Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Luật Điện lực 2024 số 61/2024/QH15 áp dụng 2025

Số hiệu: 61/2024/QH15 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Trần Thanh Mẫn
Ngày ban hành: 30/11/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Quy định về giá điện theo Luật Điện lực 2024

Ngày 30/11/2024, Quốc hội thông qua Luật Điện lực 2024 gồm 6 nhóm chính sách lớn, được cấu trúc thành 09 Chương, 81 Điều.

Quy định về giá điện

Theo đó, Mục 3 Chương V Luật Điện lực 2024 quy định các nội dung về giá điện và giá dịch vụ về điện, làm rõ căn cứ lập và điều chỉnh giá điện cũng như giá dịch vụ điện, cụ thể như sau:

- Về giá bán lẻ điện:

+ Giá bán lẻ điện do đơn vị bán lẻ điện xây dựng căn cứ chính sách giá điện, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện;

+ Giá bán lẻ điện được quy định chi tiết cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ và cấp độ thị trường điện cạnh tranh, bao gồm: sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp, sinh hoạt. Giá bán lẻ điện theo thời gian sử dụng điện trong ngày được áp dụng đối với khách hàng sử dụng điện đủ điều kiện, bao gồm giá bán lẻ điện giờ cao điểm, thấp điểm và bình thường. Đối với nhóm khách hàng sử dụng điện phục vụ mục đích sinh hoạt, áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang tăng dần đối với khách hàng chưa đủ điều kiện tham gia hoặc không tham gia mua bán điện trên thị trường điện cạnh tranh.

- Về giá bán buôn điện theo hợp đồng mua buôn điện: Do các đơn vị điện lực thỏa thuận quy định tại điểm e khoản 12 Điều 5 Luật Điện lực 2024

- Về thẩm quyền xây dựng, trình, phê duyệt, quyết định giá điện:

+ Chính phủ quy định cơ chế, thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân;

+ Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện và khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân;

+ Bộ Công Thương xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định nội dung tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều 50 Luật Điện lực 2024; trình Thủ tướng Chính phủ quyết định về giá bán điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia, phù hợp với cấp độ thị trường điện cạnh tranh; lộ trình giảm bù chéo giá điện quy định tại khoản 12 Điều 5 Luật Điện lực 2024; lộ trình cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, bao gồm giá bán lẻ điện có nhiều thành phần mà trong đó có tối thiểu 02 thành phần như giá công suất, giá điện năng, giá cố định, giá biến đổi hoặc thành phần giá khác (nếu có) được áp dụng cho các nhóm khách hàng khi điều kiện kỹ thuật cho phép; cơ chế giá điện phù hợp cho các nhóm khách hàng sử dụng điện quy định tại khoản 12 Điều 5 Luật Điện lực 2024;

+ Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định phương pháp xác định giá bán buôn điện; phương pháp lập và trình tự, thủ tục phê duyệt khung giá bán buôn điện.

Xem thêm tại Luật Điện lực 2024 có hiệu lực từ ngày 01/02/2025, thay thế Luật Điện lực 2004.

 

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 61/2024/QH15

Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2024

 

LUẬT

ĐIỆN LỰC

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Điện lực.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về quy hoạch phát triển điện lực, đầu tư xây dựng dự án điện lực; phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới; giấy phép hoạt động điện lực; thị trường điện cạnh tranh, hoạt động mua bán điện; điều độ, vận hành hệ thống điện quốc gia; bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện lực; trách nhiệm, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động điện lực và sử dụng điện; quản lý nhà nước về điện lực.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động điện lực, sử dụng điện hoặc có hoạt động khác liên quan đến điện lực tại Việt Nam.

Điều 3. Áp dụng pháp luật

1. Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Điện lực và luật khác đã được ban hành trước ngày Luật Điện lực có hiệu lực thi hành về cùng một vấn đề cụ thể liên quan thì thực hiện theo quy định của Luật Điện lực, trong đó bao gồm:

a) Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện lực quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 13 của Luật này;

b) Quy định đặc thù đầu tư xây dựng dự án, công trình điện lực khẩn cấp quy định tại Điều 15 của Luật này;

c) Lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án đầu tư kinh doanh điện lực quy định tại Điều 18 và Điều 19 của Luật này;

d) Quy định về phát triển điện gió ngoài khơi quy định tại Mục 2 Chương III của Luật này.

2. Trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật Điện lực có hiệu lực thi hành cần quy định đặc thù về đầu tư khác với quy định của Luật Điện lực thì phải xác định cụ thể nội dung thực hiện hoặc không thực hiện theo quy định của Luật Điện lực, nội dung thực hiện theo quy định của luật khác đó.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. An toàn công trình thủy điện là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm nhằm ngăn chặn các tác động có hại và bảo đảm an toàn cho đập, hồ chứa, tuyến năng lượng, nhà máy thủy điện, các công trình phụ trợ trong quá trình khảo sát, thiết kế, thi công, quản lý, khai thác, vận hành công trình thủy điện.

2. An toàn điện là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm nhằm ngăn chặn các tác động có hại và bảo đảm an toàn đối với con người, trang thiết bị, công trình trong quá trình sản xuất, truyền tải, phân phối và sử dụng điện.

3. Bán buôn điện là hoạt động bán điện của đơn vị điện lực này cho đơn vị điện lực khác để bán lại cho bên thứ ba.

4. Bán lẻ điện là hoạt động bán điện của đơn vị điện lực cho khách hàng sử dụng điện.

5. Biểu giá chi phí tránh được là các mức giá được tính toán căn cứ vào các chi phí tránh được của hệ thống điện quốc gia khi có 01 kWh của nhà máy điện năng lượng tái tạo nhỏ được phát lên lưới điện quốc gia.

6. Bù chéo giá điện là cơ chế định giá bán lẻ điện cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện để áp dụng thống nhất biểu giá bán lẻ điện.

7. Cấp điện áp là một trong những giá trị của điện áp danh định được sử dụng trong hệ thống điện, bao gồm:

a) Hạ áp là cấp điện áp danh định đến 01 kV;

b) Trung áp là cấp điện áp danh định trên 01 kV đến 35 kV; c) Cao áp là cấp điện áp danh định trên 35 kV đến 220 kV; d) Siêu cao áp là cấp điện áp danh định trên 220 kV.

8. Chi phí tránh được là chi phí sản xuất 01 kWh của các tổ máy phát điện có chi phí cao nhất trong hệ thống điện quốc gia và có thể tránh được nếu bên mua điện mua 01 kWh từ 01 nhà máy điện năng lượng tái tạo nhỏ thay thế.

9. Công trình điện lực là tổ hợp các phương tiện, máy móc, thiết bị, kết cấu xây dựng phục vụ trực tiếp cho hoạt động phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, điều độ hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện, mua bán điện, hệ thống bảo vệ công trình điện lực.

10. Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện là bảng kê tỷ lệ phần trăm (%) của mức giá bán lẻ điện bình quân để tính giá bán lẻ điện cụ thể cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện.

11. Dịch vụ phụ trợ là dịch vụ kỹ thuật cần thiết để duy trì hệ thống điện quốc gia vận hành ổn định, tin cậy, bao gồm điều chỉnh tần số, khởi động nhanh, vận hành phải phát, điều chỉnh điện áp, khởi động đen và dịch vụ kỹ thuật khác có liên quan theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

12. Dự án điện lực là dự án đầu tư theo quy định của pháp luật, bao gồm tập hợp các đề xuất về sử dụng vốn để thực hiện hoạt động đầu tư, xây dựng, cải tạo, kinh doanh công trình điện lực trên địa bàn, khu vực cụ thể và trong khoảng thời gian xác định. Dự án nguồn điện là dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện, lưới điện đấu nối đồng bộ lên hệ thống điện quốc gia (nếu có).

13. Điện năng lượng mới là điện được sản xuất từ một hoặc nhiều nguồn sau đây:

a) Hydrogen được sản xuất từ nguồn điện quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 14 Điều này (sau đây gọi là hydrogen xanh);

b) Amoniac được sản xuất từ nguồn điện quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 14 Điều này (sau đây gọi là amoniac xanh);

c) Dạng năng lượng mới khác theo quy định của pháp luật.

14. Điện năng lượng tái tạo là điện được sản xuất từ một hoặc nhiều nguồn năng lượng sơ cấp sau đây:

a) Năng lượng mặt trời;

b) Năng lượng gió;

c) Năng lượng đại dương, gồm thủy triều, sóng biển, hải lưu;

d) Năng lượng địa nhiệt;

đ) Năng lượng từ sức nước, gồm cả thủy điện;

e) Năng lượng sinh khối gồm nhiên liệu sinh học và các dạng năng lượng có nguồn gốc từ thực vật;

g) Năng lượng từ chất thải của quá trình sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt, trừ chất thải của quá trình sản xuất, kinh doanh có sử dụng nhiên liệu hóa thạch và chất thải được xác định là nguy hại theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

h) Dạng năng lượng tái tạo khác theo quy định của pháp luật.

15. Điện tự sản xuất, tự tiêu thụ là điện được sản xuất và tiêu thụ tại địa điểm sử dụng điện do tổ chức, cá nhân thực hiện để phục vụ chính cho nhu cầu của tổ chức, cá nhân đó.

16. Điều độ hệ thống điện là hoạt động chỉ huy, điều khiển quá trình phát điện, truyền tải điện, phân phối điện trong hệ thống điện quốc gia theo quy trình, quy chuẩn kỹ thuật và phương thức vận hành đã được xác định.

17. Điều hành giao dịch thị trường điện là hoạt động quản lý và điều phối các giao dịch mua bán điện và dịch vụ phụ trợ trên thị trường điện cạnh tranh.

18. Điều tiết diện lực là tác động của Nhà nước vào các hoạt động điện lực và thị trường điện cạnh tranh nhằm bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định, chất lượng, sử dụng điện tiết kiệm, có hiệu quả và bảo đảm tính công bằng, minh bạch, đúng quy định của pháp luật.

19. Đơn vị điện lực là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, điều độ, vận hành hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện, bán buôn điện, bán lẻ điện hoặc hoạt động khác có liên quan.

20. Giá bán lẻ điện bình quân là giá bán lẻ điện được xác định theo nguyên tắc tính tổng chi phí sản xuất, kinh doanh điện và mức lợi nhuận bình quân cho 01 kWh thương phẩm trong từng thời kỳ.

21. Giá bán buôn điện là giá bán điện của đơn vị điện lực này bán cho đơn vị điện lực khác để bán lại cho bên thứ ba.

22. Giá bán lẻ điện là giá bán điện của đơn vị điện lực bán cho khách hàng sử dụng điện.

23. Giá điện và giá dịch vụ về điện là giá bán buôn điện, giá bán lẻ điện và giá các dịch vụ phát điện, dịch vụ truyền tải điện, dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, dịch vụ điều độ vận hành hệ thống điện, dịch vụ điều hành giao dịch thị trường điện lực, dịch vụ phân phối điện.

24. Giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện là giá của đơn vị phát điện để cung cấp dịch vụ phụ trợ hệ thống điện.

25. Giá dịch vụ phát điện là giá của đơn vị phát điện bán cho bên mua điện.

26. Giá dịch vụ điều độ vận hành hệ thống điện là giá của đơn vị điều độ hệ thống điện để thực hiện nhiệm vụ liên quan đến điều độ, vận hành hệ thống điện.

27. Giá dịch vụ điều hành giao dịch thị trường điện lực là giá của đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện để thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến điều hành giao dịch thị trường điện cạnh tranh.

28. Giá dịch vụ phân phối điện là giá của đơn vị phân phối điện để thực hiện hoạt động phân phối điện.

29. Giá dịch vụ truyền tải điện là giá của đơn vị truyền tải điện để thực hiện hoạt động truyền tải điện.

30. Hệ thống điện quốc gia là hệ thống các trang thiết bị phát điện, lưới điện và các trang thiết bị phụ trợ được liên kết với nhau và được chỉ huy thống nhất trong phạm vi cả nước.

31. Hệ thống lưu trữ điện là tập hợp các thiết bị để nhận điện từ các nguồn điện, tích trữ năng lượng và phát điện.

32. Hoạt động điện lực là hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư phát triển điện lực, phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, điều độ, vận hành hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện cạnh tranh, bán buôn điện, bán lẻ điện hoặc hoạt động khác có liên quan.

33. Hợp đồng kỳ hạn điện là thỏa thuận bằng văn bản giữa các bên về việc mua hoặc bán sản lượng điện năng tại một thời điểm cụ thể trong tương lai với một mức giá đã được thống nhất.

34. Hợp đồng mua bán điện là thỏa thuận bằng văn bản giữa bên mua điện và bên bán điện áp dụng cho việc mua bán điện.

35. Hợp đồng quyền chọn mua điện hoặc bán điện là thỏa thuận bằng văn bản giữa các bên, theo đó bên mua quyền có quyền được mua hoặc được bán sản lượng điện năng tại một thời điểm cụ thể trong tương lai với mức giá giao kết được định trước và phải trả một khoản tiền nhất định để mua quyền này.

36. Hợp đồng tương lai điện là hợp đồng kỳ hạn điện được tiêu chuẩn hóa các nội dung chính của hợp đồng theo quy định của Luật này và được niêm yết trên sàn giao dịch tập trung trong thị trường điện kỳ hạn.

37. Khách hàng sử dụng điện là cơ quan, tổ chức, cá nhân mua điện để sử dụng, không bán lại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

38. Khách hàng sử dụng điện lớn là khách hàng sử dụng điện có công suất và sản lượng tiêu thụ lớn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công Thương phù hợp với từng thời kỳ phát triển của hệ thống điện.

39. Khung giá điện là phạm vi giữa giá tối thiểu và giá tối đa.

40. Khung giá bán buôn điện là phạm vi giữa mức giá bán buôn điện tối thiểu và mức giá bán buôn điện tối đa.

41. Khung giá phát điện là khung giá phát điện bình quân trong vòng đời dự án nhà máy điện và có phạm vi giữa mức giá bình quân tối thiểu và mức giá bình quân tối đa.

42. Kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị, dụng cụ điện là hoạt động kỹ thuật theo một quy trình nhất định nhằm đánh giá và xác nhận sự phù hợp về mức độ an toàn của thiết bị, dụng cụ điện so với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng về an toàn điện trước khi đưa vào sử dụng, trong quá trình sử dụng, vận hành.

43. Lưới điện là hệ thống đường dây tải điện trên không hoặc cáp điện ngầm, máy biến áp và trang thiết bị phụ trợ để truyền dẫn điện, gồm lưới điện truyền tải và lưới điện phân phối.

44. Nhà máy điện là tổ hợp một hoặc một số thiết bị, máy móc, công trình để sản xuất điện năng.

45. Nhà máy điện năng lượng tái tạo nhỏ là nhà máy điện năng lượng tái tạo có quy mô công suất do Bộ Công Thương xác định cho từng giai đoạn.

46. Sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn là mức sản lượng điện thấp nhất được quy định trong hợp đồng mua bán điện, hợp đồng kỳ hạn điện, hợp đồng quyền chọn mua điện hoặc bán điện, hợp đồng tương lai điện.

47. Thị trường điện cạnh tranh là nơi diễn ra các hoạt động cạnh tranh mua bán điện, cung cấp dịch vụ giữa các đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh thông qua hệ thống điện quốc gia để tối ưu hóa hiệu quả kinh tế, minh bạch và cải thiện chất lượng cung cấp điện.

48. Thị trường điện giao ngay là thị trường mua, bán điện trong các chu kỳ giao dịch do đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện thực hiện theo quy định tại các cấp độ thị trường điện cạnh tranh.

49. Thị trường điện kỳ hạn là thị trường giao dịch mua, bán sản lượng điện năng trong các hợp đồng kỳ hạn điện, hợp đồng quyền chọn mua điện hoặc bán điện, hợp đồng tương lai điện.

50. Thiết bị đo đếm điện là thiết bị đo công suất, điện năng, dòng điện, điện áp, tần số, hệ số công suất, bao gồm các loại công tơ, các loại đồng hồ đo điện và các thiết bị, phụ kiện kèm theo.

51. Trộm cắp điện là hành vi lấy điện không qua công tơ điện, cố ý tác động làm sai lệch chỉ số đo đếm của công tơ điện và thiết bị điện khác có liên quan đến đo đếm điện, cố ý hoặc thông đồng ghi sai chỉ số đo điện năng hoặc hành vi khác cố ý phản ánh số liệu điện tiêu thụ không đúng thực tế.

Điều 5. Chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực

1. Nhà nước ban hành các chính sách phát triển, đầu tư xây dựng ngành điện bảo đảm yêu cầu là ngành công nghiệp hạ tầng quan trọng nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân, phát triển bền vững trên cơ sở khai thác tối ưu mọi nguồn lực, đáp ứng nhu cầu điện phục vụ đời sống Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ổn định, an toàn và kinh tế, dịch vụ văn minh, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và an ninh năng lượng quốc gia.

2. Nhà nước độc quyền trong các hoạt động sau đây vì mục đích bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia:

a) Điều độ hệ thống điện quốc gia;

b) Đầu tư xây dựng và vận hành dự án nhà máy điện hạt nhân, nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu, lưới điện truyền tải quan trọng từ cấp điện áp 220 kV trở lên theo danh mục do Thủ tướng Chính phủ quyết định;

c) Vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng.

3. Chính sách phát triển điện vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm:

a) Ưu tiên ngân sách nhà nước, kết hợp huy động các nguồn lực trong nước và nước ngoài cho đầu tư phát triển nguồn điện, lưới điện bảo đảm cung cấp điện an toàn, thường xuyên, tin cậy cho các hộ gia đình và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh tại địa phương;

b) Ưu đãi về đầu tư, tài chính và ưu đãi, hỗ trợ khác đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài xây dựng công trình nguồn điện, lưới điện, kinh doanh cấp điện cho các hộ gia đình bảo đảm bền vững và hiệu quả.

4. Thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng công trình nguồn điện, lưới điện theo quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh, kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, hoạt động phát điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện; các thành phần kinh tế ngoài nhà nước được vận hành lưới điện do mình đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật.

5. Dự án điện lực sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc doanh nghiệp do doanh nghiệp này nắm giữ 100% vốn điều lệ làm chủ đầu tư thuộc danh mục ưu tiên đầu tư của Nhà nước được vay lại vốn và cơ quan cho vay lại không chịu rủi ro tín dụng theo quy định của Luật Quản lý nợ công.

6. Có cơ chế phát triển các dự án điện lực phù hợp với cấp độ thị trường điện cạnh tranh trên cơ sở bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và an ninh tài chính quốc gia, bảo đảm lợi ích của Nhà nước và Nhân dân, ổn định kinh tế vĩ mô trong từng thời kỳ, bao gồm: sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn và thời gian áp dụng, nguyên tắc tính giá điện, bảo đảm thực hiện dự án đầu tư, thời hạn của chính sách đối với từng trường hợp.

7. Khuyến khích nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch chuyển đổi sang các nguồn nhiên liệu phát thải thấp, lắp đặt các thiết bị, hệ thống thu giữ các-bon để giảm phát thải ra môi trường, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người lao động; phát triển nhiệt điện than ở mức hợp lý theo hướng ưu tiên những tổ máy công suất lớn, hiệu suất cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại; bảo đảm tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường.

8. Về chính sách phát triển nhiệt điện khí:

a) Ưu tiên phát triển nhiệt điện khí sử dụng nguồn khí thiên nhiên trong nước, phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống điện;

b) Có cơ chế huy động các dự án nhiệt điện sử dụng nguồn khí thiên nhiên trong nước tối đa theo khả năng cấp khí và các ràng buộc về nhiên liệu để bảo đảm hài hòa lợi ích tổng thể của quốc gia;

c) Có cơ chế để phát triển các nhà máy nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên hoá lỏng quy định tại khoản 6 Điều này; ưu tiên phát triển các dự án điện lực gắn với việc sử dụng chung hạ tầng kho cảng nhập khí thiên nhiên hóa lỏng, đường ống khí để giảm giá thành sản xuất điện.

9. Về chính sách phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới:

a) Phát triển phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống điện với giá thành điện năng hợp lý, đồng bộ với phát triển lưới điện và quy hoạch phát triển điện lực, phù hợp với trình độ công nghệ, nguồn nhân lực, đáp ứng mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam trong từng thời kỳ;

b) Có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cho từng loại hình nguồn điện, trong đó có các dự án thủy điện nhỏ được xác định theo quy định của pháp luật, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ; có chính sách ưu đãi, hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi; khuyến khích đầu tư các dự án tham gia thị trường điện cạnh tranh.

10. Về chính sách phát triển điện hạt nhân:

a) Quy hoạch phát triển điện hạt nhân phải gắn liền, đồng bộ, phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực để bảo đảm mục tiêu an ninh cung cấp điện;

b) Đầu tư xây dựng, vận hành, chấm dứt hoạt động và bảo đảm an toàn nhà máy điện hạt nhân phải tuân thủ quy định của Luật Năng lượng nguyên tử và quy định khác của pháp luật có liên quan.

11. Xây dựng và phát triển thị trường điện cạnh tranh, có sự điều tiết của Nhà nước để nâng cao hiệu quả trong hoạt động điện lực. Tái cơ cấu, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực điện lực phù hợp với các cấp độ thị trường điện cạnh tranh theo nguyên tắc sau đây:

a) Tách bạch chức năng sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ với chức năng quản lý nhà nước; tách bạch các hoạt động có tính độc quyền tự nhiên, độc quyền nhà nước với các hoạt động có tính cạnh tranh trong dây chuyền sản xuất điện năng để hình thành các đơn vị cung cấp dịch vụ hoạt động độc lập, hình thành nhiều đơn vị phát điện, nhiều đơn vị bán buôn điện, bán lẻ điện nhằm gia tăng đối tượng tham gia và nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường điện;

b) Tập trung vào lĩnh vực cốt lõi và có thể mạnh của doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực điện lực; tối ưu hóa sử dụng nguồn lực và gia tăng giá trị doanh nghiệp; cung cấp điện cho hải đảo, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

12. Về chính sách giá điện và giá dịch vụ về điện:

a) Bảo đảm phản ánh chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh điện hợp lý, hợp lệ của đơn vị điện lực; tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển điện lực có lợi nhuận hợp lý, tiết kiệm tài nguyên năng lượng, sử dụng các dạng năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong hoạt động điện lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

b) Giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết giá của Nhà nước phù hợp với cấp độ thị trường điện cạnh tranh;

c) Giá điện bảo đảm khuyến khích sử dụng điện có hiệu quả và tiết kiệm;

d) Thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý và giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng không tham gia thị trường bán lẻ điện cạnh tranh khi chưa đủ điều kiện tham gia hoặc không lựa chọn tham gia mua bán điện trên thị trường bán lẻ điện cạnh tranh;

đ) Giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, vùng, miền phù hợp với cấp độ thị trường điện cạnh tranh;

e) Bảo đảm quyền tự quyết định giá mua điện, giá bán điện không vượt quá khung giá điện, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Nhà nước quy định;

g) Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện. Giá điện bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các đơn vị điện lực;

h) Xây dựng cơ chế giá điện phù hợp đối với các nhóm khách hàng đặc thù theo các chủ trương của Nhà nước phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

13. Về hỗ trợ tiền điện của Nhà nước:

a) Ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt đối với hộ nghèo, hộ chính sách xã hội theo tiêu chí, cơ chế do Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ;

b) Chính phủ ban hành phương án hỗ trợ giảm tiền điện trong trường hợp có sự cố, thảm họa theo quy định của Luật Phòng thủ dân sự để ổn định phát triển kinh tế - xã hội.

Điều 6. Trách nhiệm quản lý nhà nước về điện lực

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về điện lực trong phạm vi cả nước.

2. Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về điện lực.

3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương trong việc thực hiện quản lý nhà nước về điện lực theo quy định của Luật này và phân công của Chính phủ.

4. Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về điện lực tại địa phương.

Điều 7. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện lực

1. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện lực phải phù hợp với đường lối và chính sách đối ngoại của Việt Nam; bảo đảm nguyên tắc hòa bình, hợp tác, hữu nghị cùng phát triển trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Nội dung hợp tác quốc tế chủ yếu trong lĩnh vực điện lực bao gồm:

a) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong chuyển giao công nghệ và nghiên cứu phát triển trong lĩnh vực điện lực;

b) Đào tạo nâng cao nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện lực;

c) Thúc đẩy hợp tác đầu tư tài chính, chia sẻ thông tin, dữ liệu trong lĩnh vực điện lực và tham gia thỏa thuận quốc tế, điều ước quốc tế trong lĩnh vực điện lực theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Ứng dụng khoa học, công nghệ và phát triển công nghiệp chế tạo trong lĩnh vực điện lực

1. Áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong hoạt động điện lực, sử dụng điện nhằm tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn năng lượng, bảo vệ môi trường, bảo vệ hành lang bảo vệ công trình điện lực, an toàn điện và an toàn đập, hồ chứa thủy điện.

2. Các hạng mục, thiết bị và dịch vụ tư vấn quan trọng để duy trì cung cấp điện liên tục, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia phải được sản xuất và cung cấp trong nước ở một số công đoạn. Khuyến khích và hỗ trợ phát triển nghiên cứu công nghệ, công nghiệp thiết kế, chế tạo, lắp đặt và dịch vụ trong lĩnh vực điện lực đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước, hướng đến xuất khẩu. Ưu tiên phát triển các ngành chế tạo thiết bị điện, dịch vụ điện. Bảo đảm thực hiện tốt các yêu cầu, chỉ tiêu cụ thể về tỷ lệ nội địa hoá trong công nghiệp điện. Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp trong nước có quy mô lớn, đạt trình độ công nghệ tiên tiến, có khả năng thực hiện những dự án phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao trong lĩnh vực điện lực, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, khuyến khích thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực điện lực tại các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, tổ chức xây dựng và triển khai chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia về nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng, trọng tâm là nghiên cứu chế tạo thiết bị năng lượng và ứng dụng các dạng năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng thông minh, tiết kiệm năng lượng; chuyển đổi số, quản lý vận hành hệ thống thông tin, dữ liệu và các nội dung ứng dụng khoa học, công nghệ khác trong lĩnh vực điện lực.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 9. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện

1. Hoạt động điện lực không có giấy phép theo quy định của Luật này.

2. Trộm cắp điện.

3. Trộm cắp phương tiện, trang thiết bị điện.

4. Phá hoại phương tiện, trang thiết bị điện, công trình điện lực.

5. Sử dụng phương tiện, thiết bị, chất gây cháy, nổ, ăn mòn và hành vi khác làm hư hỏng, gây sự cố công trình điện lực.

6. Đóng điện, cắt điện trái quy định của pháp luật.

7. Vi phạm quy định về bảo vệ công trình điện lực, an toàn điện và an toàn đập, hồ chứa thủy điện.

8. Trồng cây, khoan, đào, đắp, xây dựng công trình, khai thác khoáng sản, neo đậu tàu, thuyền, xả nước thải, chất ăn mòn, thả điều, vật bay và các hoạt động khác vi phạm quy định của pháp luật về hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực.

9. Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 69 của Luật này.

10. Cung cấp thông tin không chính xác, thiếu minh bạch xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện.

11. Cản trở cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền sửa chữa, cải tạo, khắc phục sự cố đối với công trình điện lực, kiểm tra, giám sát hoạt động điện lực và sử dụng điện.

12. Sách nhiễu, gây phiền hà, thu lợi bất chính trong hoạt động điện lực và sử dụng điện.

Chương II

QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐIỆN LỰC, PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI CẤP ĐIỆN VÀ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG DỰ ÁN ĐIỆN LỰC

Điều 10. Quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện

1. Quy hoạch phát triển điện lực là quy hoạch ngành quốc gia.

2. Phương án phát triển mạng lưới cấp điện là nội dung tích hợp trong quy hoạch tỉnh.

3. Việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, điều chỉnh, tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch tỉnh trong đó có nội dung về phương án phát triển mạng lưới cấp điện phải tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch và quy định của Luật này.

4. Việc lập, điều chỉnh quy hoạch thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch và bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Bảo đảm cung cấp đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân;

b) Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước, bảo đảm phát triển bền vững;

c) Tối ưu tổng thể các yếu tố về nguồn điện, truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, có lộ trình phù hợp đi đối với khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường và chuyển đổi mô hình kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia;

d) Thực hiện chuyển dịch năng lượng theo các mục tiêu, cam kết quốc gia trên cơ sở tiến bộ khoa học, công nghệ, chính sách phát triển về năng lượng tái tạo, năng lượng mới;

đ) Bảo đảm hệ thống lưới điện đồng bộ với các nguồn điện, đáp ứng nhu cầu phát triển phụ tải của các vùng, địa phương.

5. Căn cứ quy mô công suất nguồn điện, cấp điện áp của lưới điện, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền lập quy hoạch phát triển điện lực và phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh. Quy hoạch phát triển điện lực và phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh không bao gồm các dự án sau đây:

a) Nguồn điện không tác động hoặc tác động nhỏ đến hệ thống điện quốc gia;

b) Nguồn điện không đấu nối, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia, trừ trường hợp xuất khẩu, nhập khẩu điện;

c) Lưới điện hạ áp;

d) Cải tạo, nâng cấp dự án điện lực không làm tăng quy mô công suất hoặc cấp điện áp, không phát sinh nhu cầu sử dụng đất.

6. Chính phủ quy định chi tiết khoản 5 Điều này.

Điều 11. Kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh trong đó có nội dung về phương án phát triển mạng lưới cấp điện

1. Kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực phải bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về quy hoạch và các yêu cầu sau đây:

a) Bám sát mục tiêu, định hướng của quy hoạch, cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao trong quy hoạch;

b) Bảo đảm phát triển nguồn điện cân đối theo vùng, miền, hướng tới cân bằng cung - cầu nội vùng; bảo đảm tính khả thi, đồng bộ và linh hoạt trong phát triển nguồn điện, lưới điện phù hợp với bối cảnh, nguồn lực quốc gia;

c) Xác định thời gian đưa các dự án vào vận hành theo hai giai đoạn trong thời kỳ quy hoạch 10 năm và dự kiến 05 năm tiếp theo cho giai đoạn tầm nhìn.

2. Nội dung kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực phải đáp ứng quy định của pháp luật về quy hoạch và xác định danh mục các dự án điện lực quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5 của Luật này làm cơ sở giao doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc doanh nghiệp do doanh nghiệp này nắm giữ 100% vốn điều lệ để đầu tư xây dựng.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập, ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh theo quy định pháp luật về quy hoạch, trong đó có nội dung phương án phát triển mạng lưới cấp điện làm cơ sở triển khai thực hiện các dự án điện lực và xác định các dự án lưới điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng do doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc doanh nghiệp do doanh nghiệp này nắm giữ 100% vốn điều lệ đầu tư xây dựng.

Điều 12. Quy định chung về đầu tư xây dựng dự án điện lực

1. Các mốc tiến độ thực hiện mục tiêu từng giai đoạn của dự án đầu tư nguồn điện theo quy định của pháp luật về đầu tư phải được quy định trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư. Chính phủ quy định chi tiết các mốc tiến độ thực hiện mục tiêu từng giai đoạn của dự án đầu tư nguồn điện quy định tại khoản này.

2. Trong từng thời kỳ và đối với từng loại hình dự án đầu tư nguồn điện, Chính phủ quy định về cơ chế bảo đảm tiêu thụ nguồn khí thiên nhiên khai thác trong nước; nguyên tắc chuyển ngang giá nhiên liệu sang giá điện; sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn.

3. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về nguyên tắc tính giá điện để thực hiện dự án điện lực.

4. Chính phủ quy định tiêu chí xác định dự án điện lực thuộc danh mục ưu tiên đầu tư của Nhà nước trong lĩnh vực điện lực. Căn cứ tiêu chí do Chính phủ quy định, Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định danh mục các dự án điện lực thuộc danh mục ưu tiên đầu tư của Nhà nước quy định tại khoản 5 Điều 5 của Luật này.

Điều 13. Chủ trương đầu tư dự án điện lực

1. Trừ dự án điện lực khẩn cấp quy định tại Điều 14 của Luật này và dự án điện lực quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này, việc quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án điện lực thuộc diện quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư.

2. Trừ dự án lưới điện khẩn cấp quy định tại Điều 14 của Luật này, việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư lưới điện có cấp điện áp từ 220 kV trở xuống đi qua địa giới hành chính từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư thực hiện như sau:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có vị trí điểm đầu đường dây được xác định theo tên dự án lưới điện trong quy hoạch phát triển điện lực hoặc phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư;

b) Hồ sơ, nội dung thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư;

c) Trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện theo trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của Luật Đầu tư và các quy định về trình tự, thủ tục lấy ý kiến các địa phương liên quan quy định tại điểm d và điểm đ khoản này;

d) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại điểm a khoản này có trách nhiệm lấy ý kiến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh còn lại trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ;

đ) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh còn lại phải có ý kiến đối với hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án theo phạm vi địa giới hành chính cấp tỉnh, gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại điểm a khoản này. Nội dung văn bản ý kiến thể hiện đồng ý hoặc không đồng ý, trường hợp không đồng ý cần nêu rõ lý do để nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án;

e) Cơ quan đăng ký đầu tư được xác định theo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư quy định tại điểm a khoản này.

3. Đối với dự án đầu tư lưới điện trung áp, hạ áp thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện như sau:

a) Căn cứ phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh, đề xuất của các đơn vị điện lực, nhà đầu tư, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt danh mục lưới điện trung áp, hạ áp phù hợp với phân cấp quản lý quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh;

b) Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại điểm a khoản này thay thế cho văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư cho từng dự án đầu tư lưới điện trung áp, hạ áp riêng lẻ và là cơ sở thực hiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 và khoản 3 Điều này; quy định các trường hợp dự án đầu tư kinh doanh điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ quy định tại khoản 4 Điều 31 của Luật Đầu tư.

Điều 14. Dự án, công trình điện lực khẩn cấp

1. Dự án, công trình điện lực khẩn cấp bao gồm:

a) Dự án, công trình điện lực xây mới hoặc sửa chữa, cải tạo nhằm kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, thảm hoạ, dịch bệnh theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan;

b) Dự án, công trình xây dựng nguồn điện và lưới điện đấu nối nhằm bù đắp lượng công suất nguồn điện thiếu hụt so với công suất theo quy hoạch phát triển điện lực: do chậm tiến độ của các dự án đầu tư xây dựng nguồn điện khác gây nguy cơ thiếu điện; do phụ tải khu vực, quốc gia tăng ngoài dự tính; do dừng dự án đầu tư xây dựng công trình nguồn điện khác;

c) Dự án, công trình xây dựng lưới điện có vai trò quan trọng trong việc truyền tải công suất nguồn điện giữa các khu vực để chống quá tải của lưới điện; theo yêu cầu cấp bách bảo đảm quốc phòng, an ninh hoặc yêu cầu cấp bách cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

2. Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí xác định dự án, công trình điện lực khẩn cấp quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này trên cơ sở bảo đảm kịp thời đáp ứng yêu cầu giải quyết các vấn đề bức thiết về bảo đảm an ninh cung cấp điện.

Điều 15. Quy định đặc thù đầu tư xây dựng dự án, công trình điện lực khẩn cấp

1. Dự án, công trình điện lực khẩn cấp quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 14 của Luật này được áp dụng một số quy định đặc thù đầu tư xây dựng sau đây:

a) Không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác nhưng phải bảo đảm nguyên tắc hạn chế tối đa chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của Luật Lâm nghiệp, đặc biệt là rừng tự nhiên khi xây dựng các dự án điện lực.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định tại khoản 2 Điều này thay thế văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và là cơ sở giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Đối với dự án, công trình điện lực khẩn cấp có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định tại khoản 2 Điều này đồng thời là văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, văn bản chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của Luật Lâm nghiệp; quyết định của Thủ tướng Chính phủ phải ghi rõ diện tích rừng cần chuyển sang mục đích khác để thực hiện dự án;

b) Được bảo lãnh Chính phủ theo quy định của Luật Quản lý nợ công; được Thủ tướng Chính phủ quyết định mức cấp tín dụng tối đa trong trường hợp tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với doanh nghiệp và người có liên quan vượt quá giới hạn theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng; được miễn bảo đảm thực hiện dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư;

c) Chủ đầu tư dự án, công trình điện lực khẩn cấp không phải thực hiện thủ tục trình cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước để thông qua, phê duyệt nội dung liên quan đến dự án đầu tư, phương án huy động vốn, thế chấp tài sản để vay vốn theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

d) Chủ đầu tư được tự quyết định toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng, bao gồm: giao tổ chức, cá nhân thực hiện các công việc khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng và các công việc cần thiết khác phục vụ xây dựng công trình khẩn cấp; quyết định về trình tự thực hiện khảo sát, thiết kế và thi công xây dựng; quyết định về việc giám sát thi công xây dựng và nghiệm thu công trình xây dựng đáp ứng yêu cầu tiến độ công trình khẩn cấp;

đ) Cơ quan quản lý nhà nước theo chức năng thẩm định hồ sơ thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy được thực hiện đồng thời ở các bước thiết kế xây dựng, bảo đảm đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với dự án, công trình điện lực khẩn cấp quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 14 của Luật này;

e) Sau khi kết thúc thi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải thực hiện kiểm tra, đánh giá lại chất lượng công trình đã được xây dựng và thực hiện bảo hành công trình, hoàn thiện hồ sơ hoàn thành công trình và lưu trữ hồ sơ, tài liệu theo quy định của pháp luật về xây dựng và quyết toán công trình theo quy định của pháp luật;

g) Được áp dụng cơ chế quy định tại khoản 2 Điều 12 của Luật này.

2. Thẩm quyền quyết định dự án, công trình điện lực khẩn cấp được quy định như sau:

a) Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt danh mục dự án, công trình nguồn điện, lưới điện khẩn cấp quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 14 của Luật này trên cơ sở đánh giá, đề xuất của Bộ Công Thương hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo phân cấp quản lý quy hoạch được áp dụng các cơ chế đặc thù theo quy định tại Điều này, trừ dự án, công trình nguồn điện, lưới điện khẩn cấp sử dụng vốn đầu tư công, dự án thuộc thẩm quyền Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư;

b) Thủ tướng Chính phủ quyết định giao doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc doanh nghiệp do doanh nghiệp này nắm giữ 100% vốn điều lệ làm chủ đầu tư dự án, công trình nguồn điện, lưới điện khẩn cấp quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 14 của Luật này;

c) Thẩm quyền quyết định việc xây dựng dự án, công trình điện lực khẩn cấp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 14 của Luật này được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 16. Hợp đồng dự án nhà máy điện đầu tư theo phương thức đối tác công tư áp dụng loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao

Hồ sơ hợp đồng dự án nhà máy điện đầu tư theo phương thức đối tác công tư áp dụng loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) bao gồm các tài liệu theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư và các tài liệu sau đây:

1. Hợp đồng mua bán điện là thỏa thuận bằng văn bản giữa bên mua điện với bên bán điện là doanh nghiệp dự án;

2. Hợp đồng thuê đất là thỏa thuận bằng văn bản giữa bên cho thuê đất nơi có dự án với doanh nghiệp dự án (nếu có); quyết định giao khu vực biển (nếu có);

3. Hợp đồng cung cấp nhiên liệu trong nước là thỏa thuận bằng văn bản giữa bên cung cấp nhiên liệu trong nước với doanh nghiệp dự án (nếu có);

4. Hợp đồng chia sẻ cơ sở hạ tầng dùng chung là thỏa thuận bằng văn bản giữa bên đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng dùng chung với doanh nghiệp dự án (nếu có).

Điều 17. Phát triển điện ở vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được sử dụng vốn đầu tư công, vốn chủ sở hữu, vốn vay, nguồn vốn đầu tư theo phương thức đối tác công tư và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật bảo đảm cấp điện cho vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

2. Nhà nước hỗ trợ đầu tư sau công tơ điện cấp điện phục vụ mục đích sinh hoạt cho hộ gia đình theo các đối tượng ở vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, hộ gia đình có nhà ở bị thiệt hại do thiên tai, cháy, nổ.

3. Đầu tư xây dựng các nguồn điện năng lượng tái tạo, lưới điện trung áp, hạ áp để cấp điện phục vụ mục đích sinh hoạt các hộ gia đình, phục vụ sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư. Trường hợp điện dư được phát vào lưới điện trung áp, hạ áp quốc gia, giá phát điện dư thực hiện theo quy định của Chính phủ.

4. Chủ đầu tư tài sản đầu tư sau công tơ đến hộ gia đình theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thực hiện bàn giao tài sản đầu tư sau công tơ cho hộ gia đình để quản lý, sử dụng.

5. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này.

Điều 18. Lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư kinh doanh điện lực

1. Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh điện lực sau đây không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư:

a) Dự án đầu tư thuộc độc quyền của Nhà nước quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 5 của Luật này;

b) Dự án thủy điện mở rộng và dự án cải tạo hoặc nâng cấp lưới điện được chấp thuận cho nhà đầu tư sở hữu dự án hiện hữu;

c) Dự án điện lực được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận trên cơ sở đề xuất đầu tư của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc doanh nghiệp do doanh nghiệp này nắm giữ 100% vốn điều lệ. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục đối với dự án điện lực không thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội và nằm trong quy hoạch phát triển điện lực; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt danh mục đối với dự án điện lực trong quy hoạch tỉnh;

d) Dự án khẩn cấp thực hiện lựa chọn nhà đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 15 của Luật này;

đ) Dự án điện gió ngoài khơi thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 29 của Luật này;

e) Trường hợp khác theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đất đai.

2. Trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, các trường hợp lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

3. Trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, các trường hợp tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh điện lực quy định tại Điều 19 của Luật này.

Điều 19. Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư kinh doanh điện lực

1. Đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 18 của Luật này, trừ dự án điện gió ngoài khơi quy định tại khoản 3 Điều 29 của Luật này, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án điện lực khi có từ 02 nhà đầu tư trở lên quan tâm theo quy định của pháp luật về đấu thầu trên cơ sở tiêu chuẩn đánh giá về hiệu quả phát triển ngành điện là giá điện; đối với dự án điện lực không có khung giá do Bộ Công Thương ban hành hoặc dự án điện lực thực hiện mua bán điện trực tiếp thì tiêu chuẩn đánh giá về hiệu quả phát triển ngành điện thực hiện theo quy định của Chính phủ.

2. Giá điện trúng thầu là giá điện tối đa để bên mua điện đàm phán giá hợp đồng mua bán điện với nhà đầu tư trúng thầu. Bên mua điện có trách nhiệm đàm phán và giao kết hợp đồng mua bán điện với nhà đầu tư trúng thầu.

3. Chính phủ quy định chi tiết nội dung sau đây:

a) Trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh điện lực căn cứ điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ;

b) Yêu cầu đặc thù của dự án đầu tư kinh doanh điện lực tại hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư;

c) Việc đàm phán, giao kết hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh, hợp đồng mua bán điện với nhà đầu tư trúng thầu trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của các bên.

Chương III

PHÁT TRIỂN ĐIỆN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO, ĐIỆN NĂNG LƯỢNG MỚI

Mục 1. QUY ĐỊNH VỀ ĐIỆN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO, ĐIỆN NĂNG LƯỢNG MỚI

Điều 20. Quy định chung trong phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tiến hành các hoạt động để phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động liên quan đến phát triển, đầu tư xây dựng dự án điện năng lượng mới, điện năng lượng tái tạo có trách nhiệm sau đây:

a) Tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe của cộng đồng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên, di sản văn hóa và bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;

b) Sử dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại, tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, áp dụng các tiêu chuẩn phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Nguyên tắc phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới bao gồm:

a) Bảo đảm an ninh cung cấp điện và an toàn hệ thống điện;

b) Phát triển tại các vùng, miền, địa phương có tiềm năng, lợi thế về năng lượng tái tạo, năng lượng mới và đồng bộ với phát triển cơ sở hạ tầng của hệ thống điện để tránh lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng do không giải tỏa được công suất nhằm khai thác hiệu quả các nguồn điện, bảo đảm độ tin cậy cung cấp điện; giảm tổn thất kỹ thuật, giảm áp lực truyền tải điện đi xa; bảo đảm yêu cầu về môi trường và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của khu vực phát triển;

c) Bảo đảm đồng bộ kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tham gia nghiên cứu, hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng mới, tiến tới tự chủ về công nghệ tại một số khâu phù hợp;

d) Ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới nhằm khai thác tài nguyên thiên nhiên bền vững, hợp lý và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phục vụ xuất khẩu điện;

đ) Ưu tiên phát triển các dự án nguồn điện lớn để hình thành cụm nhà máy hoặc trung tâm năng lượng tái tạo nhằm phát huy lợi thế tự nhiên, hạ tầng lưới điện, phù hợp với khả năng giải tỏa công suất và yêu cầu vận hành hệ thống điện quốc gia của từng vùng, từng địa phương, phù hợp với điều kiện, trình độ công nghệ trong từng thời kỳ;

e) Khuyến khích phát triển phù hợp điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời trên mặt nước, lòng hồ thủy lợi; ưu tiên phát triển tại mặt nước lòng hồ thủy điện hiện có, không phải đầu tư mới lưới điện truyền tải;

g) Ưu tiên phát triển nguồn điện gió ngoài khơi gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới, biển đảo quốc gia.

3. Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư dự án điện gió, điện mặt trời kết hợp với đầu tư hệ thống lưu trữ điện hoặc sản xuất hydrogen xanh, amoniac xanh để phục vụ hoạt động phát điện, sử dụng điện. Đối với nguồn điện mặt trời và điện gió có đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, tổng công suất phát của nhà máy điện mặt trời, điện gió và bao gồm công suất hệ thống lưu trữ điện không được vượt quá công suất của nhà máy điện mặt trời, điện gió đã được xác định trong quy hoạch phát triển điện lực hoặc phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh; công suất lắp đặt do chủ đầu tư quyết định trong giai đoạn thực hiện dự án đầu tư xây dựng trên cơ sở bảo đảm tỷ lệ công suất hệ thống lưu trữ điện theo quy định và hiệu quả sử dụng tài nguyên.

4. Phát triển điện từ năng lượng tái tạo, năng lượng mới tạo nền tảng để chuyển dịch cơ cấu điện năng theo hướng các-bon thấp, đạt mục tiêu giảm phát thải và bảo đảm phát triển hệ thống điện bền vững.

5. Dự án điện gió trên biển gồm có toàn bộ tua bin điện gió được xây dựng trên vùng biển Việt Nam và nằm ngoài đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm của đất liền về phía biển. Dự án điện gió trên biển gồm các loại sau đây:

a) Dự án điện gió gần bờ có toàn bộ tua bin được xây dựng trong vùng biển 06 hải lý tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm của đất liền về phía biển;

b) Dự án điện gió ngoài khơi có toàn bộ tua bin được xây dựng ngoài vùng biển 06 hải lý tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm của đất liền về phía biển.

6. Việc quy hoạch, đầu tư phát triển dự án điện gió trên biển theo thứ tự ưu tiên như sau:

a) Dự án sản xuất điện để cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia;

b) Dự án điện lực tự sản xuất, tự tiêu thụ hoặc dự án điện lực cho sản xuất hydrogen xanh, amoniac xanh và nhu cầu khác phục vụ nhu cầu trong nước;

c) Dự án sản xuất điện để xuất khẩu và sản xuất hydrogen xanh, amoniac xanh xuất khẩu.

7. Phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới trên biển phù hợp với thứ tự ưu tiên phát triển các ngành kinh tế biển trong từng thời kỳ.

8. Chính phủ quy định chi tiết nội dung sau đây:

a) Cơ chế ưu đãi, hỗ trợ phát triển hệ thống lưu trữ điện của dự án điện từ nguồn năng lượng tái tạo phù hợp với trình độ công nghệ trong lĩnh vực này;

b) Chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với việc nghiên cứu, phát triển phù hợp về công nghệ trong lĩnh vực điện gió, điện mặt trời tại Việt Nam;

c) Cơ chế chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu quan trắc thông số nguồn năng lượng sơ cấp và thống kê sản lượng điện của nhà máy điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới, trừ nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ.

Điều 21. Điều tra cơ bản về tài nguyên điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới

1. Phạm vi điều tra cơ bản về tài nguyên điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới trên lãnh thổ Việt Nam bao gồm:

a) Tài nguyên điện mặt trời, điện gió, điện địa nhiệt;

b) Tài nguyên điện sóng biển, điện thủy triều và các dạng tài nguyên điện khác từ năng lượng đại dương;

c) Tài nguyên điện từ chất thải rắn sinh hoạt và đô thị;

d) Tài nguyên điện từ sinh khối;

đ) Tài nguyên điện từ chất thải của quá trình sản xuất, kinh doanh ngoài đối tượng quy định tại điểm c khoản này;

e) Tài nguyên thủy điện.

2. Trách nhiệm tổ chức thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên về điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới được quy định như sau:

a) Thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên về điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới trên vùng biển Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật về biển, pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;

b) Thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện điều tra cơ bản về tài nguyên thủy điện thực hiện theo pháp luật về tài nguyên nước;

c) Trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì tổ chức thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới trên đất liền, trên hải đảo thuộc phạm vi quản lý địa giới hành chính;

d) Bộ Tài nguyên và Môi trường giao doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện, đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng thực hiện công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo chủ trì thực hiện tại khu vực biển nhất định thuộc vùng biển Việt Nam.

3. Nhà nước khuyến khích, huy động nguồn tài chính hợp pháp và đóng góp về khoa học, kỹ thuật của tổ chức, cá nhân phục vụ công tác điều tra cơ bản.

4. Thông tin, dữ liệu quy định tại khoản 1 Điều này là đầu vào để cơ quan tổ chức lập quy hoạch và đơn vị tư vấn lập quy hoạch sử dụng phục vụ việc lập quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch tỉnh. Trường hợp khu vực chưa có thông tin, dữ liệu quy định tại khoản này, tổ chức lập quy hoạch có trách nhiệm thu thập dữ liệu tin cậy, phù hợp để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp thông tin, dữ liệu trên toàn quốc quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý, công bố, chia sẻ thông tin về điều tra cơ bản tài nguyên điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới theo quy định của pháp luật.

6. Kinh phí thực hiện điều tra cơ bản quy định tại khoản 1 Điều này được bố trí từ các nguồn sau đây:

a) Ngân sách nhà nước;

b) Kinh phí của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chịu trách nhiệm thu xếp từ chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh và các nguồn vốn hợp pháp khác;

c) Kinh phí của tổ chức, cá nhân tự nguyện tài trợ cho công tác điều tra cơ bản.

7. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết về phạm vi điều tra cơ bản quy định tại khoản 1 Điều này, trừ các nội dung thực hiện theo pháp luật về tài nguyên nước, pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Điều 22. Phát triển điện tự sản xuất, tự tiêu thụ từ nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới

1. Nguồn điện tự sản xuất, tự tiêu thụ được đấu nối với hệ thống điện quốc gia, việc đấu nối thực hiện theo quy định của pháp luật về điện lực; được bán sản lượng điện dư theo quy định của pháp luật; được sử dụng đất công trình năng lượng, chiếu sáng công cộng kết hợp đa mục đích theo quy định của pháp luật về đất đai.

2. Căn cứ khả năng kỹ thuật, điều kiện kinh tế và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ cho hộ gia đình lắp đặt điện tự sản xuất, tự tiêu thụ như sau:

a) Hỗ trợ về tài chính cho đầu tư lắp đặt điện mặt trời mái nhà và hệ thống lưu trữ điện;

b) Hỗ trợ kỹ thuật về thiết kế, giải pháp bảo đảm an toàn chịu lực công trình, giải pháp phòng cháy, chữa cháy.

3. Chính phủ quy định chi tiết nội dung sau đây:

a) Công suất, điện năng sản xuất bảo đảm phù hợp với phụ tải điện và điều kiện phát triển của hệ thống điện;

b) Lắp đặt hệ thống lưu trữ điện kết hợp với đầu tư nguồn điện tự sản xuất, tự tiêu thụ;

c) Trình tự, thủ tục thực hiện phát triển nguồn điện tự sản xuất, tự tiêu thụ;

d) Cơ chế giá mua bán, sản lượng điện dư;

đ) Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan khi phát triển nguồn điện tự sản xuất, tự tiêu thụ.

Điều 23. Phát triển điện năng lượng mới

1. Dự án điện năng lượng mới là dự án sản xuất năng lượng sạch được thực hiện chính sách về thuế, tín dụng đầu tư của Nhà nước và tín dụng theo quy định của pháp luật có liên quan.

2. Căn cứ yêu cầu bảo đảm an ninh cung cấp điện, tiến bộ khoa học và công nghệ, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ, Chính phủ quy định điều kiện và thời hạn áp dụng các cơ chế, chính sách sau đây đối với dự án điện năng lượng mới:

a) Miễn, giảm tiền sử dụng khu vực biển;

b) Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất;

c) Sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn đối với dự án bán điện lên hệ thống điện quốc gia trên cơ sở bảo đảm lợi ích của Nhà nước và Nhân dân, an toàn hệ thống điện trong từng thời kỳ.

Điều 24. Cải tạo, sửa chữa, thay thế thiết bị nhà máy điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới

1. Trong thời gian vận hành nhà máy điện theo thiết kế được duyệt phù hợp với thời hạn hoạt động của dự án điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới được cải tạo, sửa chữa, thay thế thiết bị khác so với thông số kỹ thuật đang vận hành để bảo đảm vận hành an toàn và hiệu quả, tuân thủ quy định của pháp luật và không dẫn đến tăng diện tích sử dụng đất hoặc khu vực biển.

2. Công suất phát điện vào hệ thống điện quốc gia của các dự án tại khoản 1 Điều này không vượt quá công suất được ghi trong các văn bản pháp lý của dự án sau đây:

a) Văn bản chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

b) Giấy phép hoạt động điện lực.

Điều 25. Tháo dỡ công trình thuộc dự án điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới

1. Công trình thuộc dự án điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới phải tháo dỡ sau khi chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau đây:

a) Khi hết thời hạn sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng nếu không được gia hạn thời hạn sử dụng theo pháp luật về xây dựng;

b) Khi hết thời hạn hoạt động theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc hết thời hạn hoạt động dự án đầu tư nhưng không được gia hạn;

c) Khi có sự khác nhau về thời hạn quy định tại điểm a và điểm b khoản này, việc tháo dỡ sau khi chấm dứt hoạt động thực hiện theo điều kiện đến trước.

2. Việc tháo dỡ nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện gió sau khi chấm dứt hoạt động được quy định như sau:

a) Chủ sở hữu nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện gió phải thực hiện tháo dỡ nhà máy quy định tại khoản 1 Điều này; mọi chi phí tháo dỡ do chủ sở hữu chịu trách nhiệm;

b) Việc tháo dỡ, thu hồi, xử lý, quản lý chất thải, vật liệu, phế liệu phải bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan, đáp ứng yêu cầu khôi phục lại mặt bằng và môi trường sau khi tháo dỡ nhà máy;

c) Kể từ thời điểm chấm dứt hoạt động quy định tại khoản 1 Điều này, chủ sở hữu chịu trách nhiệm hoàn thành tháo dỡ trong thời hạn theo quy định của Chính phủ.

3. Đối với trường hợp không thuộc quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, việc tháo dỡ công trình thuộc dự án điện năng lượng mới, điện năng lượng tái tạo được thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan.

Mục 2. QUY ĐỊNH VỀ PHÁT TRIỂN ĐIỆN GIÓ NGOÀI KHƠI

Điều 26. Quy định chung

1. Việc thực hiện dự án điện gió ngoài khơi phải bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, an toàn thông tin sau đây:

a) Tổ chức, cá nhân thực hiện, tham gia thực hiện dự án điện gió ngoài khơi có nghĩa vụ tuân thủ quy định của pháp luật về bảo đảm quốc phòng, an ninh;

b) Việc sản xuất, sử dụng thiết bị và việc tạo lập, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông tin, dữ liệu ra khỏi biên giới thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. Việc thực hiện dự án điện gió ngoài khơi phải tuân thủ quy định của Luật này, quy định của pháp luật Việt Nam về an toàn hàng hải và an toàn thiết bị, công trình, phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

3. Dự án điện gió ngoài khơi được hưởng cơ chế, chính sách sau đây với điều kiện và thời hạn do Chính phủ quy định:

a) Sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn đối với dự án bán điện lên hệ thống điện quốc gia;

b) Miễn, giảm tiền sử dụng khu vực biển;

c) Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

4. Ngoài cơ chế, chính sách được quy định tại khoản 3 Điều này, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được miễn bảo đảm thực hiện dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư; được Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cấp tín dụng vượt giới hạn đối với một khách hàng và người có liên quan cho dự án điện gió ngoài khơi theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.

5. Căn cứ điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu phát triển và thu hút đầu tư từng thời kỳ, cấp độ thị trường điện cạnh tranh, để bảo đảm an ninh cung cấp điện, Chính phủ quy định chi tiết nội dung sau đây:

a) Khoản 3 và khoản 4 Điều này;

b) Điều kiện được thực hiện, tham gia thực hiện dự án điện gió ngoài khơi của tổ chức là nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư trong nước, gồm tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp tại dự án điện gió ngoài khơi;

c) Thời điểm chấm dứt áp dụng cơ chế, chính sách quy định tại khoản 3 Điều này.

6. Dự án điện gió ngoài khơi được xác định là dự án đầu tư xây dựng và được áp dụng quy định sau đây:

a) Việc khảo sát dự án điện gió ngoài khơi được áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá theo tiêu chuẩn của quốc tế, nước ngoài trong trường hợp trong nước chưa ban hành;

b) Công trình điện gió ngoài khơi được áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo tiêu chuẩn của quốc tế, nước ngoài trong trường hợp trong nước chưa ban hành.

7. Chính phủ quy định cơ chế phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có biển và cơ quan khác có liên quan trong công tác quản lý dự án, công trình điện gió ngoài khơi.

8. Việc chuyển nhượng dự án, cổ phần, phần vốn góp trong dự án điện gió ngoài khơi phải bảo đảm tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Chính phủ quy định chi tiết khoản này.

Điều 27. Khảo sát dự án điện gió ngoài khơi

1. Việc khảo sát dự án điện gió ngoài khơi thực hiện theo quy định của pháp luật về biển, pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, pháp luật về xây dựng và phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thông lệ quốc tế.

2. Việc lựa chọn đơn vị khảo sát dự án điện gió ngoài khơi trước khi lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án được quy định như sau:

a) Thủ tướng Chính phủ giao doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện;

b) Căn cứ điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ, Chính phủ quy định việc lựa chọn đơn vị thực hiện khảo sát dự án điện gió ngoài khơi, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này.

3. Việc xử lý chi phí khảo sát của doanh nghiệp quy định tại điểm a khoản 2 Điều này được thực hiện như sau:

a) Chi phí khảo sát trong trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều này do doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chịu trách nhiệm thu xếp; doanh nghiệp này được góp vốn đầu tư dự án tại khu vực Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện khảo sát;

b) Trường hợp không thực hiện quy định tại điểm a khoản này, nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án có trách nhiệm hoàn trả chi phí khảo sát cho doanh nghiệp quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.

4. Quản lý, khai thác, sử dụng mẫu vật, tài liệu, thông tin, dữ liệu và kết quả khảo sát dự án điện gió ngoài khơi được thực hiện theo quy định sau đây:

a) Cơ quan, doanh nghiệp nhà nước chủ trì thực hiện khảo sát quản lý mẫu vật, tài liệu, thông tin, dữ liệu và kết quả khảo sát dự án điện gió ngoài khơi do mình thực hiện; tổ chức khác chủ trì thực hiện khảo sát nộp mẫu vật, tài liệu, thông tin, dữ liệu và kết quả khảo sát dự án điện gió ngoài khơi đã được phê duyệt về cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo để quản lý;

b) Tổ chức, cá nhân tiếp cận, tham khảo, khai thác và sử dụng mẫu vật, tài liệu, thông tin, dữ liệu và kết quả khảo sát dự án điện gió ngoài khơi phải bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật và thỏa thuận giữa các bên.

5. Chính phủ quy định chi tiết khoản 4 Điều này và nội dung khảo sát, cơ chế xử lý chi phí khảo sát, điều kiện và năng lực của đơn vị khảo sát; quy định việc phân công trách nhiệm quy định định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá khảo sát, thẩm tra kết quả khảo sát, diện tích khảo sát và sử dụng khu vực biển, thanh toán chi phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng dự án.

Điều 28. Chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư dự án điện gió ngoài khơi

1. Nhà đầu tư lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện gió ngoài khơi bao gồm:

a) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư hoặc lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư;

b) Nhà đầu tư thực hiện khảo sát quy định tại điểm b khoản 2 Điều 27 của Luật này trong trường hợp khu vực khảo sát và quy mô của dự án phù hợp quy hoạch phát triển điện lực lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư để lựa chọn nhà đầu tư.

2. Nội dung hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, hồ sơ đề nghị chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư dự án điện gió ngoài khơi thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư hoặc Luật Đầu tư công hoặc Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và các nội dung sau đây:

a) Dự kiến vị trí, tọa độ và diện tích khu vực biển sử dụng thay cho tài liệu xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;

b) Dự kiến thời gian sử dụng khu vực biển.

3. Khi thẩm định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, cơ quan chủ trì thẩm định dự án điện gió ngoài khơi có trách nhiệm lấy ý kiến các cơ quan sau đây:

a) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải và các Bộ, ngành khác theo phân công của Chính phủ;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có biển khu vực thực hiện dự án điện gió ngoài khơi.

4. Chính phủ quy định các trường hợp chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

Điều 29. Lựa chọn nhà đầu tư dự án điện gió ngoài khơi

1. Các dự án điện gió ngoài khơi được lựa chọn nhà đầu tư như sau:

a) Dự án đầu tư công thực hiện theo pháp luật về đầu tư công;

b) Dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư thực hiện theo pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư;

c) Dự án đầu tư kinh doanh thực hiện theo pháp luật về đầu tư.

2. Trừ trường hợp dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án đầu tư kinh doanh điện gió ngoài khơi sau đây:

a) Dự án không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư vì lý do quốc phòng, an ninh theo ý kiến của Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an;

b) Dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư quy định tại điểm a khoản 1 Điều 28 của Luật này.

3. Ngoài đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh điện gió ngoài khơi bán điện lên hệ thống điện quốc gia thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về đấu thầu. Mức trần giá điện trong hồ sơ mời thầu không cao hơn mức giá tối đa của khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành. Giá điện trúng thầu lựa chọn nhà đầu tư là giá điện tối đa để bên mua điện đàm phán với nhà đầu tư trúng thầu. Hồ sơ mời thầu được lập theo quy định của pháp luật và các tài liệu, nội dung sau đây:

a) Dự thảo hợp đồng mua bán điện đã được cơ quan tổ chức đấu thầu và bên mua điện thống nhất;

b) Cơ chế, chính sách ưu đãi quy định tại khoản 3 Điều 26 của Luật này.

4. Căn cứ điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu phát triển và thu hút đầu tư từng thời kỳ, điều kiện phát triển thị trường điện, để bảo đảm an ninh cung cấp điện, Chính phủ quy định nội dung sau đây:

a) Điều kiện nhà đầu tư được tham gia đấu thầu;

b) Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án điện gió ngoài khơi để đáp ứng mục tiêu phát triển theo quy hoạch và nhu cầu thu hút đầu tư vào lĩnh vực này;

c) Việc đàm phán, giao kết hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh, hợp đồng mua bán điện với nhà đầu tư trúng thầu quy định tại khoản 3 Điều này.

Chương IV

GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC

Điều 30. Nguyên tắc cấp giấy phép hoạt động điện lực

1. Các lĩnh vực hoạt động điện lực phải được cấp giấy phép hoạt động điện lực bao gồm: phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện.

2. Tổ chức đủ điều kiện hoạt động theo quy định của Luật này được cấp giấy phép hoạt động điện lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 33 của Luật này.

3. Không cấp giấy phép hoạt động điện lực cho giai đoạn đầu tư. Hoạt động đầu tư trong lĩnh vực điện lực thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư.

4. Giấy phép hoạt động điện lực được cấp cho tổ chức để thực hiện một hoặc nhiều lĩnh vực hoạt động điện lực.

5. Giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phát điện được cấp cho tổ chức sở hữu nhà máy điện theo hạng mục công trình hoặc toàn bộ công trình.

6. Giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực truyền tải điện được cấp theo phạm vi quản lý, vận hành lưới điện truyền tải cụ thể.

7. Giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phân phối điện được cấp theo phạm vi quản lý, vận hành lưới điện phân phối cụ thể.

8. Giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực bán buôn điện được cấp theo phạm vi bán điện cụ thể.

9. Giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực bán lẻ điện được cấp theo phạm vi bán điện cụ thể, trừ phạm vi do cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép cho đơn vị khác. Khi chuyển sang giai đoạn vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực bán lẻ điện cấp cho tổ chức tham gia thị trường bán lẻ điện theo phạm vi của thị trường bán lẻ điện.

10. Trước giai đoạn vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực bán lẻ điện được cấp đồng thời với lĩnh vực phát điện hoặc phân phối điện.

11. Giấy phép hoạt động điện lực cấp cho một hoặc nhiều tổ chức tham gia hoạt động cùng lĩnh vực cụ thể và phải đáp ứng quy định của Luật này, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 31. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động điện lực

1. Tổ chức được cấp giấy phép hoạt động điện lực phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật;

b) Có đội ngũ quản lý kỹ thuật, quản lý kinh doanh và đội ngũ trực tiếp tham gia công tác vận hành đáp ứng về số lượng và điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ.

2. Đối với lĩnh vực phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, tổ chức được cấp giấy phép hoạt động điện lực phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và các điều kiện sau đây:

a) Có hạng mục công trình, công trình phát điện, truyền tải điện, phân phối điện phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh, kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh trong đó có nội dung về phương án phát triển mạng lưới cấp điện và các quyết định điều chỉnh (nếu có); được xây dựng, lắp đặt theo thiết kế được phê duyệt, đáp ứng điều kiện đưa hạng mục công trình, công trình vào khai thác, sử dụng;

b) Có dự án, công trình phát điện, truyền tải điện, phân phối điện được xây dựng, lắp đặt tuân thủ quy định của pháp luật về biển, pháp luật về đất đai, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan;

c) Có tài liệu quản lý an toàn đập, hồ chứa nước theo quy định của pháp luật đối với lĩnh vực phát điện nhà máy thủy điện.

3. Đối với lĩnh vực bán buôn điện, bán lẻ điện, tổ chức được cấp giấy phép phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và có phương án hoạt động bán buôn điện, bán lẻ điện phù hợp.

4. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện đối với các lĩnh vực cấp giấy phép hoạt động điện lực.

Điều 32. Các trường hợp cấp giấy phép hoạt động điện lực

1. Cấp mới giấy phép hoạt động điện lực trong các trường hợp sau đây:

a) Cấp giấy phép lần đầu đối với hạng mục công trình hoặc toàn bộ công trình phát điện trong lĩnh vực phát điện;

b) Cấp giấy phép lần đầu đối với phạm vi cụ thể trong lĩnh vực truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện;

c) Cấp mới giấy phép hoạt động điện lực trong trường hợp thay đổi phạm vi hoạt động, thông số kỹ thuật chính của công trình điện, công nghệ sử dụng trong hoạt động điện lực của giấy phép đã cấp.

2. Cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực trong các trường hợp sau đây:

a) Theo đề nghị của tổ chức được cấp giấy phép khi có sự thay đổi một trong các nội dung của giấy phép hoạt động điện lực quy định tại khoản 1 Điều 34 của Luật này hoặc giảm lĩnh vực hoạt động điện lực quy định tại khoản 2 Điều 34 của Luật này;

b) Theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp cần bảo vệ lợi ích quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích kinh tế - xã hội, lợi ích công cộng;

c) Có sai sót về nội dung ghi trong giấy phép đã cấp.

3. Cấp lại giấy phép hoạt động điện lực trong các trường hợp sau đây:

a) Khi có đề nghị của tổ chức được cấp giấy phép trong trường hợp giấy phép còn thời hạn bị mất, bị hỏng;

b) Khi giấy phép đã cấp còn thời hạn dưới 06 tháng hoặc hết hạn và có đề nghị của tổ chức được cấp giấy phép. Trong trường hợp này, các nội dung của giấy phép quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 34 của Luật này không thay đổi so với giấy phép đã cấp;

c) Trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 36 của Luật này.

4. Giấy phép hoạt động điện lực được gia hạn theo đề nghị của tổ chức được cấp giấy phép trong trường hợp thời gian từ khi giấy phép hết hiệu lực đến thời điểm chuyển giao tài sản, công trình điện lực hoặc thời điểm dự án dừng hoạt động không quá 12 tháng. Giấy phép được gia hạn 01 lần và thời hạn của giấy phép được gia hạn không quá thời điểm chuyển giao tài sản, công trình điện lực hoặc thời điểm dự án dừng hoạt động.

5. Chính phủ quy định chi tiết về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực.

Điều 33. Miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực

1. Các trường hợp được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực bao gồm:

a) Tổ chức đầu tư xây dựng cơ sở phát điện để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác và có công suất lắp đặt dưới mức công suất theo quy định của Chính phủ;

b) Tổ chức hoạt động phát điện có công suất lắp đặt dưới mức công suất theo quy định của Chính phủ;

c) Tổ chức kinh doanh điện tại vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo mua điện với công suất nhỏ hơn mức công suất theo quy định của Chính phủ từ lưới điện phân phối để bán điện trực tiếp tới khách hàng sử dụng điện tại vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo;

d) Tổ chức hoạt động phát điện lên lưới điện quốc gia được miễn trừ giấy phép bán buôn điện;

đ) Đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia và đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện;

e) Hạng mục công trình, công trình xây dựng nguồn điện, lưới điện khẩn cấp quy định tại Điều 14 của Luật này được miễn giấy phép hoạt động điện lực trong thời gian 06 tháng kể từ thời điểm đưa vào khai thác, sử dụng;

g) Hoạt động điện lực khác không thuộc phạm vi quy định tại khoản 1 Điều 30 của Luật này.

2. Tổ chức được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực quy định tại khoản 1 Điều này phải tuân thủ quy trình, quy chuẩn kỹ thuật quản lý vận hành, quy định về giá điện, điều kiện về kỹ thuật, an toàn và nghĩa vụ theo lĩnh vực hoạt động điện lực được quy định tại Luật này.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý, kiểm tra tổ chức hoạt động điện lực tại địa phương quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

4. Chính phủ quy định cụ thể mức công suất được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 34. Nội dung của giấy phép hoạt động điện lực

1. Tên, địa chỉ trụ sở của tổ chức được cấp giấy phép hoạt động điện lực.

2. Lĩnh vực hoạt động điện lực.

3. Phạm vi hoạt động điện lực.

4. Thông số kỹ thuật chính của công trình điện, công nghệ sử dụng trong hoạt động điện lực đối với lĩnh vực phát điện, truyền tải điện, phân phối điện.

5. Thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực.

6. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức được cấp giấy phép hoạt động điện lực.

Điều 35. Thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực

1. Thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực được cấp không được vượt quá thời hạn hoạt động của dự án, công trình phát điện, truyền tải điện, phân phối điện.

2. Chính phủ quy định chi tiết thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực theo từng lĩnh vực hoạt động và trong từng trường hợp cấp giấy phép hoạt động điện lực theo quy định của Luật này.

Điều 36. Thu hồi giấy phép hoạt động điện lực

1. Tổ chức bị thu hồi giấy phép hoạt động điện lực trong các trường hợp sau đây:

a) Tổ chức có nhu cầu ngừng hoạt động điện lực hoặc chuyển giao hoạt động điện lực đã được cấp giấy phép cho tổ chức khác;

b) Không bảo đảm điều kiện hoạt động điện lực được cấp giấy phép;

c) Không thực hiện đúng lĩnh vực hoạt động điện lực hoặc phạm vi hoạt động điện lực được ghi trong giấy phép hoạt động điện lực;

d) Cho thuê, cho mượn giấy phép để hoạt động điện lực; tự ý sửa chữa nội dung giấy phép hoạt động điện lực;

đ) Giả mạo giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực;

e) Không thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi vi phạm quy định về giấy phép hoạt động điện lực và không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả trong thời hạn theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Tổ chức bị thu hồi giấy phép hoạt động điện lực quy định tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 1 Điều này được đề nghị cấp lại giấy phép hoạt động điện lực sau khi đã hoàn thành các trách nhiệm, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này và hồ sơ, trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép hoạt động điện lực.

Điều 37. Thẩm quyền cấp, sửa đổi, bổ sung, cấp lại, gia hạn và thu hồi giấy phép hoạt động điện lực

1. Bộ Công Thương cấp giấy phép hoạt động điện lực lĩnh vực phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện, trừ quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép hoạt động điện lực lĩnh vực phát điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện trong phạm vi địa phương theo quy định của Chính phủ.

3. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương ủy quyền cho đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền cho cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về lĩnh vực điện lực thực hiện cấp, sửa đổi, bổ sung, cấp lại, gia hạn và thu hồi giấy phép hoạt động điện lực theo quy định của Luật này.

4. Cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có quyền sửa đổi, bổ sung, cấp lại, gia hạn, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực.

5. Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 và khoản 2 Điều này về thẩm quyền cấp, sửa đổi, bổ sung, cấp lại, gia hạn và thu hồi giấy phép hoạt động điện lực theo quy mô công suất, cấp điện áp, phạm vi của lĩnh vực hoạt động điện lực.

Chương V

THỊ TRƯỜNG ĐIỆN CẠNH TRANH VÀ HOẠT ĐỘNG MUA BÁN ĐIỆN

Mục 1. THỊ TRƯỜNG ĐIỆN CẠNH TRANH

Điều 38. Nguyên tắc hoạt động

1. Bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, không phân biệt đối xử giữa các đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện.

2. Tôn trọng, bảo đảm quyền tự do lựa chọn đối tác và hình thức giao dịch của các đối tượng mua bán điện trên thị trường điện cạnh tranh phù hợp với cấp độ thị trường điện cạnh tranh.

3. Nhà nước điều tiết hoạt động của thị trường điện cạnh tranh nhằm bảo đảm phát triển hệ thống điện bền vững, đáp ứng yêu cầu cung cấp điện an toàn, ổn định, tin cậy, hiệu quả.

Điều 39. Phát triển các cấp độ thị trường điện cạnh tranh

1. Thị trường điện cạnh tranh phát triển theo các cấp độ sau đây:

a) Thị trường phát điện cạnh tranh;

b) Thị trường bán buôn điện cạnh tranh;

c) Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

2. Các điều kiện cần hoàn thành trước khi bắt đầu vận hành thị trường điện cạnh tranh các cấp độ bao gồm:

a) Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật;

b) Tái cơ cấu ngành điện;

c) Xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng hệ thống điện và thị trường điện;

d) Cải cách cơ chế giá điện, giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, giữa vùng, miền.

3. Thủ tướng Chính phủ quy định về điều kiện, cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện cạnh tranh; quy định nguyên tắc hoạt động, lộ trình phát triển thị trường điện cạnh tranh phù hợp với quy định tại khoản 11 Điều 5 của Luật này, khoản 2 Điều này và tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

Điều 40. Đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh theo các cấp độ

1. Các đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh bao gồm:

a) Đơn vị phát điện;

b) Đơn vị truyền tải điện;

c) Đơn vị phân phối điện;

d) Đơn vị bán buôn điện;

đ) Đơn vị bán lẻ điện;

e) Đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia;

g) Đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện;

h) Khách hàng sử dụng điện.

2. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết về việc tham gia của các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này phù hợp với từng cấp độ phát triển của thị trường điện cạnh tranh.

Điều 41. Mua bán điện trên thị trường điện cạnh tranh theo các cấp độ

1. Đối tượng mua bán điện trên thị trường điện cạnh tranh bao gồm:

a) Đơn vị phát điện;

b) Đơn vị bán buôn điện;

c) Đơn vị bán lẻ điện;

d) Khách hàng sử dụng điện.

2. Việc mua bán điện trên thị trường điện cạnh tranh được thực hiện theo các hình thức sau đây:

a) Mua bán thông qua hợp đồng giữa bên bán điện và bên mua điện;

b) Mua bán giao ngay giữa bên bán điện và bên mua điện thông qua đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện;

c) Mua bán thông qua hợp đồng kỳ hạn điện, hợp đồng quyền chọn mua điện hoặc bán điện, hợp đồng tương lai điện giữa bên bán điện và bên mua điện.

3. Giá mua bán điện giao ngay được hình thành theo từng chu kỳ giao dịch của thị trường điện cạnh tranh và do đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện công bố.

Điều 42. Hoạt động, điều hành giao dịch trên thị trường điện cạnh tranh theo các cấp độ

1. Các hoạt động, điều hành giao dịch trên thị trường điện cạnh tranh bao gồm:

a) Dự báo đầy đủ, tin cậy cung cầu điện năng và lập kế hoạch vận hành thị trường điện;

b) Mua bán điện giao ngay trên thị trường điện;

c) Chào giá và xác định giá thị trường;

d) Cung cấp các dịch vụ phụ trợ và giá dịch vụ phụ trợ phù hợp với từng cấp độ phát triển của thị trường điện cạnh tranh;

đ) Lập hóa đơn và thanh toán giữa các đối tượng mua bán điện quy định tại khoản 1 Điều 41 của Luật này và các đơn vị cung cấp dịch vụ phụ trợ;

e) Cung cấp, công bố thông tin liên quan đến hoạt động, điều hành giao dịch trên thị trường điện cạnh tranh cho các bên liên quan;

g) Cung cấp dịch vụ giao dịch và dịch vụ thanh toán đối với phần điện năng và công suất được mua bán theo hình thức giao ngay và các dịch vụ phụ trợ;

h) Tiếp nhận và xử lý kiến nghị liên quan đến hoạt động giao dịch mua bán điện trên thị trường điện cạnh tranh để bảo đảm sự ổn định, hiệu quả và ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh;

i) Giám sát vận hành thị trường điện;

k) Báo cáo về hoạt động giao dịch mua bán điện trên thị trường điện.

2. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết khoản 1 Điều này phù hợp với từng cấp độ phát triển của thị trường điện cạnh tranh.

Điều 43. Tạm ngừng, khôi phục hoạt động của thị trường điện giao ngay trong thị trường điện cạnh tranh các cấp độ

1. Việc tạm ngừng hoạt động của thị trường điện giao ngay trong thị trường điện cạnh tranh các cấp độ thực hiện khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây:

a) Tình huống khẩn cấp về thảm họa, thiên tai hoặc bảo vệ quốc phòng, an ninh;

b) Hệ thống điện vận hành trong chế độ cực kỳ khẩn cấp, không bảo đảm vận hành hệ thống điện và thị trường điện ổn định, an toàn và liên tục;

c) Sự kiện bất khả kháng khác ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch bình thường trên thị trường điện giao ngay.

2. Việc khôi phục hoạt động của thị trường điện giao ngay trong thị trường điện cạnh tranh các cấp độ được thực hiện khi nguyên nhân dẫn đến việc tạm ngừng hoạt động quy định tại khoản 1 Điều này được khắc phục.

3. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết Điều này.

Mục 2. HỢP ĐỒNG MUA BÁN ĐIỆN VÀ HỢP ĐỒNG CUNG CẤP DỊCH VỤ ĐIỆN

Điều 44. Hợp đồng mua bán điện, hợp đồng cung cấp dịch vụ điện

1. Hợp đồng mua bán điện, hợp đồng cung cấp dịch vụ điện phải được xác lập bằng văn bản giấy hoặc hình thức thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản theo quy định của pháp luật.

2. Hợp đồng mua bán điện giữa đơn vị phát điện và bên mua điện, trừ trường hợp nhà máy điện đầu tư theo phương thức đối tác công tư; hợp đồng bán buôn điện và hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ hệ thống điện phải có các nội dung chính sau đây:

a) Thông tin của các bên trong hợp đồng bao gồm: tên, địa chỉ, số điện thoại, phương thức liên hệ khác (nếu có);

b) Giá hợp đồng mua bán điện; giá bán buôn điện; giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện;

c) Sản lượng điện hợp đồng (nếu có);

d) Lập hóa đơn, tiền điện thanh toán và thời hạn thanh toán;

đ) Quyền và nghĩa vụ của các bên;

e) Ngôn ngữ sử dụng là tiếng Việt. Trường hợp bên bán điện có nhà đầu tư nước ngoài, bên bán điện và bên mua điện có thể thỏa thuận sử dụng thêm hợp đồng với ngôn ngữ sử dụng bằng tiếng Anh;

g) Nội dung khác do hai bên thỏa thuận.

3. Hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt phải có các nội dung chính sau đây:

a) Thông tin của các bên trong hợp đồng bao gồm: tên, địa chỉ, số điện thoại, phương thức liên hệ khác (nếu có);

b) Tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ và địa chỉ sử dụng điện;

c) Giá bán lẻ điện, phương thức và thời hạn thanh toán;

d) Quyền và nghĩa vụ của các bên;

đ) Trách nhiệm bảo vệ thông tin của bên mua điện;

e) Trường hợp chấm dứt thực hiện hợp đồng và trách nhiệm phát sinh do chấm dứt thực hiện hợp đồng;

g) Trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật về dân sự;

h) Phương thức giải quyết tranh chấp;

i) Thời điểm giao kết hợp đồng, thời hạn của hợp đồng;

k) Thỏa thuận phạt vi phạm;

l) Nội dung khác do hai bên thỏa thuận.

4. Hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích ngoài sinh hoạt có nội dung do các bên thỏa thuận. Bên mua điện có trách nhiệm bảo đảm chất lượng điện năng quy định tại Điều 57 của Luật này. Trường hợp khách hàng sử dụng điện có sản lượng điện tiêu thụ trung bình tháng lớn phải thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo thỏa thuận của các bên.

5. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết khoản 2 Điều này bảo đảm phù hợp với cấp độ thị trường điện cạnh tranh.

6. Chính phủ quy định chi tiết về thực hiện biện pháp bảo đảm và chất lượng điện năng quy định tại khoản 4 Điều này, quy định điều kiện giao kết hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt.

Điều 45. Hợp đồng kỳ hạn điện, hợp đồng quyền chọn mua điện hoặc bán điện, hợp đồng tương lai điện

1. Nội dung chính của hợp đồng kỳ hạn điện bao gồm:

a) Sản lượng điện hợp đồng, giá mua bán điện trong hợp đồng kỳ hạn điện được xác định trên cơ sở đàm phán, thỏa thuận và thống nhất giữa bên mua điện và bên bán điện;

b) Giá tham chiếu trong hợp đồng kỳ hạn điện là giá thị trường điện giao ngay được tính toán và công bố theo quy định vận hành thị trường điện cạnh tranh;

c) Bên mua điện và bên bán điện có nghĩa vụ thanh toán khoản chênh lệch giữa giá mua bán điện và giá tham chiếu trong hợp đồng kỳ hạn điện đối với sản lượng điện cam kết.

2. Nội dung chính của hợp đồng quyền chọn mua điện hoặc bán điện bao gồm:

a) Quyền trong hợp đồng quyền chọn mua điện hoặc bán điện có thể là quyền mua hoặc quyền bán, được xác định trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất giữa bên mua quyền và bên bán quyền;

b) Sản lượng điện hợp đồng, giá điện và thời hạn hiệu lực của hợp đồng quyền chọn mua điện hoặc bán điện được xác định trên cơ sở đàm phán, thỏa thuận, thống nhất giữa bên mua quyền và bên bán quyền;

c) Bên mua quyền có thể lựa chọn thực hiện hoặc không thực hiện quyền trong thời hạn hiệu lực của hợp đồng;

d) Bên bán quyền có nghĩa vụ bán sản lượng điện năng tại mức giá giao kết khi bên mua quyền thực hiện quyền mua hoặc mua sản lượng điện năng tại mức giá giao kết khi bên mua quyền thực hiện quyền bán;

đ) Tiền mua quyền được xác định trên cơ sở cung cầu về hợp đồng quyền chọn mua điện hoặc bán điện trên thị trường điện kỳ hạn.

3. Nội dung chính của hợp đồng tương lai điện bao gồm nội dung quy định tại khoản 1 Điều này. Hợp đồng tương lai điện được chuẩn hóa và niêm yết giao dịch trên thị trường điện kỳ hạn.

4. Cơ chế thuế giá trị gia tăng đối với giao dịch hợp đồng kỳ hạn điện, hợp đồng quyền chọn mua điện hoặc bán điện, hợp đồng tương lai điện áp dụng theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng.

5. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết khoản 1 và khoản 2 Điều này.

6. Chính phủ quy định về điều kiện, lộ trình hình thành và phát triển, cơ chế vận hành của thị trường điện kỳ hạn phù hợp với các yêu cầu về bảo đảm an ninh cung cấp điện, cấp độ thị trường điện cạnh tranh và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 46. Mua bán điện với nước ngoài

1. Mua bán điện với nước ngoài bao gồm hoạt động mua bán điện với nước ngoài thông qua hệ thống điện quốc gia hoặc đấu nối trực tiếp không thông qua hệ thống điện quốc gia. Việc mua bán điện với nước ngoài phải bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, lợi ích của Nhà nước và Nhân dân, lợi ích của khách hàng sử dụng điện và phải phù hợp với chiến lược mua bán điện với nước ngoài, quy hoạch phát triển điện lực đã được phê duyệt.

2. Việc liên kết lưới điện với nước ngoài thông qua hệ thống điện quốc gia phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Bảo đảm an ninh, an toàn, tin cậy và tính ổn định trong vận hành hệ thống điện quốc gia;

b) Bảo đảm tối ưu kinh tế - kỹ thuật của hệ thống điện, phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình quản lý, vận hành hệ thống điện quốc gia;

c) Dự án, công trình liên kết lưới điện với nước ngoài trong khu vực biên giới đất liền không được làm thay đổi dấu hiệu nhận biết đường biên giới hoặc ảnh hưởng đến mốc quốc giới.

3. Trường hợp một phần lưới điện tách ra khỏi hệ thống điện quốc gia để liên kết với lưới điện nước ngoài thì thực hiện theo thỏa thuận của các bên tham gia liên kết lưới điện nhưng phải bảo đảm đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật quản lý vận hành hệ thống điện quốc gia.

4. Liên kết lưới điện trực tiếp với nước ngoài không thông qua hệ thống điện quốc gia thực hiện theo thỏa thuận của các bên tham gia liên kết lưới điện.

5. Giá nhập khẩu điện xác định tại biên giới Việt Nam, do bên mua điện và bên bán điện thỏa thuận phù hợp với khung giá nhập khẩu điện do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành, bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm chi phí mua điện.

6. Giá xuất khẩu điện với nước ngoài do bên bán điện và bên mua điện thỏa thuận trên các nguyên tắc sau đây:

a) Tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Trường hợp xuất khẩu điện không thông qua hệ thống điện quốc gia, giá xuất khẩu điện không thấp hơn mức giá tối đa của khung giá phát điện trong nước tương ứng với loại hình phát điện do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành;

c) Trường hợp xuất khẩu điện với nước ngoài qua hệ thống điện quốc gia, giá xuất khẩu điện căn cứ quy định giá bán lẻ điện tại khoản 1 Điều 50 của Luật này và không thấp hơn giá tối đa của khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân trong nước.

7. Căn cứ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, Thủ tướng Chính phủ quyết định chiến lược mua bán điện với nước ngoài.

8. Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt chủ trương mua bán điện với nước ngoài phù hợp với chiến lược mua bán điện với nước ngoài, quy hoạch phát triển điện lực và kế hoạch thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt; quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục xây dựng, phê duyệt khung giá nhập khẩu điện, phương pháp lập khung giá nhập khẩu điện áp dụng cho các nước cụ thể, hồ sơ, trình tự, thủ tục mua bán điện với nước ngoài.

Điều 47. Mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện

1. Các trường hợp mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện bao gồm:

a) Mua bán điện thông qua lưới điện kết nối riêng;

b) Mua bán điện thông qua lưới điện quốc gia.

2. Việc mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về đầu tư, quy định về cấp giấy phép hoạt động điện lực, hoạt động mua bán điện và quy định khác của pháp luật có liên quan;

b) Phù hợp với cấp độ thị trường điện cạnh tranh.

3. Chính phủ quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện; quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục, trách nhiệm của các bên liên quan khi tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện.

Điều 48. Thanh toán tiền điện trong hợp đồng mua bán điện đối với khách hàng sử dụng điện

1. Thanh toán tiền điện theo hợp đồng mua bán điện đối với khách hàng sử dụng điện phục vụ mục đích sinh hoạt được quy định như sau:

a) Tiền điện được thanh toán theo phương thức thanh toán do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện; bên mua điện chậm trả tiền điện phải trả tiền lãi trên số tiền chậm trả cho bên bán điện tương ứng với thời gian chậm trả;

b) Lãi suất chậm trả do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá mức lãi suất theo quy định của pháp luật về dân sự;

c) Bên bán điện thu thừa tiền điện phải hoàn trả cho bên mua điện, kể cả tiền lãi của khoản tiền thu thừa hoặc thỏa thuận với bên mua điện về việc bù trừ tiền điện thu thừa vào các lần thanh toán tiền điện sau;

d) Lãi suất thu thừa tiền điện được xác định theo quy định tại điểm b khoản này;

đ) Bên bán điện ghi chỉ số đo điện năng mỗi tháng 01 lần vào ngày ấn định, trừ trường hợp bất khả kháng có nguy cơ mất an toàn cho người lao động quy định trong hợp đồng mua bán điện. Cho phép dịch chuyển thời điểm ghi chỉ số đo điện năng trước hoặc sau 01 ngày so với ngày ấn định hoặc dịch chuyển theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện.

2. Thanh toán tiền điện theo hợp đồng mua bán điện đối với khách hàng sử dụng điện ngoài mục đích sinh hoạt thực hiện theo sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng. Trường hợp các bên chậm trả hoặc thu thừa tiền điện thì có nghĩa vụ trả tiền tương ứng với thời gian chậm trả và lãi suất theo quy định của pháp luật về dân sự.

3. Quy định về xem xét lại số tiền điện phải thanh toán như sau:

a) Bên mua điện có quyền yêu cầu bên bán điện xem xét lại số tiền điện phải thanh toán theo một trong các hình thức sau: trực tiếp tại đơn vị bán điện; dịch vụ bưu chính; phương tiện điện tử hoặc hình thức khác do các bên thỏa thuận;

b) Khi nhận được yêu cầu của bên mua điện, bên bán điện có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trường hợp không đồng ý với cách giải quyết của bên bán điện, bên mua điện có thể đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tổ chức việc hòa giải theo quy định của pháp luật về hòa giải hoặc yêu cầu trọng tài, Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật;

c) Trong thời gian yêu cầu của bên mua điện chưa được giải quyết, bên mua điện vẫn phải thanh toán tiền điện; bên bán điện không được ngừng cấp điện.

4. Bên mua điện không trả tiền điện theo thỏa thuận tại hợp đồng và đã được bên bán điện thông báo về việc thanh toán tiền điện 02 lần cách nhau không dưới 03 ngày thì bên bán điện có quyền ngừng cấp điện. Thời điểm bên bán điện có quyền ngừng cấp điện do hai bên tự thỏa thuận và ghi rõ trong hợp đồng mua bán điện nhưng không vượt quá 10 ngày kể từ ngày bên bán điện có thông báo đầu tiên. Bên bán điện phải thông báo thời điểm ngừng cấp điện cho bên mua điện trước 24 giờ và không chịu trách nhiệm về thiệt hại do việc ngừng cấp điện gây ra. Sau khi bên mua điện thanh toán tiền điện và thực hiện đầy đủ thủ tục đề nghị cấp điện trở lại theo quy định của pháp luật về điện lực thì bên bán điện phải thực hiện cấp điện trở lại theo quy định của pháp luật về điện lực.

5. Hóa đơn thanh toán tiền điện được lập theo chu kỳ ghi chỉ số đo điện năng. Hình thức thông báo thanh toán tiền điện do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện.

6. Việc xác định tiền điện thanh toán trong các trường hợp thiết bị đo đếm điện không chính xác so với yêu cầu kỹ thuật đo lường quy định, bên mua điện sử dụng điện trong thời gian hệ thống thiết bị đo đếm điện bị hư hỏng làm cho công tơ điện ngừng hoạt động và bên mua điện sử dụng điện trong thời gian công tơ điện bị mất theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

7. Chính phủ quy định chi tiết việc ghi chỉ số đo điện năng.

Điều 49. Ngừng, giảm mức cung cấp điện đối với khách hàng sử dụng điện

1. Việc ngừng, giảm mức cung cấp điện đối với khách hàng sử dụng điện phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và hợp đồng mua bán điện đã ký. Bên mua điện và bên bán điện phải thỏa thuận, thống nhất các trường hợp ngừng, giảm mức cung cấp điện và hình thức thông báo ngừng, giảm mức cung cấp điện trong hợp đồng mua bán điện.

2. Các trường hợp ngừng, giảm cung cấp điện bao gồm:

a) Khi xảy ra sự kiện bất khả kháng, sự cố mà bên bán điện không kiểm soát được có nguy cơ làm mất an toàn nghiêm trọng cho người, trang thiết bị hoặc do thiếu nguồn điện đe dọa đến an toàn của hệ thống điện, bên bán điện được phép ngừng, giảm mức cung cấp; phải thông báo tình trạng cấp điện và thời gian dự kiến cấp điện trở lại cho bên mua điện trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ngừng, giảm mức cung cấp điện;

b) Khi có nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng hoặc nhu cầu khác theo kế hoạch, bên bán điện có trách nhiệm thông báo cho bên mua điện biết trước thời điểm ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện ít nhất 05 ngày bằng hình thức thông báo được thống nhất trong hợp đồng mua bán điện;

c) Không thanh toán tiền điện quy định tại khoản 4 Điều 48 của Luật này;

d) Theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Luật này hoặc quy định của luật khác và phải áp dụng biện pháp ngừng cung cấp điện theo quy định của luật đó.

3. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết về trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện quy định tại khoản 2 Điều này.

Mục 3. GIÁ ĐIỆN VÀ GIÁ DỊCH VỤ VỀ ĐIỆN

Điều 50. Giá điện

1. Giá bán lẻ điện được quy định như sau:

a) Giá bán lẻ điện do đơn vị bán lẻ điện xây dựng căn cứ chính sách giá điện, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện;

b) Giá bán lẻ điện được quy định chi tiết cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ và cấp độ thị trường điện cạnh tranh, bao gồm: sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp, sinh hoạt. Giá bán lẻ điện theo thời gian sử dụng điện trong ngày được áp dụng đối với khách hàng sử dụng điện đủ điều kiện, bao gồm giá bán lẻ điện giờ cao điểm, thấp điểm và bình thường. Đối với nhóm khách hàng sử dụng điện phục vụ mục đích sinh hoạt, áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang tăng dần đối với khách hàng chưa đủ điều kiện tham gia hoặc không tham gia mua bán điện trên thị trường điện cạnh tranh.

2. Giá bán buôn điện theo hợp đồng mua buôn điện do các đơn vị điện lực thỏa thuận quy định tại điểm e khoản 12 Điều 5 của Luật này.

3. Thẩm quyền xây dựng, trình, phê duyệt, quyết định giá điện được quy định như sau:

a) Chính phủ quy định cơ chế, thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân;

b) Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện và khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân;

c) Bộ Công Thương xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định nội dung tại điểm a và điểm b khoản này; trình Thủ tướng Chính phủ quyết định về giá bán điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia, phù hợp với cấp độ thị trường điện cạnh tranh; lộ trình giảm bù chéo giá điện quy định tại khoản 12 Điều 5 của Luật này; lộ trình cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, bao gồm giá bán lẻ điện có nhiều thành phần mà trong đó có tối thiểu 02 thành phần như giá công suất, giá điện năng, giá cố định, giá biến đổi hoặc thành phần giá khác (nếu có) được áp dụng cho các nhóm khách hàng khi điều kiện kỹ thuật cho phép; cơ chế giá điện phù hợp cho các nhóm khách hàng sử dụng điện quy định tại khoản 12 Điều 5 của Luật này;

d) Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định phương pháp xác định giá bán buôn điện; phương pháp lập và trình tự, thủ tục phê duyệt khung giá bán buôn điện.

Điều 51. Giá dịch vụ về điện

1. Giá dịch vụ phát điện được quy định như sau:

a) Giá hợp đồng mua bán điện bao gồm: thành phần giá cố định được xác định bình quân theo đời sống kinh tế dự án; thành phần giá vận hành và bảo dưỡng và thành phần giá biến đổi;

b) Giá hợp đồng mua bán điện tại năm cơ sở do các đơn vị điện lực thỏa thuận tại hợp đồng mua bán điện. Bên bán điện và bên mua điện có quyền ký kết hợp đồng mua bán điện với giá cố định từng năm hợp đồng mua bán điện trên cơ sở bảo đảm giá cố định không thay đổi;

c) Trường hợp chưa thỏa thuận được giá hợp đồng mua bán điện, bên bán điện và bên mua điện có quyền thỏa thuận mức giá tạm thời để áp dụng cho đến khi thỏa thuận được mức giá chính thức;

d) Trường hợp tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà máy điện, giá hợp đồng mua bán điện được bên bán điện và bên mua điện xác định quy định tại các điểm a, b và c khoản này và khoản 2 Điều 19 của Luật này;

đ) Giá dịch vụ phát điện đối với nhà máy điện đầu tư theo phương thức đối tác công tư thực hiện quy định tại Điều 16 của Luật này;

e) Nhà máy điện năng lượng tái tạo nhỏ áp dụng cơ chế biểu giá chi phí tránh được;

g) Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định phương pháp xác định giá dịch vụ phát điện quy định tại khoản này.

2. Bên mua điện và bên bán điện thỏa thuận về giá hợp đồng mua bán điện theo nguyên tắc bảo đảm cho nhà máy điện thu hồi chi phí đầu tư (nếu có), chi phí phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh điện và thỏa thuận mức lợi nhuận hợp lý đối với các nhà máy điện sau đây:

a) Nhà máy điện năng lượng tái tạo nhỏ quy định tại điểm e khoản 1 Điều này khi hết thời hạn áp dụng biểu giá chi phí tránh được;

b) Nhà máy điện đã vận hành thương mại và hết thời hạn áp dụng giá hợp đồng mua bán điện;

c) Nhà máy điện hết thời hạn hợp đồng BOT và bàn giao cho Chính phủ quy định tại Điều 16 của Luật này.

3. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục, phương pháp xác định khung giá phát điện; phê duyệt khung giá phát điện do đơn vị điện lực xây dựng và trình.

4. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định phương pháp xác định chi phí phát điện của nhà máy điện trong giai đoạn chưa tham gia thị trường điện cạnh tranh đối với các trường hợp sau đây:

a) Nhà máy điện quy định tại khoản 2 Điều 5 của Luật này;

b) Nhà máy điện phối hợp vận hành với nhà máy điện quy định tại khoản 2 Điều 5 của Luật này để hỗ trợ điều tiết hệ thống theo danh sách do Bộ Công Thương quy định;

c) Nhà máy điện khác không xác định được giá dịch vụ phát điện.

5. Trường hợp chưa có phương pháp xác định giá, khung giá phát điện quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này đối với dự án thủy điện mở rộng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 18 của Luật này, dự án nguồn năng lượng tái tạo kết hợp với đầu tư hệ thống lưu trữ điện quy định tại khoản 3 Điều 20 của Luật này thì bên mua điện và bên bán điện thỏa thuận về việc xây dựng phương pháp xác định giá dịch vụ phát điện trên cơ sở quy định tại khoản 1 Điều này và phù hợp với thực tế của nhà máy điện.

6. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định nội dung sau đây:

a) Phương pháp lập, hồ sơ, trình tự, thủ tục phê duyệt giá dịch vụ truyền tải điện, giá dịch vụ phân phối điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, giá dịch vụ điều độ vận hành hệ thống điện và giá dịch vụ điều hành giao dịch thị trường điện lực;

b) Phương pháp hướng dẫn và hình thức định giá đối với lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng quy định tại khoản 4 Điều 5 của Luật này.

7. Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt giá dịch vụ truyền tải điện, giá dịch vụ phân phối điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, giá dịch vụ điều độ vận hành hệ thống điện và giá dịch vụ điều hành giao dịch thị trường điện lực do đơn vị điện lực xây dựng và trình.

8. Căn cứ đặc thù của nhà máy điện theo từng thời kỳ, Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định nội dung sau đây:

a) Áp dụng khung giá phát điện đối với nhà máy điện gió ngoài khơi theo quy định của Luật này, nhà máy điện quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Cơ chế giá điện nhiều thành phần, bao gồm các thành phần giá công suất, giá điện năng, giá cố định, giá biến đổi hoặc thành phần giá khác (nếu có).

Điều 52. Căn cứ lập, điều chỉnh giá điện và giá các dịch vụ về điện

1. Căn cứ lập giá điện bao gồm:

a) Chính sách giá điện;

b) Điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;

c) Quan hệ cung cầu về điện;

d) Chi phí sản xuất, kinh doanh điện hợp lý và lợi nhuận hợp lý của đơn vị điện lực;

đ) Cấp độ thị trường điện cạnh tranh;

e) Báo cáo tài chính đã được kiểm toán hằng năm của đơn vị điện lực.

2. Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được quy định như sau:

a) Giá bán lẻ điện được phản ánh và điều chỉnh kịp thời theo biến động thực tế của thông số đầu vào, bù đắp chi phí hợp lý, hợp lệ với lợi nhuận hợp lý để bảo toàn, phát triển vốn kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng thời kỳ và cấp độ thị trường điện cạnh tranh;

b) Khi thị trường bán lẻ điện vận hành, giá bán lẻ điện thực hiện theo cơ chế thị trường;

c) Chính phủ quy định chi tiết điểm a khoản này.

3. Đơn vị điện lực có trách nhiệm lập, công bố công khai chi phí sản xuất, kinh doanh điện hằng năm. Hình thức và nội dung công khai thực hiện theo quy định của pháp luật.

4. Căn cứ điều chỉnh giá dịch vụ phát điện tại hợp đồng mua bán điện đã ký bao gồm:

a) Thay đổi về chính sách, pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành làm ảnh hưởng bất lợi đến lợi ích hợp pháp của bên bán điện hoặc bên mua điện;

b) Thực hiện yêu cầu rà soát, điều chỉnh giá dịch vụ phát điện của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Bên bán điện được giao đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các hạng mục (ngoài phạm vi quản lý đầu tư của đơn vị phát điện tại hợp đồng mua bán điện đã ký) để thực hiện quy hoạch hoặc để thực hiện yêu cầu mới về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật;

d) Tối ưu hoá quy trình quản lý, sản xuất, thay đổi công nghệ và đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất điện.

Chương VI

ĐIỀU ĐỘ, VẬN HÀNH HỆ THỐNG ĐIỆN QUỐC GIA

Điều 53. Nguyên tắc, yêu cầu trong điều độ, vận hành hệ thống điện quốc gia

1. Việc điều độ, vận hành hệ thống điện quốc gia phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

a) An toàn, ổn định, chất lượng và tin cậy;

b) Bảo đảm các ràng buộc kỹ thuật của hệ thống điện;

c) Đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống lũ, tưới tiêu, duy trì dòng chảy tối thiểu và cấp nước hạ du theo quy định của pháp luật;

d) Thực hiện thỏa thuận về sản lượng điện và công suất trong hợp đồng mua bán điện, xuất khẩu, nhập khẩu điện trên cơ sở bảo đảm an toàn hệ thống điện quốc gia, lợi ích của Nhà nước và Nhân dân; các ràng buộc tiêu thụ nhiên liệu sơ cấp cho phát điện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

đ) Tối ưu kinh tế - kỹ thuật của hệ thống điện;

e) Bảo đảm công bằng trong việc huy động công suất, điện năng của các đơn vị phát điện trong hệ thống điện quốc gia.

2. Yêu cầu về kỹ thuật, chỉ huy vận hành hệ thống điện quốc gia bao gồm:

a) Thiết bị phát điện, lưới điện và thiết bị phụ trợ đấu nối vào lưới truyền tải điện, lưới phân phối điện phải bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về đấu nối, kỹ thuật vận hành hệ thống điện quốc gia;

b) Hệ thống điện quốc gia được chỉ huy bởi cấp điều độ có quyền điều khiển, bao gồm cấp điều độ quốc gia, cấp điều độ miền, cấp điều độ phân phối;

c) Đơn vị quản lý vận hành nguồn điện, lưới điện có trách nhiệm tuân thủ chỉ huy của cấp điều độ có quyền điều khiển; xây dựng kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị trong phạm vi quản lý để bảo đảm vận hành an toàn và giảm thiểu khả năng xảy ra sự cố, phối hợp với các đơn vị liên quan trong vận hành để bảo đảm hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định và tin cậy.

3. Trong trường hợp xảy ra tình huống cấp bách đe dọa nghiêm trọng đến khả năng bảo đảm cung cấp điện, Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định việc vận hành, huy động các nhà máy điện nhằm bảo đảm cung cấp điện. Nhà máy điện có trách nhiệm tuân thủ việc huy động, bảo đảm vận hành các tổ máy, thiết bị an toàn và báo cáo chủ sở hữu về việc thực hiện lệnh huy động.

4. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chức năng, nhiệm vụ và phân cấp quyền điều khiển của cấp điều độ có quyền điều khiển, nguyên tắc điều độ, vận hành thao tác, xử lý sự cố, khởi động đen và khôi phục hệ thống điện quốc gia; yêu cầu kỹ thuật, đấu nối, đo đếm điện năng và vận hành hệ thống truyền tải điện, phân phối điện; chỉ đạo xây dựng kế hoạch cung cấp điện, kiểm tra, giám sát tình hình cung cấp điện và vận hành hệ thống điện để bảo đảm cân bằng cung cầu điện.

5. Chính phủ quy định các tình huống cấp bách đe dọa nghiêm trọng đến khả năng bảo đảm cung cấp điện quy định tại khoản 3 Điều này.

Điều 54. Quản lý nhu cầu điện

1. Quản lý nhu cầu điện bao gồm hoạt động khuyến khích, hướng dẫn việc thay đổi phương thức sử dụng điện; chống lãng phí, giảm tổn thất điện năng; giảm phụ tải đỉnh, giảm chênh lệch phụ tải giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm.

2. Đơn vị điện lực có trách nhiệm nghiên cứu phụ tải, xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình quản lý nhu cầu điện để tối ưu vận hành hệ thống điện.

3. Khách hàng sử dụng điện có trách nhiệm tham gia chương trình quản lý nhu cầu điện để tối ưu vận hành hệ thống điện, giảm chênh lệch công suất giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm của biểu đồ phụ tải hệ thống điện.

4. Bộ Công Thương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quản lý nhu cầu điện quốc gia phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ, trong đó bao gồm các biện pháp quản lý nhu cầu điện, cơ chế tài chính và trách nhiệm tham gia của các bên liên quan. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về thực hiện quản lý nhu cầu điện.

Điều 55. Tiết kiệm trong phát điện, truyền tải điện, phân phối điện và sử dụng điện

1. Tiết kiệm điện trong phát điện được quy định như sau:

a) Đơn vị phát điện có trách nhiệm lựa chọn, áp dụng công nghệ phát điện tiên tiến, thân thiện với môi trường, có hiệu suất cao, quản lý và thực hiện phương thức vận hành tối ưu thiết bị phát điện để tiết kiệm nhiên liệu và các nguồn năng lượng dùng phát điện, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ môi trường;

b) Hệ thống điện tự dùng trong nhà máy phát điện phải được thiết kế, lắp đặt hợp lý và phải bố trí sử dụng trong quá trình vận hành phù hợp với yêu cầu tiết kiệm điện tự dùng;

c) Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định định mức tiêu hao điện tự dùng cho các loại nhà máy điện.

2. Tiết kiệm điện trong truyền tải điện, phân phối điện được quy định như sau: hệ thống đường dây truyền tải điện, phân phối điện và trạm điện phải bảo đảm các thông số và tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật tiên tiến, được vận hành với phương thức tối ưu nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp điện ổn định, an toàn, liên tục và xét đến hiệu quả kinh tế của các giải pháp giảm tổn thất điện năng.

3. Tiết kiệm điện trong sử dụng điện được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân sử dụng điện cho sản xuất có trách nhiệm sau: cải tiến, hợp lý hóa quy trình sản xuất, áp dụng công nghệ và trang thiết bị sử dụng điện có suất tiêu hao điện năng thấp để tiết kiệm điện; bảo đảm hệ số công suất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và hạn chế tối đa việc sử dụng non tải thiết bị điện;

b) Tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu thiết bị sử dụng điện phải bảo đảm các chỉ tiêu tiêu hao điện năng tối thiểu nhằm giảm chi phí điện năng, góp phần thực hiện tiết kiệm điện;

c) Tổ chức sử dụng điện có trách nhiệm ban hành quy chế sử dụng tiết kiệm điện trong phạm vi tổ chức mình.

Điều 56. Đo đếm điện

1. Bên bán điện, đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện có trách nhiệm đầu tư, lắp đặt và quản lý toàn bộ các thiết bị đo đếm điện, thiết bị phụ trợ cho việc đo đếm điện, hệ thống thu thập và quản lý số liệu đo đếm điện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác bảo đảm quyền lợi giữa các bên nhưng không trái với quy định của pháp luật.

2. Thiết bị đo đếm điện phải bảo đảm yêu cầu kỹ thuật đo lường và được kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo quy định của pháp luật về đo lường.

3. Vị trí lắp đặt công tơ đo đếm điện phải bảo đảm an toàn, mỹ quan, thuận lợi cho bên mua điện kiểm tra chỉ số đo điện năng và bên bán điện ghi chỉ số đo điện năng.

4. Bên sở hữu thiết bị đo đếm điện có trách nhiệm tổ chức việc kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm thiết bị đo đếm điện theo đúng yêu cầu và thời hạn quy định của pháp luật về đo lường.

5. Khi có nghi ngờ thiết bị đo đếm điện không chính xác, bên mua điện có quyền yêu cầu bên bán điện kiểm tra; bên bán điện có trách nhiệm thực hiện kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế; đối với trường hợp bán lẻ điện, bên bán điện phải hoàn thành kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của bên mua điện. Trường hợp không đồng ý với kết quả kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế của bên bán điện, bên mua điện có quyền đề nghị cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về lĩnh vực điện lực tổ chức kiểm định. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của bên mua điện, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về lĩnh vực điện lực có trách nhiệm tổ chức việc kiểm định với tổ chức kiểm định độc lập.

6. Chi phí cho việc kiểm định thiết bị đo đếm điện quy định tại khoản 5 Điều này được thực hiện như sau:

a) Trường hợp tổ chức kiểm định độc lập xác định thiết bị đo đếm điện đạt yêu cầu kỹ thuật đo lường thì bên mua điện phải trả chi phí kiểm định;

b) Trường hợp tổ chức kiểm định độc lập xác định thiết bị đo đếm điện không đạt yêu cầu kỹ thuật đo lường thì bên bán điện phải trả chi phí kiểm định, đồng thời thực hiện việc truy thu hoặc thoái hoàn điện năng theo hợp đồng mua bán điện đã ký và theo quy định của pháp luật.

Điều 57. Bảo đảm chất lượng điện năng

1. Đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện phải bảo đảm công suất, điện năng và thời gian cung cấp điện theo hợp đồng; điện áp, tần số theo yêu cầu kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành. Trường hợp không bảo đảm tiêu chuẩn điện áp, tần số, công suất, điện năng và thời gian cung cấp điện theo hợp đồng đã ký mà gây thiệt hại cho bên mua điện thì bên bán điện phải bồi thường cho bên mua điện theo quy định của pháp luật.

2. Bên mua điện có trách nhiệm bảo đảm các thiết bị sử dụng điện của mình hoạt động an toàn để không gây ra sự cố cho hệ thống điện, không làm ảnh hưởng đến chất lượng điện áp, tần số của lưới điện.

Chương VII

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA ĐƠN VỊ ĐIỆN LỰC VÀ KHÁCH HÀNG SỬ DỤNG ĐIỆN

Điều 58. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị điện lực được cấp giấy phép hoạt động điện lực

1. Đơn vị điện lực được cấp giấy phép có các quyền sau đây:

a) Hoạt động điện lực theo nội dung quy định trong giấy phép hoạt động điện lực;

b) Đề nghị cấp lại, gia hạn, sửa đổi hoặc bổ sung lĩnh vực hoạt động điện lực khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật;

c) Được cung cấp thông tin cần thiết phù hợp với quy định của pháp luật trong lĩnh vực được cấp giấy phép hoạt động điện lực;

d) Quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Đơn vị điện lực được cấp giấy phép có các nghĩa vụ sau đây:

a) Hoạt động điện lực theo đúng nội dung quy định trong giấy phép hoạt động điện lực;

b) Bảo đảm điều kiện hoạt động điện lực được cấp giấy phép trong thời gian quy định tại giấy phép hoạt động điện lực;

c) Báo cáo cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực chậm nhất 60 ngày trước ngày ngừng hoạt động điện lực;

d) Không được cho thuê, cho mượn, tự ý sửa chữa nội dung giấy phép hoạt động điện lực;

đ) Đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực khi thay đổi tên, địa chỉ đăng ký kinh doanh của đơn vị được cấp giấy phép hoạt động điện lực;

e) Báo cáo cơ quan cấp giấy phép về tình hình hoạt động trong lĩnh vực được cấp giấy phép trước ngày 01 tháng 3 hằng năm;

g) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 59. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị phát điện

1. Đơn vị phát điện có các quyền sau đây:

a) Đấu nối vào hệ thống điện quốc gia khi đáp ứng điều kiện và yêu cầu kỹ thuật;

b) Đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật có liên quan;

c) Bán điện cho bên mua điện theo hợp đồng mua bán điện;

d) Bán điện cho bên mua điện thông qua hợp đồng kỳ hạn điện, hợp đồng quyền chọn mua điện hoặc bán điện, hợp đồng tương lai điện và chào giá bán điện giao ngay trên thị trường điện cạnh tranh;

đ) Được cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động phát điện;

e) Quyền khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Đơn vị phát điện có các nghĩa vụ sau đây:

a) Bảo đảm vận hành các tổ máy và các thiết bị trong nhà máy điện an toàn, ổn định, tin cậy, chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu để đáp ứng các phương thức vận hành, yêu cầu vận hành của hệ thống điện nhằm bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục;

b) Phải ngừng hoặc giảm mức phát điện nếu không có giải pháp khác trong trường hợp có nguy cơ đe dọa đến tính mạng con người và an toàn của trang thiết bị;

c) Tuân thủ quy định về điều độ, vận hành hệ thống điện, an toàn điện và thị trường điện;

d) Tuân thủ phương thức vận hành, lệnh chỉ huy, điều khiển của cấp điều độ có quyền điều khiển;

đ) Thông báo ngay cho cấp điều độ có quyền điều khiển và các tổ chức, cá nhân có liên quan khi có sự cố về phát điện;

e) Đầu tư trạm điện, công tơ và đường dây dẫn điện đến công tơ cho bên mua, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với đơn vị truyền tải điện, đơn vị phân phối điện hoặc bên mua điện;

g) Báo cáo thông tin liên quan đến khả năng sẵn sàng, độ dự phòng của nhà máy điện và thông tin liên quan theo yêu cầu của đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia, đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện, cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

h) Thực hiện việc thu gom, xử lý, tái chế tro, xỉ phát sinh từ nhà máy nhiệt điện, tấm quang điện, thiết bị lưu trữ điện, cánh quạt tua bin gió và các thiết bị điện khác thải bỏ theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

i) Nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 60. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị truyền tải điện

1. Đơn vị truyền tải điện có các quyền sau đây:

a) Đấu nối vào hệ thống điện quốc gia khi đáp ứng điều kiện và yêu cầu kỹ thuật;

b) Đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật có liên quan;

c) Xây dựng và trình duyệt giá dịch vụ truyền tải điện;

d) Cung cấp dịch vụ truyền tải điện theo quy định;

đ) Được cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động truyền tải điện;

e) Được vào khu vực quản lý của bên mua điện để thao tác, bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế mới trang thiết bị điện của đơn vị truyền tải điện;

g) Quyền khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Đơn vị truyền tải điện có các nghĩa vụ sau đây:

a) Bảo đảm cung cấp dịch vụ truyền tải và các dịch vụ phụ trợ cho các bên có liên quan, quyền đấu nối của các tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực vào lưới điện truyền tải được giao quản lý vận hành, trừ trường hợp lưới điện truyền tải bị quá tải theo xác nhận của Bộ Công Thương;

b) Trường hợp có nguy cơ đe dọa đến tính mạng con người và an toàn của trang thiết bị phải ngừng hoặc yêu cầu cấp điều độ có quyền điều khiển giảm mức truyền tải điện nếu không có giải pháp khác;

c) Xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển lưới điện truyền tải và thực hiện đầu tư phát triển lưới điện truyền tải đáp ứng nhu cầu truyền tải điện theo quy hoạch phát triển điện lực, kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực; đầu tư thiết bị đo đếm điện và các thiết bị phụ trợ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với đơn vị phát điện, đơn vị phân phối điện hoặc khách hàng sử dụng điện;

d) Bảo đảm lưới điện và trang thiết bị thuộc phạm vi quản lý vận hành an toàn, ổn định, tin cậy;

đ) Tuân thủ quy định về điều độ, vận hành hệ thống điện, an toàn điện và thị trường điện;

e) Tuân thủ phương thức vận hành, lệnh chỉ huy, điều khiển của cấp điều độ có quyền điều khiển;

g) Thông báo ngay cho cấp điều độ có quyền điều khiển và các tổ chức, cá nhân có liên quan khi có sự cố về lưới điện truyền tải;

h) Báo cáo thông tin liên quan đến khả năng sẵn sàng, độ dự phòng của trang thiết bị, thông tin liên quan khác theo yêu cầu của đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia, đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện, cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

i) Nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 61. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị phân phối điện

1. Đơn vị phân phối điện có các quyền sau đây:

a) Đấu nối vào hệ thống điện quốc gia khi đáp ứng điều kiện và yêu cầu kỹ thuật;

b) Đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật có liên quan;

c) Xây dựng và trình duyệt giá dịch vụ phân phối điện; cung cấp dịch vụ phân phối điện theo quy định;

d) Được vào khu vực quản lý của bên mua điện để thao tác, bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế mới trang thiết bị điện của đơn vị phân phối điện;

đ) Được cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động phân phối điện;

e) Quyền khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Đơn vị phân phối điện có các nghĩa vụ sau đây:

a) Bảo đảm cung cấp dịch vụ phân phối điện cho khách hàng sử dụng điện, đơn vị bán lẻ điện, đơn vị bán buôn điện đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng dịch vụ, an toàn theo hợp đồng, trừ trường hợp lưới điện phân phối bị quá tải theo xác nhận của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về lĩnh vực điện lực;

b) Xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển lưới điện phân phối và thực hiện đầu tư phát triển lưới điện phân phối đáp ứng nhu cầu điện theo phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh; kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh trong đó có nội dung về phương án phát triển mạng lưới cấp điện; đầu tư công tơ và đường dây dẫn điện đến công tơ cho bên mua điện, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với bên mua điện;

c) Tuân thủ quy định về điều độ, vận hành hệ thống điện, an toàn điện và thị trường điện, các phương thức vận hành theo yêu cầu của cấp điều độ có quyền điều khiển, thực hiện điều chỉnh phụ tải, ngừng, giảm cung cấp điện theo quy định để bảo đảm hệ thống điện vận hành an toàn, liên tục;

d) Trường hợp có nguy cơ đe dọa đến tính mạng con người và an toàn của trang thiết bị phải ngừng hoặc giảm mức phân phối điện nếu không có giải pháp khác;

đ) Báo cáo thông tin liên quan đến khả năng sẵn sàng, độ dự phòng của trang thiết bị, thông tin liên quan khác theo yêu cầu của đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia, đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện, cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

e) Trong tình huống cấp bách đe dọa nghiêm trọng đến khả năng bảo đảm cung cấp điện, đơn vị phân phối điện huy động các nguồn máy phát điện dự phòng của khách hàng sử dụng điện để bổ sung nguồn cung cho hệ thống điện quốc gia;

g) Nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 62. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị bán buôn điện

1. Đơn vị bán buôn điện có các quyền sau đây:

a) Mua điện trực tiếp của bên bán điện theo hợp đồng mua buôn điện;

b) Sử dụng dịch vụ truyền tải điện, phân phối điện, dịch vụ điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện phù hợp với từng cấp độ thị trường điện cạnh tranh;

c) Mua, bán điện trên thị trường điện cạnh tranh theo hợp đồng bán buôn điện, hợp đồng kỳ hạn điện, hợp đồng quyền chọn mua điện hoặc bán điện và hợp đồng tương lai điện; định giá bán buôn điện trong khung giá bán buôn điện đã được phê duyệt;

d) Được cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động bán buôn điện;

đ) Quyền khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Đơn vị bán buôn điện có các nghĩa vụ sau đây:

a) Bán điện theo đúng số lượng, chất lượng và giá điện đã được thỏa thuận trong hợp đồng;

b) Bồi thường khi gây thiệt hại cho bên mua điện hoặc bên bán điện theo quy định của pháp luật;

c) Tuân thủ quy định về vận hành thị trường điện cạnh tranh, an toàn điện; cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động tham gia thị trường điện cạnh tranh theo yêu cầu của đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia, đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

d) Nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 63. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị bán lẻ điện

1. Đơn vị bán lẻ điện có các quyền sau đây:

a) Mua điện trực tiếp của bên bán điện theo hợp đồng mua bán điện;

b) Cạnh tranh mua, bán điện trên thị trường điện cạnh tranh theo hợp đồng mua bán điện, hợp đồng kỳ hạn điện, hợp đồng quyền chọn mua điện hoặc bán điện, hợp đồng tương lai điện; định giá bán lẻ điện trên thị trường bán lẻ điện cạnh tranh theo quy định;

c) Sử dụng dịch vụ truyền tải điện, phân phối điện, dịch vụ điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện phù hợp với từng cấp độ thị trường điện cạnh tranh;

d) Được vào khu vực quản lý của bên mua điện để kiểm tra, ghi chỉ số đo điện năng và liên hệ với khách hàng;

đ) Được cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động bán lẻ điện;

e) Quyền khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Đơn vị bán lẻ điện có các nghĩa vụ sau đây:

a) Bán điện theo đúng số lượng, chất lượng và giá điện đã được thỏa thuận trong hợp đồng;

b) Bồi thường khi gây thiệt hại cho bên mua điện hoặc bên bán điện theo quy định của pháp luật;

c) Cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến lượng điện bán lẻ theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

d) Kiểm tra việc thực hiện hợp đồng mua bán điện;

đ) Tuân thủ quy định về vận hành thị trường điện cạnh tranh, an toàn điện;

e) Nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 64. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia

1. Đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia có các quyền sau đây:

a) Chỉ huy, điều khiển các đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện thực hiện kế hoạch, phương thức vận hành hệ thống điện quốc gia;

b) Chỉ huy xử lý tình huống khẩn cấp hoặc bất thường trong hệ thống điện quốc gia; huy động công suất, điện năng của các nhà máy điện trong hệ thống điện quốc gia; chỉ huy việc thao tác lưới điện truyền tải và lưới điện phân phối; ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện trong trường hợp có nguy cơ đe dọa đến sự vận hành an toàn, tin cậy của hệ thống điện quốc gia;

c) Được điều chỉnh kế hoạch, phương thức huy động công suất các nhà máy điện trong tình huống khẩn cấp hoặc bất thường trong hệ thống điện quốc gia để bảo đảm vận hành hệ thống điện quốc gia an toàn, ổn định;

d) Xây dựng và trình duyệt giá dịch vụ điều độ vận hành hệ thống điện;

đ) Yêu cầu các đơn vị điện lực có liên quan cung cấp thông tin về đặc tính kỹ thuật, khả năng sẵn sàng tham gia vận hành và mang tải của các trang thiết bị phát điện, truyền tải điện và phân phối điện; nhu cầu sử dụng điện của khách hàng để xác định phương thức vận hành hệ thống điện quốc gia;

e) Đánh giá cân đối cung cầu hệ thống điện;

g) Được Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi để bảo đảm cơ sở hạ tầng và các hệ thống thiết yếu khác phục vụ công tác điều độ, vận hành hệ thống điện để đáp ứng các yêu cầu trong vận hành, góp phần bảo đảm cung cấp điện;

h) Được hưởng các cơ chế, chính sách ưu tiên do Chính phủ ban hành nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho hoạt động điều độ hệ thống điện;

i) Quyền khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia có các nghĩa vụ sau đây:

a) Vận hành hệ thống điện quốc gia nhằm bảo đảm an toàn, ổn định, kinh tế;

b) Tuân thủ quy định về điều độ, vận hành hệ thống điện quốc gia, hệ thống truyền tải điện, hệ thống phân phối điện do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành;

c) Lập và trình Bộ Công Thương phê duyệt phương thức vận hành hệ thống điện quốc gia hằng năm; lập, phê duyệt và thực hiện phương thức vận hành hệ thống điện khác;

d) Thông báo số lượng công suất, điện năng và các dịch vụ phụ trợ đã được huy động cho đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện;

đ) Quản lý, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng hệ thống viễn thông, thông tin và các hệ thống chuyên dụng phục vụ công tác điều độ hệ thống điện;

e) Báo cáo kịp thời với Bộ Công Thương và thông báo cho đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện về tình huống khẩn cấp hoặc bất thường đe dọa nghiêm trọng đến sự vận hành an toàn, tin cậy của hệ thống điện quốc gia;

g) Nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 65. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện

1. Đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện có các quyền sau đây:

a) Vận hành thị trường điện giao ngay;

b) Yêu cầu đơn vị điện lực liên quan cung cấp số liệu phục vụ công tác điều hành giao dịch trên thị trường điện cạnh tranh theo quy định của pháp luật;

c) Đầu tư, lắp đặt, quản lý, vận hành hệ thống thu thập số liệu đo đếm và hệ thống quản lý số liệu đo đếm trong phạm vi quản lý theo từng cấp độ thị trường điện cạnh tranh;

d) Đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng thông tin thị trường điện trong phạm vi quản lý để phục vụ hoạt động của thị trường điện theo các cấp độ thị trường điện cạnh tranh;

đ) Xây dựng và trình duyệt giá dịch vụ điều hành giao dịch thị trường điện lực;

e) Được Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi để bảo đảm cơ sở hạ tầng và các hệ thống thiết yếu khác phục vụ công tác điều hành thị trường điện;

g) Được hưởng các cơ chế, chính sách ưu tiên do Chính phủ ban hành nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho hoạt động điều hành thị trường điện;

h) Quyền khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện có các nghĩa vụ sau đây:

a) Tuân thủ quy định về thị trường điện cạnh tranh;

b) Điều hòa, phối hợp hoạt động giao dịch mua bán điện và dịch vụ phụ trợ trên thị trường điện cạnh tranh;

c) Lập và công bố các thông tin kế hoạch vận hành thị trường điện năm tới, tháng tới, tuần tới, lập lịch ngày tới, chu kỳ tới;

d) Lập và công bố giá điện giao ngay và giá dịch vụ phụ trợ;

đ) Cung cấp dịch vụ giao dịch và dịch vụ thanh toán đối với điện năng và công suất được mua bán trên thị trường điện giao ngay và dịch vụ phụ trợ phù hợp với từng cấp độ thị trường điện cạnh tranh;

e) Quản lý, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng thông tin thị trường điện và cơ sở hạ tầng viễn thông, thông tin chuyên ngành phục vụ điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện;

g) Tiếp nhận, thẩm định, đánh giá và xác nhận hồ sơ đăng ký tham gia thị trường điện của các đơn vị có nhu cầu tham gia thị trường điện;

h) Giám sát hoạt động đăng ký tham gia thị trường điện của các thành viên;

i) Nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 66. Quyền và nghĩa vụ của khách hàng sử dụng điện

1. Khách hàng sử dụng điện có các quyền sau đây:

a) Được cung cấp đủ số lượng công suất, điện năng, bảo đảm chất lượng điện đã được thỏa thuận trong hợp đồng;

b) Yêu cầu bên bán điện kịp thời khôi phục việc cấp điện sau khi mất điện;

c) Được bồi thường thiệt hại do bên bán điện gây ra theo quy định của pháp luật;

d) Yêu cầu bên bán điện kiểm tra chất lượng dịch vụ điện, tính chính xác của thiết bị đo đếm điện, số tiền điện phải thanh toán;

đ) Được cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến dịch vụ bán lẻ điện và hướng dẫn về an toàn điện;

e) Được lựa chọn bên bán điện trong thị trường bán lẻ điện cạnh tranh;

g) Quyền khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Khách hàng sử dụng điện có các nghĩa vụ sau đây:

a) Thanh toán tiền điện đầy đủ, đúng thời hạn và thực hiện các thỏa thuận khác trong hợp đồng mua bán điện;

b) Sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; thực hiện các quy định, chương trình về quản lý nhu cầu điện để bảo đảm hệ thống điện vận hành an toàn, liên tục;

c) Sử dụng dịch vụ truyền tải điện, phân phối điện, điều độ hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện phù hợp với từng cấp độ thị trường điện cạnh tranh;

d) Sử dụng điện đúng đối tượng và mục đích theo quy định tại hợp đồng mua bán điện;

đ) Thông báo kịp thời cho bên bán điện khi phát hiện những hiện tượng bất thường có thể gây mất điện, mất an toàn cho người và tài sản;

e) Tạo điều kiện để bên bán điện, đơn vị truyền tải điện, đơn vị phân phối điện kiểm tra, sửa chữa, ghi chỉ số đo điện năng, bảo dưỡng, sửa chữa, lắp đặt và thay thế hệ thống đo đếm điện, trang thiết bị điện của đơn vị truyền tải điện, đơn vị phân phối điện và liên hệ với khách hàng;

g) Đầu tư đường dây dẫn điện sau công tơ đến nơi sử dụng điện, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này; thiết kế hệ thống điện trong công trình thuộc phạm vi quản lý đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật;

h) Bảo đảm các trang thiết bị sử dụng điện đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và yêu cầu về an toàn điện, an toàn phòng cháy, chữa cháy;

i) Bồi thường khi gây thiệt hại cho bên bán điện theo quy định của pháp luật;

k) Bảo vệ công tơ điện đặt trong phạm vi quản lý của mình theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện; không được tự ý tháo gỡ, di chuyển công tơ điện. Khi có nhu cầu di chuyển công tơ điện sang vị trí khác, phải được sự đồng ý của bên bán điện và phải chịu chi phí di chuyển;

l) Nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Khách hàng sử dụng điện lớn có các quyền sau đây:

a) Quyền quy định tại khoản 1 Điều này và được sử dụng dịch vụ truyền tải điện, phân phối điện theo quy định tại hợp đồng ký với đơn vị truyền tải điện, phân phối điện;

b) Khi tham gia thị trường điện cạnh tranh, có quyền mua điện trực tiếp từ đơn vị phát điện thông qua hợp đồng mua bán điện, hợp đồng kỳ hạn điện, hợp đồng quyền chọn mua điện hoặc bán điện, hợp đồng tương lai điện và mua điện giao ngay trên thị trường điện cạnh tranh.

4. Khách hàng sử dụng điện lớn có các nghĩa vụ sau đây:

a) Nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Thực hiện chế độ sử dụng điện theo yêu cầu của cấp điều độ có quyền điều khiển, biện pháp bảo đảm yêu cầu chất lượng điện năng, an toàn điện và nội dung khác đã được thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện, hợp đồng ký với đơn vị truyền tải điện, phân phối điện.

Chương VIII

BẢO VỆ CÔNG TRÌNH ĐIỆN LỰC VÀ AN TOÀN TRONG LĨNH VỰC ĐIỆN LỰC

Mục 1. BẢO VỆ CÔNG TRÌNH ĐIỆN LỰC VÀ AN TOÀN ĐIỆN

Điều 67. Bảo vệ an toàn công trình điện lực

1. Đơn vị điện lực và tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không, đường cáp điện ngầm, trạm điện, nhà máy phát điện và các công trình điện lực khác theo quy định của pháp luật. Người sử dụng đất có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để đơn vị điện lực tiếp cận công trình điện lực để kiểm tra, sửa chữa, bảo trì và khắc phục sự cố.

2. Khi xây dựng, cải tạo, sửa chữa, mở rộng công trình điện lực hoặc công trình khác có khả năng gây ảnh hưởng đến nhau thì đơn vị điện lực và tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm sau đây:

a) Phối hợp triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm an toàn về điện và xây dựng;

b) Thông báo kịp thời với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện các nguy cơ, hiện tượng mất an toàn đối với công trình điện lực;

c) Bồi thường khi gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về dân sự.

3. Khi không còn khai thác, sử dụng thì công trình điện lực, thiết bị điện phải được xử lý, tháo dỡ, quản lý bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật về bảo vệ môi trường.

4. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức thực hiện quy định về bảo vệ an toàn công trình điện lực tại Luật này và luật khác có liên quan; kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ an toàn công trình điện lực.

5. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Điều 68. Hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực

1. Hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực là vùng xung quanh công trình điện lực cần có biện pháp bảo vệ để bảo đảm an toàn cho con người và công trình điện lực, được xác định trên không, trên mặt đất, dưới lòng đất, trên mặt nước, dưới mặt nước tùy thuộc từng loại công trình điện lực.

2. Hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực bao gồm:

a) Hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không;

b) Hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm;

c) Hành lang bảo vệ an toàn trạm điện;

d) Hành lang bảo vệ an toàn công trình điện gió và công trình nguồn điện khác.

3. Việc sử dụng đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực được quy định như sau:

a) Đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực được tiếp tục sử dụng theo đúng mục đích đã được xác định theo quy định của pháp luật; việc sử dụng đất không được gây ảnh hưởng đến công tác bảo vệ an toàn công trình điện lực. Người sử dụng đất được bồi thường, hỗ trợ do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

b) Trường hợp sử dụng đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực gây ảnh hưởng đến an toàn công trình điện lực thì người sử dụng đất phải phối hợp với đơn vị điện lực có biện pháp khắc phục;

c) Trường hợp không khắc phục được quy định tại điểm b khoản này, Nhà nước thu hồi đất và bồi thường theo quy định của pháp luật. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai;

d) Trường hợp công trình điện lực có hành lang bảo vệ an toàn chồng lấn với hành lang bảo vệ an toàn của công trình khác thì việc xử lý được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

4. Hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực trên biển là một phần của khu vực biển được giao để thực hiện dự án điện lực. Việc sử dụng khu vực biển thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực trên biển phải tuân thủ các quy định sau đây:

a) Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên biển;

b) Bảo đảm an toàn cho con người, công trình điện lực và các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển hợp pháp khác theo quy định của pháp luật;

c) Bảo đảm an toàn cho các loài sinh vật, các động vật hoang dã, chim di cư theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học và phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

5. Trường hợp nhà ở, công trình ngoài hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực nhưng có cường độ điện trường vượt quá quy định cho phép, chủ sở hữu nhà ở, công trình, người sử dụng đất được bồi thường, hỗ trợ như đối với trường hợp nằm trong hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực quy định tại khoản 3 Điều này.

6. Cây trong và ngoài hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực phải bảo đảm khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp. Cây phát triển vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện phải được chủ sở hữu cây, người sử dụng đất kịp thời chặt tỉa phần vi phạm. Trường hợp cây phát triển vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện gây sự cố lưới điện thì tùy theo mức độ thiệt hại, chủ sở hữu cây, người sử dụng đất bị xử lý theo quy định của pháp luật. Đơn vị điện lực có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng tại địa phương tổ chức chặt tỉa cây vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện tại các khu vực chưa xác định được chủ sở hữu cây.

7. Nhà ở, công trình và các hoạt động phải bảo đảm các điều kiện về an toàn được phép tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực. Chủ sở hữu hoặc người sử dụng nhà ở, công trình đã được phép tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực không được sử dụng mái hoặc bất kỳ bộ phận nào của nhà ở, công trình mà vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp và phải tuân thủ quy định về bảo vệ an toàn công trình điện lực khi sửa chữa, cải tạo nhà ở, công trình.

8. Không cho phép tồn tại nhà ở và công trình có người sinh sống, làm việc trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không có điện áp từ 500kV trở lên, trừ công trình chuyên ngành phục vụ vận hành lưới điện đó.

9. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm lập và thực hiện kế hoạch giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư; bồi thường thiệt hại về đất đai, tài sản, chi phí đầu tư vào đất; quản lý, bảo vệ diện tích đất, khu vực biển dành cho dự án và hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực.

10. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 69. Quy định chung về an toàn điện

1. Người trực tiếp thực hiện công việc xây dựng, sửa chữa, cải tạo, quản lý, vận hành hệ thống điện, công trình điện lực; kiểm định thiết bị, dụng cụ điện và công việc khác liên quan trực tiếp đến hệ thống điện phải được huấn luyện, sát hạch, cấp thẻ an toàn điện.

2. Chủ đầu tư công trình điện lực, tổ chức, đơn vị quản lý vận hành, xây dựng, sửa chữa, cải tạo công trình điện lực và các hoạt động sử dụng điện cho sản xuất có trách nhiệm sau đây:

a) Tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về kỹ thuật điện, an toàn điện và các quy định của pháp luật về an toàn điện;

b) Lắp đặt biển cấm, biển báo, tín hiệu cảnh báo về an toàn điện, an toàn phòng cháy, chữa cháy, an toàn giao thông theo quy định của pháp luật;

c) Tổ chức hoặc thuê đơn vị có đủ năng lực tổ chức huấn luyện, sát hạch, cấp thẻ an toàn điện cho người lao động tại khoản 1 Điều này thuộc phạm vi quản lý;

d) Khi xảy ra sự cố, tai nạn điện phải áp dụng ngay các biện pháp để khắc phục sự cố, tai nạn điện, cấp cứu, sơ tán người ra khỏi khu vực nguy hiểm và kịp thời báo cáo các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

đ) Thực hiện chế độ báo cáo về an toàn điện và vi phạm hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực.

3. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thiết bị, dụng cụ điện phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định của pháp luật; cung cấp cho khách hàng hướng dẫn lắp đặt, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng thiết bị, dụng cụ điện bảo đảm an toàn theo quy định.

4. Việc sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp chỉ được thực hiện khi sử dụng biện pháp bảo vệ khác không hiệu quả tại khu vực được phép sử dụng hàng rào điện do Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định và phải bảo đảm điều kiện an toàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

5. Bộ trưởng Bộ Công Thương có trách nhiệm ban hành quy chuẩn kỹ thuật về kỹ thuật điện và an toàn điện quy định tại điểm a khoản 2 Điều này; quy định nội dung kiểm tra an toàn trong phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng điện.

6. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện Chương trình quốc gia về an toàn trong sử dụng điện.

7. Bộ trưởng Bộ Xây dựng có trách nhiệm quy định yêu cầu về hệ thống điện đối với nhà ở, công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng.

8. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành quy định về quản lý an toàn trong sử dụng điện trên địa bàn; tổ chức kiểm tra an toàn trong sử dụng điện theo quy định tại Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, nâng cao nhận thức cho cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng điện.

9. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Điều 70. Kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị, dụng cụ điện

1. Thiết bị, dụng cụ điện thuộc danh mục quy định tại khoản 4 Điều này phải được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng, trong quá trình sử dụng, vận hành bảo đảm các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật.

2. Việc kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị, dụng cụ điện phải được thực hiện bởi tổ chức đáp ứng điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định được Bộ Công Thương chứng nhận đăng ký hoạt động kiểm định chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

3. Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi thẩm quyền có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị, dụng cụ điện.

4. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định nội dung sau: danh mục thiết bị, dụng cụ điện phải kiểm định; nội dung kiểm định; chu kỳ kiểm định; quy trình kiểm định; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị, dụng cụ điện.

Điều 71. An toàn trong phát điện

1. Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành công trình phát điện phải tuân thủ quy định chung về an toàn điện tại Điều 69 của Luật này và các quy định sau đây:

a) Quy định khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư theo pháp luật về bảo vệ môi trường;

b) Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng, kỹ thuật điện, an toàn điện, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường;

c) Có biện pháp ngăn ngừa những người không có nhiệm vụ xâm nhập trái phép vào công trình phát điện;

d) Thực hiện đánh giá an toàn kỹ thuật định kỳ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

2. Trường hợp xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn về điện, chủ đầu tư hoặc đơn vị quản lý vận hành có trách nhiệm khẩn trương áp dụng biện pháp cứu người bị nạn ra khỏi khu vực nguy hiểm, tiến hành sơ cứu, cấp cứu người bị nạn; tổ chức xử lý, ngăn ngừa khả năng cháy, nổ, sự cố, tai nạn tiếp tục gây tác hại nguy hiểm, giảm nhẹ thiệt hại về người, tài sản; có các biện pháp bảo đảm an toàn về điện cho các lực lượng, phương tiện được huy động tham gia xử lý cháy, nổ, sự cố, tai nạn; tổ chức xác định nguyên nhân và thực hiện biện pháp khắc phục sau cháy, nổ, sự cố, tai nạn theo quy định.

Điều 72. An toàn trong truyền tải điện, phân phối điện

1. Chủ đầu tư trạm điện và công trình lưới điện có trách nhiệm tuân thủ quy định chung về an toàn điện tại Điều 69 của Luật này. Việc xây dựng, quản lý, vận hành trạm điện, công trình lưới điện phải phù hợp với quy hoạch xây dựng, tuân thủ quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn công trình đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa, luồng hàng hải và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Ở các vị trí giao chéo giữa đường dây dẫn điện trên không với đường bộ, đường sắt, luồng hàng hải, luồng đường thủy nội địa và cáp điện đi ngầm trong đất hoặc đi chung với công trình khác phải bảo đảm khoảng cách an toàn theo quy định của Chính phủ. Việc lắp đặt, cải tạo đường dây khác đi chung với đường dây dẫn điện trên không phải bảo đảm an toàn và mỹ quan đô thị và được chủ đầu tư đường dây dẫn điện trên không cho phép. Chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành khai thác đường dây dẫn điện trên không, đường cáp điện ngầm có trách nhiệm thiết lập, quản lý, bảo trì, bảo dưỡng và duy trì báo hiệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

3. Khi bàn giao công trình lưới điện, chủ đầu tư phải giao cho đơn vị quản lý vận hành lưới điện các tài liệu kỹ thuật, quy trình vận hành, quy trình bảo trì, biên bản nghiệm thu, quyết định giao đất, cho thuê đất và các tài liệu liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng, bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật.

4. Đơn vị quản lý vận hành lưới điện phải định kỳ tổ chức kiểm tra, bảo dưỡng kỹ thuật và sửa chữa lưới điện, bảo đảm cho hệ thống lưới điện vận hành an toàn theo quy định; thường xuyên kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định về an toàn điện, hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực và phối hợp thực hiện các giải pháp kỹ thuật, vận hành tối ưu để giảm tổn thất điện năng trong quá trình truyền tải điện.

5. Khi sửa chữa, bảo dưỡng công trình lưới điện, đơn vị quản lý vận hành lưới điện và đơn vị thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng phải chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ và đúng trình tự các biện pháp an toàn theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật về an toàn điện.

6. Các thiết bị và hệ thống chống sét, nối đất của trạm điện, lưới điện truyền tải và lưới điện phân phối phải được lắp đặt đúng thiết kế và được nghiệm thu, kiểm tra định kỳ theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về kỹ thuật điện, an toàn điện.

Điều 73. An toàn trong sử dụng điện cho sản xuất

1. Tổ chức, cá nhân sử dụng điện để sản xuất phải thực hiện các quy định chung về an toàn điện tại Điều 69 của Luật này và các quy định sau đây:

a) Các thiết bị điện phải bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;

b) Hệ thống thiết bị, dụng cụ sử dụng điện, hệ thống chống sét, nối đất phải được nghiệm thu, kiểm tra định kỳ, kiểm tra bất thường, kiểm định an toàn kỹ thuật và sửa chữa, bảo dưỡng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về kỹ thuật điện, an toàn điện và quy định khác của pháp luật có liên quan. Sơ đồ của các hệ thống này phải đúng với thực tế và phải được lưu giữ cùng với hồ sơ sửa chữa, bảo dưỡng và các biên bản kiểm tra trong suốt quá trình hoạt động;

c) Lưới điện thuộc phạm vi quản lý của tổ chức, cá nhân sử dụng điện phải được lắp đặt và quản lý vận hành theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về kỹ thuật điện, an toàn điện và quy định khác của pháp luật có liên quan;

d) Đường dây dẫn điện phải được thiết kế, lắp đặt bảo đảm mặt bằng sản xuất thông thoáng, tránh được các tác động cơ học, hóa học có thể gây hư hỏng. Không dùng các kết cấu kim loại của nhà xưởng, máy móc, đường ống kim loại, dây chống sét để làm dây trung tính làm việc;

đ) Hệ thống điện tại các khu vực có chất dễ cháy, nổ phải được thiết kế, lắp đặt và sử dụng theo quy định về an toàn phòng, chống cháy, nổ; sử dụng loại thiết bị, dụng cụ phòng, chống cháy, nổ chuyên dùng theo quy định của pháp luật.

2. Đơn vị bán điện có trách nhiệm bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục phục vụ sản xuất theo quy định của pháp luật. Khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền thì đơn vị bán điện thực hiện kiểm tra an toàn hệ thống điện của khách hàng, trường hợp phát hiện có nguy cơ mất an toàn phải kịp thời có biện pháp ngăn chặn hoặc ngừng cung cấp điện.

Điều 74. An toàn trong sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt, dịch vụ

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt, dịch vụ có trách nhiệm sau đây:

a) Thiết kế, lắp đặt dây dẫn, thiết bị đóng cắt và thiết bị điện trong nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt, dịch vụ phải bảo đảm chất lượng, an toàn điện, an toàn phòng cháy, chữa cháy, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công trình xây dựng theo quy định của pháp luật và phù hợp với tổng nhu cầu sử dụng điện năng của người sử dụng;

b) Lắp đặt đường dây dẫn điện từ công tơ đo đếm điện đến nhà ở, công trình, khu vực sử dụng điện bảo đảm chất lượng, an toàn và không gây cản trở đến hoạt động giao thông vận tải;

c) Cung cấp thông tin về hệ thống điện trong nhà ở, công trình và nhu cầu sử dụng điện năng khi ký hợp đồng mua bán điện;

d) Bảo đảm an toàn đối với hệ thống điện trong nhà ở, công trình do mình sở hữu hoặc quản lý, sử dụng. Thường xuyên kiểm tra, kịp thời sửa chữa, thay thế dây dẫn, thiết bị điện không bảo đảm chất lượng. Khi xảy ra sự cố điện phải có biện pháp ngăn ngừa nguy cơ gây cháy lan sang đồ vật, trang thiết bị khác trong nhà ở, công trình và kịp thời thông báo cho đơn vị bán điện và cơ quan chức năng tại địa phương;

đ) Phối hợp với cơ quan chức năng trong việc kiểm tra an toàn trong sử dụng điện.

2. Đơn vị bán điện có trách nhiệm sau đây:

a) Hướng dẫn việc lắp đặt, sử dụng hệ thống, thiết bị điện để bảo đảm an toàn; cung cấp cho khách hàng sử dụng điện thông tin về nguy cơ gây mất an toàn trong sử dụng điện và biện pháp bảo đảm an toàn điện;

b) Ứng dụng công nghệ số trong việc thông tin cho khách hàng sử dụng điện về nguy cơ mất an toàn điện trong quá trình sử dụng điện;

c) Định kỳ tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, nâng cao nhận thức cho khách hàng sử dụng điện an toàn;

d) Khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền thì đơn vị bán điện có trách nhiệm phối hợp kiểm tra an toàn hệ thống điện của khách hàng sử dụng điện, trường hợp phát hiện có nguy cơ mất an toàn phải kịp thời có biện pháp ngăn chặn hoặc ngừng cung cấp điện theo quy định của pháp luật.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Mục 2. AN TOÀN CÔNG TRÌNH THỦY ĐIỆN

Điều 75. Nguyên tắc quản lý an toàn đối với công trình thủy điện

1. Bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện là ưu tiên cao nhất trong đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành công trình thủy điện.

2. Công tác quản lý an toàn công trình thủy điện phải được thực hiện thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, quản lý, vận hành và bảo vệ công trình thủy điện bảo đảm tuân thủ quy định của Luật này và quy định của pháp luật về xây dựng, an toàn đập, hồ chứa nước, pháp luật về tài nguyên nước, pháp luật về phòng, chống thiên tai, pháp luật về bảo vệ môi trường.

3. Chủ sở hữu, tổ chức, cá nhân quản lý vận hành công trình thủy điện chịu trách nhiệm đối với an toàn công trình thủy điện do mình sở hữu và đầu tư, áp dụng đồng bộ các giải pháp hạ tầng kỹ thuật tiên tiến trong quản lý, khai thác công trình thủy điện để bảo đảm an toàn, phát huy hiệu quả khai thác tổng hợp, phục vụ đa mục tiêu của hệ thống các công trình thủy điện, góp phần bảo đảm an toàn cho vùng hạ du đập.

4. Trường hợp xảy ra sự cố trong quản lý vận hành đập, hồ chứa thủy điện, chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng triển khai phương án ứng phó, biện pháp khắc phục, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện, vùng hạ du đập và chịu trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

5. Công trình thủy điện được phân loại, phân cấp để phục vụ công tác thiết kế, xây dựng, quản lý, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng, quan trắc, kiểm định bảo đảm an toàn công trình.

6. Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quy chuẩn kỹ thuật về công trình thủy điện.

7. Chính phủ quy định chi tiết khoản 5 Điều này.

Điều 76. An toàn trong giai đoạn xây dựng, trước khi đưa vào vận hành

1. Quá trình thi công xây dựng công trình thủy điện, chủ đầu tư xây dựng và đơn vị thi công xây dựng phải tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn đập, hồ chứa nước và pháp luật về xây dựng.

2. Trong quá trình thi công xây dựng dự án công trình thủy điện mới, chủ đầu tư có trách nhiệm lập phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập thủy điện trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai. Đối với dự án đầu tư mở rộng, chủ đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với đơn vị quản lý vận hành công trình hiện hữu lập, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập và tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai.

3. Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức lập quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, phương án ứng phó tình huống khẩn cấp, phương án bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt trước khi tích nước và giao tổ chức quản lý, vận hành và các cơ quan quản lý nhà nước về điện lực, thủy lợi, tài nguyên nước, phòng, chống thiên tai.

4. Trước khi phê duyệt tích nước lần đầu, chủ đầu tư phải hoàn thành trách nhiệm, nghĩa vụ theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về đất đai, pháp luật về tài nguyên nước, pháp luật về lâm nghiệp và pháp luật về bảo vệ môi trường. Phương án tích nước lần đầu phải thông báo đến cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy trình vận hành hồ chứa thủy điện và Ủy ban nhân dân các cấp trên địa bàn trước 10 ngày kể từ ngày tích nước lần đầu.

5. Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, phương án ứng phó tình huống khẩn cấp, phương án bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện được quy định như sau:

a) Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, phương án bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện đối với công trình thủy điện loại quan trọng đặc biệt và công trình thủy điện trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định, phê duyệt hoặc phân cấp cho các cơ quan quản lý thuộc phạm vi quản lý thẩm định, phê duyệt quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, phương án ứng phó tình huống khẩn cấp, phương án bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện đối với các công trình thủy điện trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý, trừ các đối tượng quy định tại điểm a khoản này.

6. Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 và khoản 4 Điều này; quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt các quy trình, phương án tại khoản 5 Điều này.

Điều 77. An toàn trong giai đoạn quản lý, vận hành

1. Chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành công trình thủy điện có trách nhiệm tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn đập, hồ chứa nước, pháp luật về tài nguyên nước, pháp luật về phòng, chống thiên tai và các quy định sau đây:

a) Vận hành công trình thủy điện phải tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa, quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, phương án ứng phó tình huống khẩn cấp, phương án bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

b) Thực hiện kê khai đăng ký an toàn đập, hồ chứa thủy điện; quan trắc công trình đập, hồ chứa thủy điện, bồi lắng lòng hồ; quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng; kiểm định định kỳ hoặc đột xuất công trình; kiểm tra, đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện; lập và thực hiện bảo trì, sửa chữa, nâng cấp, hiện đại hóa công trình và thiết bị; bảo vệ, bảo đảm an toàn công trình, vùng hạ du đập, hồ chứa thủy điện; lưu trữ hồ sơ theo quy định;

c) Lắp đặt và duy trì vận hành ổn định hệ thống cảnh báo vận hành xả nước, camera giám sát, thiết bị quan trắc mực nước, hệ thống truyền dẫn thông tin trực tuyến, các thiết bị quan trắc chuyên dùng và thực hiện cập nhật thông tin, dữ liệu vào hệ thống cơ sở dữ liệu về vận hành công trình thủy điện theo quy định;

d) Tổ chức kiểm tra, đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện và thực hiện chế độ báo cáo an toàn đập, hồ chứa thủy điện trước và sau mùa mưa hằng năm;

đ) Bố trí nhân sự làm công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện có chuyên môn phù hợp, được đào tạo, bồi dưỡng định kỳ kiến thức, kỹ năng về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện.

2. Định kỳ 05 năm hoặc khi có sự thay đổi về quy mô, hạng mục công trình thủy điện, chủ sở hữu công trình thủy điện có trách nhiệm rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, phương án ứng phó tình huống khẩn cấp, phương án bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

3. Trước mùa mưa hằng năm, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm tổ chức kiểm tra công tác đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy điện của chủ sở hữu công trình thủy điện.

4. Bộ Công Thương có trách nhiệm xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu về vận hành công trình thủy điện. Việc duy trì hoạt động của hệ thống cơ sở dữ liệu về vận hành công trình thủy điện được bảo đảm từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 78. Phạm vi bảo vệ công trình thủy điện

1. Phạm vi bảo vệ công trình thủy điện bao gồm công trình đập, hồ chứa, tuyến năng lượng, nhà máy, trạm điện, các công trình phụ trợ khác và vùng phụ cận được xác định theo cấp công trình thủy điện; khi điều chỉnh quy mô, mục đích sử dụng, phải điều chỉnh vùng phụ cận phù hợp với quy định của pháp luật. Vùng phụ cận quy định tại khoản này bao gồm vùng phụ cận của đập, vùng phụ cận của tuyến năng lượng và vùng phụ cận của lòng hồ chứa thủy điện.

2. Chủ sở hữu công trình thủy điện có trách nhiệm cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy điện và bảo đảm kinh phí cắm mốc, bảo trì mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy điện.

3. Tổ chức, đơn vị quản lý vận hành công trình thủy điện có trách nhiệm thực hiện phương án bảo vệ công trình thủy điện đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương kiểm tra các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy điện; kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện các hoạt động có nguy cơ gây mất an toàn đối với công trình thủy điện.

4. Việc tổ chức thực hiện phương án bảo vệ công trình thủy điện quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia được thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.

5. Hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy điện phải bảo đảm các yêu cầu về an toàn đập, hồ chứa thủy điện.

6. Hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi và hoạt động nạo vét kết hợp thu hồi khoáng sản trong lòng hồ thủy điện phải bảo đảm an toàn cho đập, hồ chứa thủy điện quy định tại khoản 5 Điều này và tuân thủ quy định của pháp luật về địa chất và khoáng sản, pháp luật về tài nguyên nước.

7. Công trình hiện có trong phạm vi bảo vệ công trình thủy điện được tiếp tục sử dụng theo đúng mục đích đã được xác định theo quy định của pháp luật. Trường hợp gây ảnh hưởng đến an toàn, năng lực hoạt động phục vụ của công trình thủy điện phải thực hiện các giải pháp khắc phục theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương; trường hợp không thể khắc phục phải dỡ bỏ hoặc di dời theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

8. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 và khoản 5 Điều này.

Chương IX

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 79. Sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của các luật liên quan

1. Sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 03/2016/QH14, Luật số 35/2018/QH14, Luật số 40/2019/QH14, Luật số 62/2020/QH14, Luật số 45/2024/QH15, Luật số 47/2024/QH15, Luật số 54/2024/QH15 và Luật số 55/2024/QH15 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 52 như sau:

“a) Dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A sử dụng vốn đầu tư công; dự án PPP theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư; dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư, dự án điện lực tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật Điện lực phải lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng;”;

b) Bổ sung điểm i1 vào sau điểm i và sửa đổi, bổ sung điểm k khoản 2 Điều 89 như sau:

“i1) Công trình trên biển thuộc dự án điện gió ngoài khơi đã được cấp có thẩm quyền giao khu vực biển để thực hiện dự án;

k) Chủ đầu tư xây dựng công trình quy định tại các điểm b, e, g, h, i và i1 khoản này, trừ nhà ở riêng lẻ quy định tại điểm i khoản này có trách nhiệm gửi thông báo thời điểm khởi công xây dựng, hồ sơ thiết kế xây dựng theo quy định đến cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương để quản lý.”.

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 3 của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo số 83/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 và Luật số 18/2023/QH15 như sau:

“1. Tài nguyên biển và hải đảo bao gồm tài nguyên sinh vật và tài nguyên phi sinh vật thuộc khối nước biển, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển, trên mặt biển, vùng đất ven biển và quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm (sau đây gọi chung là hải đảo) thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.”.

3. Sửa đổi, bổ sung Mục 2 Phụ lục số 02 của Luật Giá số 16/2023/QH15 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 44/2024/QH15 như sau:

2

Dịch vụ vận chuyển khí thiên nhiên bằng đường ống và dịch vụ tồn trữ, tái hoá, vận chuyển và phân phối khí thiên nhiên hoá lỏng cho sản xuất điện

Bộ Công Thương định giá cụ thể

Điều 80. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2025.

2. Luật Điện lực số 28/2004/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 24/2012/QH13, Luật số 28/2018/QH14, Luật số 03/2022/QH15, Luật số 16/2023/QH15 và Luật số 35/2024/QH15 (sau đây gọi là Luật Điện lực số 28/2004/QH11) hết hiệu lực từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 81 của Luật này.

Điều 81. Quy định chuyển tiếp

1. Dự án đầu tư kinh doanh điện lực đã phê duyệt và phát hành hồ sơ mời thầu trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng theo quy định của Luật Điện lực số 28/2004/QH11 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Chính phủ quy định việc áp dụng chuyển tiếp đối với việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh điện lực.

2. Đối với các hợp đồng mua bán điện đã được ký kết trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được thực hiện theo hợp đồng đã được ký kết. Trường hợp có quy định khác về cấp độ thị trường điện cạnh tranh theo quy định của Luật này thì các bên phải sửa đổi, bổ sung hợp đồng để phù hợp với cấp độ đó.

3. Đơn vị điện lực đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn ghi trong giấy phép hoạt động điện lực đó; trường hợp được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực.

4. Trường hợp tổ chức đã nộp hồ sơ đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực hợp lệ đến cơ quan cấp giấy phép trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành nhưng chưa được cấp giấy phép hoạt động điện lực thì áp dụng Luật Điện lực số 28/2004/QH11 để cấp giấy phép. Trường hợp tổ chức đề nghị thực hiện cấp mới, sửa đổi, bổ sung, cấp lại và gia hạn giấy phép theo quy định của Luật này thì áp dụng Luật này để cấp giấy phép hoạt động điện lực.

5. Dự án đầu tư xây dựng lưới điện có cấp điện áp từ 220 kV trở xuống đi qua địa giới hành chính từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận hồ sơ hợp lệ đề nghị chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 72/2020/QH14, Luật số 03/2022/QH15, Luật số 05/2022/QH15, Luật số 08/2022/QH15, Luật số 09/2022/QH15, Luật số 20/2023/QH15, Luật số 26/2023/QH15, Luật số 27/2023/QH15, Luật số 28/2023/QH15, Luạt số 31/2024/QH15, Luật số 33/2024/QH15, Luật số 43/2024/QH15 và Luật số 57/2024/QH15.

6. Đối với dự án lưới điện có cấp điện áp từ 220 kV trở xuống đi qua địa giới hành chính từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành nay thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại điểm a khoản 2 Điều 13 của Luật này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 30 tháng 11 năm 2024.

 

 

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Trần Thanh Mẫn

 

 

NATIONAL ASSEMBLY
-------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

Law No. 61/2024/QH15

Hanoi, November 30, 2024

 

LAW

ON ELECTRICITY

Pursuant to the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;

The National Assembly hereby promulgates the Law on Electricity.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

This Law provides for electricity development planning and investment in construction of electricity projects; development of renewable energy power and new energy power; electricity licenses; competitive electricity market, electricity trading activities; dispatch and operation of national power system; protection of electricity works and safety in the field of electricity; responsibilities, rights and obligations of agencies, organizations and individuals in electricity activities and electricity use; state management of electricity.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



This Law applies to agencies, organizations and individuals conducting electricity activities, using electricity or engaged in other electricity-related activities in Vietnam.

Article 3. Application of laws

1. Where regulations on any of the following issues in this Law are different from those laid down in other laws promulgated before the effective date of this Law, regulations of this Law shall apply:

a) Authority to approve investment guidelines of electricity projects as prescribed in clauses 2, 3 and 4 Article 13 of this Law;

b) Specific regulations on investment in construction of emergency electricity projects and works as prescribed in Article 15 of this Law;

c) Selection of investors in electricity business investment projects as prescribed in Articles 18 and 19 of this Law;

d) Regulations on development of offshore wind power as prescribed in Section 2 Chapter III of this Law.

2. Where a law promulgated after the effective date of this Law contains specific regulations on investment contradicting regulations of this Law, the former is required to specify the cases to which its regulations apply and the cases to which this Law applies.

Article 4. Definitions

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. “safety of hydropower works” means any solution for preventing and combating the impacts of hazardous factors to hinder harmful impacts and ensure safety of dams, reservoirs, energy routes, hydropower plants and auxiliary works in the process of surveying, designing, constructing, managing, exploiting and operating hydropower works.

2. “electrical safety” means any solution for preventing and combating the impacts of hazardous factors to hinder harmful impacts and ensure safety for persons, equipment, and works in the process of producing, transmitting, distributing, and using electricity.

3. “electricity wholesaling” means the sale of electricity by one electric utility to another for resale to a third party.

4. “electricity retailing” means the sale of electricity by one electric utility to electricity consumers.

5. “avoided cost tariff” means the prices calculated according to the avoided costs on the national power system per 01 kWh fed to the national grid by a small renewable energy power plant.

6. “electricity price cross-subsidy” means a mechanism for fixing a retail electricity price for each group of electricity consumers to apply a unified electricity retail tariff.

7. “voltage level” means one of the values ​​of nominal voltage used in the power system, including:

a) Low voltage which is a nominal voltage up to 01 kV;

b) Medium voltage which is a nominal voltage above 01 kV and not exceeding 35 kV;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



d) Ultra high voltage which is a nominal voltage above 220 kV.

8. “avoided cost” means the cost of generating 01 kWh by generating sets with the highest cost in the national power system which could have been avoided if 01 kWh was bought from an alternative small hydropower plant.

9. “electricity work” means a combination of facilities, machinery, equipment and construction structures in direct service of electricity generation, electricity transmission, electricity distribution, power system dispatch, electricity trading and system for protection of electricity works.

10. “electricity retail tariff structure” means a table of percentages (%) of the average retail electricity prices intended for calculating the specific retail electricity price for each group of electricity consumers.

11. “ancillary service” means any technical service necessary to maintain the stable and reliable operation of the national power system, including frequency adjustment, quick start, must-run operation, voltage adjustment, black start and other related technical services as prescribed by the Minister of Industry and Trade.

12. “electricity project” means an investment project as prescribed by law, including a set of proposals for use of capital use for investment, construction, renovation and business of electricity works in a specific locality or region and within a specified period of time. Power source project means a project on investment in construction of a power plant or electrical grid synchronously connected to the national power system (if any).

13. “new energy power” means power produced from one or more of the following sources:

a) Hydrogen produced from the power sources specified in points a, b, c and d clause 14 of this Article (hereinafter referred to as “green hydrogen”);

b) Ammonia produced from the power sources specified in points a, b, c and d clause 14 of this Article (hereinafter referred to as “green ammonia”);

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



14. “renewable energy power” means power produced from one or more of the following primary energy sources:

a) Solar energy;

b) Win energy;

c) Ocean energy, including tides, waves and ocean currents;

d) Geothermal energy;

d) Energy obtained from water power, including hydropower;

e) Biomass energy including biofuels and other forms of energy derived from plants;

g) Energy from waste generated from production, business and daily activities, except for waste generated from production and business processes using fossil fuels and waste identified as hazardous according to regulations of law on environmental protection;

h) Other forms of renewable energy as prescribed by law.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



16. “power system dispatching” means the commanding and control of the process of electricity generation, electricity transmission, electricity distribution within the national power system according to determined technical processes, regulations and operation method.

17. “regulation of electricity market transactions” means the management and regulation of transactions in trading of electricity and ancillary services on the competitive electricity market.

18. “electricity regulation” means the impact exerted by the State on electricity activities and competitive electricity market with a view to supplying electricity safely, stably and qualitatively, using electricity economically and efficiently and ensuring fairness, transparency and law compliance.

19. “electric utility” means an organization or individual carrying out electricity generation, electricity transmission, electricity distribution, power system dispatching and operation, regulation of electricity market transactions, electricity wholesaling and retailing or other relevant activities.

20. “average retail electricity price” means the retail electricity price being defined according to the principle of calculating sum of electricity trading and production cost and average profit level for 01 kWh of commercial electricity from time to time.

21. “wholesale electricity price” means the price at which the electricity of an electric utility is sold to another for resale to the third party.

22. “retail electricity price” means the price at which the electricity of an electric utility is sold to electricity consumers.

23. “electricity prices and electricity-related service prices” means wholesale electricity prices, retail electricity prices and prices of electricity generation service, electricity transmission service, ancillary services for power system, power system dispatch and operation service, electricity market transaction regulation service and electricity distribution service.

24. “prices of ancillary services for power system” means the prices which an electricity generation unit charges for ancillary services for power system.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



26. “price of power system dispatch and operation service” means the price charged by a power system dispatch unit to perform the tasks related to power system dispatch and operation.

27. “price of electricity market transaction regulation service” means the price charged by an electricity market transaction regulation unit to perform the tasks related to competitive electricity market transaction regulation.

28. “price of electricity distribution service” means the price charged by an electricity distribution unit to conduct activities related to electricity distribution.

29. “price of electricity transmission service” means the price charged by an electricity transmission unit to conduct activities related to electricity transmission.

30. “national power system” means a system of electricity generating equipment, electrical grids and auxiliary equipment which are connected and uniformly controlled nationwide.

31. “energy storage system” means a set of devices for receiving electricity from power sources, storing energy and generating electricity.

32. “electricity activities” means activities of agencies, organizations or individuals in the fields of electricity development planning, investment in electricity development, electricity generation, electricity transmission, electricity distribution, power system dispatch and operation, regulation of competitive electricity market transactions, electricity wholesaling and retailing and other relevant activities.

33. “electricity forward contract” means a written agreement between parties to buy or sell electricity at a specific future time at an agreed price.

34. “power purchase agreement (PPA)” means a written agreement between an electricity buyer and an electricity seller that is intended for the purchase and sale of electricity.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



36. “electricity futures contract” means an electricity forward contract whose main terms are standardized as per regulations of this Law and listed on a central exchange in the forward electricity market.

37. “electricity consumer” means an agency, organization or individual that buys electricity for use and does not resell the electricity bought to another agency, organization or individual.

38. “large electricity consumer” means a consumer that uses electricity with large power and consumption as prescribed by the Minister of Industry and Trade in a manner that is appropriate to each period of power system development.

39. “electricity price bracket” means a range between the minimum price and the maximum price.

40. “wholesale electricity price bracket” means a range between the minimum wholesale electricity price and the maximum wholesale electricity price.

41. “electricity generation price bracket” means the average electricity generation price bracket over the life cycle of a power plant project which ranges between the minimum average price and the maximum average price.

42. “inspection of technical safety of electrical equipment and instruments” means a technical activity following a certain process in order to evaluate and confirm the conformity of the electrical equipment and tools in respect of their safety with the corresponding standards and technical regulations on electrical safety before putting them into use, during their use and operation.

43. “electrical grid” means a system of overhead power lines or underground power cables, transformers and auxiliary equipment for electricity transmission, including transmission grid and distribution grid.

44. “power plant” means a combination of one or more equipment, machinery and structures intended for producing electricity.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



46. “long-term minimum contracted electricity output” means the lowest electricity output specified in the PPA, electricity forward contract, options contract to buy or sell electricity or electricity futures contract.

47. “competitive electricity market” means where participants in the competitive electricity market compete to buy or sell electricity or provide services through the national power system to optimize economic efficiency, ensure transparency and improve the quality of electricity supply.

48. “spot electricity market” means a market where electricity is bought or sold in cycles of transactions conducted by the electricity market transaction regulation unit according to regulations at competitive electricity market levels.

49. “forward electricity market” means a market where electricity output specified in the PPA, electricity forward contract, options contract to buy or sell electricity or electricity futures contract is bought or sold.

50. “electricity metering devices” means those used for measuring the power, amount of electric energy, electric current, voltage, frequency, power factor, including electricity meters, and accompanying equipment and accessories.

51. “electricity theft” means an act of illegally taking electricity without mater meters, tampering with an electricity meter and other electrical equipment related to electricity metering, deliberately recording or collaborating in recording electricity meter readings and other acts of deliberately reflecting incorrect electricity consumption data.

Article 5. State’s policies on electricity development

1. The State promulgates policies on development and investment in the construction of the electricity sector to ensure the requirement of being an important infrastructure industry so as to serve the socio-economic development and people's life, sustainable development on the basis of optimal exploitation of all resources, meet the demand for electricity to serve the people's life and socio-economic development with stable, safe and economic quality, civilized services, environmental protection, thus contributing to the maintenance of national defense, security and energy security.

2. The State holds monopoly in the following activities for the purpose of ensuring national energy security:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Investing in the construction and operation of projects on nuclear power plants, multi-purpose strategic hydropower plants and important transmission grids with a voltage of 220 kV or more according to a list decided by the Prime Minister;

c) Operating transmission grids, except for transmission grids invested in and built by non-State economic sectors.

3. Policies on development of electricity in rural areas, ethnic minority areas, mountainous areas and border areas, on islands and in extremely disadvantaged areas include:

a) Prioritizing the allocation of state budget, mobilizing domestic and foreign resources for investment in developing power sources and electrical grids to ensure safe, regular and reliable electricity supply to households and serve socio-economic development, national defense and security in the locality;

b) Investment and financial incentives and other incentives and support for domestic and foreign organizations and individuals building power source works and electrical grids, and supply of commercial electricity to households in a sustainable and effective manner.

4. All economic sectors are attracted to participate in investment in the construction of power source works and electrical grids according to power development planning (hereinafter referred to as “PDP”), electricity supply network development schemes in provincial planning, plans to implement PDP, electricity generation and distribution, electricity wholesaling and retailing. Non-State economic sectors are permitted to operate electrical grids which they invest and build in accordance with law.

5. Electricity projects funded by official development assistance (ODA) capital, concessional loans from foreign donors of enterprises 100% of charter capital of which is held by the State (hereinafter referred to as “wholly state-owned enterprises”) or enterprises 100% of charter capital of which is held by these enterprises acting as investors on the State's investment priorities list may receive on-lent loans and the on-lending agencies shall not incur any credit risk in accordance with the Law on Public Debt Management.

6. A mechanism is in place to develop electricity projects appropriate to the level of the competitive electricity market on the basis of ensuring national energy security and national financial security, guarding the interests of the State and the People, and ensuring macroeconomic stability from time to time, including: long-term minimum contracted electricity output and application period, principles of calculating electricity prices, guarantee for execution of investment projects, and the duration of the policy in each case.

7. Power plants using fossil fuels are encouraged to carry out the conversion to low-emission fuel sources, install carbon capture equipment and systems to reduce emissions into the environment, protecting the interests of the State, the legitimate rights and interests of enterprises and employees; to develop coal-fired power at a reasonable level in the direction of prioritizing large-capacity and high-efficiency sets using advanced and modern technology; ensuring compliance with the law on environmental protection.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Priority is given to the development of gas-fired thermal power using domestic gas sources and rapid development of gas-fired thermal power using liquefied natural gas to gradually turn gas-fired power into an important source of electricity supply, thereby supporting the regulation of the power system;

b) A mechanism is in place to mobilize thermal power projects using domestic natural gas to the maximum according to the gas supply capacity and fuel constraints to maintain the harmony of the overall interests of the country;

c) A mechanism is in place to develop thermal power plants using liquefied natural gas as prescribed in clause 6 of this Article; priority is given to the development of power projects associated with the common use of infrastructure of liquefied natural gas import terminals and gas pipelines to reduce electricity production costs.

9. Regarding policies on development of renewable energy power and new energy power:

a) Renewable energy power and new energy power are develop in a manner that is suitable for the capacity for ensuring the safety power system safety at reasonable electricity prices, in sync with the development of electrical grids and the PDP and appropriate to the technological level and human resources, and meets Vietnam's emission reduction targets from time to time;

b) Mechanisms for providing incentives and support are tailored for each type of power source, including small hydropower projects determined in accordance with law, in accordance with the requirements for socio-economic development from time to time. Policies on incentives and supports and breakthrough mechanisms are also tailored for the development offshore wind power; the investment in projects participating in the competitive electricity market is encouraged.

10. Regarding policies on nuclear power development:

a) Nuclear PDP must be contiguous, synchronous and consistent with electricity development planning to achieve the objective of ensuring electricity supply security.

b) Investment in the construction, operation, termination of operation and safety assurance of nuclear power plants must comply with regulations of the Law on Atomic Energy and other relevant laws.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Separate the functions of production, business and service provision from the functions of state management; separate activities with natural exclusivity and state monopoly from competitive activities in the power generation line to form independent service providers, form many power generating units and many electricity wholesalers and retailers so as to increase the number of participants and boost the efficiency of the electricity market;

b) Focus on the core sectors and strengths of state-owned enterprises operating in the electricity sector; optimize the use of resources and increase business value; supply electricity to islands, border areas, disadvantaged areas and extremely disadvantaged areas, and ensure national defense and security.

12. Regarding policies on electricity prices and electricity-related service prices:

a) Ensure reasonable and valid reflection of electricity production and trading expenses of electric utilities; enable economic sectors to invest in electricity development with reasonable profits, save energy resources, use forms of renewable energy and new forms of energy in electricity activities, contributing to promoting socio-economic development, especially in rural areas, ethnic minority areas, mountainous areas and border areas, on islands and in extremely disadvantaged areas with;

b) The electricity selling price shall comply with the State-regulated market mechanism in a manner that is suitable for the level of the competitive electricity market;

c) Electricity prices shall be set in such a manner as to encourage efficient and economical use of electricity;

d) Implement a rational and gradually decreasing electricity retail tariff structure, progress towards the elimination of the electricity price cross-subsidy among groups of consumers who do not participate in the competitive retail electricity market when they is yet to be eligible to participate in or do not choose to participate in electricity trading on the competitive retail electricity market;

dd) Gradually reduce and progress towards the elimination the electricity price cross-subsidy among consumer groups and regions in a manner that is appropriate to the level of the competitive electricity market;

e) Retain the right to self-determine electricity purchasing prices and electricity selling prices in a manner that does not exceed the electricity price bracket and electricity retail tariff structure prescribed by the State;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



h) Tailor an appropriate electricity price mechanism for specific groups of consumers under the State's guidelines in a way that is suitable for the socio-economic development situation from time to time.

13. Regarding State’s subsidies on electricity bills:

a) The state budget shall provide subsidies on electricity bills for domestic purposes for poor households and households with social policies according to the criteria and mechanisms prescribed by the Prime Minister in accordance with the socio-economic situation from time to time;

b) The Government shall promulgate a plan to reduce electricity bills in case of incidents or disasters in accordance with the Law on Civil Defense in order to stabilize socio-economic development.

Article 6. Responsibility for state management of electricity

1. The Government shall perform uniform state management of electricity nationwide.

2. The Ministry of Industry and Trade shall act as a conduit to assist the Government in performing uniform state management of electricity.

3. Ministries and ministerial agencies shall, within their jurisdiction, cooperate with the Ministry of Industry and Trade in performing state management of electricity in accordance with this Law and as assigned by the Government.

4. People’s Committees at all levels shall, within their jurisdiction, perform state management of electricity in their localities.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. International cooperation in the electric power sector must be consistent with Vietnam's foreign policies and guidelines; adhere to the principles of peace, cooperation, friendship and mutual development on the basis of respect for national independence, sovereignty, territorial integrity, non-interference in each other's internal affairs, equality and mutual benefit and conform to the Constitution and laws of Vietnam and treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

2. International cooperation in the electric power sector shall mainly include:

a) Promoting international cooperation in technology transfer, research and development in the electric power sector;

b) Providing training to improve quality of human resources in the electric power sector;

c) Promoting cooperation in financial investment and exchange of information and data in the electric power sector and participating in international agreements and treaties in the electric power sector in accordance with law.

Article 8. Application of science and technology and development of manufacturing industry in the electric power sector

1. Application of science and technology in the electric power sector and electricity use is meant to save and increase the efficiency of energy sources, protect the environment, protect the protection corridors of electricity works, ensure electrical safety and safety of hydropower dams and reservoirs.

2. Important items, equipment and consulting services intended for maintaining continuous electricity supply and ensuring national energy security must be produced and supplied domestically at some stages. Encourage and support the development of technological research, design, manufacturing, installation and service industries in the electric power sector to meet domestic demand at the maximum, aiming for export. Prioritize the development of electrical equipment manufacturing and electrical services industries. Properly fulfil specific requirements and targets on domestic content in the electric power industry. Encourage the development of large-scale domestic enterprises having advanced technology and capability to execute complex projects requiring high technical requirements in the electric power sector, meeting international quality standards.

3. Ministries, ministerial agencies and People's Committees of provinces and central-affiliated cities (hereinafter referred to as “provincial People's Committees”) shall, within their jurisdiction, encourage the establishment of innovation centers in the electric power sector at research and training institutions, organize the formulation and implementation of national key science and technology programs for research into, application and development of energy technology, focusing on research into and manufacturing of energy equipment and application of forms of renewable energy, new energy and smart energy, and energy saving; digital transformation, management and operation of information systems, data and other contents of scientific and technological applications in the electric sector.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 9. Prohibited acts in electricity activities and electricity use

1. Conducting electricity activities without the license as prescribed by this Law.

2. Electricity theft.

3. Theft of electrical means and equipment.

4. Destroying electrical means, equipment and works.

5. Using means, equipment, flammable, explosive or corrosive substances and other acts that cause damage or incidents to electricity works.

6. Cutting electricity supply in contravention of laws.

7. Violating regulations on protection of electricity works, electrical safety and safety of hydropower dams and reservoirs.

8. Planting trees, carrying out drilling, digging and filling operations, constructing works, exploiting minerals, anchoring ships, discharging wastewater, corrosive substances, flying kites and flying objects and other activities that violate regulations of law on safety corridors of electricity works.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



10. Providing inaccurate and opaque information that infringes upon the legitimate rights and interests of agencies, organizations and individuals conducting electricity activities and using electricity.

11. Hindering competent agencies, organizations and individuals from repairing, renovating and restoring electricity works, inspecting and supervising electricity activities and use.

12. Causing troubles or earning illegal profits in electricity activities and use.

Chapter II

POWER DEVELOPMENT PLANNING, ELECTRICITY SUPPLY NETWORK DEVELOPMENT SCHEMES AND INVESTMENT IN CONSTRUCTION OF ELECTRICITY PROJECTS

Article 10. Power development planning, electricity supply network development schemes

1. PDP is the national sector planning.

2. The electricity supply network development plan is a content integrated into a provincial planning.

3. The formulation, appraisal, approval, announcement, adjustment and implementary organization of PDP, provincial planning, including contents of the electricity supply network development scheme must comply with regulations of law on planning and this Law.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Ensure sufficient electricity supply to serve the need for socio-economic development and People's life;

b) Effectively exploit and use domestic energy resources, ensuring sustainable development;

c) Generally optimize factors including power sources, power transmission, distribution, economical and efficient use of electricity, have an appropriate roadmap in tandem with the sustainable exploitation and use of natural resources, environmental protection and economic model transformation, and ensure national energy security;

d) Make the energy transition according to national objectives and commitments on the basis of scientific and technological advances and development policies on renewable energy and new energy;

dd) Make sure the electrical grid system is synchronized with power sources, meeting the load development needs of regions and localities.

5. Based on the power source capacity and voltage level of the electrical grid, every competent agency or competent organization shall formulate PDP and electricity supply network development scheme in the provincial planning. PDP and electricity supply network development schemes in provincial planning do not include the following projects:

a) Power sources which have no impact or minor impact on the national power system;

b) Power sources which are not connected to or sold to the national power system, except electricity export or import;

c) Low-voltage electrical grids;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



6. The Government shall elaborate clause 5 of this Article.

Article 11. Plan to implement the PDP, plan to implement the provincial planning covering contents of the electricity supply network development scheme

1. The plan to implement PDP must comply with regulations of law on planning and the following requirements:

a) Closely follow the objectives and orientations of the planning, concretize the tasks assigned in the planning;

b) Ensure that power sources are developed in a balanced manner by regions, progress towards the balance of supply and demand within the regions; ensure feasibility, synchronization and flexibility in the development of power sources and electrical grids in a way that suits the national context and resources;

c) Determine the time for putting projects into operation in two phases in the 10-year planning period and the next 05-year projection for the vision period.

2. Contents of the plan to implement the PDP must satisfy regulations of law on planning and the list of electricity projects specified in point b clause 2 Article 5 of this Law shall be determined to form as a basis for assigning a project to a wholly state-owned enterprise or an enterprise 100% of charter capital of which is held by this enterprise for construction investment.

3. Every provincial People's Committee shall formulate and promulgate a plan to implement its provincial planning in accordance with regulations of law on planning. Such plan shall contain contents of the electricity supply network development scheme to form a basis for implementing power projects and identifying electrical grid projects in service of socio-economic development in the national and public interests invested in by a wholly state-owned enterprise or an enterprise 100% of charter capital of which is held by this enterprise.

Article 12. General regulations on investment in construction of electricity projects

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. From time to time and for each type of power source investment project, the Government shall prescribe a mechanism for ensuring the consumption of domestically exploited gas; the principle of pass-through of fuel prices to electricity prices; long-term minimum contracted electricity output.

3. The Minister of Industry and Trade shall regulate the principles of calculating electricity prices for execution of electricity projects.

4. The Government shall regulate criteria for determining electricity projects on the State's investment priorities list in the electric power sector. Based on the criteria prescribed by the Government, the Minister of Industry and Trade shall decide the list of electricity projects on the State's investment priorities list specified in clause 5 Article 5 of this Law.

Article 13. Guidelines for investment in electricity projects

1. Except for emergency electricity projects specified in Article 14 of this Law and electricity projects specified in clauses 2, 3 and 4 of this Article, the decision on investment or approval for investment guidelines for electricity projects subject to decision on investment or approval for investment guidelines must comply with regulations of the Law on Public Investment, Law on Public - Private Partnership Investment and Law on Investment.

2. Except for emergency electrical grid projects specified in Article 14 of this Law, the approval for investment guidelines for projects on investment in electrical grid with a voltage of 220 kV or lower passing through at least 02 provinces subject to approval for investment guidelines under regulations of the Law on Investment shall be granted as follows:

a) The People's Committee of the province where the starting point of the transmission line is located and determined under the name of the electrical grid project in the PDP or the electricity supply network development scheme in its provincial planning has the authority to grant approval for investment guidelines;

b) Applications for and contents of appraisal of request for investment guideline approval shall comply with regulations of Law on Investment;

c) Procedures for granting investment guideline approval are the same as those for granting investment guideline approvals for projects under the authority of provincial People's Committees under the Law on Investment and shall comply with regulations on procedures for consulting with relevant localities specified in points d and dd of this clause;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



dd) Within 15 days from the date of receipt of a sufficient dossier, the People's Committee(s) of the remaining province(s) shall give their written opinions on the dossier on proposal for investment guidelines of the project within the provincial-level administrative boundaries and send written opinions to the provincial People's Committee specified in point a of this clause. A written opinion must state an agreement or a disagreement; in case of disagreement, it is necessary to explicitly state the reason so as for the investor to complete the investment guideline proposal dossier;

e) The investment registration authority shall be determined following the investment guideline approval granted by the provincial People's Committee specified in point a of this clause.

3. For any low-voltage or medium-voltage electrical grid investment project subject to investment guideline approval by a provincial People's Committee:

a) Based on the electricity supply network development scheme in the provincial planning, proposals of electric utilities and investors, the provincial People's Committee shall approve the list of low-voltage and medium-voltage electrical grids under the decentralized authority to manage the PDP and electricity supply network development scheme in the provincial planning;

b) The decision of the provincial People's Committee specified in point a of this clause shall replace the written investment guideline approval for each individual medium-voltage or low-voltage electrical grid investment project and also serve as the basis for land allocation, land lease or land repurposing.

4. The Government shall elaborate clauses 2 and 3 of this Article; stipulate cases in which renewable energy and new energy power business investment projects fall under the Prime Minister's authority to issue investment guideline approval as specified in clause 4 Article 31 of the Law on Investment.

Article 14. Emergency electricity projects and works

1. Emergency electricity projects and works include:

a) Electricity projects and works newly built or repaired or renovated in order to promptly overcome consequences of natural disasters, disasters or diseases under the construction law and other relevant laws;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) Projects and works for construction of electrical grids, which play an important role in the transmission of power source capacity between regions to prevent overload of the electrical grid; in an urgent response to the assurance of national defense and security or to the local socio-economic development;

2. The Government shall regulate the principles and criteria for determining emergency electricity projects and works specified in points b and c clause 1 of this Article on the basis of ensuring the timely satisfaction of the requirements for handling urgent issues for ensuring electricity supply security.

Article 15. Specific regulations on investment in construction of emergency electricity projects and works

1. Emergency electricity projects and works specified in points b and c clause 1 Article 14 of this Law are eligible for certain specific regulations on construction and investment below:

a) It is not required to follow the procedures for approval for investment guidelines under the Law on Investment and approval for forest repurposing but the principle of minimizing the forest repurposing under the Forestry Law, especially natural forests must be adhered to when building electricity projects.

The Prime Minister’s decision specified in clause 2 of this Article shall replace the written investment guideline approval as per the Law on Investment and also serve as the basis for land allocation, land lease and land repurposing. For emergency electricity projects and works requiring forest repurposing, the Prime Minister's decision specified in clause 2 of this Article shall serve as a written investment guideline approval under the Law on Investment and also a written approval for forest repurposing under the Forestry Law; the Prime Minister's decision must explicitly state the area of the forest that needs to be repurposed for project implementation;

b) Those emergency electricity projects and works are eligible for Government guarantees under the Law on Public Debt Management; may be granted credit overextensions according to the Prime Minister’s decision in case the total outstanding debt from credit extension granted to enterprises and related persons has exceeded the limit specified in the Law on Credit Institutions; may be exempted from guarantee for execution of investment projects under the Law on Investment;

c) Investors in emergency electricity projects and works are not required to follow procedures for submission to their state ownership representative agency for approval of contents related to investment projects, plans on capital raising and mortgage of assets for loans in accordance with the Law on Management and Use of State Capital invested in Production and Business at Enterprises;

d) Investors may decide by themselves all tasks in construction investment activities, including: assigning organizations and individuals to perform survey, design and construction tasks and other necessary tasks to serve the construction of emergency works; deciding the sequence of survey, design and construction; deciding the supervision of construction and acceptance of construction works to achieve the progress in construction of emergency works;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



e) After completing the construction of a work, the investor must inspect and re-evaluate the quality of the built work, provide warranty, complete the as-built documentation and archive documents in accordance with the law on construction and the settlement of the work in accordance with the law.

g) The mechanism specified under clause 2 Article 12 of this Law may be applied.

2. The authority to decide emergency electricity projects and works is as follows:

a) The Prime Minister shall decide to approve the list of emergency electricity projects, power source works and electrical grids specified in points b and c clause 1 Article 14 of this Law on the basis of the assessment and proposals of the Ministry of Industry and Trade or provincial People's Committees under the decentralized authority to manage planning eligible for specific mechanisms specified in this Article, except for emergency electricity projects, power source works and electrical grids using public investment capital or projects subject to investment guideline approval by the National Assembly under the Law on Investment;

b) The Prime Minister shall decide to assign wholly state-owned enterprises or enterprises 100% of charter capital of which is held by these enterprises to act as investors in emergency electricity projects, power source works and electrical grids specified in points b and c clause 1 Article 14 of this Law;

c) The authority to decide the construction of emergency electricity projects and works specified in point a clause 1 Article 14 of this Law shall comply with the law on construction and other relevant laws.

Article 16. Contract dossiers on public-private partnership (PPP) projects on power plants applying build-operate-transfer (BOT) contracts

A contract dossier on a PPP project on power plant applying BOT contract comprises the documents in accordance with the law on PPP Investment and the following documents:

1. PPA which is a written agreement between an electricity buyer and an electricity seller being the project enterprise;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. Domestic fuel supply contract which is a written agreement between a domestic fuel supplier and a project enterprise (if any);

4. Shared infrastructure sharing contract which is a written agreement between an investor or developer of the shared infrastructure and a project enterprise (if any).

Article 17. Development of electricity in rural areas, ethnic minority areas, mountainous areas and border areas, on islands and in extremely disadvantaged areas

1. Agencies, organizations and individuals are permitted to use public investment capital, equity, loans, PPP investment capital and other legal sources of capital as per regulations of law to ensure electricity supply to rural areas, ethnic minority areas, mountainous areas, border areas, islands and extremely disadvantaged areas.

2. The State supports behind-the-meter investment to supply electricity for domestic purposes to households in rural areas, ethnic minority areas, mountainous areas and border areas, on islands and in extremely disadvantaged areas, and households whose houses are damaged by natural disasters, fires and explosions.

3. Upon making investment in the construction of renewable energy sources, medium-voltage and low-voltage grids to supply electricity for domestic use by households, production of goods, socio-economic development and assurance of national defense and security, investment incentives shall be offered according to regulations of the Law on Investment. In case surplus electricity is fed back to the medium or low voltage national grid, the surplus electricity price shall comply with the Government’s regulations.

4. Investors in behind-the-meter assets in households as specified in clauses 1 and 2 of this Article shall transfer behind-the-meter assets to households for management and use on their own terms.

5. The Government shall elaborate clause 2 of this Article.

Article 18. Selection of investors in electricity business investment projects

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Investment projects over which the State holds its monopoly as prescribed in points a and b clause 2 Article 5 of this Law;

b) Hydropower plant expansion projects and electrical grid renovation or upgradation projects for which the existing investors owning projects are approved;

c) Electricity projects approved by competent authorities on the basis of investment proposals of wholly state-owned enterprises or enterprises 100% of charter capital of which is held by these enterprises. The Prime Minister shall approve the list of electricity projects not subject to investment guideline approval by the National Assembly and are included in the PDP; provincial People's Committees shall approve the list of electricity projects in the provincial planning;

d) Emergency power projects the investors in which are selected as prescribed in clause 2 Article 15 of this Law;

dd) Offshore wind power projects executed as prescribed in clause 2 Article 29 of this Law;

e) Other cases as prescribed by the law on investment and the law on land.

2. Except the cases specified in clause 1 of this Article, cases of selection of investors through auction of land use rights shall comply with the land law.

3. Except the cases specified in clause 1 of this Article, cases of bidding for selection of investors in electricity investment business projects shall comply with Article 19 of this Law.

Article 19. Bidding for selection of investors in electricity business investment projects

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. Bid-winning electricity price shall be the maximum electricity price as a basis for the electricity buyer to negotiate the price of the PPA with the bid-winning investor. The electricity buyer shall negotiate and conclude the PPA with the bid-winning investor.

3. The Government shall elaborate the following contents:

a) Cases where it is required to organize bidding to select investors to implement electricity business investment projects based on socio-economic development conditions from time to time;

b) Specific requirements of electricity business investment projects in the bidding documents for investor selection;

c) The negotiation and conclusion of business investment project contracts and PPAs with bid-winning investors on the basis of safeguarding the interests of the parties.

Chapter III

DEVELOPMENT OF RENEWABLE ENERGY POWER AND NEW ENERGY POWER

Section 1. REGULATIONS ON RENEWABLE ENERGY POWER AND NEW ENERGY POWER

Article 20. General regulations on development of renewable energy power and new energy power

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Comply with regulations of Vietnamese laws on national defense, security, social order and safety, community health, environmental protection, response to climate change, protection of natural resources and cultural heritage, preservation of historical-cultural sites and scenic landscapes;

b) Use modern techniques and technologies, comply with national technical regulations and apply standards in accordance with Vietnamese laws.

2. Principles of development of renewable energy power and new energy power include:

a) Ensuring electricity supply security and power system safety;

b) Developing renewable energy power and new energy power in regions and localities that have potentials for and advantages in renewable energy power and new energy power together with the development of the power system infrastructure so as to avoid wastefulness and loss in construction investment due to inability to carry out curtailment in order to effectively exploit power sources and ensure the reliability of electricity supply; minimizing technical loss, reducing pressure on power transmission over long distances; satisfying environmental requirements and suiting socio-economic conditions of areas where the development takes place;

c) Synchronizing plans for training and development of human resources participating in research and activities in the field of renewable energy power and new energy power, progressing towards technological autonomy at a number of appropriate stages;

d) Prioritizing effective exploitation and use of renewable and new energy sources in order to exploit natural resources in a sustainable and rational manner, ensure national energy security and serve electricity export;

dd) Prioritizing the development of large power source projects to form clusters of renewable energy plants or renewable energy centers so as to promote natural advantages and develop electrical grid infrastructure in a manner that is within the capacity for curtailment and satisfies operation requirements of the national power system of each region or each locality, and the conditions and technological level from time to time;

e) Encouraging appropriate development of rooftop solar power, floating solar power on water surface and irrigation reservoir beds; prioritizing development on the water surface of existing hydropower reservoir beds, not requiring investment in new transmission grids;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. Organizations and individuals are encouraged to invest in wind and solar power projects in combination with investment in energy storage systems or production of green hydrogen or green ammonia to serve electricity generation and use. For solar and wind power sources connected to the national power system, the total generating capacity of solar and wind power plants and the capacity of the energy storage system must not exceed the capacity of solar and wind power plants which have been determined in the PDP or the electricity supply network development scheme in the provincial planning; the installed capacity shall be decided by the investor in the stage of executing the construction investment project on the basis of achieving the prescribed capacity ratio of the energy storage system and ensuring the efficient use of natural resources.

4. Developing electricity from renewable energy and new energy to create a foundation for shifting the power structure in the direction of low carbon, achieving the goal of reducing emissions and ensuring the sustainable development of the power system.

5. A wind power project at sea employs all wind turbines which are built in the territorial waters of Vietnam and located outside the lowest mean water line of the mainland for multiple years towards the sea. Wind power projects at sea are classified into the following categories:

a) Inshore wind power projects which employ all turbines built in the territorial waters of 06 nautical miles from the lowest mean water line of the mainland for multiple years towards the sea;

b) Offshore wind power projects which employ all turbines built outside the territorial waters of 06 nautical miles from the lowest mean water line of the mainland for multiple years towards the sea.

6. The planning for and investment in wind power projects at sea shall be carried out in the following order of priority:

a) Projects on production of electricity for supply to the national power system;

b) Self-produced or self-consumed electricity projects or electricity projects for production of green hydrogen or green ammonia and projects serving other domestic demands;

c) Projects on production of electricity for export and production of green hydrogen or green ammonia for export.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



8. The Government shall elaborate the following contents:

a) Mechanisms for providing incentives and support for the development of energy storage systems of electricity projects from renewable energy sources appropriate to the technological level in this field;

b) Policies on incentives and support for appropriate research and development of technologies in the field of wind and solar power in Vietnam;

c) Mechanisms for sharing and providing information and data on monitoring of parameters of primary energy sources and production of statistics on electricity output of renewable energy power plants and new energy power plants, except for self-produced and self-consumed rooftop solar power sources.

Article 21. Baseline surveys of renewable energy power and new energy power resources

1. Baseline surveys of renewable energy power and new energy power resources in the Vietnam’s territory shall cover:

a) Solar, wind and geothermal power resources;

b) Wave power resources, tidal power resources and other forms of power resources from ocean energy;

c) Electricity resources from domestic and urban solid waste;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



dd) Electricity resources from waste from production and business processes other than those specified in point c of this clause;

e) Hydropower resources.

2. Responsibility for conducting baseline surveys of renewable energy power and new energy power resources is provided for as follows:

a) Authority and responsibility for conducting baseline surveys of renewable energy power and new energy power resources in the territorial waters of Vietnam shall comply with regulations of law of the sea and law on natural resources and environment of sea and islands;

b) Authority and responsibility for conducting baseline surveys of hydropower resources shall comply with regulations of law at water resources;

c) Except the case specified in point d of this clause, provincial People's Committees shall conduct baseline surveys of renewable energy power and new energy power resources on the mainland and islands within the scope of administrative boundary management;

d) The Ministry of Natural Resources and Environment shall assign wholly state-owned enterprises to conduct and public service providers having functions of conducting baseline surveys of natural resources and environment of sea and island to preside over conducting baselines surveys in certain sea areas within Vietnam’s territorial waters.

3. The State encourages and mobilizes legal financial resources and scientific and technical contributions from organizations and individuals to serve baseline surveys.

4. The information and data specified in clause 1 of this Article shall serve as inputs so as for authorities organizing planning formulation and planning consultancies to formulate PDP and provincial planning. In case an area is yet to have the information and data specified in this clause, the authority organizing planning formulation shall collect reliable and appropriate data to perform tasks as prescribed by law. The Ministry of Natural Resources and Environment shall aggregate information and data nationwide as prescribed in clause 1 of this Article.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



6. Costs of conducting baseline surveys as specified in clause 1 of this Article shall be covered by:

a) State budget;

b) Funding provided by wholly state-owned enterprises for covering these costs as prescribed by law, derived from their funding for production and business expenses and other lawful funding sources.;

c) Amounts voluntarily donated from organizations and individuals.

7. The Minister of Natural Resources and Environment shall elaborate the scope of baseline surveys as specified in clause 1 of this Article, except for the tasks performed according to regulations of law on water resources and law on natural resources and environment of sea and islands.

Article 22. Development of self-produced and self-consumed electricity from renewable energy sources and new energy sources

1. Self-produced and self-consumed power sources may be connected to the national power system, and the connection must comply with regulations of the electricity law; it is permitted to sell surplus electricity output as per laws; to use land for multi-purpose energy and public lighting works as per the land law.

2. Based on technical capability, economic conditions and state budget capacity from time to time, the Prime Minister and provincial People's Councils shall promulgate policies to support households in installing electricity for self-production and self-consumption as follows:

a) Provide financial support for investment in the installation of rooftop solar power and energy storage systems;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. The Government shall elaborate the following contents:

a) The production capacity and electricity suitable for the electricity load and development conditions of the power system;

b) Installation of energy storage systems in combination with investment in self-produced and self-consumed power sources;

c) Procedures for development of self-produced and self-consumed power sources;

d) Mechanisms for purchase and sale prices for surplus electricity output;

dd) Responsibilities of relevant organizations and individuals when developing self-produced and self-consumed power sources.

Article 23. Development of new energy power

1. New energy power project means a clean energy production project which is eligible for the State's tax and investment credit policies and credit in accordance with relevant laws.

2. Based on the requirements for ensuring electricity supply security, scientific and technological progress, and socio-economic development conditions from time to time, the Government shall regulate the conditions and time limits for application of the following mechanisms and policies for new energy power projects:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Exemption or reduction of land levy or land rent;

c) Minimum long-term contracted electricity output for projects feeding electricity back to the national power system on the basis of protecting the interests of the State and the People, and ensuring the safety of the power system from time to time.

Article 24. Renovation, repair and replacement of equipment of renewable energy and new energy power plants

1. During the period of operating a power plant according to the approved design in accordance with operation duration of a renewable energy power or new energy power project, such power plant may be renovated, repaired or replaced with equipment whose specifications are different from its current operating specification to ensure safe and efficient operation in compliance with the provisions of laws without leading to an increase in the area of land or sea area used.

2. The capacity of electricity of the projects in clause 1 of this Article fed back to the national power system must not exceed the capacity stated in the following legal documents of the projects:

a) The written investment guideline decision or approval or investment registration certificate;

b) Electricity license.

Article 25. Decommissioning of works of renewable energy and new energy power projects

1. A work of a renewable energy power or new energy power project must be decommissioned after termination of the project in the following cases:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) When the operation duration expires without any extension granted as per the law on construction;

c) When there is any difference in the duration specified in points a and b of this clause, the decommissioning after termination shall be carried out on a first come, first served basis.

2. The decommissioning of a solar or wind power plant after its shutdown is regulated as follows:

a) The owner of the solar or wind power plant must decommission its plant as required above; all decommission costs shall be borne by the owner;

b) The decommissioning, recovery, treatment and management of wastes, materials and scraps must comply with the law on environmental protection and other relevant laws, and meet the requirements for restoration of the premises and environment after the decommissioning;

c) From the time of termination as specified in clause 1 of this Article, the owner shall complete the decommissioning within the time limit prescribed by the Government.

3. For cases other than those specified in clauses 1 and 2 of this Article, the decommissioning of works of new and renewable energy power projects must comply with other relevant regulations of law.

Section 2. REGULATIONS ON DEVELOPMENT OF OFFSHORE WIND POWER

Article 26. General regulations

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Organizations and individuals implementing and participating in the implementation of offshore wind power projects must comply with regulations of laws on assurance of national defense and security;

b) The production and use of equipment and the creation, transmission, collection, processing, storage and exchange of information and data outside the border must comply with laws.

2. The implementation of offshore wind power projects must comply with this Law and Vietnamese laws on maritime safety and safety of equipment and works and conform to treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

3. Offshore wind power projects are entitled to the following mechanisms and policies provided that the conditions and deadlines prescribed by the Government are met:

a) Minimum long-term contracted electricity output for projects feeding electricity back to the national power system;

b) Exemption or reduction of sea area levy;

c) Exemption or reduction of land levy or land rent.

4. In addition to the mechanisms and policies specified in clause 3 of this Article, wholly state-owned enterprises may be exempt from providing guarantees for investment project execution under the investment law; may be considered to have overextensions for a customer and related persons granted by the Prime Minister to their offshore wind power projects in accordance with the Law on Credit Institutions.

5. Based on socio-economic development conditions, development objectives and investment attraction in each period and the level of the competitive electricity market, and in order to ensure electricity supply security, the Government shall elaborate following contents:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Conditions for implementation and participation in the implementation of offshore wind power projects applicable to organizations being foreign investors or domestic investors, including the ownership ratio of shares and stakes in offshore wind power projects;

c) The time of termination of the mechanisms and policies specified in clause 3 of this Article.

6. Offshore wind power projects are identified as construction investment projects and subject to the following regulations:

a) The survey of offshore wind power projects shall be subject to standards, technical regulations, economic-technical norms, and unit prices according to international and foreign standards in case they have not yet been promulgated on a national basis;

b) Offshore wind power works shall be subject to standards and technical regulations according to international and foreign standards in case they have not yet been promulgated on a national basis.

7. The Government shall prescribe a mechanism for cooperation between Ministries, ministerial agencies and People's Committees of coastal provinces and other relevant agencies in the management of offshore wind power projects and works.

8. The transfer of projects, shares and stakes in offshore wind projects must comply with regulations set out in clause 1 of this Article and other relevant regulations of laws. The Government shall elaborate this clause.

Article 27. Survey of offshore wind power projects

1. The survey of offshore wind power projects shall comply with regulations of law of the sea, law on natural resources, environment of sea and islands and law on construction, and conform to treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory and international practices.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) The Prime Minister shall assign wholly state-owned enterprise to conduct surveys;

b) Based on the socio-economic development conditions in each period, the Government shall regulate the selection of units surveying offshore wind power projects, except for the regulations set out in point a of this clause.

3. The survey costs of enterprises specified in point a clause 2 of this Article shall be handled as follows:

a) Survey costs in the case specified in point a clause 2 of this Article shall be covered by a wholly state-owned enterprise; this enterprise may contribute capital to invest in projects in the areas in which the Prime Minister assign it to conduct surveys;

b) In case of failure to apply the regulations set forth in point a of this clause, the investor selected to execute a project shall reimburse the survey costs to the enterprise mentioned in point a clause 2 of this Article.

4. The management, exploitation and use of samples, documents, information, data and results of surveys of offshore wind power projects must comply with the following regulations:

a) State agencies and enterprises shall preside over surveying and managing samples, documents, information, data and results of surveys of offshore wind power projects conducted by them; other organizations in charge of conducting surveys must submit approved samples, documents, information, data and results of surveys of offshore wind power projects to authorities in charge of state management of natural resources and environment of sea and islands for management;

b) Organizations and individuals that access, consult, exploit and use samples, documents, information, data and results of surveys of offshore wind power projects must keep the information confidential in accordance with laws and the agreement between the parties.

5. The Government shall elaborate clause 4 of this Article and survey contents, mechanism for handling survey costs, conditions and capacity of survey units; regulate the delegation of responsibilities to prescribe economic-technical norms, survey unit prices, verification of survey results, surveyed area and use of sea areas, payment of costs of preparation of pre-feasibility study reports on project construction investment.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. Investors shall prepare applications for approval of investment guidelines of an offshore wind power project as follows:

a) A wholly state-owned enterprise shall prepare an application for approval of both investment guidelines and investor or prepare an application for investment guideline approval for bidding for investor selection;

b) The investor conducting survey as prescribed in point b clause 2 Article 27 of this Law shall prepare an application for approval of investment guidelines for investor selection in case the surveyed area and the scale of the project are consistent with the PDP.

2. Contents of the application for approval of both investment guidelines and investor or application for approval of or decision on investment guidelines of an offshore wind power project are specified under the Law on Investment or the Law on Public Investment or the Law on Public-Private Partnership Investment and include the following:

a) Expected location, coordinates and area of the sea area to be used instead of documents determining the right to use the location for execution of the investment project;

b) Expected duration of use of the sea area.

3. When appraising investment guidelines as per the law on investment, the law on public investment, and the law on public-private partnership investment, the agency presiding over appraisal of an offshore wind power project must consult the following agencies:

a) The Ministry of National defense, the Ministry of Public Security, the Ministry of Foreign Affairs, the Ministry of Natural Resources and Environment, the Ministry of Transport and other Ministries and central authorities as assigned by the Government;

b) People's Committees of coastal provinces in areas where the offshore wind power project is executed.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 29. Selecting investors in offshore wind power projects

1. Investors in offshore wind power projects shall be selected as follows:

a) Regarding public investment projects, the law on public investment shall be complied with;

b) Regarding PPP investment projects, the law on PPP investment shall be complied with;

c) Regarding business investment projects, the law on investment shall be complied with.

2. Except for projects subject to investment policy approval by the National Assembly, the Prime Minister shall approve both investment guidelines and investors in the following offshore wind power business investment projects:

a) Projects that are not subject to bidding for investor selection due to defense and security reasons according to the opinions of the Ministry of National Defense or the Ministry of Public Security;

b) Projects granted approval for both investment guidelines and investors as prescribed in point a clause 1 Article 28 of this Law.

3. Apart from the projects specified in clause 2 of this Article, the selection of investors for execution of offshore wind power business investment projects feeding electricity back to the national power system must comply with this Law and law on bidding. The ceiling electricity price in the bidding documents must not be higher than the maximum price of the electricity generation price bracket issued by the Ministry of Industry and Trade. The bid-winning electricity price for selecting an investor shall be the maximum electricity price as a basis for the electricity buyer to negotiate with the bid-winning investor. The bidding documents shall be prepared in accordance with laws and the following documents and contents:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Mechanisms and policies specified in clause 3 Article 26 of this Law.

4. Based on socio-economic development conditions, development objectives and investment attraction in each period and conditions for development of the electricity market, and in order to ensure electricity supply security, the Government shall elaborate following contents:

a) Conditions to be satisfied by investors to participate in bidding;

b) The selection of investors for execution of offshore wind power projects in an effort to achieve the development objectives according to the planning and the demand for attracting investment to this field;

c) The negotiation and conclusion of business investment project contracts and PPAs with bid-winning investors as specified in clause 3 of this Article.

Chapter IV

ISSUANCE OF ELECTRICITY LICENSES

Article 30. Principles of issuing electricity licenses

1. The following fields of electricity activities are subject to issuance of the electricity license: electricity generation, electricity transmission, electricity distribution, electricity wholesaling and electricity retailing.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. The electricity license shall not be issued at the investment stage. The investment in the field of electricity shall be made as prescribed by the law on investment.

4. The electricity license shall be issued to an organization so as for it to perform one or more electricity activities.

5. The electricity license in the field of electricity generation shall be issued to each organization owning a power plant by work item or the entire work.

6. The electricity license in the field of electricity transmission shall be issued by the scope of management and operation of each specific transmission grid.

7. The electricity license in the field of electricity distribution shall be issued by the scope of management and operation of each specific distribution grid.

8. The electricity license in the field of electricity wholesaling shall be issued by the specific scope of electricity sale.

9. The electricity license in the field of electricity retailing shall be issued by the specific scope of electricity sale, except for the scope covered by the license issued by the competent authority to another unit. When going through the stage of operating the competitive retail electricity market, the electricity license in the field of electricity retailing shall be issued to every organization participating in the retail electricity market within the scope of the retail electricity market.

10. Prior to the stage of operating the competitive retail electricity market, the electricity license in the field of electricity retailing shall be issued together with the electricity license in the field of electricity generation or electricity distribution.

11. The electricity license may be issued to one or more organizations participating in the same field in compliance with this Law, Law on Investment, Law on Enterprises and other relevant regulations of law.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. An organization will be issued with the electricity license if it fully satisfies the following conditions:

a) It is lawfully established as prescribed by law;

b) It has technical managers, business managers and operators that meet the requirements for quantity and qualifications.

2. In the field of electricity generation, electricity transmission or electricity distribution, an organization will be issued with the electricity license if it fully satisfies the conditions set out in clause 1 of this Article and the following conditions:

a) It has electricity generation, transmission or distribution work items or works which conform to the PDP and electricity supply network development scheme in the provincial planning, plan to implement PDP, plan to implement provincial planning including contents of the electricity supply network development scheme and adjustment decisions (if any); such work items or works are constructed and installed according to the approved design and meet the conditions for putting work items or works into operation;

b) It has projects or works for power generation, transmission or distribution which are built and installed in compliance with regulations of law of the sea, law on land, law on fire prevention and fighting, and rescue, law on environmental protection and other relevant regulations of law;

c) It has documents on dam and reservoir safety management according to regulations of law regarding the field of hydropower plant power generation.

3. In the field of electricity wholesaling or retailing, an organization will be issued with the electricity license if it fully satisfies the conditions set out in clause 1 of this Article and formulates an appropriate plan for electricity wholesaling or retailing.

4. The Government shall elaborate conditions applicable to fields subject to issuance of the electricity license.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. A new electricity license shall be issued in the following cases:

a) Issuance of the first license to a work item or entire work in the field of electricity generation;

b) Issuance of the first license to a specific scope in the field of electricity transmission, distribution, wholesaling or retailing;

c) Issuance of a new electricity license in case of change of the scope of operation, main specifications of an electricity work or technology used in electricity activities specified in the issued license.

2. A revised electricity license shall be issued in the following cases:

a) At the request of the license holder when there is a change to any of the contents of the electricity license specified in clause 1 Article 34 of this Law or any activity specified in clause 2 Article 34 of this Law are removed;

b) At the request of a competent authority in case it is needed to protect the national defense or national security interests, socio - economic interests or public interests;

c) There is any error in the information written on the issued license.

3. An electricity license shall be re-issued in the following cases:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) The issued license is expiring in 06 months or less or is expired and the license holder makes a request. In this case, contents of the license specified in clauses 2, 3 and 4 Article 34 of this Law are the same as those of the issued license;

c) The case prescribed in clause 2 Article 36 of this Law.

4. The electricity license may be extended at the request of the license holder if the interval between its expiry date and the date of transfer of any asset or electricity work or the date of terminating the project does not exceed 12 months. The license may be extended once and the expiry date of the extended license must not be later than the date of transfer of the asset or electricity work or the date of terminating the project.

5. The Government shall elaborate applications and procedures for issuance of the electricity license.

Article 33. Exemption from electricity license exemption

1.  Electricity license exemptions:

a) Any organization invests in construction of facilities generating electricity for domestic consumption and does not sell electricity to other organizations and individuals, and the installed capacity smaller than the capacity prescribed by the Government;

b) Any organization generates electricity with an installed capacity smaller than the capacity prescribed by the Government;

c) Any organization trading in electricity in rural areas or mountainous areas or on islands buys electricity with a capacity smaller than the capacity prescribed by the Government from the distribution grid to sell it directly to electricity consumers in rural areas or mountainous areas or on islands;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



dd) National power system dispatch units and electricity market transaction regulation units;

e) Emergency electricity work items, emergency works for construction of power sources and emergency electrical grids specified in Article 14 of this Law are exempt from the electricity license within 06 months from the date of being put into operation;

g) Other electricity activities not covered by clause 1 Article 30 of this Law.

2. The organizations exempt from the electricity license specified in clause 1 Article 34 of this Law must comply with procedures and technical regulations on management and operation, regulation on electricity prices, technical and safety conditions and fulfill the obligations by electricity activities specified in this Law.

3. Provincial People’s Committees shall manage and inspect organizations conducting electricity activities in their provinces as specified in clauses 1 and 2 of this Article.

4. The Government shall regulate specific capacity at which the electricity license is exempted as specified in clause 1 of this Article.

Article 34. Contents of an electricity license

1. Name and head office address of the license holder.

2. Electricity activities.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. Main specifications of the electricity work or technology used in electricity activities with regard to the fields of electricity generation, electricity transmission and electricity distribution.

5. Validity period of the electricity license.

6. Rights and obligations of the license holder.

Article 35. Validity period of electricity licenses

1. The validity period of an electricity license must not exceed the operation duration of a project or work for electricity transmission or electricity distribution.

2. The Government shall elaborate validity period of the electricity license by each activity and in each case of issuance of the electricity license according to regulations of this Law.

Article 36. Revocation of electricity licenses

1. An organization shall have its electricity license revoked in the following cases:

a) It wishes to terminate an electricity license or transfer the licensed electricity license to another organization;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) It operates against the electricity activity or scope written on the electricity license;

d) It leases out or lends out the license for conduct of any electricity activity; arbitrarily modifies any content of the license;

dd) It forges the documents in the application for issuance of electricity license;

e) It fails to abide by the decision on imposition of penalties for administrative violations issued by the competent authority when violating regulations on electricity licenses and fails to take corrective actions within the time limit required by the competent authority.

2. Any organization having its electricity license revoked as prescribed in points b, c, d, dd and e clause 1 of this Article is entitled to apply for re-issuance of the electricity license after fulfilling the responsibilities and obligations as prescribed by law.

3. The Government shall elaborate this Article, and applications and procedures for revocation of the electricity license.

Article 37. Authority to issue, revise, re-issue, extend and revoke electricity licenses

1. The Ministry of Industry and Trade shall issue electricity licenses in the fields of electricity generation, electricity transmission, electricity distribution, electricity wholesaling and electricity retailing, except the regulations in clause 2 of this Article.

2. Provincial People’s Committees shall issue electricity licenses in the fields of electricity generation, electricity distribution, electricity wholesaling and electricity retailing within their provinces according to the Government's regulations.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. The licensing authority reserves the right to revise, re-issue, extend and revoke electricity licenses.

5. Based on socio-economic development conditions and state management requirements from time to time, the Government shall elaborate clauses 1 and 2 of this Article on the authority to issue, revise, re-issue, extend and revoke electricity licenses by capacity, voltage level and scope of each electricity activity.

Chapter V

COMPETITIVE ELECTRICITY MARKET AND ELECTRICITY TRADING

Section 1. COMPETITIVE ELECTRICITY MARKET

Article 38. Principles of operation

1. Ensure publicity, transparency, equality, fair competition, and non-discrimination among participants in the competitive electricity market; protect legitimate rights and interests of electric utilities and electricity consumers.

2. Respect and protect the rights to freely choose partners and transaction forms of electricity traders on the competitive electricity market appropriate to the level of the competitive electricity market.

3. The State regulates the operation of the competitive electricity market in order to facilitate sustainable development of the power system and satisfaction of the requirements for safe, stable and efficient supply of electricity.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. The competitive electricity market is developed at the following levels:

a) Competitive electricity generation market;

b) Competitive wholesale electricity market;

c) Competitive retail electricity market.

2. Conditions to be fulfilled before operating the competitive electricity market at levels include:

a) Formulating and perfecting legislative documents;

b) Restructuring the electric power sector;

c) Building and completing the infrastructure of the power system and electricity market;

d) Reforming the electricity price mechanism, gradually reducing and progressing towards the elimination of cross-subsidy among consumer groups and regions.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 40. Participants in the competitive electricity market at levels

1. Participants in the competitive electricity market comprise:

a) Electricity generation units;

b) Electricity transmission units.

c) Electricity distribution units.

d) Electricity wholesalers;

dd) Electricity retailers;

e) National power system dispatch units;

g) Electricity market transaction regulation units

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. The Minister of Industry and Trade shall elaborate the participation by the participants specified in clause 1 of this Article in a manner that is suitable for levels of the competitive electricity market.

Article 41. Electricity trading on the competitive electricity market at levels

1. Electricity traders on the competitive electricity market comprise:

a) Electricity generation units;

b) Electricity wholesalers;

c) Electricity retailers;

d) Electricity consumers.

2. The electricity trading on the electricity market shall be effected in the following forms:

a) Under a contract between an electricity seller and an electricity buyer;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) Under an electricity forward contract, options contract to buy or sell electricity or electricity futures contract between an electricity seller and an electricity buyer.

3. Spot electricity prices shall be formed according to each transaction cycle of the competitive electricity market and announced by the electricity market regulation unit.

Article 42. Transactions and regulation of transactions on competitive electricity market at levels

1. Transactions and regulation of transactions on the competitive electricity market include:

a) Fully and reliably predicting the electricity supply and demand and formulating an electricity market operation plan;

b) Spot electricity trading on the electricity market;

c) Offering prices and determining market prices;

d) Providing ancillary services and prices of ancillary services appropriate to each level of the competitive electricity market;

dd) Preparing invoices and making payment between the traders specified in clause 1 Article 41 of this Law and ancillary service providers;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



g) Providing transaction services and payment services for the amount of electricity and capacity traded under a spot contract and ancillary services;

h) Receiving and handling propositions related to transactions in electricity trading on the electricity market in order to ensure the stability and efficiency and prevent unfair competition practices;

i) Controlling the operation of the electricity market;

k) Reporting transactions in the electricity trading on the electricity market.

2. The Minister of Industry and Trade shall elaborate clause 1 of this Article in a manner that is suitable for each level of the competitive electricity market.

Article 43. Suspending and resuming operation of the spot electricity market in the competitive electricity market at levels

1. The operation of the spot electricity market in the competitive electricity market at levels shall be suspended in any of the following cases:

a) An emergency situation which is a disaster or natural disaster arises or national defense and security protection is required;

b) The power system operates in extreme emergency mode, thereby failing to ensure stable, safe and continuous operation of the power system and the electricity market;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. The operation of the spot electricity market in the competitive electricity market at levels shall be resumed as the causes of suspension specified in clause 1 of this Article are eliminated.

3. The Minister of Industry and Trade shall elaborate this Article.

Section 2. POWER PURCHASE AGREEMENTS AND POWER SERVICE SUPPLY AGREEMENTS

Article 44. Power purchase agreements and power service supply agreements

1. A PPA or power service supply agreement must be established in the form of a physical document or a data message having the same validity as a document in accordance with law.

2. A PPA between an electricity generation unit and an electricity buyer, except for a power plant invested in the form of PPP; electricity wholesale agreement or contract for provision of auxiliary services for the power system must contain the following main contents:

a) Information of the parties to the contract, including: name, address, phone number, other contact methods (if any);

b) Price of the PPA; wholesale electricity prices; prices of auxiliary services for the power system;

c) Contracted electricity output (if any);

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



dd) Rights and obligations of the parties;

e) Language used: Vietnamese. In case the electricity seller has a foreign investor(s), the electricity seller and the electricity buyer may agree to employ another contract written in English language;

g) Other contents agreed upon by the two parties.

3. A PPA serving domestic purposes must primarily contain:

a) Information of the parties to the contract, including: name, address, phone number, other contact methods (if any);

b) Service standards and quality, address of electricity use;

c) Retail electricity price, payment methods and deadline;

d) Rights and obligations of the parties;

dd) Electricity buyer's responsibility for protecting information;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



g) Force majeure events pursuant to the civil law;

h) Methods for dispute settlement;

i) Time of agreement conclusion, term of the agreement;

k) Penalty clauses;

l) Other contents agreed upon by the two parties.

4. A PPA serving non-domestic purposes shall contain the contents agreed upon by the parties. The electricity buyer shall ensure power quality as prescribed in Article 57 of this Law. In case an electricity consumer has a large monthly average electricity consumption, they must furnish performance security as agreed upon by the parties.

5. The Minister of Industry and Trade shall elaborate clause 2 of this Article in a manner that is suitable for each level of the competitive electricity market.

6. The Government shall elaborate the performance security and assurance of power quality specified in clause 4 of this Article and regulate the conditions for concluding PPAs serving domestic purposes.

Article 45. Electricity forward contracts, options contracts to buy or sell electricity, electricity futures contracts

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) The contracted electricity output and electricity purchase and sale price in the electricity forward contract to be determined on the basis of negotiation and agreement between the electricity buyer and the electricity seller;

b) The reference price in the electricity forward contract which is the spot electricity market price calculated and announced in accordance with the regulations on operation of the competitive electricity market;

c) The electricity buyer or the electricity seller are obliged to pay the difference between the electricity buying price and the reference price in the electricity forward contract with regard to the committed electricity output.

2. Main contents of an options contract to buy or sell electricity:

a) The option in the options contract to buy or sell electricity which may be the option to buy or sell, which is determined on the basis of the agreement between the option buyer and the option seller;

b) The contracted electricity output, electricity price and validity period of the options contracts to buy or sell electricity to be determined on the basis of negotiation and agreement between the option buyer and the option seller;

c) The option buyer may choose whether to exercise the option or not within the validity period of the contract;

d) The option seller is obliged to sell the electricity output at the contracted price when the buyer exercises the option to buy or buys the electricity output at the contracted price when the buyer exercises the option to sell;

dd) The option buying price is determined on the basis of supply and demand for the options contracts to buy or sell electricity on the forward electricity market.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. Value-added tax mechanism applicable to transactions of electricity forward contracts, options contracts to buy or sell electricity and electricity futures contracts must comply with the law on value-added tax.

5. The Minister of Industry and Trade shall elaborate clauses 1 and 2 of this Article.

6. The Government shall regulate the conditions and roadmap for forming and developing the competitive electricity market, mechanism for operation of the forward electricity market in conformity with the requirements for assurance of electricity supply security, levels of the competitive electricity market and other relevant regulations of law.

Article 46. Trading of electricity with foreign countries

1. The trading of electricity with a foreign country includes electricity trading activities with a foreign country through the national power system or through the direct connection which bypasses the national power system. The trading of electricity with a foreign country must ensure national energy security and protect interests of the State and the People and the interests of electricity consumers and must conform to the strategy for trading of electricity with foreign countries and PDP approved.

2. The connection of the electrical grid with a foreign country through the national power system must meet the following requirements:

a) Ensure security, safety, reliability and stability during operation of the national power system;

b) Ensure the economic-technical optimization of the power system, conform to standards, technical regulations, management and operation processes of the national power system;

c) Projects and works connecting the electrical grid with the foreign country in land border areas must not change border identification signs or affect national border markers.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. The direct connection of electrical grid with a foreign country which bypasses the national power system shall be made with the agreement of the parties to the power grid connection.

5. Electricity import prices determined at Vietnam's shall be agreed upon by the electricity buyer and the electricity seller in line with the electricity import price bracket promulgated by the Minister of Industry and Trade, aiming at minimizing the cost of electricity buying.

6. Prices of export of electricity to a foreign country shall be agreed upon by the electricity seller and the electricity buyer by way of adhering to the following principles:

a) The regulations specified in clause 1 of this Article are complied with;

b) In case the export of electricity bypasses the national power system, the electricity export price must not be lower than the maximum price of the domestic electricity generation price bracket corresponding to the type of electricity generation promulgated by the Minister of Industry and Trade;

c) In case of exporting electricity to foreign countries through the national power system, the electricity export price shall rely on the retail electricity price specified in clause 1 Article 50 of this Law and must not be lower than the maximum price of the price bracket of the average domestic retail electricity price.

7. Based on the demands for socio-economic development from time to time, the Prime Minister shall decide the strategy for trading of electricity with foreign countries.

8. The Minister of Industry and Trade shall approve guidelines for trading of electricity with foreign countries in conformity with the strategy for trading of electricity with foreign countries, PDP and plan to implement the planning approved; regulate applications and procedures for formulation and approval of electricity import price brackets, methods of formulating electricity import price brackets applicable to specific countries, dossiers and procedures for trading of electricity with foreign countries.

Article 47. Direct electricity trading between large electricity consumers and electricity generation units

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Trading of electricity through a separate connected electrical grid;

b) Trading of electricity through the national grid.

2. The direct trading of electricity between large electricity users and electricity generation units must adhere to the following principles:

a) Comply with regulations of laws on planning and investment, regulations on issuance of electricity licenses, electricity trading activities and other relevant regulations of law;

b) Be suitable for levels of the competitive electricity market.

3. The Government shall regulate the mechanism for direct trading of electricity between large electricity users and electricity generation units; regulate dossiers, procedures and responsibilities of relevant parties upon participation in the mechanism for direct trading of electricity between large electricity users and electricity generation units.

Article 48. Payment of electricity bills under PPAs with electricity consumers

1. Electricity bills under a PPA with an electricity consumer serving domestic purposes shall be paid in accordance with the following regulations:

a) Electricity bills shall paid using the method agreed upon by the two parties under the PPA; if the electricity buyer delays paying electricity bills, they must pay a late payment interest to the electricity seller in proportion to the period of late payment;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) If the electricity seller collects electricity bill overpayment, they must refund the excess to the electricity buyer, including the interest on such overpayment or agree with the electricity buyer to offset the electricity bill overpayment in the next payment period;

d) The interest on electricity bill overpayment shall be determined as prescribed in point b of this clause;

dd) The electricity seller shall record meter reading once a month on a fixed date, except force majeure events that pose a safety risk to workers as specified in the PPA. The date of recording meter readings may be 01 day sooner or later than the fixed date or changed as agreed upon in the PPA.

2. Electricity bills under a PPA with an electricity consumer serving non-domestic purposes shall be paid as agreed upon by the parties under the agreement. Any party that delays the payment or collects electricity bill overpayment is obliged to pay a late payment interest in proportion to the period of late payment in accordance with regulations of civil law.

3. Regulations on reconsidering the electricity bill payable:

a) The electricity buyer is entitled to request the electricity seller to re-consider the electricity bill payable using any of the following methods: directly at the electricity seller; via postal services; by electronic means or another method agreed upon by the parties;

b) Upon receiving the electricity buyer’s request, the electricity seller shall process it within 07 days from the date of receiving the request. Where they disagree with the electricity seller, the electricity buyer shall request a competent authority to initiate the conciliation procedure in accordance with regulations of law on conciliation or request an arbitration center or court to proceed with their request as prescribed by law;

c) Pending the request processing result, the electricity buyer still has to pay the electricity bill; the electricity seller must not disconnect the electricity supply.

4. Where the electricity buyer fails to pay the electricity bill as agreed upon under the agreement after the electricity seller has sent 02 separate notifications, at least 03 days apart, the electricity seller is entitled to disconnect the electricity supply. The electricity seller is entitled to disconnect the electricity supply from the time of supply disconnection which shall be agreed upon by the two parties in PPA but not more than 10 days after seller sends the first notification. The electricity seller must notify the time of electricity supply disconnection to the electricity buyer 24 hours in advance and is not required to bear responsibly for the damage caused by the electricity supply disconnection. After the electricity buyer pays the electricity bill and completes the procedures for applying for electricity supply resumption, the electricity seller must resume the electricity supply as per the law on electricity.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



6. The determination of electricity bills in cases where the electricity metering device is not accurate according to technical requirements for measurement, where the electricity buyer uses electricity during the period during the period the metering system is faulty causing the meter to stop working and where the electricity buyer uses electricity during the period the metering system is lost shall comply with regulations of the Minister of Industry and Trade.

7. The Government shall elaborate the recording of electricity meter readings.

Article 49. Disconnecting and reducing supply of electricity to electricity consumers

1. Disconnecting and reducing supply of electricity to an electricity consumer shall comply with regulations of law and signed PPA. The electricity buyer and electricity seller must agree to the cases of electricity supply disconnection and reduction and methods of notifying the electricity supply disconnection and reduction in the PPA.

2. Cases of electricity supply disconnection and reduction:

a) As an incident or force majeure event which is beyond the electricity seller's control occurs, thereby seriously threatening the safety of persons and equipment or a power shortage occurs, thereby threatening the safety of the power system, the electricity seller may disconnect or reduce the electricity supply; must, within 24 hours since the electricity supply disconnection or reduction, notify the electricity buyer of the status of electricity supply and the estimated time of electricity supply resumption;

b) When there is a plan for repair, maintenance or other tasks, the electricity seller shall notify the electricity buyer thereof at least 05 days before the electricity supply disconnection or reduction by the notification method agreed upon in the PPA;

c) Electricity bills are not paid as prescribed in clause 4 Article 48 of this Law;

d) At the request of a competent authority in case an organization or individual violates regulations of this Law or regulations of other laws and is required to be subject to the electricity supply measures according to regulations of such laws.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Section 3. ELECTRICITY PRICES AND ELECTRICITY-RELATED SERVICE PRICES

Article 50. Electricity prices

1. Retail electricity price is prescribed as follows:

a) The retail electricity price shall be set by the electricity retailer on the basis of the electricity price policy, the price bracket of the average retail electricity price, the mechanism for adjusting the average retail electricity price and the electricity retail tariff structure;

b) The retail electricity price is specific to each group of electricity consumers in a manner that is appropriate to the socio-economic situation in each period and the level of the competitive electricity market, including: manufacturing, business, administrative and daily activities. The time-based retail electricity price is applied to eligible electricity consumers, including the retail electricity price during peak hours, off-peak and normal hours. For the group of domestic electricity consumers, progressive pricing shall apply to consumers that are not eligible to participate or do not participate in buying and selling electricity on the competitive electricity market.

2. Wholesale electricity price under a PPA shall be agreed upon by the electric utilities as prescribed in point e clause 12 Article 5 of this Law.

3. The authority to set, submit, approve and decide electricity prices is as follows:

a) The Government shall regulate the mechanism and time for adjustment of the average retail electricity price;

b) The Prime Minister shall regulate the electricity retail tariff structure and the price bracket of the average retail electricity price;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



d) The Minister of Industry and Trade shall provide for the method of determining wholesale electricity prices; methods of establishing and procedures for approving the wholesale electricity price bracket.

Article 51. Electricity-related service prices

1. Electricity generation service prices are prescribed as follows:

a) The price of a PPA includes the following components: fixed price determined on average according to the economic life of the project; operation and maintenance price and variable price;

b) The price of the PPA in base year shall be agreed upon by the electric utilities in the PPA. The electricity seller and the electricity buyer have the right to sign a PPA at a fixed price for each contract year on the basis of ensuring that the fixed price remains unchanged;

c) In case an agreement on the price of the PPA has not yet been reached, the electricity seller and the electricity buyer may agree on a temporary price to be applied until the official price is agreed;

d) In case of organizing bidding to select investors in a power plant project, the price of the PPA shall be determined by the electricity seller and the electricity buyer as prescribed in points a, b and c of this clause and clause 2 Article 19 of this Law;

dd) Prices of power generation services for power plants invested in the form of PPP shall comply with Article 16 of this Law;

e) Small renewable energy power plants may apply the avoided cost tariff mechanism;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. The electricity buyer and the electricity seller may agree on the price of the PPA on the principle of ensuring that a power plan recoups its investment (if any) and expenses for electricity production and trading activities and agree on a reasonable profit level with regard to the following power plants:

a) The small renewable energy plants specified in point e clause 1 of this Article as the time limit for applying the avoided cost tariff has expired;

b) The power plants which have been commercially operated as the time limit for applying the price of the PPA has expired;

c) The power plants for which the BOT contract has expired and which need to be transferred to the Government as prescribed in Article 16 of this Law.

3. The Minister of Industry and Trade shall provide for the dossiers, procedures and methods for determining electricity generation price brackets; approve the electricity generation price bracket established and submitted by electric utilities.

4. The Minister of Industry and Trade shall regulate the method of determining the cost of electricity generation of power plants during the period over which they have yet to participate in the competitive electricity market in the following cases:

a) The power plants prescribed in clause 2 Article 5 of this Law;

b) Power plants cooperating with power plants prescribed in clause 2 Article 5 of this Law in operation to support the regulation of the system according to the list prescribed by the Ministry of Industry and Trade;

c) Other power plants which fail to determine the prices of electricity generation services.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



6. The Minister of Industry and Trade shall elaborate the following contents:

a) Methods of setting, dossiers and procedures for approving prices of electricity transmission services, prices of electricity distribution services, prices of ancillary services for power system, prices of power system dispatch and operation services and prices of electricity market transaction regulation services;

b) Methods of providing guidance on and forms of valuation of transmission grids invested in and built by non-state economic sectors as prescribed in clause 4 Article 5 of this Law.

7. The Minister of Industry and Trade shall approve prices of electricity transmission services, prices of electricity distribution services, prices of ancillary services for power system, prices of power system dispatch and operation services and prices of electricity market transaction regulation services set and submitted by electric utilities.

8. Based on the characteristics of power plants from time to time, the Minister of Industry and Trade shall decide the following contents:

a) Application of the electricity generation price bracket to offshore wind power plants as prescribed in this Law and power plants mentioned in clause 2 of this Law;

b) Multi-component electricity price mechanism, including capacity add-on price, electrical energy price, fixed price, variable price or other prices (if any).

Article 52. Bases for setting and adjusting electricity prices and electricity-related service prices

1. Bases for setting electricity prices include:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) National socio-economic conditions;

c) Electricity supply and demand;

d) Reasonable expenses for electricity production and trading and reasonable profits of electric utilities;

dd) Levels of the competitive electricity market.

e) Annually audited financial statements of electric utilities.

2. The adjustment of average retail electricity price shall be made as follows:

e) The average retail electricity price shall be reflected and adjusted promptly according to actual fluctuations in input parameters to compensate for reasonable and valid expenses and reasonable profits so as to preserve and develop business capital of enterprises in a manner that is appropriate to socio-economic conditions from time to time and levels of the competitive electricity market;

b) When the retail electricity market is operated, the retail electricity price shall be applied according to the market mechanism;

c) The Government shall elaborate point a of this clause.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. Bases for adjusting electricity generation service prices in signed PPAs:

a) Changes to policies and laws promulgated by competent authorities, which adversely affect the legitimate interests of electricity sellers or electricity buyers;

b) Complying with competent authorities’ requests for review and adjustment of electricity generation service prices;

c) An electricity seller is assigned to invest in the construction, upgrade or renovate items (outside the scope of investment management of the electricity generation unit in the signed PPA) to implement planning or to fulfill new requirements for standards and technical regulations as prescribed by law;

d) Optimizing the process for management, production, technological change and innovation in electricity production activities.

Chapter VI

NATIONAL POWER SYSTEM DISPATCH AND OPERATION

Article 53. Principles and requirements for dispatch and operation of national power system

1. The dispatch and operation of national power system shall adhere to the following principles:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Ensure technical constraints of the power system;

c) Meet the requirements for flood management, irrigation, maintenance of minimum flow and downstream water supply as prescribed by law;

d) Implement agreements on electricity output and capacity in PPAs, electricity export and import on the basis of ensuring the safety of the national power system, safeguarding the interests of the State and the People; constraints on primary fuel consumption for electricity generation approved by competent authorities;

dd) Carry out techno-economic optimization of the power system;

e) Ensure fairness in mobilizing capacity and electrical energy of power generation units in the national power system.

2. Technical requirements and requirements for commanding operation of the national power system:

a) Electricity generating equipment, electrical grids and auxiliary equipment connected to the transmission grid and distribution grid must satisfy the requirements for connection and techniques for operation of the national power system;

b) The national power system shall be commanded by a dispatch level vested with controlling rights, including the national dispatch level, regional dispatch level, and distribution dispatch level;

c) Each unit managing and operating the power source and electrical grid shall obey the command of the dispatch level vested with controlling rights; formulate a plan for maintenance and repair of equipment under its management to ensure safe operation and lessen the possibility of incidents, cooperate with relevant units in operation to ensure the safe, stable and reliable operation of the power system.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. The Minister of Industry and Trade shall regulate functions and tasks and grant of controlling rights to the dispatch levels vested with control authority, principles of dispatch and operation, incident handling, black start and restoration of the national power system; requirements for techniques, connection, electricity metering and operation of the electricity transmission and distribution system; directs the formulation of power supply plans, inspection and supervision of power supply and power system operation to balance the electricity supply and demand.

5. The Government shall regulate emergency situations that severely threaten to interrupt electricity supply as specified in clause 3 of this Article.

Article 54. Demand side management

1. Demand side management involves encouraging and providing instructions for shifting of electricity use; saving electricity, reducing electricity loss; lowering peak demand and load difference between peak and off-peak hours.

2. Each electric utility shall conduct electrical load research, design and organize the implementation of the demand side management program to optimize the operation of the power system.

3. Electricity consumers shall participate in the demand side management program to optimize the operation of the power system, decrease the capacity difference between peak and off-peak hours of the power system load profile.

4. The Ministry of Industry and Trade shall design and submit to the Prime Minister for approval a national demand side management program which is appropriate to the socio-economic condition from time to time and includes measures for demand side management, financial mechanism and responsibilities of related parties. The Minister of Industry and Trade shall stipulate the demand side management.

Article 55. Thrift practice in electricity generation, transmission, distribution and use

1. Thrift practice in electricity generation is provided for as follows:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Self-consumption power systems in power plants must be appropriately designed and installed, and used during the operation process in a manner that is satisfies the requirements for self-consumption power saving;

c) The Minister of Industry and Trade shall specify the norms for self-consumption of power plants.

2. Thrift practice in electricity transmission and distribution is provided for as follows: Transmission and distribution lines and electrical substations must meet advanced techno-economic parameters and standards and be operated by optimal methods in order to satisfy the requirements for stable, safe and constant supply of electricity and take into account the economic efficiency of solutions for reducing electrical energy loss.

3. Thrift practice in electricity use is provided for as follows:

a) Organizations and individuals using electricity for production shall improve and rationalize the process for manufacture and application of technologies and electrical equipment with low power consumption to save electricity; maintain the capacity factor according to technical standards and minimize the underload use of electrical equipment;

b) Organizations and individuals that manufacture or import electrical equipment must meet the advanced energy efficiency criteria so as to reduce the cost of electricity, thus contributing to electricity saving;

c) Electricity-using organizations shall promulgate regulations on thrift practice in electricity use within their respective organizations.

Article 56. Electricity metering

1. Electricity sellers, electricity generation units, electricity transmission units and electricity distribution units shall invest in, install and manage all electricity metering devices, auxiliary equipment for electricity metering and systems for collecting and managing metering data, unless otherwise agreed upon by the parties to safeguard their interests in compliance with regulations of law.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. The meter installation positions must ensure safety and aesthetic appearance, and prime electricity buyers to check meter readings and electricity sellers to record meter readings.

4. Electricity metering device owners shall carry out inspection, calibration and testing of metering devices in accordance with the requirements and within the time limit specified by regulations of law on measurement.

5. If it is suspected that the electricity metering device operates inaccurately, the electricity buyer is entitled to request the electricity seller to conduct a check; the electricity seller must completely check, repair or replace it; in case of electricity retailing, the electricity seller must completely check, repair or replace it within 03 days from the date of receiving the electricity buyer's request. In case of disagreeing with the result of the check, repair or replacement by the electricity seller, the electricity buyer may request an electricity authority affiliated to the provincial People’s Committee to carry out an independent inspection. Within 15 days from the date of receiving the request, the electricity authority affiliated to the provincial People’s Committee shall carry out the inspection with an independent inspection organization.

6. The cost of electricity metering device inspection specified in clause 5 of this Article shall be paid as follows:

a) Where the independent inspection organization determines that the electricity metering device has satisfied technical requirements for measurement, the electricity buyer shall pay the inspection cost;

b) Where the independent inspection organization determines that the electricity metering device has failed to satisfy technical requirements for measurement, the electricity seller shall pay the inspection cost and carry out retrospective collection or refund disgorgement of electricity under the signed PPA and regulations of law.

Article 57. Electric power quality assurance

1. Electricity generation units, electricity transmission units and electricity distribution units must meet capacity, electrical energy and electricity supply duration standards laid down in the signed agreements; ensure the compliance of voltage and frequency with technical requirements promulgated by the Minister of Industry and Trade. In case of failure to satisfy the voltage, frequency, capacity, electrical energy and electricity supply duration standards under the signed agreements causing damage to the electricity buyer, the electricity seller must pay compensation to the electricity buyer according to regulations of law.

2. The electricity buyer shall ensure that their electrical equipment operates safely so as not to cause any breakdown to the power system and not to affect quality of voltage and frequency of the electrical grid.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



RIGHTS AND OBLIGATIONS OF ELECTRIC UTILITIES AND ELECTRICITY CONSUMERS

Article 58. Rights and obligations of electric utilities issued with electricity licenses

1. An electric utility issued with the electricity license has the right to:

a) Conduct electricity activities according to the electricity license;

b) Apply for re-issuance, extension, amendment or addition of electricity activities when fully satisfying conditions as prescribed by law;

c) Be provided with necessary information in accordance with regulations of law in the fields covered by the electricity license;

d) Other rights as prescribed by law.

2. An electric utility issued with the electricity license has the obligation to:

a) Conduct electricity activities according to the electricity license;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) Report to the licensing authority at least 60 days before the date on which it stops conducting electricity activities;

d) Do not lease or lend out or arbitrarily modify any content of the electricity license;

dd) Apply for revision to the electricity license after change of its name or registered business address;

e) Report the conduct of licensed electricity activities to the licensing authority before March 01 every year;

g) Other obligations as prescribed by law.

Article 59. Rights and obligations of electricity generation units

1. An electricity generation unit has the right to:

a) Establish connection to the national power system when satisfying the technical conditions and requirements;

b) Request a competent authority to make amendments to relevant technical regulations and techno-economic norms;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



d) Sell electricity to a buyer under an electricity forward contracts, options contracts to buy or sell electricity or electricity futures contracts and offer spot selling prices of electricity on the competitive electricity market;

dd) Be provided with necessary information relating to electricity generation activities;

e) Other rights as prescribed by this Law and other relevant regulations of law.

2. An electricity generation unit has the obligation to:

a) Ensure safe, stable and reliable operation of generating sets and equipment in power plants, prepare sufficient fuel to facilitate the adoption of operation methods and satisfaction of operation requirements of the power system with the aim of ensuring safe and constant supply of electricity;

b) Where human life and safety of equipment are threatened, disconnect or reduce the electricity supply if there is no alternative;

c) Comply with regulations on dispatch and operation of the power system, electrical safety and electricity market;

d) Follow operation methods, command and control orders of dispatch levels vested with controlling rights;

dd) Immediately notify a dispatch level vested with controlling rights, organizations and individuals concerned of any fault in electricity generation;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



g) Report information relating to the readiness and reserve capacity of power plants and related information at the request of the national load dispatch unit, electricity market transaction regulation unit or competent authority;

h) Collect, treat and recycle ash and slag generated from thermal power plants, solar panels, energy storage equipment, wind turbine blades and other discarded electrical equipment in accordance with regulations of law on environmental protection;

i) Other obligations as prescribed by this Law and other relevant regulations of law.

Article 60. Rights and obligations of electricity transmission units

1. An electricity transmission unit has the right to:

a) Establish connection to the national power system when satisfying the technical conditions and requirements;

b) Request a competent authority to make amendments to relevant technical regulations and techno-economic norms;

c) Set and submit prices of electricity transmission services for approval;

d) Provide electricity transmission services as prescribed;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



e) Enter the electricity buyer’s premises to operate, maintain, repair or replace electrical equipment of the electricity transmission unit;

g) Other rights prescribed by this Law and other relevant regulations of law.

2. An electricity transmission unit has the obligation to:

a) Provide transmission services and ancillary services to relevant parties, protect the right of organizations and individuals conducting electricity activities to establish connection to the transmission grid which they are assigned to manage and operate, except where the transmission grid is overloaded as certified by the Ministry of Industry and Trade;

b) Where human life and safety of equipment are threatened, disconnect or request a dispatch level vested with controlling rights to reduce the electricity transmission if there is no alternative;

c) Formulate a plan for investment in transmission grid development and invest in the transmission grid development to satisfy the electricity transmission demands under the PDP and plant to implement PDP; invest in electricity metering devices and auxiliary equipment, unless otherwise agreed with the electricity transmission unit, electricity distribution unit or electricity buyer;

d) Ensure that the electrical grid and equipment under its management are operated in a safe, stable and reliable manner;

dd) Comply with regulations on dispatch and operation of the power system, electrical safety and electricity market;

e) Follow operation methods, command and control orders of dispatch levels vested with controlling rights;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



h) Report information relating to the readiness and reserve capacity of equipment and other related information at the request of the national load dispatch unit, electricity market transaction regulation unit or competent authority;

i) Other obligations as prescribed by this Law and other relevant regulations of law.

Article 61. Rights and obligations of electricity distribution units

1. An electricity distribution unit has the right to:

a) Establish connection to the national power system when satisfying the technical conditions and requirements;

b) Request a competent authority to make amendments to relevant technical regulations and techno-economic norms;

c) Set and submit prices of electricity distribution services for approval; provide electricity distribution services as prescribed;

d) Enter the electricity buyer’s premises to operate, maintain, repair or replace electrical equipment of the electricity distribution unit;

dd) Be provided with necessary information relating to electricity distribution activities;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. An electricity distribution unit has the obligation to:

a) Provide electricity distribution services for electricity consumers, electricity retailers and electricity wholesalers in compliance with technical requirements, and requirements for service quality and safety under agreements, except where the distribution grid is overloaded as certified by an electricity authority affiliated to the provincial People's Committee;

b) Formulate a plan for investment in transmission grid development and invest in the transmission grid development to satisfy the electricity demands according to the electricity supply network development plan in the provincial planning; plan to implement provincial planning containing contents of the electricity supply network development plan; invest in electricity meters and lines transmitting electricity to meters for the electricity buyer, unless otherwise agreed with the electricity buyer;

c) Comply with regulations on dispatch and operation of the power system, electrical safety and electricity market, and operation methods at the request of a dispatch level vested with controlling rights, adjust load, disconnect and reduce electricity supply in accordance with regulations to ensure the power system is operated in a safe and constant manner;

d) Where human life and safety of equipment are threatened, disconnect or reduce the electricity distribution if there is no alternative;

dd) Report information relating to the readiness and reserve capacity of equipment and other related information at the request of the national load dispatch unit, electricity market transaction regulation unit or competent authority;

e) In case of any emergency situation that severely threatens to interrupt electricity supply, the electricity distribution unit shall mobilize backup generators of electricity consumers to maintain the supply to the national power system;

g) Other obligations as prescribed by this Law and other relevant regulations of law.

Article 62. Rights and obligations of electricity wholesalers

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Directly buy electricity from any electricity seller under a power wholesale agreement;

b) Use electricity transmission services, electricity distribution services, power system dispatch services and electricity market transaction regulation services appropriate to each level of the competitive electricity market;

c) Buy and sell electricity on the competitive electricity market under a power wholesale agreement, electricity forward contract, options contract to buy or sell electricity or electricity futures contract; determine the wholesale electricity price within the approved wholesale electricity price bracket;

d) Be provided with necessary information relating to electricity wholesaling activities;

dd) Other rights prescribed by this Law and other relevant regulations of law.

2. An electricity wholesaler has the obligation to:

a) Sell electricity according to the quantity, quality and prices agreed upon in agreements;

b) Pay compensation when causing damage to the electricity buyer or electricity seller according to regulations of law;

c) Abide by regulations on operation of the competitive electricity market and electrical safety; provide necessary information relating to the participation in the competitive electricity market at the request of the national load dispatch unit, electricity market transaction regulation unit or competent authority;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 63. Rights and obligations of electricity retailers

1. An electricity retailer has the right to:

a) Directly buy electricity from any electricity seller under a PPA;

b) Compete to buy and sell electricity on the competitive electricity market under a PPA, electricity forward contract, options contract to buy or sell electricity or electricity futures contract; determine the retail electricity price on the competitive retail electricity market as prescribed;

c) Use electricity transmission services, electricity distribution services, power system dispatch services and electricity market transaction regulation services appropriate to each level of the competitive electricity market;

d) Enter the electricity buyer’s premises to check meters, record their readings, and contact consumers;

dd) Be provided with necessary information relating to electricity retailing activities;

e) Other rights as prescribed by this Law and other relevant regulations of law.

2. An electricity retailer has the obligation to:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Pay compensation when causing damage to the electricity buyer or electricity seller according to regulations of law;

c) Be provided with necessary information relating to the amount of retailed electricity at the request of the competent authority;

d) Inspect the execution of PPAs;

dd) Comply with regulations on operation of the competitive electricity market and electrical safety;

e) Other obligations as prescribed by this Law and other relevant regulations of law.

Article 64. Rights and obligations of the national load dispatch unit

1. The national load dispatch unit has the right to:

a) Command and control electricity generation units, electricity transmission units and electricity distribution units to follow the national power system operation plan and method;

b) Command the handling of emergency or unusual situations in the national power system; mobilize capacity and electrical energy of power plants in the national power system; command the operation of transmission and distribution grids; disconnect or reduce the electricity supply in case the safe and reliable operation of the national power system is threatened;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



d) Set and submit prices of power system dispatch and operation services for approval;

dd) Request relevant electric utilities to provide information on technical specifications, readiness for participation in operation and load carriage of equipment for electricity generation, transmission and distribution; consumers’ electricity demands in order to determine the method for operation of the national power system;

e) Assess the balance between supply and demand of the power system;

g) Benefit from special mechanisms and incentives provided by the Government for the maintenance of infrastructure and other essential systems serving the dispatch and operation of the power system, aiming to satisfy the requirements for operation and contribute to ensuring electricity supply;

h) Be entitled to priority mechanisms and incentives provided by the Government to attract high quality human resources for the dispatch of the power system;

i) Other rights prescribed by this Law and other relevant regulations of law.

2. The national load dispatch unit has the obligation to:

a) Operate the national power system in a safe, stable and economical manner;

b) Comply with regulations on dispatch and operation of the national power system, electricity transmission system and electricity distribution system promulgated by the Minister of Industry and Trade;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



d) Notify the capacity, amount of electricity and ancillary services mobilized for the electricity market transaction regulation unit;

dd) Manage, operate, maintain and service telecommunications and information system infrastructure and specialized systems serving power system dispatch;

e) Promptly report to the Ministry of Industry and Trade and notify the electricity market transaction regulation unit of the emergency or unusual situations which seriously threaten safe and reliable operation of the national power system;

g) Other obligations as prescribed by this Law and other relevant regulations of law.

Article 65. Rights and obligations of electricity market transaction regulation units

1. An electricity market transaction regulation unit has the right to:

a) Operate the spot electricity market;

b) Request related electric utilities to provide data in service of the regulation of electricity market transactions on the competitive electricity market as per regulations of law;

c) Invest in, install, manage and operate the metering data collection system and metering data management system under its management at each level of the competitive electricity market;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



dd) Set and submit prices of electricity market transaction regulation services for approval;

e) Benefit from special mechanisms and incentives provided by the Government for the maintenance of infrastructure and other essential systems serving the operation of the electricity market;

g) Be entitled to priority mechanisms and incentives provided by the Government to attract high quality human resources for the operation of the electricity market;

h) Other rights prescribed by this Law and other relevant regulations of law.

2. An electricity market transaction regulation unit has the obligation to:

a) Comply with regulations on the competitive electricity market;

b) Regulate and coordinate transactions in trading of electricity and ancillary services on the competitive electricity market;

c) Formulate and disclose information about the electricity market operation plans in the coming years, months and weeks, draw up schedules in the coming days and cycles;

d) Set and disclose spot electricity prices and ancillary service prices;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



e) Manage, operate, maintain and service electricity market information system infrastructure and specialized telecommunications and information infrastructure serving power system dispatch and electricity market transaction regulation;

g) Receive, appraise, assess and confirm applications for participation in the electricity market of units wishing to participate in the electricity market;

h) Supervise the registration for participation in the electricity market by its members;

i) Other obligations as prescribed by this Law and other relevant regulations of law.

Article 66. Rights and obligations of electricity consumers

1. An electricity consumer has the right to:

a) Receive adequate amount of capacity and electricity of the quality agreed upon in the agreement;

b) Request the electricity seller to promptly resume the electricity supply after blackouts;

c) Receive compensation for the damage caused by the electricity seller according to regulations of law;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



dd) Be provided with necessary information relating to electricity retailing activities and electrical safety instructions;

e) Select the electricity seller in the competitive retail electricity market;

g) Other rights prescribed by this Law and other relevant regulations of law.

2. An electricity consumer has the obligation to:

a) Pay fully and on schedule electricity bills and adhere to other agreements in the PPA;

b) Use electricity in a safe, economical and efficient manner; implement regulations on and programs for demand side management to ensure the safe and continuous operation of the power system;

c) Use electricity transmission services, electricity distribution services, power system dispatch services and electricity market transaction regulation services appropriate to each level of the competitive electricity market;

d) Comply with regulations on eligible end users and use electricity for its intended purposes specified in the PPA;

dd) Promptly notify the electricity seller of the unusual events that may cause a blackout or threaten safety of people and property;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



g) Investing in behind-the-meter transmission lines to the place of electricity use, except for the case specified in clause 2 Article 17 of this Law; design the electrical system in the project under their management to meet standards and technical regulations as prescribed by law;

h) Ensure electrical equipment satisfies technical requirements and requirements for electrical safety and fire safety;

i) Pay compensation when causing damage to the electricity seller according to regulations of law;

k) Protect the electric meter placed in the location under their management as agreed upon in the PPA; do not arbitrarily remove or move the electric meter. When it is needed to move the electric meter, it is required to obtain the electricity seller’s consent and bear the moving costs; 

l) Other obligations as prescribed by this Law and other relevant regulations of law.

3. A large electricity consumer has the right to:

a) Exercise the rights specified in clause 1 of this Article and use electricity transmission or distribution services as specified in the agreement signed with the electricity transmission unit or electricity distribution unit;

b) When participating in the competitive electricity market, buy electricity directly from the electricity generation unit via a PPA, electricity forward contract, options contract to buy or sell electricity, electricity futures contract or spot agreement on the competitive retail electricity market.

4. A large electricity consumer has the obligation to:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Implement the regime for electricity use at the request of a dispatch level vested with controlling rights, measures to satisfy requirements for electricity quality satisfy and electrical safety and other regulations agreed upon in the PPA and agreement signed with the electricity transmission unit or electricity distribution unit.

Chapter VIII

PROTECTION OF ELECTRICITY WORKS AND SAFETY IN ELECTRICITY FIELD

Section 1. PROTECTION OF ELECTRICITY WORKS AND ELECTRICAL SAFETY

Article 67. Assurance of safety of electricity works

1. Electric utilities, organizations and individuals shall assure safety of overhead transmission lines, underground electrical cables, transformer substations, power plants and other electricity works as prescribed by law. Land users shall enable electric utilities to access electricity works for inspection, repair, maintenance and incident recovery.

2. When constructing, renovating, repairing or expanding any electricity work or other works that may affect each other, the electric utility and related organizations and individuals have the responsibility to:

a) Cooperate in synchronous implementation of measures to ensure electrical and construction safety;

b) Promptly notify a competent authorities, organizations and individuals concerned upon discovering any risk or event that threatens safety of the electricity work;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. When any electricity work or electrical equipment is no longer in operation, it must be handled, dismantled and managed in a safe manner as per regulations of law on construction and law on environmental protection.

4. Ministries, ministerial agencies, Governmental agencies and People's Committees at all levels shall, within their jurisdiction, organize  the implementation of regulations on the assurance of safety of electricity works in this Law and other relevant laws; carry out inspection, prevent, and promptly impose penalties for violations against the law on assurance of safety of electricity works.

5. The Government shall elaborate clauses 1 and 2 of this Article.

Article 68. Safety corridors of electricity works

1. The safety corridor of an electricity work means an area which surrounds the electricity work that needs protecting to ensure the safety of people and electricity work. The safety corridor can be overhead, on the ground, underground, on water or under water depending on each type of electricity work.

2. Electricity work safety corridors include:

a) Safety corridors of overhead transmission lines;

b) Safety corridors of underground electric cables;

c) Safety corridors of transformer substations;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. The use of land within the safety corridor of an electricity work is provided for as follows:

a) Land in the electricity work safety corridor may continue to be used for the purposes determined in accordance with law; land use must not affect the assurance of safety of the electricity work. The land user shall receive compensation and assistance due to restrictions on land use or damage to property attached to land according to the law on land;

b) In case the use of land within the electricity work safety corridor affects the safety of the electricity work, the land user must cooperate with the electric utility in taking remedial measures;

c) If the remedial measures specified in point b of this clause still fail to ensure the safety of the electricity work, the State shall expropriate land and provide compensation as prescribed by law. The compensation, assistance and resettlement upon the State’s expropriation of land within the electricity work safety corridor shall comply with regulations of law on land;

d) Where the safety corridor of an electricity work overlaps that of another work, further actions shall be taken according to the Government’s regulations.

4. The safety corridor of an offshore electricity work is part of the sea area assigned to implement an electricity project. The use of sea area within the safety corridor of the offshore electricity work shall comply with the following regulations:

a) Use marine resources in an economical and efficient manner;

b) Ensure the safety of people, electricity works and other legal activities in service of exploitation and use of marine resources according to regulations of law;

c) Ensure the safety of organisms, wild animals and migratory birds in accordance with the law on biodiversity and treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



6. Trees inside and outside the electricity work safety corridor must maintain a safety distance of electrical discharge by voltage level. In case the growth of a tree encroaches upon the safety distance of electrical discharge, the tree owner and land user must promptly trim the encroaching branches. In case a tree encroaches upon the safety distance of electrical discharge causing a fault in the electrical grid, the tree owner and land user shall, depending on the degree of the damage, incur a penalty as prescribed by law. The electric utility shall cooperate with a local competent authority in trimming trees encroaching upon the safety distance of electrical discharge in areas where the tree owners are unidentifiable.

7. Houses, works and activities must satisfy safety conditions to be permitted to exist within the electricity work safety corridor. The owner or occupier of a house or work which is permitted to exist within the electricity work safety corridor must not use the roof or any part of such house or work in a manner that encroaches upon the safety distance of electrical discharge by voltage level and must comply with regulations on assurance of safety of electricity works upon repair and renovation of houses and works.

8. Houses and works where people live or work are not permitted to exist within safety corridors of overhead transmission lines of 500 kV or higher, except for specialized works in service of operation of such electrical grid.

9. People's Committees at all levels shall, within their jurisdiction, formulate and implement the relocation, resettlement and land clearance plan; provide compensation for loss of land or property; manage and protect the area of land or sea area reserved for projects and electricity work safety corridor.

10. The Government shall elaborate this Article.

Article 69. General regulations on electrical safety

1. Persons who directly build, repair, renovate, manage and operate power systems and electricity works; inspect electrical equipment and instruments and perform other tasks directly related to power systems must be trained in and tested on electrical safety and issued with electrical safety cards.

2. Investors in electricity projects, organizations and units managing, operating, building, repairing and renovating electricity works and conducting activities using electricity for production have the responsibility to:

a) Comply with standards and technical regulations on electrical engineering, electrical safety and regulations of law on electrical safety;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) Organize or hire a sufficiently competent unit to organize electrical safety training and testing and issuance of electrical safety cards to workers in clause 1 of this Article under their management;

d) When an electrical incident or accident occurs, measures must be immediately taken to remedy the incident or accident, provide first aid, evacuate people from the dangerous area and promptly report such to competent authorities;

dd) Follow the regime for reporting of electrical safety and violation of electricity work safety corridors.

3. Manufacturers and traders of electrical equipment and instruments must be responsible for the quality of products and goods according to regulations of law; provide customers with instructions for installation, use, preservation and maintenance of electrical equipment and instruments to ensure safety according to regulations.

4. Electricity shall be used as a direct means of protection only when other protection measures have been applied inefficiently in areas where electric fences are permitted for erection prescribed by the Minister of Public Security and Minister of National Defense and safety conditions set out by the Minister of Industry and Trade must be satisfied.

5. The Minister of Industry and Trade shall promulgate technical regulations on electrical engineering and electrical safety as prescribed in point a clause 2 of this Article; regulate the inspection of safety in electricity generation, electricity transmission, electricity distribution and electricity use.

6. The Ministry of Industry and Trade shall preside over and cooperate with relevant ministries and central authorities and provincial People’s Committees in promulgating and organizing the implementation of the National Program for Safety in Electricity Use.

7. The Minister of Construction shall regulate requirements for power systems for houses and works in accordance with law on construction.

8. Provincial People's Committees shall promulgate regulations on management of safety in electricity use in their provinces; organize inspection of safety in electricity use under regulations of this Law and other relevant regulations of law; disseminate and provide guidance on regulations on management of safety in electricity use to electricity users and raise their awareness of such regulations.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 70. Inspection of technical safety of electrical equipment and instruments

1. Electrical equipment and instruments on the list specified in clause 4 of this Article must be inspected before being put into use. During their use and operation, standards and technical regulations must be satisfied as prescribed by law.

2. The inspection of technical safety of electrical equipment and instruments must be performed by an organization that meets the conditions for provision of inspection services and has its registration of inspection of product and goods quality certified by the Ministry of Industry and Trade in accordance with regulations of law on product and goods quality.

3. The Ministry of Industry and Trade and provincial People's Committees shall, under their authority, audit and examine the inspection technical safety of electrical equipment and instruments.

4. The Minister of Industry and Trade shall regulate the list of electrical equipment and instruments subject to inspection; inspection contents; inspection cycle; inspection process; responsibilities of organizations and individuals for inspection of technical safety of electrical equipment and instruments.

Article 71. Safety in electricity generation

1. Organizations and individuals investing in the construction, management and operation of electricity generation works must comply with general regulations on electrical safety set out in Article 69 of this Law and the following regulations:

a) Regulations on safe environmental distance from residential areas as specified in the law on environmental protection;

b) Standards and technical regulations on construction, electrical engineering, electrical safety, fire safety and environmental protection;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



d) Conduct of periodic technical safety assessment as prescribed by the Minister of Industry and Trade.

2. In the event of electricity-related fire, explosion, incident or accident, the investor or the unit in charge of management and operation shall promptly apply measures to rescue victims from dangerous areas, provide first aid and emergency care for victims; handle and eliminate the possibility that the fire, explosion, incident or accident continues to cause danger so as to reduce damage to people and property; implement measures to ensure electrical safety of forces and means mobilized to handle the fire, explosion, incident or accident; determine the cause and implement remedial measures after fire, explosion, incident or accident according to regulations.

Article 72. Safety in electricity transmission and distribution

1. Investors in electrical substations and electrical grids shall adhere to general regulations on electrical safety set forth in Article 69 of this Law. The construction, management and operation of electrical substations and electrical grids must conform to the construction planning and regulations of law on ensuring safety of railway, road and inland waterway facilities, navigational channels and other relevant regulations of law.

2. At the intersections between overhead transmission lines, roads, railways, navigational channels, inland waterway channels and electrical cables running underground or running in conjunction with other works must maintain a safety distance according to the Government’s regulations. The installation and renovation of other power lines running in conjunction with overhead transmission lines must ensure safety and urban aesthetics and must be permitted by the investor in overhead transmission lines. Investors and units managing and operating overhead transmission lines and underground electrical cables shall establish, manage, maintain and service specialized signals according to the provisions of law.

3. When transferring an electrical grid, the investor must transfer to the unit in charge of managing and operating the electrical grid all technical documents, operation process, maintenance process, minutes of acceptance records, decision on land allocation or land lease and documents relating to compensation, land clearance, compensation for damage due to restrictions on land use, environmental protection and fire safety according to regulations of law.

4. The electrical grid management and operation unit must periodically organize inspection, technical maintenance and repair of electrical grids, ensuring that they operate safely according to regulations; regularly inspect, detect and prevent violations of regulations on electrical safety and electricity work safety corridors and cooperate in adoption of technical solutions and optimal operation to reduce electricity loss during the electricity transmission process.

5. When repairing and maintaining an electrical grid, the electrical grid management and operation unit and the unit responsible for repair and maintenance must fully and correctly implement safety measures according to technical regulations on electrical safety.

6. Lightning protection and earthing equipment and systems of electrical substations, transmission and distributions grids must be installed according to their design, tested, accepted and periodically inspected according to standards and technical regulations on electrical engineering and electrical safety.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. Organizations and individuals using electricity for production must comply with general regulations on electrical safety specified in Article 69 of this Law and the following regulations:

a) Electrical equipment must ensure quality according to corresponding standards and technical regulations;

b) Electrical equipment and instrument systems, lightning protection and earthing systems must be accepted, undergo periodical and surprise inspection and technical safety inspection and be repaired and maintained according to standards and technical regulations on electrical engineering and safety, and other relevant regulations of law. The diagrams of these systems must reflect their actual status and archived together with repair and maintenance documents and inspection records throughout their operation.

c) Electrical grids under management of electricity users must be installed, managed and operated according to standards and technical regulations on electrical engineering and safety, and other relevant regulations of law.

d) Transmission lines must be designed and installed so that production premises are clear and airy, thus avoiding mechanical or chemical impacts which may cause breakdowns. Metal structures of factories, machinery, metal tubes and lightning conductors must not be used as neutral conductors;

dd) The power system in areas where inflammable substances exist must be designed, installed and used according to regulations on fire and explosion prevention and fighting; only specialized equipment and tools for fire and explosion preventing and fighting shall be used as prescribed by law.

2. Every electricity seller shall maintain safe and constant supply of electricity to facilitate production as prescribed by law. At the request of a competent authority, the electricity seller shall inspect safety of electricity consumers’ power systems. In case of detecting any safety risk, preventive measures must be promptly taken or the electricity supply shall be disconnected.

Article 74. Safety in use of electricity for domestic and commercial purposes

1. Agencies, organizations and individuals using electricity for domestic and commercial purposes shall:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Install conductors from electricity meters to houses, works and areas using electricity in such a manner as to ensure quality and safety and not to hinder traffic activities;

c) Provide information about the power systems in houses and works and electricity demand when signing PPAs;

d) Ensure safety of power systems in houses and works which they own, manage or use. Regularly check, promptly repair and replace conductors and electrical equipment that do not meet quality standards. When an electrical incident occurs, measures shall be in place to prevent the fire from spreading to other objects and equipment in the houses and works and the electricity seller and local competent authorities must be promptly notified thereof;

dd) Cooperate with competent authorities in inspecting safety in electricity use.

2. Electricity sellers have the responsibility to:

a) Provide instructions on the installation and use of power systems and electrical equipment to ensure safety; provide electricity consumers with information on risks of threatening safety in electricity use and measures to ensure electrical safety;

b) Apply digital technology to inform electricity consumers of the risks of threatening electrical safety during electricity use;

c) Periodically organize activities to disseminate and provide guidance on regulations on safety in electricity use to electricity consumers and raise their awareness of such regulations;

d) At the request of a competent authority, the electricity seller shall cooperate in inspecting safety of electricity consumers’ power systems. In case of detecting any safety risk, preventive measures must be promptly taken or the electricity supply shall be disconnected as prescribed by law.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Section 2. SAFETY OF HYDROPOWER WORKS

Article 75. Principles of management of hydropower work safety

1. Ensuring the safety of dams and hydropower reservoirs is a top priority in investment in construction, management and operation of hydropower works.

2. Safety management of hydropower works must be performed regularly and continuously throughout the process of survey, design, construction, management, operation and protection of hydropower works in compliance with this Law, law on construction, safety of dams and reservoirs, law on water resources, law on natural disaster management and law on environmental protection.

3. Owners of, organizations and individuals managing and operating hydropower works shall assume responsibility for the safety of hydropower works they own and invest in and shall synchronously apply advanced technical infrastructure solutions to the management and exploitation of hydropower works so as to ensure safety, promote the efficiency in comprehensive exploitation and serving of multiple purposes of hydropower works, thereby contributing to ensuring safety of downstream areas of ​​dams.

4. In case an incident occurs during management and operation of a dam or hydropower reservoir, the investor and the management and operation unit shall cooperate with competent authorities in implementing a response plan and remedial measures to ensure the safety of the dam, hydropower reservoir or downstream area of ​​the dam and bear other responsibilities according to regulations of law.

5. Hydropower works are classified and graded to facilitate the design, construction, management, operation, maintenance, servicing, monitoring and inspection for assurance of their safety.

6. The Minister of Industry and Trade shall promulgate technical regulations on hydropower works.

7. The Government shall elaborate clause 5 of this Article.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. During the construction of a hydropower work, the investor and construction unit must comply with regulations of law on dam and reservoir safety and law on construction.

2. During the construction process of a new hydropower work project, the investor shall tailor a disaster response plan for the hydropower work and downstream area of the hydropower dam, submit it to a competent authority for approval and organize its implementation in accordance with regulations of law on natural disaster management. For an expansion investment project, the investor shall preside over and cooperate with the existing construction management unit in tailoring a disaster response plan for the hydropower work and downstream area of the hydropower dam, submit it to a competent authority for approval and organize its implementation in accordance with regulations of law on natural disaster management.

3. The investor shall organize the establishment of hydropower reservoir operation procedures, emergency situation response plan, hydropower dam and reservoir protection plan, and submit them to competent authorities for appraisal and approval before filling water and assigning them to management and operation organization, electricity, irrigation, water resources and natural disaster management authorities.

4. Before approving the first water filling, the investor must fulfill its responsibilities and obligations according to this Law, law on construction, law on land, law on water resources, law on forestry and law on environmental protection. The first water filling plan must be notified to the authority competent to approve the hydropower reservoir operation procedures and People's Committees at all levels in the locality 10 days before the date of first water storage.

5. The authority to appraise and approve hydropower reservoir operation procedures, emergency situation response plans and hydropower dam and reservoir protection plans is prescribed as follows:

a) The Ministry of Industry and Trade shall appraise and approve the hydropower reservoir operation procedures and hydropower dam and reservoir protection plans for hydropower works of special significance and hydropower works located in at least 02 provinces;

b) Provincial People's Committees shall appraise, approve or decentralize authority to management agencies under their management to appraise and approve hydropower reservoir operation procedures, emergency situation response plans and hydropower dam and reservoir protection plans for hydropower works in areas under their management, except for the subjects specified in point a of this clause.

6. The Government shall elaborate clauses 3 and 4 of this Article; regulate applications and procedures for appraising and approving the procedures and plans specified in clause 5 of this Article.

Article 77. Safety in stage of management and operation

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Operation of hydropower works must comply with inter-reservoir operation procedures, hydropower reservoir operation procedures, emergency situation response plans, and hydropower dam and reservoir protection plans approved by competent authorities;

b) Follow procedures for registration of hydropower dam and reservoir safety; carry out monitoring of hydropower dams and reservoirs, reservoir sedimentation; carry out monitoring of specialized hydrometeorological monitoring; conduct periodic or surprise inspection of works; inspect and evaluate the safety of hydropower dams and reservoirs; formulate a plan for and carry out maintenance, repair, upgradation and modernization of works and equipment; protect and ensure the safety of works and downstream areas of hydropower dams and reservoirs; archive records according to regulations;

c) Install and maintain stable operation of water discharge warning system, surveillance cameras, water level monitoring equipment, online information transmission system and specialized monitoring equipment, and update information and data to the hydropower work operation database system according to regulations;

d) Organize inspection and assessment of hydropower dam and reservoir safety and follow the regime for reporting of hydropower dam and reservoir safety before and after the annual rainy season;

dd) Assign personnel that have appropriate expertise, and receive regular training and refresher courses on knowledge and skills in management of  hydropower dam and reservoir safety to perform management of hydropower dam and reservoir safety

2. Every 05 years or upon any change of the scale of the hydropower work or its item, its owner shall review and adjust hydropower reservoir operation procedures, emergency situation response plan and hydropower dam and reservoir protection plan approved by the competent authority.

3. Prior to the annual rainy season, the competent authority shall inspect the assessment of hydropower dam and reservoir safety by hydropower work owners.

4. The Ministry of Industry and Trade shall build, manage and operate the hydropower work operation database system. The costs of maintenance of the hydropower work operation database system shall be covered by the state budget and other lawful sources of capital according to regulations of law.

5. The Government shall elaborate this Article.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. The protection corridors of hydropower works including dams, reservoirs, energy routes, hydropower plants, other auxiliary works and their vicinity shall be determined according to the class of hydropower works; when adjusting their scale and uses, the vicinity must be adjusted in accordance with law. The vicinity specified in this clause includes the vicinity of dams, vicinity of energy routes and vicinity of hydropower reservoir beds.

2. Each hydropower work owner shall plant hydropower work protection corridor boundary markers and provide funding for planting and maintenance of hydropower work protection corridor boundary markers.

3. Organizations and units managing and operating hydropower works shall implement hydropower work protection plans approved by competent authorities; cooperate with local regulatory bodies to inspect activities conducted within ​​hydropower work protection corridors; promptly report to competent authorities when detecting any activity that poses a risk to the safety of hydropower works.

4. The implementation of a plan to protect significant hydroelectric works related to national security shall comply with this Law and law on protection of significant works related to national security.

5. Any activity within a hydropower work protection corridor shall satisfy requirements for safety of hydropower dams and reservoirs.

6. The exploration and mining of sand and gravel and dredging combined with recovery of minerals in hydropower reservoir beds must ensure safety of hydropower dams and reservoirs as prescribed in clause 5 of this Article and comply with regulations of law on geology and minerals and law on water resources.

7. Any existing work within ​​hydroelectric work protection corridors may continue to be used for their intended purposes determined in accordance with law. In case the existing work affects the safety and operational capacity of the hydropower work, remedial solutions must be implemented according to the requirements laid down by local regulatory bodies; in case of failure to implement remedial solutions, such existing work must be dismantled or relocated according to regulations of law on construction and other relevant regulations of law.

8. The Government shall elaborate clauses 1 and 5 of this Article.

Chapter IX

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 79. Amendments to some Articles and clauses of relevant laws

1. The Law on Construction No. 50/2014/QH13 amended by the Law No. 03/2016/QH14, Law No. 35/2018/QH14, Law No. 40/2019/QH14, Law No. 62/2020/QH14, Law No. 45/2024/QH15, Law No. 47/2024/QH15, Law No. 54/2024/QH15 and Law No. 55/2024/QH15 is amended as follows:

a) Point a clause 2 of Article 52 is amended as follows:

“a) For projects of national significance, Group A projects using public investment capital; PPP projects under regulations of law on investment in public-private partnership form; projects subject to investment guideline approval by the National Assembly or the Prime Minister as prescribed by the Law on Investment, electricity projects that organize bidding to select investors in accordance with the Electricity Law, the formulation of a construction investment pre-feasibility study report is compulsory;”;

b) Point i1 is added after point i and point k clause 2 of Article 89 is amended as follows:

“i1) Offshore installations of offshore wind power projects to which sea area is assigned by a competent authority for project execution;

k) Investors in construction of the works prescribed in points b, e, g, h, i and i1 of this clause, except detached houses prescribed in point i of this clause, shall send notices of the time of construction commencement and construction design dossiers according to regulations to local construction authorities for management.”.

2. Clause 1 Article 3 of the Law on Natural Resources, Environment of Sea and Islands No. 83/2015/QH13 amended by the Law No. 35/2018/QH14 and Law No. 18/2023/QH15 is amended as follows:

“1. Natural resources of sea and islands include biological resources and non-biological resources within seawater column, seabed, subsoil, on sea surface, coastal areas, archipelago, archipelagoes, islands, low-tide elevations and submerged features (hereinafter referred to as “islands”) that belong to sovereignty, sovereign rights and national jurisdiction of Vietnam.”.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2

Natural gas pipeline transportation services and liquefied natural gas storage, regasification, transportation and distribution services for electricity production

The Ministry of Industry and Trade sets specific prices

Article 80. Effect

1. This Law comes into force from February 01, 2025.

2. The Law on Electricity No. 28/2004/QH11 amended by the Law No. 24/2012/QH13, Law No. 28/2018/QH14, Law No.  03/2022/QH15, Law No. 16/2023/QH15 and Law No. 35/2024/QH15 (hereinafter referred to as “the Law on Electricity No. 28/2004/QH11”) shall cease to have effect from the effective date of this Law, except for the case specified in clauses 1, 2, 3 and 4 Article 81 of this Law.

Article 81. Transitional clauses

1. If bidding documents for an electricity business investment project has been approved and issued before the effective date of this  Law, the investor selection, signing and management of performance of the contract for that project shall still comply with provisions of the Law on Electricity No. 28/2004/QH11 and other instruments providing details and instructions about implementation thereof. The Government is required to specify the application of transitional clauses to the bidding for selection of investors for execution of electricity business investment projects.

2. Any PPA signed before the effective date of this Law shall continue to be executed according to the signed agreements. In case there are regulations different from those on the levels of the competitive electricity market in accordance with this Law, the parties must revise the agreement to make it suitable for these levels.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. In case an organization has submitted a valid application for issuance or revision of its electricity operation license to the licensing authority before the effective date of this Law but has not yet been granted an electricity license, the license shall be issued as per the Law on Electricity No. 28/2004/QH11. In case an organization applies for the issuance, revision, re-issuance or extension of its electricity license in accordance with this Law, the license shall be issued as per this Law.

5. Regarding any project on investment in construction of an electrical grid with a voltage of 220 kV or lower passing through at least 02 provinces for which a valid application for approval or adjustment of investment guidelines has been received by the Ministry of Planning and Investment before the effective date of this Law, it may continue to be implemented in accordance with the Law on Investment No. 61/2020/QH14 amended by the Law No. 72/2020/QH14, Law No. 03/2022/QH15, Law No. 05/2022/QH15, Law No. 08/2022/QH15, Law No. 09/2022/QH15, Law No. 20/2023/QH15, Law No. 26/2023/QH15, Law No. 27/2023/QH15, Law No. 28/2023/QH15, Law No. 31/2024/QH15, Law No. 33/2024/QH15, Law No. 43/2024/QH15 and Law No. 57/2024/QH15.

6. For any project on an electrical grid with a voltage of 220 kV or lower passing through at least 02 provinces which has its investment guidelines approved by the Prime Minister before the effective date of this Law and is now subject to investment guideline approval by the provincial People’s Committee as specified in point a clause 2 Article 13 of this Law, the provincial People’s Committee shall be the authority having power to approve adjustments to investment guidelines.

This Law is adopted by the 15th National Assembly of Socialist Republic of Vietnam on this 30th of November 2024 during its 8th session.

 

 

CHAIRMAN OF THE NATIONAL ASSEMBLY




Tran Thanh Man

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Luật Điện lực 2024

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


14.227

DMCA.com Protection Status
IP: 18.189.188.199
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!