1. Đối tượng được cấp thẻ an toàn điện
Điều 4 Thông tư 05/2021/TT-BCT quy định các đối tượng được huấn luyện, sát hạch, xếp bậc và cấp thẻ an toàn điện gồm:
- Người làm công việc vận hành, thí nghiệm, xây lắp, sửa chữa đường dây dân điện hoặc thiết bị điện ở doanh nghiệp, bao gồm cả treo, tháo, kiểm tra, kiểm định hệ thống đo, đếm điện năng; điều độ viên.
- Người vận hành, sửa chữa điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo thuộc tổ chức hoạt động theo Luật Điện lực và các luật khác có liên quan, phạm vi hoạt động tại khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo.
- Người lao động làm nghề vận hành, sửa chữa, dịch vụ điện cho các tổ chức, doanh nghiệp.
Tổng hợp các văn bản quy định về an toàn điện (Hình từ Internet)
2. Các bậc an toàn điện và yêu cầu đối với từng bậc
Căn cứ Điều 8 Thông tư 05/2021/TT-BCT, bậc an toàn điện được phân thành 5 bậc, từ bậc 1/5 đến 5/5 với kết quả sát hạch cả lý thuyết và thực hành đều phải đạt từ 80% trở lên. Yêu cầu đối với từng bậc như sau:
- Yêu cầu đối với bậc 1/5:
+ Kết quả huấn luyện lần đầu về lý thuyết và thực hành đạt 80% trở lên;
+ Có kiến thức về những quy định chung để đảm bảo an toàn khi thực hiện công việc được giao;
+ Sử dụng và quản lý trang thiết bị an toàn, phương tiện, dụng cụ làm việc được giao đúng quy định.
- Yêu cầu đối với bậc 2/5:
+ Hiểu rõ những quy định chung và biện pháp bảo đảm an toàn khi thực hiện công việc được giao;
+ Sử dụng và quản lý trang thiết bị an toàn, phương tiện, dụng cụ làm việc được giao đúng quy định;
+ Hiểu rõ phương pháp tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện;
+ Có kiến thức về sơ cứu người bị điện giật.
- Yêu cầu đối với bậc 3/5:
+ Yêu cầu như đối với bậc 2/5;
+ Có khả năng phát hiện vi phạm, hành vi không an toàn;
+ Có kỹ năng kiểm tra, giám sát người làm việc ở đường dây hoặc thiết bị điện.
- Yêu cầu đối với bậc 4/5:
+ Yêu cầu như đối với bậc 3/5;
+ Hiểu rõ trách nhiệm, phạm vi thực hiện của từng đơn vị công tác khi cùng tham gia thực hiện công việc;
+ Có kỹ năng lập biện pháp an toàn để thực hiện công việc và tổ chức giám sát, theo dõi công nhân làm việc;
+ Có khả năng phân tích, điều tra sự cố, tai nạn điện.
- Yêu cầu đối với bậc 5/5:
+ Yêu cầu như đối với bậc 4/5;
+ Có kỹ năng phối hợp với các đơn vị công tác khác, lãnh đạo công việc, tổ chức tiến hành các biện pháp an toàn và kiểm tra theo dõi thực hiện công việc.
3. Tổng hợp các văn bản quy định về an toàn điện
1
Luật Điện lực 2024
Luật Điện lực 2024 số 61/2024/QH15 có hiệu lực từ ngày 01/02/2025 quy định về quy hoạch phát triển điện lực, đầu tư xây dựng dự án điện lực; phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới; giấy phép hoạt động điện lực; thị trường điện cạnh tranh, hoạt động mua bán điện; điều độ, vận hành hệ thống điện quốc gia; bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện lực; trách nhiệm, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động điện lực và sử dụng điện; quản lý nhà nước về điện lực.
Nội dung về an toàn điện được quy định cụ thể tại Mục 1 Chương VIII Luật này.
2
Nghị định 51/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 14/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Điện lực về an toàn điện
Nghị định 51/2020/NĐ-CP sửa đổi một số nội dung tại Nghị định 14/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Điện lực về an toàn điện. Theo đó, tại Khoản 12 Điều 1 bổ sung Điều 18a. Thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ để xây dựng công trình điện lực như sau:
“Việc thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ đối với đất và tài sản gắn liền với đất nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp bị thiệt hại do phải giải tỏa được thực hiện theo quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.”
Nghị định 51/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 21/04/2020.
3
Nghị định 14/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật điện lực về an toàn điện
Nghị định 14/2014/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 13/03/2014, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực về an toàn điện, bao gồm an toàn trong phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng điện để sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và về bồi thường, hỗ trợ khi xây dựng, cải tạo, sửa chữa, quản lý vận hành lưới điện cao áp.
4
Thông tư 05/2021/TT-BCT quy định chi tiết một số nội dung về an toàn điện do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
Thông tư 05/2021/TT-BCT quy định chi tiết một số nội dung về an toàn điện bao gồm:
- Huấn luyện sát hạch an toàn, xếp bậc và cấp thẻ an toàn điện.
- Nối đất kết cấu kim loại của nhà ở, công trình trong và liền kề hành lang bảo vệ an toàn đường dây điện trên không đối với điện áp từ 220 kV trở lên phòng tránh nhiễm điện do cảm ứng.
- Đo, vẽ bản đồ cường độ điện trường.
- Biển báo an toàn điện.
- Thỏa thuận khi xây dựng nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây điện cao áp trên không, các vi phạm đối với hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, chế độ báo cáo tai nạn điện.
Thông tư 05/2021/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 22/09/2021.
5
Thông tư 13/2022/TT-BCT bãi bỏ Khoản 6 Điều 7 Thông tư 05/2021/TT-BCT hướng dẫn nội dung về an toàn điện do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
Bãi bỏ quy định về “Chi phí tổ chức huấn luyện, cấp thẻ do người sử dụng lao động chi trả” là nội dung trọng tâm tại Thông tư 13/2022/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 18/10/2022.
6
Thông tư 33/2015/TT-BCT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật các thiết bị, dụng cụ điện do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
Thông tư 33/2015/TT-BCT quy định Danh mục các thiết bị, dụng cụ điện phải kiểm định; Nội dung, Chu kỳ kiểm định an toàn kỹ thuật các thiết bị, dụng cụ điện trước khi đưa vào sử dụng và trong quá trình sử dụng, vận hành, áp dụng từ ngày 06/01/2017.
7
Thông tư 28/2017/TT-BCT về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ Thông tư trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp và xuất nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công thương
Điều 3 Thông tư 28/2017/TT-BCT áp dụng từ ngày 01/01/2018, sửa đổi bô sung một số nội dung tại Thông tư 33/2015/TT-BCT như: sửa đổi Điều 7 về kiểm định thiết bị, dụng cụ điện; bãi bỏ quy định về đăng ký hoạt động kiểm định, hồ sơ đăng ký hoạt động kiểm định tại Điều 8, Điều 9 Thông tư 33/2015/TT-BCT.