Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Tổng hợp văn bản hướng dẫn về di sản văn hóa mới nhất

Di sản văn hóa là một kho tàng quý báu chứa đựng những giá trị tinh thần, vật chất độc đáo của một dân tộc, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

1. Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể

Theo Khoản 1 Điều 4 Luật Di sản văn hóa 2001, được sửa đổi bởi Luật Di sản văn hóa sửa đổi 2009 thì Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác.

Di sản văn hóa phi vật thể bao gồm: Tiếng nói, chữ viết; Ngữ văn dân gian; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Lễ hội truyền thống; Nghề thủ công truyền thống; Tri thức dân gian (Theo Khoản 1 Điều 2 Nghị định 98/2010/NĐ-CP).

Theo Khoản 2 Điều 4 Luật Di sản văn hóa 2001 thì Di sản văn hoá vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, bao gồm di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Di sản văn hóa vật thể bao gồm: Di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia (Theo Khoản 2 Điều 2 Nghị định 98/2010/NĐ-CP).

Mục đích sử dụng của Di sản văn hóa Việt Nam theo Điều 12 Luật Di sản văn hóa 2001 như sau:

+Phát huy giá trị di sản văn hoá vì lợi ích của toàn xã hội;

+ Phát huy truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam;

+ Góp phần sáng tạo những giá trị văn hoá mới, làm giàu kho tàng di sản văn hoá Việt Nam và mở rộng giao lưu văn hoá quốc tế.

Các hành vi bị nghiêm cấm đối với Di sản văn hóa theo Điều 13 Luật Di sản văn hóa 2001, được sửa đổi bởi Luật di sản văn hóa sửa đổi 2009 là:

+ Chiếm đoạt, làm sai lệch di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh;

+ Huỷ hoại hoặc gây nguy cơ huỷ hoại di sản văn hoá;

+ Đào bới trái phép địa điểm khảo cổ; xây dựng trái phép, lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh;

+ Mua bán, trao đổi, vận chuyển trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh và di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc bất hợp pháp; đưa trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài;

+ Lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan và thực hiện những hành vi khác trái pháp luật.

Tổng hợp văn bản hướng dẫn về di sản văn hóa mới nhất (Hình từ Internet)

2. Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu di sản văn hóa

Căn cứ Điều 15 Luật Di sản văn hóa 2001 quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu di sản văn hoá:

Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu di sản văn hoá có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

1. Thực hiện các quy định tại Điều 14 của Luật Di sản văn hóa 2001;

2. Thực hiện các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá; thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp di sản văn hoá có nguy cơ bị làm sai lệch giá trị, bị huỷ hoại, bị mất;

3. Gửi sưu tập di sản văn hoá phi vật thể, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia vào bảo tàng nhà nước hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp không đủ điều kiện và khả năng bảo vệ và phát huy giá trị;

4. Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham quan, du lịch, nghiên cứu di sản văn hoá;

5. Thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Quy định cụ thể tại Điều 14 Luật Di sản văn hóa 2001 như sau:

Tổ chức, cá nhân có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

1. Sở hữu hợp pháp di sản văn hoá;

2. Tham quan, nghiên cứu di sản văn hoá;

3. Tôn trọng, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá;

4. Thông báo kịp thời địa điểm phát hiện di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh; giao nộp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia do mình tìm được cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi gần nhất;

5. Ngăn chặn hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi phá hoại, chiếm đoạt, sử dụng trái phép di sản văn hoá.

Theo đó, ngoài thực hiện các quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đối với Di sản văn hóa thì chủ sở hữu di sản văn hóa có các quyền và nghĩa vụ là: Gửi sưu tập di sản văn hoá phi vật thể, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia vào bảo tàng nhà nước hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp không đủ điều kiện và khả năng bảo vệ và phát huy giá trị; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham quan, du lịch, nghiên cứu di sản văn hoá ...

3. Tổng hợp văn bản hướng dẫn về di sản văn hóa mới nhất

1

Luật di sản văn hóa 2001

Luật Di sản văn hóa 2001 số 28/2001/QH10 có hiệu lực vào 01/01/2002 quy định về các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá; xác định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đối với di sản văn hoá ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các quy định nổi bật là quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân quản lý trực tiếp di sản văn hoá tại Điều 16, tiêu chí của di tích lịch sử - văn hóa tại Điều 28, điều kiện để thành lập bảo tàng tại Điều 49.

2

Luật di sản văn hóa sửa đổi 2009

Luật Di sản văn hóa sửa đổi 2009 số 32/2009/QH12. Các quy định nổi bật được sửa đổi là tiêu chí của di tích lịch sử - văn hóa tại Khoản 9 Điều 1, xếp hạnh di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh tại Khoản 10 Điều 1, thủ tục xếp hạng di tích tại Khoản 12 Điều 1.

3

Nghị định 39/2024/NĐ-CP quy định về biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Nghị định 39/2024/NĐ-CP có hiệu lực vào 01/06/2024 quy định biện pháp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam theo quy định của Luật Di sản văn hóa trong các Danh sách của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) và Danh mục quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể.

Một số quy định nổi bật là tổ chức kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tại Điều 6, tổ chức liên hoan, giới thiệu về di sản văn hóa phi vật thể trong các danh sách của UNESCO và trong Danh mục của quốc gia tại Điều 8, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền tại Điều 12.

 

4

Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo

Nghị định 38/2021/NĐ-CP có hiệu lực vào 01/06/2021 quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Nội dung hành vi vi phạm về di sản văn hóa được quy định tại Mục 5 Nghị định này. Một số quy định đáng lưu ý là vi phạm quy định về bảo vệ di sản văn hóa tại Điều 20, vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh giám định cổ vật tại Điều 21, vi phạm quy định về giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích tại Điều 23.

5

Nghị định 86/2005/NĐ-CP về quản lý và bảo vệ di sản văn hoá dưới nước

Nghị định 86/2005/NĐ-CP có hiệu lực vào 02/08/2005 quy định các hoạt động quản lý và bảo vệ di sản văn hoá dưới nước, bao gồm di sản văn hóa ở vùng nước nội địa, nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, công dân và mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước trong việc quản lý và bảo vệ di sản văn hoá dưới nước.

6

Nghị định 98/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật di sản văn hóa và Luật di sản văn hóa sửa đổi

Nghị định 98/2010/NĐ-CP có hiệu lực vào 06/11/2010 quy định chi tiết việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; việc quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; tổ chức và hoạt động của bảo tàng; việc khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân phát hiện và giao nộp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Các quy định nổi bật là những hành vi vi phạm làm sai lệch hoặc hủy hoại di sản văn hóa tại Điều 4, khuyến khích việc duy trì, phục hồi và phát triển nghề thủ công truyền thống có giá trị tiêu biểu tại Điều 7, phân loại di tích tại Điều 11.

 

7

Nghị định 01/2012/NĐ-CP sửa đổi, thay thế, hủy bỏ quy định có liên quan đến thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Nghị định 01/2012/NĐ-CP có hiệu lực vào 27/02/2012. Nội dung sửa đổi Nghị định số 98/2010/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa được quy định tại Khoản 3 Điều 1. Các nội dung nổi bật là nguyên tắc xác định sở hữu di sản văn hoá dưới nước tại Điều 4, nội dung quản lý nhà nước về di sản văn hoá dưới nước tại Điều 10, đều kiện tham gia thăm dò, khai quật di sản văn hoá dưới nước tại Điều 12.

 

8

Nghị định 93/2023/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể

Nghị định 93/2023/NĐ-CP có hiệu lực vào 15/02/2024 quy định đối tượng, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Các quy định nổi bật là tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tại Điều 7, tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tại Điều 8.

9

Nghị định 166/2018/NĐ-CP quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh

Nghị định 166/2018/NĐ-CP có hiệu lực vào 15/02/2019 quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Một số quy định nổi bật là nội dung Nhiệm vụ lập quy hoạch di tích tại Điều 7, hồ sơ quy hoạch di tích tại Điều 10, nội dung dự án tu bổ di tích tại Điều 15.

10

Thông tư 04/2010/TT-BVHTTDL quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

Thông tư 04/2010/TT-BVHTTDL có hiệu lực vào 15/08/2010 quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các quy định nổi bật là đối tượng kiểm kê tại Điều 4, nội dung kiểm kê tại Điều 5, quy trình tổ chức kiểm kê tại Điều 7.

11

Thông tư 22/2011/TT-BVHTTDL quy định về điều kiện thành lập và hoạt động của cơ sở giám định cổ vật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

Thông tư 22/2011/TT-BVHTTDL có hiệu lực 15/02/2012 quy định về điều kiện thành lập và hoạt động của cơ sở giám định cổ vật tại Việt Nam. Các quy định nổi bật là điều kiện thành lập cơ sở giám định cổ vật tại Điều 5, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động giám định cổ vật tại Điều 8, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động giám định cổ vật tại Điều 10.

12

Thông tư 13/2010/TT-BVHTTDL quy định trình tự, thủ tục đề nghị công nhận bảo vật quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

Thông tư 13/2010/TT-BVHTTDL có hiệu lực 01/03/2011 quy định trình tự, thủ tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận bảo vật quốc gia. Các quy định nổi bật là lập hồ sơ hiện vật đề nghị công nhận bảo vật quốc gia tại Điều 2, gửi hồ sơ hiện vật đề nghị công nhận bảo vật quốc gia tại Điều 3.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 18.97.9.168
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!