ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1777/UBND-KGVX
V/v các
giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động
|
Hà Nội, ngày 12 tháng 5
năm 2020
|
Kính gửi:
|
- Các Sở, ban, ngành Thành phố;
- Các Tổng công ty trực thuộc Thành phố;
- UBND các quận, huyện, thị xã.
|
Thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 04/02/2020 của Thủ
tướng Chính phủ về giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia, Ủy ban
nhân dân Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã,
các Tổng công ty căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung thực hiện đồng
bộ, hiệu quả các giải pháp để thúc đẩy tăng năng suất lao động như: tổ chức mạng
lưới và nâng cao năng lực quản trị, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, nhất
là lao động có giá trị gia tăng thấp sang có giá trị gia tăng cao hơn, nâng cao
tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo, tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài
có chọn lọc, tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng. Các Sở, ban, ngành theo chức
năng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị
số 07/CT-TTg. Cụ thể:
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Xây dựng Chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài
thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030 hướng tới hỗ trợ nâng cao năng suất lao động;
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc xây dựng
kế hoạch triển khai thực hiện phong trào “Năng suất lao động quốc gia”;
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong xây dựng
Chiến lược quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ, ưu tiên phát triển doanh
nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ cao thiết kế, sáng tạo và sản xuất
Việt Nam;
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong xây dựng
Chiến lược khuyến khích, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân mở rộng thị trường
khu vực và thế giới;
- Phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế -
xã hội Hà Nội trong việc nghiên cứu Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ theo
Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Sở Khoa học và Công nghệ: Phối hợp với Bộ Khoa học và Công
nghệ trong việc triển khai các nội dung sau:
- Xây dựng Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất lao động
dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025;
- Xây dựng Chương trình quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp
nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2030;
- Xây dựng đề án thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho
hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là từ doanh nghiệp.
3. Sở Công Thương: Phối hợp với Bộ Công Thương trong
việc triển khai các nội dung sau:
- Rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về thương mại
điện tử; tập trung phát triển sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giá trị
xuất khẩu lớn, sử dụng công nghệ cao, tự động hóa, giảm dần các ngành sử dụng
nhiều tài nguyên, khoáng sản và lao động giản đơn;
- Xây dựng các giải pháp tăng năng suất lao động
ngành công nghiệp và thương mại, tham gia sâu hơn và nâng cấp các khâu có giá
trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó tập trung vào ngành
chế biến, chế tạo nhằm chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp có
giá trị cao; chuyển dịch trong nội bộ ngành công nghiệp từ sản xuất dựa vào lao
động sang dựa vào công nghiệp, tập trung vào hàng hóa có giá trị gia tăng cao;
- Cùng với Bộ Công Thương, tiếp tục thực hiện triển
khai Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến
năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 598/QĐ-TTg
ngày 25/5/2018;
- Xây dựng chương trình nâng cao năng suất và chất lượng
sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp chế tạo đến năm 2030.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn
với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; chuyển
đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp thực tế, gắn với thị trường và thích
nghi biến đổi khí hậu;
- Đẩy mạnh công nghiệp hóa hoạt động sản xuất nông
nghiệp từ khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm;
- Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, nhất là công
nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo: Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo
trong việc triển khai các nội dung sau:
- Tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện Kết luận số
51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị
Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo;
- Rà soát, nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách
phát triển các cơ sở đào tạo ngoài công lập phù hợp với xu thế chung của thế giới,
ưu tiên đầu tư phát triển đào tạo một số ngành, nghề quan trọng, nhất là đối với
những ngành, nghề có tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội Thành phố;
- Xây dựng quy hoạch, sắp xếp hệ thống giáo dục gắn
vơi quy hoạch thành phố; nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao
công nghệ trong các cơ sở giáo dục, gắn kết chặt chẽ nghiên cứu với đào tạo
phát triển nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh và hợp tác quốc tế.
6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Thực hiện Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16/8/2018 của
Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số
27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính
sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người
lao động trong doanh nghiệp;
- Tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo, triển khai
nhân rộng bộ chương trình đào tạo được chuyển giao từ các nước có nền giáo dục
nghề nghiệp phát triển; thay đổi phương thức đào tạo, đánh giá kết quả đào tạo;
gắn đào tạo với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, tạo việc làm bền vững; đẩy
mạnh đào tạo, đào tạo lại người lao động và đào tạo lao động kỹ thuật chất lượng
cao đủ năng lực tham gia nền sản xuất thông minh, kinh doanh dựa trên công nghệ
hiện đại;
- Nghiên cứu việc nâng cao chất lượng hoạt động của
các trung tâm giới thiệu việc làm; tập trung thực hiện hiệu quả dự báo, thông
tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động; nâng cao hiệu quả của
chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
7. Sở Thông tin và Truyền thông:
- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và trình UBND Thành phố
ban hành Đề án “Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến
năm 2030” và Kiến trúc chính quyền điện tử thành phố Hà Nội.
- Thúc đẩy chuyển đổi số để tăng năng suất lao động,
phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện các hoạt
động của doanh nghiệp, các ngành trọng điểm, các cơ quan nhà nước và người dân
và phát triển các yếu tố nền tảng tạo điều kiện cho chuyển đổi số;
- Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và
các đơn vị liên quan tổ chức kết nối các doanh nghiệp ICT với doanh nghiệp
trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp để xây dựng, áp dụng các công nghệ mới vào quá
trình sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng năng suất lao động.
- Chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền để nâng
cao nhận thức, phát huy tinh thần trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân trong vấn
đề nâng cao năng suất lao động.
8. Sở Tài chính:
- Phối hợp với các sở, ban, ngành, quận, huyện và thị
xã triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách tài chính - ngân
sách theo chỉ đạo của Trung ương trên địa bàn Thành phố;
- Tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo, đôn đốc các sở,
ban, ngành, quận, huyện, thị xã khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai cơ chế
hoạt động tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập gắn với thúc đẩy lộ trình tính
giá dịch vụ sự nghiệp công đã đề ra tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày
14/02/2015 của Chính phủ, Kế hoạch số 44/KH-UBND ngày 19/02/2019 của UBND Thành
phố triển khai thực hiện nâng mức tự chủ tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập
thuộc thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2021, đảm bảo đúng thời hạn, chất lượng;
- Tập trung thực hiện sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa
và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo kế hoạch được duyệt, đảm bảo đúng
quy định của pháp luật.
9. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh thành phố Hà
Nội
- Tích cực, chủ động thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng
Nhà nước Việt Nam trong việc rà soát, đánh giá triển khai các giải pháp tập
trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu
tiên theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,
hướng dòng vốn chảy vào lĩnh vực có năng suất cao, tạo điều kiện thuận lợi cho
việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân;
- Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn
thành phố đẩy mạnh cung ứng vốn, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất
kinh doanh để góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân áp dụng các
giải pháp tăng năng suất lao động.
10. Sở Nội vụ:
- Thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với
cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công) theo nhiệm vụ
được phân công;
- Rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút, sử dụng
nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực nhà nước và đơn vị sự
nghiệp công lập;
- Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên
chức, cán bộ công chức cấp xã đủ năng lực vận hành chính quyền điện tử.
11. Đề nghị Liên đoàn lao động Thành phố
- Chỉ đạo các cấp công đoàn tuyên truyền, vận động
cho đoàn viên, công nhân lao động hiểu rõ bản chất, ý nghĩa của việc tăng năng
suất lao động, với phương châm “Năng suất cao hơn, phúc lợi tốt hơn” để người
lao động tích cực tham gia vào các hoạt động thúc đẩy tăng năng suất lao động tại
doanh nghiệp;
- Vận động công nhân lao động phát huy sáng kiến, cải
tiến kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, giảm chi phí sản xuất, nâng
cao chất lượng sản phẩm góp phần tăng năng suất lao động;
- Tổ chức các phong trào thi đua tăng năng suất lao động
trong công nhân lao động, mà trọng tâm là các phong trào thi đua: “Lao động giỏi,
lao động sáng tạo”, phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”, “Sáng kiến
Thủ đô”;
- Tham mưu UBND Thành phố nâng cao chất lượng phong
trào “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi” trong công nhân lao động;
Tham mưu tổ chức tốt “Hội thi thợ giỏi thành phố Hà Nội” theo Quyết định số
5816/QĐ-UBND ngày 26/10/2028 của UBND Thành phố.
12. Liên minh hợp tác xã Thành phố: Tiếp tục đẩy mạnh các giải
pháp đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể, hợp
tác xã; tập trung thực hiện đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực; xây dựng
và nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá
trị trong nước và toàn cầu; ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất,
kinh doanh, nâng cao năng suất lao động khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã.
13. UBND các quận, huyện, thị xã:
- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi
trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp,
hỗ trợ kinh doanh phát triển, nâng cao năng suất lao động.
- Thực hiện các chính sách kinh tế ưu đãi đối với các
doanh nghiệp sử dụng dây chuyền công nghệ cao, hiện đại; khuyến khích các doanh
nghiệp đầu tư đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất,
kinh doanh.
14. Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu Giám đốc các sở, ban,
ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, Thủ trưởng các cơ quan thuộc
Thành phố chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nội dung
công việc nêu trên, kịp thời báo cáo nếu có khó khăn vướng mắc./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND TP;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Các PCT UBND Thành phố;
- VPUB: CVP, các PCVP; các phòng: KT, KGVX, TH, TKBT
- Lưu: VT, KGVX
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Đức Chung
|