Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

07 văn bản quan trọng về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội.

1. Các loại thiên tai

Theo khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống thiên tai 2013 (đã được sửa đổi bởi Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 2020) thì thiên tai bao gồm:

- Bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt;

- Sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy hoặc hạn hán;

- Nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, cháy rừng do tự nhiên, rét hại, mưa đá, sương mù, sương muối, động đất, sóng thần;

- Các loại thiên tai khác.

Thiệt hại mà thiên tai có thể gây ra về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và hoạt động kinh tế - xã hội gọi là rủi ro thiên tai.

2. Cấp độ rủi ro thiên tai

Rủi ro thiên tai được phân thành các cấp độ để làm cơ sở cho việc ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai (về nội dung, thời gian và tần suất); truyền tin về thiên tai; chỉ đạo, chỉ huy, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Dựa vào vào cường độ, phạm vi ảnh hưởng, khu vực chịu tác động trực tiếp và khả năng gây thiệt hại của thiên tai để phân loại cấp độ rủi ro thiên tai.

Theo Điều 6 Nghị định 66/2021/NĐ-CP thì có 05 cấp rủi ro thiên tai, tăng dần về mức độ, bao gồm: Cấp độ 1, cấp độ 2, cấp độ 3, cấp độ 4 và cấp độ 5 (tình trạng khẩn cấp về thiên tai).

Theo khoản 3 Điều 4 Quyết định 18/2021/QĐ-TTg thì cấp độ rủi ro của mỗi loại thiên tai được gắn với một màu đặc trưng trên các loại bản đồ, theo mức độ tăng dần của rủi ro thiên tai:

- Cấp 1 màu xanh dương nhạt là rủi ro thấp;

- Cấp 2 màu vàng nhạt là rủi ro trung bình;

- Cấp 3 màu da cam là rủi ro lớn;

- Cấp 4 màu đỏ là rủi ro rất lớn;

- Cấp 5 màu tím là rủi ro ở mức thảm họa.

3. Tra cứu các quy định mới nhất về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Dưới đây là toàn bộ các văn bản quy định về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hiện hành.

1

Luật phòng, chống thiên tai 2013

Luật phòng, chống thiên tai 2013 số 33/2013/QH13 có hiệu lực kể từ ngày 01/05/2014.

Luật này quy định nhiều nội dung quan trọng về hoạt động phòng, chống thiên tai; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong việc tham gia vào hoạt động phòng, chống thiên tai; quản lý nhà nước và nguồn lực bảo đảm việc thực hiện phòng, chống thiên tai; trong đó, nội dung cụ thể về cấp độ rủi ro thiên tai được quy định tại Điều 18.

2

Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 2020

Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 2020 số 60/2020/QH14 có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2021.

Toàn bộ nội dung tại Điều 1 của Luật này sửa đổi cho Luật phòng, chống thiên tai 2013 số 33/2013/QH13.

3

Nghị định 30/2017/NĐ-CP quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Nghị định 30/2017/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 05/05/2017.

Nghị định này quy định về tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, bao gồm: Hệ thống tổ chức, hoạt động ứng phó; giáo dục, huấn luyện, diễn tập; nguồn ngân sách, phân cấp nhiệm vụ chi ngân sách; trang thiết bị, trang phục; trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế trong ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

4

Nghị định 66/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi

Nghị định 66/2021/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 20/08/2021.

Nghị định này quy định: Trách nhiệm truyền tin, tần suất, thời lượng phát tin, mạng lưới, trang thiết bị thông tin phục vụ hoạt động chỉ đạo, chỉ huy ứng phó thiên tai; phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó thiên tai; tình huống khẩn cấp về thiên tai, các loại dự án khẩn cấp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai; huy động, quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế tham gia hoạt động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai tại Việt Nam; cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ của cơ quan chỉ đạo, chỉ huy về phòng, chống thiên tai và cơ chế phối hợp giữa Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; chế độ, chính sách đối với lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.

5

Quyết định 02/QĐ-TWPCTT năm 2020 về Sổ tay hướng dẫn xây dựng phương án ứng phó tương ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ban hành

Quyết định 02/QĐ-TWPCTT có hiệu lực kể từ ngày 18/02/2020 ban hành Sổ tay hướng dẫn hướng dẫn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị và người dân triển khai xây dựng phương án và các biện pháp ứng phó đối với các loại hình thiên tai trên địa bàn sát với tình hình thiên tai thực tế của từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực ứng phó thiên tai của các tổ chức, đơn vị; nâng cao khả năng phối hợp và hỗ trợ của các lực lượng và chính quyền các cấp nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo phát triển bền vững.

6

Quyết định 1215/QĐ-BXD năm 2020 về Phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai của Bộ Xây dựng

Quyết định 1215/QĐ-BXD có hiệu lực kể từ ngày 14/09/2020 quy định các nội dung xoay quanh việc đưa ra phương án phòng chống thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai chi tiết, cụ thể; phân công nhiệm vụ cho các đơn vị rõ ràng nhằm chủ động trong công tác phòng chống thiên tai.

7

Quyết định 18/2021/QĐ-TTg quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Quyết định 18/2021/QĐ-TTg có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2021.

Chương III Quyết định này quy định cụ thể về các cấp độ rủi ro đối với từng loại thiên tai. Ngoài ra Quyết định còn quy định chi tiết về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 18.216.148.21
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!