Kính gửi:
|
- Viện kiểm sát quân sự trung ương;
- Các đơn vị thuộc VKSND tối cao;
- VKSND cấp cao 1, 2, 3;
- VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
|
Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo VKSND tối cao về
tham mưu giải đáp khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của các đơn vị, VKS
các cấp qua sơ kết, giao ban công tác 9 tháng năm 2023, Vụ Pháp chế và Quản lý
khoa học, VKSND tối cao (Vụ 14) giải đáp một số nội dung liên quan đến trách
nhiệm của Vụ 14 như sau:
A. VỀ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC
I. Khó khăn, vướng mắc liên
quan đến hình sự, tố tụng hình sự, thi hành án hình sự
1. Vướng mắc trong việc áp dụng
điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 về
tình tiết giảm nhẹ “người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”.
Trả lời:
Về mặt kỹ thuật lập pháp, việc sử dụng dấu giữa hai
nội dung “thành khẩn khai báo” và “ăn năn hối cải” quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 được hiểu là nếu người phạm
tội: (1) có một trong hai điều kiện “thành khẩn khai báo” và “ăn năn
hối cải”; hoặc (2) có cả hai điều kiện này, thì cũng chỉ được coi là thoả
mãn 01 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm
2015. Từ đó, trường hợp người phạm tội thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải
mà không có thêm tình tiết giảm nhẹ nào khác thì cũng chỉ coi là thoả mãn 01
tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm
2015. Trong quá trình xây dựng và áp dụng BLHS năm 2015 thời gian qua,
VKSND tối cao đều nhất quán với quan điểm này.
Ngày 31/8/2023, TAND tối cao cùng đã có Công văn
174/TANDTC-PC về việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ “người phạm tội thành khẩn
khai báo, ăn năn hối cải” tại điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS
năm 2015. Theo đó, tình tiết “người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn
hối cải” được hiểu là trường hợp người phạm tội thành khẩn khai nhận về
hành vi phạm tội, ăn năn hối lỗi về việc mình đã gây ra; tình tiết “thành khẩn
khai báo” và “ăn năn hối cải” không phải là hai tình tiết độc lập. Do
đó, nếu người phạm tội “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” thì chỉ được
coi là có một tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm s khoản 1 Điều
51 BLHS năm 2015.
2. Chưa có hướng dẫn cụ thể về
tình tiết “người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất,
chiến đấu, học tập hoặc công tác” tại điểm v khoản
1 Điều 51 BLHS năm 2015.
Trả lời:
Đây là nội dung được BLHS năm 2015 kế thừa từ BLHS
năm 1999 và hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn mới về vấn đề này, tuy nhiên,
quy định về tình tiết này của BLHS năm 2015 không có sự thay đổi so với trước
đây; do vậy, trong khi chưa có văn bản mới có hiệu lực hướng dẫn về tình tiết
này, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể vận dụng tinh thần tại mục 5 Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP hướng dẫn đối với BLHS năm
1999 để xử lý, giải quyết[1].
3. Xác định thời hạn được coi
là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp người bị xử phạt vi phạm
hành chính mà không thi hành quyết định xử phạt (không thuộc trường hợp “cố
tình trốn tránh, trì hoãn”, việc không thi hành quyết định xử phạt vi phạm
hành chính là do lỗi của cơ quan ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính không
theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt)?
Trả lời:
Khoản 1 Điều 7 Luật Xử lý vi phạm
hành chính quy định: “Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính,
nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử
phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử
phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt
vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm
hành chính”, Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành
chính quy định: “1. Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành
chính là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định, quá thời hạn này thì không
thi hành quyết định đó nữa... 2. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố
tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên được tính kể từ thời điểm
chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn”.
Theo các quy định nêu trên, đối với trường hợp người
bị xử phạt vi phạm hành chính không thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành
chính (không thuộc trường hợp “cố tình trốn tránh, trì hoãn”, việc không
thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là do lỗi của cơ quan ra quyết định
xử phạt vi phạm hành chính không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức cưỡng chế
thi hành quyết định xử phạt) mà hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm
hành chính, thì xác định người đó được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành
chính nếu trong thời hạn 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử
phạt vi phạm hành chính người đó không tái phạm.
4. Xác định thời hạn được coi
là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp người bị xử phạt vi phạm
hành chính mới thi hành một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính, không
thi hành tiếp phần còn lại (không thuộc trường hợp “cố tình trốn tránh, trì
hoãn” việc thi hành phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn lại và
cơ quan ra quyết định xử phạt cũng không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức
cưỡng chế thi hành phần còn lại)?
Trả lời:
Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành
chính quy định: “1. Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành
chính là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định, quá thời hạn này thì không
thi hành quyết định đó nữa... 2. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố
tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên được tính kể từ thời điểm
chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn”.
Do vậy, trường hợp người bị xử phạt vi phạm hành
chính đã thi hành được một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính, không
thi hành tiếp phần còn lại (không thuộc trường hợp “cố tình trốn tránh, trì
hoãn” việc thi hành phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn lại và
cơ quan ra quyết định xử phạt cũng không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức
cưỡng chế thi hành phần còn lại) thì xác định người đó được coi là chưa bị xử
phạt vi phạm hành chính nếu trong thời hạn 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi
hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính người đó không tái phạm.
5. Trường hợp người bị xử phạt
đã bị cơ quan ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính triệu tập lên làm việc,
lập biên bản về việc chưa nộp phạt do hoàn cảnh khó khăn và cơ quan ra quyết định
xử phạt vi phạm hành chính không có biện pháp gì khác thì có xác định người bị
xử phạt “cố tình trốn tránh, trì hoãn” không?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 7,
khoản 8a Điều 12 và Điều 74 Luật Xử lý
vi phạm hành chính, nếu người bị xử phạt không thi hành quyết định xử phạt
vi phạm hành chính là vì nguyên nhân khách quan (không có khả năng nộp phạt...)
và người bị xử phạt không cố tình trốn tránh, trì hoãn (chấp hành theo giấy mời
làm việc của cơ quan ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính,...), đồng thời,
cơ quan ra quyết xử phạt vi phạm hành chính cũng không theo dõi, đôn đốc, kiểm
tra, tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt theo quy định thì không thuộc
trường hợp người bị xử phạt “cố tình trốn tránh, trì hoãn”.
6. Trong việc áp dụng hướng dẫn
trường hợp đương nhiên được xóa án tích theo Điều 70
BLHS năm 2015, còn vướng mắc đối với trường hợp khi
người bị kết án (sau này là bị can, bị cáo trong một vụ án mới) không nhận được
thông báo và quyết định thi hành án của Cơ quan thi hành án dân sự nên chưa thi
hành hình phạt bổ sung, chưa nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm và các quyết định
khác của bản án thì có được coi là chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung và các
quyết định khác của bản án hay không?
Trả lời:
- Đối với các trường hợp thi hành thuộc trường hợp
thi hành án chủ động (án phí, hình phạt tiền): nếu chưa chấp hành xong thì
không đương nhiên được xóa án tích.
- Đối với trường hợp thi hành trách nhiệm bồi thường
cho bị hại: khoản 2 Điều 70 BLHS năm 2015 quy định về điều
kiện đương nhiên xóa án tích: “Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích,
nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo,
người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án...
”.
Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể trường
hợp đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự (đối với trường hợp thi hành án
dân sự theo yêu cầu của người được thi hành án hoặc yêu cầu của người phải thi
hành án) có được coi là “đã chấp hành xong” các quyết định khác của bản án hình
sự hay không hoặc có được coi là đủ điều kiện để đương nhiên xóa án tích theo Điều 70 BLHS năm 2015 hay không; pháp luật chỉ có quy định về
thời hiệu yêu cầu thi hành án đối với trường hợp thi hành trách nhiệm bồi thường
cho bị hại; theo đó, “thời hiệu yêu cầu thi hành án” là thời hạn mà người được
thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự
tổ chức thi hành án; hết thời hạn đó thì mất quyền yêu cầu cơ quan thi hành án
dân sự tổ chức thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự; đồng
thời, trường hợp hết thời hiệu yêu cầu thi hành án là một trong những trường hợp
Cơ quan thi hành án dân sự từ chối yêu cầu thi hành án.
Do vậy, cần căn cứ vào quy định tại khoản
1 Điều 70 BLHS năm 2015, khoản 5 Điều 3, Điều 30, điểm c Điều
31 Luật Thi hành án dân sự để xem xét có thỏa mãn điều kiện hết thời hiệu
yêu cầu thi hành án, được đương nhiên xóa án tích.
7. Đề nghị hướng dẫn áp dụng
tình tiết “phạm tội có tính chất côn đồ” trong việc định tội Giết người
và tội cố ý gây thương tích.
Trả lời:
Tình tiết “phạm tội có tính chất côn đồ” là
tình tiết “định tính”. Trong thực tiễn áp dụng pháp luật, để áp dụng tình tiết
“phạm tội có tính chất côn đồ” cần căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để
xác định, đánh giá toàn diện về nguyên nhân, động cơ, mục đích, điều kiện, hoàn
cảnh phạm tội; tính chất, mức độ, phương thức, hành động thực hiện hành vi phạm
tội; thái độ, ý thức chủ quan của người phạm tội...
Theo quy định của pháp luật, liên ngành trung ương
không có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn các quy định của BLHS năm 2015.
Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã lựa chọn và ban hành Án lệ số 17/2018/AL
ngày 17/10/2018 trong đó giải thích về tình tiết “có tính chất côn đồ”;
VKS các địa phương cần nghiên cứu, áp dụng thực hiện; ngoài ra, đối với các trường
hợp chưa được hướng dẫn thì chủ động phối hợp với Tòa án cùng cấp thực hiện quy
định tại Điều 3 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày
18/6/2019 về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ để gửi đề xuất bản
án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án chứa đựng lập luận, phán quyết
về việc áp dụng tình tiết này để TAND tối cao xem xét, phát triển thành án lệ.
8. Vướng mắc trong áp dụng pháp
luật về gặp khó khăn trong việc áp dụng Án lệ số 47 về tội Giết người.
Trả lời:
TAND tối cao đã có 02 Công văn hướng dẫn: Công văn
số 49/TANDTC-PC ngày 22/3/2023 và Công văn số 100/TANDTC-PC ngày 13/6/2023 về
việc áp dụng Án lệ số 47. Các đơn vị cần nghiên cứu, vận dụng các văn bản hướng
dẫn này trong quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc.
9. Trường hợp một người nhờ người
khác bán hộ tài sản và xác định thời hạn phải trả lại tiền, người bán hộ tài sản
sau khi bán được, hưởng hoa hồng theo thỏa thuận và không trả lại tiền mặc dù
đã quá hạn thanh toán, người này nêu lý do số tiền bán được tài sản đã ăn tiêu
hết (đi chơi, ăn nhậu, hát karaoke...) thì có áp dụng điểm
a khoản 1 Điều 175 BLHS năm 2015 để xử lý hay không?
Trả lời:
Điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS năm
2015 quy định: “Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được
tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc
bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có
điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”.
Vì vậy, trong trường hợp nêu trên, để thỏa mãn hành
vi khách quan của tội phạm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều
175 BLHS năm 2015, thì phải đáp ứng cả 02 điều kiện: (1) đến thời hạn
trả lại tiền; (2) vào thời hạn trả lại tiền đó, người phạm tội có điều
kiện, khả năng trả lại tài sản nhưng cố tình không trả. Do đó, đối với trường hợp
nêu trên, mặc dù đối tượng nêu lý do không có tiền để trả lại do số tiền bán được
tài sản đã ăn tiêu hết (đi chơi, ăn nhậu, hát karaoke...) nhưng cơ quan có thẩm
quyền vẫn phải điều tra, làm rõ về việc đối tượng có điều kiện, khả năng nhưng
cố tình không trả thì mới có căn cứ áp dụng điểm a khoản 1 Điều
175 BLHS năm 2015.
10. Một số văn bản chưa phù hợp
với thực tiễn, chưa có hướng dẫn cụ thể, như: Hướng dẫn giải quyết các tội phạm
về ma túy đến thời điểm hiện tại đã hết hiệu lực nhưng chưa có văn bản thay thế
hoặc bổ sung; còn có quan điểm không thống nhất khi áp dụng về tình tiết “phạm
tội hai lần trở lên” đối với tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy... Liên
ngành Trung ương chưa thống nhất hướng dẫn cụ thể về hành vi tàng trữ ma túy
thu giữ được khi đang tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Trả lời:
- Các Thông tư liên tịch và các văn bản hướng dẫn
áp dụng quy định về tội phạm ma túy tại BLHS năm 1999 đến nay đã hết hiệu lực.
Hiện nay, Bộ Công an đang tiến hành rà soát, bãi bỏ các Thông tư liên tịch do Bộ
Công an chủ trì, trong đó có các Thông tư liên tịch hướng dẫn xử lý tội phạm về
ma túy. VKSND tối cao đã có Công văn số 3652/VKSTC-V14 ngày 29/8/2018 đề nghị
TAND tối cao ban hành Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn
áp dụng các quy định về tội phạm ma túy của BLHS năm 2015.
Trong thời gian chờ có văn bản hướng dẫn mới, các
cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tại địa phương cần chủ động phối hợp
trao đổi, thống nhất quan điểm để xử lý, giải quyết các vụ án liên quan, bảo đảm
phù hợp với quy định của BLHS năm 2015; đồng thời, có thể tham khảo: (i) Các
quy định tại Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày
24/12/2007, Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày
14/11/2015 và Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm
phán TAND tối cao không trái với quy định của BLHS năm 2015; (ii) Các công văn
hướng dẫn như: Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 và Công văn số
02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 của TAND tối cao; (iii) Tài liệu giải đáp về những
khó khăn, vướng mắc trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử của
VKSND tối cao năm 2020,... để xem xét xử lý cho phù hợp.
- Đối với khối lượng ma túy còn lại thu giữ được nếu
đánh giá ngoài hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy còn có thêm hành
vi tàng trữ ma túy thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này nếu
đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Nếu khối lượng ma túy bị thu giữ trong giai đoạn
chuẩn bị phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, hoặc tội phạm đang diễn
ra thì cần đánh giá xem có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy độc lập không
để xem xét xử lý.
11. Liên ngành trung ương chưa
thống nhất hướng dẫn cụ thể về công tác giám định tư pháp;... dẫn đến một số vụ
việc phải kéo dài thời hạn xử lý, giải quyết, cũng như ảnh hưởng mối quan hệ phối
hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.
Trả lời:
Hiện liên ngành Trung ương (Bộ Công an chủ trì)
đang xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch quy định quan hệ phối hợp và trách nhiệm
trong hoạt động trưng cầu giám định tư pháp về hình sự để hướng dẫn giải quyết
các trường hợp này.
12. Việc áp dụng pháp luật
trong định tội danh liên quan đến tội Làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu giả của
cơ quan tổ chức còn nhiều vướng mắc do có quan điểm xử lý khác nhau, chưa thống
nhất, mặc dù đã có văn bản hướng dẫn nhưng chưa cụ thể, dẫn đến khó khăn trong
xử lý tội phạm thực hiện chuỗi hành vi làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức và
sử dụng tài liệu này để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mặt khác, liên ngành Trung
ương cũng chưa thống nhất hướng dẫn cụ thể về một số hành vi, như: Hành vi làm
giả tài liệu cơ quan, tổ chức; sử dụng tài liệu giả thực hiện hành vi trái pháp
luật; còn vướng mắc trong giải quyết hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ
quan, tổ chức, thiệt hại về tài sản cần định giá để xác định khấu hao tài sản.
Trả lời:
Hiện VKSND tối cao đang tiến hành khảo sát, tổng hợp
những khó khăn, vướng mắc khi giải quyết các vụ án về tội Làm giả con dấu, tài
liệu của cơ quan, tổ chức; tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ
chức (theo Kế hoạch số 65/KH-VKSTC ngày 30/3/2023). Do vậy, đề nghị địa phương
nêu rõ và phản ánh nội dung khó khăn, vướng mắc cụ thể liên quan đến việc xử lý
tội phạm này tới VSKND tối cao (Vụ 2) để giải quyết theo đúng chức trách, nhiệm
vụ.
13. Có một số vụ án, vụ việc
đang tạm đình chỉ theo Công văn hướng dẫn số 234 ngày 17/9/2014 của TAND tối
cao về xác định hàm lượng ma túy, tuy nhiên đến nay liên ngành Trung ương vẫn
chưa có hướng dẫn giải quyết dứt điểm các trường hợp này, dẫn đến số vụ án, vụ
việc tạm đình chỉ còn tồn đọng nhiều.
Trả lời:
Hướng dẫn tại Công văn số 234 không còn phù hợp với
các quy định của BLHS năm 2015, BLTTHS, Nghị định số 19/2018/NĐ-CP ngày
02/02/2018 của Chính phủ quy định về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất
ma túy tại một số điều của BLHS năm 2015... Do đó, đối với các vụ án, vụ việc
đã tạm đình chỉ theo Công văn số 234 thì cần xem xét để phục hồi, giải quyết
theo đúng quy định của BLHS, BLTTHS, Nghị định số 19/2018/NĐ-CP .
14. Chưa có hướng dẫn cụ thể về
ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung; chưa có quy định về xử lý vật chứng
khi tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm tham nhũng, kinh tế.
Trả lời:
14.1. Hướng dẫn về ghi âm, ghi hình có âm
thanh việc hỏi cung
Liên ngành Trung ương đã ban hành Thông tư liên tịch
số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP ngày 01/02/2018 hướng dẫn về trình tự,
thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ
kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét
xử.
Viện trưởng VKSND tối cao cùng đã ban hành các quyết
định: Quyết định số 264/QĐ-VKSTC ngày 21/7/2020 ban hành Quy trình tạm thời kiểm
sát việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh của cơ quan có thẩm quyền điều tra;
trực tiếp ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can, lấy lời khai
trong các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố; Quyết định số 202/QĐ-VKSTC ngày
5/6/2020 ban hành Quy trình tạm thời thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh
trong giai đoạn khởi tố, điều tra của CQĐT của VKSND tối cao; Quyết định số
291/QĐ-VKSTC ngày 10/9/2021 về tiêu chuẩn kỹ thuật trang thiết bị ghi âm hoặc
ghi hình có âm thanh trong việc hỏi cung bị can theo quy định của BLTTHS năm
2015 trong ngành KSND.
14.2. Quy định về xử lý vật chứng khi tạm
đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm tham nhũng, kinh tế
Việc xử lý vật chứng khi tạm đình chỉ vụ án vụ việc
được quy định tại Điều 13 Thông tư liên tịch số 01
/2020/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BNN&PTNT ngày 01/6/2020 quy định phối
hợp thực hiện một số điều của BLTTHS về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc
tạm đình chỉ. Theo đó, việc quản lý, xử lý vật chứng, tài liệu, đồ vật, tài sản
tạm giữ trong vụ án, vụ việc tạm đình chỉ được thực hiện theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 90 và khoản 3 Điều 106 BLTTHS. Trường hợp
xử lý vật chứng, tài liệu, đồ vật, tài sản tạm giữ có tính chất phức tạp thì
các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trao đổi, thống nhất bằng văn bản
biện pháp xử lý trước khi ra quyết định xử lý. Hiện nay, Bộ Công an đang triển
khai xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn về xử lý vật chứng trong tố tụng
hình sự, trong đó sẽ có nội dung liên quan đến xử lý vật chứng trong vụ án tạm
đình chỉ.
15. Một số quy định của pháp
luật về tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự chưa đầy đủ, rõ ràng và cụ thể đã
bộc lộ hạn chế, bất cập nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban
hành mới cho phù hợp như: Hướng dẫn điều kiện hoãn, miễn, tạm đình chỉ, giảm thời
hạn chấp hành án phạt tù; quy định cụ thể về ngày Trại giam phải chuyển hồ sơ đề
nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đến Tòa án, VKS; chưa có quy định cụ thể thời hạn Hội đồng xét, đề nghị giảm
thời hạn chấp hành án phạt tù của Trại giam tổ chức họp, nghe báo cáo kết quả
xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của các phân trại sau đó hoàn
chỉnh hồ sơ, danh sách do Chủ tịch Hội đồng ký chuyển đến Hội đồng thẩm định của
Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an để thẩm định; chưa có quy
định cụ thể thời gian Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành
án phạt tù họp để thẩm định hồ sơ, danh sách do Trại giam chuyển đến.
Trả lời:
- Đây là những khó khăn, vướng mắc liên quan đến
các quy định của pháp luật về thi hành án hình sự. So với quy định của BLHS năm
1999, quy định của BLHS năm 2015 về điều kiện hoãn, tạm đình chỉ thời hạn chấp
hành án phạt tù không thay đổi. Do vậy, trong thời gian chờ hướng dẫn mới của
cơ quan có thẩm quyền, có thể tham khảo các hướng dẫn còn phù hợp tại Thông tư
liên tịch số 03/2013/TTLT-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BYT , Thông tư liên tịch số
02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC để xử lý. Hiện nay, Hội đồng Thẩm phán TAND
tối cao cũng đang xây dựng Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của
BLHS năm 2015 về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời
hạn chấp hành hình phạt.
- Tại Thông tư liên tịch số
02/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA- BQP ngày 12/8/2021 quy định quan hệ phối hợp
trong việc thực hiện trình tự, thủ tục tạm đình chỉ và giảm thời hạn chấp hành
án phạt tù cũng đã quy định cụ thể về hồ sơ, trình tự, thủ tục xét, đề nghị,
quyết định và thi hành quyết định giảm thời hạn chấp hành phạt tù. Tại khoản 1 Điều 16 Thông tư liên tịch số 02/2021 cũng quy định: “Trong
thời hạn 3 ngày kể từ ngày lập hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt
tù, cơ quan đề nghị phải chuyển hồ sơ cho Tòa án có thẩm quyền và VKS cùng cấp
với Tòa án”. Đối với các nội dung vướng mắc khác về thời hạn, cần bảo đảm
trong thời hạn trước thời điểm xét giảm ít nhất 20 ngày (khoản
1 Điều 13 Thông tư liên tịch số 02/2021).
II. Khó khăn, vướng mắc liên
quan đến dân sự, tố tụng dân sự và các lĩnh vực khác
1. Chưa có biện pháp xử lý số
việc, số tiền chưa có điều kiện thi hành trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế.
Trả lời:
Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Chỉ thị số
06/CT-VKSTC ngày 26/6/2020 về tăng cường kiểm sát thi hành án dân sự về thu
hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng,
kinh tế, đề nghị VKSND các cấp thực hiện nghiêm các biện pháp được nêu
trong Chỉ thị này.
Khoản 2 Điều 44 Luật Thi hành án
dân sự về “Xác minh điều kiện thi hành án” quy định: “Trường hợp
người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án thì ít nhất 06 tháng một lần,
Chấp hành viên phải xác minh điều kiện thi hành án. Sau hai lần xác minh mà người
phải thi hành án vẫn chưa có điều kiện thi hành án thì cơ quan thi hành án dân
sự phải thông báo bằng văn bản cho người được thi hành án về kết quả xác minh.
Việc xác minh lại được tiến hành khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án
của người phải thi hành án”. Do vậy, để xử lý số tiền, số việc chưa có điều
kiện thi hành thì Chấp hành viên phải thường xuyên xác minh và theo dõi về điều
kiện thi hành án của người phải thi hành án để kịp thời xử lý theo đúng quy định.
VKS phải kiểm sát chặt chẽ việc Cơ quan thi hành án dân sự thực hiện việc xác
minh điều kiện thi hành án theo đúng quy định của pháp luật.
- Vụ Kiểm sát thi hành án dân sự (Vụ 11) VKSND tối
cao, VKSND các cấp cần chủ động rà soát, phân loại số việc, số tiền chưa có điều
kiện thi hành; nếu khó khăn xử lý theo từng nhóm và đề xuất biện pháp xử lý,
báo cáo Lãnh đạo VKSND tối cao.
2. Hệ thống văn bản pháp luật,
cơ chế, chính sách vẫn còn bất cập, chồng chéo, thiếu đồng bộ nên chưa đáp ứng
được yêu cầu, như: Pháp luật về thi hành án dân sự về giá, về đấu giá tài sản
và các quy định liên quan chưa quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của VKSND
khi tiến hành kiểm sát việc thẩm định giá, bán đấu giá tài sản của tổ chức thẩm
định và tổ chức bán đấu giá; về thời hạn trả lời kiến nghị và việc thực hiện kiến
nghị của VKS.
Trả lời:
- Chức năng, nhiệm vụ của VKSND khi tiến hành kiểm
sát việc thẩm định giá, bán đấu giá tài sản về thi hành án đã quy định cụ thể tại
khoản 2 Điều 12 Luật Thi hành án dân sự[2], Điều 28 Luật
Tổ chức VKSND năm 2014[3],
VKSND các cấp cần căn cứ vào các quy định này đề tiến hành kiểm sát việc thẩm định
giá, bán đấu giá tài sản thi hành án.
- Theo quy định tại Điều 5 Luật Tổ
chức VKSND năm 2014, Điều 34 và Điều 35 Quy chế công tác kiểm
sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính (ban hành kèm theo Quyết định số
810/QĐ-VKSTC ngày 20/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao) (Quy chế 810)
có quy định về việc các cơ quan thi hành án dân sự, Tòa án, cơ quan hữu quan có
trách nhiệm trả lời kiến nghị của VKS. Tuy nhiên, pháp luật chưa quy định cụ thể
thời gian trả lời kiến nghị của các cơ quan này. Đối với vướng mắc này, hiện
nay, VKS các cấp cần thực hiện những biện pháp như: (i) Xây dựng Quy chế
phối hợp công tác liên ngành, trong đó có thể quy định thời hạn để Cơ quan thi
hành án dân sự bị kiến nghị có trách nhiệm thực hiện và trả lời kiến nghị của
VKS; (ii) Trong văn bản kiến nghị khắc phục vi phạm ít nghiêm trọng của
VKS có thể nêu rõ thời gian đề nghị cơ quan phải trả lời kiến nghị. Đồng thời,
thực hiện theo dõi, phúc tra việc thực hiện kiến nghị theo quy định tại khoản 3 Điều 34 Quy chế 810.
3. Mẫu số 01 về Quyết định
công nhận kết quả hòa giải thành tại Tòa án và Mẫu số 02 về Quyết định không
công nhận kết quả hòa giải thành tại Tòa án ban hành kèm theo Công văn số
235/TANDTC-PC ngày 31/12/2021 của Chánh án TAND tối cao không thể hiện ngày Tòa
án nhận được biên bản và tài liệu kèm theo, gây khó khăn cho công tác kiểm sát
thời hạn ban hành Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải
thành, đối thoại thành tại Tòa án.
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 32
Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án: VKSND chỉ được nhận Quyết định công nhận
hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành mà không quy định
được nhận biên bản và các tài liệu kèm theo, đồng thời, tại mẫu Quyết định (ban
hành kèm theo Công văn số 235/TANDTC-PC ngày 31/12/2021 của Chánh án TAND tối
cao không thể hiện ngày Tòa án nhận được biên bản và tài liệu kèm theo); do đó,
Kiểm sát viên cần chủ động yêu cầu Tòa án cung cấp các thông tin trên để bảo đảm
kiểm sát chặt chẽ quyết định.
4. Trường hợp tranh chấp đất
đai đã được hòa giải thành tại UBND cấp xã, nhưng một bên đương sự không thực
hiện theo nội dung đã hòa giải thành thì bên đương sự còn lại có quyền khởi kiện
đến TAND để giải quyết không?
Trả lời:
Khoản 4 Điều 88 Nghị định số
43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số
điều của Luật Đất đai quy định: “...Trường hợp hòa giải không thành hoặc sau
khi hòa giải thành mà có ít nhất một trong các bên thay đổi ý kiến về kết quả
hòa giải thì UBND cấp xã lập biên bản hòa giải không thành và hướng dẫn các bên
tranh chấp gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tiếp theo”.
Như vậy, trong trường hợp này, đương sự có quyền khởi
kiện đến TAND để giải quyết, UBND cấp xã có trách nhiệm lập biên bản và hướng dẫn
các bên tranh chấp gửi đơn đến TAND để giải quyết tranh chấp.
5. Cần quy định rõ “các tranh
chấp khác”, “các yêu cầu khác” hoặc “các trường hợp khác” trong một số điều
trong BLTTDS để thực hiện thống nhất.
Trả lời:
Quy định “các tranh chấp khác”, “các yêu
cầu khác”, “các trường hợp khác” là những quy định mở nhằm mục đích
dự liệu những trường hợp phát sinh trong thực tiễn mà pháp luật chưa có quy định
cụ thể để điều chỉnh. Việc quy định cụ thể sẽ được hướng dẫn tại các văn bản
quy phạm pháp luật khác liên quan (như Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày
05/5/2017 về hướng dẫn một số quy định về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn
khởi kiện lại vụ án tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 BLTTDS
có giải thích về “các trường hợp khác” tại khoản 4 Điều
6[4]).
6. Khoản
2 Điều 21 BLTTDS chưa quy định cụ thể về việc VKS
có tham gia các phiên tòa sơ thẩm đối với các vụ án có đương sự là người chưa
thành niên nhưng vụ án Tòa không thu thập chứng cứ.
Trả lời:
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 21
BLTTDS[5]
thì VKS tham gia phiên tòa sơ thẩm khi thuộc một trong các trường hợp sau: (1)
Trường hợp vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ; (2) vụ án có đối
tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc
có đương sự là người chưa thành niên... ”
Như vậy, BLTTDS đã quy định cụ thể VKS có trách nhiệm
tham gia các phiên tòa sơ thẩm khi vụ án có đương sự là người chưa thành niên
(không phân biệt là Tòa án có thu thập chứng cứ hay không thu thập chứng cứ).
7. Nhiều vụ án VKS phát hiện
vi phạm và ban hành kháng nghị phúc thẩm nhưng khi nhận được kháng nghị của
VKS, Thẩm phán giải quyết vụ án lại thông báo sửa chữa, bổ sung bản án có liên
quan đến nội dung của quyết định kháng nghị thì có được chấp nhận không?
Trả lời:
Khoản 7 Điều 10 Quy định về hướng dẫn
hoạt động của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa dân sự phúc thẩm (ban hành kèm
theo Quyết định số 363/QĐ-VKSTC ngày 12/10/2020 của Viện trưởng VKSND tối
cao) đã quy định:
“7. Trường hợp VKS đã ban hành kháng nghị, nhưng
sau đó Tòa án đã tuyên bản án sơ thẩm lại ban hành quyết định sửa chữa, bổ sung
bản án sơ thẩm mà nội dung thông báo sửa chữa, bổ sung bản án sơ thẩm có liên
quan đến nội dung của quyết định kháng nghị thì:
a) Đối với trường hợp Tòa án ban hành quyết định
sửa chữa, bổ sung bản án theo đúng quy định tại Điều 268 BLTTDS[6], người
nghiên cứu hồ sơ vụ án báo cáo, đề xuất người có thẩm quyền rút kháng nghị đối
với nội dung kháng nghị mà Tòa án đã sửa chữa, bổ sung bản án;
b) Đối với trường hợp Tòa án ban hành quyết định
sửa chữa, bổ sung bản án không đúng quy định tại Điều 268
BLTTDS thì người nghiên cứu hồ sơ vụ án báo cáo, đề xuất người có thẩm quyền
giữ nguyên nội dung kháng nghị, đồng thời tổng hợp vi phạm để dự thảo phát biểu
tại phiên tòa phúc thẩm hoặc kiến nghị tổng hợp”.
8. Khi VKS tham gia phiên
tòa, nhận thấy quyết định của bản án là không phù hợp với quy định của pháp luật,
VKS kháng nghị trong thời hạn luật định nhưng không biết đương sự có kháng cáo
hay không nên xảy ra trường hợp VKS kháng nghị nhưng đương sự không kháng cáo dẫn
đến VKS rút kháng nghị do không còn cần thiết.
Trả lời:
- Khoản 4 Điều 10 Quy định số
363/QĐ-VKSTC[7]
quy định: “Trường hợp... xác định bản án, quyết định sơ thẩm có vi phạm
pháp luật... mà những đương sự... không kháng cáo mà VKS đã kháng nghị
để bảo vệ quyền, lợi ích của họ nhưng họ có văn bản hoặc lời khai từ chối việc
bảo vệ quyền lợi cho họ vì họ chấp nhận bản án sơ thẩm thì người nghiên
cứu hồ sơ vụ án báo cáo, đề xuất người có thẩm quyền rút nội dung kháng nghị đó”.
- Khoản 2 Điều 326 BLTTDS quy định:
“2. Người có thẩm quyền kháng nghị quy định tại Điều 331 của Bộ luật này
kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật khi có một
trong các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này và có đơn đề nghị theo quy định
tại Điều 328 của Bộ luật này hoặc có thông báo, kiến nghị theo quy định tại khoản
2 và khoản 3 Điều 327 của Bộ luật này; trường hợp xâm phạm đến lợi ích công
cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ
ba thì không cần phải có đơn đề nghị”.
Căn cứ các quy định nêu trên thì khi VKSND phát hiện
vi phạm pháp luật nghiêm trọng cần phải chủ động thực hiện quyền kháng nghị để
bảo đảm thời hạn, nếu sau khi kháng nghị mà đương sự không yêu cầu tiếp tục giải
quyết, đồng thời có văn bản hoặc lời khai từ chối việc bảo vệ quyền lợi và chấp
nhận bản án sơ thẩm thì Kiểm sát viên đề xuất rút kháng nghị (do liên quan đến
quyền tự định đoạt của đương sự) trừ trường hợp xâm phạm đến lợi ích công
cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba thì không
cần phải có đơn đề nghị.
9. BLTTDS không quy định thời
hạn tạm đình chỉ cụ thể là bao lâu.
Trả lời:
Hiện BLTTDS không có quy định về thời hạn tạm đình
chỉ giải quyết vụ án dân sự. Tuy nhiên, theo Điều 216 BLTTDS
có quy định về quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự như sau: “kể từ
ngày lý do tạm đình chỉ giải quyết vụ án... không còn thì Tòa án phải ra quyết
định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự và gửi quyết định đó cho đương sự, cơ
quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, VKS cùng cấp”. Như vậy, pháp luật không
có quy định cụ thể thời hạn tạm đình chỉ là bao lâu mà thời hạn tạm định chỉ
này sẽ kéo dài cho đến khi khắc phục được lý do tạm đình chỉ và Tòa án ra quyết
định tiếp tục giải quyết vụ án.
10. Sau khi xét xử sơ thẩm,
phát hiện bản án có vi phạm, VKS ngang cấp tiến hành các bước để kháng nghị.
Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm lại chậm trễ trong việc chuyển bản án cho VKS làm
ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng và thời hạn thực hiện quyền kháng nghị.
Trả lời:
Điều 280 BLTTDS, Điều
213 Luật TTHC quy định: “Thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp
sơ thẩm của VKS cùng cấp là 15 ngày, của VKS cấp trên trực tiếp là 01 tháng, kể
từ ngày tuyên án”. Trường hợp Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa thì
thời hạn kháng nghị tính từ ngày VKS cùng cấp nhận được bản án”. Thông qua
công tác kiểm sát, nếu phát hiện thời hạn bị chậm, VKS chủ động ban hành kiến
nghị tổng hợp đề nghị Tòa án kiểm tra, rút kinh nghiệm và đề ra biện pháp khắc
phục kịp thời, tránh để xảy ra những vi phạm tương tự.
11. Tại khoản 3 Điều 273 BLTTDS và khoản 3 Điều 206 Luật
TTHC đều quy định đương sự có quyền gửi đơn kháng
cáo qua dịch vụ bưu chính, trường hợp này ngày kháng cáo được tính căn cứ vào
ngày tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Trong khi theo quy
định tại khoản 2 Điều 279 BLTTDS và khoản
2 Điều 212 Luật TTHC quyết định kháng nghị của
VKS phải gửi trực tiếp cho Tòa án bị kháng nghị.
Trả lời:
Khoản 2 Điều 279 BLTTDS: “Quyết
định kháng nghị phải được gửi ngay cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định
sơ thẩm bị kháng nghị để Tòa án cấp sơ thẩm tiến hành các thủ tục do Bộ luật
này quy định và gửi hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp phúc thẩm theo quy định tại Điều
283 của Bộ luật này”.
Khoản 2 Điều 212 Luật TTHC quy
định: “Quyết định kháng nghị phải được gửi ngay cho Tòa án cấp sơ thẩm
đã ra bản án, quyết định bị kháng nghị để Tòa án cấp sơ thẩm tiến hành các thủ
tục quy định tại Điều 216 của Luật này...”.
Căn cứ các quy định nêu trên thì pháp luật không
quy định hình thức gửi quyết định kháng nghị VKSND mà chỉ quy định là “phải
được gửi ngay”, do đó, VKSND có thể lựa chọn hình thức phù hợp (có thể trực
tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính) và phải bảo đảm yêu cầu về thời hạn.
12. Khoản 1 Điều 4 Pháp lệnh số 09/2014 quy
định VKS có quyền yêu cầu khi thực hiện các hoạt động kiểm sát việc xem xét,
quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND. Tuy nhiên, không
quy định cụ thể các trường hợp VKS được thực hiện quyền yêu cầu đối với Tòa án
và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trả lời:
Pháp lệnh số 03/2022/UBTVQH15 ngày 13/12/2022 về
trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại
TAND (Pháp lệnh số 03/2022/UBTVQH15) (thay thế Pháp lệnh số 09/2014) không quy
định cụ thể các trường hợp VKSND thực hiện “quyền yêu cầu” do quá trình
xây dựng Pháp lệnh được thực hiện theo quy trình rút gọn, do vậy, nội dung của
Pháp lệnh không thể quy định cụ thể, chi tiết những hoạt động thực hiện nhiệm vụ,
quyền hạn của các cơ quan liên quan. Quá trình tổng kết Pháp lệnh số 09/2014
(hiện là Pháp lệnh số 03/2022/UBTVQH15) cho thấy, VKS vẫn thực hiện hiệu quả đối
với các nội dung về “quyền yêu cầu”, việc thực hiện “quyền yêu cầu”
căn cứ theo quy định chung về nhiệm vụ, quyền hạn của VKS được quy định cụ thể
tại điểm a khoản 3 Điều 4 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 quy định
“... VKSND có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá
nhân thực hiện hoạt động tư pháp theo đúng quy định của pháp luật; tự kiểm tra
việc tiến hành hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền và thông báo kết quả cho VKSND;
cung cấp hồ sơ, tài liệu để VKSND kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết
định trong hoạt động tư pháp”.
Do đó, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm sát
việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của Tòa án, khi cần
thiết, VKS thực hiện quyền yêu cầu theo quy định tại khoản 1 Điều
4 Pháp lệnh số 03/2022/UBTVQH15 và quy định của Luật Tổ chức VKSND năm 2014
để bảo đảm mọi hoạt động tư pháp được thực hiện theo đúng quy định pháp luật.
13. Khoản 3 Điều 4 Pháp lệnh số 09/2014 quy
định VKS chỉ có quyền nghiên cứu hồ sơ vụ việc tại TAND cùng cấp sau khi nhận
được thông báo thụ lý hồ sơ, tuy nhiên, Pháp lệnh số 09/2014 không quy định cụ
thể thời hạn nghiên cứu hồ sơ, chuyển hồ sơ cho VSK để nghiên cứu tham gia
phiên họp.
Trả lời:
Pháp lệnh số 03/2022/UBTVQH (thay thế Pháp lệnh số
09/2014) không quy định thời hạn nghiên cứu hồ sơ và việc TAND chuyển hồ sơ cho
VKS để nghiên cứu tham gia phiên họp (quy định này tương tự với quy định tại
Pháp lệnh số 09/2014). Đối với việc nghiên cứu hồ sơ, khoản 3
Điều 4 Pháp lệnh số 03/2022/UBTVQH15 quy định: “Sau khi nhận được thông
báo thụ lý hồ sơ của Tòa án cùng cấp, VKS có quyền nghiên cứu hồ sơ vụ việc
tại Tòa án đã thụ lý, có quyền sao chụp hồ sơ vụ việc đó”. Do đó, Kiểm
sát viên cần chủ động nghiên cứu hồ sơ tại Tòa án từ thời điểm nhận được thông
báo thụ lý cho đến trước khi mở phiên họp; trường hợp cần thiết thì yêu cầu Tòa
án cho sao chụp lại hồ sơ, tài liệu để nghiên cứu, tham gia phiên họp.
14. Theo quy định tại
điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14[8] thì người đồng bào dân tộc thiểu số ở các “xã” đặc biệt
khó khăn được miễn tạm ứng án phí, án phí. Vậy người đồng bào dân tộc thiểu số ở
các “thôn” đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Ủy ban Dân tộc có thuộc trường
hợp được miễn tạm ứng án phí, án phí không?
Trả lời:
Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban
Dân tộc đã phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc
thiểu số và miền núi giai đoạn năm 2021-2025, trong đó, có nhiều thôn đặc biệt
khó khăn nhưng không thuộc xã đặc biệt khó khăn, do đó, việc quy định tại Nghị
quyết số 326/2016/UBTVQH14 là chưa đầy đủ. Vụ 14 sẽ ghi nhận để tham mưu Lãnh đạo
VKSND tối cao kiến nghị cơ quan có thẩm về vấn đề này.
B. VỀ KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT CỦA
CÁC ĐƠN VỊ, VIỆN KIỂM SÁT CẤP DƯỚI
1. Đề xuất lãnh đạo VKSND tối
cao giao cho đơn vị đầu mối của Ngành (Vụ 14) tham mưu tăng cường công tác hệ
thống hóa các văn bản pháp luật phục vụ cho từng khâu công tác.
Trả lời:
Đây là nhiệm vụ của Vụ 14 đã được giao tại điểm g
khoản 1 Điều 3 Quy chế tổ chức và hoạt động của Vụ 14 VKSND tối cao (ban hành
kèm theo Quyết định số 258/QĐ-VKSTC ngày 18/8/2021 của Viện trưởng VKSND tối
cao).
Thời gian qua, Vụ 14 đã tham mưu Lãnh đạo VKSND tối
cao thực hiện tốt nhiệm vụ này bằng nhiều hoạt động như: tham gia xây dựng Bộ
pháp điển, trong đó, chủ trì xây dựng đề mục tố tụng hình sự, tổ chức VKSND; phối
hợp với TAND tối cao, các bộ, ngành hữu quan xây dựng các đề mục dân sự, đất
đai, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính.... Bộ pháp điển đã tập hợp, sắp xếp
các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực trong các văn bản quy phạm pháp luật
do cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành... và đăng công khai trên trang thông
tin của Bộ Tư pháp[9].
Vừa qua, ngày 08/11/2023, Vụ 14 đã tham mưu Lãnh đạo VKSND tối cao tổ chức Hội
nghị tập huấn khai thác, sử dụng Bộ pháp điển và đang triển khai xây dựng Tập hệ
thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2019 - 2023 trong ngành KSND.
2. Phối hợp liên ngành tổ chức
hội nghị tập huấn, giải đáp, hướng dẫn áp dụng pháp luật.
Trả lời:
Hàng năm, VKSND tối cao đều ban hành Kế hoạch tổ chức
hội nghị, hội thảo. Đề nghị các VKSND địa phương đề xuất tổ chức hội nghị tập
huấn, giải đáp, hướng dẫn cụ thể các khó khăn, vướng mắc cần hướng dẫn, giải
đáp hoặc cần liên ngành tập huấn về nội dung gì.
3. Đề nghị liên ngành Trung
ương ban hành văn bản hướng dẫn việc áp dụng pháp luật trong công tác đấu
tranh, xử lý các vụ án, vụ việc, như: Việc áp dụng Án lệ số 47 về tội Giết người,
Án lệ số 57 về áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” và “phạm
tội 02 lần trở lên”; làm giả tài liệu cơ quan, tổ chức; sử dụng tài liệu giả thực
hiện hành vi trái pháp luật; việc xác định đồng phạm trong vụ án Tổ chức sử dụng
trái phép chất ma túy, Giết người, cố ý gây thương tích; hành vi tàng trữ ma
túy thu giữ được khi đang tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; trong giải quyết
án về tội Đánh bạc, Tổ chức đánh bạc; hành vi tham ô, đưa hoặc nhận hối lộ xảy
ra trong các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân; truy cứu trách nhiệm hình sự pháp
nhân thương mại; công tác giám định tư pháp.
Trả lời:
- Việc đề nghị liên ngành có văn bản hướng dẫn áp dụng
các án lệ và hầu hết các vướng mắc về pháp luật nội dung nêu trên là không hợp
lý, việc ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng các án lệ và các vướng mắc về
pháp luật nội dung thuộc thẩm quyền của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao.
- Đối với nội dung đề nghị hướng dẫn về hành vi
tham ô, đưa hoặc nhận hối lộ xảy ra trong các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân:
VKSND tối cao cũng đã có Công văn số 4115/VKSTC-V14 ngày 28/9/2023 gửi TAND tối
cao đề nghị hướng dẫn xử lý đối với các tội phạm tham nhũng trong các doanh
nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước. Ngày 03/10/2023, TAND tối cao đã có Công văn số
196/TANDTC-PC thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong công
tác xét xử, trong đó, có giải đáp về nội dung này.
- Đối với các nội dung khác: đã trả lời ở các tiểu
mục 7, 8, 10,12, 14 Mục I Phần A Công văn này.
4. Đối với các đơn vị được
giao nghiên cứu Đề án, Đề tài, Chuyên đề, sau khi được nghiệm thu chính thức được
đăng ở Tạp chí Kiểm sát để công bố rộng rãi trong và ngoài Ngành.
Trả lời:
Nội dung vướng mắc tương tự đã được Tạp chí Kiểm
sát đưa ra vào năm 2021 và Vụ 14 đã tham mưu xây dựng văn bản giải đáp VKSND
các cấp. Việc đăng tải Đề án, Đề tài, Chuyên đề sau khi được nghiệm thu chính
thức là thuộc quyền của các Ban Chủ nhiệm, tác giả thực hiện công trình đó, trường
hợp Tạp chí Kiểm sát muốn công bố rộng rãi trong và ngoài Ngành cần liên hệ,
trao đổi trực tiếp với Ban chủ nhiệm, tác giả.
Trên đây là giải đáp khó khăn, vướng mắc, kiến nghị,
đề xuất của các đơn vị, VKS các cấp qua sơ kết, giao ban công tác 09 tháng đầu
năm 2023 thuộc trách nhiệm của Vụ 14, kính gửi các đơn vị, VKS các cấp./.
Nơi nhận:
- Như kính gửi;
- Đ/c Viện trưởng VKSTC (để báo cáo);
- Các đ/c PVT VKSTC (để báo cáo);
- Lưu: VT, V14.
|
TL. VIỆN TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG
VỤ PHÁP CHẾ VÀ QUẢN LÝ KHOA HỌC
Hoàng Thị Quỳnh Chi
|
[1] “Người có thành tích xuất sắc trong sản xuất,
chiến đấu, học tập hoặc công tác là người được tặng thưởng huân chương, huy
chương, bằng khen, bằng lao động sáng tạo hoặc có sáng chế, phát minh có giá trị
hoặc nhiều năm được công nhận là chiến sỹ thi đua”.
[2] Khoản 2 Điều 12 Luật Thi hành án dân sự quy
định: “2. VKSND kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án, cơ quan
thi hành án dân sự, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên
quan trong việc thi hành án dân sự. Khi kiểm sát thi hành án dân sự, VKSND
có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:...c) Trực tiếp kiểm sát hoạt động thi
hành án dân sự của cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới, Chấp hành
viên, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan; ban hành kết
luận kiểm sát khi kết thúc việc kiểm sát;...đ) Kiến nghị xem xét hành vi,
quyết định liên quan đến thi hành án có vi phạm pháp luật ít nghiêm
trọng của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp hoặc cấp dưới, yêu cầu khắc
phục vi phạm pháp luật và xử lý người vi phạm; kiến nghị cơ quan, tổ chức
liên quan có sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý khắc phục nguyên nhân, điều
kiện dẫn tới vi phạm pháp luật và áp dụng các biện pháp phòng ngừa”.
[3] Điều 28 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 quy định:
“Nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND khi kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án
hành chính...5. Kiểm sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên
quan trong việc thi hành án. ...6. Yêu cầu Tòa án, cơ quan thi hành
án dân sự cùng cấp và cấp dưới, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức và cá nhân
liên quan đến việc thi hành án thực hiện các việc sau đây: a) Ra quyết định
thi hành án đúng quy định của pháp luật; b) Thi hành bản án, quyết định theo
quy định của pháp luật; c) Tự kiểm tra việc thi hành án và thông báo kết quả
cho VKSND; d) Cung cấp hồ sơ, tài liệu, vật chứng có liên quan đến việc thi
hành án... 7. Kiến nghị Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp
dưới, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đầy đủ trách nhiệm
trong việc thi hành án:...”.
[4] Khoản 4 Điều 6 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP
ngày 05/5/2017 quy định: “Điều 6. Xử lý việc ghi địa chỉ của người bị kiện,
người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan… .4. Trường hợp vụ án bị đình chỉ giải
quyết theo hướng dẫn tại điểm c khoản 2 Điều này thì theo quy định tại điểm d
khoản 3 Điều 192 BLTTDS năm 2015, người khởi kiện có quyền khởi kiện lại vụ
án đó khi cung cấp được đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có
trụ sở của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.
[5] Khoản 2 Điều 21 BLTTDS quy định: “2. VKS
tham gia các phiên họp sơ thẩm đối với các việc dân sự; phiên tòa sơ thẩm đối với
những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là
tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có đương sự là
người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng
lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc trường
hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 của Bộ luật này”.
[6] Điều 268 BLTTDS quy định: “Sau khi tuyên
án xong thì không được sửa chữa, bổ sung bản án, trừ trường hợp phát hiện lỗi
rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai”.
[7] Quy định về hướng dẫn hoạt động của Kiểm sát
viên tham gia phiên tòa dân sự phúc thẩm (Ban hành kèm theo Quyết định số
363/QĐ-VKSTC ngày 12/10/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao).
[8] Nghị Quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016
của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản
lý và sử dụng án phí và lệ phí.
[9]
https://phapdien.moj.gov.vn/TraCuuPhapDien/MainBoPD.aspx.