và các mạng xã hội Facebook, Lotus, Zalo, Youtube... nhằm góp phần cùng Chính phủ phổ biến rộng rãi đến doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong cả nước hiểu thêm về phát triển công nghiệp hỗ trợ, là một trong những giải pháp quan trọng nhất để Việt Nam cải thiện chất lượng nền kinh tế, phát triển bền vững, tăng khả năng thu hút đầu tư nước ngoài, giúp các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.

II. KIẾN NGHỊ

1. Đánh giá chung kết quả đạt được

Sau hơn 01 năm thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP , công tác triển khai bước đầu đã đem lại kết quả khả quan, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp CNHT Việt Nam từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thúc đẩy CNHT phát triển. Mặc dù vậy, việc triển khai, thực thi các định hướng và quan điểm chỉ đạo của Chính phủ theo Nghị quyết số 115/NQ-CP vẫn còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa thực sự nổi bật và rõ nét. Vì vậy, Chính phủ và các Bộ, ngành và các địa phương cần phải có các giải pháp quyết liệt hơn nữa để tạo ra sự đột phá, thúc đẩy CNHT phát triển vượt bậc, tạo tiền đề thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam bền vững trong 10 năm tới.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, đời sống nhân dân, Việt Nam là một trong số ít quốc gia duy trì được tốc độ tăng trưởng dương đạt mức gần 3% trong năm 2020 và đạt 5,64% trong 6 tháng đầu năm 2021. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng tăng 32,2% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng 7,2%; Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt trên 9,2 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ lực và là điểm sáng tăng trưởng trong giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đã khiến các ngành sản xuất chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ chịu ảnh hưởng nặng nề dẫn đến nguy cơ đứt gãy nguồn cung ứng. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, sức cạnh tranh còn thấp, gặp nhiều khó khăn để duy trì sản xuất trong bối cảnh đại dịch kéo dài.

Trước bối cảnh đó, việc triển khai Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ là hết sức cấp bách và quan trọng nhằm kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh mới.

2. Đề xuất kế hoạch triển khai Nghị quyết

Để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển mạnh mẽ, ngoài sự cố gắng của doanh nghiệp, cần sự hỗ trợ quyết liệt, đồng bộ và dài hạn của Nhà nước. Nhà nước cần bố trí đủ nguồn lực để triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ đạt trình độ khu vực và toàn cầu trong quá trình phát triển, rút ngắn thời gian tiếp cận trình độ sản xuất toàn cầu. Các chính sách hỗ trợ cần được xây dựng đồng bộ và theo đuổi kiên trì, dài hạn, đầu tư nguồn lực thích đáng để gấp rút nâng cao năng lực của các doanh nghiệp CNHT thông qua các chương trình có mục tiêu cụ thể.

Chính phủ cần quán triệt, đôn đốc các Bộ, ngành và địa phương triển khai tích cực và hiệu quả các nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết số 115/NQ-CP , kịp thời báo cáo Chính phủ để đưa ra giải pháp hữu hiệu. Đồng thời, Chính phủ sớm phê duyệt, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ và sớm thông qua, trình Quốc hội phê duyệt chủ trương xây dựng Luật phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo.

Các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến chế tạo; rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo, đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế, đặc biệt là trong các FTA thế hệ mới; sửa đổi, bổ sung và xây dựng các bộ Luật phù hợp với bối cảnh mới; triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách đã được ban hành, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp.

Trên cơ sở các nhiệm vụ đã được giao tại Nghị quyết số 115/NQ-CP , trong năm 2021-2022, các Bộ ngành cần tập trung triển khai các nhiệm vụ, cụ thể như sau:

a) Bộ Công Thương:

- Triển khai các các cơ chế, chính sách hỗ trợ và ưu đãi trên cơ sở Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 111/2015/NĐ-CP được Chính phủ phê duyệt;

- Sửa đổi, bổ sung Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 4 tháng 3 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn từ 2016-2025, bổ sung các nội dung: (i) Hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi kỹ thuật số, phát triển giải pháp nhà máy thông minh vào quy trình sản xuất, hệ thống quản trị sản xuất và quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực quản lý và sản xuất của doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; (ii) Hỗ trợ các thủ tục về thử nghiệm, kiểm định, đo lường chất lượng, giám định và chứng nhận chất lượng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; (iii) Hỗ trợ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

- Xây dựng và trình Quốc hội phê duyệt Luật phát triển công nghiệp;

- Triển khai 02 dự án đầu tư công xây dựng trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp.

b) Bộ Tài chính:

- Chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hướng dẫn chính sách cấp bù lãi suất thông qua các ngân hàng thương mại và hỗ trợ lãi suất cho vay đối với các khoản vay của doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển;

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành có liên quan đánh giá tổng thể việc thực hiện chính sách thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô trong thời gian vừa qua, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp trong năm 2022;

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng cơ chế thu kinh phí xử lý sản phẩm thải bỏ đối với các sản phẩm nhập khẩu;

- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các địa phương xây dựng cơ chế thu kinh phí xử lý sản phẩm thải bỏ đối với các sản phẩm sản xuất trong nước theo quy định của pháp luật môi trường về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ;

- Nghiên cứu sửa đổi Luật thuế giá trị gia tăng nhằm tạo điều kiện thuận lợi về vốn cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

- Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22 tháng 1 năm 2018 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp và khu kinh tế, trong đó nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi khi đầu tư xây dựng các khu công nghiệp hỗ trợ tập trung để tạo thuận lợi hơn cho mô hình KCN chuyên ngành, cụm liên kết ngành, trình Chính phủ ban hành trong năm 2022;

- Bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển nhằm xây dựng cơ sở vật chất cho 05 Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp tại các vùng kinh tế trọng điểm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025;

- Ưu tiên bố trí vốn cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý, vốn thực hiện tín dụng đầu tư, tín dụng chính sách trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng hệ thống thống kê các ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển và định kỳ công bố số liệu thống kê.

d) Bộ Tài nguyên Môi trường:

- Bổ sung, hoàn thiện các chính sách ưu đãi về đất đai và hỗ trợ xử lý các vấn đề về môi trường đối với các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; chính sách hỗ trợ tiếp cận đất đai đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ;

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng trình các cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật trong năm 2022 về quy định thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trên nguyên tắc ràng buộc trách nhiệm các doanh nghiệp nhập khẩu đối với việc xử lý các sản phẩm thải bỏ của ngành điện tử, ô tô... theo hướng nộp kinh phí xử lý sản phẩm thải bỏ khi nhập khẩu và được hoàn trả sau khi hoàn thành nghĩa vụ xử lý sản phẩm thải bỏ;

- Trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 theo hướng hỗ trợ các dự án dệt nhuộm, thuộc da có đầu tư hệ thống xử lý nước thải; sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất, nhập khẩu, sử dụng máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông dùng năng lượng tái tạo; sản xuất, tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường được cấp nhãn sinh thái; áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, công nghệ tốt nhất hiện có trong sản xuất, kinh doanh.

đ) Bộ Thông tin và Truyền thông:

- Đẩy mạnh thực hiện Chính phủ số để nâng cao hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền các cấp công khai, minh bạch, hỗ trợ quá trình tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp để giải quyết nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

- Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số “Make in Viet Nam”, trong đó ưu tiên phát triển doanh nghiệp công nghiệp số ứng dụng và phát triển các sản phẩm công nghệ 5G, công nghệ IoT, AI, Robotic,... Từ đó, giúp Việt Nam làm chủ công nghệ, có năng lực phát minh, sáng chế ra những công nghệ mới, sản xuất hàng hóa chất lượng cao đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

e) Ủy ban nhân dân các địa phương:

- Xây dựng và ban hành Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của địa phương; Bố trí ngân sách hàng năm để triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ;

- Xây dựng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi và các nguồn vốn hợp pháp khác;

- Xây dựng Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp địa phương trên cơ sở nâng cấp, xây dựng mới cơ sở vật chất hoặc bổ sung chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp lại các đơn vị hiện có từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác trên cơ sở nhu cầu phát triển công nghiệp và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.

Trên đây là Báo cáo của Bộ Công Thương về tình hình triển khai Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Bộ Công Thương kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và có ý kiến chỉ đạo./.


Nơi nhận:
- Như trên;
- VPCP;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ; cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên;
- Lưu: VT, CN (2).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Thắng Hải

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Công văn 3369/BCT-CN ngày 15/06/2022 báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ do Bộ Công thương ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


3.248

DMCA.com Protection Status
IP: 3.148.108.201
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!