Kính gửi: Đoàn
Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh
Bộ Y tế nhận được Công văn số 942/BDN ngày
06/11/2024 của Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị trả lời
kiến nghị của cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong đó có
một số kiến nghị của cử tri tỉnh Trà Vinh.
Bộ Y tế xin trả lời đối với kiến nghị liên quan đến
lĩnh vực quản lý của ngành Y tế, cụ thể như sau:
1. Đề nghị sửa đổi, bổ sung
điểm c, khoản 2 Điều 145, Nghị định 96/2023/NĐ ngày
30/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật khám bệnh, chữa
bệnh, cụ thể:
2. Cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh:
c) Điều chỉnh giấy phép hoạt động đối với trường
hợp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn quản lý, trừ các cơ sở khám bệnh,
chữa bệnh thuộc Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý và bệnh viện tư nhân
khi thay đổi quy mô hoạt động theo hướng:
Được thay đổi quy mô giường bệnh dưới 10% hoặc
trường hợp điều chỉnh quy mô giường bệnh từ 10% trở lên nhưng số giường điều chỉnh
không vượt quá 30 giường bệnh và phải trình UBND tỉnh ra quyết định quy mô giường
bệnh lại cho đơn vị
Theo quy định tại khoản 4, Điều 51 của Luật Khám bệnh,
chữa bệnh về thẩm quyền cấp mới, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động, đình
chỉ hoạt động và thu hồi giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:
“Cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp mới, cấp lại,
điều chỉnh và thu hồi giấy phép hoạt động đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
trên địa bàn quản lý, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này;
đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoạt động trên địa
bàn quản lý.”
Thẩm quyền điều chỉnh giường bệnh đã được Luật giao
cho cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Việc cơ quan
chuyên môn này báo cáo và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được thực hiện theo thẩm
quyền và các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng như quy
trình nội bộ của từng tỉnh. Do đó, Bộ Y tế đề nghị không bổ sung nội dung chi
tiết này vào Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ quy định
chi tiết một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh.
2. Đề nghị sửa đổi, bổ sung và
điều chỉnh khoản 2, Điều 1 và Điều 2 tại Quyết định số
75/2009/QĐ-TTg, ngày 11/05/2009 của Thủ tướng Chính phủ
quy định về chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn bản như sau:
1. Quyết định này quy định về chế độ phụ cấp của
nhân viên y tế thôn, ấp, bản, buôn, làng, sóc (sau đây gọi chung là thôn, bản).
2. Quyết định này áp dụng đối với nhân viên y tế
tại các tổ dân phố thuộc các phường, thị trấn.
- Mức phụ cấp hàng tháng 0.5 lên 0.7 và 0.3 lên
0.5 so với mức lương tối thiểu chung/tháng
3. Đề nghị xem xét sửa đổi quy
định tại khoản 6, Điều 3 Nghị định 56/2011/NĐ-CP ngày 04/07/2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi theo
nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập theo hướng:
công chức, viên chức không trực tiếp làm chuyên môn y tế; công chức, viên chức
y tế làm công tác quản lý, phục vụ tại các đơn vị sự nghiệp y tế nói chung được
hưởng phụ cấp ưu đãi nghề 40%. Vì thực tế tất cả viên chức y tế làm việc tại
các cơ sở khám chữa bệnh đều tiếp xúc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Đặc biệt, đối với trực lãnh đạo (Ban giám đốc và Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ)
có thực hiện khám chữa bệnh khi tham gia hội chuẩn nhưng chỉ được hưởng ưu đãi
nghề 20% là chưa phù hợp.
Đồng thời, Nghị định số 56/2011/NĐ-CP đã ưu đãi
cho phòng kế hoạch chỉ đạo tuyến, Bác sĩ lãnh đạo, Kế toán, chế độ đặc thù 30%,
Dược ưu đãi 40%, Bác sĩ và Điều dưỡng trực tiếp khám bệnh 70%,... trong Bệnh viện
Lao và Bệnh Phổi. Do đó, đề nghị sửa đổi nâng mức phụ cấp ưu đãi nghề cho cán bộ
y tế ngành Lao gián tiếp lên 70% và trực tiếp lên 100%, để thu hút cán bộ có
năng lực và trình độ về làm việc cho ngành Lao.
Về chế độ phụ cấp cho nhân viên y tế, Bộ Y tế đang
khẩn trương hoàn thiện các dự thảo (1) Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số
75/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chế độ
phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản và tổ chức xin ý kiến các Bộ, ngành
liên quan, các địa phương để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành theo
quy định; (2) Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày
28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc
thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập
và chế độ phụ cấp chống dịch và tổ xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan, các địa
phương để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành theo quy định; (3) Nghị định
về phụ cấp theo nghề thay thế Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của
Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức
công tác tại các cơ sở y tế công lập và tổ chức xin ý kiến các Bộ, ngành, địa
phương để hoàn chỉnh Hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định; trình Chính phủ xem xét,
ban hành theo quy định.
4. Đề nghị ban hành Danh mục vật
tư y tế, phân nhóm, thông số kỹ thuật chuẩn theo Nghị định số 98/2021/NĐ-CP
ngày 08/11/2021 Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế để tạo điều kiện cho địa
phương căn cứ xây dựng danh mục, đấu thầu, thẩm định (vì mỗi hãng có thông số kỹ
thuật, công nghệ khác nhau)
Triển khai Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày
27/2/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật
đấu thầu về lựa chọn nhà thầu; Bộ Y tế đã thực hiện nghiên cứu hướng dẫn phân
nhóm thiết bị y tế theo tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng nhằm phục vụ công tác đấu
thầu. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ rất khó do hiện nay trên thế giới chưa có
một bộ tiêu chuẩn chất lượng nào đánh giá chung được cho tất cả các thiết bị y
tế, vì vậy Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 29/7/2024 về việc
đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành Luật Đấu thầu, trong đó giao Bộ
Y tế hướng dẫn về phân nhóm thiết bị y tế theo tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng
để thực hiện nhiệm vụ được giao tại điểm d, khoản 2, Điều 135, Nghị định số
24/2024/NĐ-CP.
Để triển khai thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ
giao, ngày 27/5/2024, Bộ Y tế đã có công văn số 2862/BYT-HTTB gửi: (1) Sở Y tế
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, (2) Các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ
Y tế, (3) Y tế các Bộ, ngành về việc đề xuất nguyên tắc, tiêu chí phân nhóm thiết
bị y tế theo tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng trong đấu thầu. Bộ Y tế nhận được
nhiều báo cáo của các đơn vị; tuy nhiên các ý kiến đề xuất của các đơn vị chưa
chỉ rõ và không thống nhất để có cơ sở lựa chọn một phương án chung nhất làm kết
quả của nghiên cứu, xây dựng quy định hướng dẫn. Bộ Y tế đã tổ chức các Hội thảo
xin ý kiến góp ý về phương án thực hiện việc phân nhóm thiết bị y tế theo tiêu
chuẩn kỹ thuật, chất lượng. Tại buổi hội thảo, Bộ Y tế đã trao đổi, ghi nhận những
ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự để có căn cứ rà soát, nghiên cứu phương
án triển khai, thực hiện.
Ngày 07/11/2024, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực
tuyến do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chủ trì với các đơn vị về việc đánh giá tình
trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế; xin ý kiến về định hướng phân nhóm thiết bị y
tế theo tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng phục vụ công tác đấu thầu. Trên cơ sở
các ý kiến góp ý, đề xuất đã trao đổi, Bộ Y tế đang tổng hợp, rà soát và nghiên
cứu phương án thực hiện đảm bảo tính khả thi, quy định của pháp luật và theo kế
hoạch do Chính phủ ban hành. Theo quy định hiện hành, việc lập hồ sơ mời thầu đối
với gói thầu mua sắm thiết bị y tế thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số
06/2024/TT-BKHĐT ngày 26/4/2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và không phụ thuộc
vào việc bắt buộc phải có quy định về phân nhóm thiết bị y tế theo tiêu chuẩn kỹ
thuật, chất lượng.
Ngoài ra, theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều
16, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, đối với gói thầu mua thuốc; hóa chất, vật tư
xét nghiệm, thiết bị y tế; linh kiện, phụ kiện, vật tư thay thế sử dụng cho thiết
bị y tế trên cơ sở yêu cầu chuyên môn, chủ đầu tư quyết định các tiêu chí kỹ
thuật và tổ chức lấy báo giá. Trường hợp có từ 02 báo giá trở lên, chủ đầu tư
được lựa chọn báo giá cao nhất phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên
môn. Trường hợp cần thiết, trong hồ sơ mời thầu có thể quy định về xuất xứ của
thiết bị y tế theo nhóm nước, vùng lãnh thổ (khoản 2, Điều 44, Luật Đấu thầu
năm 2023). Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 7, Điều 24, Nghị định số
24/2024/NĐ-CP, trường hợp gói thầu cần xem xét trên cơ sở chú trọng tới các yếu
tố kỹ thuật và giá, chủ đầu tư có thể quy định mức điểm yêu cầu tối thiểu về kỹ
thuật không thấp hơn 80% tổng số điểm tối đa về kỹ thuật (thay cho mức 70% như
các gói thầu thông thường). Theo đó, căn cứ quy định nêu trên, chủ đầu tư chịu
trách nhiệm xác định nhu cầu mua sắm, giá gói thầu, xây dựng các tiêu chí đánh
giá trong hồ sơ mời thầu cho phù hợp để bảo đảm mua sắm được hàng hóa đáp ứng
yêu cầu sử dụng; Bộ Y tế đã có văn bản số 5487/BYT-KH-TC ngày 16/9/2024 hướng dẫn
cụ thể nội dung này.
5. Đề nghị bổ sung quy định về
kích thước, màu sắc đối với dòng chữ thể hiện nội dung cảnh báo tại
điểm đ Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 24/2020/NĐ-CP ngày
24/2/2020 của Chính phủ.
Theo quy định tại điểm đ, khoản 3, Điều 5, Nghị định
số 24/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng,
chống tác hại của rượu, bia có quy định: “Quảng cáo rượu, bia khác ngoài các
trường hợp quy định tại các điểm b, c và điểm d khoản này phải có nội dung cảnh
báo theo quy định tại điểm a khoản này bằng chữ viết bảo đảm rõ nét, dễ nhìn”.
6. Kiến nghị ban hành Thông tư
hướng dẫn về đấu thầu mua sắm vật tư, thiết bị y tế cho các cơ sở y tế công lập,
vì hiện công tác mua sắm vật tư, thiết bị y tế áp dụng theo mua sắm hàng hóa phải
trình qua nhiều cấp, nhiều bước (8 bước) mới phát hành được hồ sơ mời thầu, mất
rất nhiều thời gian mới mua sắm được vật tư y tế, gây chậm trễ trong thực hiện
mua sắm phục vụ công tác chuyên môn.
Theo quy định tại khoản 4, Điều 27, Nghị định số
24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện
pháp thi hành luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, đối với gói thầu chia phần,
việc đánh giá hồ sơ dự thầu và xét duyệt trúng thầu được thực hiện trên cơ sở bảo
đảm tổng giá đề nghị trúng thầu của gói thầu là thấp nhất (đối với gói thầu áp
dụng phương pháp giá thấp nhất); tổng giá đánh giá của gói thầu là thấp nhất (đối
với gói thầu áp dụng phương pháp giá đánh giá) và giá đề nghị trúng thầu của cả
gói thầu không vượt giá gói thầu được duyệt mà không so sánh với ước tính chi
phí của từng phần; đối với gói thầu, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế,
dịch vụ kỹ thuật theo hướng dẫn của Bộ Y tế (nếu có).
Hiện nay, Bộ Y tế không có quy định riêng đối với
việc đánh giá hồ sơ dự thầu và xét duyệt trúng thầu đối với gói thầu mua sắm
thiết bị y tế, chia nhiều phần. Do đó, việc tổ chức lựa chọn nhà thầu, đánh giá
hồ sơ dự thầu, xét duyệt trúng thầu đối với gói thầu này thực hiện theo quy định
của Luật Đấu thầu năm 2023, Nghị định 24/2024/NĐ-CP, Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT
ngày 26/4/2024 hướng dẫn việc cung cấp, đăng tải thông tin về lựa chọn nhà thầu
và mẫu hồ sơ đấu thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Thông tư
07/2024/TT-BKHĐT ngày 26/4/2024 quy định chi tiết mẫu hồ sơ yêu cầu, báo cáo
đánh giá, báo cáo thẩm định, kiểm tra, báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu
thầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế
và trách nhiệm giải trình.
7. Kiến nghị sớm ban hành hướng
dẫn thanh toán các khoản mua thuốc, vật tư y tế, sinh phẩm ứng trước của các
đơn vị cung cấp để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, vì hiện nay các
địa phương chưa có cơ sở để thực hiện thanh toán công nợ của Sở Y tế.
Thực hiện Nghị quyết số 99/2023/QH15 của Quốc hội
nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong quản lý, sử dụng và thanh toán các nguồn lực
phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số
218/NQ-CP ngày 18/12/2023, giao Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và
các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai.
Đối với nội dung vướng mắc trong thanh toán, quyết
toán đối với việc mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, thiết bị, vật tư y tế phục
vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 đã thực hiện dưới các hình thức tạm ứng,
vay mượn, huy động và tiếp nhận tài trợ, viện trợ từ ngày 01/01/2020 đến hết
ngày 31/12/2022; Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Nghị quyết Chính phủ về giải quyết
vướng mắc, khó khăn trong quản lý, sử dụng và thanh toán, quyết toán các nguồn
lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và có công văn số 1925/BYT-KHTC
ngày 15/4/2024 gửi các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương đề nghị góp ý cho dự thảo Nghị quyết nêu trên. Về cơ bản, Ủy ban
nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và một số Bộ, ngành thống nhất
với Dự thảo.
Tuy nhiên, các Bộ (Tài chính, Kế hoạch và đầu tư,
Ngoại giao, Tư pháp) có ý kiến Bộ Y tế xem xét lại thẩm quyền ban hành Nghị quyết
cũng như các nội dung được đề cập trong Nghị quyết có chứa nội dung quy phạm
pháp luật. Bộ Y tế đã tiếp thu, chỉnh sửa hiện đang tiến hành các thủ tục trình
Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi ban hành.
8. Kiến nghị Bộ Y tế sửa đổi và
hướng dẫn vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập thống nhất đối với Bệnh
viện lao và phổi tại Thông tư 03/2023 ngày 17/02/2023 của Bộ Y tế theo hướng
cho phòng Kế hoạch - Chỉ đạo tuyến (dự phòng lao), đảm bảo số người làm việc để
thực hiện nhiệm vụ phòng chống bệnh lao từ nay đến khi chấm dứt bệnh lao vào
năm 2035.
Đối với các vị trí việc làm thuộc Chỉ đạo tuyến và
Kế hoạch tổng hợp: đây là các công việc quản lý, phải bổ nhiệm vào chức danh
nghề nghiệp Chuyên viên về hành chính, tổng hợp. Các vị trí này đã được quy định
trong danh mục chức danh nghề nghiệp dùng chung tại các đơn vị sự nghiệp do Bộ
Nội vụ ban hành.
9. Đề nghị sửa đổi, bổ sung
điểm a, khoản 4, Điều 3 Thông tư 22/2023/TT-BYT ngày
17/11/2023 của Bộ Y tế phù hợp với Nghị định 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của
Chính phủ về quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ,
công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo hướng điều chỉnh tăng giá dịch
vụ khám bệnh, chữa bệnh, dịch vụ ngày giường bệnh và dịch vụ kỹ thuật tương ứng
phù hợp với thực tế hiện nay..
Giá khám bệnh, chữa bệnh có ảnh hưởng đến tình hình
kinh tế xã hội nên Chính phủ đã có chỉ đạo việc thực hiện điều chỉnh giá khám bệnh,
chữa bệnh cần thận trọng, có lộ trình, phải đánh giá Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
để vừa điều chỉnh được giá nhưng vẫn thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát,
ổn định kinh tế vĩ mô, không gây xáo trộn, thúc đẩy lộ trình Bảo hiểm y tế toàn
dân. Việc điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cũng cần căn cứ khả năng
chi trả của người dân, khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế.
Căn cứ khoản 3, Điều 110, Luật Khám bệnh, chữa bệnh
việc định giá dịch vụ trên cơ sở lộ trình do Chính phủ quy định; khoản 6, Điều
119, Nghị định 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một
số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh về định giá khám bệnh, chữa bệnh, Chính
phủ giao: “Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo
cấp có thẩm quyền quyết định”. Do vậy để điều chỉnh được giá khám bệnh, chữa
bệnh, Bộ Y tế phải phối hợp Bộ, ngành liên quan đánh giá tác động để đề xuất Thủ
tướng Chính phủ thời điểm điều chỉnh phù hợp.
Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, ngành đánh giá tác
động và có công văn số 5117/BYT-KHTC ngày 28/8/2024 báo cáo Thủ tướng Chính phủ,
Ban Chỉ đạo Điều hành giá đề xuất lộ trình giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất từ 01/11/2024 bắt đầu thực hiện điều
chỉnh giá khám bệnh, chữa bệnh theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng.
10. Kiến nghị xem xét hỗ trợ
BHYT cho hội viên Hội Cựu Chiến binh đi bộ đội sau ngày 30/4/1975 đủ điều kiện
tham gia Cựu Chiến binh là cựu quân nhân.
Bảo hiểm y tế thực hiện trên nguyên tắc bảo đảm
chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia. Mức đóng và mức hưởng bảo hiểm y tế
được quy định cụ thể trong Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn, dựa
trên khả năng đóng góp của các nhóm đối tượng, mức lương cơ sở, phạm vi quyền lợi
và khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 2, Pháp lệnh Ưu đãi
người có công với cách mạng số 02/2020/UBTVQH14 ngày 09/12/2020 của Ủy ban Thường
vụ Quốc hội và Luật Bảo hiểm y tế, người có công[1] với cách mạng thuộc nhóm đối tượng do ngân sách
nhà nước đóng. Nếu không thuộc nhóm đối tượng người có công hoặc đối tượng được
hỗ trợ như người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người sinh sống
tại các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, hộ nông, lâm, ngư nghiệp
và diêm nghiệp có mức sống trung bình[2], công dân có thể tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình để hưởng
mức đóng giảm dần theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế như sau: (1) Người thứ
nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; (2) Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần
lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; (3) Từ người thứ năm trở
đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Ngoài ra, tại điểm b, khoản 3, Nghị định số
75/2023/NĐ-CP đã quy định: Căn cứ khả năng ngân sách của địa phương và các nguồn
kinh phí hợp pháp khác, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố quyết định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế
cho các đối tượng cao hơn mức hỗ trợ tối thiểu và mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế
cho các đối tượng không được hưởng mức hỗ trợ theo quy định hiện hành[3].
Trên đây là nội dung trả lời đối với kiến nghị của
cử tri tỉnh Trà Vinh liên quan đến lĩnh vực Y tế, Bộ Y tế trân trọng kính gửi
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh để biết, thông tin tới cử tri.
Xin trân trọng cảm ơn./
Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện - UBTVQH;
- VPCP: QHĐP, TH;
- VPQH;
- Các đ/c Thứ trưởng BYT;
- BYT: KHTC, BH, KCB, HTTB, DP, TCCB;
- Cổng TTĐT Bộ Y tế (để đăng tải);
- Lưu: VT, VPB1.
|
BỘ TRƯỞNG
Đào Hồng Lan
|
[1]
1. Người có công với cách mạng bao gồm:
a) Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01
năm 1945;
b) Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01
năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;
c) Liệt sĩ;
d) Bà mẹ Việt Nam anh hùng;
đ) Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân;
e) Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;
g) Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được
công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993; người hưởng chính sách như thương
binh;
h) Bệnh binh;
i) Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc
hóa học;
k) Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ
quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày;
l) Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc,
bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế;
m) Người có công giúp đỡ cách mạng.
[2]
a) Hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo
đang cư trú trên địa bàn các huyện nghèo theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ
và các văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền;
b) Hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng bảo hiểm y tế đối
với đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 4 Nghị định này
[3]
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ khả năng ngân sách
của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác trình hội đồng nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương quyết định:
a) Mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng
cao hơn mức hỗ trợ tối thiểu quy định tại các điểm b và c khoản 1 Điều 8 Nghị định
này;
b) Mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng
không được hưởng mức hỗ trợ quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định này;
c) Đối tượng được hỗ trợ và mức hỗ trợ cùng chi trả
chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người tham gia bảo hiểm y tế khi
đi khám bệnh, chữa bệnh.