BỘ TÀI
CHÍNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 14504/BTC-QLCS
V/v
thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong công tác
quản lý tài sản công.
|
Hà Nội, ngày 22 tháng 12
năm 2021
|
Kính gửi:
|
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan
thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
|
Triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản
công năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật, để bảo đảm việc
quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, khai thác có hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí tài sản
công, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,
cơ quan khác ở Trung ương (sau đây gọi là Bộ, cơ quan trung ương), Ủy ban nhân
dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh)
quan tâm chỉ đạo thực hiện đầy đủ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp về quản lý
tài sản công theo quy định của pháp luật. Trong đó, lưu ý một số
nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
1. Các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh quán triệt đầy đủ các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu,
nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến quản lý, khai thác nguồn lực tài sản công được
chỉ ra trong Văn kiện Đại
hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/01/2019 của Bộ
Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn
lực của nền kinh tế, Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban chấp hành Trung
ương Đảng (khóa XIII) về những điều Đảng viên không được làm, Hướng dẫn số
02-HD/UBKTTW ngày 29/11/2021 của Ủy ban Kiểm tra trung ương hướng dẫn thực hiện
những điều đảng
viên không được làm; tiếp tục tổ chức phổ biến, tuyên truyền Luật Quản lý, sử dụng tài
sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật; rà soát các văn bản
quy phạm pháp luật do Bộ, cơ quan trung ương, địa phương ban hành liên quan đến
quản lý, sử dụng tài sản công để kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban
hành mới bảo đảm phù hợp với quy định của Luật và các văn bản quy định chi tiết
thi hành.
2. Năm 2022, Bộ Tài chính thực hiện rà
soát các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công
để báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện bảo đảm đồng bộ, phù hợp với
tình hình thực tế và yêu cầu quản lý trong giai đoạn hiện nay. Đề nghị các Bộ,
cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức đánh giá việc thực
hiện các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công
thuộc phạm vi quản lý, đề xuất, kiến nghị những nội dung cụ thể cần sửa đổi, bổ
sung, hoàn thiện; đồng thời, đóng góp ý kiến đối với các dự thảo của Bộ Tài chính để giải
quyết các vấn đề bất cập phát sinh trong thực tiễn.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ sớm hoàn
thành việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các loại tài sản
kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ để báo
cáo cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản sửa đổi,
bổ sung, thay thế về chế độ quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng
cho phù hợp với quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công theo đúng chỉ đạo
của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 10/12/2019.
3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung
ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh tiếp tục chỉ đạo rà soát, hoàn thiện quy định về phân cấp quản
lý tài sản công theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của
Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công;
phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên
dùng (diện tích công trình sự nghiệp thuộc cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô chuyên dùng,
máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc phạm vi quản lý) theo quy định tại Nghị định
số 152/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử
dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, Nghị định số 04/2019/NĐ-CP
ngày 11/01/2019 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô,
Nghị định số 85/2018/NĐ-CP ngày 30/5/2018 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định
mức sử dụng xe ô tô tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân và Quyết định số
50/2017/QĐ-TTg ngày 31/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định
mức sử dụng máy móc, thiết bị; phân cấp thẩm quyền quyết định xác lập sở hữu
toàn dân về tài sản và phân cấp thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản được
xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định tại Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày
05/3/2018 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn
dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; đảm
bảo phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế, phân cấp mạnh cho
địa phương, cơ sở gắn với việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực
hiện.
4. Bộ Y tế khẩn trương hoàn thành việc
ban hành quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích
công trình sự nghiệp trong lĩnh vực y tế theo quy định tại Nghị định số
152/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017 của Chính phủ.
Các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo xây dựng, ban hành kịp thời tiêu chuẩn, định mức sử dụng
tài sản công chuyên dùng theo thẩm quyền để làm cơ sở thực hiện việc giao, đầu
tư xây dựng, mua sắm, quản lý, sử
dụng, xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Thực
hiện công khai tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công chuyên dùng trên Cổng thông tin
điện tử của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương.
5. Tạm thời chưa thực hiện mua sắm tập
trung cấp quốc gia theo đúng Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 10/12/2019 của Thủ tướng
Chính phủ (trừ thuốc; sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế,... phục vụ phòng,
chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ). Các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh khẩn trương chỉ đạo rà soát danh mục mua sắm tập trung
thuộc thẩm quyền ban hành của bộ, ngành, địa phương để ban hành mới, sửa đổi, bổ
sung, bảo đảm căn cứ pháp lý theo quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số
63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của
Chính phủ, tránh việc ban hành danh mục mua sắm tập trung nhưng không thực hiện
mua sắm tập trung làm ảnh hưởng tới việc trang bị tài sản của các cơ quan, tổ
chức, đơn vị và vi phạm quy định về mua sắm tài sản công; ban hành
hướng dẫn về tiêu chuẩn kỹ thuật và mức giá dự toán của tài sản thuộc danh mục
mua sắm tập trung của bộ, cơ quan trung ương, địa phương phù hợp với tiêu chuẩn,
định mức và nhu cầu sử dụng của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý;
yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị đăng ký nhu cầu mua sắm tập trung gửi đơn
vị mua sắm tập trung đúng thời hạn để tổng hợp và lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch
vụ đáp ứng kịp thời yêu cầu về tài sản phục vụ thực hiện nhiệm vụ; xử lý các trường
hợp không đăng ký hoặc đăng ký nhu cầu mua sắm tập trung không đúng thời hạn
theo quy định; yêu cầu đơn vị mua sắm tập trung thực hiện nghiêm việc lựa chọn
nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu, bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ và
giá mua tối ưu.
6. Các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý khẩn
trương xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới Quy chế quản lý, sử dụng
tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị; xác định giá trị quyền sử dụng đất để
tính vào giá trị tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị (lưu ý rà soát các trường hợp năm 2020 phải
điều chỉnh giá trị quyền sử dụng đất nhưng chưa thực hiện); tổ chức quản lý, sử
dụng, xử lý tài sản công được giao đúng quy định của pháp luật, công khai, minh
bạch; thực hiện nghiêm túc việc đăng tải thông tin đấu thầu, đấu giá, niêm yết
giá khi thực hiện mua sắm, thuê tài sản, sử dụng tài sản công vào mục đích cho
thuê, liên doanh, liên kết, bán, chuyển nhượng tài sản công, cho
thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu
hạ tầng... theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị,
Ban Quản lý dự án được giao xử lý tài sản công chấp hành nghiêm quy định về việc
lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, xác định giá khởi điểm tài sản đấu giá, thực
hiện nghiêm túc, đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá theo
quy định tại Điều 47 Luật Đấu giá tài sản, đặc biệt là giám
sát quá trình tổ chức thực hiện việc đấu giá để khắc phục tình trạng
thông đồng, dìm giá và các hành vi vi phạm khác trong đấu giá tài sản. Thực hiện
thu, nộp tiền bán, chuyển nhượng, thanh lý, cho thuê tài sản đầy đủ, kịp thời,
đúng pháp luật.
Các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý tổ
chức thực hiện đầy đủ các quy
định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày
26/12/2017 của Chính phủ và các văn bản pháp luật có liên quan về việc sử dụng
tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; chú trọng
thực hiện nghiêm quy định về lập, thẩm định, phê duyệt Đề án sử dụng tài sản
công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; xác định giá trị
tài sản để đưa vào liên doanh, liên kết; xác định giá cho thuê tài sản công; kiểm
soát chặt chẽ việc xác định giá trị tài sản, vốn góp của đối tác tham gia liên
doanh, liên kết, tránh tình trạng “thổi giá” làm ảnh hưởng tới quyền lợi của
Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và người sử dụng dịch vụ có được từ hoạt động
liên doanh, liên kết; thực hiện nghiêm quy định về lựa chọn đối tác tham gia
liên doanh, liên kết, quy định về tổ chức đấu giá khi cho thuê tài sản công, bảo
đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng pháp luật.
7. Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan được giao quản
lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông (đường sắt quốc gia, hàng hải, hàng
không, đường thủy nội địa, đường bộ), tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi phối hợp
với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan khẩn trương rà soát, phân loại,
xác định giá trị tài sản hiện có và thực hiện việc giao, quản lý, sử dụng và
khai thác tài sản theo quy định. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban
hành giá quy ước đối với tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi để làm cơ sở xác định
giá trị tài sản, thực hiện hạch toán đối với tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi.
Các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý tổ
chức rà soát, lập danh mục các công trình điện được đầu tư bằng vốn nhà nước đủ điều
kiện để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định điều chuyển; thực hiện thủ
tục điều chuyển công trình điện bảo
đảm thời gian và hồ sơ theo quy định tại Quyết định số 41/2017/QĐ-TTg ngày
15/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại Công văn
số 6844/VPCP-KTTH ngày 24/9/2021 của Văn phòng Chính phủ (được Bộ Tài chính hướng
dẫn tại Công văn số 12081/BTC-QLCS ngày 22/10/2021).
8. Các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc, có kết quả các quy định về
quản lý, sử dụng tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước, tài sản được hình
thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng
vốn nhà nước, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân....
9. Đối với việc sắp xếp lại, xử lý tài
sản công, đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
a) Chỉ đạo thực hiện sắp xếp lại, xử
lý tài sản công (nhà, đất, xe ô tô, máy móc, thiết bị) để bố trí sử dụng, xử lý
tài sản dôi dư theo đúng tiêu chuẩn, định mức và quy định của pháp luật;
b) Chỉ đạo đẩy nhanh việc báo cáo kê
khai, lập phương án xử lý đối với nhà, đất phải sắp xếp lại của các cơ quan, tổ
chức, đơn vị, doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc
danh mục cổ phần hóa) để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định;
c) Chỉ đạo tổ chức thực hiện xử lý
theo đúng phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và quy định của pháp luật,
trong đó lưu ý một số nội dung: Xử lý dứt điểm tình trạng sử dụng chưa đúng quy định
(cho thuê, cho mượn, bố trí nhà ở, đất ở, sử dụng sai mục đích...); thực hiện
nghiêm quy định của pháp luật về đấu giá khi bán, chuyển nhượng tài sản công,
quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về thẩm định giá và pháp luật về
quản lý, sử dụng tài sản công khi xác định giá khởi điểm để bán đấu giá, xác
giá bán khi thực hiện phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng
đất và xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi chuyển mục đích sử dụng đất;
d) Giao các cơ quan chuyên môn rà soát
việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi quản lý đã được cấp có
thẩm quyền phê duyệt theo chức năng đại diện chủ sở hữu tài sản công và chức năng
quản lý nhà nước theo lĩnh vực, địa bàn, đặc biệt là việc tuân thủ quy định của
các pháp luật về đầu tư, đất đai, doanh nghiệp, quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu
tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, xây dựng, nhà ở,... sau khi phương án chuyển mục
đích sử dụng đất, bán, chuyển nhượng, thu hồi nhà, đất, chuyển giao nhà, đất về
địa phương quản lý, xử lý được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
đ) Đối với các doanh nghiệp nhà nước,
đơn vị sự nghiệp công lập thuộc danh mục cổ phần hóa phải thực hiện nghiêm quy
định về lập (đề xuất), phê duyệt phương án sử dụng đất theo quy định của pháp
luật về cổ phần hóa và pháp
luật về đất đai; trong quá trình thực hiện phải so sánh, đối chiếu với phương
án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm phù
hợp với hiện trạng quản lý, sử dụng và quy định của pháp luật tại thời điểm cổ
phần hóa.
10. Năm 2022, Bộ Tài chính sẽ đưa Cơ sở
dữ liệu quốc gia về tài sản công sau khi được nâng cấp vào vận hành. Đề nghị
các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan, tổ chức,
đơn vị thực hiện nghiêm quy định về cập nhật, chỉnh lý thông tin trong Cơ sở dữ
liệu quốc gia về tài sản công để phục vụ xây dựng Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài
sản công, Báo cáo tài chính nhà nước hàng năm theo đúng nội dung và thời hạn
theo quy định của pháp luật; từng bước sử dụng thông tin trong Cơ Sở dữ liệu quốc gia về
tài sản công để thay thế thông tin dạng giấy.
11. Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan quản lý tài sản công, bảo
đảm năng lực để thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản
công, các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. Tiếp tục thực hiện đào tạo,
nâng cao chất lượng cho cán bộ làm công tác quản lý tài sản công tại các Bộ, cơ
quan trung ương và các địa phương theo hướng chuyên nghiệp và đẩy mạnh ứng dụng
công nghệ thông tin trong công tác quản lý.
12. Tăng cường công tác kiểm
tra, thanh tra, giám sát việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, việc tuân thủ
quy định của pháp luật trong việc mua sắm tập trung, việc thực hiện Đề án sử dụng
tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết đã được cấp
có thẩm quyền phê duyệt, việc quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ
chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; triển khai quyết liệt Nghị định số
63/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số
102/2021/NĐ-CP ngày 16/11/2021) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành
chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống
lãng phí, dự trữ quốc gia, kho bạc nhà nước. Ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm
minh theo quy định của pháp luật liên quan đối với các tổ chức, cá nhân thuộc
thẩm quyền quản lý có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công.
Quá trình thực hiện, trường hợp phát
sinh vướng mắc, đề nghị Quý cơ quan có văn bản gửi Bộ Tài chính để phối hợp báo
cáo cấp có thẩm quyền xem xét chỉ đạo việc thực hiện theo quy định./.
Nơi nhận:
-
Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ (Để b/cáo);
-
Các Phó Thủ tướng Chính phủ (Để b/cáo);
- Bộ trưởng Bộ Tài chính (Để b/cáo);
-
Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
-
Lưu: VT, QLCS(90b)
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần
Xuân Hà
|