Kính
gửi:
|
Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố: Hà Nội,
TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng
Ninh, Bình Định.
|
Thời gian qua, được sự quan tâm, giúp
đỡ và sự phối hợp chỉ đạo của Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố, công tác quản lý thu của ngành thuế đã đạt được những kết quả tích cực.
Ngành thuế đã từng bước thực hiện có kết quả công cuộc cải
cách và hiện đại hoá ngành thuế. Bộ Tài chính xin trân trọng cảm ơn đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân đã thường xuyên dành thời gian quan
tâm, giúp đỡ cũng như phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong chỉ đạo điều
hành công tác thu trên địa bàn, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ
kinh tế xã hội của địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Ngày 13 tháng 06 năm 2019, Quốc hội
khoá XIV đã thông qua Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 với hiệu lực thi hành kể
từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.
Để triển khai Luật Quản lý thuế số
38/2019/QH14, ngày 19 tháng 10 năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số
123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ. Điểm mới quan trọng nhất của Nghị
định số 123/2020/NĐ-CP là quy định về việc quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử: kể
từ ngày 01/07/2022, toàn bộ doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh
doanh thực hiện hóa đơn điện tử (trừ một số trường hợp không đủ điều kiện theo
quy định), khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng
công nghệ thông tin áp dụng quy định về hóa đơn điện tử trước ngày 01/07/2022.
Ngày 17 tháng 9 năm 2021, Bộ Tài
chính đã ban hành Thông tư số 78/2021/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của
Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19
tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.
Đây là các văn bản có ý nghĩa hết sức
quan trọng trong việc chuyển đổi phương thức quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử
và giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, cho xã hội, cụ thể:
(i) Đối với doanh nghiệp:
- Sử dụng hóa đơn điện tử giúp doanh
nghiệp giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy (giảm chi phí giấy in, mực
in, vận chuyển, lưu trữ hóa đơn, không gian lưu trữ hóa đơn,...);
- Giúp doanh nghiệp giảm chi phí tuân
thủ thủ tục hành chính thuế;
- Khắc phục rủi ro làm mất, hỏng, cháy
khi sử dụng hóa đơn giấy do hệ thống lưu trữ hóa đơn điện tử được sao lưu nên
khả năng mất hoàn toàn dữ liệu hóa đơn là khó xảy ra;
- Sử dụng hóa đơn điện tử tạo sự yên
tâm cho người mua hàng hóa, dịch vụ: sau khi nhận hóa đơn điện tử, người mua
hàng hóa, dịch vụ có thể kiểm tra ngay trên hệ thống của cơ quan thuế để biết
chính xác thông tin của hóa đơn người bán khai báo với cơ quan thuế và thông
tin người bán cung cấp cho người mua. Bên cạnh đó, với việc hệ thống của cơ
quan thuế ngừng ngay không cho doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích được xuất hóa đơn
sẽ hạn chế việc người mua sử dụng phải hóa đơn của các doanh nghiệp này.
(ii) Đối với cơ quan thuế và cơ quan
khác của Nhà nước trong việc thực hiện chức năng quản lý của mình:
- Sử dụng hóa đơn điện tử giúp cơ
quan thuế xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn;
- Cơ quan thuế và các cơ quan quản lý
không tốn nhiều chi phí, thời gian đối chiếu hóa đơn như hiện nay;
- Góp phần ngăn chặn kịp thời hóa đơn
của các doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích; ngăn chặn tình trạng gian lận thuế, trốn
thuế.
(iii) Đối với xã hội:
- Sử dụng hóa đơn điện tử góp phần khắc
phục được tình trạng gian lận sử dụng bất hợp pháp hóa đơn (lập hóa đơn sai lệch
nội dung giữa các liên), tình trạng làm giả hóa đơn;
- Góp phần tạo một môi trường kinh doanh
lành mạnh cho các doanh nghiệp;
- Giúp việc triển khai thương mại điện
tử được hoàn thiện hơn từ đặt hàng trên mạng, giao hóa đơn điện tử qua mạng,
thanh toán qua mạng;
- Sử dụng hóa đơn điện tử giảm tối đa
việc sử dụng giấy in góp phần bảo vệ môi trường.
Để thực hiện có hiệu quả hóa đơn điện
tử theo quy định mới tại các văn bản nêu trên, Bộ Tài chính đã lập kế hoạch triển
khai theo hai giai đoạn: giai đoạn 1 từ tháng 11/2021 và giai đoạn 2 từ tháng
4/2022; đồng thời Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định triển khai hóa đơn điện tử
giai đoạn 1 tại sáu tỉnh, thành phố: Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bình Định. Từ nay đến tháng
11/2021 chỉ còn hai tháng, trong khi các công việc triển khai còn rất nhiều và
phức tạp, Bộ Tài chính kính đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân quan tâm,
phối hợp chỉ đạo một số công việc trọng tâm tại địa phương khi triển khai hóa
đơn điện tử theo quy định, cụ thể:
1. Chỉ đạo Cục Thuế:
- Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành
phố thành lập Ban Chỉ đạo triển khai áp dụng hóa đơn điện tử tại địa phương do
Lãnh đạo tỉnh, thành phố làm Trưởng Ban và thành viên là đại diện lãnh đạo của
Cục Thuế và các sở, ban, ngành có liên quan (sau đây gọi là Ban Chỉ đạo). Ban
Chỉ đạo có Tổ giúp việc do Cục trưởng Cục Thuế làm Tổ trưởng và thành viên là đại
diện lãnh đạo, công chức các Chi cục, Phòng trong Cục Thuế, đại diện các sở,
ban, ngành và các đơn vị có liên quan trên địa bàn;
- Chủ động phối hợp với Sở Thông tin
và Truyền thông, các báo đài tại địa phương để tuyên truyền kịp thời những lợi
ích của thực hiện hóa đơn điện tử và những nội dung mới của hóa đơn điện tử
theo quy định tại Luật Quản lý thuê, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP , Thông tư số
78/2021/TT-BTC. Chuẩn bị và cung cấp nội dung tuyên truyền phù hợp từng đối tượng
khác nhau và băng các hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, liên tục trong
quá trình tổ chức triển khai thực hiện;
- Rà soát, phân loại người nộp thuế
là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn là đối tượng
sử dụng các loại hóa đơn điện tử theo quy định để thông báo đến từng doanh nghiệp,
tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh về kế hoạch triển khai áp dụng hóa đơn
điện tử và sẵn sàng chuẩn bị điều kiện về cơ sở hạ tầng và giải pháp công nghệ
thông tin để thực hiện việc lập, chuyến dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế,
gửi hóa đơn điện tử cho người mua và các nội dung khác về quản lý, sử dụng hóa
đơn điện tử;
- Rà soát và thông báo đến các tổ chức
cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử trên địa bàn về việc triển khai hóa đơn điện tử
đê các tổ chức chuẩn bị các giải pháp và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng
được việc cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử cho khách hàng theo quy định tại Luật
Quản lý thuế, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC ;
- Tổ chức tập huấn cho người nộp thuế
và cán bộ thuế các quy định về hóa đơn điện tử tại Luật Quản lý thuế, Nghị định
số 123/2020/NĐ-CP , Thông tư số 78/2021/TT-BTC và tổ chức triển khai thực hiện
hóa đơn điện tử có kết quả;
- Công bố đường dây nóng tại Cục Thuế
và Chi cục Thuế. Thường xuyên rà soát, nắm bắt các vướng mắc trong quá trình
chuẩn bị và trong thời gian đầu thực hiện hóa đơn điện tử
để xử lý ngay các vướng mắc phát sinh tại địa phương. Đối với những vấn đề vượt
thẩm quyền, báo cáo Ủy ban nhân dân, Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính để tháo gỡ kịp
thời.
2. Chỉ đạo Sở Thông
tin và Truyền thông, các đài, báo địa phương đẩy mạnh tuyên truyền ý nghĩa, lợi
ích của việc áp dụng hóa đơn điện tử và các nội dung mới của Nghị định số
123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC .
3. Chỉ đạo Sở Kế hoạch
và Đầu tư thông báo, tuyên truyền các doanh nghiệp mới khi cấp đăng ký kinh
doanh biết quyền, nghĩa vụ của mình trong việc sử dụng hóa đơn điện tử kể từ
ngày triển khai hóa đơn điện tử tại địa phương.
4. Chỉ đạo các cơ
quan quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh, thành phố có nhu cầu sử dụng thông tin
hóa đơn điện tử như: cơ quan Quản lý thị trường, cơ quan Hải quan, cơ quan Công
an,... chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật cần thiết để sẵn sàng thực hiện việc kết
nối, tra cứu thông tin hóa đơn điện tử phục vụ công tác quản lý theo quy định
pháp luật ngay sau khi triển khai hóa đơn điện tử tại địa phương.
5. Chỉ đạo cơ quan
Công an nắm bắt kịp thời các hình thức gian lận mới nhằm mục đích thu lợi bất
chính hoặc chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước để có giải pháp ngăn chặn kịp thời.
Việc triển khai áp dụng hóa đơn điện
tử là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính trong thời gian tới theo chỉ đạo của
Chính phủ tại nghị quyết số 01/NQ- CP ngày 01 tháng 01 năm 2021. Thực hiện
thành công áp dụng hóa đơn điện tử sẽ tạo tiền đề tốt để ngành Thuế nói riêng
và ngành Tài chính nói chung hoàn thành nhiệm vụ góp phần thực hiện thắng lợi
các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của nước ta trong thời gian tới.
Kính đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban
nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo và phối hợp
chặt chẽ, thường xuyên với Bộ Tài chính để xử lý kịp thời những khó khăn vướng
mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Trân trọng cảm ơn sự phối hợp công tác
của đồng chí./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Vụ PC, Cục KHTC, Cục THTK (BTC);
- Cục Thuế: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định, Phú Thọ;
- Các đơn vị thuộc Tổng cục Thuế;
- Lưu VT, TCT.
|
BỘ
TRƯỞNG
Hồ Đức Phớc
|