BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2634/BTTTT-THH
V/v hướng dẫn xây dựng Kế hoạch ứng dụng
CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020
|
Hà Nội, ngày 17
tháng 08 năm 2015
|
Kính gửi:
|
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính
phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
|
Thực hiện Điều 25 của
Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công
nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan nhà nước, để triển khai ứng dụng
CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020, Bộ Thông tin và
Truyền thông hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là Bộ/tỉnh) triển
khai công tác xây dựng Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà
nước giai đoạn 2016-2020 (gọi tắt là Kế hoạch) như sau:
A. Xây dựng Báo cáo tổng kết thực hiện Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động
của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 của Bộ/tỉnh:
Căn cứ kết quả thực hiện, các Bộ/tỉnh
đánh giá, tổng hợp, xây dựng Báo cáo tổng kết thực hiện Kế hoạch ứng dụng CNTT
trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 - 2015, trong đó nêu những
kết quả đạt được so với mục tiêu đặt ra, khó khăn, hạn chế, đánh giá hiệu quả
kinh tế xã hội của các hoạt động ứng dụng CNTT, đề xuất những giải pháp thúc đẩy
ứng dụng CNTT trong giai đoạn mới.
B. Xây dựng Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước
giai đoạn 2016 - 2020:
Căn cứ nhu cầu thực tế, khả năng bố
trí kinh phí của Bộ/tỉnh, đồng thời tham khảo những định hướng chung về mục
tiêu, nội dung chính ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn
2016-2020 nêu trong Dự thảo Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động
của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020 (được cập nhật trên trang thông tin
điện tử của Cục Tin học hóa tại địa chỉ: www.aita.gov.vn), xây dựng Kế hoạch
bao gồm các nội dung chính sau:
I. Căn cứ lập Kế hoạch
Nêu những căn cứ để xây dựng Kế hoạch,
cụ thể như: Luật Công nghệ thông tin; Luật Giao dịch điện tử; Nghị định số
64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng CNTT trong hoạt động của
cơ quan nhà nước; Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ
ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW
ngày 01 tháng 7 năm 2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công
nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Chỉ thị
số 22/CT-TTg ngày 05 tháng 08 năm 2014 về việc xây dựng Kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05 tháng 08 năm
2014 về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020; Quy hoạch ứng dụng
và phát triển CNTT, Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ/tỉnh (nếu đã xây dựng);...
II. Hiện trạng ứng dụng CNTT trong hoạt
động của cơ quan nhà nước
(Thống kê tối thiểu đến cấp trực
thuộc đối với Bộ, tới cấp quận/huyện, sở/ban/ngành đối với tỉnh).
1. Môi trường pháp lý:
Nêu hiện trạng về việc ban hành và
triển khai thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, chính sách,... để phát triển ứng
dụng CNTT.
2. Hạ tầng kỹ thuật:
Nêu hiện trạng cơ sở hạ tầng CNTT phục
vụ ứng dụng CNTT (Tỷ lệ trung bình máy tính/CBCC; tỷ lệ các cơ quan trực thuộc
có LAN, kết nối Internet tốc độ cao, kết nối WAN; hạ tầng bảo đảm an toàn, an
ninh thông tin...).
3. Ứng dụng CNTT trong nội bộ các cơ
quan nhà nước:
Nêu hiện trạng ứng dụng CNTT trong nội
bộ các cơ quan nhà nước theo các mặt như: phục vụ công tác chỉ đạo, quản lý và
điều hành; phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ; phục vụ các công tác
khác;...
4. Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và
doanh nghiệp:
Nêu hiện trạng, đặc biệt đánh giá hiệu
quả KT-XH (định lượng) của các hoạt động ứng dụng CNTT phục vụ người dân và
doanh nghiệp về các mặt như: cung cấp dịch vụ công trực tuyến; ứng dụng CNTT tại
bộ phận một cửa;...
5. Nguồn nhân lực ứng dụng CNTT:
Nêu hiện trạng về việc bảo đảm nguồn
nhân lực phục vụ ứng dụng CNTT, cụ thể như: cơ cấu tổ chức quản lý CNTT các cấp;
trình độ, kỹ năng ứng dụng CNTT của các cán bộ chuyên trách, cán bộ, công chức ứng
dụng CNTT;...
6. Kinh phí triển khai các dự án ứng
dụng CNTT chính trong các cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015 và các dự án còn
đang triển khai đến nay (Danh mục các dự án được nêu trong một phụ lục
riêng, thông tin về mỗi dự án bao gồm: Tên, mục tiêu, tổng mức đầu tư, nguồn vốn
đầu tư, thời gian thực hiện, hiệu quả/hiện trạng).
III. Mục tiêu ứng dụng CNTT trong hoạt
động của cơ quan nhà nước
1. Mục tiêu tổng quát
Xác định rõ mục tiêu tổng quát ứng dụng
CNTT của Bộ/tỉnh cho giai đoạn 2016-2020.
2. Mục tiêu cụ thể
Xác định rõ mục tiêu cụ thể ứng dụng
CNTT của Bộ/tỉnh cho giai đoạn 2016-2020, các mục tiêu cần rõ ràng, định lượng,
dễ theo dõi, đánh giá kết quả. Cụ thể, có thể bao gồm (không giới hạn) các mục
tiêu về các nội dung chính như:
- Ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan
nhà nước: gồm chỉ tiêu về việc trao đổi văn bản điện tử qua mạng, ứng dụng CNTT
trong công tác chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc hành chính, ứng dụng CNTT
trong quản lý cán bộ, tài chính – kế toán, các nghiệp vụ khác,...
- Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và
doanh nghiệp: gồm chỉ tiêu về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao
(số lượng dịch vụ, mức độ cung cấp trực tuyến); ứng dụng tại bộ phận một cửa (tỷ
lệ đơn vị được ứng dụng, mức độ ứng dụng);...
- Mục tiêu ứng dụng CNTT về các lĩnh
vực khác.
IV. Nội dung kế hoạch
Xác định rõ những nội dung ứng dụng
CNTT của Bộ/tỉnh. Trong đó, bảo đảm khai thác triệt để hạ tầng kỹ thuật, các hệ
thống thông tin và cơ sở dữ liệu lớn quy mô quốc gia, đồng thời bảo đảm sự kết
nối giữa các hệ thống thông tin của Bộ/tỉnh với các hệ thống này, bảo đảm sự
tuân thủ Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam và Kiến trúc Chính phủ điện
tử cấp Bộ (đối với Bộ)/Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh (đối với tỉnh). Cụ
thể, Kế hoạch có thể bao gồm (không giới hạn) những nội dung sau:
1. Hạ tầng kỹ thuật: Xác định rõ nội
dung phát triển hạ tầng kỹ thuật các cấp (tới cấp phường, xã đối với các tỉnh,
tới cấp đơn vị trực thuộc đối với các Bộ) như trang bị máy tính, mạng máy tính
kết nối trong mỗi đơn vị, giữa đơn vị các cấp của Bộ/tỉnh, với các hệ thống quy
mô quốc gia, với mạng Internet; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; ứng dụng chữ
ký số; hạ tầng giao tiếp với người dân (ki-ốt, trung tâm chăm sóc khách
hàng...);...Chú ý phát triển hạ tầng phải hướng tới phục vụ các mục tiêu ứng dụng
CNTT cụ thể.
2. Ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan
nhà nước: Xác định rõ nội dung phát triển các phần mềm quản lý văn bản và điều
hành theo hướng tăng cường chức năng chỉ đạo, điều hành, mở rộng sự kết nối
liên thông giữa các cấp của Bộ/tỉnh (tới cấp phường, xã đối với các tỉnh, tới cấp
đơn vị trực thuộc đối với các Bộ) và với các hệ thống quy mô quốc gia; phát triển
các ứng dụng nâng cao hiệu quả quản lý nội bộ như quản lý cán bộ, tài chính - kế
toán, chú ý sự kết nối các hệ thống này với các hệ thống khác theo nhu cầu;
phát triển các ứng dụng CNTT chuyên ngành phục vụ các công tác nghiệp vụ khác
theo đặc thù của mỗi cơ quan (chú ý chỉ xây dựng ứng dụng có tính cần thiết và
khả thi cao, mang lại hiệu quả rõ rệt); hướng tới xây dựng cơ quan điện tử.
3. Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và
doanh nghiệp: Xác định những nội dung phục vụ cung cấp thông tin và dịch vụ
công trực tuyến mức độ cao cho người dân và doanh nghiệp (quy mô cung cấp, cấp
hành chính cung cấp); phát triển ứng dụng CNTT tại Bộ phận một cửa (mức độ ứng
dụng, quy mô triển khai, sự kết nối liên thông giữa các hệ thống thông tin tại
bộ phận một cửa và các hệ thống khác); phát triển các ứng dụng CNTT đặc thù
khác phục vụ người dân và doanh nghiệp theo đặc thù của Bộ/tỉnh (chú ý chỉ xây
dựng ứng dụng có tính cần thiết và khả thi cao, mang lại hiệu quả rõ rệt).
4. Đảm bảo an toàn thông tin: triển
khai các nội dung nhằm đảm bảo an toàn thông tin cho hoạt động của Cơ quan nhà
nước trong đó bao gồm (không giới hạn) các nội dung như: Đầu tư trang thiết bị
tăng cường bảo đảm an toàn thông tin, ưu tiên hệ thống cung cấp thông tin và dịch
vụ hành chính công phục vụ người dân và doanh nghiệp và hệ thống trung tâm dữ
liệu; Triển khai ứng dụng chữ ký số và bảo vệ thông tin bí mật nhà nước; Rà
soát cập nhật hoặc ban hành mới quy chế bảo đảm an toàn thông tin trong hoạt động
của cơ quan nhà nước; Định kỳ hàng năm thực hiện việc kiểm tra, đánh giá về an
toàn thông tin; xây dựng và diễn tập về bảo đảm an toàn thông tin thuộc phạm vi
bộ, ngành, địa phương mình với các phương án, kịch bản phù hợp thực tế cùng sự
tham gia của các cơ quan quản lý và doanh nghiệp liên quan; Chỉ đạo các tập
đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, tổ chức thuộc phạm vi quản lý thực hiện rà
soát, đánh giá, có biện pháp tăng cường bảo đảm an toàn thông tin đối với các hệ
thống hạ tầng thông tin, hệ thống điều khiển công nghiệp và các hệ thống thông
tin quan trọng khác do doanh nghiệp quản lý, khai thác, vận hành; Phối hợp cùng
Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc triển khai các nhiệm vụ liên quan,
v.v..
5. Nguồn nhân lực cho ứng dụng CNTT: Xác
định những nội dung bảo đảm nguồn nhân lực ứng dụng CNTT về số lượng, chất lượng:
như tổ chức đào tạo, học hỏi kinh nghiệm, tuyên truyền nâng cao nhận thức, hỗ
trợ người dân sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến;... ; tập huấn, bồi dưỡng
ngắn hạn về an toàn thông tin theo Quyết định số 99/QĐ-TTg ngày 14/01/2014 của
Thủ tướng Chính phủ cho các nhóm đối tượng khác nhau (cán bộ quản lý, cán bộ kỹ
thuật).
V. Giải pháp
Xác định rõ các giải pháp thực hiện Kế
hoạch, có thể bao gồm (không giới hạn) các nội dung chính sau:
1. Giải pháp tài chính (đầu tư có
trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo khả thi về nguồn lực triển khai).
2. Giải pháp triển khai (chú ý gắn
chặt giữa ứng dụng CNTT và cải cách hành chính; triển khai thí điểm mô hình ứng
dụng CNTT sau đó nhân rộng).
3. Giải pháp tổ chức (chú ý kiện
toàn bộ máy chuyên trách CNTT các cấp).
4. Giải pháp môi trường pháp lý (xây
dựng và triển khai áp dụng Kiến trúc Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử cấp
Bộ/tỉnh; xây dựng chính sách thu hút nguồn nhân lực cho ứng dụng CNTT;…).
5. Các giải pháp khác.
VI. Lộ trình thực hiện
Xác định lộ trình thực hiện các nội
dung Kế hoạch. Trong đó, dự kiến kết quả thực hiện Kế hoạch trong mỗi năm.
VII. Kinh phí thực hiện
Xác định nguồn kinh phí, dự kiến kinh
phí, kế hoạch kinh phí cho việc thực hiện Kế hoạch. Đa dạng hóa các hình thức đầu
tư trong giai đoạn mới như thuê dịch vụ CNTT (theo Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg
ngày 30/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ), đầu tư theo hình thức đối tác công
tư..., nêu các nội dung thực hiện kế hoạch tương ứng với các hình thức đầu tư.
VIII. Danh mục dự án, nhiệm vụ
Xây dựng danh mục các dự án, nhiệm vụ
quan trọng sẽ triển khai trong Kế hoạch (trong đó xác định tên, mục tiêu, thời
gian thực hiện, dự kiến kinh phí, hình thức đầu tư).
IX. Dự kiến hiệu quả của Kế hoạch
Xác định hiệu quả triển khai Kế hoạch
về các mặt kinh tế, xã hội,...
C. Về thời gian xây dựng Kế hoạch:
Đề nghị xây dựng và sớm gửi Dự thảo Kế
hoạch về Bộ Thông tin và Truyền thông trước ngày 30/9/2015 để Bộ thẩm định (đồng
thời gửi văn bản điện tử vào hộp thư điện tử có địa chỉ bthang@mic.gov.vn).
Trân trọng./.