Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Danh sách văn bản nổi bật hướng dẫn Phòng cháy, chữa cháy

Vừa qua đã xảy ra một vài vụ cháy gây thiệt hại nặng nề cả về người lẫn tài sản, đây là hồi chuông cảnh báo cho thấy cần phải đẩy mạnh hơn nữa trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

1. Chữa cháy là gì? 

Theo quy định tại Khoản 8 Điều 3 Luật Phòng cháy, chữa cháy 2001 (sửa đổi 2013), chữa cháy bao gồm các công việc huy động, triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy, cắt điện, tổ chức thoát nạn, cứu người, cứu tài sản, chống cháy lan, dập tắt đám cháy và các hoạt động khác có liên quan đến chữa cháy. 

Có thể thấy, chữa cháy là một hoạt động vô cùng phức tạp và nguy hiểm, đòi hỏi người thực hiện phải có chuyên môn, kỹ thuật cao cùng với sự phối hợp hiệu quả của tập thể lực lượng tham gia chữa cháy.

2. Ai có trách nhiệm chữa cháy và tham gia chữa cháy?

Căn cứ Điều 33 Luật Phòng cháy, chữa cháy 2001 (sửa đổi 2013) quy định về trách nhiệm phòng cháy chữa cháy như sau:

- Người phát hiện thấy cháy phải bằng mọi cách báo cháy nhanh nhất và chữa cháy; cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân gần nơi cháy phải nhanh chóng thông tin và tham gia chữa cháy.

- Lực lượng phòng cháy và chữa cháy khi nhận được tin báo cháy trong địa bàn được phân công quản lý hoặc nhận được lệnh điều động phải lập tức đến chữa cháy; trường hợp nhận được thông tin báo cháy ngoài địa bàn được phân công quản lý thì phải báo ngay cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy nơi xảy ra cháy, đồng thời phải báo cáo cấp trên của mình.

- Các cơ quan y tế, điện lực, cấp nước, môi trường đô thị, giao thông và các cơ quan hữu quan khác khi nhận được yêu cầu của người chỉ huy chữa cháy phải nhanh chóng điều động người và phương tiện đến nơi xảy ra cháy để phục vụ chữa cháy.

- Lực lượng công an, dân quân, tự vệ có trách nhiệm tổ chức giữ gìn trật tự, bảo vệ khu vực chữa cháy và tham gia chữa cháy.

- Ủy ban nhân dân các địa phương giáp ranh phải xây dựng phương án phối hợp và tổ chức lực lượng tham gia chữa cháy khi có yêu cầu.

Danh sách văn bản nổi bật hướng dẫn Phòng cháy, chữa cháy mới nhất (Hình từ Internet)

3. Quy định về bảo đảm quyền ưu tiên cho người, phương tiện tham gia chữa cháy

Căn cứ Điều 36 Luật Phòng cháy, chữa cháy 2001 (sửa đổi 2013) thì người và phương tiện tham gia chữa cháy được đảm bảo quyền ưu tiên trong khi thực hiện nhiệm vụ, cụ thể được quy định như sau:

- Người được huy động làm nhiệm vụ chữa cháy được ưu tiên đi trên các phương tiện giao thông.

- Lực lượng, phương tiện khi làm nhiệm vụ chữa cháy có các quyền ưu tiên sau đây:

- Lực lượng, phương tiện của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy được sử dụng còi, đèn, cờ ưu tiên và tín hiệu đặc biệt khác; ưu tiên đi trên đường giao thông theo quy định của pháp luật;

- Lực lượng, phương tiện khác khi huy động làm nhiệm vụ chữa cháy có các quyền ưu tiên quy định tại điểm a khoản này trong phạm vi khu vực chữa cháy.

- Người và phương tiện tham gia giao thông khi thấy tín hiệu còi, đèn, cờ ưu tiên của phương tiện đi làm nhiệm vụ chữa cháy phải nhanh chóng nhường đường.

- Lực lượng Cảnh sát giao thông và các lực lượng khác khi làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự an toàn giao thông có trách nhiệm bảo đảm cho lực lượng, phương tiện đi chữa cháy được lưu thông nhanh nhất.

4. Tổng hợp văn bản hướng dẫn phòng cháy chữa cháy

Dưới đây là danh sách các văn bản hướng dẫn phòng cháy chữa cháy mà người dân cần biết đề góp phần đẩy mạnh công tác phòng cháy chữa cháy ở nước ta trong bối cảnh hiện nay:

1

Luật phòng cháy và chữa cháy 2001

Luật phòng cháy và chữa cháy 2001 số 27/2001/QH10 có hiệu lực từ ngày 04/10/2001 quy định về phòng cháy, chữa cháy, xây dựng lực lượng, trang bị phương tiện, chính sách cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy.

Một số nội dung đáng chú ý trong Luật này có thể kể đến các quy định như trách nhiệm phòng cháy và chữa cháy, các hành vi bị nghiêm cấm trong quá trình thực hiện phòng cháy chữa cháy hay các biện pháp cơ bản trong phòng cháy, chữa cháy lần lượt được quy định tại Điều 5, Điều 13, Điều 14 và Điều 30.

2

Luật phòng cháy, chữa cháy sửa đổi 2013

Luật phòng cháy, chữa cháy sửa đổi 2013 số 40/2013/QH13 có hiệu lực từ ngày 01/07/2014 quy định về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều khoản của Luật phòng cháy và chữa cháy 2001.

Về nội dung đáng chú ý, Luật này sửa đổi các quy định tại Luật Phòng cháy chữa cháy 2001 như quy định về Ban hành và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy tại Khoản 4 Điều 1, quy định về Chế độ, chính sách đối với người tham gia chữa cháy tại Khoản 7 Điều 10, ngoài ra Luật này còn bổ sung quy định về Kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy tại Khoản 6 Điều 1.

3

Nghị định 50/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 136/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi và Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy

Nghị định 50/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/05/2024. Về nội dung đáng chú ý, Nghị định này sửa đổi các quy định thiết kế về phòng cháy chữa cháy tại Nghị định 136/20220/NĐ-CP, chẳng hạn như:

- Quy định về hồ sơ đề nghị thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy tại Điểm c Khoản 1 Điều 1.

- Quy định về kết quả thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy tại Điểm đ Khoản 1 Điều 1.

Ngoài ra, Nghị định này còn sửa đổi các quy định về phương án cứu nạn, cứu hộ của cơ quan Công an tại Nghị định 83/2017/NĐ-CP.

4

Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy do Chính phủ ban hành

Nghị định 83/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 04/10/2017 quy định về bố trí lực lượng và hoạt động cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy; nguyên tắc, quan hệ phối hợp, bảo đảm điều kiện và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Một số nội dung đáng chú ý của Nghị định này có thể kể đến như Nguyên tắc hoạt động cứu nạn, cứu hộ tại Điều 4, Ưu tiên và bảo đảm quyền ưu tiên cho người, phương tiện được huy động tham gia cứu nạn, cứu hộ tại Điều 19, hay quy định về Chế độ, chính sách đối với những người tham gia cứu nạn, cứu hộ bị ốm đau, tai nạn và chết tại Điều 35.

5

Nghị định 136/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi

Nghị định 136/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/01/2021 quy định về hoạt động phòng cháy và chữa cháy, tổ chức lực lượng, phương tiện phòng cháy và chữa cháy, kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy, kinh phí bảo đảm cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy, trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp trong hoạt động phòng cháy và chữa cháy.

Một số nội dung đáng chú ý trong Nghị định này có thể kể đến các quy định như Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở tại Điều 5, Thiết kế và thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy tại Điều 13, Hoàn trả và bồi thường thiệt hại phương tiện, tài sản được huy động để chữa cháy tại Điều 27 hay quy định về Điều kiện đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy tại Điều 41.

6

Thông tư 06/2022/TT-BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2022/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành

Thông tư 06/2022/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 16/01/2023. Thông tư này ban hành QCVN 06:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình.

7

Thông tư 32/2024/TT-BCA sửa đổi Thông tư 149/2020/TT-BCA hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi và Nghị định 136/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi và Thông tư 08/2018/TT-BCA hướng dẫn Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

Thông tư 32/2024/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 24/08/2024. Về nội dung đáng chú ý, Thông tư này sửa đổi các quy định tại Thông tư 149/2020/TT-BCA như quy định về hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy, quy định về thời hạn thực tập phương án chữa cháy, hay quy định về thành lập đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành. Bên cạnh đó, Thông tư này còn sửa đổi quy định về kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn về cứu nạn, cứu hộ của cơ quan Công an tại Thông tư 08/2018/TT-BCA.

8

Thông tư 149/2020/TT-BCA hướng dẫn thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi và Nghị định 136/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

Thông tư 149/2020/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 20/02/2021 quy định một số nội dung trong công tác phòng cháy, chữa cháy, gồm: Hồ sơ quản lý, nội quy an toàn, sơ đồ chỉ dẫn, biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy; khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao; phân cấp quản lý về phòng cháy và chữa cháy; kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy; phê duyệt, thực tập phương án chữa cháy; hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và truyền tin báo sự cố; thành lập đội phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành; nội dung, thời lượng bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy và chữa cháy; tem kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy.

Một số nội dung đáng chú ý của Thông tư này có thể kể đến như quy định về nội quy an toàn, sơ đồ chỉ dẫn, biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy tại Điều 5; quy định về khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao tại Điều 6; hay quy định về kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy tại Điều 8.

9

Thông tư 17/2021/TT-BCA quy định về quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

Thông tư 17/2021/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 22/03/2021 quy định về nguyên tắc, nội dung, hồ sơ, chế độ thống kê, báo cáo và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở có liên quan trong quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Một số nội dung đáng chú ý của Thông tư này là các quy định về nguyên tắc quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại Điều 3; quy định về địa điểm quản lý, bảo quản phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại Điều 6; hay quy định về trách nhiệm của người được giao quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại Điều 14.

10

Thông tư 04/2021/TT-BLĐTBXH về hướng dẫn chế độ đối với người được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy, phục vụ chữa cháy, thành viên đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Thông tư 04/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 15/08/2021 quy định hướng dẫn một số chế độ quy định tại khoản 8 Điều 50 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháyLuật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Về nội dung đáng chú ý của Thông tư này, có thể kể đến quy định về chế độ đối với người được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy và phục vụ chữa cháy bị tai nạn, bị thương tại Điều 3; hay quy định về chế độ đối với người được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy và phục vụ chữa cháy bị chết tại Điều 4. Ngoài ra, Thông tư này còn quy định về trợ cấp, tiền bồi dưỡng đối với thành viên đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành khi tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy tại Điều 5.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 3.128.198.90
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!