Kính gửi: Cục
Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngày 18 tháng 6 năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã
ban hành Thông tư số 45/2021/TT-BTC hướng dẫn việc áp dụng cơ chế Thỏa thuận
trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong quản lý thuế đối với doanh
nghiệp có giao dịch liên kết. Thông tư số 45/2021/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể
từ ngày 03 tháng 8 năm 2021, thay thế Thông tư số 201/2013/TT-BTC ngày 20 tháng
12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc áp dụng Thỏa thuận trước
về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong quản lý thuế.
Tổng cục Thuế giới thiệu một số nội dung mới của
Thông tư số 45/2021/TT-BTC và đề nghị các Cục Thuế khẩn trương tuyên truyền, phổ
biến, thông báo cho cán bộ thuế và người nộp thuế trên địa bàn quản lý biết (Chi
tiết nội dung cụ thể theo Phụ lục đính kèm).
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc,
đề nghị các Cục Thuế tổng hợp, phản ánh kịp thời về Tổng cục Thuế để được
nghiên cứu giải quyết./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Lãnh đạo Tổng cục Thuế (để b/c);
- Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thuế;
- Các Vụ, đơn vị thuộc TCT;
- Lưu: VT, DNL(03).
|
KT. TỔNG CỤC
TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG
Vũ Xuân Bách
|
PHỤ LỤC
GIỚI THIỆU MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA THÔNG TƯ SỐ
45/2021/TT-BTC NGÀY 18/6/2021 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH HƯỚNG DẪN VIỆC ÁP DỤNG
CƠ CHẾ THỎA THUẬN TRƯỚC VỀ PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH GIÁ TÍNH THUẾ (APA) TRONG QUẢN
LÝ THUẾ ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP CÓ GIAO DỊCH LIÊN KẾT
(Kèm theo công văn số 3194/TCT-DNL ngày 25/8/2021 của Tổng cục Thuế)
Ngày 13 tháng 6 năm 2019, Quốc hội đã ban hành Luật
Quản lý thuế số 38/2019/QH14, trong đó tại khoản 16 Điều 3 của
Luật quy định về Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA),
tại khoản 6 Điều 42 của Luật quy định nguyên tắc áp dụng cơ
chế APA dựa trên thông tin, cơ sở dữ liệu thương mại có sự kiểm chứng đảm bảo
tính pháp lý và thẩm quyền phê duyệt APA trước khi thực hiện.
Trên cơ sở các quy định của Luật Quản lý thuế về cơ
chế APA và quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, các Nghị định
của Chính phủ đã quy định thực hiện những nội dung có liên quan đến APA đối với
doanh nghiệp có giao dịch liên kết tại Việt Nam. Cụ thể:
- Nội dung về thành phần hồ sơ, thủ tục, quy trình,
thẩm quyền trong việc giải quyết đề nghị áp dụng APA, phê duyệt, ký kết APA
(bao gồm việc gia hạn, sửa đổi, hủy bỏ, thu hồi APA), giám sát thực hiện APA
(bao gồm việc báo cáo APA thường niên, đột xuất và quản lý, thanh tra, kiểm tra
việc thực hiện APA đã ký kết) và thời điểm hiệu lực của APA đã được quy định tại
Điều 41 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của
Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế (sau đây gọi là
Nghị định số 126/2020/NĐ-CP);
- Nội dung về phân tích, so sánh, lựa chọn đối tượng
so sánh độc lập và các phương pháp xác định giá giao dịch liên kết được quy định
từ Điều 6 đến Điều 15 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày
05/11/2020 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao
dịch liên kết (sau đây gọi là Nghị định số 132/2020/NĐ-CP);
- Nội dung về cơ sở dữ liệu sử dụng trong kê khai,
xác định, quản lý giá giao dịch liên kết được quy định tại Điều
17 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP;
- Nội dung về trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan
thuế trong quản lý giá giao dịch liên kết trong đó quy định về trách nhiệm của
cơ quan thuế trong trường hợp ký Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá
tính thuế với người nộp thuế tại Điều 20 Nghị định số
132/2020/NĐ-CP.
Vì vậy, Thông tư số 45/2021/TT-BTC hướng dẫn việc
áp dụng cơ chế Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA)
trong quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết được xây dựng
theo nguyên tắc:
- Không nêu lại các nội dung đã được quy định chi
tiết tại các văn bản quy phạm pháp luật cấp cao hơn (Luật Quản lý thuế số
38/2019/QH14, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP và Nghị định số 132/2020/NĐ-CP). Đối
với các nội dung này, Thông tư số 45/2021/TT-BTC dẫn chiếu quy định để người nộp
thuế và cơ quan thuế tham chiếu, thực hiện đảm bảo đúng quy định.
- Kế thừa các nội dung đã có tại Thông tư số 201/2013/TT-BTC
và sắp xếp lại vào các điều khoản có cùng phạm vi điều chỉnh để hướng dẫn tập
trung, thống nhất.
- Sửa đổi một số nội dung của Thông tư số
201/2013/TT-BTC và bổ sung một số nội dung mới cho phù hợp với các quy định
pháp luật về quản lý thuế nói chung, quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao
dịch liên kết và cơ chế APA nói riêng theo Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14,
Nghị định số 126/2020/NĐ-CP và Nghị định số 132/2020/NĐ-CP .
Tổng cục Thuế giới thiệu một số nội dung mới của cơ
chế APA được quy định tại Thông tư số 45/2021/TT-BTC như sau:
1. Giao dịch được đề nghị áp dụng
APA (Điều 3)
Điểm mới: Bổ sung điều kiện giao dịch
được đề nghị áp dụng APA:
- Giao dịch thực tế đã phát sinh trong hoạt động sản
xuất kinh doanh của người nộp thuế và sẽ tiếp tục diễn ra trong giai đoạn đề
nghị áp dụng APA (điểm a khoản 2 Điều 3);
- Giao dịch có cơ sở để xác định được bản chất giao
dịch quyết định nghĩa vụ thuế và có cơ sở để phân tích, so sánh, lựa chọn đối
tượng so sánh độc lập theo quy định tại Điều 6 và Điều 7 Nghị định
số 132/2020/NĐ-CP, dựa trên các thông tin, dữ liệu tuân thủ quy định tại điểm b khoản 6 Điều 42 Luật Quản lý thuế (điểm
b khoản 2 Điều 3);
Lý do: Tại điểm b khoản
6 Điều 42 Luật Quản lý thuế quy định “Việc áp dụng cơ chế thỏa thuận trước
về phương pháp xác định giá tính thuế phải dựa trên thông tin của người nộp thuế,
cơ sở dữ liệu thương mại có sự kiểm chứng đảm bảo tính pháp lý”, Điều 6 và Điều 7 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định về
nguyên tác phân tích, so sánh, lựa chọn đối tượng so sánh độc lập. Vì vậy Thông
tư số 45/2021/TT-BTC bổ sung hai điều kiện trên để phù hợp với quy định về APA
tại Luật Quản lý thuế và Nghị định số 132/2020/NĐ-CP .
2. Hồ sơ và thông tin, dữ liệu
sử dụng (Điều 6)
Điểm mới: Quy định về hồ sơ, thông
tin, dữ liệu sử dụng được sửa đổi, bổ sung theo nguyên tắc thông tin hồ sơ phải
được người nộp thuế cung cấp đầy đủ, đồng nhất để làm cơ sở cho việc giải quyết
cũng như trao đổi, đàm phán APA giữa người nộp thuế và cơ quan thuế hoặc giữa
các cơ quan thuế (đối với trường hợp APA song phương, đa phương). Đồng thời bổ
sung quy định thông tin, dữ liệu, cơ sở dữ liệu được sử dụng phải đảm bảo tuân
thủ quy định tại điểm b khoản 6 Điều 42 Luật Quản lý thuế
và Điều 17 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP.
Lý do: Việc sửa đổi, bổ sung để đảm bảo
việc cung cấp hồ sơ, thông tin, dữ liệu của người nộp thuế tuân thủ quy định về
thông tin, dữ liệu được sử dụng trong quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao
dịch liên kết tại điểm b khoản 6 điều 42 Luật Quản lý thuế,
Điều 17 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP và các nguyên tắc áp dụng
APA được quy định tại Điều 5 Thông tư này.
3. Việc tham vấn trước khi nộp
hồ sơ chính thức
Điểm mới: Thông tư số 45/2021/TT-BTC
không quy định về bước Tham vấn trước khi nộp hồ sơ chính thức.
Lý do: Điều 7 Thông
tư số 201/2013/TT-BTC quy định trình tự giải quyết đề nghị áp dụng APA gồm
năm bước, trong đó Tham vấn trước khi nộp hồ sơ chính thức là bước đầu tiên và
bắt buộc.
Với mục tiêu giảm thiểu thủ tục hành chính cho người
nộp thuế, hiện nay theo quy định tại khoản 3 Điều 41 Nghị định
số 126/2020/NĐ-CP thì Tham vấn trước khi nộp hồ sơ chính thức không còn là
bắt buộc. Vì vậy, Thông tư số 45/2021/TT-BTC không còn quy định về việc tham vấn
trước khi nộp hồ sơ chính thức.
4. Thẩm định hồ sơ đề nghị áp dụng
APA (Điều 7)
- Điểm mới 1: Thông tư số
45/2021/TT-BTC không quy định về thời gian thẩm định hồ sơ đề nghị áp dụng APA
của người nộp thuế.
Lý do: Thẩm định hồ sơ đề nghị áp dụng
APA của người nộp thuế là một quá trình gồm nhiều bước được Tổng cục Thuế tổ chức
thực hiện nhằm kiểm tra, đối chiếu, xác định và đánh giá tính đầy đủ, chính
xác, hợp pháp, hợp lý, hợp lệ của các thông tin, dữ liệu do người nộp thuế cung
cấp để đưa ra bản đánh giá về phương pháp xác định giá giao dịch liên kết, đối
tượng so sánh được lựa chọn phù hợp cho việc xác định mức giá, tỷ suất lợi nhuận
hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận đối với các giao dịch thuộc phạm vi đề nghị áp dụng
APA. Do đó thời gian thẩm định đối với mỗi hồ sơ đề nghị áp dụng APA là khác
nhau và phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
- Điểm mới 2: Bổ sung quy định trong
quá trình thẩm định hồ sơ APA của người nộp thuế, Tổng cục Thuế có thể áp dụng
các biện pháp quản lý thuế đối với người nộp thuế để xác minh tính đầy đủ,
chính xác, hợp pháp, hợp lý, hợp lệ của các thông tin, tài liệu do người nộp
thuế cung cấp (điểm b khoản 2 Điều 7).
Lý do: Để đưa ra bản đánh giá về đề
nghị áp dụng APA của người nộp thuế, cơ quan thuế cần phải kiểm tra, đối chiếu,
xác định và đánh giá tính đầy đủ, chính xác, hợp pháp, hợp lý, hợp lệ của các
thông tin, dữ liệu do người nộp thuế cung cấp. Việc yêu cầu cung cấp thông tin
và khảo sát thực tế tại trụ sở của người nộp thuế (như quy định tại Thông tư số
201/2013/TT-BTC) là cần thiết. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, đối với một số
hồ sơ đề nghị áp dụng APA cụ thể, nếu cơ quan thuế chỉ thực hiện các biện pháp
này thì chưa đủ căn cứ để đánh giá các thông tin, dữ liệu do người nộp thuế
cung cấp phục vụ cho việc thẩm định hồ sơ đề nghị APA.
Do đó trong phạm vi quyền hạn của cơ quan quản lý
thuế tại Điều 4 và Điều 19 Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính
bổ sung quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 Thông tư số
45/2021/TT-BTC để bao quát được đầy đủ các biện pháp cơ quan thuế có thể áp
dụng phục vụ cho việc thẩm định hồ sơ đề nghị áp dụng APA, trong đó bao gồm cả
biện pháp thanh tra, kiểm tra thuế theo quy định pháp luật. Căn cứ quy định về
chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thuế các cấp, Tổng cục Thuế phân công đơn vị thực
hiện các biện pháp quản lý thuế thích hợp đối với việc thẩm định hồ sơ của người
nộp thuế.
5. Trao đổi, đàm phán nội dung
APA (Điều 8)
- Điểm mới 1: Sửa đổi, bổ sung mục
tiêu của việc trao đổi đàm phán APA nhằm thống nhất với người nộp thuế, cơ quan
thuế đối tác về các nội dung dự kiến tại bản dự thảo APA cuối cùng theo quy định
tại khoản 6 Điều 41 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP để trình cấp
có thẩm quyền phê duyệt (khoản 1 Điều 8).
Lý do: Trước đây tại Điều
11 Thông tư số 201/2013/TT-BTC chưa có quy định rõ về nội dung trao đổi,
đàm phán đối với APA song phương/đa phương. Do đó khoản 1 Điều
8 Thông tư số 45/2021/TT-BTC sửa đổi, bổ sung quy định như trên để làm rõ nội
dung trao đổi, đàm phán trong tất cả các trường hợp (APA đơn phương, APA song
phương và APA đa phương).
- Điểm mới 2: Sửa đổi, bổ sung quy định
về việc tiến hành Thủ tục thỏa thuận song phương: Trường hợp người nộp thuế đề
nghị áp dụng APA song phương hoặc đa phương, người nộp thuế có trách nhiệm
thông báo với bên hên kết thuộc phạm vi đề nghị áp dụng APA để đề nghị cơ quan
thuế đối tác liên lạc và xúc tiến việc trao đổi, đàm phán với Tổng cục Thuế (khoản 2 Điều 8).
Lý do: Trước đây về việc xúc tiến thủ
tục thỏa thuận song phương trong trường hợp APA song phương/đa phương, tại khoản 2 Điều 19 Thông tư số 201/2013/TT-BTC quy định nhà chức
trách có thẩm quyền của Tổng cục Thuế thực hiện việc liên lạc, trao đổi với nhà
chức trách có thẩm quyền của cơ quan thuế đối tác theo quy định tại điều khoản
về thủ tục thỏa thuận song phương theo Hiệp định thuế có liên quan. Thông tư số
45/2021/TT-BTC sửa đổi, bổ sung quy định này để đảm bảo hồ sơ đề nghị áp dụng
APA song phương/đa phương được gửi đến đồng thời cho các cơ quan thuế có liên
quan, làm căn cứ cho việc giải quyết APA theo quy định và phù hợp bản chất của
cơ chế APA là cơ chế tự nguyện, hợp tác giữa người nộp thuế và cơ quan thuế.
6. Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm
của người nộp thuế (Điều 9)
- Điểm mới 1: Sửa đổi quy định biện
pháp giải quyết khi người nộp thuế thực hiện APA đơn phương có phát sinh việc
đánh thuế trùng hoặc cơ quan thuế đối tác có sự điều chỉnh thu nhập chịu thuế dẫn
đến bất lợi cho người nộp thuế theo hướng: Người nộp thuế có quyền đề nghị Tổng
cục Thuế về việc sửa đổi hoặc hủy bỏ APA theo quy định tại khoản
9 và khoản 10 Điều 41 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP (điểm
c khoản 1 Điều 9).
Lý do: Trước đây khoản
5 Điều 17 Thông tư số 201/2013/TT-BTC quy định đối với trường hợp này, người
nộp thuế có quyền đề nghị nhà chức trách có thẩm quyền của cơ quan thuế thực hiện
thủ tục thỏa thuận song phương theo Hiệp định thuế để giải quyết bất lợi.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 12
Thông tư số 45/2021/TT-BTC thì “APA đã ký kết sẽ có hiệu lực thi hành bắt
buộc với cơ quan thuế và người nộp thuế”. Vì vậy trường hợp APA đơn phương
đã được ký kết nhưng trong quá trình thực hiện có phát sinh việc đánh thuế
trùng hoặc cơ quan thuế đối tác có điều chỉnh dẫn đến bất lợi cho người nộp thuế
thì người nộp thuế vẫn phải thực hiện APA, trừ khi APA được sửa đổi hoặc hủy bỏ
theo quy định.
Trên cơ sở đó, khoản 1 Điều 9 Thông
tư số 45/2021/TT-BTC đã sửa đổi quy định tại khoản 5 Điều
17 Thông tư số 201/2013/TT-BTC để làm rõ biện pháp giải quyết đối với trường
hợp này phù hợp với các quy định tại Nghị định số 126/2020/NĐ-CP và quy định về
hiệu lực của APA tại Thông tư này.
- Điểm mới 2: Không quy định cụ thể
việc điều chỉnh thu nhập chịu thuế cho trường hợp đã nộp tờ khai quyết toán thuế
thu nhập doanh nghiệp cho những năm áp dụng APA trước khi APA được ký kết. Việc
điều chỉnh thu nhập chịu thuế nay được thực hiện theo nguyên tắc chung (điểm c khoản 2 Điều 9).
Lý do: Việc sửa đổi quy định như trên
để phù hợp với các quy định tại khoản 16 Điều 3 Luật Quản lý
thuế và khoản 7 Điều 41 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP
liên quan đến hiệu lực của APA; Điều 8 Nghị định số
132/2020/NĐ-CP về nguyên tắc điều chỉnh thu nhập chịu thuế đối với doanh
nghiệp có giao dịch liên kết.
7. Quyền hạn và trách nhiệm của
cơ quan thuế (Điều 10)
- Điểm mới 1: Bổ sung quy định cơ
quan thuế dừng đàm phán nếu các bên liên quan không thống nhất được nội dung
APA khi giai đoạn được đề nghị áp dụng APA kết thúc (điểm b khoản
1 Điều 10).
Lý do: Tại khoản 16 Điều
3 Luật Quản lý thuế quy định “Thỏa thuận trước về phương pháp xác định
giá tính thuế được xác lập trước khi người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế”.
Như vậy trường hợp giai đoạn đề nghị áp dụng APA đã kết thúc thì việc tiếp tục
đàm phán APA giữa các bên là không phù hợp với mục tiêu của cơ chế này.
- Điểm mới 2: Sửa đổi, bổ sung trách
nhiệm của Cục Thuế trong quá trình thẩm định, trao đổi, đàm phán APA và quản
lý, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các APA đã được ký kết (khoản 2 Điều 10).
Lý do: Căn cứ quy định về quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế theo Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg ngày
25/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số
15/2021/QĐ-TTg ngày 30/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ); căn cứ thẩm quyền,
trách nhiệm của cơ quan thuế trong việc áp dụng cơ chế APA và quản lý thuế đối
với doanh nghiệp có giao dịch liên kết được quy định tại khoản
9 Điều 19, khoản 6 Điều 42 Luật Quản lý thuế, Điều 41 Nghị
định số 126/2020/NĐ-CP và khoản 9 Điều 20 Nghị định số
132/2020/NĐ-CP, tại khoản 2 Điều 10 Thông tư số
45/2021/TT-BTC đã quy định cụ thể trách nhiệm của Cục Thuế trong việc giải
quyết và giám sát thực hiện APA trong việc quản lý thuế đối với người nộp thuế
thuộc phạm vi quản lý của Cục Thuế theo chức năng, nhiệm vụ được phân công của
Cục Thuế.
Theo đó Cục Thuế có trách nhiệm:
- Tham gia và chịu trách nhiệm đối với các nội dung
tham gia trong quá trình thẩm định (bao gồm cả việc tổ chức thực hiện các biện
pháp quản lý thuế để thẩm định hồ sơ đề nghị áp dụng APA của người nộp thuế thuộc
phạm vi quản lý của Cục Thuế theo quy định của pháp luật và phân công của Bộ
Tài chính, Tổng cục Thuế), trao đổi, đàm phán APA theo chức năng, nhiệm vụ được
phân công.
- Quản lý, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các APA
đã được ký kết theo chức năng, nhiệm vụ của Cục Thuế đối với người nộp thuế thuộc
phạm vi quản lý của Cục Thuế.
8. Bảo mật thông tin
(Điều 11)
Điểm mới: Bổ sung quy định đối với
trường hợp các thông tin, dữ liệu do người nộp thuế cung cấp là các thông tin,
dữ liệu đã được người nộp thuế công khai thì cơ quan thuế được tiếp tục sử dụng
làm căn cứ xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế (khoản
2 Điều 11).
Lý do: Qua thực tế tiếp nhận thông
tin do người nộp thuế cung cấp cho cơ quan thuế, bên cạnh các thông tin thuộc
phạm vi bảo mật theo quy định của pháp luật thì có thể bao gồm các thông tin đã
được người nộp thuế công khai. Do đó Bộ Tài chính bổ sung quy định này nhằm làm
rõ phạm vi, thẩm quyền trách nhiệm, của cơ quan thuế trong việc bảo mật, sử dụng
thông tin do người nộp thuế cung cấp trong quá trình giải quyết, thực hiện APA
cũng như trong quá trình quản lý thuế nói chung đối với người nộp thuế.
9. Thời gian có hiệu lực của
APA (khoản 2 Điều 12)
Điểm mới: Sửa đổi thời gian có hiệu lực
của APA tối đa là 03 năm tính thuế nhưng không vượt quá số năm thực tế người nộp
thuế đã hoạt động sản xuất kinh doanh và kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp
tại Việt Nam.
Lý do: Quy định về thời gian có hiệu
lực của APA tại khoản 2 Điều 12 Thông tư số 45/2021/TT-BTC
được Bộ Tài chính xây dựng căn cứ quy định và thẩm quyền được giao tại Luật Quản
lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP , cụ thể:
- Tại Luật Quản lý thuế, khoản 16 Điều
3 quy định “Thoả thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế được
xác lập trước khi người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế”, điểm
b khoản 6 Điều 42 quy định “Việc áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về
phương pháp xác định giá tính thuế phải dựa trên thông tin của người nộp thuế,
cơ sở dữ liệu thương mại có sự kiểm chứng đảm bảo tính pháp lý”.
- Tại khoản 12 Điều 41 Nghị định số
126/2020/NĐ-CP, Chính phủ giao Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết việc áp dụng
cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế đối với doanh
nghiệp có giao dịch liên kết.
10. Quy định chuyển tiếp
(khoản 2 Điều 13)
Điểm mới: Quy định chuyển tiếp đối với
đề nghị áp dụng APA nộp trước ngày Thông tư số 45/2021/TT-BTC có hiệu lực nhưng
chưa được ký kết và giai đoạn đề nghị áp dụng APA chưa kết thúc tính đến thời điểm
Thông tư có hiệu lực thì được tiếp tục giải quyết theo quy định tại Luật Quản
lý thuế, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP và Thông tư này.
Lý do: Theo khoản 1 Điều
13 Thông tư số 45/2021/TT-BTC thì kể từ ngày 03/8/2021, Thông tư số
201/2013/TT-BTC hết hiệu lực thi hành. Vì vậy căn cứ các quy định của Luật Quản
lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP về hiệu lực của APA, quy định chuyển tiếp
được đưa ra nhằm đảm bảo quyền lợi cho người nộp thuế có đề nghị áp dụng APA đã
nộp trước thời điểm Thông tư số 45/2021/TT-BTC có hiệu lực nhưng chưa được ký kết
và có giai đoạn đề nghị áp dụng APA chưa kết thúc tính đến thời điểm Thông tư số
45/2021/TT-BTC có hiệu lực./.