Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Công văn 4868/TCT-CS 2020 nội dung Nghị định 123/2020/NĐ-CP hóa đơn chứng từ

Số hiệu: 4868/TCT-CS Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Tổng cục Thuế Người ký: Đặng Ngọc Minh
Ngày ban hành: 16/11/2020 Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4868/TCT-CS
V/v một số nội dung Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ

Hà Nội, ngày 16 tháng 11 năm 2020

Kính gửi: Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Ngày 19/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2022. Tổng cục Thuế giới thiệu một số nội dung mới của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP nêu trên như sau:

1. Tổng cục Thuế giới thiệu một số nội dung mới của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 (chi tiết nêu tại phụ lục đính kèm).

2. Đề nghị Cục Trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai tuyên truyền, phổ biến nội dung của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP nêu trên tới công chức thuế và người nộp thuế để người nộp thuế hiểu quyền, nghĩa vụ trong việc sử dụng hóa đơn, chứng từ. Đặc biệt người nộp thuế hiểu được lợi ích của việc áp dụng hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các Cục Thuế tổng hợp, phản ánh về Tổng cục Thuế để được nghiên cứu giải quyết./.


Nơi nhận:
- Như trên;
- Vụ PC, CST - BTC;
- Các Vụ, đơn vị trực thuộc TCT;
- Lưu: VT, CS (3).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Đặng Ngọc Minh

PHỤ LỤC

GIỚI THIỆU MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 123/2020/NĐ-CP NGÀY 19/10/2020 QUY ĐỊNH VỀ HÓA ĐƠN, CHỨNG TỪ
(Kèm theo công văn số 4868/TCT-CS ngày 16/11/2020 của Tổng cục Thuế)

Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ được Chính phủ ban hành ngày 19/10/2020, có hiệu lực từ ngày 01/07/2022. Nghị định số 123/2020/NĐ-CP có nhiều quy định thay đổi về hóa đơn, chứng từ mới so với quy định tại Nghị định số 119/2018/NĐ-CP. Cụ Thể như sau:

1. Về hiệu lực áp dụng

a) Nghị định số 123/2020/NĐ-CP có hiệu lực áp dụng từ ngày 01/07/2022 và khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Nghị định này trước ngày 01/7/2022.

b) Nghị định số 51/2010/NĐ-CP , Nghị định số 04/2014/NĐ-CP và Nghị định số 119/2018/NĐ-CP tiếp tục có hiệu lực thi hành đến hết ngày 30/6/2022.

c) Bãi bỏ Khoản 2 và Khoản 4 Nghị định số 119/2018/NĐ-CP về việc triển khai áp dụng HĐĐT từ ngày 01/11/2020, bãi bỏ Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế.

d) Hóa đơn bán tài sản công (hóa đơn giấy do Bộ Tài chính đặt in) tiếp tục thực hiện Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 quy định chi tiết về mội số điều của Luật Quản lý sử dụng tài sản công khi xử lý tài sản công.

đ) Hóa đơn bán hàng dự trữ quốc gia khi bán hàng dự trữ quốc gia (hóa đơn bằng giấy) tiếp tục được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 16/2012/TT-BTC ngày 08/02/2012.

e) Hóa đơn giá trị gia tăng kiêm tờ khai hoàn thuế vẫn tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 72/2014/TT-BTC ngày 30/5/2014 của Bộ Tài chính quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang theo khi xuất cảnh; Thông tư số 92/2019/TT-BTC ngày 31/12/2019 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 72/2014/TT-BTC ngày 30/5/2014 quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang theo khi xuất cảnh.

g) Các loại chứng từ thu tiền phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước tiếp tục sử dụng theo quy định tại Thông tư số 303/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 của Bộ Tài chính.

h) Từ ngày Nghị định số 123/2020/NĐ-CP được ban hành, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh vẫn tiếp tục thông báo phát hành và sử dụng hóa đơn đặt in, tự in, hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế, hóa đơn điện tử không có mã xác thực của cơ quan thuế hoặc hóa đơn mua của cơ quan thuế đến hết ngày 30/6/2022 và việc quản lý, sử dụng các loại hóa đơn này tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP , Nghị định số 04/2014/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính ban hành sau đây vẫn có hiệu lực thi hành:

- Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn về khởi tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;

- Thông tư số 191/2010/TT-BTC ngày 01/12/2010 hướng dẫn việc quản lý, sử dụng hóa đơn vận tải;

- Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014, Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính);

- Quyết định số 1209/QĐ-BTC ngày 23/6/2015 của Bộ trường Bộ Tài chính về việc thí điểm sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế; Quyết định số 526/QĐ-BTC ngày 16/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc mở rộng phạm vi thí điểm sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế;

- Quyết định số 2660/QĐ-BTC ngày 14/12/2016 của Bộ trường Bộ Tài chính về việc gia hạn thực hiện Quyết định số 1209/QĐ-BTC ngày 23/6/2015;

- Thông tư số 37/2017/TT-BTC ngày 27/4/2017 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014, Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính).

Trong thời gian từ ngày Nghị định số 123/2020/NĐ-CP được ban hành đến ngày 30/06/2022, nếu cơ quan thuế (Tổng cục Thuế) thông báo cơ sở kinh doanh chuyển đổi để áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP hoặc Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018, nếu cơ sở kinh doanh chưa đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin mà tiếp tục sử dụng hóa đơn theo các hình thức nêu trên thì cơ sở kinh doanh thực hiện gửi dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế theo Mẫu số 03/DL-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP cùng với việc nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng. Cơ quan thuế xây dựng dữ liệu hóa đơn của các cơ sở kinh doanh để đưa vào cơ sở dữ liệu hóa đơn và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế phục vụ việc tra cứu dữ liệu hóa đơn.

2. Các nội dung mới của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP so với Nghị định số 119/2018/NĐ-CP

a) Về đối tượng áp dụng

Ngoài các đối tượng đã được quy định tại Nghị định số 119/2018/NĐ-CP là:

- Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

- Tổ chức, cá nhân mua hàng hóa, dịch vụ.

- Tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử.

- Cơ quan quản lý thuế các cấp và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng hóa đơn,

Tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP mở rộng thêm các đối tượng sử dụng hóa đơn, chứng từ như sau:

- Tổ chức thu thuế, phí, lệ phí;

- Tổ chức có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.

- Tổ chức in hóa đơn, biên lai, cung cấp phần mềm in biên lai.

b) Về loại hóa đơn, chứng từ

Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định thêm: 2 loại hóa đơn điện tử mới, hóa đơn giấy do cơ quan thuế đặt in và quy định về chứng từ. Cụ thể như sau:

- Về hóa đơn: Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định thêm 2 loại hóa đơn điện tử mới đó là: hóa đơn điện tử bán tài sản công và hóa đơn điện tử bán hàng dự trữ quốc gia và bổ sung quy định về hóa đơn giấy do cơ quan thuế đặt in để bán cho tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng và trường hợp được mua hóa đơn của cơ quan thuế,

- Về chứng từ: Nghị định số 123/2020/NĐ-CP bổ sung quy định về chứng từ bao gồm chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân, biên lai thuế, phí, lệ phí được thể hiện theo hình thức điện tử hoặc đặt in, tự in.

c) Về các hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ

Điều 5 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định một số hành vi bị cấm được quy định cụ thể đối với 02 đối tượng là công chức thuế và tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, dịch vụ và các cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan, cụ thể:

- Cấm công chức thuế có hành vi bao che, thông đồng để tổ chức, cá nhân sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; cấm gây phiền hà, khó khăn với tổ chức, cá nhân khi đến mua hóa đơn và chứng từ.

- Cấm những hành vi gian dối trong sử dụng hóa đơn trái phép, cản trở công chức thuế thi hành công vụ; truy cập trái phép làm sai lệch và phá hủy hệ thống thông tin về hóa đơn, chứng từ; hối lộ hoặc có các hành vi liên quan đến hóa đơn nhằm thu lợi bất chính với tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, dịch vụ và các cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan.

d) Về hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ

Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định rõ 7 hành vi được xác định là sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp và 7 hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ.

(Nội dung cụ thể tại Khoản 9 Điều 3 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP).

đ) Về ủy nhiệm lập hóa đơn điện tử

Nghị định số 119/2018/NĐ-CP không có quy định về ủy nhiệm lập hóa đơn điện tử, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP có bổ sung quy định về ủy nhiệm lập hóa đơn điện tử cho hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Bộ Tài chính sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể nội dung này.

e) Về thời điểm lập hóa đơn

Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định cụ thể về thời điểm lập hóa đơn đối với 14 trường hợp cụ thể như:

- Trường hợp cung cấp dịch vụ với số lượng lớn, phát sinh thường xuyên, cần có thời gian đối soát số liệu giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và khách hàng, đối tác như trường hợp cung cấp dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải hàng không, cung ứng nhiên liệu hàng không cho các hãng hàng không, hoạt động cung cấp điện nước, dịch vụ truyền hình, dịch vụ bưu chính chuyển phát (bao gồm cả dịch vụ đại lý, dịch vụ thu hộ, chi hộ), dịch vụ viễn thông (bao gồm cả dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng), dịch vụ logistic, dịch vụ công nghệ thông tin;

- Dịch vụ viễn thông (bao gồm cả dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng), dịch vụ công nghệ thông tin (bao gồm dịch vụ trung gian thanh toán sử dụng trên nền tảng viễn thông, công nghệ thông tin) phải thực hiện đối soát dữ liệu kết nối giữa các cơ sở kinh doanh dịch vụ;

- Hoạt động xây dựng, lắp đặt;

- Tổ chức kinh doanh bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, chuyển nhượng;

- Tổ chức kinh doanh mua dịch vụ vận tải hàng không xuất qua website và hệ thống thương mại điện tử được lập theo thông lệ quốc tế;

- Hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác và chế biến dầu thô và hoạt động bán khí thiên nhiên, khí đồng hành, khí than;

- Cơ sở kinh doanh thương mại bán lẻ, kinh doanh dịch vụ ăn uống theo mô hình chuỗi hệ thống cửa hàng bán trực tiếp đến người tiêu dùng;

- Hoạt động bán điện của các công ty phát điện trên thị trường điện;

- Trường hợp bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng;

- Trường hợp cung cấp dịch vụ vận tải hàng không, dịch vụ bảo hiểm qua đại lý;

- Trường hợp cung cấp dịch vụ ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, dịch vụ chuyển tiền qua ví điện tử, dịch vụ ngưng và cấp điện trở lại của đơn vị phân phối điện cho người mua là cá nhân không kinh doanh (hoặc cá nhân kinh doanh);

- Trường hợp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có sử dụng phần mềm tính tiền theo quy định của pháp luật;

- Cơ sở y tế kinh doanh dịch vụ khám chữa bệnh;

- Đối với hoạt động thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng.

g) Về nội dung hóa đơn

- Nội dung của hóa đơn điện tử quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP cơ bản như quy định của Nghị định số 119/2018/NĐ-CP. Ngoài ra, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP có quy định: Trường hợp hóa đơn điện tử đã lập có thời điểm ký số trên hóa đơn khác thời điểm lập hóa đơn thì thời điểm khai thuế là thời điểm lập hóa đơn.

- Về trường hợp hóa đơn điện tử không nhất thiết có đầy đủ các nội dung: Tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP có quy định trường hợp hoạt động xây dựng, lắp đặt, sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp quốc phòng an ninh phục vụ hoạt động quốc phòng an ninh theo quy định của Chính phủ thì trên hóa đơn không nhất thiết phải có đơn vị tính; số lượng; đơn giá; phần tên hàng hóa, dịch vụ ghi cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo hợp đồng ký kết giữa các bên trường hợp hóa đơn điện tử không nhất thiết có đầy đủ các nội dung.

h) Về việc bán hóa đơn của cơ quan thuế

Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Cục Thuế) đặt in hóa đơn để bán cho các đối tượng sau:

- Doanh nghiệp nhỏ và vừa, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, không có hạ tầng công nghệ thông tin, không có hệ thống phần mềm kế toán, không có phần mềm lập hóa đơn điện tử để sử dụng hóa hóa đơn điện tử và để truyền dữ liệu hóa đơn điện tử đến người mua và đến cơ quan thuế.

(Địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện theo Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư ban hành kèm theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế nếu có)

- Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh trong thời gian hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin cấp mã hóa đơn của cơ quan thuế gặp sự cố theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.

Thủ tục mua hóa đơn: Để được mua hóa đơn của cơ quan thuế, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng được cơ quan thuế bán hóa đơn phải có đơn đề nghị mua hóa đơn gửi cơ quan thuế khi mua hóa đơn và kèm một số giấy tờ.

Số lượng hóa đơn bán: Cơ quan thuế bán hóa đơn cho doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh theo tháng, số lượng hóa đơn bán cho doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh lần đầu không quá một quyển 50 số cho mỗi loại hóa đơn.

Hóa đơn do Cục Thuế đặt in để bán được thông báo công khai trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và trước khi bán lần đầu Cục Thuế phải lập thông báo phát hành hóa đơn. Hóa đơn giấy do Cục Thuế đặt in được bán theo giá bảo đảm bù đắp chi phí thực tế, không vì mục tiêu lợi nhuận.

Thủ tục trong quá trình sử dụng hóa đơn:

Quá trình sử dụng hóa đơn giấy mua của cơ quan thuế, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện các thủ tục sau:

- Lập báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn hàng quý gửi cơ quan thuế;

- Lập báo cáo mất, cháy, hỏng hóa đơn trong trường hợp mất, cháy, hỏng hóa đơn;

- Trường hợp có hóa đơn không tiếp tục sử dụng phải thực hiện tiêu hủy hóa đơn và phải tuân thủ trình tự, thủ tục tiêu hủy. Hồ sơ tiêu hủy hóa đơn được lưu tại doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh sử dụng hóa đơn và gửi Thông báo kết quả tiêu hủy hóa đơn đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất không quá 05 ngày kể từ ngày thực hiện tiêu hủy hóa đơn.

- Gửi dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế cùng với việc nộp tờ khai thuế GTGT.

i) Quy định về chứng từ

Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định bổ sung về chứng từ trong lĩnh vực quản lý thuế, phí, lệ phí của cơ quan thuế bao gồm: Chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân và Biên lai thu thuế, phí, lệ phí không in sẵn mệnh giá; Biên lai thu thuế, phí, lệ phí in sẵn mệnh giá; Biên lai thu thuế, phí, lệ phí. Biên lai, chứng từ có hình thức đặt in, tự in và điện tử.

Đối với Biên lai, chứng từ điện tử:

- Mẫu hiển thị chứng từ điện tử theo hướng dẫn tại khoản 10 Điều 4 Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

- Định dạng chứng từ điện tử sử dụng ngôn ngữ định dạng văn bản XML (XML là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh "eXtensible Markup Language") và theo định dạng của Tổng cục Thuế xây dựng và công bố.

- Đăng ký sử dụng biên lai điện tử thực hiện đăng ký sử dụng qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế theo Mẫu số 01/ĐK-BL Phụ lục IA Nghị định số 123/2020/NĐ-CP .

- Sử dụng chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân điện tử: Tổ chức khấu trừ thuế thu nhập cá nhân khi sử dụng chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo hình thức điện tử tự xây dựng hệ thống phần mềm để sử dụng chứng từ điện tử đảm bảo các nội dung bắt buộc theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, không phải đăng ký sử dụng qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Đi với biên lai đặt in, tự in:

- Cục Thuế tạo biên lai theo hình thức đặt in (loại không in sẵn mệnh giá) được bán cho các tổ chức thu phí, lệ phí theo giá đảm bảo bù đắp chí phi in ấn, phát hành.

- Trường hợp đặt in biên lai, tổ chức thu phí, lệ phí lựa chọn tổ chức đủ điều kiện in theo quy định để ký hợp đồng đặt in biên lai thu phí, lệ phí.

- Trường hợp tự in biên lai, tổ chức thu phí, lệ phí phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 35 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.

- Quá trình sử dụng biên lai đặt in, tự in, tổ chức thu phí, lệ phí và cơ quan thuế phải làm các thủ tục sau:

+ Tổ chức thu phí, lệ phí phải lập Thông báo phát hành biên lai và gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Thông báo phát hành biên lai gửi cơ quan thuế theo phương thức điện tử.

+ Biên lai do Cục Thuế đặt in trước khi bán lần đầu phải lập thông báo phát hành biên lai, Thông báo phát hành biên lai phải được gửi đến tất cả các Cục Thuế trong cả nước trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày lập thông báo phát hành và trước khi bán.

+ Tổ chức thu phí, lệ phí phải lập báo cáo tình hình sử dụng biên lai trong quá trình sử dụng.

+ Trường hợp có biên lai không tiếp tục sử dụng phải thực hiện tiêu hủy và phải tuân thủ trình tự, thủ tục tiêu hủy. Hồ sơ tiêu hủy biên lai được lưu tại tổ chức thu phí, lệ phí và gửi Thông báo kết quả tiêu hủy biên lai đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

- Tổ chức thu phí, lệ phí được ủy nhiệm được cho bên thứ ba lập biên lai. Việc ủy nhiệm giữa bên ủy nhiệm và bên nhận ủy nhiệm phải theo hình thức văn bản, đồng thời phải gửi thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Bên ủy nhiệm và bên nhận ủy nhiệm phải tổng hợp báo cáo định kỳ việc sử dụng các biên lai ủy nhiệm. Bên ủy nhiệm phải thực hiện báo cáo sử dụng biên lai với cơ quan thuế trực tiếp quản lý theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP (bao gồm cả số biên lai của bên nhận ủy nhiệm sử dụng). Bên nhận ủy nhiệm không phải thực hiện thông báo phát hành biên lai và báo cáo tình hình sử dụng biên lai với cơ quan thuế. Khi hết thời hạn ủy nhiệm hoặc chấm dứt trước hạn ủy nhiệm, hai bên phải xác định bằng văn bản, đồng thời thông báo cho cơ quan thuế và niêm yết tại nơi thu phí, lệ phí.

k) Quy định về tra cứu, cung cấp, sử dụng thông tin hóa đơn điện tử

- Hệ thống thông tin về hóa đơn, chứng từ phải được xây dựng và quản lý thống nhất từ trung ương đến địa phương; tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ thông tin.

- Việc tra cứu, cung cấp, sử dụng thông tin hóa đơn điện tử được áp dụng để thực hiện các thủ tục về thuế, thủ tục thanh toán qua ngân hàng và các thủ tục hành chính khác; chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa lưu thông trên thị trường.

- Tổng cục Thuế là đơn vị cung cấp thông tin hóa đơn điện tử đối với đề nghị của các cơ quan, tổ chức quản lý nhà nước cấp Trung ương. Cục Thuế, Chi cục Thuế cung cấp thông tin đối với đề nghị của cơ quan, tổ chức quản lý đồng cấp.

- Các bên sử dụng thông tin hóa đơn điện tử bao gồm: Các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh là người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; các tổ chức, cá nhân là người mua hàng, hóa, dịch vụ; Các cơ quan quản lý nhà nước sử dụng thông tin hóa đơn điện tử để thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật; kiểm tra tính hợp pháp của hàng hóa lưu thông trên thị trường; Các tổ chức tín dụng sử dụng thông tin hóa đơn điện tử để thực hiện các thủ tục về thuế, thủ tục thanh toán qua ngân hàng; Các tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử; Các tổ chức sử dụng thông tin chứng từ điện tử để khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.

- Hình thức khai thác, sử dụng thông tin hóa đơn điện tử trên Cổng thông tin điện tử: Bên sử dụng thông tin truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để tra cứu thông tin hóa đơn điện tử theo các nội dung thông tin hóa đơn điện tử. Bên sử dụng thông tin là các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tín dụng, tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử đã ký quy chế trao đổi thông tin hoặc ký hợp đồng phải đăng ký và được cấp quyền truy cập, kết nối, sử dụng thông tin hóa đơn điện tử từ Tổng cục Thuế thì đăng ký đầu mối đăng ký của bên sử dụng thông tin gửi 01 bản chính văn bản đến Tổng cục Thuế.

- Tổng cục Thuế thực hiện việc thu hồi tài khoản truy cập Cổng thông tin điện tử hoặc Chấm dứt sử dụng các hình thức cung cấp, sử dụng thông tin hóa đơn điện tử trong một số trường hợp.

l) Quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ

- Tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ có nghĩa vụ: Đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định; Công khai cách thức tra cứu, nhận file gốc hóa đơn điện tử của người bán tới người mua hàng hóa, dịch vụ; Báo cáo việc sử dụng hóa đơn cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trong trường hợp mua hóa đơn của cơ quan thuế; Gửi dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế đối với trường hợp mua hóa đơn của cơ quan thuế.

- Người mua hàng hóa, dịch vụ: Yêu cầu người bán lập và giao hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ; Cung cấp chính xác thông tin cần thiết để người bán lập hóa đơn; Ký các liên hóa đơn đã ghi đầy đủ nội dung; Sử dụng hóa đơn đúng mục đích; Cung cấp thông tin trên hóa đơn cho các cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu.

m) Về sử dụng hóa đơn đối với cơ sở kinh doanh mới thành lập

- Đối với những doanh nghiệp mới thành lập từ ngày Nghị định số 123/2020/NĐ-CP được ban hành đến ngày 30/06/2022, nếu nhận được thông báo áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP thì doanh nghiệp phải thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan thuế.

- Nếu chưa đáp ứng về điều kiện hạ tầng công nghệ mà tiếp tục dùng hóa đơn theo quy định tại các Nghị định số 51/2010/NĐ-CP và Nghị định số 04/2014/NĐ thì đơn vị phải thực hiện gửi dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế theo Mẫu số 03/DL-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP cùng với việc nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Công văn 4868/TCT-CS ngày 16/11/2020 về nội dung Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ do Tổng cục Thuế ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


5.740

DMCA.com Protection Status
IP: 13.59.87.145
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!