Kính gửi:
|
- Các đại học, học viện, trường đại học;
- Các trường cao đẳng sư phạm.
|
Thực hiện Quyết định số
2457/CT-BGDĐT ngày 23/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về việc
ban hành Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2023-2024 của ngành
giáo dục, Bộ GDĐT đề nghị các đại học, học viện, trường đại học, các trường cao
đẳng sư phạm (sau đây gọi là cơ sở đào tạo) thực hiện nhiệm vụ giáo dục đại học,
cao đẳng sư phạm năm học 2023-2024 với các nội dung chủ yếu như sau:
I. NHIỆM VỤ
CHUNG
1. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai
thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết
của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Nghị quyết
của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; các nhiệm vụ được giao tại Chương
trình hành động của Chính phủ thực hiện các nghị quyết phát triển các Vùng kinh
tế; các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội và các văn bản chỉ đạo, điều
hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, văn bản của Bộ GDĐT về giáo dục đại học
(GDĐH).
2. Các nhiệm vụ trọng tâm, đột
phá bao gồm:
a) Tiếp tục đổi mới tư duy, nhận
thức, nâng cao năng lực quản trị đại học, tháo gỡ các điểm nghẽn, khai thông
các nguồn lực, đẩy mạnh triển khai tự chủ đại học đi vào chiều sâu và thực chất,
gắn với mục tiêu nâng cao chất lượng và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của các
cơ sở đào tạo, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với GDĐH.
b) Hoàn thiện và phát triển hệ
thống bảo đảm chất lượng để xây dựng văn hóa chất lượng trong GDĐH, lấy chất lượng
làm nền tảng, là yêu cầu xuyên suốt trong mọi hoạt động GDĐH; triển khai toàn
diện các giải pháp bảo đảm chất lượng trong tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu
khoa học; gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực với phát triển
khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
c) Nghiên cứu, đề xuất và áp dụng
các cơ chế, chính sách huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính cho
đào tạo và nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; tăng cường hợp tác, khai thác
các nguồn lực từ bên ngoài cho GDĐH.
d) Tăng cường ứng dụng công nghệ
thông tin và chuyển đổi số trong toàn bộ hoạt động GDĐH, từ hệ thống quản lý,
tuyển sinh, đào tạo, gắn với cải cách hành chính, đổi mới phương pháp dạy và học,
lấy tiến bộ của người học làm thước đo cho chất lượng, hiệu quả giảng dạy.
II. NHIỆM VỤ,
GIẢI PHÁP CỤ THỂ
1. Hoàn
thiện hệ thống văn bản quy chế nội bộ; nâng cao năng lực thực thi pháp luật của
đội ngũ cán bộ quản lý của các cơ sở đào tạo
a) Xây dựng, ban hành các quy
chế, văn bản nội bộ của đơn vị bảo đảm đầy đủ, đúng thẩm quyền theo hướng dẫn của
Bộ GDĐT, phù hợp với các quy định của pháp luật và tổ chức thực hiện nghiêm
túc.
b) Đội ngũ cán bộ quản lý của
các cơ sở đào tạo chủ động nghiên cứu các quy định của pháp luật để thực hiện đầy
đủ, đúng quy định về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình, nhất là trong công
tác mở ngành, tuyển sinh, liên kết đào tạo, quản lý và sử dụng tài chính, tài sản.
2. Chú trọng
công tác quy hoạch, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực và trình
độ đội ngũ giảng viên; xây dựng chế độ làm việc, đánh giá và đãi ngộ giảng
viên; gắn kết các hoạt động giảng dạy với hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng
viên
a) Xây dựng và tổ chức thực hiện
hiệu quả kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ giảng
viên; rà soát, cử giảng viên tham gia Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng
viên, cán bộ quản lý các cơ sở GDĐH đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện
GDĐT giai đoạn 2022 - 2030 (Đề án 89) bảo đảm đúng đối tượng, phù hợp với yêu cầu
thực tiễn của cơ sở đào tạo.
b) Xây dựng chế độ làm việc,
đánh giá và đãi ngộ giảng viên nhằm thu hút và giữ ổn định đội ngũ giảng viên
trình độ cao, bảo đảm duy trì và tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng
nhu cầu xã hội.
c) Tăng cường bồi dưỡng năng lực
nghiên cứu khoa học cho đội ngũ giảng viên; tạo môi trường nghiên cứu để mỗi giảng
viên, cán bộ quản lý có thể tự phát huy năng lực nghiên cứu khoa học của cá
nhân; gắn kết nghiên cứu với giảng dạy, hợp tác nghiên cứu với các giảng viên
trong và ngoài nước, hỗ trợ sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học.
3. Hoàn
thiện các phương thức tuyển sinh năm 2024; chuẩn bị các phương thức tuyển sinh
từ năm 2025 phù hợp với chương trình GDPT 2018
a) Hoàn thiện đề án, phương thức
tuyển sinh năm 2024, khắc phục các bất cập hiện nay trên cơ sở phân tích dữ liệu,
trong đó đặc biệt lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản
hóa theo đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh đưa ra những phương thức tuyển
sinh phức tạp, gây khó khăn cho thí sinh.
b) Xây dựng và công bố kịp thời
các phương thức tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt
nghiệp Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Các phương thức tuyển sinh từ năm
2025 cần bảo đảm phù hợp với yêu cầu, nội dung, cấu trúc của Chương trình Giáo
dục phổ thông 2018.
c) Riêng đối với các cơ sở đào
tạo có ngành đào tạo giáo viên: cần chủ động làm việc với Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định số
71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng
trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và
Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách
hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm; gắn kết
chặt chẽ giữa năng lực đào tạo, bồi dưỡng với yêu cầu về số lượng và chất lượng
đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nhằm tiếp tục thực hiện đổi mới
căn bản và toàn diện GDĐT và đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục
phổ thông mới.
4. Tăng
cường các điều kiện bảo đảm và quản lý chất lượng
a) Tăng cường các điều kiện bảo
đảm chất lượng của cơ sở đào tạo, chương trình đào tạo và công khai, minh bạch
các điều kiện bảo đảm chất lượng và kết quả hoạt động, nhất là các chỉ số cốt
lõi; trong đó chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý nhằm bảo
đảm chất lượng đào tạo đủ về số lượng, cơ cấu và đúng tiêu chuẩn, phù hợp với
chuẩn chương trình đào tạo và quy mô đào tạo.
b) Xây dựng hệ thống bảo đảm chất
lượng của cơ sở đào tạo, trong đó tập trung phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng
bên trong; đẩy mạnh kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, cơ sở đào tạo
theo quy định.
c) Thực hiện đúng quy định về
quản lý văn bằng, chứng chỉ; trong đó lưu ý việc lập hồ sơ quản lý văn bằng, chứng
chỉ, cấp văn bằng đúng quy định, đặc biệt là văn bằng trình độ tương đương. Chấn
chỉnh việc tổ chức thi, đào tạo, bồi dưỡng, sát hạch để cấp các loại chứng chỉ
bảo đảm đúng quy định.
5. Thu
hút các nguồn lực đầu tư và đẩy mạnh công tác giải ngân
a) Tăng cường thu hút các nguồn
lực đầu tư cho GDĐH, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng các tiêu chuẩn
theo quy định, phù hợp với quy mô đào tạo và yêu cầu thực tiễn theo định hướng
phát triển của cơ sở đào tạo. Khuyến khích đẩy mạnh việc phối hợp với doanh
nghiệp nhằm thu hút đầu tư cơ sở vật chất và tạo điều kiện giải quyết việc làm
cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
b) Đối với các cơ sở đào tạo
công lập: tiếp tục thực hiện có hiệu quả đầu tư cơ sở vật chất với các dự án
thuộc danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; đẩy mạnh
công tác giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ then chốt để nâng cao
năng lực, tăng cường cơ sở vật chất, thúc đẩy phát triển cơ sở đào tạo; đẩy mạnh
tự chủ tài chính, thực hiện lộ trình tự chủ tài chính theo quy định hiện hành;
nghiêm túc thực hiện các khoản thu, chi tài chính, chính sách học phí, học bổng,
khuyến khích học tập và cá chế độ chính sách cho học sinh, sinh viên theo đúng quy
định.
6. Tăng
cường phát triển các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh
hội nhập quốc tế
a) Xây dựng định hướng hoạt động
khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của đơn vị phù hợp với chiến lược phát
triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của quốc gia; đẩy mạnh hoạt động
đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và sở hữu trí tuệ trong các cơ sở đào tạo. Chú trọng
công tác xây dựng kế hoạch dài hạn và hàng năm về phát triển hoạt động khoa học
công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó cần đầu tư nguồn lực và có các giải
pháp hiệu quả để phát triển toàn diện các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới
sáng tạo; ưu tiên các nghiên cứu có kết quả công bố trên các tạp chí khoa học
uy tín trong nước và quốc tế, các nghiên cứu ứng dụng chuyển giao phục vụ phát
triển kinh tế - xã hội; các nghiên cứu gắn với nâng cao chất lượng đào tạo,
phát triển khoa học giáo dục.
b) Thúc đẩy hình thành các nhóm
nghiên cứu, các nhóm nghiên cứu mạnh, trung tâm đổi mới sáng tạo trong các cơ sở
đào tạo. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên, người học và giảng
viên trẻ. Tăng cường triển khai các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho
giảng viên, sinh viên và khuyến khích chuyển giao các đề tài nghiên cứu, các dự
án khởi nghiệp cho các địa phương, cộng đồng, xã hội. Chủ động nghiên cứu, đưa
nội dung khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào Chương trình đào tạo.
c) Tăng cường hợp tác với doanh
nghiệp và hợp tác quốc tế, gắn kết đào tạo nguồn nhân lực với nghiên cứu khoa học
và đổi mới sáng tạo, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và địa phương.
d) Chủ động mở rộng và nâng cao
hiệu quả của hợp tác quốc tế; phát triển các chương trình, dự án hợp tác có chất
lượng với đối tác nước ngoài, rà soát các chương trình liên kết đào tạo đảm bảo
thực hiện đúng quy định, chú trọng lựa chọn các đối tác có uy tín tốt; tích cực
hợp tác, tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ quốc tế góp phần nâng cao chất lượng đào
tạo, nghiên cứu khoa học; khuyến khích kiểm định chất lượng của các tổ chức kiểm
định quốc tế có uy tín được công nhận hoạt động ở Việt Nam.
đ) Đẩy mạnh việc thu hút sinh
viên, nhà khoa học có uy tín ở nước ngoài đến học tập, giảng dạy và nghiên cứu
khoa học; nâng cao chất lượng đào tạo cho lưu học sinh Lào và Campuchia; Phát
triển nguồn nhân lực trình độ cao thông qua việc cử giảng viên đi đào tạo ở nước
ngoài theo các chương trình học bổng và các chương trình hợp tác song phương giữa
các cơ sở GDĐH.
7. Tăng
cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong hệ thống quản lý, trong dạy và học
a) Xây dựng Kế hoạch và triển
khai các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin
và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến
năm 2030”1.
b) Tiếp tục triển khai ứng dụng
công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong các cơ sở đào tạo theo hướng dẫn2 của Bộ GDĐT và triển khai hiệu quả việc đánh giá mức
độ chuyển đổi số của các cơ sở đào tạo theo bộ chỉ số, tiêu chí đánh giá3 của Bộ GDĐT.
c) Xây dựng và triển khai Đề án
thí điểm mô hình giáo dục đại học số trên cơ sở triển khai nền tảng dạy học trực
tuyến dùng chung, phát triển hệ thống khóa học trực tuyến dùng chung của một số
nhóm ngành đào đạo trình độ đại học.
d) Tăng cường thực hiện thủ tục
hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và bộ phận một cửa, một cửa liên thông.
Đẩy mạnh thanh toán học phí, các khoản thu bằng hình thức trực tuyến không dùng
tiền mặt; kết nối phần mềm quản lý tài chính của cơ sở đào tạo với các nền tảng
thanh toán không dùng tiền mặt.
đ) Tăng cường các điều kiện đảm
bảo về hạ tầng kỹ thuật và năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học
trực tuyến và trong công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Triển khai
hệ thống quản trị cơ sở đào tạo, hoàn thiện cơ sở dữ liệu toàn ngành, kết nối
liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia, ứng dụng hiệu quả trong công tác quản
lý nhà nước về GDĐH; tích hợp các dịch vụ trực tuyến và kết nối, chia sẻ cơ sở
dữ liệu trên hệ thống HEMIS của Bộ. Khuyến khích phát triển và ứng dụng công
nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý, đào tạo
và nghiên cứu khoa học.
e) Thực hiện nghiêm túc xây dựng
cơ sở dữ liệu quốc gia, chế độ báo cáo thống kê giáo dục, báo cáo định kỳ đối với
giáo dục đại học trên hệ thống HEMIS đúng thời hạn, đầy đủ, chính xác nội dung
theo quy định về chế độ báo cáo thống kê ngành Giáo dục, quy định chế độ báo
cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ GDĐT và báo cáo đột xuất khác
của Bộ GDĐT.
8. Tăng
cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ
a) Tăng cường công tác thanh
tra, kiểm tra nội bộ năm học của cơ sở đào tạo; xây dựng và tổ chức thực hiện kế
hoạch thanh tra, kiểm tra năm học 2023-2024 theo đúng quy định pháp luật và hướng
dẫn của Bộ GDĐT.
b) Tiếp tục kiện toàn tổ chức
thanh tra nội bộ hoặc bố trí cán bộ làm công tác thanh tra nội bộ theo quy định
tại Điều 66, 67 Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của
Chính phủ Quy định Chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thanh tra;
tăng cường năng lực đội ngũ làm công tác thanh tra, pháp chế tại cơ sở đào tạo.
9. Đẩy mạnh
công tác truyền thông về giáo dục đại học
a) Chủ động thông tin, truyền
thông về các chủ trương, chính sách mới trong lĩnh vực GDĐH và việc triển khai
thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về chủ trương tự chủ đại
học, nhất là thông qua những ví dụ thành công và bài học kinh nghiệm trong quá
trình triển khai thực tế tại cơ sở đào tạo.
b) Đổi mới nội dung, phương thức
truyền thông để nâng cao hiệu quả tuyên truyền về giáo dục đại học; nhất là
truyền thông chính sách, chú trọng hợp tác theo mạng lưới các cơ sở GDĐH theo
lĩnh vực trong công tác truyền thông.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
Căn cứ các quy định hiện hành,
văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT, tình hình thực tiễn của địa phương và nhà trường,
các cơ sở đào tạo xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ
giáo dục đại học năm học 2023-2024 bảo đảm thiết thực, hiệu quả.
Các cơ sở đào tạo chủ động phối
hợp với các Cục, Vụ liên quan của Bộ GDĐT (hoặc qua đầu mối là Vụ Giáo dục Đại
học) để triển khai thực hiện và kịp thời giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, khó
khăn; báo cáo kết quả thực hiện vào cuối năm học gửi Bộ GDĐT (trước ngày
15/8/2024)./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng (để p/h c/đ);
- Các bộ, ngành có quản lý cơ sở đào tạo (để p/h c/đ);
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (để p/h c/đ);
- Các đơn vị thuộc Bộ GDĐT;
- Cổng TTĐT của Bộ GDĐT;
- Lưu: VT, GDĐH.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Hoàng Minh Sơn
|
1 Ban hành kèm
theo Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
2 Công văn số
4966/BGDĐT-CNTT ngày 31/10/2019 về việc triển khai nhiệm vụ ứng dụng CNTT đối với
các cơ sở GDĐH.
3 Quyết định số
4740/QĐ-BGDĐT ngày 30/12/2022 của Bộ GDĐT ban hành Bộ chỉ số, tiêu chí đánh giá
chuyển đổi số cơ sở GDĐH.