BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 285/TCT-TVQT
V/v Tăng cường giải pháp quản lý tem điện tử
thuốc lá, rượu sản xuất trong nước.
|
Hà Nội, ngày 23
tháng 01 năm 2024
|
Kính gửi: Cục
Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Thực hiện Thông tư số 23/2021/TT-BTC ngày 30/3/2021
của Bộ Tài chính hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý, và sử dụng tem điện tử
rượu và tem điện tử thuốc lá, Tổng cục thuế đã ban hành Quyết định số
568/QĐ-TCT ngày 25/4/2022 về Quy trình quản lý tem điện tử rượu và tem điện tử
thuốc lá sản xuất để tiêu thụ trong nước, đồng thời xây dựng Ứng dụng Tem điện
tử để triển khai áp dụng quản lý tem điện tử trên cả nước kể từ ngày 01/7/2022.
Các tổ chức, cá nhân (TCCN) được cấp phép sản xuất rượu và thuốc lá để tiêu thụ
trong nước đã thực hiện đăng ký sử dụng tem điện tử ngay từ đầu tháng 7 năm
2022 theo đúng quy định.
Sau gần 02 năm triển khai Thông tư số
23/2021/TT-BTC , công tác quản lý thuế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng,
như: hiện đại hóa việc tra cứu, quản lý, sử dụng tem điện tử trên ứng dụng, cổng
thông tin điện tử của Tổng cục thuế; thuận lợi trong kiểm tra, thanh tra do vừa
chứa dữ liệu điện tử, lại dễ dàng nhận biết bằng mắt thường và chống làm giả
cao; nâng cao hiệu lực, đổi mới phương pháp quản lý thuế, chống thất thu thuế,
đảm bảo công bằng trong thực thi pháp luật thuế; ngoài ra dữ liệu tem điện tử
được khai thác, tra cứu qua mã QR vừa phục vụ cho người tiêu dùng, vừa hỗ trợ
quản trị doanh nghiệp thông qua công tác kế hoạch, xác định được nhu cầu in, sử
dụng tem, lượng thành phẩm hoàn thành nhập kho.
Bên cạnh đó, qua khảo sát công tác quản lý, sử dụng
tem điện tử đối với sản phẩm rượu, thuốc lá cho thấy còn một số hạn chế trong
việc quản lý tem. Biểu hiện là còn có nhiều sản phẩm, nhất là rượu thủ công bày
bán công khai, tiêu thụ trên thị trường trong tỉnh/TP, liên tỉnh/TP nhưng không
đăng ký, dán tem. Nguyên nhân chủ yếu là công tác phối hợp giữa các cấp ngành tại
phương với cơ quan thuế trong việc rà soát thực tế hoạt động sản xuất, quản lý
cấp phép để xác định TCCN thuộc diện quản lý sử dụng tem chưa được chặt chẽ,
thường xuyên; chưa có quy chế phối hợp để tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố giải
pháp đồng bộ quản lý, sử dụng tem điện tử đối với hoạt động sản xuất rượu, thuốc
lá trên địa bàn; công tác tuyên truyền chưa thực sự định hướng và tác động mạnh
mẽ đến ý thức tuân thủ của TCCN sản xuất rượu, thuốc lá, cũng như quyền lợi và
nâng cao trách nhiệm của người tiêu dùng, nhân dân, tổ chức, cơ quan, đơn vị
trên địa bàn trong việc quán triệt sử dụng sản phẩm đã dán tem theo quy định.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong việc quản lý tem
điện tử đối với sản phẩm rượu và sản phẩm thuốc lá sản xuất tiêu thụ trong nước,
góp phần quản lý sản lượng tiêu thụ, chống thất thu, tăng thu cho NSNN, Tổng cục
thuế đề nghị đồng chí Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố triển khai một số
nội dung, giải pháp như sau:
1. Báo cáo, tham mưu, đề nghị UBND tỉnh, thành
phố chỉ đạo:
1.1. UBND cấp huyện, các cấp, ngành, Hiệp hội
doanh nghiệp, Liên minh hợp tác xã,... phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế tiếp
tục quán triệt, chỉ đạo triển khai quyết liệt công tác quản lý tem điện tử thuốc
lá, tem điện tử rượu trên địa bàn theo Thông tư số 23/2021/TT-BTC , tăng cường
công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm bày
bán, lưu thông trên địa bàn; đẩy mạnh công tác truyền thông đến từng phường xã,
thôn bản, tổ dân phố, công chức, viên chức, người lao động, Tổ chức cá nhân sản
xuất rượu, thuốc lá; đồng thời quán triệt các cấp ngành, đoàn thể, các đơn vị,
tổ chức, cơ quan nhà nước chỉ đạo không sử dụng sản phẩm không dán tem, không đảm
bảo nguồn gốc xuất xứ theo quy định.
1.2. Đề nghị chỉ đạo, giao Cục Thuế phối hợp
với Sở Công thương và các cấp, ngành tham mưu giải pháp đồng bộ công tác quản
lý tem điện tử rượu, tem điện tử thuốc lá trên địa bàn, trong đó:
1.2.1. Giao Cục Thuế chủ trì tham mưu UBND tỉnh,
thành phố:
(i) Thành lập Ban chỉ đạo (trường hợp địa
phương đã có Ban chỉ đạo thu NSNN đang duy trì hoạt động thì Cục Thuế trình
UBND tỉnh tham mưu bổ sung thành phần và nội dung công việc mà không thành lập
Ban chỉ đạo riêng. Thành phần ban chỉ đạo cần bổ sung như: Sở công thương, Cục
Quản lý thị trường, Cục Thống kê, Sở Tài chính, Công an, Hải quan, Bộ đội Biên
phòng, Cảnh sát biển, Thanh tra, Chủ tịch UBND các cấp,...) để chỉ đạo chung
công tác quản lý tem điện tử, góp phần chống thất thu thuế trên địa bàn.
(ii) Ban hành Quy chế phối hợp: quy định rõ
trách nhiệm cấp, ngành; mục tiêu (rà soát, đánh giá toàn bộ TCCN sản xuất rượu,
thuốc lá thực tế đang hoạt động trên địa bàn - tổ chức cá nhân đủ điều kiện sản
xuất, sản xuất tiêu thụ ổn định phải đăng ký và xem xét cấp phép hoặc xử lý
theo quy định - các tổ chức cá nhân phải thực hiện đăng ký nộp thuế, đăng ký, sử
dụng tem điện tử theo quy định); thời gian; phương pháp; nội dung phối hợp (xử
lý vi phạm và trao đổi, rà soát thông tin về: số lượng tổ chức cá nhân - thời
gian sản xuất - quy mô - mẫu mã, bao bì - đã hoặc chưa đăng ký sản phẩm OCOP -
công suất, sản lượng thực tế sản xuất, tiêu thụ - hướng dẫn TCCN cam kết dán
tem 100% sản phẩm rượu, thuốc lá, đúng theo quy định,...; tổng kết, đánh giá,
thi đua khen thưởng hàng năm. Đề xuất cơ chế khen thưởng cho tổ chức cá nhân có
thành tích, nhất là có tham mưu phương án, cách quản lý hiệu quả và khuyến
khích người dân phát hiện vi phạm trong quản lý, sử dụng tem thì cung cấp thông
tin (bao gồm cả cung cấp bản chụp sản phẩm chưa dán tem) đến các cơ quan như:
công thương, quản lý thị trường, thuế,...);
(iii) Ban hành Kế hoạch phối hợp hàng năm
trước ngày 25/12 năm trước, chi tiết nội dung kế hoạch theo từng tháng;
(iv) Chỉ đạo công tác Truyền thông, Tuyên truyền
sâu rộng, đổi mới, đa dạng đến toàn thể tổ chức, cá nhân tại các phường xã,
thôn bản, tổ dân phố, các TCCN sản xuất thuốc lá, rượu; các cơ quan nhà nước
trên địa bàn.
1.2.2. Cục Thuế tham mưu cho UBND tỉnh,
thành phố giao Sở Công thương chủ trì:
(i) Ban hành văn bản chỉ đạo rà soát toàn bộ
các cơ sở sản xuất rượu, thuốc lá trên địa bàn tỉnh, thành phố, đồng thời phối
hợp với Cục Thuế và các cấp, ngành thực hiện rà soát, tổng hợp, đánh giá trên
cơ sở rà soát đến từng xã, phường về: thực trạng tình hình sản xuất kinh doanh
(thời gian bắt đầu sản xuất - công suất hoặc quy mô năng lực sản xuất thực tế -
sản lượng sản xuất, tiêu thụ - doanh thu, lợi nhuận - bao bì, mẫu mã - sản phẩm
OCOP hay thủ công truyền thống - bán trong và ngoài tỉnh - liên kết sản xuất,...);
công tác cấp phép; đăng ký, sử dụng tem; đăng ký, kê khai nộp thuế.
(ii) Chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường kiểm tra, xử
phạt hành vi vi phạm quy định về dán tem đối với rượu và thuốc lá theo Nghị định
số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành
chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo
vệ người tiêu dùng (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP
ngày 31/01/2022).
Cục Thuế khẩn trương tham mưu để trình UBND tỉnh,
thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các nội dung trên chậm nhất ngày
01/03/2024.
2. Giao Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố:
2.1. Thành lập Tổ thường trực quản lý tem điện
tử rượu, tem điện tử thuốc lá, do Lãnh đạo Cục làm Tổ trưởng; đại diện Văn
phòng và các phòng: Thanh tra kiểm tra, Tuyên truyền hỗ trợ hoặc phòng được
giao nhiệm vụ quản lý ấn chỉ và ứng dụng tem điện tử làm Tổ phó và một số
phòng/Chi cục Thuế liên quan (do Cục trưởng quyết định) để tham mưu triển khai,
chỉ đạo và định kỳ báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện, đề xuất các giải pháp
nâng cao hiệu quả quản lý. Danh sách Tổ thường trực: tên, chức vụ, địa chỉ
email, điện thoại gửi Tổng cục Thuế (qua Vụ Tài vụ - Quản trị) trước ngày
08/02/2024.
Định kỳ 6 tháng (trước ngày 25/7) và khi hết năm
(trước ngày 25/01), Tổ trưởng trực báo cáo UBND tỉnh, thành phố và Tổng cục Thuế
về kết quả và giải pháp tăng cường quản lý tem điện tử gắn với quản lý thuế, gồm:
(i) Công tác chỉ đạo, điều hành (UBND tỉnh,
địa phương và Cục thuế);
(ii) Kết quả phối hợp các cấp ngành bằng số
liệu cụ thể (phân tích nguyên nhân tăng giảm trên cơ sở so sánh số liệu kỳ báo
cáo với kỳ trước, đối với các chỉ tiêu: TCCN hoạt động SXKD trên địa bàn - TCCN
cấp phép - TCCN Đăng ký sử dụng tem/ đăng ký thuế - số lượng tem sử dụng - số
liệu quản lý thuế liên quan,...);
(iii) Đề xuất biện pháp nâng cao hiệu quả quản
lý.
2.2. Phân công cụ thể từng đơn vị, từng công
chức liên quan quản lý Người nộp thuế (Phòng Thanh tra kiểm tra, Chi cục Thuế,
các phòng liên quan...) chịu trách nhiệm thường xuyên nắm bắt tình hình TCCN sản
xuất rượu, thuốc lá theo địa bàn được phân công; đề xuất, triển khai biện pháp
đảm bảo nắm chắc số lượng TCCN, số lượng sản xuất, xuất bán, doanh thu, tồn
kho, trạng thái tem, chỉ tiêu liên quan để quản lý tem chặt chẽ; phối hợp, trao
đổi thông tin với bộ phận được giao quản lý ấn chỉ để công tác đăng ký, sử dụng
tem của TCCN được tự giác, đầy đủ, đúng quy định hiện hành; quan tâm, khuyến
khích sáng kiến quản lý tem điện tử; Kết quả công việc được gắn với thi đua,
khen thưởng trong ngành.
Tổng cục Thuế thông báo và đề nghị đồng chí Cục trưởng
Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương triển khai thực
hiện./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- UBND các tỉnh, TP (đề nghị phối hợp chỉ đạo);
- Tổng cục Quản lý thị trường (để phối hợp chỉ đạo);
- Lãnh đạo Tổng cục Thuế;
- Các Vụ, đơn vị: TTKT, CNTT, DNL, CS, PC, TTHT;
- Website Tổng cục thuế;
- Lưu: VT, TVQT.
|
KT. TỔNG CỤC
TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG
Vũ Chí Hùng
|